Sự Vâng Lời của Ông Nô-ê

303 lượt xem

Chủ đề: Sự Vâng Lời của Ông Nô-ê

Thánh Kinh Tham Khảo:

Sáng Thế Ký 6:11-22
11 Đất bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy dẫy sự hung ác.
12 Này, Thiên Chúa nhìn xem trên đất, thấy nó bại hoại, vì mọi xác thịt làm bại hoại đường lối của chúng nó trên đất.
13 Thiên Chúa phán với Nô-ê: Sự cuối cùng của mọi xác thịt đã đến trước Ta; vì mặt đất đầy dẫy sự hung ác bởi chúng nó. Vậy, Ta sẽ hủy diệt chúng nó cùng đất.
14 Ngươi hãy đóng một chiếc tàu bằng cây gô-phe. Ngươi sẽ làm nhiều phòng trong tàu, rồi trét chai bề trong lẫn bề ngoài.
15 Vậy, ngươi hãy làm thế này: Bề dài tàu ba trăm cu-bít, bề ngang năm mươi cu-bít, bề cao ba mươi cu-bít. [Một cu-bít = 18 inches hoặc 45,72 cm. Tuy nhiên, theo một số nhà khảo cổ thì một cu-bít thời Nô-ê tương đương 22 inches hoặc 55,88 cm.]
16 Ngươi sẽ làm một cửa sổ cho tàu, bề cao một cu-bít, và cửa của tàu thì ngươi sẽ làm bên hông. Ngươi sẽ làm một tầng dưới, một tầng giữa, và một tầng trên.
17 Còn Ta đây, Ta sẽ đem nước lụt khắp trên đất, để hủy diệt mọi xác thịt nào ở dưới trời có hơi thở của sự sống. Mọi vật trên đất sẽ chết.
18 Nhưng Ta sẽ lập giao ước của Ta với ngươi, rồi ngươi sẽ vào trong tàu; ngươi và các con trai của ngươi, vợ của ngươi và các vợ của các con trai ngươi.
19 Mỗi một vật sống của mọi xác thịt, ngươi hãy mang vào trong tàu mỗi loại một cặp, để được sống với ngươi. Chúng sẽ có đực và cái, trống và mái.
20 Loài chim tùy theo loại, loài súc vật tùy theo loại, loài côn trùng tùy theo loại, mỗi loại hai con, sẽ đến với ngươi để được sống.
21 Và ngươi hãy lấy cho ngươi mọi thứ ăn được để ăn. Ngươi sẽ thu thập chúng làm lương thực cho ngươi và các loài đó.
22 Vậy, Nô-ê làm theo mọi điều Thiên Chúa đã truyền lệnh cho ông. Ông đã làm. 

1/ Bài Suy Ngẫm Của Nguyễn Thị Như Huỳnh

Nô-ê là con của Lê-méc thuộc dòng dõi A-đam. Ông là người được Chúa chọn để duy trì dòng dõi cho tất cả loài vật trong đó có loài người chúng ta. Nô-ê so với loài người lúc bấy giờ thì có sự tin kính Chúa, biết vâng lời Ngài, nên Chúa sai dùng ông đóng tàu và đem hết thảy các loài vật mỗi loại một cặp trống và mái để duy trì nòi giống sau này. Chúa biết rõ lòng Nô-ê là người vâng lời và có đức tin nơi Chúa.

Khi ông nghe Chúa truyền bảo ông về việc đóng tàu thì ông không một chút thắc mắc, than vãn vì việc đóng một chiếc tàu lớn sẽ nặng nhọc, mệt mỏi. Ông cũng không từ chối hoặc hứa hẹn với Ngài. Qua sự vâng lời của Nô-ê cho chúng ta thấy tấm lòng và sự kính sợ Chúa, vâng phục mà làm theo của ông, qua đó cũng thể hiện một đức tin lớn ở ông, ông không nghi ngờ Chúa, không một chút thắc mắc mà cứ vâng lời Ngài mà làm theo.

Ngày nay, trong chúng ta có ai đã được Chúa chọn vào một công việc nào đó mà chúng ta đã vâng phục cách hết lòng như Nô-ê, không một sự thắc mắc, chần chừ; dù rằng mình chưa biết công việc đó sẽ như thế nào mà vẫn có đức tin mà vâng phục khi Chúa kêu gọi chưa? Qua tấm gương của Nô-ê cũng cho chúng ta bài học về sự vâng lời cách tuyệt đối, làm với đức tin, mặc dù công việc có khó khăn vất vả nhưng Chúa sẽ ban ơn thêm sức để chúng ta hoàn thành. Đừng chần chừ hay trễ nãi về công việc của Chúa vì Chúa đã sắm sẵn mọi sự cần dùng cho chúng ta, Ngài sẽ chỉ dạy chúng ta và mở đường cho chúng ta có được năng lực để hoàn thành công việc thật tốt, nếu như chúng ta có tấm lòng và hết sức mình mà làm. Nguyện xin Chúa ban ơn thêm năng lực cho các anh chị em chúng ta để có được sự vâng lời giống như Nô-ê trong sự kêu gọi của Chúa.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Nguyễn Thị Như Huỳnh

2/ Bài Suy Ngẫm Của Lê Minh Dương

Chủ đề về vâng lời có lẽ ai trong chúng ta cũng thấy quen thuộc, có khi không muốn suy ngẫm về nó nữa. Bởi lẽ chúng ta đối diện với nó mỗi ngày. Chúng ta cũng đã học qua chủ đề sự vâng lời của ông Giô-sép, chồng bà Ma-ri, dù không đề cập đến sự vâng lời nhưng chủ đề nào cũng có liên quan đến sự vâng lời. Lời Chúa là còn lại đến đời đời và chúng ta cần khoảng thời gian đời đời để học biết, và sự vâng lời của ông Nô-ê trong câu chuyện ngày hôm nay, cũng cần khoảng thời gian đời đời để suy ngẫm về nó. Một điều cần hơn hết là chúng ta phải vâng lời Chúa mỗi ngày.

Câu chuyện này nói đến đất bị bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời, và đầy dẫy sự hung ác, nên Ngài đành phải hủy diệt mọi loài xác thịt ở dưới trời. Nhưng chỉ riêng ông Nô-ê là được ơn trước mặt Chúa, được Chúa kêu gọi đóng một chiếc tàu, tập họp mọi loài xác thịt, và chuẩn bị lương thực để chuẩn bị cho ngày “Tận Thế”.

Nô-ê sống trong một xã hội đầy sự hung ác, tội lỗi, thế nhưng ông vẫn giữ được tình yêu nóng cháy với Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng nên đặt câu hỏi: “Trong đời của ông đầy tràn tội lỗi như vậy, vậy làm sao ông vẫn giữ tấm lòng trọn vẹn đối với Chúa mình như vậy?”

Chúa giao cho ông Nô-ê công việc thì ông đã vâng lời mà không một lời thắc mắc, Chúa bảo sao thì ông làm vậy. Điều đó phải có trên mỗi chúng ta khi đi theo Chúa. Nhưng chúng ta phải làm sao để thực hiện cái mà Chúa giao cho ta hoàn thành một cách trung tín. Như khi xưa dân I-sơ-ra-ên vâng lời Chúa, qua sự dẫn dắt của Môi-se để đến vùng đất Ca-na-an đượm sữa và mật. Khi gặp khó khăn họ đã than trách Chúa, không vâng Lời Chúa và số phận của họ đã ngã xuống trong đồng vắng. Ngày hôm nay chúng ta vâng lời Chúa qua sự dẫn dắt của Người Chăn, vào vùng đất đượm sữa và mật. Nếu chúng ta không biết quý trọng, không biết cảm tạ Chúa, mà lại ngã lòng trước những khó khăn trước mắt, những ai đã được kêu gọi vào vùng đất mới mà trở lui hoặc vì lý do nào đó mà không đi thì tôi nghĩ rằng người đó sẽ thấy hối tiếc vì đã chọn như vậy.

Nô-ê đóng một con tàu rất to lớn, người dân ai cũng có thể thấy, thế nhưng không ai đến với ông để trở lại với Chúa. Chắc hẳn trong thời gian đóng tàu ông đã vừa làm công việc Chúa giao vừa kêu gọi thế gian ăn năn.

Công việc đóng tàu đối với Nô-ê có lẽ là công việc vừa cũ vừa mới. Cũ là vì có thể ông đã biết đóng tàu, mới là vì chiếc tàu quá to và vượt quá sức, cũng như sự hiểu biết của ông.

Tôi có tham khảo trong Thánh Kinh lược khảo, có biết được rằng: “Loài người vốn sống trên bờ một con sông lớn, nên đóng tàu là một trong những công tác đầu tiên của họ. Những tấm bảng chữ tượng hình tỏ ra rằng lúc khởi đầu lịch sử, dân xứ Ba-by-lôn chuyên du hành trên sông và biển. Theo truyền thoại của xứ Ba-by-lôn, thì Nô-ê ở tại Fara, trên sông Ơ-phơ-rát, cách vị trí vườn Ê-đen chừng 70 dặm về phía Tây bắc. Vậy, từ khi còn thơ ấu, Nô-ê chắc đã thông thạo việc đóng tàu và du hành trên sông.” Qua đó có thể ông Nô-ê cũng biết đóng tàu, nhưng cho dù ông không biết, bởi tấm lòng vâng phục mà Chúa sẽ giúp ông hoàn thành chiếc tàu.

Còn việc tập hợp mọi loài xác thịt thì nó không hề đơn giản chút nào. Giữa một biển rừng mênh mông, ông phải tập họp chúng về. Chưa dừng lại ở đó, vì từ lúc gom chúng về, còn phải chăm sóc chúng. Cuối cùng là việc chuẩn bị lương thực. Có lẽ đây là công việc nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn so với hai công việc còn lại, nhưng để tính toán cho số lượng lớn vật nuôi ăn trong khoảng thời gian dài là không hề đơn giản.

Thời điểm của Nô-ê so với chúng ta ngày nay giống ở chỗ đều sắp đến ngày Tận Thế. Ông Nô-ê được Chúa kêu gọi giao cho những công việc, vậy chúng ta được Chúa giao cho công việc gì trong những ngày cuối cùng này? Để hoàn thành ba công việc to lớn kia, chắc hẳn ông Nô-ê cũng phải có một kế hoạch rõ ràng. Trung tín trong việc nhỏ ắt Chúa sẽ giao cho việc lớn. Tôi nghĩ rằng những việc nhỏ ông Nô-ê biết lập kế hoạch rõ ràng, công việc tốt đẹp, nay Chúa giao cho ông việc lớn hơn, quan trọng hơn. Có lập kế hoạch thì chúng ta mới biết mình làm gì mỗi ngày và trung tín mà làm. Đối với chúng ta, chúng ta còn lại khoảng năm năm, vậy chúng ta cũng cần có cho mình kế hoạch năm năm như bài giảng của Người Chăn vừa qua.

Qua câu chuyện trên, tôi không thể nào hiểu hết nỗi nhọc nhằn, vất vả của ông Nô-ê. Công việc của ông quá lớn lao, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian công sức. Cảm tạ Chúa cho tôi cơ hội dự phần xây dựng Đông Viên 1 và bây giờ là Đông Viên 4. Thời gian tôi làm ở đây chưa tới một năm, nhưng nhìn lại những công việc mà tôi đã làm là rất nhỏ so với ông Nô-ê, cho dù tính thêm năm năm nữa có lẽ cũng chẳng thấm gì so với ông.

Qua công việc Chúa giao cho ông Nô-ê, tôi nghĩ rằng, Chúa luôn giao công việc quá sức chúng ta, để chúng ta không phải bởi mắt thấy mà làm, mà Ngài muốn chúng ta lấy đức tin cùng sự hạ mình vâng phục mà làm.

Tấm lòng vâng phục mang tới một sức mạnh, để một người tiếp tục chặng đường còn lại. Còn nếu làm ngược lại nó sẽ từ từ giết chết chúng ta.

Sẽ có lúc chúng ta mệt mỏi, chán trường nhưng cũng là lúc chúng ta thể hiện rõ nhất tấm lòng vâng phục của một người đối với Chúa. Chặn đường còn lại không còn xa, chúng ta hãy cùng nhau vâng lời Chúa, người chăn, trưởng lão và vâng phục nhau như Lời Chúa dạy, để chặn đường còn lại là những ngày có ý nghĩa với chúng ta.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Lê Minh Dương

Để lại một bình luận