Câu Gốc Mỗi Tuần (10/09/2021)

148 lượt xem

202118 Bài Giảng Trong Năm 2021
Giảng cho Thanh Niên
Hỡi Các Thanh Niên

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

“Hỡi các thanh niên! Ta đã viết cho các con, vì các con là mạnh mẽ và Lời của Đức Chúa Trời ở lại trong các con, và các con đã thắng được Kẻ Dữ.” (I Giăng 2:14b).

Trong tiếng Hán Việt, “thanh” có nghĩa là màu xanh tươi của lá cây, “niên” có nghĩa là năm hoặc tuổi. “Thanh niên” có nghĩa là tuổi xanh, hàm ý, lứa tuổi trẻ trung và khỏe mạnh. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh (G3495) thì danh từ được dịch thành “thanh niên” dùng để chỉ những người đã trưởng thành nhưng dưới 40 tuổi. Tuổi trưởng thành trong Thánh Kinh là tuổi 20.

Theo Thánh Kinh thì những người dưới 20 tuổi là trẻ con; những người từ 20 tuổi đến dưới 40 tuổi là thanh niên; những người từ 40 tuổi đến 60 tuổi là tráng niên; và những người trên 60 là lão niên. Thời Cựu Ước, nam công dân I-sơ-ra-ên từ 20 tuổi đến 60 tuổi là lực lượng lao động và phải ghi tên vào danh sách quân nhân.

Theo Thi Thiên 90:10, do Môi-se được thần cảm viết ra, thì tuổi thọ trung bình của đời người nhiều lắm là 80. Dĩ nhiên, đó là trừ một số trường hợp đặc biệt, vì có những người sống tới hơn 100 tuổi, như Môi-se đã sống tới 120 tuổi. Như vậy, theo Thánh Kinh, cuộc đời trung bình của một người có 20 năm được cha mẹ nuôi dưỡng, có 40 năm để tự lập và cống hiến cho xã hội, rồi có 20 năm để an hưởng tuổi già.

Tuy nhiên, trong thực tế xã hội ngày nay, hầu hết các quốc gia đều quy định tuổi trưởng thành là 18 tuổi. Có nghĩa là, khi một người tròn 18 tuổi thì người ấy hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi vấn đề liên quan đến luật pháp. Nhưng ở Mỹ, một người vẫn có thể tiếp tục sống với cha mẹ tới 24 tuổi để hoàn tất việc học đại học, được hưởng các bổn phận và quyền lợi về thuế, về bảo hiểm sức khỏe theo cha mẹ. Cũng ở Mỹ, tuổi về hưu sớm là 62, tuổi về hưu đầy đủ là 66. Người chọn về hưu sớm sẽ hưởng tiền hưu kém hơn người chọn về hưu đầy đủ, vì được hưởng nhiều năm hơn.

Lời Chúa trong I Giăng 2:14b có thể áp dụng cho con dân Chúa trong Hội Thánh tuổi từ 18 đến dưới 40, gọi chung là lứa tuổi thanh niên ngày nay.

Giăng đã nói với các thanh niên trong Hội Thánh rằng, ông đã viết cho họ:

  • Vì họ mạnh mẽ.

  • Vì họ có Lời của Đức Chúa Trời ở lại trong họ.

  • Và vì họ đã thắng được Kẻ Dữ.

Như vậy, mục đích của Sứ Đồ Giăng là nhắc cho các thanh niên trong Hội Thánh nhớ rằng:

  • Trong họ có sức toàn năng của Thiên Chúa, vì thế, họ có thể sống thánh khiết theo Lời Chúa, làm được mọi việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ, và vượt qua mọi nghịch cảnh trong đời sống.

  • Trong họ có Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời nên họ luôn được thánh hóa; luôn được khôn sáng; luôn nhận thức mọi sự, mọi người, theo tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa; luôn biết phải làm gì trong từng hoàn cảnh.

  • Vì trong họ có sức toàn năng của Thiên Chúa và có Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời nên họ đã thắng được Kẻ Dữ (chú ý thời quá khứ hoàn thành được dùng ở đây trong nguyên tác Hy-lạp cho động từ “thắng”). Kẻ Dữ chính là Sa-tan.

Sự mạnh mẽ được nói đến ở đây không phải là sức mạnh thuộc thể mà là sức mạnh thuộc linh, là sức toàn năng của Thiên Chúa do chính Đấng Christ ban cho những ai thuộc về Ngài. Sức mạnh thuộc linh ấy giúp cho con dân Chúa luôn vững vàng trong đức tin; kiên trì chịu đựng mọi nghịch cảnh từ thuộc thể đến thuộc linh; luôn đắc thắng trước mọi sự cám dỗ và mọi sự tấn công của bất cứ kẻ thù nào, dù là loài người hay là ma quỷ.

Khi Phao-lô bị một chứng bệnh tật nào đó trong thân thể xác thịt của ông, ông đã ba lần cầu xin Chúa cất nó khỏi ông, nhưng Chúa đã phán: “Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu” (II Cô-rinh-tô 12:9). Có nghĩa là Chúa đã không cất sự đau yếu ra khỏi Phao-lô, nhưng Ngài đã ban ơn cho ông để ông chịu đựng nó. Sức mạnh của Chúa không chữa lành nhưng khiến cho Phao-lô có thể chịu đựng một cách trọn vẹn sự đau yếu của ông. Chịu đựng trọn vẹn có nghĩa là sự đau đớn và bất tiện của bệnh tật không thể ngăn cản Phao-lô làm thành những gì Chúa muốn ông làm.

Sự mạnh mẽ của con dân Chúa khiến cho con dân Chúa làm được mọi sự trong thánh ý của Đức Chúa Trời. Mỗi một con dân Chúa đều được Đức Chúa Trời sắm sẵn cho những việc lành để họ sống trong những việc lành và làm ra những việc lành:

“Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

“Bước đi trong chúng” là sống trong những việc lành và làm ra những việc lành.

Việc lành chung và căn bản cho tất cả con dân Chúa là sống theo Lời Chúa, tức là vâng giữ các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Sau đó, Chúa sẽ trực tiếp phán dạy cho mỗi người từng việc lành mà Ngài đã sắm sẵn riêng cho từng người. Người chưa sống theo Lời Chúa thì không thể nhận được việc lành riêng mà Chúa đã sắm sẵn cho người ấy.

Có nhiều người muốn làm điều này hay điều kia cho Chúa nhưng đã không bắt đầu bằng sự sống theo Lời Chúa và tìm cầu ý Chúa. Thay vào đó, hễ sự gì trong các mục vụ phụng sự Chúa mà người ấy thích thì người ấy làm; không cần biết là Chúa có kêu gọi mình làm việc ấy hay không. Chính vì thế mà có nhiều người tự lập làm người giảng dạy Lời Chúa, trong khi bản thân chưa có sự hiểu biết căn bản đúng về Lời Chúa; và chưa hề được Chúa giao phó mục vụ giảng dạy Lời Chúa cho người khác.

Khi một người đã có sức toàn năng của Chúa, trở thành người mạnh mẽ trong Chúa thì qua Đấng Christ, người ấy làm được mọi sự Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho người ấy, do Đức Thánh Linh tác động trong thần trí của người ấy để người ấy vừa muốn, vừa làm:

“Vì chính Thiên Chúa tác động trong các anh chị em để các anh chị em vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.” (Phi-líp 2:13).

“Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).

Có những người xưng nhận mình là con dân Chúa mà lại nói rằng, mình không thể vâng giữ các điều răn của Chúa, hoặc mình không thể chịu khổ vì danh Chúa, hoặc mình không thành công trong cuộc sống… Những người không tin Chúa vẫn có thể vận dụng ý chí riêng để chịu khổ và thành công trong cuộc sống, thì tại sao những con dân Chúa luôn có sức toàn năng của Chúa mà lại không thành công? Chỉ có một câu trả lời, là vì người nói như vậy là người chưa thật sự tin Chúa.

Những thanh niên trong Hội Thánh là rường cột trong Hội Thánh, là lực lượng lao động chính để gây dựng Hội Thánh và là những chiến sĩ bảo vệ Hội Thánh. Vì thế, Chúa đã ban cho họ sức toàn năng của Ngài để họ luôn được mạnh mẽ, sống đời sống đắc thắng trong Chúa và phụng sự Chúa đầy kết quả, cùng lúc, bảo vệ Hội Thánh trước mọi sự tấn công hung hãn của bất cứ kẻ thù nào.

Lời của Đức Chúa Trời chính là Thánh Kinh được Ngài ban cho mọi con dân của Ngài. Mỗi một con dân Chúa đều có bổn phận đọc, suy ngẫm ngày đêm, và cẩn thận làm theo (Giô-suê 1:8). Có đọc Lời Chúa thì mới có Lời Chúa để suy ngẫm. Có suy ngẫm Lời Chúa thì mới hiểu biết ý muốn và đường lối của Chúa. Có hiểu biết ý muốn và đường lối của Chúa qua Lời của Ngài thì mới có thể cẩn thận làm theo. Và chỉ khi đó thì Lời Chúa mới thánh hóa chúng ta và ở lại trong chúng ta:

“Các anh chị em hãy là những người làm theo Lời, đừng là những người chỉ nghe mà thôi, tự lừa gạt chính mình.” (Gia-cơ 1:22).

Trước khi Lời Chúa ở lại trong chúng ta thì chúng ta phải đưa Lời Chúa vào trong chúng ta. Chỉ có một cách duy nhất để đưa Lời Chúa vào trong chúng ta là: đọc, suy ngẫm ngày đêm, và cẩn thận làm theo. Trong thực tế, có nhiều người rất thông thạo Lời Chúa, thuộc lòng rất là nhiều câu Thánh Kinh, nhưng không hề cẩn thận làm theo. Vì thế, đời sống của họ chỉ giống như những nhánh nho ra đầy lá tươi tốt mà không hề có trái. Hiểu biết về thuốc, tin vào chức năng trị bệnh của thuốc, có thuốc trong tay, nhưng không dùng thuốc để trị bệnh thì không thể hết bệnh.

Sứ Đồ Giăng dùng thời hiện tại để nói đến sự kiện Lời Chúa ở lại trong các thanh niên. Điều đó hàm ý, trong quá khứ, Lời Chúa đã đến với, đã vào trong thần trí của các thanh niên, vì họ đã đọc, đã suy ngẫm, và đã làm theo Lời Chúa. Còn trong hiện tại, Lời Chúa đang ở lại trong họ, vì thế họ đang ở trong sự thánh hóa bởi Lời Chúa, và đang có sự khôn sáng đến từ Chúa. Điều đó hàm ý, Lời Chúa đã trở thành nguyên tắc sống và động cơ sống của họ. Từ nay, họ chỉ sống nhờ Lời Chúa và làm theo Lời Chúa.

Đức Chúa Trời thánh hóa con dân của Ngài bằng lẽ thật của Ngài, mà Lời của Ngài chính là lẽ thật.

“Xin Ngài thánh hóa họ bởi lẽ thật của Ngài. Lời Ngài là lẽ thật.” (Giăng 17:17).

Được thánh hóa bằng lẽ thật là được lẽ thật giải phóng khỏi ách nô lệ của sự thiếu hiểu biết, sự mê tín dị đoan, sự thờ lạy hình tượng và tà thần, sự lừa dối của ma quỷ, quyền lực và hậu quả của tội lỗi, sự lo lắng và sợ hãi khi đối diện với nghịch cảnh. Người đã được thánh hóa bằng Lời Chúa thì có sự khôn sáng để hành xử trong mọi nơi, mọi lúc, đúng theo Lời Chúa. Vì thế, người ấy luôn bình an trong mọi cảnh ngộ.

Dưới đây là một thí dụ điển hình về sự Lời Chúa thánh hóa con dân Chúa và ban sự bình an cho con dân Chúa. Trong cơn đại dịch COVID-19 hiện nay, Thi Thiên 23, Thi Thiên 91 và các lời này an ủi con dân Chúa, thêm đức tin cho họ, khiến họ được bình an:

“Ta không có phán dặn ngươi sao? Hãy mạnh mẽ và can đảm, chớ run sợ cũng chớ ngã lòng. Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi vẫn ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi.” (Giô-suê 1:9).

“Cho đến chừng các ngươi già cả, tóc bạc, Ta là Đấng sẽ bồng ẵm các ngươi. Ta đã làm ra và Ta sẽ gánh vác. Ta sẽ bồng ẵm và sẽ giải cứu các ngươi.” (Ê-sai 46:4).

“Không phải hai con chim sẻ bị bán với giá một đồng xu sao? Nhưng không một con nào trong chúng rơi xuống đất mà không bởi ý của Cha các ngươi. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã được đếm hết rồi. Vậy, các ngươi đừng sợ, các ngươi có giá trị hơn nhiều con chim sẻ.” (Ma-thi-ơ 10:29-31).

“Chớ lo phiền gì hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, khẩn xin, và sự tạ ơn mà trình các sự mình xin lên Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng của các anh chị em trong Đấng Christ Jesus.” (Phi-líp 4:6-7).

Có nhiều con dân Chúa thật lòng tin Chúa nhưng lại không sốt sắng đọc, suy ngẫm ngày đêm, và cẩn thận làm theo Lời Chúa nên họ thiếu sự hiểu biết Lời Chúa, đức tin yếu đuối, lo lắng, sợ hãi trong nghịch cảnh. Ngay cả khi được các anh chị em trong Hội Thánh khích lệ, góp ý, khuyên bảo thì họ cũng không hiểu được, vì trong họ không có Lời Chúa. Cuộc đời theo Chúa của họ rất là khốn khổ. Họ chỉ được cứu dường như qua lửa, không có sự thỏa lòng trong đời này, không có sự ban thưởng chờ đợi họ trong đời sau.

Khi một người có sức mạnh của Chúa và có Lời Chúa thì đương nhiên người ấy sẽ đắc thắng mọi thử thách đến từ Chúa, đắc thắng mọi cám dỗ và mọi sự tấn công đến từ ma quỷ. Chúa thử thách chúng ta là để rèn luyện đức tin của chúng ta. Chúa có thể tự Ngài thử thách chúng ta như Ngài đã thử thách Áp-ra-ham. Chúa có thể thử thách chúng ta bằng cách cho phép ma quỷ cám dỗ và tấn công chúng ta, như Ngài đã cho phép Sa-tan cám dỗ và tấn công ông Gióp. Nhưng ma quỷ cám dỗ chúng ta để chúng ta vì những sự ham muốn của xác thịt mà phạm các điều răn của Chúa; hoặc ma quỷ tấn công chúng ta để vì những sự hăm dọa hay những sự khốn khổ do ma quỷ gây ra mà chúng ta oán trách Chúa và từ bỏ Chúa. Chúa cũng có thể thử thách chúng ta bằng cách cho phép loài người cám dỗ chúng ta hoặc bách hại chúng ta; như Ngài đã cho phép vợ của Phô-ti-pha cám dỗ Giô-sép, như Ngài đã cho phép Sau-lơ bách hại Hội Thánh.

Danh từ “Kẻ Dữ” hoặc “Ma Quỷ” với hình thức số ít, được viết hoa để chỉ Sa-tan. Con dân chân thật của Chúa, có sức mạnh của Chúa, có Lời Chúa thì đã thắng Sa-tan. Động từ “đã thắng” dùng trong câu này ở trong thời quá khứ hoàn thành. Có nghĩa là sự chiến thắng đã xảy ra và đã hoàn tất. Có nghĩa là cho tới mãi mãi, Sa-tan không thể nào thắng được người có sức mạnh của Chúa và có Lời Chúa. Con dân Chúa đã thắng Sa-tan là đã thắng luôn mọi quỷ sứ của nó.

Cảm tạ Chúa vô cùng, vì Ngài đã ban cho thanh niên trong Hội Thánh sức mạnh của Ngài và Lời của Ngài để họ luôn sống một đời sống sung mãn, vui thỏa, kết nhiều quả trong các mục vụ gây dựng Hội Thánh và bảo vệ Hội Thánh.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời thành tín của sự bình an giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của chúng ta nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23). A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
10/09/2021

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Linh Trình Hành Khúc”
https://karaokethanhca.net/linh-trinh-hanh-khuc/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/

Để lại một bình luận