Niềm Vui của Rô-đơ Khi Nhận Biết Phi-e-rơ Được Chúa Giải Cứu

172 lượt xem

Chủ đề: Niềm Vui của Rô-đơ Khi Nhận Biết Phi-e-rơ Được Chúa Giải Cứu

Câu Gốc:

“Khi nàng nhận biết tiếng của Phi-e-rơ thì đã không mở cổng, vì mừng rỡ, nhưng chạy vào, báo tin Phi-e-rơ đã đứng trước cổng.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:14).

Tham khảo: Công Vụ Các Sứ Đồ 12:1-17.

1/ Bài Suy Ngẫm của Lâm Việt Thành

Lu-ca là tác giả của hai sách Lu-ca và Công Vụ Các Sứ Đồ. Trong bốn sách Tin Lành thì sách Lu-ca nhắc đến nhiều người phụ nữ hơn ba sách còn lại. Nhờ sách Lu-ca mình biết thêm nhiều chi tiết về những người nữ như: bà Ê-li-sa-bét, có nhiều chi tiết về bà Ma-ri hơn, bà tiên tri An-ne, Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri, Ma-thê…

Không biết vì sao Đức Thánh Linh lại thần cảm cho Lu-ca viết về nhiều người phụ nữ như vậy. Có lẽ vì muốn nói lên công lao của người phụ nữ trong thời kỳ đầu gây dựng và phát triển Hội Thánh. Trong phân đoạn Công Vụ Các Sứ Đồ này, Lu-ca lại cho chúng ta biết thêm một người nữ nữa tên là Rô-đơ.

Rô-đơ là đầy tớ của bà Ma-ri, mẹ của Giăng còn gọi là Mác. Ma-ri này là chị gái của Ba-na-ba (Cô-lô-se 4:10). Có thể buổi họp mặt tại nhà của bà có cả Ba-na-ba, Phao-lô và Mác ở đó nữa (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:25).

Nhà bà Ma-ri có lẽ to và rộng vì có chi tiết người đầy tớ chạy báo tin, nếu gần thì có lẽ mọi người đã nghe được tiếng của Phi-e-rơ. Có nhà to, rộng ở thành Giê-ru-sa-lem và có thêm đầy tớ trong nhà mình thì có lẽ bà là người phụ nữ giàu có. Theo một số thông tin thì nhà bà là nơi mà Chúa và các môn đồ của Ngài chọn để làm bữa tiệc cuối. Đến thời điểm này thì có lẽ nơi đây cũng là nơi dành để tụ họp các con dân Chúa, vì khi Phi-e-rơ được thoát ra thì đi về đó để báo tin cho các anh chị em của mình.

Cũng không biết là trong gia đình của bà Ma-ri này ai đã tin Chúa trước hay là cả nhà cùng tin một lượt. Nhưng Rô-đơ thật có phước khi được ở cùng những người tin kính Chúa và được nghe lời giảng từ các sứ đồ của Chúa, trong đó có Phi-e-rơ. Và vì họ là những người kính sợ Chúa nên cách mà họ cư xử với nhau thật tốt, điều đó làm tăng lên lòng yêu quý lẫn nhau. Có lẽ Phi-e-rơ rất yêu quý Rô-đơ và Rô-đơ cũng vậy.

Rô-đơ là người đầy tớ nên phụ trách các việc vặt trong nhà, trong đó có việc đóng cửa mở cửa đón khách. Nàng xuất hiện trong câu chuyện này đem lại một chút niềm vui giữa bầu không khí căng thẳng. Dù thế giới này biến đổi như thế nào thì hoa vẫn nở và vẫn có hương thơm.

Trước khi Phi-e-rơ bị bắt thì Gia-cơ, một trong ba người Chúa yêu đã bị giết hại. Một mất mác lớn trong công việc nhà Chúa. Có lẽ khi Gia-cơ bị bắt họ cũng đã cầu nguyện nhiều nhưng Gia-cơ đã không được giải cứu. Vì vậy mà bây giờ khi Phi-e-rơ bị bắt thì có lẽ mọi người lại càng lo lắng hơn cho Phi-e-rơ.

Vì sao Rô-đơ vui? Có lẽ vì bà yêu quý Phi-e-rơ và nếu Phi-e-rơ mất đi thì cũng là sự mất mát lớn của nhà Chúa. Có lẽ bà cũng cầu xin Chúa nên khi được Chúa đáp lời thì niềm vui tăng thêm nhiều.

Theo một số chi tiết thì mình có thể đoán được đó là lúc khuya, lúc mọi người đang ngủ. Nhưng vì Rô-đơ là đầy tớ nên việc thức canh là chuyện thường ngày nên nhận ra tiếng gõ cửa. Khi vào báo tin thì mọi người nghĩ rằng nàng đang mơ.

Không phải họ mất đức tin nơi Chúa mà có lẽ họ đã không nghĩ rằng Chúa có thể giải cứu Phi-e-rơ cách diệu kì như vậy. Họ không biết rằng lời cầu nguyện của họ được đáp lời một cách vượt trội. Khi bối rối như vậy họ đã không cẩn thận, thiếu đi bình tĩnh nhận định sự việc.

Rô-đơ khác hẳn với những người còn lại. Có lẽ nàng tin Chúa sẽ giải cứu Phi-e-rơ, nàng không lo lắng. Vì vậy khi nghe tiếng Phi-e-rơ nàng đã nhận ra. Có lẽ niềm vui mừng vì được Chúa đáp lời, cộng thêm niềm vui khi biết Phi-e-rơ được cứu làm cho niềm vui của nàng thêm lớn.

Có lẽ vì họ chịu sự mất mát khi chứng kiến Gia-cơ bị xử tử, họ cũng quá lo cho Phi-e-rơ và trong sự lo lắng đó làm họ không còn bình tĩnh, thiếu đi sự nhận định đúng sự việc. Chúng ta lấy đây làm bài học để mình không để sự lo lắng, bâng khuâng nào lấn áp trong tâm trí, mình luôn tin cậy Chúa.

Qua việc các anh chị em trong Chúa thời kì đó cùng hiệp một cầu thay cho Phi-e-rơ, qua niềm vui Rô-đơ mình thấy được họ có sự hiệp một, có sự gắn kết lẫn nhau. Và kết quả là dù sự bắt bớ có tàn khốc thế nào thì họ vẫn đứng vững được. Mình cũng cần như vậy, mỗi cá nhân phải cố gắng, cần ý thức được bổn phận, trách nhiệm của mình. Mình cần cầu thay, thông công, yêu thương lẫn nhau… Điều đó sẽ dẫn đến sự hiệp một càng hơn.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Lâm Việt Thành

Để lại một bình luận