Lòng Kính Sợ Thiên Chúa của Ông Giô-sép.

519 lượt xem

Chủ đề: Lòng Kính Sợ Thiên Chúa của Ông Giô-sép.

Câu gốc:

“Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Thiên Chúa sao?” (Sáng Thế Ký 39:9b).

Thánh Kinh tham khảo: Sáng Thế Ký 39

1/ Bài Suy Ngẫm của Huỳnh Thị Anh

Cũng giống như cha mình là Gia-cốp, Giô-sép hết lòng kính sợ Đức Chúa Trời.

Trong câu chuyện này, Giô-sép bị các anh trai cùng cha khác mẹ bày mưu bán qua xứ Ê-díp-tô làm nô lệ. Giô-sép được Phô-ti-pha một quan thị vệ của Pha-ra-ôn mua về làm đầy tớ.

Giô-sép luôn được Đức Chúa Trời ban ơn. Mọi việc từ tay chàng làm đều được thịnh vượng và chủ Phô-ti-pha của chàng cũng biết được điều đó. Giô-sép cũng được ơn trước mặt chủ của mình. Chủ giao cho Giô-sép cai quản tất cả mọi vật trong nhà, kể cả tài sản của chủ. Vì Giô-sép mà Đức Chúa Trời cũng ban ơn cho mọi vật của người làm chủ. Từ trong nhà cho đến ngoài đồng ruộng.

Giô-sép lúc bấy giờ là một chàng trai mới lớn, được Thánh Kinh ghi lại hình dung đẹp đẽ, mặt mày tốt tươi. Có lẽ vì thế mà vợ chủ luôn tìm cách quyến dụ chàng và bảo chàng nằm cùng. Nhưng chàng không khứng nghe theo.

Sáng Thế Ký 39:7-9

7 Sau các việc này, vợ chủ đưa mắt cùng Giô-sép, mà nói rằng: Hãy lại nằm cùng ta.

8 Chàng từ chối và đáp rằng: Chủ đã giao nơi tay tôi mọi vật của người, và này, chủ chẳng lo biết đến việc gì trong nhà nữa;

9 trong nhà này chẳng ai lớn hơn tôi, và chủ cũng không cấm gì tôi, trừ ra một mình ngươi, vì là vợ của chủ tôi. Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Thiên Chúa sao?

Có lẽ Giô-sép lúc bấy giờ là miếng mồi ngon của ma quỷ. Điều ma quỷ dùng để cám dỗ người ta là tiền tài, địa vị và sắc đẹp. Hội tụ đủ ba yếu tố đó, lại thêm chủ không biết đến mọi việc trong nhà, nhà lúc bấy giờ không có người nào khác. Cũng giống như khi xưa quỷ Sa-tan cám dỗ Đức Chúa Jesus trong đồng vắng, Sa-tan thường tạo cho con người ta một cảm giác an toàn ảo rồi cám dỗ người ta phạm tội. Cái cảm giác an toàn ảo đó là nơi vắng vẻ, không có ai, sẽ không bị ai nhìn thấy. Nhưng chúng ta biết đó, con mắt của Đức Chúa Trời dõi khắp mọi nơi.

“Con mắt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở khắp mọi nơi, xem xét kẻ gian ác và người lương thiện.” (Châm Ngôn 15:3).

Trở lại với Giô-sép, Giô-sép hết lòng kính sợ Thiên Chúa và biết ơn chủ của mình. Chàng nhận thức được trách nhiệm của mình khi được chủ giao cho cai quản mọi thứ của chủ.

Chàng từ chối một cách thẳng thừng: “Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Thiên Chúa sao?”

Hành động cởi áo bỏ chạy khỏi sự cám dỗ là một hành động hết sức khôn sáng của Giô-sép đáng để chúng ta học theo. Mỗi khi đối diện với cám dỗ, đặc biệt là cám dỗ phạm tội tà dâm, chúng ta hãy nhớ đến Giô-sép. Cách tốt nhất để thắng được cám dỗ chính là chạy trốn cám dỗ.

Việc bỏ của chạy lấy người của Giô-sép đã giúp chàng tránh không phạm tội tà dâm nhưng cũng là chứng cứ khiến chàng bị bỏ tù oan. Tuy nhiên, tiếp theo câu chuyện chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã luôn ở cùng và ban ơn cho Giô-sép.

Bị bỏ tù oan, nhìn vào thì thấy cũng thiệt thòi cho Giô-sép thật nhưng đây là khởi đầu cho một cuộc hành trình mới, đưa Giô-sép đến địa vị cao trọng trong tương lai. Vào tù Giô-sép được ơn trước mặt quan cai tù. Cũng giống như ở nhà chủ Phô-ti-pha, Giô-sép được ơn trước mặt chủ, được chủ giao cai quản mọi thứ trong nhà. Nay vào tù Giô-sép được ơn trước mặt quan cai ngục và được cai quản những tù nhân khác.

Về sau, Giô-sép bước ra khỏi nhà tù này, Đức Chúa Trời đã đem chàng lên địa vị cao trọng hơn nữa:

“Pha-ra-ôn lại phán với Giô-sép rằng: Hãy xem! Ta lập ngươi cầm quyền trên cả xứ Ê-díp-tô.” (Sáng Thế Ký 41:41).

Đúng như vậy:

“Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ thì cũng bất nghĩa trong việc lớn. Vậy nếu các ngươi không trung tín về của bất nghĩa, có ai đem của thật giao cho các ngươi? Nếu các ngươi không trung tín về của người khác, ai sẽ cho các ngươi được của riêng mình?” (Lu-ca 16:10-12).

Qua sự việc này, chúng ta thấy được một lẽ thật hiển nhiên khi bước đi theo Chúa là chúng ta luôn phải trải qua nhiều sự thử thách thì mới đến được địa vị cao nhất mà Chúa đặt để cho chúng ta.

Chúa giao cho chúng ta nắm giữ tất cả mọi thứ như: sức khỏe, trí tuệ, thời gian và tiền bạc. Đặc biệt Chúa còn giao quyền cai trị thân thể xác thịt này cho chúng ta nữa. Không khác gì Giô-sép, từ thân phận một người nô lệ, Chúa đặt để Giô-sép cai quản toàn xứ Ê-díp-tô. Chúng ta cũng từng là nô lệ cho tội lỗi, chính Đức Chúa Jesus đã giải phóng chúng ta, đem chúng ta đến địa vị làm con trai, con gái của Ngài. Không những thế, mọi quyết định đều thuộc về chúng ta.

Cám dỗ phạm tội tà dâm là một sự cám dỗ mãnh liệt nhất mà ma quỷ dùng để cám dỗ loài người phạm tội. Vậy nên, chúng ta phải học theo Giô-sép là không chủ quan. Không nên nghĩ rằng: “Mình cũng hết lòng kính sợ Chúa mà! Mình có Chúa, chắn chắn mình không phạm vào cái tội ấy đâu.” Hay là: “Mình theo Chúa bao nhiêu năm, đức tin mình chắc vững mạnh rồi, mình sẽ thắng được cám dỗ ấy…” Nói như vậy liệu mình có quá kiêu ngạo không? Không ai dám chắc mình sẽ thế nào trước cám dỗ.

Như trong sự việc của tôi và anh Minh Dương đây. Trước Chúa và trước Hội Thánh, chúng tôi đã là vợ chồng hứa của nhau. Trong giai đoạn chuẩn bị kết hôn, chúng tôi là miếng mồi ngon của ma quỷ. Có thể nói, chúng tôi là những người hết lòng yêu kính Chúa nhưng chúng tôi không dám tin vào chính mình. Việc vâng lời người chăn, vâng lời trưởng lão, không đặt mình vào tình huống dễ bị cám dỗ là việc làm cần thiết giúp chúng tôi giữ mình thánh sạch trước Chúa. Và chúng tôi thấy rằng việc chúng tôi vâng lời, giữ khoảng cách với nhau là thật tốt và thật ích lợi cho chúng tôi. Cảm tạ Chúa, cảm ơn sự dạy dỗ của người chăn và trưởng lão.

Nếu mỗi ngày chúng ta cứ vững tin vào lời hứa của Chúa, giữ vững đức tin cho đến cuối cùng và hết lòng cậy nhờ ơn Chúa để vượt qua cám dỗ, không dựa vào sức riêng mình, thì một ngày kia chúng ta sẽ được nhìn thấy sự vinh quang của Thiên Chúa chiếu trên chúng ta. Đức Chúa Trời luôn làm ơn cho những ai hết lòng yêu kính Ngài và giữ các điều răn của Ngài. Ngày xưa, Đức Chúa Trời đã làm ơn cho Giô-sép thế nào khi Giô-sép hết lòng kính sợ Thiên Chúa, thì ngày nay Đức Chúa Trời cũng làm ơn cho chúng ta thế ấy nếu như chúng ta hết lòng yêu kính Chúa và hết lòng vâng giữ điều răn và luật pháp của Ngài. Lời hứa đó được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:6, và Chúa gọi những người kiên trì trong sự cám dỗ là người có phước:

“Phước cho người kiên trì trong sự cám dỗ; vì lúc đã được chấp thuận rồi, thì người ấy sẽ nhận mão của sự sống mà Chúa đã hứa cho những ai yêu Ngài.” (Gia-cơ1:12).

Tôi xin kết thúc phần chia sẻ của tôi tại đây. Nguyện bài chia sẻ của tôi sẽ góp phần gây dựng, bổ sung cho bài học của chúng ta hoàn thiện hơn.

Nguyện Đức Chúa Trời Toàn Năng ban ơn, thêm sức để mỗi người chúng ta luôn chiến thắng, vượt qua mọi cám dỗ để đến gần ngôi ơn phước của Ngài.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Huynh Christian Anh

2/ Bài Suy Ngẫm của Lê Minh Dương

Giô-sép do bà Ra-chên sinh ra, con của Gia-cốp. Trong các người con của mình, Gia-cốp yêu thương Giô-sép hơn những con trai khác. Tuổi niên thiếu của Giô-sép, Thánh Kinh cũng không nói nhiều về ông. Nhưng qua những chi tiết đó mà chúng ta thấy phần nào những điều tốt đẹp nơi ông.

Thánh Kinh cho biết, ở tuổi mười bảy, khi biết các anh của mình làm việc xấu thì ông thuật lại với cha của mình. Sáng Thế Ký 37:2 có chép:

“Đây là chuyện dòng dõi của Gia-cốp. Giô-sép, tuổi mười bảy, chăn chiên với các anh mình; người đi kết bạn cùng con trai Bi-la và con Xinh-ba, hai vợ cha mình. Giô-sép thuật lại với cha các chuyện xấu của họ nói.” (Sáng Thế Ký 37:2).

Việc làm này cho thấy, ông không dự phần vào việc ác của các anh mình.

Trong Sáng Thế Ký 37:4 có chép:

“Các anh thấy cha thương Giô-sép hơn bọn mình, sinh lòng ganh ghét, chẳng có thể lấy lời tử tế nói với chàng được.” (Sáng Thế Ký 37:4).

Dù các anh của Giô-sép chẳng ăn ở tử tế với ông, nhưng chúng ta không thấy, ông giận ghét hay là có điều gì ngăn trở ông đến với các anh của mình. Tôi thấy thật ấn tượng điều này. Khi Gia-cốp sai ông đi đến với các anh của mình đang chăn chiên thì ông đi ngay mà không nói lại một lời nào, cho thấy sự vâng phục cha mình và lòng yêu thương các anh của mình, dù trước đó họ không yêu thương ông, chẳng nói được lời nào tử tế với ông. Đức tính rộng lượng của ông cứ theo ông, bằng chứng là ông tha thứ và vẫn yêu thương các anh của mình khi họ đến mua lương thực ở xứ Ê-díp-tô.

Trước khi được cai quản mọi việc trong nhà của chủ ở xứ Ê-díp-tô, thì Giô-sép bị các anh của mình bán cho dân Ích-ma-ên với giá hai mươi miếng bạc. Sự ra đi này của ông một cách bất ngờ, cùng với đó là sự tủi thân, đau lòng. Ông sống không người quen, nơi môi trường xa lạ, được quan thị vệ xứ Ê-díp-tô mua làm đầy tớ. Bằng tấm lòng yêu kính Chúa, hết lòng mà làm việc, nên Chúa ban phước trên mọi việc ông làm, chiếm được lòng tin của chủ, nên được chủ giao mọi sự trong nhà của mình cho ông. Tôi không biết thời trai trẻ Giô-sép có được cha tập chịu khó trong công việc hay không, nhưng đến 17 tuổi ông mới bắt đầu công việc chăn chiên. Ông được cha yêu thương nhiều nhất, được cha bao bọc, có lẽ vì thế mà ông chưa nếm trải nhiều sóng gió, khó khăn trong cuộc sống. Thế mà, cuộc sống đang yên bình, nay ông không còn gì cả, trở thành một đầy tớ nơi đất khách. Còn nỗi đau đớn nào, tủi thân nào cho bằng vào lúc này. Thế mà ông vẫn đứng vững vàng với tuổi còn rất trẻ như vậy.

Khi được Chúa ban cho được cai trị nhà chủ của mình, ông đối diện với sự cám dỗ lớn từ vợ của chủ mình. Sự cám dỗ này tăng lên tột đỉnh khi không có ai trong nhà, và người phụ nữ nắm lấy áo Giô-sép để ép nằm cùng bà. Nhìn cách hành xử không lấy làm khó khăn đối với ông trong việc chiến thắng cám dỗ. Bởi ông đã xác định rõ với lòng mình, dù thế nào ông sẽ không phạm tội cùng Thiên Chúa.

“Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Thiên Chúa sao?” (Sáng Thế Ký 39:9b).

Sự quyết tâm, cùng với sự dứt khoát trong mọi sự cám dỗ là điều ông Giô-sép đã làm.

Khi vợ của chủ cám dỗ, ông đã dứt khoát mà nói không sợ mất lòng, cho đến khi bà kéo áo thì ông cũng dứt khoát chạy đi nơi khác. Giả sử, nếu ông Giô-sép nhìn người phụ nữ đang kéo áo ông thì điều gì sẽ xảy ra. Chắc chắn bà đã ăn mặc để thu hút Giô-sép, tôi tin rằng ông sẽ bị lung lay trước người phụ nữ. Ông Giô-sép không nhìn, không lại gần, và không giao tiếp với người đàn bà dù là một chút, nên ông đã chiến thắng cám dỗ một cách dễ dàng.

Giô-sép thân đơn côi nơi xứ lạ, người thân đối xử bất công, bị người khác hãm hại. Ông không chuẩn bị gì cho mình nơi xứ lạ. Có lẽ điều ông có duy nhất mà ông đã chuẩn bị là tấm lòng yêu kính Chúa, nên dù có xảy ra việc gì thì Chúa cũng giúp ông vượt qua mọi cám dỗ thử thách ở đời này.

Phần lớn chúng ta hiện nay đều rời xa quê hương của mình, nhưng chúng ta có chuẩn bị trước khi đi, chúng ta có anh chị em bên cạnh và còn nhiều hơn thế nữa. So với Giô-sép chúng ta có nhiều thứ quá, còn ông không có gì cả. Cái giống của chúng ta với ông là “xa” quê hương của mình. Cái xa quê hương của ông thì bị ép buộc không chuẩn bị gì, còn chúng ta thì có. Và có lẽ ông hơn chúng ta khi xa quê hương đó là lòng kính sợ Chúa của ông. Ông đến một nơi xa lạ, không tiền, không danh, không có gì cả, bằng tấm lòng kính sợ Chúa mà cả xứ Ê-díp-tô và những nơi khác biết đến danh Chúa.

Nguyện xin Chúa giúp cho chúng con luôn mỗi ngày chuẩn bị một tấm lòng yêu kính Chúa, để dù trong hoàn cảnh nào chúng con cũng đắc thắng, vượt qua, và chúng con cũng mang danh Ngài đến tất cả mọi người xung quanh chúng con. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Lê Minh Dương

3/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Như Huỳnh

Giô-sép là con của ông Gia cốp và bà Ra-chên. Khi ông bị các anh mình hại và bán sang xứ Ê-díp-tô thì ông được Phô-ti-pha là quan thị vệ của vua Pha-ra-ôn mua về. Giô-sép đã được ơn trước mặt chủ mình và được Thiên Chúa ban phước dư dật trên người chủ của ông, nên người chủ rất tin tưởng và giao cả tài sản của mình cho Giô-sép cai quản.

Khi Giô-sép được ơn trước mặt chủ mình thì bị vợ người chủ quyến dụ muốn ăn nằm cùng ông. Nhưng Giô-sép vẫn cứ cương quyết từ chối vì ông có lòng kính sợ Chúa, ông không muốn phạm tội cùng Ngài, mặc dù ở thế gian nếu ông thuận theo ý người vợ mà nằm cùng bà thì cũng chẳng có ai biết được. Nhưng Giô-sép lại không nghĩ như thế, mà ông nghĩ rằng Chúa mình biết và như vậy ông sẽ phạm tội trước mặt Ngài.

Giô-sép không lạm dụng sự tin tưởng của người chủ, lạm dụng quyền cai quản của mình ở trong nhà mà ỷ lại, mặc kệ sự sai trái mà làm điều không đẹp lòng Chúa. Ông nhận biết điều mà người vợ muốn là điều đại ác điều đó sẽ phạm tội cùng Chúa, nên ông kiên quyết từ chối. Ông bỏ chạy, kể cả bỏ lại áo của mình, mà không cần đắn đo suy nghĩ sẽ có điều dữ cho mình sau này.

Tại sao ông lại bỏ chạy mà không phải từ từ đi hay ở lại để nói chuyện cho vợ người chủ hiểu? Tôi suy nghĩ rằng nếu ông nấn ná chần chừ thì có thể ông bị sa ngã chăng? Và vì lòng ông yêu kính Chúa ông sợ phạm tội với Chúa, nên ông không chút suy nghĩ gì mà cứ thế bỏ chạy, việc phạm tội với Chúa làm ông sợ.

Cũng vậy chúng ta ngày nay hãy học theo tấm gương của ông Giô-sép, khi đứng trươc sự cám dỗ hãy cứ bỏ chạy không nên chần chừ nấn ná ở lại, để ma quỷ có thêm cơ hội để cám dỗ, gieo rắc vào tâm trí chúng ta để rồi chúng ta bị sa ngã. Mặt khác, chúng ta cũng đừng đặt mình vào sự cám dỗ dù là dưới hình thức nào. Ông Giô-sép cũng không tự đặt ông vào nơi cám dỗ nhưng ông bị cám dỗ bởi chính nơi mình đang sống. Nhưng ông đã kiên quyết từ chối, không chút suy nghĩ gì mà cứ thế bỏ chạy. Điều đó cũng cho chúng ta thấy được lòng kính sợ Chúa của Giô-sép, khi ông thấy làm điều đó là điều bất chính trước mặt Thiên Chúa thì không vì sự ham muốn xác thịt nhất thời mà bị phạm tội. Thiết nghĩ nếu như ông chiều theo vợ người chủ mà ăn nằm cùng bà thì hậu quả sau này sẽ càng nghiêm trọng hơn, vừa bị hình phạt của thế gian vừa bị Thiên Chúa đoán phạt, cất đi những ơn phước mà ông đã và đang có được. Thậm chí là ảnh hưởng luôn đến cả gia đình người thân của ông sau này vì sự phạm tội của ông.

Ngày nay khi chúng ta bị cám dỗ hãy kêu cầu Chúa, nhân danh Chúa mà xua đuổi những sự cám dỗ đó để Chúa cứu chúng ta, chúng ta không thể dùng sức riêng mình. Luôn luôn có Lời Chúa làm vũ khí cho mình, phải luôn nhắc nhở chính mình biết rằng mọi sự chúng ta làm kể cả suy nghĩ tư tưởng của chúng ta Chúa đều biết cả, nên đừng có ý nghĩ là mình làm thì sẽ không ai biết được, như người thế gian có câu: “thần không biết quỷ không hay.” Và chính những sự phạm tội đó cũng là cái cớ để ma quỷ kiện cáo và càng làm cho ma quỷ đắc chí hơn trước mặt Ngài.

Nguyện xin Chúa ban cho mỗi chúng ta sự yêu kính Chúa, luôn luôn phải có Lời Chúa làm hậu thuẫn và vũ khí để đánh trả lại ma quỷ và học được tấm gương từ Giô-sép luôn bỏ chạy trước những sự cám dỗ, kính sợ Thiên Chúa, sợ phạm tội và luôn muốn làm Ngài đẹp lòng.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Như Huỳnh

4/ Bài Suy Ngẫm của Bùi Quốc Huy

Kính thưa Hội Thánh,

Từ khi Giô-sép bị bán qua xứ Ê-díp-tô, vào trong tay quan thị vệ Phô-ti-pha, ông được Chúa ban phước rất nhiều. Giô-sép được quan thị vệ tin tưởng giao cho việc quản trị cả gia tài của ông, mọi việc Giô-sép làm đều được thịnh vượng. Mặc dầu được Chúa, được chủ của mình yêu thương nhưng không vì thế mà Giô-sép ỷ lại, kiêu ngạo hay làm điều gì sai trái, mà trái lại ông biết giữ mình trong sạch. Cụ thể là Giô-sép nhiều lần bị vợ của chủ mình dụ dỗ để phạm tà dâm, nhưng ông một mực khước từ, dẫn đến ông bị vu oan và ngồi tù oan.

Một người tài giỏi, đẹp trai như Giô-sép mà không bị cuốn vào sự tà dâm, tham lam, kiêu ngạo… thì thật hiếm thấy. Chắc chắn là vì Giô-sép rất kính sợ Chúa nên ông luôn biết giữ mình không phạm tội với Chúa. Chính vì ông kính sợ Chúa nên ông tránh được cái bẫy phạm tà dâm mà vợ của chủ mình đã giăng ra.

“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu vốn một nguồn sự sống, để khiến người ta tránh khỏi bẫy sự chết. (Châm Ngôn 14:27).

Biết bao nhiêu người vì không biết kính sợ Chúa nên họ cứ chú vào những tội ác dẫn đến sự hư mất đời đời.

Khi ở trong tù, Giô-sép tiếp tục được Chúa ban phước, được chủ ngục tin tưởng giao hết tù nhân vào tay ông và mọi công việc ông làm đều thịnh vượng.

Bởi sự kính sợ Chúa mà Giô-sép luôn có sự khôn sáng trong các quyết định của mình, ông biết nên làm gì và không nên làm gì. Cho nên dầu ở đâu, trong hoàn cảnh nào thì Chúa vẫn luôn ở cùng, ban phước cho Giô-sép.

“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu sự khôn sáng; bất cứ người nào làm như vậy thì có trí hiểu. Sự tôn vinh Ngài còn mãi.” (Thi Thiên 111:10).

Là con dân Chúa, chúng ta mỗi ngày càng phải tích lũy sự yêu kính Chúa càng hơn qua các việc làm ích lợi, gây dựng và vì sự vinh quang của Chúa. Càng yêu kính Chúa bao nhiêu thì chúng ta càng được Chúa yêu và ban phước bấy nhiêu. Nguyện tấm gương của ông Giô-sép sẽ giúp ích nhiều cho đời sống theo Chúa của mỗi một chúng ta. Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Quốc Huy

 

Để lại một bình luận