Buổi Nhóm Đặc Biệt_Hôn Nhân trong Chúa và Người Chúa Chọn

190 lượt xem

1/ Bài Chia sẻ của Ban Cố Vấn

Chủ đề: Hôn Nhân trong Chúa và Người Chúa Chọn

Hội Thánh kính mến, các anh chị em Thanh Niên thân mến!

Cảm tạ Chúa! Cám ơn Ban Điều Hành đã có lời mời Ban Cố Vấn chia sẻ trong tuần này. Hôm nay tôi xin đại diện Ban Cố Vấn chia sẻ với các anh chị em. Khi nhận lời chia sẻ tôi cũng chưa biết sẽ chia sẻ về chủ đề gì, tôi có cầu hỏi Chúa, sau đó nhận được góp ý của một người em, mong muốn được chia sẻ về vấn đề hôn nhân. 

Những sự dạy dỗ về bổn phận vợ chồng trong Chúa thì chúng ta đã được người chăn hướng dẫn, dạy dỗ rất nhiều trong các ngày Hôn Lễ của Hội Thánh rồi. Vì vậy hôm nay tôi xin tâm tình chia sẻ cùng các anh chị em về chủ đề “Hôn Nhân Trong Chúa, và Người Chúa Chọn”

Bài chia sẻ của tôi gồm hai phần. Phần đầu, tôi xin gửi đến các anh chị em sự suy ngẫm của tôi về hôn nhân, kèm theo đó là sự trải nghiệm trong cuộc sống hôn nhân của chính tôi.

Hôn nhân trong Chúa là sự kết hiệp trong danh Chúa của một người nam độc thân và một người nữ độc thân có cùng đức tin. Họ đều là những người thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Lời Chúa.

Hôn nhân trong Chúa là một sự khởi đầu

Thông thường trong thế gian, trước khi tiến đến hôn nhân thì các cặp đôi thường tìm hiểu về nhau nhiều nhất có thể. Họ hẹn hò, yêu đương, gần gũi, quan hệ với nhau trước để xem cả hai có hợp về mọi mặt không, thậm chí dọn về sống thử với nhau trước một thời gian rồi mới quyết định cưới. Thế nên kết hôn dường như là bước cuối cùng của một mối quan hệ yêu đương lãng mạn. Khi bước vào hôn nhân, đối mặt với nhiều điều thực tế không như mơ thì họ sẽ vỡ mộng về nhau. Đời sống vợ chồng không có gì mới sau khi kết hôn, tình yêu vợ chồng của họ đa số không kéo dài mãi, mà họ sẽ sống với nhau bởi tình nghĩa, bởi trách nhiệm với con cái. Chính vì thế có rất nhiều cặp vợ chồng quyết định ly dị, hoặc ngoại tình để tìm niềm vui mới.

Hôn nhân trong Chúa là một sự bắt đầu cho một mối quan hệ tuyệt vời. Trước khi kết hôn họ đã yêu thương nhau trong tình yêu anh chị em trong Chúa. Sau khi hứa hôn, cả hai cùng chuẩn bị cho hôn lễ của mình, nhưng cẩn thận gìn giữ cho nhau, để đối phương không bị cám dỗ mà phạm tội, để hôn lễ của họ trước Hội Thánh được thánh sạch, đẹp lòng Chúa. Sau khi kết hôn họ được vui thoả với nhau trong mọi khía cạnh của cuộc sống, vì họ có cùng chung mục đích, cùng muốn sống đẹp lòng Chúa, hơn hết họ được cùng nhau rèn tập nếp sống tin kính Chúa, yêu thương, vâng phục và nâng đỡ cho nhau. 

Vợ chồng chúng tôi, trước khi cưới chúng tôi không có những buổi hẹn hò đi chơi riêng, cũng không có những ngày đi du lịch riêng cùng nhau mà thay vào đó là nhiều chuyến đi thăm viếng đầy phước hạnh cùng Hội Thánh. Mỗi tuần chúng tôi gặp mặt nhau được 2 lần, ngoài ngày Sabat ra thì Chủ Nhật chúng tôi gặp nhau để cùng lo việc chuẩn bị cho hôn lễ, cho cuộc sống sắp tới. Khi gặp riêng thì chúng tôi cẩn thận gìn giữ cho nhau. 

Từ khi bắt đầu là vợ chồng hứa đến khi kết hôn, chúng tôi có khoảng 8 tháng để chuẩn bị cho hôn lễ của mình, tuy rằng thời gian là 8 tháng nhưng thực tế mỗi tuần, thì chúng tôi chỉ có 1 ngày để chuẩn bị, cứ mỗi chủ nhật chúng tôi lại cùng nhau đi tìm thuê nhà, mua sắm đồ đạc, đi đặt nhà hàng cưới, thuê đồ cưới, chụp hình cưới, chuẩn bị chỗ nghỉ cho các cô chú, anh chị em tham dự đám cưới. Tất cả những gì chúng tôi cùng nhau làm là chuẩn bị cho tương lai chung của chúng tôi và hết sức gìn giữ cho nhau. Thế nên sau lễ cưới, thời gian riêng tư của chúng tôi bên nhau là một điều gì đó rất thú vị, chờ đợi, vui thỏa và trên hết là sự cảm tạ Chúa không ngớt vì người vợ, người chồng mà Chúa ban cho mình. Chúng tôi bắt đầu biết về nhau nhiều hơn, yêu thương nhau càng hơn và từ đó mở ra một chuỗi ngày tháng với nhiều niềm vui và hạnh phước khi được ở bên nhau, nhất là cùng nhau rèn tập nếp sống vợ chồng mà chúng tôi được Chúa dạy dỗ qua Thánh Kinh.

 Vợ chồng là sự hiệp một

Trong thế gian, có lẽ hôn nhân là một thỏa thuận trách nhiệm của đôi lứa yêu nhau. Họ yêu nhau và thông qua sự kết hôn cam kết sẽ có trách nhiệm cùng nhau, cùng sinh con, rồi cùng nhau làm việc kiếm tiền để nuôi dạy con cái của mình, chăm lo cho gia đình mình. Nhưng đời sống mỗi người đều có những mục tiêu riêng, lý tưởng riêng, nhất là đối với những người có sự nghiệp riêng lớn thì con đường phát triển sự nghiệp của hai vợ chồng ít khi được cùng nhau. Người vợ, người chồng dường như ngoài sống chung với nhau dưới một mái nhà thì họ vẫn còn có cuộc sống riêng của họ, có bạn bè riêng, có những cuộc vui riêng rồi dẫn đến không ít người có những mối quan hệ riêng và có con riêng.

Còn khi tôi tin Chúa có lẽ điều làm tôi mong muốn có một người vợ tin Chúa là tôi biết rằng, trong cuộc sống vợ chồng, mỗi ý muốn, quyết định đẹp lòng Chúa của tôi, sẽ có sự đồng lòng, đồng hành của vợ tôi, vì chúng tôi cùng tin Chúa, cùng muốn sống đẹp lòng Chúa, và cùng muốn được cất lên giữa không trung khi Đức Chúa Jesus Christ đến để cất Hội Thánh lên. 

Trong công việc hàng ngày của chúng tôi, ngoài thời gian làm việc ở công ty thì đa số chúng tôi đều có nhau trong mọi việc, từ việc riêng của gia đình chúng tôi, đến việc gia đình lớn anh em, bố mẹ hai bên, đến các mục vụ trong Hội Thánh. Chúng tôi có những người bạn chung, những người anh em cùng đức tin chung.

Những việc trong gia đình, chúng tôi không phân định việc nào của đàn ông, việc nào là của phụ nữ, mà tùy vào thời gian và sự thuận tiện mà chúng tôi giúp nhau hoàn tất công việc chung của chúng tôi. 

Tôi làm việc ở ngoài nên khi tan giờ làm trở về thì trên đường tôi sẽ ghé chợ hoặc siêu thị để mua những thứ cần theo danh sách vợ tôi soạn sẵn. Về nhà, giúp vợ tôi sơ chế thức ăn, nếu vợ tôi còn bận làm việc thì tôi sẵn lòng nấu cơm, hoặc dọn dẹp nhà cửa giúp vợ của tôi. Có những khi tan giờ làm, đồng nghiệp rủ tôi đi ăn uống, nhưng tôi đều từ chối hết, tôi chỉ muốn nhanh chóng về với vợ của tôi, cùng em ăn cơm tối, cùng em trò chuyện, cùng chia sẻ với nhau niềm vui, lẫn sự mệt nhọc trong công việc kiếm sống.

Chúng tôi được cầu nguyện cùng nhau mỗi ngày hai bận sáng tối. Cùng nhau đi thăm viếng các anh chị em trong Chúa. Cùng quan tâm, chăm sóc những anh chị em yêu thương của chúng tôi. Giúp đỡ nhau việc nhà để người kia có thêm thời gian làm mục vụ, hoặc chỉ là để người kia có thời gian thảnh thơi nhắn tin, tâm tình, trò chuyện với các anh chị em trong Chúa. Xem bố mẹ của nhau như bố mẹ ruột của mình.

Trong những sự yếu đuối của nhau, chúng tôi giúp nhau nhận ra, cầu nguyện cho nhau và cùng nhau vượt qua, để cùng nhau trở nên mạnh mẽ hơn trong đức tin của mỗi người.

Sự hòa hợp của vợ chồng trong Chúa.

Ngoài thế gian hai người được gọi hợp nhau khi họ có nhiều điểm tương đồng trong tuổi tác, trong tính cách, trong sở thích, nể phục nhau khi thấy người kia vượt trội mình ở thế mạnh của mình.

Còn chúng tôi, chúng tôi cách xa tuổi nhau, tuổi thơ chúng tôi sống ở hai môi trường hoàn toàn trái ngược nhau, vợ tôi sống ở thành phố, còn tôi sống và lớn lên ở một vùng quê. Chúng tôi trưởng thành và nhận được sự dạy dỗ khác nhau, vì thế chúng tôi có tính cách khác nhau, có những thế mạnh và điểm yếu khác nhau. Nhưng trong Chúa, khi chúng tôi là vợ chồng của nhau, thì những điểm ấy lại là sự hợp nhau của chúng tôi. Những điểm mạnh của vợ tôi bổ sung cho điểm yếu của tôi và ngược lại, vậy nên chúng tôi được nâng đỡ từ nhau rất nhiều từ thuộc thể đến thuộc linh, để chúng tôi trở nên trọn vẹn hơn trên bước đường theo Chúa. 

Khi có gia đình trong Chúa, thì những lúc ốm đau trong thuộc thể, khi mệt mỏi trong thuộc linh, hoặc khi có những điều phiền muộn trong lòng không thể nói cùng ai, thì ngoài Chúa, chúng ta sẽ còn có vợ hoặc chồng của mình. Người ấy là một thân vị khác nhưng lại chính là một với chúng ta, người luôn lắng nghe, thấu hiểu và nâng đỡ chúng ta những khi yếu đuối, quở trách những khi lầm lạc, và ở bên cạnh, cùng chúng ta dâng trình lên Chúa những lời cầu xin. 

Tôi biết rằng trong mỗi chúng ta có những sự yếu đuối và sự mạnh mẽ khác nhau, chính vì vậy mà Chúa chọn và kết hiệp cho mỗi người một cách tốt nhất trong sự biết trước của Ngài.

Điều quyết định tình yêu vợ chồng trong Chúa.

Trong đời sống vợ chồng của chúng tôi, cũng có nhiều lúc chúng tôi làm buồn nhau, những khi tôi làm vợ buồn lòng thì em nói với tôi, khi tôi sai tôi sẽ xin lỗi em và thay đổi. Có những khi vợ tôi làm tôi buồn giận, tôi cầu nguyện với Chúa thì Chúa cho tôi nhớ lại trong ngày cưới của chúng tôi, trước Chúa, trước Hội Thánh, Gia Đình và bạn bè của tôi, tôi đã hứa nguyện với đại ý rằng, tôi sẽ yêu vợ như Chúa yêu tôi. Khi đó tôi liền nói với vợ những điều vợ làm cho tôi buồn, để chúng tôi trở lại hiệp một và hiểu nhau hơn. 

Và tôi nhận ra rằng: điều giúp chúng tôi giữ trọn vẹn tình yêu vợ chồng với nhau chính là chúng tôi cần phải yêu kính Chúa, đặt Chúa trên hết mọi sự. Bởi vì chúng tôi vẫn đang trong quá trình thánh hoá, chỉ cần chúng tôi luôn sống theo những gì Chúa dạy thì mọi điều trong đời sống chúng tôi sẽ tràn đầy những phước hạnh Chúa ban.

Như vậy, điều giúp cho tình yêu của chúng tôi luôn tươi mới và tràn ngập phước hạnh, đó chính là tình yêu giữa chúng tôi với Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, khi tôi yêu Chúa, thì tình yêu của Chúa ở trong tôi, giúp tôi yêu vợ, yêu anh chị em cùng Cha, yêu người lân cận ngày càng nhiều hơn.

Khi tôi suy ngẫm, để chia sẻ lại sự trải nghiệm và phước hạnh của hôn nhân trong Chúa cho các anh chị em, thì tôi không thể diễn đạt hết được những sự phước hạnh ấy bằng câu chữ hay lời nói. Tôi mong rằng, trong những ngày cuối cùng ở thế gian này, khi có những sự khó khăn sẽ đến, khi ma quỷ giận hoảng mà tấn công càng lúc càng nhiều vào Hội Thánh, thì các anh chị em ai cũng có một người vợ, người chồng để đồng hành cũng mình, cùng nâng đỡ nhau trên bước đường theo Chúa. Như trong Truyền Đạo 4:9-12 có chép:

Hai người hơn một, vì sẽ được công giá tốt về việc làm của họ. Vì nếu họ ngã, thì một người sẽ đỡ bạn mình lên. Khốn cho kẻ ở một mình khi bị ngã, mà không có người khác đỡ mình lên! Cũng vậy, nếu hai người ngủ chung thì ấm; còn một mình thì làm sao ấm được? Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thể chống cự nó; một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt.” (Truyền Đạo 4:9-12).

Trên đây là điều Chúa dạy dỗ tôi và sự trải nghiệm về hôn nhân trong Chúa của tôi.

Tiếp theo tôi xin chia sẻ phần hai

Phần hai: Người Chúa Chọn.

Về phần này tôi xin chia sẻ dưới dạng hỏi đáp, các anh chị em có thể cùng tham gia để chia sẻ sự hiểu biết của mình. Sau mỗi câu hỏi tôi sẽ chờ tầm 30 giây để các anh chị em có thời gian suy ngẫm, nếu các anh chị em có câu trả lời xin giơ tay, nếu không tôi sẽ đưa ra câu trả lời.

Người như thế nào thì được gọi là người Chúa chọn cho mình?

Theo tôi hiểu chỉ cần hai người nam, nữ độc thân, đủ tuổi kết hôn, cùng tin Chúa và đồng ý trở thành vợ chồng của nhau, thì họ là người Chúa chọn cho nhau.

Khi các bạn độc thân, đã sẵn sàng kết hôn và mong muốn có một người vợ, người chồng trong Chúa thì cần làm những gì?

Trong kinh nghiệm của tôi khi tôi muốn có một người vợ trong Chúa tôi chỉ làm hai bước sau:

  • Đầu tiên tôi bền lòng trong sự cầu nguyện, mỗi ngày hai lần sáng tối tôi đều dâng lời cầu nguyện lên Chúa. Trong lời cầu xin của tôi, tôi không đặt một tiêu chuẩn nào ngoài tiêu chuẩn xin Chúa ban cho con một người kính sợ Chúa.
  • Bước tiếp theo là tỏ tình với người mà tôi được cảm động.

Nhà cửa và tài sản là cơ nghiệp của tổ phụ để lại; còn một người vợ khôn sáng do nơi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà đến.” (Châm Ngôn 19:14).

Ai tìm được một người vợ, tức tìm được một điều phước. Và hưởng được ân điển của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Châm Ngôn 18:22).

Có phải người nam cần có một công việc ổn định, có một chút về tài chính rồi hẵng nghĩ đến chuyện kết hôn hay không?

Theo tôi khi chúng ta có một công việc ổn định, hoặc có sẵn một chút tài chính để lo cho gia đình tương lai là một điều tốt, nhưng đó không phải là điều kiện buộc phải có để chúng ta lập gia đình. Vì trong cuộc sống đi theo Chúa của chúng ta, có ăn có mặc là thoả lòng, và Chúa chính là Đấng biết trước các nhu cầu của chúng ta, chỉ cần các anh chị em tín kính Chúa và chăm chỉ làm việc, không ngại khó khăn thì Ngài luôn ban ơn cho chúng ta để chúng ta có khả năng chăm sóc gia đình của mình.

Trong trường hợp của tôi, tôi tỏ tình với Minh Anh khi tôi chưa học xong khóa học sau đại học, tôi chưa có việc làm và cũng không có sẵn trước một số tiền nào. Nhưng sau đó Chúa ban ơn trên công việc của tôi, để chúng tôi cùng nhau chuẩn bị cho hôn lễ và cuộc sống sau này.

Nếu một bạn nữ được một bạn nam tỏ tình, thì bạn nữ sẽ hành xử thế nào? 

Loại bỏ trường hợp một trong hai người có vấn đề về thuộc linh, nếu cả hai đều là người yêu kính Chúa, thì khi bạn nữ cũng có ý với bạn nam thì hẳn các bạn sẽ biết làm gì rồi. Cảm tạ Chúa, hai bạn chính là người Chúa đã chọn cho nhau.

Nếu bạn nữ chưa sẵn sàng bởi nhiều lý do như: 

  • Người nữ chưa nghĩ đến việc kết hôn hoặc chưa có nghĩ gì đến bạn nam ấy.
  • Người nữ trong lòng đã có đối tượng khác.
  • Người nữ chưa muốn kết hôn ở thời điểm này.

Thì bạn nữ có thể làm theo các bước sau:

  1. Cảm ơn bạn nam đã dành tình cảm đặc biệt cho mình, nói cho bạn nam biết mình chưa sẵn sàng và cần thêm thời gian để tìm biết ý Chúa.
  2. Trân trọng và nghiêm túc suy ngẫm lời tỏ tình của bạn nam ấy, cầu nguyện xin Chúa bày tỏ cho mình biết bạn nam ấy có phải do Chúa ban cho con không?
  3. Nên mau chóng trả lời cho bạn nam biết mình đồng ý, hay không thể tiếp nhận lời tỏ tình của bạn nam. Việc thẳng thắn hồi đáp lời tỏ tình, là bày tỏ tình yêu thương chân thật của anh chị em trong Hội Thánh, giúp người nam thôi ở trong tâm trạng không yên lòng “không biết bạn nữ kia nghĩ sao về mình, nuôi hy vọng mà không biết khi nào có câu trả lời,..”

Nếu bạn nam tỏ tình nhưng bị từ chối thì cách ứng xử của bạn nam phải như thế nào?

Tôi xin đọc lại câu trả lời của câu 1:

“Theo tôi hiểu chỉ cần hai người nam, nữ độc thân, đủ tuổi kết hôn, cùng tin Chúa và đồng ý trở thành vợ chồng của nhau, thì họ là người Chúa chọn cho nhau.”

Tôi tin rằng các anh em ai cũng mong muốn tìm được người vợ Chúa chọn cho mình, nếu khi mình bị từ chối nghĩa là người nữ không đồng ý trở thành vợ chồng với mình hay đó không phải người Chúa chọn cho mình. Vậy thì các anh em tiếp tục cầu nguyện xin Chúa dẫn dắt để mình tìm được người Chúa chọn. 

Còn cách ứng xử với bạn nữ: 

  1. Hãy cảm tạ Chúa vì người nữ đã thẳng thắn cho mình câu trả lời chân thật.
  2. Cầu nguyện xin Chúa giúp mình thôi có những tình cảm nam nữ với người chị em ấy.
  3. Đối xử với bạn nữ ấy như các bạn nữ khác trong Hội Thánh.

Cuối cùng tôi xin trích một đoạn trong bài giảng của người chăn với tựa đề:  “Sự Hiệp Một của Vợ Chồng” để kết thúc cho bài chia sẻ của tôi.

Nhu cầu hiểu biết về tình yêu của Chúa, khiến cho loài người hiệp một với nhau thành vợ chồng, để qua tình yêu và sự hiệp một của vợ chồng, họ được hiểu biết càng hơn về tình yêu và sự hiệp một giữa Đấng Christ với Hội Thánh.

Nói tóm lại, sự hiệp một của vợ chồng là ý muốn và mệnh lệnh của Đức Chúa Trời đối với loài người, ngoại trừ những người được Ngài kêu gọi sống độc thân.

Nguyện xin Chúa ban cho các anh chị em đang độc thân, mà không được Chúa kêu gọi sống độc thân, ai nấy đều sớm tìm được một nửa của mình, để được vui hưởng, được nếm trải sự phước hạnh trong đời sống vợ chồng, cùng nâng đỡ lẫn nhau trên bước đường về nhà Chúa. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Văn Vũ

2/ Bài Tâm Tình của Nguyễn Thị Thùy Linh Qua Ba Chủ Đề

Kính thưa Hội Thánh,

Kính thưa anh chị em trong Ban Thanh niên,

Cảm tạ ơn Chúa đã ban cho Ban Thanh Niên chúng ta trong tháng sáu vừa qua được học Lời Chúa qua các chủ đề về những tấm gương trong Thánh Kinh và những sự dạy dỗ khuyên bảo của Chúa qua ngụ ngôn.

Trong tháng sáu vừa qua tôi thấy cả ba chủ đề đều rất hay. Chủ đề về Sự Phản Bội của Một Sứ Đồ, Lòng Can Đảm của Bà Ê-xơ-tê và Tấm Lòng Khoan Nhẫn của Người Cha.

Trong ba chủ đề đã học qua, có hai chủ đề khiến tôi để lòng suy ngẫm và rút ra bài học cho bản thân một cách thực tế, đó là chủ đề Sự Phản Bội của Một Sứ Đồ và Lòng Khoan Nhẫn của Người Cha.

Về chủ đề Sự Phản Bội của Một Sứ Đồ chúng ta cùng nhau học về tấm gương cần phải tránh của ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Nhờ Thánh Kinh ghi chép lại mà chúng ta biết được sự kiện ông ấy đã phản bội và kết liễu cuộc đời mình. Khi đọc đến thì chúng ta thấy ông này thật đáng trách khi đã đem lòng phản bội và tự ăn năn theo ý riêng. Tôi suy ngẫm:

Thật ra chúng ta ngày nay cũng không khác gì ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt cả. Ngay cả khi chúng ta xưng mình là con dân của Chúa, nói rằng yêu Chúa, thương mến Ngài. Nhưng nếu chúng ta chưa thật sự đầu phục Chúa và chưa thật sự chết đi con người cũ thì hằng ngày chúng ta vẫn đang phản bội Thiên Chúa. Chúng ta phản bội bằng các hành động như, xem mình là tôn trọng hơn người khác, không yêu thương anh chị em mình như Chúa đã yêu, làm theo ý riêng và yêu những thứ khác ở thế gian này hơn yêu Chúa, tự ái không đúng và yêu cái tôi của mình…đó tất cả là những điều mà chúng ta phản bội Chúa. Bởi vì sao? Bởi vì chúng ta làm ngược lại, không sống đúng theo Lời Chúa đã dạy dỗ mà chúng ta lại xưng mình là con dân Chúa, nhận rằng yêu kính Chúa.

Tôi học được một điều đó là không phải ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt bị hư mất vì ông ấy phản bội, bởi vì thực tế bản chất của loài người khi bị nhiễm tội là xấu xa như vậy, ai cũng đồng một án phạt là hư mất như nhau cả, nhưng ông Giu-đa-ích-ca-ri-ốt hư mất là bởi vì ông đã ăn năn theo ý riêng mà tự kết liễu cuộc đời mình, đó mới là vấn đề mà chúng ta cần chú ý đến. Tại sao ông Phi-e-rơ cũng chối Chúa, nhưng cách ông ấy ăn năn thì khác với Giu-đa Ích-ca-ri-ốt? Vấn đề chú ý ở đây là cách thức ăn năn. Ai trong chúng ta cũng không tránh khỏi những lần lâm vấp trên môi miệng, phạm tội do yếu đuối hay vô tình, đều là tội, không có tội nào nặng hơn tội nào, nếu chúng ta không ăn năn thì cùng nhận lãnh một hình phạt như nhau, đó là sự chết. Nhưng sẽ khác biệt nếu một người ăn năn theo ý Chúa thì sẽ khác với người ăn năn theo ý riêng.

Ăn năn theo ý Chúa là sự ăn năn bằng thần trí, tan nát cõi lòng mình, đau thương, hối tiếc cho sự phạm tội của mình và không bao giờ muốn tái phạm nữa.

Ăn năn theo ý riêng là ăn năn bằng lý trí, ăn năn trên môi miệng cho qua, xong chuyện, hoặc tự kết liễu đời mình vì cho rằng mình quá xấu xa gian ác.

Thực tế trước mặt Đức Chúa Trời ai cũng là tội nhân, xấu xa gian ác như nhau cả. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ yêu mến và tha thứ cho những ai hết lòng cải hối mà cần sự tha thứ, cần ân điển của Thiên Chúa thương ban cho mình.

Tôi học được bài học rằng nếu tôi có lỡ phạm tội, lỡ lâm vấp thì tôi sẽ đau đớn, than khóc ăn năn như Phi-e-rơ, tôi cần sự thương xót của Chúa, cần được Chúa tha thứ hơn là tội tự trách mình mà không tha thứ cho bản thân mình, như vậy tôi cũng là một người kiêu ngạo, kiêu ngạo vì không muốn nhận ơn thương xót của Chúa mà tự mình giải quyết sự phạm tội của mình.

Tôi học được bài học rằng bản chất loài người là xấu như Thánh Kinh có chép;

“Lòng người là dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa; ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9).

Nên tôi cần phải cậy ơn Chúa để xin Chúa thánh hóa đời sống mỗi ngày, xin Chúa ban cho sự tỉnh thức để quản trị thân thể xác thịt mà không để những xấu xa đó vùng dậy. Thức tỉnh trước những tư tưởng và cẩn thận canh giữ lòng mình, trên hết là phải lập tức ăn năn khi nhận ra sự sai trái.

Chủ đề tôi suy ngẫm nữa đó là Lòng Khoan Nhẫn Của Người Cha.

Tôi ấn tượng về sự khoan nhẫn mà Đức Chúa Jesus muốn dạy dỗ qua ngụ ngôn người con trai hoang đàng. Ngụ ngôn này có hai hình ảnh: một là người có tội biết ăn năn, hai là người tha thứ tội cho người biết ăn năn cải hối. Có tội biết ăn năn đã là chuyện không dễ nếu như người đó không chịu ăn năn, nhưng việc tha thứ cho một người thì còn khó làm hơn. Nhưng ở đây phải tha thứ làm sao, như thế nào thì mới là đúng và trọn vẹn. Chúa dạy con dân Chúa phải có tấm lòng bao dung.

Tôi xin trích dẫn sự dạy dỗ của người chăn về sự bao dung như Chúa:

“Bao dung như Chúa là sẵn lòng tha thứ cho người có lỗi với mình cách cố ý, chống nghịch mình cách vô lý, bách hại mình cách vô cớ, khi họ thật lòng ăn năn. Ngoài ra, không nhắc lại lỗi lầm, sự sai trái của họ, sau khi họ đã thật lòng ăn năn.

Dù họ không ăn năn thì mình cũng không giận ghét họ, mà xin Chúa thương xót, cho họ có thêm cơ hội ăn năn. Sẵn sàng ra tay cứu giúp họ nếu họ lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm.

Dĩ nhiên, ngay lúc đầu khi họ làm lỗi hay làm hại mình thì cảm xúc tự nhiên là chúng ta giận ghét. Nhưng chúng ta cần xin Chúa giúp chúng ta cất đi sự giận ghét đó trước khi sang một ngày mới (sau 6 giờ chiều, Ê-phê-sô 4:26). Rồi dâng lời cầu thay cho họ. Đồng thời, tránh xa họ cho tới khi họ thật lòng ăn năn.

Khi chúng ta không bao dung, tha thứ cho người khác thì Chúa cũng sẽ đối lại như vậy với chúng ta và ngược lại.

“Nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha Trời của các ngươi cũng sẽ tha thứ các ngươi. Nhưng nếu các ngươi không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 6:14-15).

“Các ngươi hãy giữ lấy mình. Nếu anh em ngươi đã phạm tội, hãy quở trách họ; và nếu họ ăn năn, thì hãy tha thứ.” (Lu-ca 17:3).”

Câu hỏi đặt ra: Vậy có trường hợp nào khi người có lỗi, có tội nói lời ăn năn mà không được chấp nhận ngay không?

Câu trả lời của tôi là có: Là khi một người phạm tội trọng ảnh hưởng tới Hội Thánh, cố tình phạm tội, tái phạm nhiều lần, đã được nhiều lần nhắc nhở, quở trách, thì khi người đó nói lời ăn năn thì các bậc như người chăn, trưởng lão sẽ cầu nguyện và xem xét lời ăn năn đó có thật lòng hay không và đã kết quả cho sự ăn năn như thế nào. Để có thể tiếp nhận người đó trở lại.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thùy Linh