Giô-ên Kêu Gọi Dân I-sơ-ra-ên Ăn Năn

287 lượt xem

Chủ đề: Giô-ên Kêu Gọi Dân I-sơ-ra-ên Ăn Năn

Giô-ên 2:12-14
12 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Bây giờ, các ngươi cũng hãy hết lòng trở về cùng Ta, kiêng ăn, khóc lóc, và than vãn.
13 Hãy xé lòng của các ngươi, đừng xé áo của các ngươi. Hãy trở lại với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của các ngươi. Vì Ngài là từ ái và thương xót, chậm giận và nhiều sự lành, đổi ý về sự dữ.
14 Ai biết được Ngài sẽ chẳng hướng lòng đổi ý, chẳng để lại phước lành sau mình, tức là của lễ chay, của lễ thức uống cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các ngươi, hay sao?

Thánh Kinh tham khảo: Giô-ên đoạn 1 và 2:1-27.

1/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Như Huỳnh

Giô-ên một tôi tớ Chúa, ông là một tiên tri của Đức Chúa Trời được Ngài chọn làm tiên tri để đi kêu gọi dân I-sơ-ra-ên ăn năn. Không những là kêu gọi dân I-sơ-ra-ên ăn năn mà còn tiên tri trước những tai vạ sẽ đến và cũng như là sự đến của Chúa.

Đây không phải lần đầu dân I-sơ-ra-ên được kêu gọi ăn năn, không ít lần Thiên Chúa dùng các tiên tri đến để kêu gọi họ ăn năn nhưng hết lần này đến lần khác họ vẫn cứ tiếp tục phạm tội. Do Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, chậm giận nên Ngài không để họ phải cứng lòng rồi phải huỷ diệt họ như thành Sô-đôm hay là thời ông Nô-ê. Vì họ là dân tuyển của Chúa và vì lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham, I-sác và Gia-cốp. Chúa là Đấng mà Ngài muốn thương xót ai thì Ngài thương xót.

Lần này Chúa dùng tiên tri Giô-ên đến để kêu gọi họ ăn năn trở về một lần nữa. Thiết nghĩ nếu họ trở lại thật lòng ăn năn tội thì cho dù Ngài có xuống tai vạ đi chăng nữa, Ngài cũng sẽ tha thứ mà đổi ý về sự dữ như ở Giô-ên 2:13 đã nói đến.

Trong đoạn 2:13 “Hãy xé lòng của các ngươi, đừng xé áo của các ngươi. Hãy trở lại với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của các ngươi. Vì Ngài là từ ái và thương xót, chậm giận và nhiều sự lành, đổi ý về sự dữ.” Sự xé lòng của các ngươi, đừng xé áo các ngươi theo sự hiểu của tôi Chúa muốn thấy họ ăn năn từ sâu trong tâm lòng hơn là hình thức bên ngoài, thay vì chúng ta xé áo mình thì mình hãy xé lòng mình mà thật sự ăn năn, tan nát cõi lòng, đau thương thống hối.

Liên tưởng đến thực tế, vào thời đại của chúng ta thì tội lỗi thua kém gì dân tộc I-sơ-ra-ên ngày xưa, trái lại còn nhiều hơn và đủ các tội lỗi gớm ghiếc trước mặt Chúa. Chúng ta cũng ngày đêm được Chúa kêu gọi ăn năn, hết lòng quay trở về với Ngài nhưng chúng ta lại bịt tai che mắt không nghe đến những gì Chúa phán với chúng ta. Ngày xưa thì Chúa dùng các tiên tri hoặc các quan xét của Ngài đi đến từng nơi để kêu gọi họ ăn năn, thời nay Chúa dùng các anh chị em xung quanh chúng ta, các trưởng lão, người chăn để ngày đêm cảnh tỉnh, nhắc nhở cáo trách chúng ta mỗi khi chúng ta lâm vấp phạm tội.

Khi tôi suy ngẫm về ba câu Thánh Kinh mà chúng ta học ngày hôm nay thì trong đầu tôi luôn cảm thấy sự lạ lùng mà Chúa dành cho dân sự Ngài và cũng như là con cái của Ngài thời đại ngày hôm nay. Thiết nghĩ Thiên Chúa là Đấng mà Ngài muốn làm gì cũng được, không có việc gì mà Ngài không thể không làm được, nhưng tại sao loài người thấp hèn nhỏ bé như chúng ta lại đáng chi mà Ngài yêu thương, phải hết lần này đến lần khác sai tiên tri của Ngài đi kêu gọi họ ăn năn. Điều này làm tôi liên tưởng đến hình bóng của người cha nhìn thấy con mình phạm tội nghịch lại mình nhưng vô cùng nhẫn nại, nghiêm khắc nhưng tấm lòng lại vô cùng yêu thương con mình. Tại sao người cha có quyền đánh đòn, roi vọt hình phạt nó hoặc thậm chí là có thể nhờ sự can thiệp của chính quyền cảnh sát bỏ tù khi nó hư hỏng chống nghịch mình như vậy, nhưng người cha lại không nỡ bỏ con mình mặc cho nó sống chết ra sao. Qua hình ảnh của người cha xác thịt, chúng ta còn nhận thấy tấm lòng và tình yêu thương vô bờ bến với con mình như vậy thì huống gì là Cha thuộc linh của chúng ta ở trên trời lại yêu con mình đến dường nào nữa. Thiên Chúa có thể diệt dân I-sơ-ra-ên, cất đi mạng sống họ khi họ chống nghịch lại Ngài, Ngài có quyền làm như vậy vì Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không làm như thế mà ngược lại còn kêu gọi họ ăn năn qua các tiên tri mà Ngài sai đến.

Thời nay, khi chúng ta nghe thấy lời kêu gọi này của Chúa qua dân I-sơ-ra-ên thì hãy nhắc nhở chính mình phải luôn tỉnh thức, nếu lỡ phạm tội, phạm lỗi thì lập tức ăn năn trước khi quá muộn. Những ai đã rời bỏ Hội Thánh xa rời Chúa thì hãy lắng nghe lời kêu gọi của Chúa như Giô-ên đã kêu gọi dân I-sơ-ra-ên. Tôi xin được đọc lại ba câu Thánh Kinh của ngày hôm nay:

Giô-ên 2:12-14
12 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Bây giờ, các ngươi cũng hãy hết lòng trở về cùng Ta, kiêng ăn, khóc lóc, và than vãn.
13 Hãy xé lòng của các ngươi, đừng xé áo của các ngươi. Hãy trở lại với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của các ngươi. Vì Ngài là từ ái và thương xót, chậm giận và nhiều sự lành, đổi ý về sự dữ.
14 Ai biết được Ngài sẽ chẳng hướng lòng đổi ý, chẳng để lại phước lành sau mình, tức là của lễ chay, của lễ thức uống cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các ngươi, hay sao?

A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Như Huỳnh

2/ Bài Suy Ngẫm của Bùi Quốc Huy

Kính thưa Hội Thánh,

Tôi xin chia sẻ về chủ đề: Giô-ên Kêu Gọi Dân I-sơ-ra-ên Ăn Năn.

Câu gốc trong Giô-ên 2:12-14:

12 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Bây giờ, các ngươi cũng hãy hết lòng trở về cùng Ta, kiêng ăn, khóc lóc, và than vãn.
13 Hãy xé lòng của các ngươi, đừng xé áo của các ngươi. Hãy trở lại với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của các ngươi. Vì Ngài là từ ái và thương xót, chậm giận và nhiều sự lành, đổi ý về sự dữ.
14 Ai biết được Ngài sẽ chẳng hướng lòng đổi ý, chẳng để lại phước lành sau mình, tức là của lễ chay, của lễ thức uống cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các ngươi, hay sao?

Sau khi Thiên Chúa phán bảo với tiên tri Giô-ên là hãy kể lại cho hết thảy dân I-sơ-ra-ên về những tai vạ đã xảy ra với họ thì Chúa kêu gọi họ kiêng ăn, khóc lóc, kêu cầu Chúa vì ngày của Chúa đã đến gần, là một ngày lớn và đáng khiếp sợ, không ai có thể chống cự lại.

Bởi đức tin, sự vâng phục Chúa nên khi Giô-ên được Chúa phán dạy thì ông làm theo. Bởi tấm lòng yêu thương dân tộc của mình nên khi chứng kiến những tai vạ đổ xuống dân tộc của mình thì ông đã kêu cầu xin Chúa cứu dân của ông ra khỏi hoàn cảnh đó.

Sự từ ái, sự thương xót của Chúa trên dân I-sơ-ra-ên là rất lớn, nên Ngài mới cho dân I-sơ-ra-ên thêm cơ hội để họ ăn năn quay trở về cùng Chúa. Chúa cũng nói rõ là họ hãy xé lòng chứ đừng xé áo, tức là thật sự tan nát cõi lòng, thật sự ăn năn với những sự phạm pháp của mình. Khi họ thật lòng ăn năn, thì Chúa sẽ phục hồi địa vị làm con của Ngài và ban phước dư dật trên đời sống của họ. Chúa là Đấng Thành Tín nên không bao giờ Ngài thất tín với bất kỳ ai, miễn là họ luôn yêu Chúa và vâng giữ các điều răn của Ngài.

Phục truyền luật lệ ký 7:9-15
9 Vậy nên, hãy biết rằng, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, Ngài là Đức Chúa Trời, là Thiên Chúa Thành Tín, giữ sự giao ước và sự từ ái đến ngàn đời cho những ai yêu Ngài và giữ các điều răn của Ngài;
10 và Ngài báo trả ngay trước mắt cho những kẻ ghét Ngài, mà hủy diệt chúng nó đi. Ngài không trì hoãn cùng kẻ nào ghét Ngài đâu, sẽ báo trả ngay trước mắt cho kẻ đó.
11 Vậy hãy cẩn thận làm theo những điều răn, luật lệ, và mệnh lệnh mà ta truyền cho ngươi ngày nay.
12 Nếu ngươi nghe các luật lệ này, và giữ gìn làm theo, thì đối cùng ngươi, Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi sẽ giữ lời giao ước và sự thương xót mà Ngài đã thề cùng tổ phụ ngươi.
13 Ngài sẽ yêu mến ngươi, ban phước cho ngươi, gia tăng ngươi, ban phước cho con cái ngươi, cho thổ sản ngươi, cho ngũ cốc, rượu, và dầu của ngươi, cho lứa đẻ của bò cái, chiên cái ngươi thêm nhiều trên đất mà Ngài đã thề cùng tổ phụ ngươi, để ban cho ngươi.
14 Ngươi sẽ được phước hơn mọi dân: nơi ngươi sẽ chẳng có ai son sẻ, hoặc nam hay nữ, hoặc con đực hay con cái trong bầy súc vật của ngươi.
15 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ khiến các tật bệnh lìa xa ngươi; và những bệnh lây của xứ Ê-díp-tô kia, mà ngươi đã biết, thì Ngài sẽ chẳng giáng cho ngươi đâu, nhưng giáng cho những kẻ nào ghét ngươi.

Qua việc ông Giô-ên kêu gọi dân I-sơ-ra-ên ăn năn, chúng ta học được bài học về sự thương xót rất lớn mà Chúa đã dành cho mỗi một chúng ta. Khi chúng ta kêu gọi con dân Chúa phạm tội hãy ăn năn thì chúng ta cần tha thiết cầu xin Chúa cho họ thêm cơ hội, rồi thẳng thắn chỉ ra anh chị em của mình phạm tội như thế nào trong sự nhu mì, tôn trọng họ, tha thiết mong muốn họ thay đổi để được Chúa tha thứ và phục hồi họ.

Nguyện mỗi ngày chúng ta kiên trì, bền lòng làm theo Lời Chúa dạy để chúng ta càng trở nên giống Chúa càng hơn.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Quốc Huy

3/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Nguyệt Ánh

Trong bối cảnh dân I-sơ-ra-ên phạm tội với Thiên Chúa nên Ngài đã sửa phạt dân sự với những sự sâu và châu chấu phá hoại, đồng khô cỏ cháy, mùa màng thất bát, súc vật và thú vật không có thức ăn và thức uống. Thiên Chúa phán với Giô-ên, con trai của Phê-thu-ên kêu gọi dân sự ăn năn, quay trở lại với Ngài, từ bỏ con đường gian ác thì Ngài sẽ thương xót và ban ơn cho.

Điều mà tôi ấn tượng trong các câu Thánh Kinh thuộc chủ đề tuần này đó chính là sự kêu gọi dân sự ăn năn của ông Giô-ên. Vì qua sự phán bảo của Chúa, ông kêu gọi dân sự ăn năn như thể kêu gọi hết thảy tầng lớp của xã hội, hết thảy mỗi người với mỗi hoàn cảnh trong dân chúng. Những người được kêu gọi đó là kẻ già cả, kẻ say sưa, kẻ cày ruộng, kẻ làm vườn nho, các thầy tế lễ, kẻ làm việc ở bàn thờ, kẻ chức dịch của Thiên Chúa, các trưởng lão, hội đồng trọng thể, các con trẻ và những đứa đang bú vú, người chồng mới và người vợ mới. Tôi hiểu điều Chúa muốn ở dân sự chính là sự toàn thể dân sự ăn năn, xoay khỏi sự làm ác và trở về với Thiên Chúa:

“nếu dân Ta, kẻ được gọi bằng danh Ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt Ta, và trở lại, từ bỏ những lối ác của chúng, thì Ta từ trên trời sẽ nghe, sẽ tha thứ tội lỗi của chúng và sẽ chữa lành đất của chúng.” (II Sử Ký 7:14).

Trong mỗi lời kêu gọi thì luôn chứa từ “Hãy”, ở đây tôi thấy được sự nhu mì, yêu thương và tha thiết kêu gọi dân chúng ăn năn của ông Giô-ên, từ đó cũng thấy được sự yêu thương, lòng thương xót và sự tha thiết của Chúa dành cho dân I-sơ-ra-ên.

Qua chủ đề tuần này tôi học được các bài học:

  1. Chúng ta nên thẳng thắn kêu gọi một ai đó ăn năn. Đối cùng họ thì chúng ta cần tỏ một thái độ nhu mì, yêu thương, thương xót, nhưng cũng cần thể hiện sự dứt khoát gọi tội là tội.
  2. Mỗi một người là chi thể của Hội Thánh nên khi một người phạm tội là ảnh hưởng xấu đến cả Hội Thánh. Người ấy cần ăn năn với Chúa ngay.
  3. Khi một tập thể phạm tội và đứng trước sự sửa phạt từ Chúa thì tập thể ấy cần phải hết lòng đến với Chúa để ăn năn từ người lớn nhất đến người nhỏ nhất.
  4. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, một người hay tập thể sau khi ăn năn trở lại với Chúa kịp lúc thì Ngài ngưng việc giáng tai hoạ và ban ơn thương xót, ban phước từ thuộc linh đến thuộc thể cho cá nhân hay tập thể ấy. Nhưng mỗi một việc làm của chúng ta đều mang lại kết quả về sau nên chúng ta cần cẩn thận trong các suy nghĩ, hành động và lời nói của mình.

Tôi xin kết thúc bài chia sẻ của mình bằng lời Chúa trong I Ti-mô-thê 1:5 và Ê-sai 54:8:

“Mục đích của sự răn bảo là sự yêu thương bởi lòng tinh sạch, lương tâm, và đức tin thật.” (I Ti-mô-thê 1:5)

“Trong cơn nóng giận, Ta đã ẩn mặt với ngươi một lúc; nhưng với lòng từ ái đời đời, Ta sẽ yêu thương ngươi. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng Cứu Chuộc của ngươi phán như vậy.” (Ê-sai 54:8)

Nguyện đời sống của mỗi một chúng ta luôn thuận phục Chúa và luôn có tấm lòng yêu thương với các anh chị em cùng Cha trong sự khuyên bảo, kêu gọi và quở trách.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Nguyệt Ánh

4/ Bài Suy Ngẫm của Huỳnh Thị Anh

Xuyên suốt Thánh Kinh từ Sáng Thế Ký cho đến Khải Huyền, chúng ta thấy lòng thương xót của Đức Chúa Trời trải khắp mọi thời đại. Và ở thời đại nào, chúng ta cũng đều nghe lời kêu gọi “Hãy ăn năn”. Thời xưa Đức Chúa Trời kêu gọi dân Ngài ăn năn qua các tiên tri. Điển hình như thời của tiên tri Giô-ên, Đức Chúa Trời đã dùng ông để kêu gọi toàn thể dân Giu-đa: “Hãy ăn năn”. Bên cạnh lời kêu gọi “Hãy ăn năn” và sự báo trước của Đức Chúa Trời về các tại họa nếu dân sự Ngài không chịu ăn năn. Chúng ta còn thấy lời hứa của Đức Chúa Trời khi dân sự Ngài hết lòng ăn năn trở lại cùng Ngài. Bởi Đức Chúa Trời là từ ái và thương xót, chậm giận và nhiều sự lành, đổi ý về sự dữ.

Trước sự bội nghịch của dân I-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời đã sai đội quân châu chấu đến hủy hoại mọi thứ trên mặt đất để cảnh cáo họ đến nỗi:

“Cái gì sâu keo còn để lại, cào cào ăn; cái gì cào cào còn để lại, sâu lột vỏ ăn; cái gì sâu lột vỏ còn để lại, châu chấu ăn.” (Giô-ên 1:4).

Miêu tả sự tàn phá một cách chớp nhoáng trải qua bốn giai đoạn phát triển của châu chấu. Giai đoạn nào cũng có thể tàn phá được. Từ thực vật cho đến các loài động vật đều khốn khổ bởi sự tàn phá của đội quân châu chấu. Cũng giống như từ khi tội lỗi vào trong thế gian thì tội lỗi đã cai trị loài người từ kẻ già cả cho đến kẻ rất nhỏ không ai mà không mang trong mình tội lỗi.

Và Đức Chúa Trời đã kêu gọi những người già cả kể chuyện này lại cho con cái họ; từ đời nọ tiếp nối đời kia để cho các đời đều biết đến sự Đức Chúa Trời trừng phạt toàn xứ Giu-đa là thể nào mà run sợ.

Như thời của chúng ta ngày nay, tội lỗi đã lên đến tận trời, chúng ta đều biết Đức Chúa Trời đã cho phép những thiên tai, lũ lụt, hạn hán, chiến tranh, dịch bệnh, đói kém xảy ra để cảnh báo loài người: “Ngày của Đức Giê-hô-va đã gần.”

Tôi nhớ, những tháng đầu của đại dịch Corona virus. Trước những sự chết chóc kinh hoàng, người dân của một số quốc gia trên thế giới lúc đó đã ra đường quỳ gối, cúi đầu kêu cầu Đức Chúa Trời. Có lẽ họ nhận thức được sự tồn tại của Đức Chúa Trời và những gì đang xảy ra lúc bấy giờ. Sự bất lực của loài người trước cái chết. Thật vậy, loài người dù có khôn ngoan thế nào, giàu có thế nào thì trước cái chết loài người không thể làm gì được. Cũng giống như tội lỗi cai trị loài người, loài người không thể tự mình thoát ra khỏi sự cai trị của tội lỗi.

Trở lại với lời kêu gọi dân I-sơ-ra-ên ăn năn quay về thờ phượng Đức Chúa Trời qua tiên tri Giô-ên. Chúng ta thấy Đức Chúa Trời muốn dân I-sơ-ra-ên:

– Hãy kiêng ăn, khóc lóc và than vãn.

– Hãy xé lòng, đừng xé áo.

Đức Chúa Trời muốn sự thành thật và tấm lòng đau thương thống hối mà đến với Ngài. Đức Chúa Trời không muốn sự hình thức bề ngoài như là xé áo. Ngài muốn dân I-sơ-ra-ên phải xé lòng. Hành động xé lòng diễn tả nỗi đau tan nát từ cõi lòng. Khi xé thì sẽ rách hoặc rách nát mà chỗ rách hoặc nát đó cho dù có lành thì cũng sẽ để lại vết sẹo lớn nhỏ tùy theo cách người đó xé. Vậy nên, vết sẹo sẽ nhắc một người nhớ lại nỗi đau mình đã từng trải qua mà không dám quay về sống trong tội nữa. Đây thể hiện lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với loài người của chúng ta. Như Châm Ngôn 3:12 có chép:

“Vì người Đấng Tự Hữu Hằng Hữu yêu thì Ngài trách phạt; như một người cha đối với con trai mà mình ưa thích.”

Đức Chúa Trời là tình yêu, nhân từ và thánh khiết nhưng Ngài cũng là Đấng Công Chính. Vì yêu Ngài không để cho loài người chúng ta cứ sống trong tội lỗi rồi đau khổ vì bị tội lỗi cai trị rồi chết mất trong tội lỗi. Cũng vì yêu mà Ngài luôn nhẫn nại với dân I-sơ-ra-ên và chúng ta. Dân I-sơ-ra-ên cũng như chúng ta hết lần này đến lần khác bội nghịch Ngài nhưng Ngài không tiêu diệt họ và không tiêu diệt chúng ta ngay. Đức Chúa Trời kêu gọi tất cả mọi người đến với Ngài. Từ người già cả cho đến trẻ con đương bú. Từ người quyền thế cho đến kẻ thấp hèn nhất trong xã hội. Từ tự chủ cho đến tôi mọi. Từ thầy tế lễ cho đến kẻ giúp việc trong đền thờ. Hãy đến với Ngài.

Thời xưa, Đức Chúa Trời kêu gọi dân I-sơ-ra-ên ăn năn qua các tiên tri. Ngày nay, Đức Thánh Linh ngự trong lòng chúng ta, dạy dỗ chúng ta, kêu gọi chúng ăn năn mỗi khi chúng ta lỡ phạm tội hoặc cố tình sống trong tội. Đức Thánh Linh cũng kêu gọi chúng ta ăn năn qua lời kêu gọi từ người chăn và trưởng lão.

“Cho nên, như Đức Thánh Linh phán: Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng của Ngài, thì chớ làm cứng lòng của các ngươi, như trong sự chọc giận Thiên Chúa vào ngày thử thách trong đồng vắng.” (Hê-bơ-rơ 3:7-8).

Song song với nạn châu chấu tàn phá, tiên tri Giô-ên đã tiên tri về sự xâm chiếm và tàn sát của một nước khác sẽ đến trên xứ. Đồng thời cũng cảnh báo về ngày lớn của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và sự kinh khiếp của ngày lớn như trong chương 2 đã chép.

Thời tiên tri Giô-ên, cách thời đại của chúng ta mấy ngàn năm mà được tiên tri là “đã gần rồi”. Vậy thì thời đại của chúng ta đây thì: Ngày lớn của Đức Chúa Trời còn gần biết chừng nào. Cảm tạ Đức Chúa Trời, bởi ân điển của Ngài mà chúng ta không phải trải qua những ngày kinh khiếp đó. Tuy nhiên, để không phải trải qua những ngày kinh khiếp đó thì chúng ta phải hết lòng sống theo Lời Chúa. Vâng giữ điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Kịp thời ăn năn và xé lòng mình khi có sự cáo trách từ Đức Thánh Linh. Bởi có cáo trách tức là chúng ta có phạm tội. Và có sửa phạt tức là chúng ta còn có cơ hội để ăn năn. Vậy nên, khi còn có cơ hội thì chúng ta chớ cứng lòng.

Là con dân chân thật của Đức Chúa Trời, chúng ta tin về Lời phán của Ngài. Tin về lời hứa và cũng tin lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời cho tất cả chúng ta. Và lời ấy được ghi lại trong một quyển sách gọi là Thánh Kinh. Vậy nên, chúng ta hãy dựa vào những sự dạy dỗ trong Thánh Kinh mà hết lòng sống theo Lời Chúa. Bởi vì nền tảng để mỗi người chúng ta vững vàng bước đi theo Chúa chính là Lời của Đức Chúa Trời. Muốn biết Lời của Đức Chúa Trời thì phải chăm chỉ học Thánh Kinh.

“Vì Lời của Đức Chúa Trời sống và năng động; sắc hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào; đến nỗi xuyên thấu và phân chia cả linh hồn, tâm thần, các khớp xương và tủy; xem xét những tư tưởng và những ý định của lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12).

Và câu Thánh Kinh này đã kết thúc phần chia sẻ của tôi. Nguyện bài chia sẻ của tôi góp phần gây dựng, đem lại ích lợi cho anh chị em chúng ta. Nguyện mọi vinh quang, tôn quý đều thuộc về Ba Ngôi Thiên Chúa của chúng ta cho đến đời đời vô cùng. Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Huỳnh Christian Anh

5/ Bài Suy Ngẫm của Lê Minh Dương

Chúng ta không biết gì về Giô-ên, ngoài thông tin ông là con của Phê-thu-ên. Ông được Đức Chúa Trời dùng ông để kêu gọi dân I-sơ-ra-ên ăn năn.

Trong bài Chúa Phán Với Người Quan Tâm của Tozer có đoạn chép: “Những người viết thánh thi thường viết trong nước mắt, các nhà tiên tri khó có thể che đậy lòng phiền muộn của mình, và Sứ Đồ Phao-lô trong một lá thư đầy sự vui mừng gởi cho người Phi-líp đã đổ nước mắt khi ông nghĩ đến những người là kẻ thù của thập giá Đấng Christ và kết cuộc của họ là sự hủy diệt. Những nhà lãnh đạo Cơ-đốc đã làm rung chuyển thế giới là những người có lòng sầu não, những người mà lời chứng của họ cho cả nhân loại xuất phát từ cõi lòng phiền muộn, nặng gánh lo âu: Không hề có chút sức mạnh nào trong bản thân những giọt nước mắt, nhưng những giọt nước mắt và sức mạnh nằm sát cạnh nhau trong Hội Thánh đầu tiên.”

Tiên Tri Giô-ên không được Chúa nói về cuộc đời theo Chúa của ông, nhưng việc Chúa dùng ông cho đến việc ông vâng theo lời Ngài mà kêu gọi dân I-sơ-ra-ên trở về với Ngài là bằng chứng cho thấy ông là một người yêu kính Chúa, yêu thương dân tộc, đến nỗi phiền muộn, nặng gánh lo âu về tương lai của đất nước, về số phận của dân tộc mình.

Đức Chúa Trời dùng tai nạn sâu keo, cào cào, sâu lột vỏ, châu chấu để thức tỉnh dân I-sơ-ra-ên. Ngài dùng biến cố này để cho họ phần nào thấy được những gì Ngài sẽ làm trong ngày gọi là “Ngày Của Đức Chúa Trời” mà Lời Chúa mô tả:

“Tức là ngày mờ mịt và tối tăm, ngày của mây và sương mù. Có một dân lớn và mạnh đến như ánh sáng sớm mai giãi ra trên núi, đến nỗi từ trước chưa hề có, mà về sau này, về muôn đời sau này cũng sẽ không có như vậy nữa.”

Mở đầu lời kêu gọi, Giô-ên nhắm đến người giả cả, là những người được hiểu biết Lời Chúa nhiều hơn, kinh nghiệm trong cuộc sống nhiều hơn cũng như là những người mang trách nhiệm giáo dục con cháu của mình đi theo đường lối của Chúa. Ông kêu gọi họ hãy ghi nhớ biến cố này và truyền đạt lại cho con cái, rồi cứ thế con cái của họ truyền lại cho dòng dõi nối theo, để họ biết kính sợ Chúa mà không làm điều gian ác.

Đối tượng tiếp theo ông muốn nói đến là những kẻ say rượu. Theo tham khảo tài liệu, rượu nho là thức uống hằng ngày của dân I-sơ-ra-ên, và rượu nho cũng được dùng làm của lễ thức uống dâng lên Chúa. Dân I-sơ-ra-ên đã lạm dụng rượu quá mức, họ uống không chỉ để vui mà đến nỗi say sưa, mà có thể dẫn đến việc làm sai trái như Châm Ngôn 20:1.

Chính vì sự nghiêm trọng và lạm dụng rượu quá mức mà ông Giô-ên muốn nhắn đến họ, “hãy thức dậy và khóc lóc”. Trong cơn hoạn nạn lớn như vậy họ vẫn không tỉnh thức, vẫn say mê với rượu.

Kẻ cày ruộng và kẻ làm vườn nho là hai đối tượng mà ông muốn nói đến tiếp theo trong câu 11. “Hỡi kẻ cày ruộng, hãy hổ thẹn” Có lẽ vì họ tự cao, tự cho mình giỏi mà làm được những tài vật, nên ông bảo họ hãy hổ thẹn, và hãy biết rằng Chúa là Đấng ban ơn cho họ chứ không phải do trí khôn, hay sức mạnh từ tay họ. Và đối với người làm vườn nho, có lẽ họ thu được lợi nhuận lớn từ việc nhu cầu sử dụng cao của dân chúng, có lẽ họ vì vật chất mà quên đi mục đích của việc trồng nho của họ, mà chạy theo lợi nhuận, mà không màng đến anh chị em của họ đang dùng những quả nho mà họ trồng mà say sưa trong cơn say của rượu nho.

Thầy tế lễ là đối tượng cuối cùng mà ông nhắm đến. Ông Giô-ên kêu gọi họ: “Hỡi các thầy tế lễ, hãy nịt lưng và than khóc. Hỡi các ngươi là kẻ làm việc ở bàn thờ, hãy thở than. Hỡi kẻ chức dịch của Thiên Chúa ta, hãy đến mặc áo bao gai mà nằm cả đêm!” Dân I-sơ-ra-ên đang sống trong bình yên, nay biến cố xảy ra chắc có lẽ các thầy tế lễ bối rối lắm, họ sẽ không có rượu nho, hay bột để làm của lễ chay. Thầy tế lễ họ cứ bình yên dâng các thứ ấy ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ mà họ không hay, không biết dân tuyển của Ngài đang ngày càng xa cách Ngài, họ không thức tỉnh để canh giữ những con chiên của Ngài, họ dâng các của lễ ấy như là một thói quen mà quên đi mục đích mà Ngài muốn dạy dỗ họ.

Ông Giô-ên mô tả ngày của Chúa sẽ đến như thế nào để dân I-sơ-ra-ên biết sợ mà trở về cùng Chúa. Ông kêu gọi họ hãy hết lòng trở về cùng Chúa, kiêng ăn, khóc lóc, than vãn. Ông muốn họ ăn năn bởi tấm lòng đau thương vì đã phạm tội với Chúa. Dân I-sơ-ra-ên khi gặp chuyện đau thương thường xé áo, để thể hiện tấm lòng của mình, có lẽ việc làm đó dần trở thành thói quen, thành hình thức bên ngoài, nên ông muốn họ hãy xé lòng, hãy thật sự đau đớn trước tội lỗi, chứ chỉ đừng xé áo với hình thức bên ngoài.

Về sự hạ mình, thật sự xé áo để thể hiện sự hạ mình, để thể hiện tấm lòng ăn năn thì tôi ấn tượng với Vua Giô-si-a. Khi ông nghe được Lời Chúa từ cuốn sách Luật Pháp của Môi-se thì ông liền xé áo, nhanh chóng tiếp nhận Lời Chúa, khẩn trương truyền đạt Lời Chúa cho dân sự (II Các Vua 22:10-13).

Trước biến cố kinh khủng xảy ra làm dân I-sơ-ra-ên bối rối, bởi tội lỗi của họ gây ra mà Chúa sửa phạt họ, nếu họ không ăn năn Ngài sẽ cho tiếp hình phạt khác là đạo binh hùng mạnh từ phương Bắc tới xâm chiếm họ. Nhưng nếu họ ăn năn thì Ngài sẽ đáp lời họ ban cho họ một cách dư dật, và đền bù những gì mà sâu lột vỏ, cào cào, sâu keo, và châu chấu cắn phá (Giô-ên 2:19-27). Dân I-sơ-ra-ên phạm tội, Chúa sửa phạt, khi ăn năn họ lại được nhiều hơn cái mà họ đã mất, vậy nếu không ăn năn thật là ngu dại và khốn nạn cho ai đó không ăn năn. Qua đó mà chúng ta thấy được sự thương xót, từ ái của Chúa lớn dường nào.

Đối với Giô-ên là một tiên tri, ông đã hoàn thành xuất sắc bổn phận của mình đối với dân I-sơ-ra-ên. Những giọt nước mắt, cùng sức mạnh của đức tin, tình yêu trong ông đã giúp ông mạnh mẽ, can đảm để ra đi cứu dân tộc của mình. Còn chúng ta thì sao, là những nhà vua, tiên tri, là thầy tế lễ, chúng ta đã làm gì cho chính mình trong vai trò là vua để cai trị chính mình? Trong vai trò tiên tri chúng ta đã rao giảng Tin Lành như thế nào cho người thân, dân tộc Việt Nam? Trong vai trò thầy tế lễ, chúng ta có trung tín cầu thay cho nhau, cho người thân, cho dân tộc của mình?

Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ.
Lê Minh Dương