Người Quan Cai Không Được Hưởng Sự Ban Cho của Chúa Vì Cớ Chẳng Tin

183 lượt xem

Chủ đề: Người Quan Cai Không Được Hưởng Sự Ban Cho của Chúa Vì Cớ Chẳng Tin.

Câu gốc:

“Việc xảy ra như lời người của Đức Chúa Trời đã nói với vua rằng: Ngày mai, tại giờ này, nơi cửa thành Sa-ma-ri, hai đấu lúa mạch sẽ bán một siếc lơ, và một đấu bột lọc cũng bán một siếc lơ; rồi quan cai có đáp với người của Đức Chúa Trời rằng: Dẫu cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mở các cửa sổ trên trời, điều đó có được sao? Ê-li-sê nói tiếp rằng: Mắt ngươi sẽ thấy điều đó, nhưng ngươi không ăn đến.” (II Các Vua 7:18-19).

Thánh Kinh tham khảo: II Các Vua 6:24 – 7:20

1/ Bài Suy Ngẫm của Đồng Thị Nghĩa

Kính chào các anh chị em Thanh Niên!

Tôi xin tóm lược bối cảnh của câu chuyện liên quan đến chủ đề tuần này:

Quân Si-ri vây thành Sa-ma-ri, là kinh đô của vương quốc I-sơ-ra-ên, trong một thời gian dài. Dân I-sơ-ra-ên bị vây hãm lâu ngày không thể ra ngoài thành để trồng trọt chăn nuôi và không mua bán được với bên ngoài nên họ bị đói kém lớn. Thực phẩm khan hiếm và giá cả đắt đỏ, đến nỗi ¼ ô phân bồ câu bán với giá năm siếc-lơ, theo tôi hiểu là phân bồ câu bán để làm thực phẩm.

Họ đã đói đến nỗi có người mẹ nấu thịt con trai mình để ăn. Khi vua I-sơ-ra-ên nghe về việc người ta đã nấu thịt con mình ăn thì vua đã ngã lòng, không còn muốn tin cậy Chúa nữa và vua định giết tiên tri của Chúa là Ê-li-sê.

Khi vua tới chỗ Tiên Tri Ê-li-sê thì ông Ê-li-sê nói ra lời phán của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu rằng ngay ngày hôm sau thành Sa-ma-ri sẽ có dư dật thực phẩm, đến nỗi giá bán của một đấu bột lọc là một siếc-lơ, hai đấu lúa mạch là một siếc-lơ. Một đấu tương đương khoảng 6,08 ô. Như vậy có nghĩa là khi Chúa chưa giải cứu thì phải mất gần 122 siếc-lơ mới mua được một đấu phân bồ câu. Còn khi Chúa giải cứu thì chỉ 1 siếc-lơ đã mua được 1 đấu bột lọc. Tức là giá bột lọc ngày hôm sau sẽ rẻ hơn 122 lần giá mua phân bồ câu của ngày hôm trước.

Khi quan cai nghe Lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu được bày tỏ qua Ê-li-sê thì ông đã không tin nên ông đã đáp lời Tiên Tri Ê-li-sê rằng:

“Dù cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mở các cửa sổ trên trời, điều đó có được sao?”

Ê-li-sê đáp rằng: “Mắt ngươi sẽ thấy điều đó, nhưng ngươi không ăn đến.”

Chiều tối hôm đó thì Chúa làm phép lạ. Ngài khiến cho quân Si-ri nghe thấy những tiếng ngựa, xe và đạo binh lớn. Quân Si-ri tưởng rằng vua I-sơ-ra-ên mướn vua Hê-tít và vua Ê-díp-tô đến hãm đánh họ nên họ đã sợ hãi, bỏ lại hết mọi thứ từ súc vật đến trại quân để lo chạy thoát thân. Thậm chí vừa chạy vừa quăng đồ đạc quần áo trên người lại để chạy cho nhanh.

Có lẽ vào khoảng sáng ngày hôm sau, khi dân chúng đi qua cổng thành để cướp lấy những tài vật mà quân Si-ri bỏ lại, thì vì quá vội vàng và đông đúc nên có sự chen lấn nhau và họ đã đạp chết quan cai của vua.

Trên đây là phần tóm lược bối cảnh sự việc liên quan đến chủ đề của tuần này.

Đọc câu chuyện này, tôi thấy rất đáng tiếc cho người quan cai. Ông đã được nghe lời phán của Chúa về sự giải cứu của Ngài cho dân sự, nhưng chỉ vì không tin mà mắt ông thì được chứng kiến, nhưng bản thân ông đã không được hưởng ích lợi gì từ sự giải cứu đó. Mặt khác ông lại bị chết mất trong chính ngày mà bao nhiêu người được giải cứu khỏi sự chết.

Có lẽ khi nhìn vào thực tế đói kém quá lớn trong thành mà bản thân vua quan trong thành không có cách gì để giải quyết, quan cai cũng biết chắc rằng không có sự viện trợ nào từ bên ngoài cả nên ông nghĩ giả sử Chúa có giải cứu dân sự thì chỉ còn cách là Ngài ban lương thực từ trời xuống, giống như xưa kia Ngài đã ban ma-na cho dân I-sơ-ra-ên khi họ đi trong đồng vắng.

Qua lời ông nói rằng “Dẫu cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mở các cửa sổ trên trời, điều đó có được sao?” Tôi thấy, ông không tin rằng Chúa sẽ giải cứu dân sự và theo ông thì dù cho Chúa có giải cứu dân sự thì cũng chỉ có cách là mở các cửa trên trời ra để đổ lương thực xuống, và dù vậy đi nữa thì cũng không thể được dư dật như ông Ê-li-sê đã nói. Ông vừa không tin lời Chúa vừa nghi ngờ sự toàn năng của Chúa.

Điều này khiến tôi nhớ đến khi 12 người quan trưởng trong dân I-sơ-ra-ên đi do thám vùng đất hứa về, 10 người trong số đó đã sợ hãi khi thấy những người dân trong xứ quá cao lớn, họ không tin rằng Chúa sẽ giúp họ thắng dân trong xứ. Dân sự cũng nghe theo họ. Nên thay vì tin cậy Chúa và vui mừng chờ đợi Chúa ban vùng đất hứa tươi tốt cho mình thì họ lại than trách Chúa và trách người dẫn dắt mình, cũng chính vì sự không tin đó của họ mà họ không được vui hưởng vùng đất hứa, thay vào đó phải chịu lưu lạc và chết trong đồng vắng.

Quả thật như Lời Chúa có chép “Người công chính sẽ sống bởi đức tin” (Rô-ma 1:17). Tất nhiên sự “sống” ở đây không chỉ là tồn tại mà là “tồn tại và phát triển trong niềm vui, trong tình yêu của Chúa”. Khi chúng ta có đức tin nơi Chúa, tin vào những lời phán của Ngài thì trong lòng chúng ta sẽ luôn có sự vui mừng. Khi được Chúa ban cho điều lòng mình yêu thích, chúng ta vui mừng được kinh nghiệm tình yêu của Chúa. Khi gặp khó khăn chúng ta có niềm vui khi biết rằng mình sắp được chứng kiến những phép lạ mà Chúa làm ra để giải quyết những khó khăn nan đề mình đang gặp phải, tin rằng Chúa cho phép điều đó xảy ra là ích lợi cho mình (Rô-ma 8:28). Còn nếu không có đức tin thì sẽ than trách Chúa và nản lòng với những điều mình đang phải đối diện. Thậm chí, sợ hãi, lo lắng, bất an ngay cả khi chỉ tưởng tượng đến khó khăn mà mình có thể sẽ gặp phải chứ thực tế chưa xảy ra.

Khi đối diện với sự đói kém quá lớn thì người quan cai không tin rằng nan đề đó có thể giải quyết được như là lời người của Đức Chúa Trời đã nói. Ông đã dùng sự hiểu biết hạn hẹp của mình mà giới hạn năng lực của Chúa, ông không hiểu rằng như các tầng trời được nâng cao hơn đất thì những tư tưởng và đường lối của Chúa được nâng cao hơn các tư tưởng và đường lối của loài người (Ê-sai 55:9). Dù cho bản thân ông không nghĩ ra được có cách nào để được như lời người của Chúa đã nói thì ông cũng nên tin rằng Chúa luôn có cách, Chúa luôn thành tín làm thành những lời Ngài đã phán.

Có khi nào, trong đời sống của chúng ta, khi đối diện với một hoàn cảnh nào đó ít khó khăn và tự chúng ta thấy còn có khả năng để giải quyết thì chúng ta vẫn tin rằng Chúa có thể giúp mình giải quyết. Nhưng khi khó khăn trở nên quá lớn, theo sự hiểu biết của chúng ta là không còn cách giải quyết nào thì chúng ta lại trở nên không tin rằng Chúa có thể giúp mình hay không?

Ví dụ: Khi công việc của chúng ta có trở ngại thì chúng ta vẫn tin rằng Chúa sẽ giúp đỡ khắc phục, để chúng ta vẫn có đủ thu nhập trang trải cho cuộc sống. Nhưng khi chúng ta hoàn toàn mất đi công việc, không còn phương tiện nào để kiếm tiền thì chúng ta lại lo lắng bất an, không còn tin rằng: chỉ cần trước hết chúng ta hãy tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời, thì mọi nhu cầu của chúng ta Chúa sẽ chăm lo (Ma-thi-ơ 6:33).

Nguyện xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta để chúng ta cứ vững vàng tin vào mọi lời phán dạy của Chúa, và dù khi những khó khăn cứ gia tăng trên đời sống thì đức tin của chúng ta cũng không giảm sút.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Đồng Thị Nghĩa

2/ Bài Suy Ngẫm của Lâm Việt Thành

Lời Chúa có chép:

“Không có đức tin thì không thể nào làm vừa lòng Ngài. Vì người đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng, Ngài thực hữu. Đối với những ai tìm kiếm Ngài, Ngài là Đấng Ban Thưởng.” (Hê-bơ-rơ 6:11).

Và Lời Chúa nhiều lần ghi chép lại việc nếu con dân Ngài cứ hết lòng vâng Lời Ngài, phụng sự Ngài, đi theo đường lối Ngài thì Ngài sẽ ban phước cho và làm cho bốn phía bình tịnh. Ngược lại thì sẽ phải gánh lấy hậu quả. Ở thời điểm này, chúng ta biết được đất nước I-sơ-ra-ên đang lâm vào cảnh khốn khổ, chiến tranh, đói kém. Đó là hậu quả của việc không kính sợ Chúa.

Lời Chúa được chép lại và Lời Chúa được ban cho dân sự Ngài nhưng vì sao vua quan không biết sự này xảy đến là do tội lỗi mà ăn năn. Có thể là do họ không biết Lời của Chúa, Lời Chúa bị thất lạc, hoặc là có mà không đọc, hoặc là đọc nhưng vẫn cố chấp. Không chỉ vậy mà còn có tiên tri của Chúa nhưng vẫn không ăn năn cho thấy được tội lỗi ở mức nghiêm trọng. Khi đói kém, chiến tranh xảy đến, đáng ra vua và quan là người đứng đầu đất nước cần phải biết run sợ nhưng dường như họ lại có sự oán trách, đổ lỗi.

Chúng ta học được rằng, ngày nay nếu trong đời sống chúng ta khi có một điều gì đó xảy đến thì mình biết run sợ mà ăn năn, cần hết lòng đến với Chúa và tra xét bản thân mình. Xem mình sai ở đâu mà sửa.

Chúng ta thấy rằng, các vua quan khi không có Chúa và không có tấm lòng ăn năn thì đã không có được sự khôn sáng trong các việc làm của mình. Thay vì run sợ, cầu hỏi tiên tri của Chúa thì họ còn cứng lòng, để càng lún sâu vào tội lỗi càng hơn, tiếp tục không tin Lời của Chúa, không tin cậy và không tôn trọng tôi tớ của Chúa để lại phải gánh hậu quả tàn khốc hơn.

Vị quan này đã không tin nơi lời của tôi tớ Chúa và không có sự tôn trọng tôi tớ Chúa. Nếu không tôn trọng tôi tớ Chúa thì đã là không tôn trọng Chúa, không kính sợ Chúa. Hậu quả như thế nào thì chúng ta đã thấy.

Có một tấm gương của Đa-vít về sự tôn trọng người được Chúa xức dầu là Sau-lơ. Ông tôn trọng Sau-lơ đến cuối cùng. Đối với tôi, sự tôn trọng này là đạt đến sự trọn vẹn. Dù Sau-lơ có ý xấu nhưng Đa-vít vẫn một lòng.

Còn chúng ta ngày nay, chúng ta đều là chi thể cùng một thân, đều được chính Chúa chuộc bằng mạng sống của Ngài. Vậy chúng ta có tôn trọng, yêu thương, hy sinh như đáng phải có không?

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn có tấm lòng kính sợ Chúa, xin Chúa giúp chúng ta có sự khôn sáng trong mọi việc làm của chúng ta để chúng ta luôn làm ra những điều đẹp lòng Ngài, làm Chúa vui lòng.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Lâm Việt Thành