Sự Phạm Tội của Môi-se và A-rôn Khiến Hai Ông Không Được Vào Miền Đất Hứa Ca-na-an

1.678 lượt xem

Chủ đề: Sự Phạm Tội của Môi-se và A-rôn Khiến Hai Ông Không Được Vào Miền Đất Hứa Ca-na-an.

Câu gốc:
“Kế đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se và A-rôn rằng: Bởi vì hai ngươi không có tin đến Ta, để tôn Ta nên thánh trước mặt dân I-sơ-ra-ên, vì cớ đó, hai ngươi sẽ không đem hội chúng này vào xứ mà Ta đã cho nó đâu.” (Dân Số Ký 20:12).

Tham khảo: Dân Số Ký 20:2-13

1/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Nguyệt Ánh

Kính thưa Hội Thánh,

Chủ đề tuần này là một câu chuyện để chúng ta cần phải suy ngẫm nhiều và ghi nhớ trong lòng. Trong bối cảnh dân sự nổi loạn cùng Môi-se và A-rôn vì không có nước uống, họ còn trong danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà than thở trách móc Môi-se. Trước cảnh ngộ này tôi nghĩ ông Môi-se và A-rôn cũng mệt mỏi với sự chẳng tin của dân sự. Bước đầu hai ông đã hành động đúng đó là lui khỏi mặt hội chúng, đến tại cửa hội mạc, sấp mặt xuống đất để tìm cầu ý Chúa. Tiếp theo, Môi-se cũng đã làm theo như lời Chúa phán dặn là cầm lấy cây gậy và truyền nhóm hội chúng lại, nhưng đến bước cuối cùng ông lại làm theo ý mình để rồi phạm tội với Chúa mà nhận lãnh lấy sự quở trách và sửa phạt từ nơi Chúa. Với tôi đây là một câu chuyện ngắn nhưng là bài học lớn và đắt giá.

Những bài học mà tôi rút ra trong chủ đề tuần này:

1/ Trước sự lầm bầm, than trách hay sự vấp phạm của người khác trong lời nói thì điều trước mắt chúng ta cần làm đó là im lặng và chạy ngay đến với Chúa để xin Chúa dạy dỗ chúng ta biết phải làm gì . Nếu chúng ta đáp trả lại ngay thì rất dễ bị vấp phạm theo. Việc luôn giữ mình yên tĩnh và nhu mì là điều đẹp lòng Chúa. Tôi mong muốn mình luôn là người nhu mì, yên tĩnh trước mặt Chúa.

2/ Sự tin cậy và phó thác những nhu cầu, nan đề của mình lên Chúa rất là quan trọng. Cũng nên cẩn thận làm theo mọi lời Chúa phán bảo. Từng bước, từng bước vâng theo lời Chúa phán dạy sẽ làm vững đôi chân của mình trên bước đường theo Chúa. Đáng tiếc thay đến bước nhân danh Chúa để nói cho vầng đá chảy ra nước cho dân sự uống thì ông Môi-se lại không cầm giữ được mình mà đập vào vầng đá mà phạm tội. Trong Thánh Kinh Báo có đoạn chia sẻ: “Họp ngày thành năm, họp năm thành đời: ngày đã xứng đáng thì năm cũng xứng đáng; năm đã xứng đáng thì đời cũng xứng đáng”. Liên tưởng đến bài học chủ đề tuần này tôi suy ngẫm đến sự trung tín bước đi với Chúa, từng bước phải thật vững chãi và xứng đáng với Chúa, đừng vì ai hay vì điều gì mà phạm tội:

Cuối cùng của một việc hơn sự khởi đầu nó; lòng kiên nhẫn hơn lòng kiêu ngạo.” (Truyền Đạo 7:8)

3/ Hai ông Môi-se và A-rôn phạm tội với Chúa, nên Ngài không để hai ông dẫn dắt dân sự vào miền đất hứa. Đó là sự sửa phạt của Chúa dành cho hai ông. Mỗi hành động tội lỗi chúng ta làm ra đều mang lại hậu quả về sau dù cho chúng ta có ăn năn xưng tội và được Chúa tha thứ. Tôi nhớ đến Lời Chúa phán dạy: “Cuốn Sách Luật Pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8), Chúa dạy chúng ta phải “cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong” và kèm theo lời giải thích  “Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.”

Nguyện rằng chúng ta ghi nhớ bài học trong chủ đề tuần này và mỗi một chúng ta luôn vâng theo Lời Chúa phán dạy và cẩn thận bước đi cách trung tín với Chúa. Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Nguyệt Ánh

2/ Bài Suy Ngẫm của Bùi Quốc Huy

Kính thưa Hội Thánh,

Tôi xin chia sẻ Lời Chúa tuần này.

Môi-se là người được Chúa chọn để giải cứu dân tộc I-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ của dân Ê-díp-tô và A-rôn là người được Chúa chọn để giúp đỡ Môi-se. Được Chúa chọn để làm công việc cho Ngài là một đặc ân lớn với người được chọn. Ban đầu khi nhận nhiệm vụ từ Chúa thì Môi-se và A-rôn đều cậy ơn Chúa để làm việc, kết quả là hai ông đều hoàn thành nhiệm vụ cách đẹp lòng Chúa.

Về Môi-se:

Ông là một người yêu Chúa và dân tộc của mình. Ông dám từ bỏ địa vị cao sang quyền quý tại xứ Ê-díp-tô để làm công việc Chúa giao là dẫn dắt dân sự ra khỏi xứ đó để vào xứ mà Chúa hứa ban.

Môi-se là người được trực tiếp nói chuyện với Chúa, được Chúa tỏ cho biết đường lối của Ngài.

Môi-se cũng là người có tính nhu mì, khiêm nhường, trung tín trong công việc mà Chúa giao:

“Tuy nhiên, Môi-se là người rất khiêm hòa hơn mọi người trên thế gian. Tôi tớ Môi-se Ta không có như vậy, người thật trung tín trong cả nhà Ta.” (Dân Số Ký 12:3,7).

Môi-se cũng nhiều lần cầu xin Chúa tha thứ cho sự phản nghịch của dân tộc I-sơ-ra-ên.

Mặc dầu có nhiều đức tính tốt nhưng có lúc Môi-se bị vấp phạm vì dân sự, phạm tội với Chúa, khiến cho ông không được vào miền đất Chúa hứa ban:

Kế đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se và A-rôn rằng: Bởi vì hai ngươi không có tin đến Ta, để tôn Ta nên thánh trước mặt dân I-sơ-ra-ên, vì cớ đó, hai ngươi sẽ không đem hội chúng này vào xứ mà Ta đã cho nó đâu.” (Dân Số Ký 20:12).

Về A-rôn:

Ông là người khéo nói, được Chúa chọn làm người phát ngôn cho Môi-se trước dân sự, được xức dầu làm thầy tế lễ trong dân I-sơ-ra-ên. Ông giúp đỡ Môi-se trong nhiều việc từ lúc còn ở trong xứ Ê-díp-tô đến khi đi trong đồng vắng.

Tuy A-rôn làm được nhiều việc cho Chúa, nhưng ông cũng là người dễ bị vấp phạm bởi dân sự của mình.

Sự vấp phạm đầu tiên là khi Môi-se lên núi Si-na-i nhận hai bảng đá có chép mười điều răn từ Đức Chúa Trời thì A-rôn nghe theo dân sự đúc tượng con bò bằng vàng và thờ phượng nó (Xuất Ê-díp-tô Ký 32).

Lần thứ hai là A-rôn nói nghịch lại Môi-se (Dân Số Ký 12).

Lần thứ ba là tại Ca-đe, ông làm theo ý mình mà không tôn thánh Chúa trước dân sự (Dân Số Ký 20).

Dầu cả Môi-se và A-rôn được Chúa chọn để làm công việc lớn lao của Ngài, nhưng có lúc hai ông vì làm theo ý riêng khiến mình phạm tội nặng với Chúa. Hậu quả là hai ông không được vào miền đất Chúa hứa ban. Dầu hai ông được Chúa tha thứ nhưng hậu quả của tội lỗi thì vẫn còn đó. Cũng như xưa kia tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va vậy. Vì sự phạm tội của ông bà mà tội lỗi vào trong thế gian cho đến tận ngày này. Cái giá của sự phạm tội là rất lớn.

Nguyện mỗi ngày chúng ta cậy ơn Chúa để sống đẹp lòng Ngài, để không phải gánh lấy những án phạt do tội lỗi gây ra.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Quốc Huy

3/ Bài Suy Ngẫm của Huỳnh Thị Anh

Xuất Ê-díp-tô Ký đã ghi lại hành trình giải cứu dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức ra khỏi nhà nô lệ của Đức Chúa Trời thật là một cuộc giải cứu đầy sống động. Bởi sự hiện diện đầy quyền năng và oai nghiêm của Đức Chúa Trời. Một Đức Chúa Trời luôn thực hữu giữa vòng dân sự. Một Đức Chúa Trời phán trực tiếp với loài người. Một Đức Chúa Trời đầy yêu thương, công chính và thánh khiết.

Môi-se và A-rôn là những người được nghe trực tiếp lời phán của Đức Chúa Trời, cũng tận mắt chứng kiến những phép lạ Đức Chúa Trời làm ra để hành hại vua Pha-ra-ôn và khắp xứ Ê-díp-tô. Nhờ vào đức tin và sự vâng phục Đức Chúa Trời, làm theo những gì Đức Chúa Trời phán dặn mà hai ông đã đưa được dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô.

Hai người đã trực tiếp nếm biết được quyền năng và sự thành tín của Đức Chúa Trời là thế. Hai người cũng nhìn thấy được sự oai nghiêm của Đức Chúa Trời khi Đức Chúa Trời muốn tiêu diệt đoàn dân I-sơ-ra-ên phản nghịch. Trong Dân Số Ký 14:11-19 đã chép về lời cầu xin của Môi-se cho dân sự, cho thấy Môi-se và A-rôn cũng hết lòng yêu dân sự của mình, không muốn họ bị diệt. Hai ông luôn biết nương cậy vào quyền năng và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời. Thế thì tại sao hai ông lại vấp phạm vì cớ dân sự để rồi bị Đức Chúa Trời sửa phạt, kết quả hai ông không được đem dân sự đến vùng đất hứa?

Tôi không biết hai ông đã nghĩ gì mà lại chọn làm trái với lời dặn dò của Thiên Chúa. Nhưng tôi có thể suy diễn thế này:

Hai ông vấp phạm là vì tức giận, giận dân sự phản nghịch Đức Chúa Trời, nói phạm đến Đức Chúa Trời, vô ơn trước những gì mà Đức Chúa Trời đã làm để đưa họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô, ra khỏi nhà nô lệ. Trên đường đi, gặp khó khăn, không theo ý mình muốn thì lại than trách hai ông, than trách Đức Chúa Trời. Họ không biết quý trọng những gì họ đang có và họ cũng không tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời hứa sẽ đưa họ đến xứ Ca-na-an đượm sữa và mật. Có lẽ hai ông cũng rất khó xử với đoàn dân I-sơ-ra-ên này lắm và hai ông cũng đã kiên nhẫn với họ nhiều lần rồi.

Trước sự vô ơn, phản nghịch của dân sự, lần này hai ông chắc rất tức giận, trong cơn tức giận đó hai ông đã không làm theo Lời Đức Chúa Trời dặn bảo:

“Hãy cầm lấy cây gậy ngươi, rồi với A-rôn anh ngươi, hãy truyền nhóm hội chúng, và hai ngươi phải nói với vầng đá trước mặt hội chúng, thì vầng đá sẽ chảy nước ra; ngươi sẽ khiến nước từ vầng đá chảy ra cho hội chúng và súc vật của họ uống.” (Dân Số Ký 20:8).

Nhưng:

“Môi-se và A-rôn truyền nhóm hội chúng đến trước vầng đá mà nói rằng: Hỡi dân phản nghịch! Hãy nghe, chúng ta dễ khiến nước chảy từ vầng đá này ra cho các ngươi được sao? Môi-se giơ tay lên, đập vầng đá hai lần bằng cây gậy mình. Nước chảy tràn ra nhiều, hội chúng uống, và súc vật họ uống nữa.” (Dân Số Ký 20:10-11).

Hai ông đã làm ngược lại với lời dặn dò của Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy đó, cho dù hai ông có không làm theo lời phán của Đức Chúa Trời nhưng sự thành tín của Đức Chúa Trời vẫn còn đó. Ngài vẫn cho nước từ vầng đá chảy ra như lời Ngài đã phán. Cho dù hai ông Môi-se và A-rôn không tôn thánh Đức Chúa Trời trước mặt dân sự, Đức Chúa Trời vẫn tự nên thánh trước mặt dân sự.

Ngay lập tức Đức Chúa Trời sửa phạt hai ông:

“Kế đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se và A-rôn rằng: Bởi vì hai ngươi không có tin đến Ta, để tôn Ta nên thánh trước mặt dân I-sơ-ra-ên, vì cớ đó, hai ngươi sẽ không đem hội chúng này vào xứ mà Ta đã cho nó đâu.” (Dân Số Ký 20:12).

Tìm hiểu tiếp thì chúng ta thấy Đức Chúa Trời đã cho A-rôn về với tổ phụ trước, Môi-se vẫn còn ở lại dẫn dắt dân sự thêm một thời gian nữa rồi Đức Chúa Trời cũng thay thế Môi-se bởi Giô-suê để đưa dân I-sơ-ra-ên vào miền đất hứa.

Qua sự việc này tôi nhận thấy:

Môi-se và A-rôn bị Đức Chúa Trời phạt vì tội của mình. Hai ông hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời, chấp nhận bị Chúa sửa phạt. Hai ông không có biện minh cho mình, cũng không cãi lại Đức Chúa Trời. Vì có lẽ hai ông cũng hiểu bản thân mình không là gì cả nếu không nhờ sự ban cho của Đức Chúa Trời thì hai ông không thể làm được gì. Và hai ông cũng hiểu được tình yêu lớn lao mà Đức Chúa Trời dành cho mình. Nhất là Môi-se, Đức Chúa Trời luôn phán trực tiếp với Môi-se, chứng tỏ Đức Chúa Trời yêu Môi-se nhiều hơn.

Được Đức Chúa Trời sử dụng để làm việc cho Ngài quả thật là một đặc ân rất lớn mà không phải ai mong muốn thì đều được cả. Bởi Rô-ma 9:15 có chép lại lời phán của Đức Chúa Trời:

“Vì Ngài phán với Môi-se: Ai Ta muốn thương xót Ta sẽ thương xót. Ai Ta muốn làm ra sự thương xót Ta sẽ làm ra sự thương xót. [Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19]”

Nếu chúng ta được Chúa thương xót, giao việc cho chúng ta làm thì hãy hết lòng mà làm. Nếu chúng ta vì điều gì đó hay vì ai đó mà khước từ đặc ân của Đức Chúa Trời tức là xem thường sự thương xót của Chúa dành cho chúng ta thì Đức Chúa Trời sẽ dùng người khác thay thế chúng ta. Bởi vì không phải chúng ta chọn Chúa mà là Chúa chọn chúng ta.

Còn nếu Chúa đã đặt để người đứng đầu Hội Thánh để dẫn dắt chúng ta thì chúng ta cũng hãy vâng lời người đó. Vì cớ gì? Vì cớ người đó đang làm một việc hết sức cao cả, một việc chăn dắt linh hồn của chúng ta. Khi xưa Môi-se và A-rôn giữ chức vụ đưa dắt dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô để đến miền đất hứa Ca-na-an đượm sữa và mật. Nhưng hai ông đã vì cớ dân sự mà vấp phạm giữa chừng không được tiếp tục công việc của mình. Ngày nay, người chăn của chúng ta cũng được Đức Chúa Trời giao nhiệm vụ đưa dắt linh hồn của chúng ta đến với Ngài. Vậy thì chúng ta đừng như dân I-sơ-ra-ên ngày xưa, gặp khó khăn thử thách là than trách người chăn, than trách Đức Chúa Trời. Thật vậy, khi chúng ta than trách thì không phải than trách người chăn mà là than trách Đức Chúa Trời vì người chăn chỉ làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời mà thôi.

Nếu đã chọn đi theo Chúa thì đừng than khổ, đừng oán trách, đừng tiếc nuối những gì phía sau. Bởi những gì ở phía sau kia tưởng chừng tốt đó nhưng nó không tồn tại lâu dài và nó cũng không ở mãi với chúng ta đâu. Dân I-sơ-ra-ên bị lưu lạc bốn mươi năm trong đồng vắng bởi sự chẳng tin của họ. Ngày nay, để đến được với Đức Chúa Trời thì chúng ta phải làm theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời được chép trong Mác 12:30-31

“Ngươi sẽ yêu Chúa, Đức Chúa Trời của ngươi, với hết thảy tấm lòng của ngươi, với hết thảy linh hồn của ngươi, với hết thảy tâm trí của ngươi, và với hết thảy sức mạnh của ngươi. Đó là điều răn thứ nhất. Và điều thứ hai là như thế này: Ngươi sẽ yêu kẻ lân cận của ngươi như chính mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn các điều này.”

Nếu chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời rồi thì chúng ta cũng hãy yêu người chăn dắt mình, yêu anh chị em cùng Cha của mình. Nếu chúng ta muốn đi đến cuối con đường, nếu muốn nhìn thấy sự vinh quang của Đức Chúa Trời thì chúng ta cứ yên lặng và vâng phục. Sự vâng phục của chúng ta sẽ làm cho Đức Chúa Trời vui lòng và đem lại niềm vui, sự sốt sắng cho người chăn dắt mình, góp phần giúp người đó hoàn thành tốt nhiệm vụ Chúa giao cho họ. Và như vậy chúng ta là những con chiên không mất mát thứ gì mà còn được Đức Chúa Trời ban phước. (Đây là sự dạy dỗ tôi học được qua bài giảng của người chăn).

Tôi xin kết thúc phần chia sẻ của tôi. Nguyện bài viết của tôi cũng góp phần gây dựng, đem lại ích lợi cho anh chị em trong Ban Thanh Niên chúng ta. Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Huỳnh Thị Anh

4/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Như Huỳnh

Môi-se và A-rôn là hai đầy tớ của Chúa được Ngài kêu gọi, dấy lên để giải cứu dân sự của Ngài là dân I-sơ-ra-ên là khỏi xứ Ê-díp-tô bị làm nô lệ trong suốt 400.

Khi được Thiên Chúa giải cứu qua Môi-se và trong suốt 40 năm lang thang trong đồng vắng thì không ít lần dân I-sơ-ra-ên phạm tội, lầm bầm, oán trách Môi-se; kể cả là oán trách Chúa rằng họ thà bị nô lệ khổ sai ở xứ người. Nếu có nghịch cảnh xảy ra hay có một chút khó khăn, thiếu thốn thì họ lại than trách, nổi nghịch cùng Môi-se. Qua đó cũng thấy có lẽ tâm trạng của Môi-se và A-rôn chắc hẳn cũng phải rất nhọc lòng và có khi áp lực mệt mỏi. Và trong lần thiếu nước uống trong đồng vắng này, vì chịu sự than trách của dân sự và đã có nhiều người chết nên khiến tâm trạng của hai ông càng thêm nặng nề, mệt mỏi nên hai ông đã vấp phạm với Thiên Chúa.

Khi nói đến đây làm tôi liên tưởng đến thực tại bây giờ cũng thế, có nhiều con dân Chúa ngày nay khi có đời sống ấm êm hạnh phúc no đủ thì lúc đó họ cảm thấy mọi sự thật phước hạnh và càng thấy yêu mến Chúa, nhưng nếu có sự khó khăn thử thách hoạn nạn thiếu thốn xảy ra thì họ lại bị nản lòng và càng ngày họ càng xa cách Chúa, thậm chí có một sự việc gì làm họ không được thoải mái, làm cuộc sống họ trở nên khó khăn hay chịu sự ảnh hưởng của xã hội công việc thì họ chọn bỏ Chúa mà quay về với cuộc sống của họ. Bằng chứng là đã có rất nhiều người bị dứt thông công.

Môi se và A-rôn là hai người được Chúa chọn và giao phó cho họ trọng trách là giải cứu dân sự Ngài, cũng có thể thấy chức vụ của hai ông cũng giống như chức vụ chăn bầy ngày hôm nay. Môi-se và A-rôn cũng được ơn nên mới được Chúa chọn ra để dẫn dắt dân sự Ngài nhưng không vì vậy mà khi hai ông phạm tội thì Chúa có thể bỏ qua cho hai ông. Ở đây chúng ta thấy được Môi-se và A-rôn không có sự lắng lòng mà giao phó cho Chúa, hai ông bị vấp phạm bởi dân sự mà không kiềm chế được cảm xúc xác thịt nên có sự không vâng lời Thiên Chúa. Vì thế mà Thiên Chúa đã không cho Môi-se và A-rôn lãnh đạo dân sự của Ngài vào đất hứa. Đó cũng sự bẻ trách, sửa trị của Ngài dành cho hai ông. Thật đáng tiếc khi cả hai ông đều là người được Chúa chọn, sai dùng trong chương trình của Ngài, mọi việc làm trước đó của hai ông như dẫn dắt dân I-sơ-ra-ên thoát khỏi xứ Ê-díp-tô, làm đủ mọi điều theo như ơn phước lành của Chúa ban cho đều đã bị tan biến hết chỉ trong một sự phạm tội của mình.

Cũng vậy ngày nay khi chúng ta là những người được Chúa chọn làm trong chức vụ nào hay một tín đồ của Chúa thôi, mặc dù chúng ta rất được ơn, làm ra nhiều điều lành cho Chúa hay dẫn dắt được nhiều người đến với Chúa nhưng khi chúng ta phạm tội, cho dù là tội nhỏ hay lớn, thì Ngài cũng sẽ sửa phạt chúng ta. Vì Chúa là Đấng công bình, Ngài không vị nể một ai cả. Ngài có tình yêu thương nhưng Ngài thánh khiết, công chính. Chính vì thế chúng ta khi được ơn hay là đang trong chức vụ trong Hội Thánh thì chúng ta càng phải giữ vững đức tin, nhu mì hạ mình như Đức Chúa Jesus Christ, không vì một việc nhỏ mà đánh mất đi phần thưởng Chúa đã dành cho mình. Trong một bài giảng của người chăn chia sẻ tôi không nhớ là ở đâu nhưng đại khái người chăn nói khi chúng ta phạm tội thì những việc công bình mà chúng ta làm ra cho đến khi chúng ta phạm tội sẽ kể là hư không. Cho nên khi chúng ta phạm tội hay vấp phạm mà để đánh mất đi phần thưởng, trật mất phần ân điển mà trước đó chúng ta làm ra thì thật là đáng tiếc vô cùng.

Qua bài học ngày hôm nay tôi rút ra được bài học như sau: Khi chúng ta gặp một vấn đề nào đó trong đời sống thì chúng ta hãy yên tĩnh đến với Chúa, xin Chúa giúp chúng ta nhận biết và luôn lắng lòng hạ mình trước Chúa vì không một việc gì xảy ra mà không bởi sự cho phép của Chúa cả. Xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan để khi gặp nan đề thì chúng ta biết cách để giải quyết cách khôn khéo, vừa đẹp lòng Chúa vừa góp phần xây dựng Hội Thánh. Và điều quan trọng cần phải có ở con dân Chúa là tấm lòng nhu mì, đặt Chúa lên trên hết mọi sự. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta học được bài học thật bổ ích qua bài học ngày hôm nay.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Như Huỳnh