Sự Hóa Thành Tượng Muối của Vợ Lót

1.024 lượt xem

Chủ đề: Sự Hóa Thành Tượng Muối của Vợ Lót.

Câu gốc:

“Nhưng vợ của Lót quay ngó lại đằng sau mình, nên hóa ra một tượng muối.” (Sáng Thế Ký 19:26).

Thánh Kinh tham khảo: Sáng Thế Ký 19:12-26.

1/ Bài Suy Ngẫm của Huỳnh Thị Anh

Từ buổi sáng thế, vì Ê-va không vâng lời Đức Chúa Trời nên đã phạm tội và kéo theo chồng là A-đam phạm tội. Và kể từ đó thì tội lỗi vào trong thế gian, loài người bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, xa cách mặt Đức Chúa Trời. Đây cũng là sự không vâng lời đầu tiên và hình phạt nặng nhất mà loài người phải chịu khi không vâng lời Đức Chúa Trời đó là sự chết.

Xuyên suốt lịch sử của Thánh Kinh, trải qua các đời, chúng ta đều thấy bản chất của loài người là không vâng lời.

Ngay cả những người được Đức Chúa Trời ban ơn, được tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời, được trải nghiệm quyền năng và sự nghiêm minh của Đức  Chúa Trời như Môi-se, A-rôn là các nhà tiên tri, cho đến các đời vua như: Sau-lơ, Đa-vít, Sa-lô-môn… cũng có những lúc không vâng lời Đức Chúa Trời và đã không ít lần gánh chịu hình phạt.

Tùy vào lòng thương xót cũng như sự biết trước của Đức Chúa Trời đối với loài người mà có những trường hợp con người phạm tội, Đức Chúa Trời cho cơ hội để ăn năn; nhưng có những trường hợp con người phạm tội không có cơ hội ăn năn như trường hợp vợ của Lót.

Về vợ Lót thì vợ Lót chỉ được Thánh Kinh nhắc đến một lần duy nhất. Đó chính là hành động trái lại lời dặn của thiên sứ: “Nhưng vợ Lót quay ngó lại sau lưng mình, nên hóa thành tượng muối”

Vì sao chỉ một hành động sai mà nhận ngay án tử? Liệu Đức Chúa Trời có khắt khe với vợ Lót quá?

Tôi thấy không có gì ngạc nhiên với hình phạt dành cho vợ Lót.

Bởi vì Đức Chúa Trời là Thành Tín, Công Chính và Thánh Khiết. Ngài không chấp nhận tội lỗi. Và Ngài không bao giờ hình phạt loài người mà chưa cảnh báo họ.

Tức là báo cho loài người biết trước ích lợi mà loài người nhận được khi vâng và làm theo, cũng như hậu quả loài người phải nhận khi không vâng và không làm theo lời Ngài. Như trong sự việc của A-đam và Ê-va được chép trong Sáng Thế Ký 2:16-17:

“Rồi, Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu truyền lệnh cho loài người. Ngài phán: Ngươi được tự do ăn từ mọi thứ cây trong vườn; nhưng về Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác thì ngươi sẽ không ăn đến; vì trong ngày ngươi ăn thì ngươi chắc sẽ chết.”

Cũng giống như vậy, trong lúc cứu gia đình Lót ra khỏi thành Sô-đôm, Đức Chúa Trời đã dặn rằng:

“…Hãy chạy trốn cứu lấy mạng, đừng ngó lại sau và cũng đừng dừng bước lại nơi nào ngoài đồng bằng; hãy chạy trốn lên núi, kẻo phải bỏ mình chăng.” (Sáng Thế Ký 19:17).

Đức Chúa Trời đã cảnh báo trước cho bốn người trong gia đình Lót rồi. Vậy nên, không ai có thể nói là mình không biết.

Tội của vợ Lót là cố ý phạm tội chứ không phải là do yếu đuối hay bất cẩn mà phạm tội. Ở đây, Thánh Kinh ghi rõ: “Nhưng vợ Lót quay ngó lại sau mình, nên hóa thành tượng muối.” Cho thấy một sự thật rõ ràng là vợ Lót đã làm ngược lại với lời dặn của thiên sứ nên phải chịu trừng phạt. Điều này là điều đương nhiên rồi.

Giống như Lời của Đức Chúa Jesus Christ phán trong Giăng 3:36:

“Ai tin nơi Đức Con thì được sự sống vĩnh cửu, còn ai không tin Đức Con thì sẽ chẳng thấy sự sống, nhưng cơn giận của Đức Chúa Trời ở lại trên người ấy.”

Vậy nên, hình phạt dành cho vợ Lót là hoàn toàn thích đáng và đó cũng là một sự cảnh tỉnh cho con dân Chúa chúng ta ngày nay là: “Chớ xem thường Lời Chúa, chớ khinh lờn tình yêu, ân điển mà Đức Chúa Trời dành cho chúng ta”. Bởi lời Chúa phán:

“Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm.” (Giê-rê-mi 17:10).

Và bây giờ chúng ta tìm hiểu xem động cơ nào dẫn đến hành động “quay ngó lại đằng sau mình” của vợ Lót?

Bất chấp lời cảnh báo của thiên sứ, bất chấp hình phạt là sự chết, vợ Lót sẵn sàng bỏ qua lời Chúa mà quay ngó lại sau lưng mình, chứng tỏ bà vẫn còn lưu luyến cuộc sống nơi đó. Bởi vì nơi đó có nhà cửa, đất ruộng, tài sản, súc vật, tôi trai tớ gái cho bà sai khiến. Bà tò mò muốn biết những thứ đó sẽ như thế nào? Sẽ ra sao với sự hủy diệt bằng mưa lưu huỳnh và lửa.

Theo tôi nghĩ, sự việc sẽ không có gì, cho dù bà có quay ngó lại đằng sau hay dừng lại nơi đồng bằng nếu như không có lời dặn của thiên sứ. Bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, Ngài muốn cứu gia đình Lót thì có gì khó đâu. Nhưng Ngài muốn nhìn thấy tấm lòng của họ như thế nào với Ngài mặc dù Ngài biết trước mọi việc. Ngài muốn cho họ cơ hội chọn vâng lời hay không vâng lời.

Cũng giống như ngày xưa, Ê-va và A-đam chọn ăn trái cấm, ăn trái mà Đức Chúa Trời cấm không cho ăn. Họ vẫn ăn bởi vì họ không tin Lời Đức Chúa Trời mà tin lời một con rắn.

Cũng vậy, sự con dân Chúa có vâng và làm theo Lời Chúa hay không phụ thuộc vào việc người đó có tin vào Lời Đức Chúa Trời hay không mà thôi. Vợ Lót không tin rằng Đức Chúa Trời rồi sẽ ban cho gia đình bà những thứ khác tốt hơn, nơi ở mới tốt hơn, vậy nên bà đã tiếc nuối những thứ bỏ đi mà đánh mất sự sống của mình.

Hành động quay ngó lại đằng sau mình, nên hóa thành tượng muối tiêu biểu cho việc một người được Đức Chúa Trời cứu ra khỏi tội lỗi mà còn lưu luyến tội lỗi. Một người đã bước đi theo Chúa mà vẫn còn yêu mến thế gian, vẫn còn quá lo lắng về đời này để cho những nhu cầu vật chất trói buộc, cản bước không đến được với sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Sự hóa thành tượng muối của vợ Lót đã để lại cho tôi một bài học sâu sắc về sự vâng lời.

“Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.” (I Sa-mu-ên 15:22b).

Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Huỳnh Christian Anh.

2/ Bài Suy Ngẫm của Lê Minh Dương

Theo Thánh Kinh Tha-rê sinh Áp-ram, Na-cô, và Ha-ran. Và Ha-ran sinh ra Lót. Sau đó Tha-rê dẫn con mình là Áp-ram và Lót, cháu của mình, đi đến xứ Ca-na-an, nhưng đến Cha-ran thì định cư tại đó. Sau khi Tha-rê qua đời, Chúa kêu gọi Áp-ram ra khỏi đất Cha-ran để đi đến xứ Ca-na-an, và Áp-ram vâng lời, có Lót đi cùng với ông. Sau khi bị nạn đói họ đi xuống Ê-díp-tô, và khi trở về xảy có chuyện tranh giành giữa bọn chăn bầy của Áp-ram và của Lót. Sau rồi Lót phân rẽ Áp-ra-ham, chọn đi đến vùng đồng bằng của sông Giô-đanh và dời trại đến Sô-đôm. Kể từ đó cuộc sống của Lót và Áp-ra-ham tách biệt nhau.

Vì cớ tội lỗi đầy tràn của dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ nên Chúa muốn hủy diệt hai thành đó là nơi Lót đang sinh sống. Cũng bởi lời cầu nguyện của Áp-ra-ham và sự thương xót của Chúa nên Ngài đã cứu gia đình Lót ra khỏi sự hủy diệt đó. Ngài đã sai hai thiên sứ đến để cứu gia đình Lót. Trong gia đình của ông thì có thấy hai chàng rể không tin lời của ông. Nhưng ông và những người còn lại là hai con gái và vợ ông thì chưa sẵn sàng để ra đi, bởi sự thương xót của Chúa nên hai thiên sứ nắm lấy tay ông và cả gia đình ông mà kéo đi ra khỏi nơi đó. Khi cả gia đình ông vào đến Xoa thì Chúa giáng mưa lưu huỳnh từ trời xuống, nhưng rồi vợ Lót ngó lại đằng sau, không làm theo lời thiên sứ phán dặn nên hoá thành một tượng muối.

Thánh Kinh không nói gì về vợ Lót, chỉ thấy được hành động ngó lại sau mà hoá thành tượng muối. Khi Lót vào đến thành Xoa, Chúa giáng mưa lưu huỳnh. Có lẽ thành Xoa không quá xa Sô-đôm. Như câu 30 có nói, Lót ở Xoa thì sợ hãi, dù không nhìn lại phía sau nhưng có lẽ những âm thanh của sự hủy diệt làm ông sợ nên bỏ Xoa mà đi lên núi chăng. Và Xoa cũng không phải là nơi Chúa định cho gia đình ông ẩn nấp. Như trong Sáng Thế Ký 13:10:

“Lót ngước mắt lên, thấy khắp đồng bằng của sông Giô-đanh đều có nước chảy tưới khắp nơi. (Trước khi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phá hủy thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, như vườn của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, như xứ Ê-díp-tô, khi ngươi đến Xoa.) [Câu trong ngoặc tròn là ghi chú của Môi-se dành cho người đọc.]”

Có lẽ thành Xoa là một trong những thành trong đồng bằng của sông Giô-đanh trong đó có Sô-đôm và Gô-mô-rơ, vì thế thiên sứ mới phán bảo gia đình ông hãy chạy lên núi như câu 17 có nói.

Vì thế trong một khoảng cách đủ gần để có thể nghe tiếng hủy diệt, đáng lẽ vợ của Lót càng phải sợ hãi mà càng không dám nhìn lại, và phải vui mừng khi mình thoát khỏi tai nạn kinh khiếp, nhưng bà đã không như thế mà còn quay lại phía sau, hành động đó có lẽ như tiếc nuối những gì gia đình bà gây dựng bấy lâu nay đã mất hết. Tôi nghĩ mặc dù đi theo sự nắm tay của thiên sứ, có lẽ lòng bà cũng lo lắng và mong những tài sản của bà sẽ không bị mất. Vì ông Lót rất giàu như có chép:

“Đất đó không đủ chỗ cho họ ở chung với nhau. Vì tài vật của họ rất nhiều, nên họ không thể ở chung với nhau.” (Sáng Thế Ký 13:6).

Nếu bà ngó lại chỉ vì giật mình theo phản xạ thì có lẽ bà sẽ không phạt nặng như vậy. Sự việc bà bị hoá thành tượng muối, tôi có rút ra mấy điều như sau:

Vì lòng bà không đặt Chúa trên hết mọi sự, bà vẫn sống cho đời này, ưu thích của cải vật chất nên đã ngó lại, luyến tiếc những gì đã mất. Như Lời Chúa có dạy:

“Người lành bởi kho chứa điều lành của lòng người ấy mà phát ra điều lành. Kẻ dữ bởi kho chứa điều dữ của lòng kẻ ấy mà phát ra điều dữ. Vì do sự đầy dẫy của lòng mà miệng của người ấy nói.” (Lu-ca 6:45).

Bởi lòng bà hướng về thế gian nên cứ theo phản xạ tự nhiên, lòng hướng về điều gì thì sẽ hành động như vậy.

Lót là một người công bình như trong II Phi-e-rơ 2:7:

“và Ngài đã giải cứu người công chính là Lót, người đã mệt mỏi bởi cách ăn ở phóng đãng của những kẻ phạm pháp;”

Nhưng trong đời sống của ông cũng có sự thiếu khôn sáng khi đi theo Chúa. Khi ông quyết định chia tay Áp-ra-ham, ông nhìn và quyết định theo cái nhu cầu xác thịt là: “Lót ngước mắt lên, thấy khắp đồng bằng của sông Giô-đanh đều có nước chảy tưới  khắp nơi.” Nhưng không ưu tiên sự thuộc linh mà đặt gia đình của mình trong vòng nguy hiểm, sống giữa xã hội độc ác. Khi ông Lót và cả gia đình ông bị Vua Kết-rô Lao-me và các vua đồng minh bắt thì được Áp-ra-ham cứu thoát, có thể đó là lời cảnh tỉnh để ông Lót suy nghĩ mà đưa gia đình ra khỏi đó nhưng ông vẫn không thay đổi. Với những việc Lót làm cũng ít nhiều ảnh hưởng gián tiếp đến vợ mình. Vợ ông sa ngã tôi nghĩ ông cũng có phần trách nhiệm.

Khi thiên sứ phán bảo gia đình ông hãy chạy lên núi thì ông lại xin ở lại thành Xoa là thành ở trong đồng bằng có thể gần thành Sô-đôm như đã nói ở trên, và thiên sứ đã cho phép. Nếu như ông dẫn gia đình đi xa hơn như lời thiên sứ, có lẽ bà không ngó lại phía sau chăng?

Sự hoá thành tượng muối của vợ Lót là do tấm lòng bà đối với Chúa, dù có là nguyên nhân nào, thì chính bà phải tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Sự vững vàng của người chồng sẽ giúp gia đình thăng tiến trong Chúa. Vì thế những ai làm chồng hay trong vai trò quyết định hãy thật cẩn thận để mỗi quyết định không gây thiệt hại hay ảnh hưởng cho những thành viên trong gia đình mình. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Lê Minh Dương

3/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Nguyệt Ánh

Kính thưa Hội Thánh,

Chủ đề tuần này gắn liền với câu chuyện Thiên Chúa giải cứu gia đình ông Lót ra khỏi thành Sô-đôm trước khi Ngài giáng hình phạt trên hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ (Sáng Thế Ký 19:1-29) vì cớ tội lỗi của hai thành ấy đã thấu lên đến Thiên Chúa. Nhân vật chính trong chủ đề tuần này đó chính là vợ của Lót, bà không được Thánh Kinh nhắc đến tên của bà. Khi nghĩ đến bà thì tôi nhớ đến các câu Thánh Kinh sau:

“Hãy nhớ lại vợ của Lót.” (Lu-ca 17:32).

“Đức Chúa Jesus phán rằng: Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với Vương Quốc của Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 9:62).

Vợ của Lót là một tấm gương xấu mà chúng ta cần phải nhớ đến và tránh phạm vào điều tương tự như bà đã phạm. Suy ngẫm về vợ của Lót, tôi học được những bài học sau:

1/ Gia đình ông Lót thật là có phước vì đã được Thiên Chúa thương xót kéo ra khỏi thành Sô-đôm trước cơn tai hoạ lớn:

“Đến sáng, hai thiên sứ hối Lót và phán rằng: Hãy thức dậy, dẫn vợ và hai con gái ngươi đang ở đây ra, kẻo ngươi cũng chết lây về việc hình phạt của thành nữa chăng. Nhưng Lót lần lữa; vì cớ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thương xót Lót, nên hai thiên sứ nắm lấy tay kéo người, vợ cùng hai con gái người, và dẫn ra khỏi thành.” (Sáng Thế Ký 19:15-16).

Thiên Chúa cũng không cho phép gia đình ông Lót ngó lại đằng sau. Suy nghĩ về việc Thiên Chúa không cho gia đình ông Lót ngó lại đằng sau, tôi nghĩ có thể vì Chúa không muốn gia đình ông luyến tiếc một điều gì như nhà cửa, của cải hoặc có thể Chúa không muốn gia đình ông nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng của việc Chúa giáng mưa lưu huỳnh và lửa ở trên trời xuống trên Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Và gia đình ông Lót cần phải có sự vâng phục tuyệt đối vào việc không ngó lại đằng sau. Vợ của Lót, tôi không biết chính xác vì lý do gì mà bà ngó lại đằng sau, có thể do bà tò mò hoặc nuối tiếc tài sản, của cải tại thành Sô-đôm. Nhưng việc làm không vâng phục Chúa của bà đã khiến bà nhận lấy hình phạt ngay tức khắc, đó là hoá thành tượng muối cũng như hư mất linh hồn mình.

Trong bước đường đi theo Chúa, tấm lòng vâng phục tuyệt đối với Chúa rất là quan trọng, đó là hoàn toàn tin và vâng theo Lời Chúa, vâng phục người chăn cùng các trưởng lão, những thẩm quyền mà Chúa đặt để trên mình. Khoảng thời gian đi vào vùng đất mới để chuẩn bị nơi ở cho những ngày khó khăn sắp đến, tôi học được bài học về sự vâng phục và tôn trọng những thẩm quyền mà Chúa đã đặt để trên mình. Từ đó tôi nhận thấy, khi mình vâng phục thì mọi sự dễ dàng hơn và được phước Chúa ban:

“Sa-mu-ên nói: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo Lời phán của Ngài sao? Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.” (I Sa-mu-ên 15:22).

“Nếu các ngươi sẵn lòng vâng lời, sẽ ăn được sản vật tốt nhất của đất.” (Ê-sai 1:19).

Ngoài ra, tôi thấy việc hoàn toàn vâng phục Chúa cũng là phận sự của mình:

“Chúng ta hãy nghe lời kết luận của trọn sự việc: Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn của Ngài! Vì ấy là trọn phận sự của loài người.” (Truyền Đạo 12:13).

Có khi tôi thiếu sót trong việc không hết lòng để ý lời dặn dò của chồng hay anh chị em nào đó rồi quên mất, nhưng giờ nghĩ lại tôi thấy mình thật sai và cần phải sửa đổi. Dù là lời góp ý nhỏ hoặc dặn dò nhỏ của ai đó thì mình cần phải hết lòng để tâm và làm theo. Có như vậy tôi mới được Chúa thánh hoá càng hơn.

2/ Suy ngẫm hơn về vợ của Lót, tôi nghĩ đến bà là một tấm gương xấu trong việc dạy con. Có lẽ bà không phải là một người phụ nữ chuẩn mực và đẹp lòng Chúa trong việc dạy dỗ hai con gái của mình. Thánh Kinh cũng không ghi lại tên của hai con gái bà. Như vậy thì cả ba mẹ con bà đều không được ghi lại tên trong Thánh Kinh. Tôi nghĩ nếp sống của bà cũng như sự làm gương xấu của bà có ảnh hưởng lớn đến hai con gái, vì con gái thì học trực tiếp tấm gương từ mẹ. Điển hình là sau khi được Chúa cứu ra khỏi tai hoạ của thành Sô-đôm thì hai con gái của bà không biết kính sợ mà tìm cầu Thiên Chúa, nhưng lại tự làm theo ý riêng để rồi phạm tội loạn luân với cha mình là ông Lót, để duy trì nòi giống cho cha. So với bà Sa-ra, vợ ông Áp-ra-ham, là người phụ nữ đương thời với vợ của Lót, nhưng bà Sa-ra trở thành tổ mẫu của Đức Chúa Jesus Christ cũng như của dân Do Thái, hai người phụ nữ nhưng hai số phận khác nhau, một người được lưu danh ngàn đời, một người thì không được biết đến tên cũng như là một tấm gương xấu.

Tôi nghĩ rằng một người phụ nữ, một người mẹ, một người vợ có vai trò quan trọng trong gia đình. Một gia đình được thịnh vượng hay suy tàn thì cũng có một phần nào vai trò của người vợ trong đó.

3/ Tôi nghĩ đến người cày ruộng. Nếu ai đang cày ruộng mà quay lưng ngó lại đằng sau thì đương nhiên đường cày phía trước sẽ bị lệch và xấu. Việc chúng ta đi theo Chúa đã có sẵn một mục tiêu nhưng vì lý do nào đó mà chúng ta luyến tiếc đời sống xưa cũ hay chưa từ bỏ một tội nào đó thì không xứng đáng với Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Nguyện rằng qua chủ đề tuần này, chúng ta học được những bài học từ Chúa để luôn sống một đời sống hoàn toàn tin cậy, vâng phục Chúa, xứng đáng với Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Nguyệt Ánh

4/ Bài Suy Ngẫm của Bùi Quốc Huy

Kính thưa Hội Thánh

Trước khi Thiên Chúa hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ thì Ngài đã đem Lót cùng vợ và hai con gái của ông tránh khỏi nơi ấy. Vì Lót là người công chính trước mặt Chúa nên Ngài đã thương xót mà sai hai thiên sứ đến cứu gia đình của ông ra khỏi cơn thịnh nộ rất lớn của Ngài.

Một trong hai thiên sứ đã dặn Lót cùng vợ và hai con của ông khi chạy trốn thì không được ngoảnh lại nhìn, không ở trong nơi đồng bằng mà hãy chạy lên núi.

Bỏ tất cả tài sản mình có mà ra đi tay không để bảo toàn mạng sống là một quyết định không hề dễ dàng, nhưng Lót đã chọn bỏ tất cả với sự giúp sức từ hai thiên sứ của Chúa.

Không thiếu những trường hợp khi được cảnh báo sắp có thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh xảy ra nơi người ta ở thì họ vì tiếc của mà không chịu đi nơi khác lánh nạn, kết quả là họ phải đánh đổi bằng mạng sống của mình, hay vì mất của mà bị điên dại.

Trường hợp điển hình là người vợ của Lót, vì tiếc của mà ngó lại đằng sau nên bà bị hóa thành một tượng muối.

Vợ của Lót vì không vâng theo lời thiên sứ của Chúa đã dặn nên phải nhận lãnh hậu quả là mất đi mạng sống của mình.

Vâng theo sự phán dạy của Chúa là một việc hết sức quan trọng vì:

“Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.” (I Sa-mu-ên 15:22b).

Chúng ta sống ở trên thế gian này không phải chỉ nhờ cơm, áo, gạo, tiền… mà còn được nuôi sống bằng Lời Chúa.

“Loài người sẽ sống chẳng phải chỉ nhờ bánh, nhưng loài người sẽ sống nhờ mỗi một lời ra từ miệng của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:3b).

Lời Chúa sẽ còn lại đời đời, nên ai làm theo Lời Chúa thì cũng sẽ đời đời được hưởng cơ nghiệp của Chúa nên những gì ở thế gian tạm bợ này không đáng để chúng ta phải lưu luyến, tiếc nuối. Một linh hồn thì quý hơn cả thế gian này. Vậy nên đừng vì những sự ở đời này như tiền tài, danh vọng, cái tôi kiêu ngạo… mà đánh mất linh hồn của mình thì thật không đáng.

Nguyện bài học về chủ đề hôm nay nhắc nhở mỗi một con dân Chúa phải hết lòng sống theo Lời Chúa là Thánh Kinh để được hưởng phước đời đời trong nhà Chúa. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Quốc Huy

5/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Như Huỳnh

Anh chị em thân mến tôi xin được chia sẻ sự hiểu của tôi về chủ đề và câu gốc của tuần này như sau:

Trong phân đoạn Thánh Kinh từ Sáng Thế Ký 19:12-25 là nói về việc Thiên Chúa tiêu diệt thành Sô-đôm vì dân này phạm tội đến nỗi Ngài phải tiêu diệt họ. Trong lúc đó thiên sứ của Thiên Chúa đã hối thúc ông Lót, bảo ông và gia đình ông phải nhanh chóng rời khỏi thành Sô-đôm và chạy lên núi để trú ẩn và Lót đã xin thiên sứ cho ông chạy trốn qua thành Xoa, đến tận hai lần thiên sứ hối thúc ông chạy trốn đến nỗi thiên sứ phải níu tay kéo ông đi.

Sự hủy diệt thành Sô-đôm cùng tất cả những gì thuộc về thành đó đều bị thiêu rụi, cả đến chồi non ở dưới đất cũng đều bị thiêu cháy cả. Có thể thấy Chúa rất thương ông Lót vì mấy lần ông chần chừ không chịu đi nhưng Ngài thương xót, vẫn đợi ông ra khỏi thành an toàn rồi mới giáng cơn mưa lưu huỳnh xuống để hủy diệt thành Sô-đôm. Mọi sự đều ở trong bàn tay của Chúa, quả thật Ngài muốn thương xót ai thì Ngài thương xót và Ngài muốn làm ơn cho ai thì Ngài làm ơn như trong Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19 có chép:

“Ngài phán: Ta sẽ làm cho mọi sự thiện của Ta đi ngang qua trước ngươi. Ta sẽ hô danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trước mặt ngươi, sẽ làm ơn cho ai Ta muốn làm ơn, và sẽ thương xót ai Ta muốn thương xót.”

Qua đó cho chúng ta thấy được mọi sự đều nằm trong thánh ý và sự cho phép của Ngài.

Riêng về phần vợ của ông Lót thì tôi có sự suy ngẫm khác hơn ông Lót đó là sự vâng phục và đức tin đặt để nơi Chúa. Vợ ông Lót có thể vì tò hay hiếu kỳ mà bà không nhớ đến lời dặn của thiên sứ trong câu 17:

“Khi hai thiên sứ dẫn họ ra khỏi rồi, một trong hai vị nói rằng: Hãy chạy trốn cứu lấy mạng, đừng ngó lại sau và cũng đừng dừng bước lại nơi nào ngoài đồng bằng; hãy chạy trốn lên núi, kẻo phải bỏ mình chăng.”

Khi chạy trốn bà đã ngó lại phía sau để rồi hoá ra thành một tượng muối. Đó là hậu quả cho sự không vâng phục, đã được dặn dò cẩn thận mà vẫn ngoan cố phạm thì cuối cùng lại nhận lấy hậu quả thật đáng tiếc.

Trong thực tế hiện tại có nhiều người cũng giống như vợ của ông Lót, đã được Chúa giải cứu, đem về và cho họ được ở trong vòng tay Ngài thật vững chắc và an toàn biết bao nhiêu, nhưng họ lại cứ muốn ngoái nhìn lại đằng sau là những điều phạm tội, những thú vui xác thịt, ham mến thế gian, kiêu ngạo, tà dâm… mà Thiên Chúa đã cảnh báo trước và đã đặt để điều răn luật pháp của Ngài để họ nhìn vào đó mà không phạm tội.

Tại sao giữa một thành đầy dẫy sự phạm tội mà Chúa lại chỉ cứu mỗi gia đình ông Lót? Và gia đình ông cũng thuộc vào thành Sô-đôm, cũng kể là đáng bị diệt nhưng bởi sự thương của Ngài và tôi nghĩ rằng có lẽ do ông Lót sống cách đẹp lòng Chúa và là người công bình duy nhất còn sót lại trong thành Sô-đôm nên Chúa đã muốn cứu lấy gia đình của ông. Nếu chúng ta suy nghĩ đến sự thánh khiết của Chúa thì gia đình của ông chắc phải sống trọn vẹn nên Ngài mới cứu họ, cho họ còn được sống, nhưng khi hoạn nạn đến thì phải chăng vợ ông Lót đã yếu lòng mà không vâng phục sự phán dạy của Ngài qua thiên sứ? Nhưng đáng buồn thay sự thương xót của Chúa dành cho gia đình ông Lót đã không được trọn vẹn khi mà vợ ông lại ngoái nhìn về phía sau để rồi hoá thành tượng muối.

Qua đây tôi rút ra được bài học cho mình:

Chúa là Đấng nhân từ, thương xót nhưng không vì vậy mà Ngài bỏ qua bất kỳ sự vi phạm nào của chúng ta dù nhỏ hay lớn. Chúa là thánh khiết và công chính nên mỗi sự hình phạt của Ngài đều chính đáng và xứng với mỗi tội mà mình làm ra. Sự không vâng phục cũng là sự phạm tội.

Khi được Chúa cáo trách, nhắc nhở thì chúng ta phải biết kịp thời nhanh chóng ăn năn, từ bỏ hết những sự gì thuộc về tội lỗi ở phía sau, không còn vương vấn, hết lòng vâng phục Ngài. Khi Ngài vẫn còn kêu gọi, cáo trách là chúng ta còn cơ hội để ăn năn, Ngài vẫn còn thương xót chúng ta.

Chúng ta hãy nhìn gương vợ của ông Lót mà rút ra được kinh nghiệm cho chính bản thân mình về sự vâng lời, tấm lòng đơn sơ Chúa bảo sao thì mình làm vậy không thắc mắc, nghi ngờ để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra trên đời sống của chúng ta. Đôi khi những việc mình nghĩ thật đơn giản và không thiệt hại gì nhưng nó lại là nọc độc từ từ ngấm ngầm vào khi nào không hay. Xin Chúa ban cho chúng ta sự hiểu biết Lời Chúa càng hơn để mỗi một điều Chúa dạy chúng ta đều hiểu thật chính xác và với tấm lòng đơn sơ mà vâng phục, để đời sống của chúng ta không bị hoá thành tượng muối như vợ của ông Lót.

Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Như Huỳnh