Chúa Jesus Vào Nhà Xa-chê

568 lượt xem

Chủ đề: Chúa Jesus Vào Nhà Xa-chê

Phần âm thanh buổi nhóm:

Link tải mp3: Bấm vào đây

Câu gốc:

“Vì Con Người đã đến để tìm và cứu kẻ bị hư mất.” (Lu-ca 19:10).

Thánh Kinh tham khảo: Lu-ca 19:1-10

1/ Bài Chia Sẻ của Đồng Thị Nghĩa

Kính chào anh chị em trong Ban Thanh Niên cùng ông bà cô chú anh chị em trong Hội Thánh!

Tôi xin chia sẻ một số điều tôi suy ngẫm và học hỏi được qua chủ đề của tuần này.

Trước hết, tôi thấy ông Xa-chê thật có lòng tìm xem để biết Chúa là ai. Bởi vì Lu-ca 19:3-4 có chép:

“Ông tìm xem Đức Chúa Jesus là ai, nhưng không được, vì quá đông người, mà ông thì thấp, bé. Vậy, ông chạy trước, trèo lên cây sung, để có thể nhìn xem Ngài, vì Ngài phải đi qua đó.”

Tức là có một đám đông lớn xung quanh Chúa nên kể cả đối với một người có chiều cao trung bình thì đã là khó khăn để đến được gần Chúa mà nhìn xem Chúa. Thế mà ông Xa-chê lại còn thấp nữa thì ông lại càng khó hơn để mà có thể nhìn xem được Ngài. Tôi hiểu là ông đã thử cố gắng chen chúc trong đám đông, đi qua chỗ này hoặc chỗ khác và có lẽ là đứng lên những chỗ cao ở gần ông, nhưng vẫn không thể xem được Chúa. Nếu như là một người không thật hết lòng muốn nhìn xem Chúa thì có thể họ sẽ nghĩ là: Thôi, chen mãi không được mệt quá, để lần sau cũng được. Nhưng ông Xa-chê thì khác, vì ông rất muốn nhìn xem Chúa nên cách này không được thì phải cách khác, thế nào nhất định ông cũng phải thấy Chúa mới thỏa lòng. Chính vì vậy ông mới nghĩ ra cái cách là leo lên cây để xem.

Tôi cũng chú ý là ông chạy chứ không phải đi bình thường đến cái cây. Tôi nghĩ có lẽ vì ông sợ không nhanh thì lỡ không kịp ở trên cây lúc Chúa đi tới đó và ông sẽ mất cơ hội thấy Chúa thì sao. Vậy nên khi nghĩ ra cách là ông phải lập tức chạy đi làm ngay.

Tôi tự hỏi: Đối với người chưa biết Chúa thì họ cần hết lòng tìm kiếm để gặp được Chúa. Nhưng đối với người đã có Chúa rồi thì có phải mình không cần tìm Chúa nữa vì Chúa đã ở bên mình không? Câu trả lời của tôi là: Nếu ví Chúa như biển cả bao la, thì việc mình đến với Chúa lúc ban đầu chỉ như một người bẩn thỉu, từ lúc sinh ra chưa bao giờ tắm gội, sống ở nơi hoang mạc xa xôi, đi ra được tới nơi biển cả, thỏa thích tắm gội nơi ven bờ cho sạch sẽ, cho được khử trùng bởi nước muối biển. Nhưng mình gặp được biển đâu có nghĩa là mình đã hiểu rõ về biển. Cũng như vậy, tôi gặp được Chúa, tôi có hiểu về Chúa, nhưng chỉ là một sự hiểu biết rất ít ỏi đơn sơ. Chúa là tình yêu, là công chính, là thánh khiết. Tôi vẫn cần phải tiếp tục suy ngẫm, học hỏi Lời của Ngài và làm theo từng lời ấy để tôi được bơi ra xa hơn, được xem thấy những vẻ đẹp tuyệt vời diệu kỳ trong tình yêu, sự công chính và thánh khiết của Ngài. Nếu tôi cứ bơi lội và tìm kiếm trong biển tình yêu của Chúa, tôi sẽ bắt gặp muôn vàn những rặng san hô xinh đẹp, sẽ bắt gặp những con cá, con ốc hay các loại sinh vật đủ màu sắc, kích thước, hình dáng khác nhau đang hoạt động sôi nổi trong lòng biển cả. Tức là tôi sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp diệu kỳ của tình yêu Chúa. Vì vậy, nhất định tôi vẫn rất cần tiếp tục và nhiệt tình tìm kiếm ở trong Ngài.

Và nhân nghĩ về sự liên tưởng này thì tôi cũng nghĩ tới một điều khá thú vị. Với một người ở nơi hoang mạc xa xôi, chưa tắm bao giờ thì khi ra biển, làm quen với biển, cùng lắm là tắm chứ sao mà biết bơi để mà bơi vào và bơi xuống lòng đại dương được? Câu trả lời là có ai gặp nước là lập tức biết bơi và bơi nhuần nhuyễn ngay được hay không? Theo sự hiểu của tôi là không! Phải có sự tập luyện. Như vậy, đang từ một con người cũ của chúng ta, đổi qua sống một nếp sống mới cũng có những sự tập luyện. Càng kiên trì thực hành thì càng mau chóng biết sống đúng. Sự vấp ngã sai lầm sẽ ngày càng giảm đi. Có thể ban đầu chúng ta thấy thật khó để luôn sống đúng theo Lời Ngài, nhưng dần dần chúng ta sẽ thấy dễ dàng hơn khi cứ kiên trì thực hành đúng, sai ở đâu thì hết lòng sửa ngay tại đó.

Trong đời sống hàng ngày của chúng ta có rất nhiều việc cần làm, có nhiều những sự khó khăn cản trở chúng ta tìm kiếm Chúa qua lời của Ngài. Nếu chúng ta không hết lòng thì chúng ta sẽ dễ bỏ cuộc. Nhưng nếu chúng ta hết lòng thì chúng ta sẽ tìm mọi cách, cách này không được thì mình sẽ tìm cách khác. Tìm cách rút ngắn thời gian cho những công việc cần làm hoặc là cắt bỏ đi những thứ không thật cần. Buổi sáng không được thì buổi trưa, buổi tối. Từ sáng tới tối không có thời gian thì phải thức khuya, thức khuya không được thì thử dậy sớm. Cứ cầu xin Chúa giúp mình và cứ thử.

Hoặc nếu chúng ta có thời gian để học Lời Chúa nhưng không biết phải học như thế nào thì cũng có thể hỏi Chúa, hỏi anh chị em khác. Và khi nhận được sự chỉ dẫn thì nhanh chóng làm theo, giống như ông Xa-chê nghĩ ra cách leo lên cây thì chạy đi làm ngay vậy. Biết cách mà không làm thì tất nhiên không có kết quả.

Tóm lại là chắc chắn sẽ có cách để tìm kiếm Chúa qua sự học Lời Ngài nếu chúng ta hết lòng mong muốn. Như Lời Chúa có chép trong Giê-rê-mi 29:13:

“Các ngươi sẽ tìm và gặp được Ta, khi các ngươi hết lòng tìm kiếm Ta.”

Ở đây ông Xa-chê leo lên cây là để được nhìn thấy Chúa và hành động của ông là việc làm đúng. Nhưng hình ảnh ông Xa-chê, thực tế thì thấp lùn mà khi leo lên cây thì đã đặt mình ở vị trí cao hơn cả Chúa và mọi người khác, khiến tôi suy nghĩ đến một thực tế: Khi chúng ta chưa tiếp nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Chúa. Thực tế bản thân chúng ta thì chỉ là con người thấp bé, kém cỏi. Nhưng lại tự đặt mình cao hơn người khác, cao hơn Chúa.

Khi Chúa nhìn đến ông Xa-chê và phán bảo với ông thì ông vội vàng xuống khỏi cây và mừng đón Chúa. Giống như khi chúng ta được Chúa thương xót mà nhìn đến mình thì chúng ta lập tức hạ mình xuống đúng vị trí của mình và vui đón Chúa vậy. Nguyện rằng khi đã đến với Chúa rồi thì mỗi chúng ta luôn sống theo Lời Chúa, đầu phục Chúa bằng cách sống theo Lời của Ngài; chứ không sống theo ý riêng, coi ý của mình tốt hơn ý Chúa, tự đặt bản thân mình cao hơn Chúa.

Tôi chú ý tới chi tiết ông Xa-chê nói với Chúa rằng: “Nếu tôi có chiếm đoạt của bất cứ ai, tôi sẽ đền gấp tư.” Như vậy thì ông ấy còn không chắc ông có chiếm đoạt của bất cứ ai thứ gì đó không. Vì nếu ông đã thật sự chiếm đoạt của ai thì ông sẽ nói “Tôi xin đền gấp tư cho những người mà tôi đã chiếm đoạt”.

Có lẽ thời đó không phải người dân có một mức thuế chung phải nộp. Mà mỗi người, tùy vào thu nhập của họ thì sẽ phải nộp số thuế khác nhau. Hoặc là có một mức thuế chung cố định, nhưng bên cạnh đó mỗi người phải nộp số thuế riêng theo thu nhập. Thế thì người thu thuế phải giỏi tính toán để tính số tiền thuế phải nộp của mỗi người.

Ông không chiếm đoạt của người khác mà ông giàu có, thì sự giàu có của ông là do ông tự làm nên, và chắc là do việc giỏi tính toán làm ăn của ông. Bên cạnh đó tôi nghĩ rằng một yếu tố rất quan trọng là có sự ban phước của Chúa. Vì ông là người đứng đầu của những người thu thuế mà lại không chiếm đoạt của người khác như cách những người thu thuế thời đó thường làm, thì hẳn là ông cũng có sự kính sợ Chúa.

Tôi cũng đặt ra câu hỏi cho mình: Nếu ông đã giàu có, lại không lợi dụng quyền chức để chiếm đoạt tài sản của người khác, thì ông làm công việc thu thuế để làm gì? Nhất là công việc thu thuế thời đó bị những người I-sơ-ra-ên coi thường, khinh chê. Tôi nghĩ chắc ông cũng không cần tới số tiền lương của một người thu thuế.

Câu trả lời của tôi là: Rất có thể, vì ông là một người yêu kính Chúa và yêu thương dân tộc, nhưng trong hoàn cảnh đất nước bị cai trị bởi đế quốc khác, ông không có cách nào để giúp dân giúp nước. Và chắc rằng với sự kính sợ Chúa thì ông cũng có sự khôn sáng để không tìm cách chống đối nhà cầm quyền, vì như thế chỉ gây thiệt hại cho bản thân chứ chẳng ích gì. Và vì chứng kiến những người thu thuế thường lạm dụng chức quyền để chiếm đoạt của người dân thì ông rất thương cho dân mình. Chính vì vậy, với khả năng tính toán của mình, ông đã chọn trở thành một người thu thuế. Dù bị mọi người khinh chê phỉ báng thì ông vẫn tình nguyện làm, để ít ra, khi ông làm thì làm một cách chính trực, không cướp đoạt của ai. Dù sao như vậy cũng tốt hơn là để cho những người khác làm rồi họ cậy quyền thế để bức hiếp dân. Và tôi nghĩ không phải khi làm thì lập tức đã làm ngay người đứng đầu của người người thu thuế, mà ông đã là một nhân viên thu thuế bình thường, nhưng rồi dần dần, vì sự làm tốt của mình thì ông đã làm lên chức cao hơn. Tôi nghĩ chính vì ông có tấm lòng với Chúa và với dân nên Chúa cũng dùng ông làm người quản lý của những người thu thuế, để dù không thể triệt để ngăn chặn, nhưng ông cũng có thể hạn chế được sự lộng hành của những người dưới quyền mình.
Tôi không thể khẳng định thực tế ông Xa-chê là như vậy, nhưng qua sự suy ngẫm của riêng mình thì tôi tin ông là một người như thế. Với sự hiểu như vậy thì tôi thấy thật cảm mến ông Xa-chê. Ông hoàn toàn có thể chọn dành thời gian cho công việc làm giàu của mình để kiếm được nhiều tiền hơn là việc bỏ thời gian ngồi thu thuế, và lại còn phải chịu sự chê cười của người khác. Nhưng ông đã lựa chọn như vậy chỉ vì ông yêu kính Chúa và yêu thương dân mình.

Thế nhưng mọi người không hiểu cho ông, họ không biết nhìn vào hành động của ông để xem ông có chiếm đoạt của ai, có làm điều gì sai trái hay không. Không nhìn xem ông là một người đứng đầu của những người thu thuế nhưng lại không chiếm đoạt tài sản của người khác. Họ chỉ cần biết ông là người thu thuế thì họ ghét bỏ và gọi là tội nhân. Nhưng thực tế, chính những người đã lên án ông đó mới chính là những người không yêu kính Chúa. Là những tội nhân thực thụ.

Tôi nghĩ, với những sự hiểu biết và khả năng của mình, người chăn và những trưởng lão hoàn toàn có thể chọn làm những công việc thuộc thể để kiếm được thật nhiều tiền, để sống cho thoải mái. Nhưng họ không chọn thế vì họ yêu kính Chúa và yêu thương Hội Thánh, họ muốn hiến dâng thời gian, công sức và những tài năng mà Chúa ban cho mình để phụng sự Chúa qua sự phục vụ Hội Thánh. Thế nhưng, con dân Chúa không phải lúc nào cũng thấu hiểu những điều đó. Có nhiều khi còn lên án, kết tội lại người chăn và các trưởng lão. Điều này đáng để mỗi chúng ta suy xét lại mình và cẩn thận càng hơn. Lời Chúa trong dạy trong I Ti-mô-thê 5:17 như sau:

“Các trưởng lão khéo cai trị Hội Thánh thì xứng đáng với sự tôn kính gấp đôi, nhất là những người lao nhọc trong sự giảng dạy Lời và giáo lý.”

Vậy chúng ta hãy xét lại mình xem mình đã có được sự kính trọng cần phải có với người chăn và các trưởng lão, theo như Lời Chúa dạy hay chưa? Hay là khi gặp vấn đề gì thì trách móc, phàn nàn? Điều gì không vừa ý mình thì chống đối? Hoặc không nói ra nhưng lại than trách trong lòng?

Qua tấm gương của ông Xa-chê, tôi học hỏi được một điều là: Mình có kiến thức, khả năng, kỹ năng hay tài năng gì thì hãy dùng nó để phụng sự Chúa qua sự phục vụ Hội Thánh. Có thể khi làm, mình chỉ mong góp một công sức bé nhỏ để giúp ích cho Hội Thánh, nhưng Chúa nhìn biết tấm lòng của chúng ta và Ngài sẽ dùng chúng ta vào những công việc lớn hơn trong nhà Ngài. Và nếu chúng ta cứ trung tín trong mọi việc mình làm thì mai này Chúa sẽ ban cho chúng ta một công việc lớn hơn hết, đó là cùng với Đức Chúa Jesus cai trị mọi cơ nghiệp của Thiên Chúa.

Qua việc ai nấy đều than trách Chúa và nói Xa-chê là tội nhân. Tôi cũng học được bài học là: Đừng vội vàng kết luận người khác phạm tội nếu không có đủ bằng chứng. Mọi người có thấy ông Xa-chê chiếm đoạt tài sản của ai hay làm gì phương hại đến ai không mà gọi ông như thế, hay chỉ là vì ông là người thu thuế?

Vì vậy chúng ta không thể căn cứ trên sự suy đoán hay cảm giác của bản thân hoặc trên những chứng cứ không rõ ràng để kết luận về tội của một ai. Mà cần có bằng chứng cụ thể hoặc có đủ hai hoặc ba người chứng như lời Chúa đã dạy trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:15.

Qua lời phán của Chúa Jesus trong Lu-ca 19, câu 5 và câu 9:

“Hỡi Xa-chê! Hãy mau xuống! Vì hôm nay, Ta phải ở trong nhà ngươi.” (câu 5).

“Hôm nay sự cứu rỗi đã vào nhà này, vì người này cũng là con cháu của Áp-ra-ham.” (câu 9).

Tôi hiểu rằng: Chính vì ông Xa-chê là một người có lòng tìm kiếm Chúa, và ông là người vốn có đức tin vào Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; cho nên sự cứu rỗi của Chúa đã đến với ông.

Bởi vì, xét về ý nghĩa thuộc thể thì người I-sơ-ra-ên nào cũng là con cháu của Áp-ra-ham cả, vậy sao sự cứu rỗi không vào nhà của tất cả mọi người I-sơ-ra-ên? Chúa nói lý do “sự cứu rỗi đã vào nhà này” là vì “người này cũng là con cháu của Áp-ra-ham”. Vậy phải hiểu là “con cháu của Áp-ra-ham” ở đây muốn nhấn mạnh là người cũng có đức tin vào Thiên Chúa, như Áp-ra-ham đã có đức tin vào Thiên Chúa.

Dù là một người có đức tin vào Thiên Chúa như Xa-chê, dù là một người được gọi là “một người I-sơ-ra-ên thật, trong người không có sự gian trá” như Na-tha-na-ên (Giăng 1:47), một người mà “về sự công chính trong luật pháp thì không chỗ trách được” như ông Phao-lô (Phi-líp 3:6), hay bất cứ một người đạo đức nhất nào trong thế gian này, thì cũng cần sự cứu rỗi của Chúa Jesus. Bởi vì không ai có thể giữ luật pháp của Chúa trọn vẹn từ trong ra ngoài, không bao giờ lầm lỗi. Mà dù chỉ là một tội đi chăng nữa thì “tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23). Và chắc chắn không ai trên thế gian này thánh khiết đến thế, dù một tuần chỉ phạm hai tội trong suy nghĩ, thì một năm đã hàng trăm tội rồi.

Đọc phân đoạn Thánh Kinh này có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng, chỉ là một dịp Chúa đi qua phố rồi tình cờ gặp ông Xa-chê và vào nhà ông. Nhưng tôi tin không phải vậy, Chúa đã biết trước việc hôm đó Ngài sẽ gặp ông Xa-chê ở đâu và biết hôm đó Ngài phải vào nhà Xa-chê. Ngài phải vào không phải vì ai có quyền lực bắt Ngài phải vào, có ai mà có quyền hơn Thiên Chúa? Ngài đã nói “hôm nay, Ta phải ở trong nhà ngươi”, bởi vì đó chính là ý muốn của Ngài. Bởi đức tin của Xa-chê thì Thiên Chúa đã có sẵn chương trình dành cho ông và đến đúng thời điểm thì Ngài đến tìm gặp ông. [Khi suy ngẫm chi tiết này thì tôi cũng nghĩ đến những người đã bị dứt thông công. Tôi tin rằng nếu họ cứ hết lòng tìm kiếm Chúa thì điều chắc chắn phải xảy ra, kết quả chắc chắn phải xảy đến đó là: Họ sẽ tìm lại được Chúa.]

Có lẽ sự Chúa Jesus vào thành Giê-ri-cô hôm đó, mục đính chính yếu nhất là để tìm Xa-chê. Ngài tìm đến đúng vị trí, đúng thời điểm mà Ngài biết ông Xa-chê đang chờ đợi ở đó để xem thấy Ngài. Trên con đường mà mọi người vẫn qua lại ấy, giữa bao người tấp nập ấy. Chúa đã tìm đến Xa-chê và Xa-chê cũng đã tìm đến Chúa. Và kết quả thật là phước hạnh.

Xem cách ông Xa-chê mừng đón Chúa khiến tôi cũng được vui lây với ông. Ông mừng đón Chúa ngay khi Chúa nhìn đến ông, phán với ông, chứ không phải ông mừng vì Chúa cho ông một thứ gì đó. Tôi cũng học được rằng: Mình hãy luôn vui mừng vì mình đã được Chúa nhìn đến con người nhỏ bé hèn mọn như mình. Đừng chỉ mừng khi mình nhận được một điều gì từ nơi Chúa. Đừng chỉ vui mừng khi mình gặp những sự thuận lợi trong đời sống của mình.

Cảm tạ Chúa đã đem sự cứu rỗi vào nhà ông Xa-chê, cho ông được vui mừng sốt sắng làm ra điều đẹp lòng Chúa như là chia một nửa tài sản cho những người nghèo, và đền bù gấp bốn lần nếu ông từng chiếm đoạt của ai đó. Cảm tạ Chúa đã đem sự cứu rỗi đến với linh hồn chúng ta, cho chúng ta được tương giao với Ngài, cho chúng ta được làm ra những điều đẹp lòng Ngài qua sự sẻ chia những điều mình có cả về thuộc thể lẫn thuộc linh cho những người lân cận của chúng ta. Nguyện chúng ta cứ mãi luôn sốt sắng trong những sự ấy.

Cảm tạ Chúa về những sự dạy dỗ của Ngài cho chúng ta. Xin Chúa giúp tôi và các anh chị em làm được theo những điều mình đã học được trong Lời của Chúa. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Đồng Thị Nghĩa