Câu Hỏi của Đức Chúa Jesus Christ Dành Cho Phi-e-rơ.

593 lượt xem

Chủ Đề: Câu Hỏi của Đức Chúa Jesus Christ Dành Cho Phi-e-rơ.

Câu gốc chủ đề:

Giăng 21:15-17

15 Khi họ đã ăn xong, Đức Chúa Jesus phán với Si-môn Phi-e-rơ: Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi yêu Ta hơn những người này, những sự này chăng? Ông thưa với Ngài: Lạy Chúa, phải! Ngài biết rằng tôi thương mến Ngài. Ngài phán rằng: Hãy cho những chiên con của Ta ăn.
16 Ngài lại phán với ông lần thứ nhì: Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi yêu Ta chăng? Ông thưa rằng: Lạy Chúa, phải! Ngài biết rằng tôi thương mến Ngài. Ngài phán rằng: Hãy chăn những chiên của Ta.
17 Ngài phán với ông lần thứ ba: Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi thương mến Ta chăng? Phi-e-rơ buồn rầu vì Ngài phán với ông lần thứ ba: Ngươi thương mến Ta chăng? Ông thưa rằng: Lạy Chúa! Ngài biết hết mọi sự. Ngài biết rõ, tôi thương mến Ngài! Đức Chúa Jesus phán với ông: Hãy cho những chiên của Ta ăn.

1/ Bài Suy Ngẫm Của Nguyễn Thị Thùy Linh 

Tuần này chúng ta cùng nhau học Lời Chúa với chủ đề: Câu hỏi của Đức Chúa Jesus Christ dành cho Phi-e-rơ.

Ba câu Thánh Kinh chúng ta suy ngẫm trong:

Nếu như anh chị em nào đã từng nghe và có tham khảo bài giảng của người chăn thì chắc đã hiểu cơ bản về phân đoạn Thánh Kinh này, và ý nghĩa của lời mà Đức Chúa Jesus Christ ba lần hỏi Phi-e-rơ. Ngoài ra cũng đã được người chăn phân tích sự khác biệt về nội dung ba câu hỏi của Đức Chúa Jesus, hôm nay chúng ta cùng suy ngẫm lại và chia sự hiểu mình.

Chúng ta có một chi tiết thú vị đó là trong Lu-ca 5:10

“Đức Chúa Jesus phán với Si-môn rằng: Đừng sợ gì, từ nay trở đi, ngươi sẽ nên tay đánh lưới người.”

Câu này Chúa Jesus phán với Si-môn còn được gọi là Phi-e-rơ trong bối cảnh họ cũng đang đánh cá và không bắt được con nào, rồi họ gặp Chúa Jesus, Chúa Jesus làm phép lạ, họ cũng bắt được rất nhiều cá, đến nổi lưới đứt ra. Chúa Jesus phán với Si-môn: “Đừng sợ gì, từ nay trở đi, ngươi sẽ nên tay đánh lưới người”. Lúc này Đức Chúa Jesus mới thi hành chức vụ.

Trong bối cảnh mà chúng ta học hôm nay, Đức Chúa Jesus đã hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại trên cây thập tự giá, Ngài đã chết và đã sống lại, nay hiện ra cùng các môn đồ. Cũng trong khung cảnh họ đi đánh cá và cũng không bắt được con nào. Nhưng khác ở chỗ là lần này Phi-e-rơ đã thật sự nhận biết và kinh nghiệm được Chúa Jesus trong suốt những hành trình theo Ngài, kể cả lần ông đã ba lần chối Ngài. Và ngày hôm nay Đức Chúa Jesus đã chính thức làm thành lời mà Ngài đã phán cùng Phi-e-rơ trước đó: “ngươi sẽ nên tay đánh lưới người”.

Đức Chúa Jesus Christ hỏi Phi-e-rơ và giao cho Phi-e-rơ công việc chăn dắt bầy chiên của Ngài, bầy chiên là những con dân Chúa.

Câu đầu tiên: Đức Chúa Jesus phán với Si-môn Phi-e-rơ: Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi yêu Ta hơn những người này, những sự này chăng?

Câu thứ hai: Ngài lại phán với ông lần thứ nhì: Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi yêu Ta chăng? 

Câu thứ ba: Ngài phán với ông lần thứ ba: Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi thương mến Ta chăng?

Chúng ta thấy ba câu hỏi tuy là nội dung hơi khác nhau, nhưng cuối cùng câu hỏi cũng chỉ về tình yêu mà Phi-e-rơ dành cho Chúa. Chúng ta biết chắc rằng Đức Chúa Jesus Christ biết rõ lòng của Phi-e-rơ, Chúa biết ông ấy yêu mến Chúa. Không phải Chúa hỏi là vì Chúa nghi ngờ ông, hay muốn dò hỏi xem ông như thế nào, mà Chúa hỏi để giao việc cho ông. Điều kiện để được Chúa giao việc đó là  “Tình Yêu”.

Điều kiện mà Chúa chọn Phi-e-rơ không phải xét xem: Phi-e-rơ có bằng cấp gì, có nhiều tiền không, có danh tiếng gì không, hay có tài giỏi gì không, mà điều kiện Ngài cần đó là tình yêu của ông ấy dành cho Chúa.

Qua điều này tôi hiểu được là: Khi một người làm một việc gì bắt nguồn từ tình yêu, thì người đó đáng tin hơn là người đó vì tài giỏi hay có điều kiện trong xã hội. Bởi vì khi làm bằng tình yêu, thì sẽ đạt được kết quả xứng đáng, người đó sẽ làm việc cách hết mình, hết lòng, làm bằng sự tự nguyện, vui thỏa và làm trong sự tin kính. Một người làm việc bằng tình yêu họ sẽ không thấy mệt nhọc, không toan tính thiệt hơn, không ganh tỵ, không nghĩ mình tài giỏi hơn ai, hay vì sự trục lợi riêng tư nào.  Người ấy gắng sức làm để cho người mình yêu được vui và hạnh phúc.

Một đứa con hiếu thảo, yêu thương cha mẹ, nó sẽ chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc, khi cha mẹ ốm đau thì sẵn sàng chăm sóc phụng dưỡng. Và trong mối quan hệ của chúng ta như vợ chồng, anh em, cha con…khi hai người yêu nhau, họ sẽ sẵn lòng làm những điều cho người mình yêu được vui và hạnh phúc, kể cả hy sinh mạng sống của mình.

Cho nên tôi hiểu được, Chúa Jesus hỏi Phi-e-rơ có yêu Ngài hay không, nếu yêu Ngài thì ông sẽ làm tốt chức vụ mà Ngài sẽ giao phó cho ông.

Lời phán của Chúa Jesus:

Hãy cho những chiên con của Ta ăn.

Hãy chăn những chiên của Ta.

Hãy cho những chiên của Ta ăn.

Chúng ta hiểu đây là một chức vụ chăn bầy mà chính Đức Chúa Jesus đã giao cho Phi-e-rơ, nhưng bên cạnh đó như một lời dặn dò tha thiết, như khi một người cha sắp đi xa, căn dặn quản gia hãy chăm sóc những đứa con của ông ở nhà và cho chúng nó ăn đầy đủ.

“Cho những chiên của Ta ăn” là cho con dân của Chúa những thức ăn thuộc linh bổ dưỡng, đúng lúc, đúng giờ. Thức ăn đa dạng, cứng có mềm có và có khi cũng phải cho uống sữa, tùy theo độ tuổi thích nghi và hấp thu thức ăn. Đó là Lời Chúa.

“Chăn những chiên của Ta” là chăm sóc, dạy dỗ, dẫn dắt, khích lệ, sửa trị và đánh phạt. Còn có nhiệm vụ gìn giữ trước những kẻ xấu tấn công, những muôn sói, bảo vệ bầy chiên trước sự tấn công của kẻ thù.

Chúng ta có thể diễn ý như sau để cảm nhận được câu phán mà Chúa Jesus phán với Phi-e-rơ: Hỡi Si-môn Phi-e-rơ ngươi có yêu Ta chăng? Nếu yêu Ta thì ngươi hãy chăn những con chiên của Ta và cho chúng ăn.

Thưa quý anh chị em.

Bài học tôi nhận được qua phân đoạn Thánh Kinh này, tuy ngắn, nhưng chứa rất nhiều ý nghĩa, và cảm xúc. Càng thấm thía hơn tình yêu mà Thiên Chúa ban cho loài người, càng sâu sắc hơn tình yêu mà Đức Chúa Jesus Christ đối với con dân của Ngài. Ngài đã hoàn thành chương trình cứu chuộc rồi, nhưng vẫn còn lo lắng cho bầy chiên vì Ngài sắp về với Cha. Ngài chọn người nào yêu Ngài để chăn bầy của Ngài, có như vậy Ngài mới an tâm giao chiên mình. Vì Ngài biết, kẻ yêu Ngài, thì sẽ trung tín, hết lòng yêu bầy chiên mà Ngài đã giao.

Ngài nay chúng ta có phải là những người yêu Đức Chúa Trời chăng? Nếu phải thì hãy chăn chiên và cho chiên của Ngài ăn, vì nay mỗi chúng ta là môn đồ, là thầy tế lễ. Vậy nên chúng ta hãy mạnh dạn phụng sự Chúa, hầu việc Chúa không phải vì chúng ta tài giỏi, thành thạo một chuyên môn nào, có nhiều tiền hay vì chúng ta kiến thức vượt bậc hơn ai, mà là vì chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời.

Khi chúng ta cùng học, chia sẻ Lời Chúa, làm chứng, tôn vinh đó là chúng ta đã cho chiên của Chúa ăn.

Khi chúng ta chăm sóc, yêu thương anh chị em, khích lệ khi anh chị em làm tốt, hay quở trách khi anh chị em sai trái, sẵn sàng mạnh dạn bên vực lẽ phải, hy sinh, chia sớt, cùng gánh vác những khó khăn hay thiếu thốn trong cuộc sống và nếu cần hy sinh cả mạng sống mình để bảo vệ, thì đó là chúng ta đã chăn chiên của Ngài.

Một điều chúng ta học được trong chủ đề tuần này nữa đó là: Yêu thì thể hiện bằng việc làm, Phi-e-rơ yêu Chúa Jesus thì ông thể hiện đó là làm tốt việc Chúa giao chăn dắt và chăm sóc bầy chiên. Ngày nay chúng ta yêu Đức Chúa Trời thì chúng ta thể hiện bằng việc làm:

“Hỡi các con cái bé nhỏ, chớ yêu bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.” (I Giăng 3:18).

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Nguyễn Thị Thùy Linh

2/ Bài Suy Ngẫm Của Trần Thị Tâm

Kính thưa Hội Thánh!

Cảm tạ Chúa. Cảm ơn Thùy Linh đã đưa chủ đề tuần này cho anh chị em trong Ban Thanh Niên cùng suy ngẫm, chia sẻ sự hiểu biết của mình. Chủ đề tuần này, theo tôi, chúng ta có thể đặt tên là: Ngươi yêu Ta chăng? hoặc “Tiêu chuẩn để trở thành người chăn bầy”

Phân đoạn Thánh Kinh Giăng 21:15-17 này thật ý nghĩa và chạm đến cả tấm lòng của tôi. Tôi không nghĩ là Chúa hỏi riêng Phi-e-rơ mà khi tôi đọc tôi cảm thấy rằng Chúa hỏi tôi và hỏi các anh chị em khác cùng một ý vậy.

Nếu mình đặt vào ví thế của Phi-e-rơ thì không biết mình sẽ trả lời với Chúa ra sao. Có trả lời giống như Phi-e-rơ không. Hay cũng chối Chúa như sự vấp phạm của Phi-e-rơ trước đấy.

Bản chất sâu xa trong câu chuyện này chính là Chúa muốn cho ông cơ hội công khai trước mặt mọi người sự xác quyết của ông để Chúa phục hồi chức vụ cho ông trước mọi người, đồng thời để ông kinh nghiệm được ơn thương xót của Chúa trên ông càng hơn. Chúa tìm một người đủ khả năng, có trách nhiệm và đầy lòng yêu thương người khác để giao nhiệm vụ bằng cách Chúa đã giúp cho Phi-e-rơ tránh khỏi những mặc cảm, tự ti, chiến thắng được mọi sự yếu đuối của mình mà tuyên xưng sự yêu Ngài trước cả các môn đệ khác, vượt qua được cái tôi và hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc sau này. Bởi trước đấy Phi-e-ơ đã ba lần chối Chúa và giờ đây Chúa lại hỏi lại ba câu hỏi cường độ có vẻ tăng dần, đây là cơ hội để càng thể hiện được sự chắc chắn và quyết tâm hơn của Phi-e-rơ.

Dù Chúa biết hết tấm lòng ông nhưng sự hỏi của Chúa là có chủ đích, giúp ông tuyên xưng và mạnh mẽ khi có Chúa dẫn dắt mình. Qua đó một lần nữa Phi-e-rơ cũng trải lòng mình ra với mọi người và chúng ta càng có thêm bài học thuộc linh cho chính mình là: Khi có Chúa dẫn dắt thì chúng ta luôn là người chiến thắng và làm được mọi sự nhờ ơn Ngài. Và khi có tội thì phải thành thực tuyên xưng ra để được tha thứ.

Đi sang một ý khác chúng ta lại thấy Chúa là một tấm gương cho chúng ta, chúng ta cần học tập theo Chúa.

Tại đây tôi thấy Chúa thật khéo léo trong cách hành xử của mình. Dù là thuộc linh thật sự rất quan trọng nhưng Chúa không hề vồ vấp để gây cớ vấp phạm cho bất kỳ ai, mà Chúa để cho các môn đồ ăn uống xong Chúa mới nói vào chủ đề chính, như vậy Chúa lại vừa chăm sóc cả thuộc thể và thuộc linh chúng ta một cách trọn vẹn.

Tôi nhớ thế gian có câu: “Trời đánh tránh miếng ăn.” Ý là muốn nói chuyện gì mà có thể ảnh hưởng cảm xúc, tâm lý người nghe thì để ăn xong hãy nói, điều này sẽ đỡ làm người ta khó chịu và cảm thấy được tôn trọng. Đồng thời nếu nói trước ăn mà câu chuyện không vui thì người ta có thể sẽ không có lòng mà ăn uống được nữa, thậm chí bỏ bữa luôn mà còn mang theo sự uất hận trong người và hậu quả để lại có thể lại càng nặng nề hơn là không nói.

Trong ba câu hỏi của Chúa với Phi-e-rơ thì bản thân tôi rất thích cách Chúa hỏi. Tôi thấy Chúa hỏi thẳng thắn và có chủ đích với. Thậm chí là còn nêu cả tên bố mẹ để người được hỏi không có đường né tránh nếu không muốn trả lời hoặc vòng vo, có thể đó là văn hóa giao tiếp thời xưa như vậy, nhưng bản thân tôi hiện tại vẫn thấy rất phù hợp.

Một người yêu Chúa trên hết mọi sự thì cũng phải yêu anh chị em mình và mới được Chúa giao phó cho mình bầy chiên để chăn dắt.

I Giăng 4:20-21
20 Nếu có ai nói rằng: Tôi yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh chị em cùng Cha của mình, thì ấy là kẻ nói dối. Vì ai chẳng yêu anh chị em cùng Cha mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được.
21 Chúng ta đã nhận nơi Ngài điều răn này: Ai yêu Đức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh chị em cùng Cha của mình.

Việc Chúa dẫn dắt từ những câu hỏi cho Phi-e-rơ để dẫn đến kết quả được giao việc làm là: Hãy chăn và cho chiên Ta ăn.

Chúng ta biết rằng để bước đi với Chúa thì chúng ta phải yêu Chúa trên hết mọi sự, không yêu mến thế gian và những thứ thuộc về thế gian nữa, phải thỏa lòng trong mọi sự. Trường hợp của Phi-e-rơ cũng tương tự, thậm chí tiêu chí đặt ra cho Phi-e-rơ phải cao hơn một chút vì trước đó Phi e rơ đã chối Chúa ba lần, mà những người khác thì không thấy nhắc đến. Trường hợp xảy ra cao là những người khác không chối Chúa.

Chúa hỏi lần thứ nhất: Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi yêu Ta hơn những người này, những sự này chăng?

Phi-e-rơ trả lời: Ngài biết rằng tôi thương mến Ngài

Chúa phán: Hãy cho những chiên con của Ta ăn.

Tiếp đến Chúa lại hỏi lần thứ hai: Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi yêu Ta chăng.

Và lần này Phi-e-rơ cũng trả lời: Lạy Chúa, phải! Ngài biết rằng tôi thương mến Ngài.

Chúa phán: Hãy chăn những chiên của Ta.

Rồi Chúa gọi và hỏi lần ba cũng là lần cuối cùng: Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Ngươi thương mến Ta chăng?

Phi-e-rơ trả lời lần này có vẻ buồn hơn: Lạy Chúa! Ngài biết hết mọi sự. Ngài biết rõ, tôi thương mến Ngài!

Chúa phán: Hãy cho những chiên của Ta ăn.

Như vậy theo quan sát thì tôi thấy, khi đến cao trào đỉnh điểm với vẻ mặt buồn rầu của Phi-e-rơ thì Chúa dừng không hỏi thêm lần thứ 4 nữa, bởi Ngài đã thấy được tấm lòng thật sự của Phi-e-rơ nên Chúa đã giao cho Phi-e-rơ chăn và cho chiên của Ngài ăn. Như vậy việc Chúa giao phó cho Phi-e-rơ gồm có hai nội dung là: chăm sóc và cho chiên ăn. Có nghĩa là Phi-e-rơ sẽ vừa trông coi, canh giữ, sửa phạt, chăm sóc các chiên của Ngài bằng cả tấm lòng và trách nhiệm của mình vì Chúa, vì tình yêu anh chị em chứ không vì một quyền lợi, lương bổng, hay địa vị nào khác. Đấy cũng chính là điều kiện hay tiêu chuẩn để làm một người chăn bầy.

Tạ ơn Chúa. Chúng ta là con dân Chúa, Chúa ban cho chúng ta có một người chăn ngay lành và khôn sáng để chăm sóc, canh giữ và rao giảng tin lành cho chúng ta mỗi tuần vào ngày Sa-bát cũng như nhiều trang web, nhiều bài giảng ở nhiều trang khác nhau để con dân Chúa học và theo dõi, nghe lại. Đồng thời Chúa cũng ban cho chúng ta được mở ra phòng nhóm Ban Thanh Niên, Thiếu Niên, Thiếu Nhi để cùng chăm sóc thuộc linh cho nhau, hỗ trợ và giúp đỡ người chăn cùng trông giữ bầy chiên của Ngài.

Quay lại với câu hỏi: Ngươi yêu ta chăng? Bản thân tôi thấy rằng Chúa rất yêu tôi, từ một người hoàn toàn không biết gì về Tin Lành, về Thiên Chúa, sinh ra trong gia đình là người thờ cúng ông bà tổ tiên nhưng Chúa đã cứu tôi ra khỏi sự tối tăm mờ tối qua người chồng hiện tại của tôi và quay trở về thờ phượng Thiên Chúa. Từ ngày tôi biết đến Chúa, tôi chưa làm được gì cho Chúa nhưng tôi thấy Chúa vẫn rất yêu tôi, bản thân tôi thấy được điều đấy qua những phép lạ trên đời sống tôi, Ngài đáp lời cầu xin của tôi hoặc cho tôi cảm thấy mình được vinh dự có Chúa ở cùng. Cũng đã nhiều lần tôi rơi nước mắt và thầm nói rằng: Tôi yêu Chúa. Tôi không đổ lỗi cho điều gì nhưng đôi lúc tôi nhìn lại thì nhận thấy thời gian qua mọi sự xung quan tôi bị quay cuồng bởi công việc, chăm sóc con cái, rồi thời gian cứ trôi qua lúc nào không biết. Xin Chúa tha thứ cho con trong thời gian qua, có điều gì con làm chưa đúng chưa đẹp lòng Chúa xin Chúa tha thứ cho con. Giờ đây tôi thấy mình phải dành thời gian cho Chúa.

Tạ ơn Chúa, khi lòng tôi muốn như vậy thì Chúa cũng đáp lời tôi. Chúa sắp xếp cho tôi có thời gian nhiều hơn, công việc ít đi và công ty lại gần chỗ làm. Mọi thứ với tôi như vậy là thỏa lòng. Tôi sẽ cố gắng học và suy ngẫm Lời Chúa và xin Chúa ban ơn cho tôi để tôi được sự soi dẫn từ nơi Ngài. Tương giao với Chúa mỗi ngày, yêu Chúa nhiều hơn nữa. Xin Chúa phán với tôi qua lời Ngài và giúp tôi hoàn thành tốt nhất công việc, trách nhiệm chăm sóc con cái, trông coi linh hồn cho chúng và gây dựng khích lệ anh chị em mình. Xin ý Chúa được nên trên đời sống tôi. Amen!

Trong danh Đức Chúa Jesus Christ
Trần Thị Tâm

 

Để lại một bình luận