Sự Thờ Hình Tượng của Mi-ca

133 lượt xem

Câu gốc:

“Nhưng Mi-ca lại trả bạc cho mẹ mình; mẹ lấy hai trăm miếng trao cho thợ đúc, làm một tượng chạm luôn với cái chân bằng gang, để trong nhà Mi-ca. Như vậy, nhà Mi-ca trở nên một cái miếu thờ thần. Người cũng làm một cái ê-phót, và những thê-ra-phim, rồi lập một con trai mình làm thầy tế lễ.” (Các Quan Xét 17:4-5).

Thánh Kinh tham khảo: Các Quan Xét 17

Phần Chia Sẻ Của Thanh Niên

Kính chào cô chú anh chị em trong Hội Thánh và các anh chị em trong Ban Thanh Niên! 

Cảm tạ Chúa cho hôm nay nhóm 1 được chia sẻ bài học Lời Chúa của mình. Việc chia Ban Thanh Niên lại thành hai nhóm khiến mỗi nhóm đều mau chóng đến lượt mình viết bài. Tôi thấy điều đó khiến chúng ta bận rộn hơn, khó khăn hơn khi cần thường xuyên chuẩn bị bài. Nhưng song song với đó chúng ta cũng nhận được nhiều ơn phước từ nơi Chúa hơn khi dành thêm thời gian học Lời của Ngài. Có tích lũy thêm nhiều tiền bạc thì rồi nó cũng qua đi, nhưng tích lũy thêm Lời Chúa thì sẽ dẫn đến bao phước hạnh còn đến đời đời. Nguyện xin Chúa giúp mỗi thành viên trong Ban Thanh Niên đều luôn trung tín và sốt sắng trong việc học hỏi Lời Chúa cùng các anh chị em trong Ban Thanh Niên. Sau đây tôi xin chia sẻ một số điều tôi suy ngẫm và học được qua chủ đề và đoạn Thánh Kinh tham khảo tuần này.

Trước hết tôi xin nêu lên sự hiểu chung của tôi về đoạn Thánh Kinh tham khảo:

Có một người nam tên là Mi-ca. Mẹ của Mi-ca bị mất một ngàn một trăm miếng bạc, bà không biết ai đã lấy nên đã buông lời trù ẻo, rủa sả kẻ nào lấy của bà. Khi Mi-ca nghe mẹ trù ẻo như vậy thì ông trả bạc lại cho mẹ.

Số bạc này mẹ Mi-ca vốn đã biệt riêng ra để dâng lên cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu bằng cách làm tượng cho con trai mình. Do đó bà đưa lại bạc cho Mi-ca nhưng Mi-ca không lấy. Vậy bà đem một phần bạc đi cho thợ đúc tượng và để trong nhà của Mi-ca. Mi-ca thờ lạy tượng đó và làm thêm một cái ê-phót và những hình tượng thê-ra-phim, rồi lập con trai mình làm thầy tế lễ. Khi có một người Lê-vi đi qua nhà của Mi-ca thì Mi-ca mời người ấy về nhà ông ở, làm thầy tế lễ cho ông, ông đối xử với người ấy như con trai của mình và hứa nuôi dưỡng và trả công cho người Lê-vi đó.

Qua những sự hiểu trên, tôi có một số sự suy ngẫm và học hỏi được như sau:

Mặc dù nói đến danh Chúa, mang danh là dân sự của Chúa, nhưng mẹ của Mi-ca; Mi-ca và thậm chí cả người Lê-vi, là người thuộc chi phái được Chúa biệt riêng ra để phụng sự Chúa; đều không có sự kính sợ Chúa. Điều đặc biệt là họ phạm tội một cách “hồn nhiên”, có vẻ như họ hoàn toàn không biết họ đang phạm tội. Tội chung của họ là thờ lạy hình tượng. Còn tội riêng thì Mi-ca phạm tội ăn cắp, mẹ Mi-ca thì phạm tội trong lời nói vì bà đã trù ẻo rủa sả người khác, bà cũng không nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái.

Sự “hồn nhiên” phạm tội của họ thể hiện ở chỗ:

– Mẹ Mi-ca dùng bạc làm hình tượng cho con trai mình, là điều vi phạm nghiêm trọng luật pháp của Chúa, mà bà lại nghĩ rằng đó là bà đã biệt riêng bạc ra để dâng cho Chúa. Bà cũng nhân danh Chúa mà chúc phước cho con trai mình trong hoàn cảnh mà lẽ ra phải sửa phạt.

– Mi-ca làm và thờ lạy tượng mà còn nghĩ rằng Chúa sẽ ban phước cho ông.

– Người Lê-vi đồng ý làm thầy tế lễ phục vụ cho việc thờ lạy hình tượng mà dường như không có băn khoăn, thắc mắc, đắn đo gì.

Sự “hồn nhiên” phạm tội của họ khiến tôi nghĩ tới những người ở trong các giáo hội mang danh Chúa và cả những người ở trong thế gian.

Với những người ở trong các giáo hội thì họ thường phạm trực tiếp vào điều răn thứ tư của Chúa vì không giữ ngày Sa-bát, ngoài ra họ còn phạm các điều khác nữa, nhưng họ vẫn cứ hăng say làm ra các việc mà họ nghĩ rằng họ đang phụng sự Chúa, như là đi truyền giáo, dâng hiến, v.v.. Họ đang thờ lạy thần tượng, là các giáo lý của giáo hội, là ý riêng của bản thân, mà họ không hề hay biết.

Với những người trong thế gian, mỗi người có những sự yêu thích riêng của mình và tôn thờ những thần riêng của mình. Họ vẫn luôn nghĩ rằng điều họ theo đuổi và tôn thờ đó là cao quý nhất, tốt đẹp nhất, đúng đắn nhất. Nhưng đó chỉ là đúng theo tiêu chuẩn của họ, mà sai trái so với Lời Chúa, và kết quả của họ là sự hư mất. Như Lời Chúa có chép:

“Có một con đường dường như chính đáng cho loài người; nhưng cuối cùng là những nẻo của sự chết.” (Châm Ngôn 14:12).

Nghĩ đến việc biết bao nhiêu con người trong thế gian đang thờ lạy thần tượng, đang ở trong sự hư mất; từng phút từng giây và ngày ngày biết bao linh hồn đang đau xót ngỡ ngàng và bàng hoàng sa vào âm phủ. Tôi thấy mình không thể ngồi yên một chỗ, tôi thấy mình cần phải cố gắng hơn trong việc rao giảng Tin Lành để nhiều người biết đến Chúa mà được cứu. Tôi thấy mình không thể và không được phép chỉ quanh quẩn lo giải quyết các nhu cầu của đời sống mình, của gia đình mình; mà cần phải lo đi rao truyền Tin Lành của Chúa như mệnh lệnh của Chúa Jesus đã phán trong Ma-thi-ơ 28:19-20:

“Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!”

Tôi tin rằng tôi chỉ cần cứ chăm lo cho công việc của nhà Chúa, còn mọi nhu cầu của đời sống gia đình tôi thì Chúa sẽ chăm lo, vì tôi là con cái của Ngài, vì tôi đang sống theo ý muốn của Ngài. Việc làm ăn buôn bán tôi vẫn cần làm, nhưng tôi chỉ nên coi đó là phương tiện Chúa dùng để chăm sóc gia đình tôi và để tôi rao giảng Tin Lành, tôi không cần phải chăm lo làm sao cho thật nhiều khách, tôi chỉ cần cố gắng để làm cho ngon và vệ sinh, an toàn; còn việc có khách bao nhiêu thì tùy vào sự ban cho của Chúa, tùy vào ý muốn của Ngài trên gia đình tôi. Việc chăm sóc gia đình, tôi cũng vẫn cần làm tốt, nhưng tôi không được vì nó mà bỏ qua các việc lành trong nhà Chúa.

Nhớ về lời phán của Chúa Jesus, như được chép trong Lu-ca 10:2 rằng: “Mùa gặt thì trúng, nhưng con gặt thì ít”, tôi thấy thật xót xa. Con gặt ít bởi vì ai cũng mải chăm theo những sự của riêng mình.

Những thông tin trên mạng quá nhiều và mỗi ngày vẫn cứ được đăng tải thêm đầy dẫy về đủ thứ trong thế gian, từ chuyện làm ăn buôn bán cho tới những chuyện tầm phào nhảm nhí, tà dâm, ô uế. Nhưng những lời rao giảng Tin Lành chân thật thì thật là hiếm hoi. Tôi nghĩ rằng dù bản thân tôi không thể làm được gì nhiều nhưng chỉ cần tôi cứ cố gắng trung tín trong những việc nhỏ, như là rao truyền Tin Lành qua trang facebook cá nhân của mình, thì việc đó cũng góp một tiếng nói nhỏ bé vào trong thế gian tăm tối này. Biết đâu rằng Chúa sẽ dùng tiếng nói ấy để thức tỉnh ít nhất là một linh hồn nào đó. Nếu chỉ một linh hồn qua đó mà được cứu thì công khó của tôi đã đạt được thành quả lớn lao lắm, vì một linh hồn là quý hơn cả thế gian. Ngoài ra thì tôi cũng cố gắng để trung tín mà làm tốt và cố gắng để làm tốt hơn những việc tôi cần phải làm trong gia đình và trong Hội Thánh.

Kính thưa anh chị em!

Khi đọc câu Thánh Kinh số 6 của đoạn Thánh Kinh tham khảo:

“Trong lúc đó, không có vua nơi I-sơ-ra-ên, mọi người cứ làm theo ý mình tưởng là phải.”

Tôi thấy thật đáng thương cho dân I-sơ-ra-ên vì thấy họ bơ vơ không có người chăn dắt, không hiểu biết phải làm như thế nào cho đúng. Cảm tạ Chúa vì xưa kia chúng ta cũng bơ vơ giữa thế gian này, nhưng nay được về nương náu trong bóng cánh toàn năng yêu thương của Thiên Chúa, được Chúa chăn dắt giữa cuộc đời. Chúng ta thật là có phước. Cảm tạ Chúa cho chúng ta có người chăn Chúa ban để chăn dắt chúng ta đi theo ý muốn của Chúa.

Vì những sự vướng bận của đời này, vì những sự còn thiếu hiểu biết và yếu đuối nên chúng ta không biết cách tương giao thật mật thiết với Chúa để luôn hiểu ý muốn của Ngài. Nhưng chúng ta có người chăn là người gần gũi Chúa nhiều hơn, hiểu biết ý muốn của Chúa nhiều hơn, vì vậy chúng ta cần vâng theo sự dẫn dắt của người chăn để đời sống của mình luôn theo ý Chúa.

Tôi nghĩ mẹ của Mi-ca rất giàu có nên đã dành một số tiền lớn để đúc tượng cho Mi-ca. Chắc rằng mẹ của Mi-ca nghĩ điều mình làm là tốt cho con của bà. Nhưng thực ra bà đã dẫn con đến sự phạm tội nghiêm trọng.

Mọi người ở trong thế gian, dù giàu có, quyền thế ra sao; dù để lại cho con mình những điều gì thì cũng chỉ dẫn con cái họ đến sự thờ lạy thần tượng.

Chúng ta ở trong Chúa dù không phải là những người giàu có, dư dật tài sản, dù là những người hèn mọn trong thế gian. Nhưng chúng ta có Lời Chúa để dạy dỗ chúng, để dẫn dắt chúng đến với Chúa; đó mới là điều quý nhất và tốt nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con cái.

Nguyện mỗi bậc làm cha mẹ, anh chị luôn biết quý trọng Lời Chúa mà học hỏi lấy để rồi nuôi dạy con em mình đi theo đường lối của Ngài! A-men!

Trên đây là những điều tôi suy ngẫm, học hỏi được qua chủ đề của tuần này. Tôi xin chia sẻ với anh chị em. Nguyện những điều tôi học hỏi được cũng ích lợi cho các anh chị em!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Đồng Thị Nghĩa

__________________________________

Kính chào quý ông bà anh chị em trong Hội Thánh! Mến chào anh chị em trong Ban Thanh Niên. 

“Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.” (I Ti-mô-thê 6:10).

Mi-ca vì lòng tham tiền bạc nên đã lấy một ngàn một trăm miếng bạc của mẹ mình. Khi mẹ của Mi-ca biết được những miếng bạc đó đã bị ăn cắp, vì không kìm chế được cơn giận nên đã buông ra những lời rủa sả, trù ẻo, nhưng không ngờ người lấy cắp đó lại là con mình. Mẹ của Mi-ca có nói câu: “Nguyện Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban phước cho con”, cho thấy người mẹ biết về Chúa và Mi-ca cũng vậy. Khi một người không để Thiên Chúa cai trị đời sống của mình và khi đang ở trong sự thiếu thốn về vật chất thì sẽ có những hành động phạm tội như ăn cắp, cướp của, giết người để chiếm đoạt tài sản của người khác. Khi một người không có Chúa trong đời sống khi bị mất trộm tài sản gì đó thường tỏ ra tức giận rồi nói ra những lời rủa sả và trù ẻo người lấy cắp đó mà chính mình cũng không biết ai lấy, mong tai họa nhanh chóng giáng xuống trên người đó. Trong Gia-cơ 3:10 có chép:

“Cùng một miệng mà ra lời tôn vinh và lời rủa sả! Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, không nên như vậy.”

Khi Mi-ca nghe những lời rủa sả và trù ẻo từ mẹ mình thì sợ hãi, bèn trả lại cho mẹ mình một ngàn một trăm miếng bạc, thì người mẹ nói với con mình rằng: “Tôi biệt bạc này riêng ra cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Hằng Hữu” nhưng lại lấy đi làm hình tượng cho con mình, người mẹ đã vô tình nói dối với con mình và lấy danh Chúa làm ra vô ích, người mẹ vừa phạm tội nói dối và làm gương xấu cho con của mình.

Khi một đất nước không có vua cai trị thì đất nước đó sẽ trở nên loạn lạc, mỗi người điều làm theo ý tưởng của mình cho là đúng. Chúa đã dùng Môi-se và các đấng tiên tri giảng dạy luật pháp của Ngài cho dân I-sơ-ra-ên, vì vậy dân I-sơ-ra-ên biết rất nhiều về Thiên Chúa của mình, nhưng do lòng họ cứng cỏi và kiêu ngạo, không vâng phục Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà lại đi bắt chước dân ngoại làm hình tượng để thờ phượng và hầu việc những thần tượng đó. Họ có một vị Vua đời đời là Thiên Chúa nhưng thay vì họ kính sợ và thờ phượng Thiên Chúa của mình nhưng họ lại đi hầu việc các thần tượng đó. Trong Rô-ma 1:21-23 có chép:

21 Vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm vinh hiển Ngài như Thiên Chúa, và không tạ ơn Ngài nữa; nhưng cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.

22 Họ tự xưng mình là khôn sáng, mà trở nên ngu dại;

23 họ đã đổi vinh quang của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.

Khi một người không để Chúa là ưu tiên trên hết mọi sự trong đời sống thì điều khác sẽ chiếm hữu trong đời sống của người ấy và biến điều đó thành thần tượng của mình như sự tự ái không đúng, tham tiền bạc, theo một chủ nghĩa, một ý tưởng, một triết lý, thần tượng một ca sĩ, yêu mến sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời,…trong đó thần tôi và sự kiêu ngạo rất tinh vi, vì vậy chúng ta phải cẩn thận và cảnh giác.

Người Lê-vi là người được biệt riêng ra để hầu việc một mình Thiên Chúa, làm thầy tế lễ và dâng của lễ trong đền thờ. Người trai trẻ Lê-vi đó khi đang ở trong hoàn cảnh thiếu thốn về tiện nghi trong cuộc sống thì lại để bản thân mình bị dẫn dụ sa vào sự cám dỗ để đi thờ lạy và hầu việc thần tượng để bản thân có cuộc sống dễ dàng hơn, vì khi một người không có tấm lòng yêu kính Chúa trong đời sống thì người đó cũng dễ rơi vào sự cám dỗ như vậy.

Trong chủ đề tuần này cho chúng ta thấy Mi-ca, mẹ của Mi-ca, dân I-sơ-ra-ên, người Lê-vi đều làm theo ý riêng, không vâng giữ các Điều Răn Của Thiên Chúa, không tìm kiếm Chúa nhưng lại làm hình tượng để hầu việc thờ lạy thần tượng, đáng lẽ họ chỉ hầu việc và thờ phượng một mình Thiên Chúa là Đấng dựng nên trời, đất, biển và muôn vật, nhưng họ lại quên những dấu kỳ và phép lạ lớn lao mà Chúa đã làm ra để giải cứu họ khỏi đất Ê-díp-tô, ra khỏi nhà nô lệ.

Chúng ta phải giữ mình khỏi sự tham muốn là những điều không phải là của mình, khi chúng ta bị lấy trộm tài sản nào đó trước hết chúng ta phải cầu nguyện dâng trình lên Chúa những điều đã xảy ra, không nên tức giận mà buông ra những rủa sả, trù ẻo vì điều đó làm gương xấu và không làm vinh quang danh Chúa của mình. Khi chúng ta đang ở trong sự thiếu thốn tiện nghi vật chất trong cuộc sống thì trước hết đến với Chúa trình dâng lên những nan đề của mình và phó thác mình vào tay Chúa, xin Chúa ban ơn để mình không sa vào sự cám dỗ mà hầu việc và thờ lạy thần tượng, trong đó sự cám dỗ về tiền bạc là rất lớn.

“Chẳng ai có thể làm nô lệ {của} hai chủ; vì hoặc {là} sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc {là} sẽ bám theo người này mà khinh thường người kia. Các ngươi không thể phụng sự Thiên Chúa cùng Ma-môn.” (Ma-thi-ơ 6:24).

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ. 

Mai Hoàng Nam. 

__________________________________

Anh chị em thân mến!

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta thêm một ngày Sa-bát nữa để chúng ta cùng nhau nhóm lại, học Lời Chúa cùng nhau. Giờ này em xin chia sẻ bài học của mình. 

Chủ Đề: Sự Thờ Hình Tượng Của Mi-ca.

Trong núi Ép-ra-im có một người nam tên là Mi-ca:

“Người nói với mẹ của mình: Một ngàn một trăm miếng bạc của mẹ đã bị lấy đi mà mẹ đã rủa sả và nói vào tai con, này, bạc {đó} ở với con, con đã lấy. Mẹ của người đã nói: Nguyện Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban phước cho con của ta!” (Các Quan Xét 17:2).

Em hiểu rằng có lẽ người tên Mi-ca này đã ăn cắp bạc của mẹ mình, nhưng vì lý do lo sợ lời rủa sả của mẹ mình được thành, mà người này đã trả bạc lại cho mẹ mình. Sau đó Mi-ca đã trả lại đủ số bạc mà người này đã lấy là một nghìn một trăm miếng bạc trả cho mẹ mình. Người mẹ đáp nguyện Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban phước cho con. Suy ngẫm về người mẹ của Mi-ca em thấy bà không phải là người nữ kính sợ Chúa, vì khi mất bạc thì bà đã rủa sả, sau khi người chăn chỉ dạy thì em hiểu rủa sả là một lời chúc dữ, là lời nói mong cho sự dữ xảy ra, bà lại còn trù ẻo người ăn cắp bạc của mình. Em thấy miệng bà có Chúa nhưng lòng bà thì đầy sự hung dữ, khi có lợi nhận về cho mình thì vui mừng chúc phước nhưng khi bị thiệt hại thì sẵn sàng rủa sả trù ẻo người làm cho mình bị thiệt hại, dù bà là người có Chúa. Nhìn nhận về bà mà em hiểu rằng, dù là có Chúa, nhưng mình không kính sợ Chúa, thì mình vẫn sống theo bản tính xác thịt, mình vẫn để cho những sự dữ tội lỗi cai trị mình. Ngày nay em hiểu rằng trên đời sống hàng ngày của mình, có lúc mình cũng sẽ bị người khác làm cho mình thiệt hại cả về tinh thần lẫn vật chất, nhưng cách hành xử lại người làm cho mình thiệt hại là mình không đáp trả lại người ấy, nhưng phải chậm giận, dù có thế nào thì mình cũng phải hành xử đúng Lời Chúa, là luôn yêu người ấy, và chậm giận như Lời Chúa có chép:

“Hãy đem xa khỏi anh chị em những sự giận cay đắng than van phạm thượng cùng mọi điều độc ác. Hãy ở với nhau cách nhân từ, dịu dàng thương xót. Hãy tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho các anh chị em trong Đấng Christ vậy.” (Ê-phê-sô 4:31-32 ).

“Mi-ca trả lại cho mẹ mình một ngàn một trăm miếng bạc ấy. Mẹ nói với người rằng: Tôi biệt bạc này riêng ra cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm cho con trai tôi một cái tượng chạm luôn với cái chân bằng gang. Vậy mẹ trả bạc lại cho con bây giờ. vậy mẹ trả lại bạc cho con bây giờ. Nhưng Mi-ca lại trả bạc lại cho mẹ mình, rồi người mẹ lấy hai trăm miếng bạc trao cho thợ đúc, làm một tượng chạm luôn với cái chân bằng gang, để trong nhà Mi-ca. Như vậy nhà Mi-ca trở nên một cái miếu thờ tà thần. Người cũng làm một cái ê-phót và những thê-ra-phim rồi lập một con trai mình làm thầy tế lễ.” (Các quan xét 17:3-4-5). 

Em hiểu rằng khi ông được mẹ nói rằng sẽ làm cho ông một cái tượng thì ông không trực tiếp đi làm, nhưng cũng không từ chối, ông đã đồng ý cho mẹ mình làm tượng cho mình, việc làm này đã phạm tội với Chúa. Sau đó ông lại càng phạm tội nặng hơn khi làm thêm những tượng thê-ra-phim rồi còn lập con trai mình làm thầy tế lễ. Em thấy rằng ngay từ đầu khi được mẹ ra ý tưởng làm tượng thì đây là một sự cám dỗ đối với ông Mi-ca này, nhưng chọn làm theo hay không là ở sự tự do lựa chọn ở ông ấy, ông không có lòng kính sợ Chúa, sự tham lam và sự kiêu ngạo trong lòng ông lớn, nên ông đã không tránh được sự cám dỗ mà chiều theo sự phạm tội ấy. Em hiểu rằng, một người đã có sự tham lam, lòng kiêu ngạo lớn thì sẽ khó mà thắng được cám dỗ để dẫn đến phạm tội với Chúa. Từ cách mà người mẹ làm nghĩ là tốt cho con mà em cũng học được rằng, dù là cha mẹ mình là những người sinh ra mình từ tấm bé đã nuôi nấng mong muốn điều tốt nhất đến với mình, nhưng họ là người không cùng đức tin với mình, không có chung luật pháp để so sánh với việc làm, thì khi chọn sống cùng họ mình sẽ dễ bị phạm tội, dù là việc làm ấy của cha mẹ không có ý xấu. Thời điểm ấy ở Bết-lê-hem tại xứ Giu-đa về nhà Giu-đa có một gã trai trẻ người Lê-vi kiều ngụ trong thành ấy, nhưng người đó bỏ xứ Bết-lê-hem tại xứ Giu-đa để đi kiếm nơi nào kiều ngụ được, đang đi đường thì người này gặp Mi-ca, sau sự hỏi thăm thì người Lê-vi này nhận được lời mời về nhà làm thầy tế lễ cho Mi-ca, và người đồng ý. Như anh chị em cũng biết là người trai trẻ thuộc chi phái Lê-vi được biệt riêng ra để chỉ thờ phượng dâng của tế lễ cho Đức Chúa Trời, nhưng người này lại không theo lệnh Chúa, mà theo như Lời Chúa là người này bỏ xứ mình mà đi xứ khác. Cả ba người, người mẹ, ông Mi-ca và người trai trẻ thầy tế lễ người Lê-vi, em thấy họ là những người biết Chúa, nhưng họ lại không phải là những tấm gương sáng để chúng ta học, họ có chung một điểm là làm theo ý riêng, không vâng phục Chúa, việc họ làm mang danh để thờ phượng Chúa, nhưng lại làm theo ý riêng mà thờ chính mình. Ngày nay chúng ta là những con dân Chúa sống trong thời kỳ Hội Thánh, chúng ta có Đức Thánh Linh ngự trong mình để biết những việc làm nào của chúng ta sẽ phạm tội thờ hình tượng. Mong rằng mỗi anh chị em chúng ta luôn hạ mình vâng phục luật pháp của Chúa để mỗi người ngày càng trưởng thành về đức tin càng hơn. 

Cảm tạ Chúa đã ban cho con bài học và những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Chúa giúp cho anh chị em chúng con là Thanh Niên những trụ cột trong Hội Thánh, từ trong tấm lòng duy chỉ thờ phượng một mình Cha kính yêu. Con cảm tạ ơn Cha.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ

Nhung Naomi.

__________________________________

Tôi xin được chia sẻ sự hiểu của tôi về câu gốc và chủ đề hôm nay như sau:

Câu chuyện hôm nay nói về một người tên là Mi-ca ở trong núi Ép-ra-im, người ở cùng với mẹ mình, có lẽ số bạc bị lấy đi là do Mi-ca đã lấy và lúc này Mi-ca đang đem trả lại cho mẹ mình, khi mẹ của Mi-ca lấy lại được số bạc thì lấy đem đi đúc tượng rồi đem để vào nhà của Mi-ca. Mi-ca chẳng những không phản đối mà còn để cho mẹ mình mặc nhiên biến căn nhà của Mi-ca thành một cái miếu tà thần, Mi-ca còn làm thêm cả ê-phót và thê-ra-phim. 

Điều đáng suy ngẫm ở trong câu chuyện này là dù cả Mi-ca và mẹ là người I-sơ-rơ-ên đều là dân tộc của Chúa, biết dâng bạc của mình lên cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nhưng họ lại phạm tội đúc tượng và thờ hình tượng? Mà điều đáng nói ở đây là cả hai mẹ con Mi-ca đều nghĩ việc làm của mình là đúng. Ở trong câu 6 có nhắc đến như sau:

”Trong lúc đó, không có vua nơi I-sơ-ra-ên, mọi người cứ làm theo ý mình tưởng là phải.” 

Có phải vì trong lúc ấy I-sơ-ra-ên không có vua, không có người chăn dắt chỉ dẫn họ nên họ thiếu sự hiểu biết mà phạm tội?

Qua câu chuyện trên tôi học được hai điều đó là người tin Chúa miệng vẫn luôn dâng mọi điều lên cho Chúa nhưng lại phạm tội thờ hình tượng thứ nhất là người ấy thiếu sự hiểu biết về Lời Chúa, thứ hai là bị các tà giáo khác dẫn dắt đi sai đường, thứ ba là không có người chăn dắt chân thật, nên dẫn đến việc họ thờ hình tượng mà không biết. Điều thứ hai mà tôi học được ở đây là sự thờ hình tượng mà thiếu hiểu biết là do không có sự dẫn dắt chân thật từ người chăn, nếu chúng ta tin Chúa nhưng không có người hướng dẫn, cho chúng ta thức ăn thuộc linh, tỉa sửa, khuyên dạy chúng ta thì chúng ta cũng sẽ dần bị lạc hướng và phạm tội khi nào mà không biết. 

Ngày nay hình thức phạm tội thờ hình tượng không hẳn chỉ là đúc tượng rồi thờ lạy mà còn có hình thức khác rất tinh vi đó là sự yêu thích những thú vui của đời này, yêu mến một sự gì khác ngoài Chúa trong tư tưởng thì đó cũng là sự thờ hình tượng ví dụ như là chúng ta mãi chạy theo vật chất tiền bạc đời này mà không dành thời gian cho Chúa, dần dần chúng ta quên đi Chúa, quên luôn sự thờ phượng Chúa ngày Sa-bát, đó là sự thờ hình tượng về tiền bạc. Chúng ta yêu thích một thần tượng nào đó luôn luôn theo dõi yêu thích thần tượng hơn là thờ phượng Chúa thì đó cũng là sự thờ hình tượng, v..v.

Cho nên trong đời sống của con dân Chúa mà đặc biệt là những ngày tháng sau cùng này chúng ta cần nên bám víu vào Lời Chúa càng hơn để chúng ta có được sự hiểu biết Lời Ngài mà không đi lạc đường, hiểu biết được Lời Chúa để chúng ta áp dụng vào đời sống của chúng ta và bám chặt lấy Hội Thánh, có được sự chăn dắt và dạy dỗ của người chăn và trưởng lão để chúng ta không bị rơi ra ngoài. 

“Ấy vậy, hãy coi chừng kẻo sự sáng trong mình ngươi hóa ra sự tối chăng.” (Lu-ca 11:35).

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ 

Nguyễn Thị Như Huỳnh 

__________________________________

Thời Các Quan Xét là thời I-sơ-ra-ên chưa có vua, họ được Đức Chúa Trời dẫn dắt. Nhưng họ vẫn thói nào tật nấy, hết đời nọ đến đời kia, dân I-sơ-ra-ên cứ làm điều ác trước mặt Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời cũng nhiều lần nhiều lúc nổi giận và bỏ mặc họ. Ngài phó họ cho các vua ngoại ban, họ bị đuổi giết, rồi họ lại kêu cầu Đức Chúa Trời, tiếng than khóc của họ đã thấu đến tai Đấng Tự Hữu Hằng Hữu rồi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dấy lên một người làm Quan Xét giải cứu I-sơ-ra-ên. Khi Quan Xét của I-sơ-ra-ên còn sống với họ thì họ thờ phượng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, khi Quan Xét chết rồi thì dân I-sơ-ra-ên lại từ bỏ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, quay về thờ các tà thần của dân ngoại ban và làm điều ác trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Và cứ như vậy, đời sau lại làm điều ác hơn đời trước. 

Bởi lòng thương xót của Đức Chúa Trời mà hết lần này đến lần khác Đức Chúa Trời bỏ mặc họ rồi lại dấy lên Các Quan Xét giải cứu họ khi họ kêu cầu Ngài.

Lúc bấy giờ, Mi-ca sống trong núi Ép-ra-im, có lẽ sống cùng mẹ. Mi-ca đã lấy một ngàn một trăm miếng bạc của mẹ mà không nói cho mẹ biết sớm dẫn đến việc mẹ Mi-ca vì tiếc của mà rủa sả người đánh cắp bạc. Mi-ca không những đã gây cớ vấp phạm cho mẹ mà chính Mi-ca là người đã nhận lãnh những lời rủa sả đó.

Sau khi Mi-ca nói với mẹ chính ông đã lấy một ngàn một trăm miếng bạc của mẹ thì mẹ Mi-ca đã chúc phước cho ông, cầu xin Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban phước cho Mi-ca. Tôi nghĩ, lời cầu xin này chắc Đấng Tự Hữu Hằng Hữu không nghe đến. Thêm nữa, khi Mi-ca trả lại số bạc đó cho mẹ thì mẹ Mi-ca nói là biệt bạc này riêng ra cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu để làm cho con trai bà một cái tượng chạm luôn với cái chân bằng gang. Cho thấy, bà là người không thật lòng kính sợ Thiên Chúa. Bà mượn danh nghĩa dâng số bạc lên cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nhưng rồi lại dùng số bạc đó theo ý riêng, rồi nghĩ rằng làm vậy được Chúa ban phước. Cũng giống như những người với danh nghĩa là làm việc cho Chúa, làm vì Chúa nhưng lại làm theo ý riêng, bẻ cong Lời Chúa cho phù hợp với ý muốn và sở thích của mình, rồi cứ tưởng là mình đang làm theo ý Chúa.

Là con dân Chúa, chúng ta phải thật cẩn thận khi làm việc cho Chúa. Chúng ta cũng thường xuyên tra xét lòng mình, chúng ta có đang phụng sự Chúa hay đang phụng sự chính mình? Nếu không tỉnh thức thì chúng ta cũng dễ lắm phạm tội với Chúa mà không biết.

Mi-ca đã để cho nhà mình thành cái miếu thờ hình tượng và thuê mướn người trai trẻ Lê-vi làm cha, làm thầy tế lễ cho mình. Và nghĩ rằng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ ban phước cho mình vì mình có người Lê-vi làm thầy tế lễ. Nhưng thực tế, Mi-ca đã tự làm theo luật pháp của mình chứ không làm theo luật pháp của Thiên Chúa.

Còn về phần người Lê-vi kia, chàng trai trẻ đồng ý làm cha, làm thầy tế lễ là để mưu sinh chứ không phải làm vì Chúa, phụng sự Chúa. Người Lê-vi là người thuộc chi phái Lê-vi được biệt riêng để làm thầy tế lễ cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Nhưng người trai trẻ Lê-vi này đã làm vì lợi ích riêng.

Ngày nay, chúng ta cũng gặp không ít những người thờ phượng Chúa theo ý riêng, tự ý thay đổi điều răn của Thiên Chúa, đặc biệt là tự ý đổi ngày Sa-bát thứ Bảy của Chúa sang ngày thứ Nhất để thờ phượng Chúa và tự áp đặt cho Chúa là ngày chủ nhật tức ngày thứ Nhất là ngày yên nghỉ thánh của Chúa rồi cầu xin Chúa ban phước cho họ. Những người đó đã tưởng việc họ làm là đúng nên đã không ngừng ngại bắt bớ những người vâng giữ ngày Sa-bát thứ Bảy.

Hầu hết những người như vậy họ chỉ hầu việc Chúa theo cái bụng của họ, theo ý tưởng và lòng kiêu ngạo của họ. Lời của Đức Chúa Jesus Christ đã phán về họ như sau:

“Dân này đến gần Ta {với} miệng của chúng; tôn kính Ta {với} môi {của chúng}; mà lòng của chúng thì xa cách Ta! Nhưng chúng thờ lạy Ta cách vô ích, giảng dạy giáo lý về các điều răn của loài người. [Ê-sai 29:13] ( Ma-thi-ơ 15:8-9).

Sự thờ hình tượng của Mi-ca, sự biến nhà của mình thành cái miếu thờ hình tượng tiêu biểu cho những người mang danh là con dân Chúa nhưng sống theo ý riêng, chiều theo những sự ham muốn bất chính của xác thịt, tự biến mình thành Đức Chúa Trời của mình và biến thân thể của mình thành đền thờ của chính mình, phục vụ chính mình chứ không phải là đền thờ của Thiên Chúa, phụng sự Thiên Chúa.

Cầu xin Chúa giúp mỗi một chúng ta luôn biết thờ phượng Chúa cách hết lòng, cầu xin Chúa giúp mỗi một chúng ta luôn biết lấy tâm thần và lẽ thật để thờ phượng Chúa. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huynh Christian Anh

Phần Câu Hỏi:

1. Theo anh chị em, việc Mi-ca thờ thần tượng thì ông có biết việc làm đó là phạm tội với Chúa không? Tại sao? (Minh Dương)

2. Theo các anh chị em, thì ngày nay con dân Chúa trong Hội Thánh có sự thờ lạy hình tượng không? Nếu có thì hình thức thờ lạy hình tượng nổi bật và tinh vi nhất đó là gì? (Thúy My)

3. Nhìn vào cách hành xử của Mi-ca, mẹ của Mi-ca và người trai trẻ Lê-vi các anh chị em có suy nghĩ gì? (Hữu Tường)