Tỉnh Thức Cầu Nguyện

143 lượt xem

Câu gốc:

Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như những giọt máu lớn rơi xuống đất. (Lu-ca 22:44).

Thánh Kinh tham khảo: Lu-ca 22:39-46.

Phần Chia Sẻ Của Thanh Niên

Tôi xin mến chào các anh chị em trong Ban Thanh Niên,

Tối nay tôi xin chia sẻ Lời Chúa với chủ đề: Tỉnh Thức Cầu Nguyện.

Câu gốc:

Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như những giọt máu lớn rơi xuống đất. (Lu-ca 22:44).

Thánh Kinh tham khảo: Lu-ca 22:39-46.

Phân đoạn Thánh Kinh tham khảo ngày hôm nay là phân đoạn Thánh Kinh miêu tả sự việc diễn ra trong vườn Ghết-sê-ma-nê trước khi Chúa Jesus bị bắt và cũng được ghi lại trong Ma-thi-ơ 26:36-45.

Đức Chúa Jesus ở trong vườn cầu nguyện với Đức Chúa Cha để chiến đấu lại với sự cám dỗ đến với Ngài về việc từ bỏ việc chịu chết trên thập tự giá để đền tội cho loài người. Ngài cũng khuyên các môn đồ hãy tỉnh thức cầu nguyện để không rơi vào sự cám dỗ, vì Ngài biết trước khi Ngài bị bắt họ sẽ bỏ Ngài để chạy trốn. Khi Chúa Jesus cầu nguyện thì có một thiên sứ hiện ra để thêm sức cho Ngài và Ngài đã chiến thắng sự cám dỗ đến với mình. Còn các môn đồ vì không nghe theo lời phán dạy của Ngài nên họ đã rơi vào sự cám dỗ lìa bỏ Ngài khi Ngài bị bắt.

Bài học mà tôi rút ra được qua phân đoạn Thánh Kinh ngày hôm nay là, khi chúng ta còn ở trong thân thể xác thịt, dù lòng chúng ta không bao giờ muốn phạm tội với Chúa nhưng chúng ta có sự yếu đuối của xác thịt và dễ rơi vào sự cám dỗ mà phạm tội với Chúa, nên ngoài việc chúng ta không tự đặt mình vào môi trường cám dỗ thì chúng ta còn cần làm theo lời phán dạy của Chúa là hãy tỉnh thức và cầu nguyện để không rơi vào sự cám dỗ. Theo như bài giảng của người chăn thì từ ngữ “tỉnh thức” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: canh gác, như một người lính canh, đề phòng những sự bất trắc. Tỉnh thức trong sự cầu nguyện có nghĩa là cầu nguyện một cách có ý thức chứ không phải là chiếu lệ, là thật lòng trò chuyện với Chúa, lắng nghe sự phán dạy của Ngài, tha thiết trong sự thông công với Ngài.

Khi chúng ta đối diện với cám dỗ thì chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa, kêu cầu danh Chúa để Chúa thêm sức cho chúng ta để chúng ta có sức mạnh từ nơi Chúa mà vượt qua cám dỗ. Có như vậy, chúng ta mới luôn đắc thắng cám dỗ đến với mình.

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta bài học ngày hôm nay. Nguyện những điều tôi chia sẻ mang đến ích lợi, gây dựng đức tin cho các anh chị em. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Trần Hữu Tường


Chúa Jesus trước khi bị bắt, Ngài lên núi Ô-li-ve theo như thói quen. Ngài tìm một nơi yên tịnh để cầu nguyện. Như anh chị em đã biết, Chúa Jesus là Ngôi Lời nhập thế làm người, Ngài là một con người như chúng ta, nhưng Ngài cũng vừa là Thiên Chúa. Trong sứ mệnh cứu chuộc loài người ra khỏi tội lỗi, Ngài phải dâng chính thân thể mình, chịu đau đớn, chịu đóng đinh và điều đau đớn nhất đối với Ngài đó là xa cách mặt Đức Chúa Trời như một tội nhân.

Tình yêu là sức mạnh để đôi bên cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nhưng cũng chính tình yêu khi xa cách nhau làm cho đôi bên vô cùng đau đớn. Chúa Jesus bước đi trên đất này một cách đầy dẫy thánh linh. Ngài vâng phục Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn. Ngài và Đức Chúa Trời là một, như Lời Đức Chúa Jesus có phán:

“Khi Ta nói rằng Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta, thì hãy tin Ta; nếu không, hãy tin bởi công việc Ta.” (Giăng 14:11).

Vì thế khi đứng trước sự kiện Ngài phải chịu chết và phải lìa xa Đức Chúa Trời làm Ngài đau đớn trong tâm thần. Tôi nghĩ sự kiện Ngài phải chịu chết phần thuộc thể không đau đớn bằng sự linh hồn của Ngài tạm xa cách Đức Chúa Trời bởi vì tội lỗi của loài người. 

Tôi nghĩ từ khi Ngài biết là Ngài phải đối diện với sự tạm xa cách Đức Chúa Trời, chịu chết thì Ngài đã đau buồn, và sự đau buồn đó càng lớn khi càng đến gần ngày mà Ngài phải chịu chết. Và để hoàn thành chương trình cứu chuộc loài người như chúng ta đã biết, Ngài luôn cầu nguyện mật thiết với Đức Chúa Trời. Và đó là thói quen của Ngài như có nói ở câu 1. 

Trong cuộc sống, khi chúng ta vui thì có thể chúng ta sẽ vui mừng đến với Đức Chúa Trời, nhưng khi buồn, mệt mỏi thì có thể khiến chúng ta “quên” Đức Chúa Trời.  Và những lúc như vậy là bản thân chúng ta chưa yêu Đức Chúa Trời đủ. Tình yêu của chúng ta trở nên trọn vẹn khi chúng ta luôn nói rằng:

“Dù Ngài sẽ giết ta, ta {vẫn} sẽ tin cậy Ngài!” (Gióp 13:15a).

Và dù trong hoàn cảnh nào, một người yêu Chúa họ vẫn nhớ đến Chúa, và cố gắng chạy thật nhanh khi có thể để đến bên Ngài, cụ thể là qua sự cầu nguyện.

Trong loài người, không ai yêu Đức Chúa Trời bằng con người xác thịt Jesus, và trong loài người không ai chịu đau đớn cho bằng sự đau đớn của Đức Chúa Jesus khi Ngài chịu đóng đinh. Nhưng trong cơn rất đau đau thương, Ngài vẫn chọn sự vâng lời, Ngài vẫn chọn đến gần Đức Chúa Trời vì Ngài yêu Đức Chúa Trời.

Mồ hôi của Ngài trở nên như những giọt máu lớn, tôi không hiểu và cũng chưa từng chứng kiến, nhưng tôi hiểu một điều đó là Ngài vô cùng đau đớn trong tâm thần, đến nỗi mồ hôi của Ngài trở nên những giọt máu lớn, thế nhưng Ngài vẫn là chính Ngài, bởi Ngài biết tìm đến Đức Chúa Trời mỗi khi yếu đuối qua sự cầu nguyện.

Vì thế mà tôi hiểu rằng, không một đau đớn, không một điều gì có thể khiến chúng ta không thể đến gần Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện. Càng trong hoàn cảnh đau thương một người yêu Đức Chúa Trời họ sẽ cầu nguyện càng thiết tha hơn. Hôm nay chúng ta chưa làm được ngày hôm sau chúng ta cầu nguyện thiết tha hơn ngày trước, cầu nguyện đến khi nào Chúa ban ơn cho chúng ta làm được. Và đó là những người yêu Đức Chúa Trời. Và đó là những người tỉnh thức cầu nguyện.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Lê Minh Dương