YouTube: https://youtu.be/ttQwEjyyoPQ
202203 Bài Giảng Trong Năm 2022
Thanh Niên và Sự Trở Lại của Đấng Christ
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
- MediaFire: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Các cháu thanh niên thân mến,
Trong buổi nhóm đầu năm của Hội Thánh, chú đã giảng về sự trở lại của Đấng Christ. Qua bài giảng đó, chắc các con đã nhận thức rõ, sự Đấng Christ trở lại không những là chắc chắn, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào; mà cho dù có trễ nhất thì cũng sẽ không sau ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa của năm 2027, nhằm ngày 23/04/2027. Nói cách khác, kể từ hôm nay, chúng ta chỉ còn nhiều lắm là năm năm và hơn ba tháng một chút để sống trong thế gian này, trước khi Chúa đến. Vậy, chúng ta sẽ làm gì trong những ngày còn lại rất ngắn ngủi này?
Đối với các con là những thanh niên trong Hội Thánh, có người còn độc thân, có người đã lập gia đình, có người còn đi học, có người đã đi làm, có người chưa tới tuổi hai mươi, có người đã sắp đến tuổi bốn mươi, chú có mấy điều sau đây để chia sẻ với các con.
Trước hết, hãy biết rằng, lứa tuổi của các con và của các anh chị trong lứa tuổi trung niên, từ 40 tuổi đến 60 tuổi, là rường cột của Hội Thánh. Rường cột của Hội Thánh có nghĩa là Hội Thánh nhờ nhiều vào công sức gây dựng Hội Thánh và bảo vệ sự trong sạch của Hội Thánh từ các con và từ các anh chị ấy, hơn là từ những con dân Chúa trong các lứa tuổi khác. Vì một lẽ đơn giản, tuổi thanh niên và tuổi trung niên có nhiều cơ hội và năng lực hơn các lứa tuổi khác. Theo Thánh Kinh, lực lượng lao động để gây dựng và chiến đấu để bảo vệ của dân I-sơ-ra-ên là từ 20 tuổi đến 60 tuổi.
Kế đến, hãy biết rằng, để có thể giúp ích cho Hội Thánh, dù là trong mục vụ gây dựng hay trong mục vụ bảo vệ, thì các con cần có sự hiểu biết đúng Lời Chúa, vững vàng trong đức tin, và sẵn lòng hy sinh mọi sự để có thể sống theo Lời Chúa.
Mục vụ gây dựng Hội Thánh là sự dự phần trong các sinh hoạt của Hội Thánh, từ những sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa, học Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa, làm chứng về các ơn phước của Chúa, ca hát tôn vinh Chúa, thăm viếng, tiếp trợ lẫn nhau, an ủi, khích lệ lẫn nhau, nhắc nhở, cáo trách lẫn nhau về những sự sai sót hay phạm tội… cho đến sự rao giảng Tin Lành cho những người không tin Chúa.
Mục vụ bảo vệ Hội Thánh là sự dự phần trong các hoạt động nhằm cứu giúp, tiếp trợ, che giấu các anh chị em trong Hội Thánh bị bách hại đức tin cho đến những sự phản kháng những kẻ rao giảng tà giáo trong Hội Thánh hoặc phản kháng những kẻ ở trong Hội Thánh phạm tội mà không ăn năn.
Nhờ có sự hiểu biết Lời Chúa mà đức tin ngày càng vững chắc càng hơn. Sự hiểu biết Lời Chúa bắt đầu với sự chuyên tâm đọc, nghe, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm, và cẩn thận làm theo. Chính Đức Thánh Linh là Đấng ban cho chúng ta sự hiểu biết Lời Chúa, khi chúng ta khao khát Lời Chúa và sốt sắng suy ngẫm Lời Chúa. Vì Đức Thánh Linh là Đấng duy nhất dẫn dắt con dân Chúa vào trong mọi lẽ thật (Giăng 16:13).
Khi đã có sự hiểu biết Lời Chúa thì đương nhiên chúng ta cũng nhận thức được ý muốn của Chúa dành riêng cho mỗi chúng ta. Ngoài ý muốn của Chúa dành chung cho mọi con dân Chúa, thể hiện qua bảy lời kêu gọi của Chúa mà chú đã giảng trong loạt bài giảng “Bảy Lời Kêu Gọi của Chúa”, đã được đăng trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [1], thì Chúa có ý muốn của Ngài cho riêng mỗi một con dân của Ngài.
Khi Chúa dạy chúng ta rằng, mỗi người là một chi thể trong thân thể của Chúa thì chúng ta cần hiểu rằng, mỗi người có một chức năng với những ơn Chúa ban cho để phối hợp với những người khác, phục vụ toàn thân thể của Chúa là Hội Thánh. Có bao giờ các con thấy rằng, một chi thể nào đó trong thân thể không giúp ích gì cho thân thể? Ngay cả một chi thể bị tổn thương vì bệnh tật mà còn gắn bó với thân thể thì cũng vẫn giúp ích cho thân thể. Thí dụ, một cánh tay bị teo vì bệnh tật, không còn cầm, nắm hay tự cử động được, nhưng nó vẫn dự phần trong sự giúp cho thân thể giữ thăng bằng. Thế mà trong thực tế, có không ít những con dân Chúa đã không nhận thức bổn phận và trách nhiệm của mình trong Hội Thánh, không giúp ích gì cho Hội Thánh.
Trong tuần lễ đầu của năm mới 2022 này, chú muốn gửi đến các con lời kêu gọi sau đây của Đức Thánh Linh:
“Đêm đã khuya, ngày gần đến! Vậy, chúng ta hãy lột bỏ những việc của sự tối tăm mà mặc lấy áo giáp của sự sáng.” (Rô-ma 13:12).
“Đêm đã khuya” chỉ về sự tối tăm do tội lỗi mang đến trong thế gian đã sắp đầy trọn. Khi nó đầy trọn thì Đức Chúa Trời sẽ phán xét thế gian bằng Kỳ Tận Thế kéo dài suốt bảy năm với những thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, đói kém, bị tà linh hành hại.
“Ngày gần đến” chỉ về sự Đấng Christ sắp tái lâm trên đất vào cuối Kỳ Tận Thế, tiêu diệt tất cả những ai không thật lòng ăn năn tội, không thật lòng tin nhận sự cứu rỗi của Ngài; rồi thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm của Ngài. Nhưng trước đó là sự Đấng Christ sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.
“Lột bỏ những việc của sự tối tăm” là từ bỏ tất cả những gì liên quan đến nếp sống cũ tội lỗi, là nếp sống mà đến cuối cùng sẽ đưa loài người vào những nẻo của sự chết (Châm Ngôn 16:25).
“Mặc lấy áo giáp của sự sáng” là sống nếp sống mới thể hiện sự yêu thương, thánh khiết, công chính mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Nếp sống ấy được gọi là áo giáp của sự sáng vì nếp sống ấy bảo vệ chúng ta khỏi mọi cám dỗ của tội lỗi, khỏi mọi sự hãm hại của ma quỷ, và nếp sống ấy chiếu sáng vinh quang của Thiên Chúa. Trong nếp sống ấy, từng ý nghĩ, lời nói, việc làm của chúng ta đều theo thánh ý của Thiên Chúa và vì sự vinh quang của Thiên Chúa (Phi-líp 2:13; I Cô-rinh-tô 10:31).
Những ai trong các con còn sống với cha mẹ và còn đi học mà cha mẹ không tin Chúa, thì hãy gắng sức trong sự học để cha mẹ yên tâm và vui lòng. Nhưng cũng xin cha mẹ cho học thêm việc chăn nuôi, trồng trọt. Vì sắp tới sẽ là thời kỳ khó khăn về sự khan hiếm thực phẩm mà những ai biết chăn nuôi, trồng trọt có thể vượt qua. Tình trạng dịch bệnh COVID-19 chính là sự cảnh báo.
Nếu cha mẹ là người tin Chúa thì các con có thể xin cha mẹ cho thôi học để chuyên tâm học về chăn nuôi trồng trọt và những kỹ năng sinh tồn (survival skills). Sự học đó sẽ giúp ích cho gia đình rất nhiều trong những ngày khó khăn sắp đến.
Những ai trong các con vừa học xong trung học và đang bước vào đại học thì các con có thể chọn học về nông lâm súc. Những ai trong các con đang dở dang đại học với các ngành khác, nếu chỉ còn một năm để tốt nghiệp, thì có thể tiếp tục học cho xong. Nhưng nếu chỉ mới học một hoặc hai năm đại học thì nên chuyển sang học về nông lâm súc.
Mục đích chính của sự học về chăn nuôi, trồng trọt hoặc học ngành nông lâm súc đại học và các kỹ năng sinh tồn là để chuẩn bị cho những ngày khó khăn sẽ đến, khi cuộc sống tùy thuộc vào khả năng tự chăn nuôi, trồng trọt của mỗi gia đình.
Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà Chúa dùng hình ảnh những người làm việc ngoài đồng và những người lo việc chuẩn bị thức ăn trong nhà để nói về tình trạng cuộc sống của con dân Chúa, trong ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.
Ma-thi-ơ 24:37-42
37 Trong những ngày của Nô-ê thế nào, khi Con Người đến cũng thế ấy.
38 Vì trong những ngày trước cơn lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả cho tới ngày Nô-ê vào trong tàu,
39 và không biết gì hết cho tới khi cơn lụt đến và đem đi hết thảy. Khi Con Người đến cũng như vậy.
40 Lúc ấy, sẽ có hai người ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị bỏ lại;
41 hai người đang xay cối, một người được đem đi, còn một người bị bỏ lại.
42 Vậy, hãy tỉnh thức! Vì các ngươi không biết giờ nào Chúa của các ngươi đến.
Những ai trong các con không còn đi học, dù vẫn sống độc thân hay đã lập gia đình, nếu có vốn thì nên mua đất, nếu không có vốn thì nên thuê đất để bắt đầu việc chăn nuôi, trồng trọt. Khắp Việt Nam, vùng đất có khí hậu tốt nhất và thuận tiện cho việc chăn nuôi trồng trọt là tỉnh Lâm Đồng.
Những ai trong các con còn độc thân mà đã nhận thức rõ, Chúa muốn mình sống độc thân cho tới ngày Chúa đến, thì các con hãy tiếp tục cậy nhờ ơn Chúa để sống độc thân cách thánh khiết, không phạm sự tà dâm.
Những ai trong các con còn độc thân mà muốn có vợ hoặc có chồng thì hãy sốt sắng tìm kiếm sự kết hôn, sốt sắng xin Chúa sớm mở đường cho mình được kết hôn. Các con cần hiểu rõ về mục đích của sự kết hôn trong Chúa. Mục đích của sự kết hôn trong Chúa bao gồm ba phương diện.
-
Phương diện thứ nhất là làm tròn mệnh lệnh chung Chúa đã truyền cho loài người, ngay từ khi loài người được dựng nên.
“Thiên Chúa đã sáng tạo loài người như hình Ngài. Ngài đã sáng tạo loài người như hình Thiên Chúa. Ngài đã sáng tạo họ, nam và nữ. Thiên Chúa ban phước cho họ và phán: Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất! Hãy làm cho đất phục tùng! Hãy quản trị loài cá biển, loài chim trời, cùng mỗi vật sống hành động trên mặt đất!” (Sáng Thế Ký 1:27-28).
-
Phương diện thứ nhì là để tránh sa ngã vào sự cám dỗ phạm tà dâm.
“Nhưng để tránh sự tà dâm thì mỗi người đàn ông hãy có vợ cho mình; và mỗi người đàn bà hãy có chồng cho mình!” (I Cô-rinh-tô 7:2).
Bản năng tình dục là do Chúa ban cho loài người cũng như các loài sinh vật khác, để di truyền dòng giống của muôn loài sinh vật trên đất. Đó là một bản năng rất mạnh. Vì thế, ngoại trừ những người được ơn Chúa ban cho để sống độc thân thì không ai có thể sống độc thân, mà không phạm tà dâm. Chính Đấng Christ đã phán:
“Ngài đáp rằng: Chẳng phải mọi người đều có thể nhận được lời này, chỉ người sẵn có ban cho như vậy mà thôi. Vì có người hoạn từ trong lòng mẹ; có người hoạn vì tay người ta, và có người tự mình làm nên hoạn vì cớ Vương Quốc Trời. Người nào nhận nổi lời ấy thì hãy nhận lấy.” (Ma-thi-ơ 19:11-12).
Chữ “hoạn” có nghĩa đen là người bị cắt đi bộ phận sinh dục; nghĩa bóng là người không có khả năng quan hệ tình dục. Từ ngữ này được dùng để gọi những hoạn quan, còn gọi là thái giám; hoặc để gọi những người vì tai nạn hay khuyết tật mà bộ phận sinh dục bị tổn thương, không còn có thể quan hệ tình dục; hoặc để gọi những người tự ý sống độc thân.
-
Phương diện thứ ba là để có một người bạn đời đồng hành trong cuộc sống. Ngay từ buổi đầu sáng thế, Chúa đã phán rằng, “loài người ở một mình thì không tốt” (Sáng Thế Ký 2:18). Lời Chúa cũng dạy rằng:
Truyền Đạo 4:9-12
9 Hai người hơn một, vì sẽ được công giá tốt về việc làm của họ.
10 Vì nếu họ ngã, thì một người sẽ đỡ bạn mình lên. Khốn cho kẻ ở một mình khi bị ngã, mà không có người khác đỡ mình lên!
11 Cũng vậy, nếu hai người ngủ chung thì ấm; còn một mình thì làm sao ấm được?
12 Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thể chống cự nó; một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt.
Vì thế, nếu một người không có tiếng gọi và sự ban cho của Chúa để sống độc thân, thì người ấy hãy sớm tìm kiếm sự kết hôn.
Nếu lòng mong muốn có một mái nhà để ở cần phải kèm theo hành động tích cực tìm cách xây nhà thì lòng mong muốn được kết hôn cũng cần phải kèm theo hành động tích cực tìm kiếm người để kết hôn. Trong Chúa, mọi người đã yêu nhau như Chúa yêu mình. Vì thế, việc còn lại là tìm người bằng lòng kết hôn với mình.
Hôn nhân trong Chúa là sự đồng thuận làm vợ và làm chồng của nhau, giữa một người nam và một người nữ, đáp ứng ba phương diện của mục đích sự kết hôn. Hôn nhân trong Chúa không phân biệt chủng tộc, tuổi tác hay bất cứ một điều gì khác, miễn là cả người nam và người nữ bằng lòng làm vợ, làm chồng của nhau đều là con dân chân thật của Chúa, không có quan hệ gia đình như đã chép trong Lê-vi Ký đoạn 18 và đoạn 20.
Người nam nên chủ động ngỏ ý với người nữ mà mình muốn cưới làm vợ. Nhưng người nữ cũng có thể chủ động ngỏ ý với người nam mà mình muốn làm vợ của người ấy. Nếu có sự mắc cỡ thì có thể nhờ các trưởng lão giúp hỏi giùm mình. Chú mong rằng, trong năm 2022 này, Hội Thánh sẽ có thêm nhiều đôi vợ chồng mới.
Những ai trong các con đã kết hôn mà chưa có con, thì hãy tận dụng thời gian chưa bận rộn việc con cái để tích cực dự phần vào các mục vụ của Hội Thánh.
Những ai trong các con đã kết hôn và đã có con, thì hãy cậy ơn Chúa nuôi dạy con cái của mình theo Lời Chúa. Đây là mệnh lệnh của Chúa dành cho các bậc cha mẹ trong Chúa:
“Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo thì khi nó già, nó sẽ không lìa khỏi đó.” (Châm Ngôn 22:6).
Sự dạy con cần phải thi hành kỷ luật bằng sự đánh đòn:
“Chớ bỏ qua sự răn dạy trẻ thơ. Dù con đánh nó bằng roi, nó sẽ chẳng chết đâu.” (Châm Ngôn 23:13).
“Roi vọt và sự quở trách ban cho sự khôn sáng; còn con trẻ phóng túng làm hổ thẹn mẹ của mình.” (Châm Ngôn 29:15).
“Người nào kiêng roi đòn, người ấy ghét con trai của mình; nhưng ai yêu con thì sốt sắng răn dạy nó.” (Châm Ngôn 13:24).
Đứa con nào không vâng lời thì dứt thông công nó, không cho nó gì khác hơn là chỗ ngủ, cơm đủ ăn, và quần áo đủ mặc, theo quy định của luật pháp quốc gia. Khi nó đủ 18 tuổi thì đuổi nó ra khỏi nhà, phó nó cho sự thương xót của Chúa. Sự dứt thông công những kẻ phạm tội không ăn năn cũng là mệnh lệnh của Chúa truyền cho con dân Chúa (Ma-thi-ơ 18:17; I Cô-rinh-tô 5:11-13).
Các con thân mến,
Trong những ngày cuối cùng này, việc ổn định cuộc sống bằng cách tìm về những vùng đất xa thành phố, chuyên tâm chăn nuôi trồng trọt để có thể tự túc lương thực là điều quan trọng. Vì sự khó khăn chắc chắn sẽ đến mà thức ăn là nhu cầu vật chất đứng hàng đầu. Sẽ có lúc tiền bạc không thể mua được thức ăn. Sẽ có lúc tiền bạc cũng không mua được thức gì khác ngoại trừ dùng thực phẩm để trao đổi.
Mặc dù thời gian còn lại trên đất của chúng ta rất ngắn nhưng Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 24:37-42 đã dạy rõ, con dân Chúa cần chăm lo việc kiếm sống của mình cho tới ngày Chúa đến. Có ổn định cuộc sống về phương diện vật chất thì chúng ta mới có thể tích cực dự phần trong các mục vụ xây dựng và bảo vệ Hội Thánh.
Ngay trong những ngày đầu năm mới 2022 này, các con hãy lên kế hoạch 5 năm, từ năm 2022 đến hết năm 2026, cho cuộc sống của mình, của gia đình mình. Hãy đến với Chúa, xin Chúa tỏ ra cho mình những việc phải làm. Thiết lập kế hoạch. Rồi dâng trình lên Chúa, xin Chúa ban ơn.
Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ các con. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
07/01/2022
Ghi Chú
[1] Xin đọc loạt bài giảng: “Bảy Lời Kêu Gọi của Chúa” tại đây:
https://timhieuthanhkinh.com/nhung-bai-can-doc-nghe-truoc/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/
2/ Bài Chia Sẻ Của Ban Điều Hành
Anh chị em thân mến,
Cảm tạ Chúa vì hôm nay chúng tôi có cơ hội được chia sẻ với anh chị em. Lời Chúa hôm nay chúng tôi muốn nhắn gửi là lời từ một vị vua khôn sáng nhất, giàu có nhất mà trước và sau ông không có một vị vua nào được như ông (I Các Vua 3:12) – vua Sa-lô-môn. Vua Sa-lô-môn với những lời nói đầy sự khôn sáng mà cả thiên hạ tìm đến để nghe sự khôn sáng ấy.
Đây là câu Thánh Kinh được viết ở đầu sách Châm Ngôn, nói về việc một người nếu đọc sách ấy thì sẽ được như vậy.
“Để cho người khờ dại được sự khôn khéo, kẻ trai trẻ được sự tri thức và sự thận trọng.” (Châm Ngôn 1:4).
Dù thời gian vẫn cứ trôi qua, từ thế hệ này đến thế hệ khác lần lượt đến rồi đi nhưng Lời Chúa cứ luôn vững bền và luôn có năng lực giúp cho những ai tin và làm theo được trở nên tốt hơn và được nhiều ích lợi cho cuộc sống ở trên đất này.
Chúng tôi thấy rằng những điều được nói đến trong câu Thánh Kinh này sẽ giúp ích được nhiều cho chúng ta và cũng là để chuẩn bị hành trang, vũ khí để chúng ta đối diện với một năm mà có lẽ sẽ đầy những sự khó khăn và thử thách.
Trong câu này nói đến hai đối tượng, đó là người khờ dại và kẻ trai trẻ. Người khờ dại cần sự khôn khéo thế nào thì người trai trẻ cũng cần sự tri thức và sự thận trọng thế ấy.
1/ Về sự khờ dại và sự khôn khéo
Khờ dại là ngờ nghệch và dại dột. Người khờ dại thì dễ sai lạc, dễ bị lừa dối, bị yếu kém trong việc xử lý những tình huống trong cuộc sống.
Khôn khéo có nghĩa là thận trọng, cân nhắc lợi hại trước khi quyết định nói hay làm một điều gì. Để có thể cân nhắc lợi hại thì phải biết quan sát và dựa vào kinh nghiệm để phân tích, đánh giá sự việc, tức là khôn ngoan và khéo léo.
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta cần tự hỏi, tôi có đang là người khờ dại? Hay tôi đang là người khôn khéo? Nếu chúng ta là người khờ dại thì điều gì khiến chúng ta khờ dại? Có phải chúng ta thiếu đọc Lời Chúa và sự vâng lời? Thiếu đi sự hạ mình khiêm nhường học hỏi?
Trong Chúa và nhờ Lời Chúa thì người khờ dại còn trở nên được khôn khéo, vì thế không có lý do gì mỗi người chúng ta đây không có được sự khôn khéo. Vậy chúng ta cần xem xét lại chính mình để khắc phục, làm lại cho bằng được, sai chỗ nào thì sửa chỗ đó.
2/ Về sự tri thức
Sự tri thức là sự hiểu biết về Chúa. Sự hiểu biết ấy có được do chúng ta đọc, suy ngẫm và làm theo Lời Chúa. Tiêu biểu với những tấm gương xưa trong Thánh Kinh, sự tri thức về Thiên Chúa đã giúp cho vua Đa-vít chiến thắng được tên khổng lồ Gô-li-át, giúp Vua Sa-lô-môn cai trị thịnh vượng quốc gia I-sơ-ra-ên hùng mạnh, giúp Áp-ra-ham vâng lời Đức Chúa Trời mà dâng con trai một làm của lễ lên Chúa mà không chút thắc mắc, để sau này dòng dõi của ông đã trở thành nguồn phước cho nhiều dân tộc…
Còn ai khinh dễ Lời Chúa, mà bỏ sự tri thức mình có, người đó sẽ đứng vững hay không?
Lời Chúa có chép:
“Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì Ta cũng sẽ bỏ ngươi để ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Thiên Chúa mình thì Ta cũng sẽ quên con cái ngươi.” (Ô-sê 4:6).
Thật nguy hiểm nếu con dân của Chúa mà lại thiếu sự tri thức về Ngài.
3/ Về sự thận trọng
Thận trọng là hết sức cẩn thận, luôn có sự đắn đo, suy tính kỹ lưỡng trong hành động để tránh sai sót.
Người đời có câu “biết mình biết ta trăm trận trăm thắng” chúng ta biết chúng ta thiếu điều gì thì chúng ta trau dồi, điểm yếu chỗ nào để chúng ta khắc phục.
Nếu chúng ta biết mình dễ bị cảm lạnh thì chúng ta luôn chuẩn bị đồ đủ ấm, luôn ăn uống đầy đủ chất, tìm ăn những thức ăn có chất dinh dưỡng để giúp mình có sức đề kháng mà không bị cảm lạnh.
Cũng vậy, nếu chúng ta biết mình yếu đuối thì chúng ta hãy càng gần Chúa, càng gần anh chị em, đọc Lời Chúa, ăn nuốt Lời của Ngài. Chứ đừng tưởng mình khoẻ mạnh để rồi khi đối diện với thử thách cám dỗ thì thất bại.
Lời Chúa có chép:
“Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy coi chừng, kẻo ngã!” (I Cô-rinh-tô 10:12).
Chúng tôi tin rằng khi chúng ta biết tìm cách sống đẹp lòng Chúa bằng cách trau dồi mình thì Chúa sẽ ban ơn và thêm sức cho chúng ta càng hơn để mình có thể làm được.
Thời gian còn lại rất ngắn mà những sự khó khăn thì ngày một tăng lên chúng ta cần phải luôn thận trọng trong mọi sự. Sai một li sẽ đi một dặm, sẽ rất khổ. Hãy chuẩn bị cho mình thật tốt để khi đối diện với mọi sự chúng ta được chiến thắng.
- Chúng ta cần khôn khéo trước những sự bắt bớ, sự bị người khác dối gạt mình.
- Chúng ta cần khôn khéo trong việc giảng Tin Lành, hầu việc Chúa.
- Chúng ta cần khôn khéo trong việc sống giữa anh chị em mình để luôn làm gương tốt, không gây cớ vấp phạm, hiểu lầm. (Chẳng hạn như chúng ta khôn khéo không phải để được lợi cho mình mà chúng ta biết khôn khéo mà sống theo Lời Chúa, chúng ta yêu anh chị em hơn chính mình. Không để cho cái tôi của sự ích kỷ, yêu bản thân mình, đặt mình trên ích lợi của anh chị em mình mà chúng ta chấp nhận chịu thiệt, sẵn lòng hy sinh cho anh chị em của mình)
- Chúng ta cần tri thức để biết cách xử lý mọi việc xảy ra trong cuộc sống mỗi ngày được đẹp lòng Chúa.
- Chúng ta cần tri thức để gây dựng đời sống đức tin của chính mình
- Chúng ta cần tri thức để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa sẽ trở lại trong tương lai mà chúng ta tin là sẽ không còn xa nữa.
- Chúng ta cần thận trọng trước mọi quyết định. (Quyết định mình sẽ làm gì ở đâu trong những gì mình hiểu biết về thời kì này)
- Chúng ta cần thận trọng trong các việc làm.
- Chúng ta cần thận trọng trước những sự khó khăn, thử thách, cám dỗ.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta trong năm mới này được thêm lên sự khôn khéo, thêm lên sự hiểu biết Ngài và thận trọng trong mọi việc để đời sống của chúng ta ngày càng được bền vững và tăng trưởng trong Chúa.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Ban Điều Hành Thanh Niên