Sự Thương Xót của Chúa Dành Cho Thành Ni-ni-ve

173 lượt xem

Chủ đề: Sự Thương Xót của Chúa Dành Cho Thành Ni-ni-ve

Câu gốc:

Giô-na 4:10-11
10 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lại phán: Ngươi đoái tiếc một dây mà ngươi chưa hề khó nhọc vì nó, ngươi không làm cho nó mọc, một đêm thấy nó sinh ra và một đêm thấy nó chết.
11 Còn ta, lại không đoái tiếc thành lớn Ni-ni-ve, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không biết phân biệt tay phải và tay trái, lại với một số thú vật rất nhiều hay sao?

Thánh Kinh Tham Khảo: Giô-na 4

1/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Như Huỳnh

Trước khi vào nội dung chính của hai câu gốc Giô-na 4:10-11 thì tôi xin tóm lược lại một số tình tiết câu chuyện trước đó, dẫn đến sự mà ông Giô-na không hài lòng phàn nàn về sự Chúa sai dùng ông qua thành Ni-ni-ve, để kêu gọi dân thành này ăn năn về sự phạm tội của họ.

Đầu tiên Chúa sai ông qua thành Ni-ni-ve thì ông lại lẫn tránh khỏi mặt Thiên Chúa, trốn qua Tê-rê-si. Giữa đường đi ông gặp hoạn nạn giữa biển do Thiên Chúa khiến một trận bão đến. Ông bị ném xuống biển và bị cá nuốt, ông ở ba ngày trong bụng cá.

Khi ông gặp hoạn nạn thì ông nhận biết đây chính là việc do Thiên Chúa làm ra để bắt phục ông, làm cho ông bằng lòng qua Ni-ni-ve để mà kêu gọi họ ăn năn. Sau khi thoát khỏi bụng cá thì ông đến thành Ni-ni-ve, đi khắp thành mất ba ngày và truyền đến họ lời của Đức Chúa Trời. Khi ấy cả thành Ni-ni-ve đều nhận biết tội và ăn năn, kêu cầu cùng Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã đổi ý không xuống hoạ mà Ngài định sẽ làm cho họ.

Liền sau đó, Giô-na lại không vừa lòng và giận cùng Thiên Chúa. Bởi ông đã biết rằng Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, chậm giận, giàu ơn mà không xuống tai vạ cho thành Ni-ni-ve, nên từ đầu ông đã không muốn đi mà tránh khỏi mặt Chúa, trốn qua thành khác. Nhưng ông đã không hiểu được rằng, Thiên Chúa có thể đổi ý không xuống tai hoạ, tha thứ cho chúng ta khi chúng ta nhận biết tội mà ăn năn. Như khi xưa dân thành Ni-ni-ve được lời kêu gọi của Giô-na mà họ mau chóng nhận biết ăn năn tội của mình.

Thời Cựu Ước, chúng ta thường hay thấy rằng Thiên Chúa dùng những tiên tri hay là các quan xét của Ngài đi kêu gọi một nơi nào đó phạm tội mà tội đến nỗi thấu đến Ngài, để kêu gọi quở trách họ. Vì khi ấy chưa có sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, nên Ngài chưa ban Thánh Linh trong lòng để cáo trách hay nhắc nhở mỗi khi chúng ta phạm tội như ngày nay.

Qua đó cho chúng ta thấy được sự nghiêm khắc của Chúa, công chính, thánh khiết không chấp nhận tỗi lỗi của chúng ta, nhưng Ngài cũng quá đỗi nhân từ, yêu thương và chậm giận đối với những ai phạm tội. Ngài muốn tha tội cho họ, mặc dù Ngài là Thiên Chúa, Ngài muốn làm gì thì làm, muốn thương xót ai thì Ngài thương xót, muốn tha tội cho ai thì Ngài tha, hay đến nỗi ai phạm tội Ngài cũng có quyền cất đi mạng sống họ, giáng tai hoạ trên họ, nhưng Ngài đã không lấy oai quyền của Ngài mà làm như vậy. Ngài vẫn khoan nhẫn chờ đợi chúng ta ăn năn. Ngày xưa thì Ngài dùng các tiên tri của Ngài để đi đến kêu gọi họ ăn năn, ngày nay thì Ngài ban cho chúng ta có người chăn, trưởng lão hay những anh chị em cùng Cha ở cạnh bên để nhắc nhở, khuyên lơn dạy dỗ chúng ta và có chính Đức Thánh Linh trong lòng để cáo trách nhắc nhở.

Ông Giô-na vì một đêm thấy dây leo sống và một đêm thấy dây leo chết mà còn thương xót đến nỗi ông không hài lòng với Thiên Chúa, thì huống chi Thiên Chúa là Đấng yêu thương như vậy mà Ngài lại không thương xót, bỏ mặc cả một thành lớn như Ni-ni-ve phạm tội mà không ăn năn để họ bị hủy diệt hay sao?

Tại sao khi xưa thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ Chúa lại huỷ diệt, trong khi Chúa lại không huỷ diệt thành Ni-ni-ve? Không phải Ngài thiên vị thành này và thành kia, hay thích thì Ngài làm, mà bởi vì thành Ni-ni-ve họ không cứng lòng khi được Giô-na kêu gọi ăn năn nên Chúa tha mà không huỷ diệt họ, vì họ có tấm lòng thật sự ăn năn.

Qua mọi việc thì chúng ta thấy ông Giô-na chỉ làm theo ý muốn xác thịt của ông, không vâng lời Chúa, chỉ nhìn biết theo cảm xúc xác thịt mà không nghĩ đến hậu quả sau này. Vì ông đã làm theo cảm xúc xác thịt mà ông suýt chết, vì tránh mặt Chúa mà bị quăng xuống biển và bị cá nuốt, vì ông làm theo cảm xúc xác thịt mà không nghĩ đến việc cả thành Ni-ni-ve sẽ bị huỷ diệt.

Cũng vậy con dân Chúa thời nay cũng có nhiều người lại chọn làm theo xác thịt không nghe sự nhắc nhở cáo trách của Đức Thánh Linh, người chăn, trưởng lão hay các anh chị em trong Hội Thánh, dẫn đến hậu quả là bị dứt thông công hay đến nỗi mất cả linh hồn mình.

Song song đó nếu như chúng ta phạm tội, khi được cáo trách nhắc nhở thì nhanh chóng nhận biết lỗi, nhận biết tội như thành Ni-ni-ve xưa kia, thì chúng ta sẽ được Chúa tha tội và được Chúa tiếp nhận trở lại.

Bài học rút ra: Từ sự thương xót của Thiên Chúa dành cho thành Ni-ni-ve cũng cho chúng ta thấy sự thương xót, nhẫn nại đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta. Ngài yêu tất cả mọi người dù một người bị phạm tội đến nỗi hư mất thì Ngài cũng yêu thương và ngày đêm mong người đó ăn năn quay trở về. Một người được cứu thì cả Thiên Đàng đều vui mừng thì huống chi là cả thành Ni-ni-ve có đến hơn một trăm hai mươi ngàn người và nhiều súc vật. Cho dù là thời xưa hay ngày nay thì tình yêu thương và sự nhân từ thương xót chậm giận của Chúa vẫn không hề thay đổi.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Như Huỳnh

2/ Bài Suy Ngẫm của Bùi Quốc Huy

Kính thưa Hội Thánh

Thiên Chúa sai Tiên Tri Giô-na đến để công bố hình phạt mà Ngài sẽ giáng xuống dân thành Ni-ni-ve sau 40 ngày nữa, nhưng dân thành ấy đã thật lòng ăn năn nên Chúa đã đổi ý không hình phạt nữa.

Nói về sự thương xót thì chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng giàu lòng thương xót và còn đến đời đời:

“Hãy cảm tạ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Vì Ngài là tốt lành! Vì sự thương xót của Ngài còn đến đời đời!” (I Sử Ký 16:34).

Nhưng con người thì không phải lúc nào cũng có sự thương xót, như trường hợp của ông Giô-na là một điển hình. Mặc dầu Giô-na đã biết rằng Chúa là Đấng nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn, và đổi ý không xuống tai vạ; nhưng vì dân thành Ni-ni-ve là kẻ thù của dân I-sơ-ra-ên nên ông Giô-na không muốn Thiên Chúa tha thứ cho dân thành ấy khi họ thật lòng ăn năn và từ bỏ tội. Điều này trái với sự dạy dỗ của Chúa vì Chúa dạy mình phải yêu kẻ thù mình:

“Nhưng các ngươi hãy yêu kẻ thù mình; hãy làm ơn, hãy cho mượn, mà đừng ngã lòng. Vậy, phần thưởng của các ngươi sẽ lớn, và các ngươi sẽ làm con của Đấng Rất Cao, vì Ngài lấy nhân từ đối đãi kẻ bạc và kẻ dữ.” (Lu-ca 6:35).

Giô-na rất không đẹp lòng, và giận dữ sau khi Thiên Chúa đổi ý không hình phạt dân thành Ni-ni-ve nữa nhưng chính Thiên Chúa cũng dạy cho ông một bài học về sự thương xót qua việc Chúa đã làm cho dây dưa leo bị chết. Dù dây leo không phải do tay Giô-na trồng nhưng ông vẫn rất tiếc nuối khi nó bị chết.

Khi chúng ta bị mất một vật gì đó do chúng ta mua sắm hay được người khác tặng thì chắc chắn chúng ta cũng rất tiếc nuối. Huống chi dân thành Ni-ni-ve cũng là loài thọ tạo do tay Thiên Chúa làm ra, thì làm sao mà Ngài không thương xót cho được.

Qua bài học về chủ đề hôm nay cho chúng ta thấm thía càng hơn về ơn thương xót mà Chúa đã và đang dành cho mỗi một chúng ta. Vậy để chúng ta cũng thương xót người khác như chính Chúa thương xót chúng ta thì chúng ta phải ghi khắc nó vào trong lòng của mình.

“Để sự thương xót và sự chân thật sẽ không lìa con, hãy đeo chúng vào cổ, ghi chúng nơi bia lòng con.” (Châm Ngôn 3:3).

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Bùi Quốc Huy

3/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Nguyệt Ánh

Tóm tắt câu chuyện Thiên Chúa thương xót kêu gọi dân thành Ni-ni-ve ăn năn qua Tiên Tri Giô-na: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán cho Tiên Tri Giô-na đi đến thành lớn Ni-ni-ve để kêu gọi họ ăn năn những tội lỗi của mình. Nhưng ông trỗi dậy để trốn qua Ta-rê-si, lánh khỏi mặt Thiên Chúa, ông trả tiền quá giang, và xuống tàu để đi Ta-rê-si. Thiên Chúa khiến cho chiếc tàu gặp cơn bão lớn. Sau khi biết được chính ông Giô-na là nguyên nhân của cơn bão thì những thủy thủ trên tàu quăng ông xuống biển để biển yên lặng. Thiên Chúa đã sắm sẵn một con cá lớn để nuốt Giô-na. Giô-na đã ở trong bụng cá ba ngày và ba đêm và ông kêu cầu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Sau đó, Thiên Chúa phán với con cá, và nó mửa Giô-na ra trên đất khô.

Lần thứ hai Thiên Chúa kêu ông đi đến thành lớn Ni-ni-ve thì ông đi theo lệnh của Chúa. Khi ông rao giảng kêu gọi dân thành Ni-ni-ve ăn năn thì họ tin Thiên Chúa, từ vua đến các tôn trưởng đến dân chúng đều ăn năn. Họ không ăn không uống, quấn bao gai cho mình và thú vật, ra sức kêu cầu Thiên Chúa, ai nấy bỏ đường lối xấu và việc hung ác của tay mình hầu cho Thiên Chúa đổi ý, xoay khỏi cơn giận của Ngài. Đức Chúa Trời thấy họ đã lìa bỏ đường lối xấu của mình, Ngài đổi ý tai họa mà Ngài đã phán sẽ làm ra cho họ và Ngài không làm sự đó.

Ông Giô-na thấy như vậy thì hậm hực và giận dữ, ông cầu chết với Thiên Chúa. Ông ra khỏi thành Ni-ni-ve, ngồi phía đông thành ấy. Tại đó, ông làm một cái chòi, ngồi dưới bóng chòi ấy mà đợi xem điều sẽ xảy đến cho thành ấy. Thiên Chúa sắm sẵn một dây dưa cao lên bên trên Giô-na, để phủ bóng trên đầu ông để ông đỡ nắng. Nhưng bữa sau, vừa lúc hừng đông, Đức Chúa Trời sắm một con sâu, sâu chích dây ấy đến nỗi héo. Giô-na bị nắng và gió làm cho mệt mỏi đến nỗi ngất đi và ông lại cầu chết. Thiên Chúa phán dạy với ông như sau:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lại phán: Ngươi đoái tiếc một dây mà ngươi chưa hề khó nhọc vì nó, ngươi không làm cho nó mọc, một đêm thấy nó sinh ra và một đêm thấy nó chết. Còn ta, lại không đoái tiếc thành lớn Ni-ni-ve, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không biết phân biệt tay phải và tay trái, lại với một số thú vật rất nhiều hay sao?” (Giô-na 4:10-11).

Bài học:

1/ Ni-ni-ve là thủ đô nổi tiếng của đế quốc A-si-ri cổ đại. Đây là một thành phố rộng lớn với chiều rộng khoảng 96,6km [1]. Vì nó rất lớn và thịnh vượng, xa hoa nên cái gọi là tội lỗi cũng rất lớn và nhiều, điển hình nó là trung tâm thờ phượng nữ thần sinh sản Ishtar hoặc Át-tạt-tê [2], tội ác của dân thành ấy đã lên thấu trước mặt Chúa đến nỗi Chúa muốn ra tay hủy diệt thành. Tuy nhiên, Thiên Chúa chậm giận, giàu ơn thương xót nên Ngài đã phán bảo ông Giô-na kêu gọi thành ấy ăn năn, nếu họ không ăn năn thì Chúa sẽ diệt thành ấy. Cảm tạ Chúa. Những người dân trong thành Ni-ni-ve thời bấy giờ đã biết run sợ mà ăn năn, kêu cầu Chúa và từ bỏ con đường gian ác của mình.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, xã hội loài người hưởng thụ những tiện nghi vật chất thì tội lỗi của con người ngày nay cũng đã thấu đến trước mặt Chúa. Không chỉ có một thành Ni-ni-ve mà ngày nay có rất nhiều thành Ni-ni-ve. Bằng cách này hay cách khác, với sự nhân từ và thương xót không dứt, Thiên Chúa vẫn kêu gọi mỗi một người ăn năn và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trước kỳ đại nạn bảy năm gần đến. Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta Thánh Kinh là Lời Chúa để soi dẫn và dạy dỗ chúng ta. Nguyện rằng mỗi một chúng ta luôn tỉnh thức, dọn mình thánh sạch để sẵn sàng chờ đón Đức Chúa Jesus Christ quay trở lại mang Hội Thánh ra khỏi thế gian trước Kỳ Tận Thế. Nguyện rằng sẽ có thêm nhiều người ăn năn tin nhận sự cứu rỗi của Chúa trước Kỳ Tận Thế.

2/ Ông Giô-na khi thấy Chúa không tiêu diệt thành Ni-ni-ve thì ông hậm hực và tức giận. Quả thật, ông đến để kêu gọi thành ấy ăn năn vì ông không thể trốn khỏi mặt Chúa được nữa. Ông kêu gọi không bởi lòng thương xót, ông đặt cái tôi của mình cao hơn Chúa, ông đặt sự yêu dân tộc mình cao hơn ý Chúa. Có lẽ ông không hề yêu Chúa như ông nghĩ. Nhưng Chúa vẫn nhẫn nại với ông để dạy dỗ ông bài học về sự thương xót. Qua đó nhắc cho chúng ta nhớ lại lời Chúa phán dạy rằng:

“Hãy đi! Các ngươi hãy học cho biết câu này nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, chẳng phải sinh tế. Vì Ta không đến để gọi những người công chính, nhưng gọi những kẻ có tội ăn năn.” (Ma-thi-ơ 9:13).

Và điều mà Chúa muốn ở chúng ta đó là chúng ta phải yêu Chúa trên hết mọi sự, vâng theo Lời Chúa với sự vui mừng trong lòng, dù điều Chúa muốn chúng ta làm có khi không theo ý chúng ta.

Nguyện xin Chúa giúp mỗi một chúng con mỗi ngày đều sống hết lòng vâng theo Lời Chúa, sống với sự thương xót và nhẫn nại với người khác như Chúa đã nhẫn nại và thương xót chúng con vậy. Cảm tạ ơn Chúa.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyễn Thị Nguyệt Ánh

[1] The classical writers describe NINEVEH as being over 60 miles wide. https://bible-history.com/biblestudy/nineveh

[2] NINEVEH was also famous in the ancient world because it was a center for the worship of Ishtar (Astarte). https://bible-history.com/biblestudy/nineveh

4/ Bài Suy Ngẫm của Lê Minh Dương

Ni-ni-ve là thủ đô của A-si-ri, là một thành rất lớn. Riêng với trẻ con mà chưa biết phân biệt tay phải và tay trái là hơn một trăm hai mươi ngàn người. Vì tội lỗi của họ đã đầy tràn nên Chúa đã sai Tiên Tri Giô-na để rao ra sự hủy diệt thành.

Giô-na có lẽ là vị tiên tri có tiếng thời Các Vua, và ông được Chúa dùng để tiên tri trong thời đó:

“Người khôi phục bờ cõi I-sơ-ra-ên từ nơi giáp Ha-mát cho đến biển đồng bằng, theo như Lời Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của I-sơ-ra-ên đã phán bởi miệng Tiên Tri Giô-na, tôi tớ Ngài, là con trai A-mi-tai, ở tại Gát-hê-phe.” (II Các Vua 14:25).

Ông là con của A-mi-tai, quê ở Gát-hê-phê, là một người yêu kính Chúa vì thế ông cũng là một người yêu nước. Theo tìm hiểu, thời của ông, nước A-si-ri là kẻ thù của dân tộc ông, chính vì lẽ đó mà khi Chúa sai ông đi đến thành Ni-ni-ve để tiên tri về sự hủy diệt thành thì ông trốn qua Ta-rê-si. Vì ông muốn dân thành đó bị tiêu diệt đi.

Vì sự thương xót của Chúa mà trước khi phá hủy nơi nào, tôi nghĩ rằng Chúa luôn cho loài người nơi đó biết để ăn năn. Khi xưa, thời ông Nô-ê, trước khi tiêu diệt mọi loài xác thịt có hơi thở thì Ngài cũng dùng ông Nô-ê mà kêu gọi loài người ăn năn. Hay trong bảy năm đại nạn Ngài vẫn kêu gọi thế gian ăn năn trước khi kết thúc quyền tự trị của loài người.

Trong câu chuyện này, vì sự thương xót rất lớn của Ngài dành cho thành Ni-ni-ve mà Ngài đã sai dùng Tiên Tri Giô-na, nhưng sự tin dùng của Chúa lại có sự chống đối từ ông. Ông không vâng lời Chúa mà đi đến thành Ni-ni-ve. Bởi sự sửa phạt của Chúa mà ông cũng biết ăn năn, vâng phục Chúa mà đi đến thành Ni-ni-ve.

Từ khi lời phán của Chúa về sự hủy phá thành được rao ra, sự ăn năn nhanh chóng diễn ra trên khắp cả thành. Có một điều lạ lùng là không ai thắc mắc hay gạn hỏi về điều được nghe dù là nghe trực tiếp hay gián tiếp.

Đối với dân thành Ni-ni-ve, Giô-na chính là sự lựa chọn tốt nhất dành cho họ dù tấm lòng của ông không trọn vẹn với Ngài, và kết quả thể hiện điều đó, nhưng nói thế không phải để nói rằng, những khi Chúa dùng ai chẳng hạn như Nô-ê kêu gọi loài người ăn năn, mà không có ai ăn năn thì đó lại không phải là sự lựa chọn tốt nhất.

Thiên Chúa là toàn năng, Ngài làm được mọi sự mà không cần ông Giô-na đến với dân thành Ni-ni-ve, mà Ngài có thể phán trực tiếp với họ. Nhưng Ngài lựa chọn cách loài người đến với nhau để cho họ phần nào thấy được tấm lòng của Đức Chúa Trời đối với loài người. Dù Giô-na có bất tuân với Chúa, nhưng Chúa sửa phạt ông để rồi ông biết ăn năn và làm theo ý muốn của Ngài.

Giô-na là người tốt nhất và là người dân thành Ni-ni-ve cần để họ biết mà ăn năn, dù Ngài biết ông Giô-na không vâng lời Ngài. Thiên Chúa chăn dắt chúng ta tháng ngày bao vất vả. Đúng vậy! Nhìn cái cách ông Giô-na đối với Chúa cũng thấy được Chúa đã chịu đựng ông như thế nào. Nhưng qua đó mà chúng ta vừa thấy được sự thương xót của Chúa dành cho riêng cá nhân Giô-na cũng như dân thành Ni-ni-ve, bởi Chúa biết rằng dân thành Ni-ni-ve cần ông.

Chúng ta có thể hình dùng, một người lội sông leo núi để mang một món quà tuyệt vời cho ai đó, thì chính Chúa cũng đã làm vậy với dân thành Ni-ni-ve qua cá nhân ông Giô-na. Và kết quả là cả thành đều ăn năn.

Loài người chúng ta khi sinh ra chẳng mang gì theo, khi chết đi thì phải bỏ lại tất cả. Chúng ta không có gì, thế mà ông Giô-na lại đoái tiếc đến một dây dưa mà ông không chăm sóc đến, khi nó chết. Mọi sự là do Chúa tạo dựng nên, và Ngài là Thiên Chúa hay thương xót, nên Ngài không muốn một điều gì bị phá hủy, Ngài muốn chúng sống để vui hưởng những ơn phước của Ngài. Thế nhưng Giô-na lại không hiểu điều đó, ông chống đối việc thi hành sự thương xót đó, nhưng điều đó càng cho thấy sự thương xót của Chúa đối với dân thành Ni-ni-ne cũng như cá nhân Giô-na.

Dù ông Giô-na không trọn vẹn với Ngài, ông đến để mang sự thương xót của Chúa nhưng chính ông lại không có sự thương xót đó, nhưng bởi sự thương xót của Ngài mà Ngài muốn cả dân thành Ni-ni-ve lẫn ông Giô-na nhận được bài học về sự thương xót của Ngài.

Dù dân thành Ni-ni-ve không xứng đáng với tình yêu của Chúa, tội lỗi của họ đầy tràn, nhưng nhìn cách Chúa mang ông Giô-na đến với họ, khi ông Giô-na bất tuân mệnh lệnh của Chúa là đồng nghĩa với việc Chúa cho thêm thời gian ăn năn cho thành Ni-ni-ve, và qua sự chống nghịch của ông Giô-na mà thấy được cái nỗi vất vả, chịu đựng, hy sinh của Chúa để mang đều tốt nhất cho thành Ni-ni-ve.

Chúng ta sinh ra không mang gì theo, khi chết đi cũng vậy. Vậy hãy làm những gì Chúa muốn chúng ta làm một cách hết lòng, đừng sợ mình thiệt thòi, đừng sợ mình vất vả, vì tất cả những gì chúng ta có đều là Chúa ban cho. Khi làm thì đừng nhìn vào chính mình mà hãy nghĩ đến người sẽ nhận được nó.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Lê Minh Dương

5/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Lan

Kính thưa Hội Thánh,

Tôi xin chia sẻ về chủ đề tuần này, trong sách Giô-na, về sự nhân từ thương xót của Chúa dành cho thành Ni-ni-ve.

Theo định nghĩa trích trong bài giảng “Những Sự Nhân Từ và Những Sự Thương Cảm” của người chăn, thì:

Nhân từ có nghĩa là: tình yêu đối với người khác; lòng tốt đối với người khác; sự đối xử tốt đối với người khác.

Thương xót: nói đến sự thương cảm của một người ở địa vị cao sang, dành cho một người ở địa vị thấp hèn. Thương cảm nói đến tấm lòng, một tình yêu bao dung, dịu dàng, đồng cảm với sự đau khổ của người khác và muốn cứu giúp.

Giô-na 4:10-11
10 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lại phán: Ngươi đoái tiếc một dây mà ngươi chưa hề khó nhọc vì nó, ngươi không làm cho nó mọc, một đêm thấy nó sinh ra và một đêm thấy nó chết.
11 Còn ta, lại không đoái tiếc thành lớn Ni-ni-ve, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không biết phân biệt tay phải và tay trái, lại với một số thú vật rất nhiều hay sao?

Giô-na không vâng lời Chúa, ông cố ý nghịch lại ý Chúa. Khi Chúa phán bảo ông đi đến thành Ni-ni-ve nói tiên tri về sự nghịch và tội lỗi của họ, thì ông không làm theo.

Ông lánh mặt Chúa, xuống tàu định trốn qua Ta-rê-si. Ta-rê-si là nơi buôn bán nên tàu đến đó chở đông người. Sự chống nghịch Chúa của ông đã dẫn đến hậu quả vô cùng kinh khiếp cho bản thân ông và liên lụy đến nhiều người khác trên tàu.

Xảy ra trong trường hợp chống nghịch Chúa này của Giô-na là: Sóng gió dữ dội nổi lên trên con tàu chở ông và nhiều người khác, nguy cơ vỡ tàu. Chúa đã sửa phạt ông, đẩy ông xuống biển, một con cá lớn nuốt ông. Cảnh khốn khổ trong bụng cá giữa biển khơi, ông đã kêu cầu Chúa và đã được Chúa thương xót, làm phép lạ cứu ông ra khỏi bụng cá, cá nhả ông ra mặt đất sau ba ngày ba đêm. Chắc hẳn trong ba ngày ba đêm đó, ông đã thấm cảm giác thế nào là tủi nhục, cô đơn, khổ cực, mòn mỏi cả thể xác và linh hồn, khi mình chống nghịch lại ý Chúa.

Khi được Chúa cứu thoát khỏi sự chết, Chúa thương ban cơ hội cho ông, Chúa kêu gọi giao lại việc cho ông, vẫn là phán bảo ông công việc như lần đầu. Lúc này, ông vâng lời Chúa đến thành Ni-ni-ve nói tiên tri về sự chống nghịch Chúa của họ.

Ni-ni-ve là một thành lớn, đời sống những người nơi đây đầy dẫy những tội gớm ghiếc, tới đó hết ba ngày đường mới đi được hết thành. Ngày đầu, Giô-na đã rao giảng nói về sự hủy diệt thành Ni-ni-ve Chúa sẽ làm thành trong 40 ngày tới. Lời rao giảng này đã khiến cả thành hạ mình ăn năn. Chính sự thật lòng ăn năn của thành, Chúa đã thương xót, đổi ý giáng họa xuống thành. Nhìn đời sống tội lỗi gớm ghiếc dân thành nơi đây, khó có thể yêu, biến đổi và tha thứ. Nhưng Chúa là Đấng Toàn Năng, giàu lòng thương xót, Ngài đã làm được điều mà loài người không thể.

Thật đáng buồn là trong khi Chúa là Đấng Thành Tín, có quyền ban thưởng và sửa phạt; ban phước và dáng họa. Vì tấm lòng chịu từ bỏ gian ác của dân thành, Ngài đã thương xót đổi ý không hủy diệt như Ngài đã phán trước đó. Lẽ ra Giô-na phải tạ ơn Chúa và vui mừng về điều đó, biết ơn Chúa về phép lạ và sự thương xót Chúa làm ra để cứu những linh hồn họ. Vậy mà ông lại buồn giận. Điều này thể hiện ông vâng lời Chúa chỉ là hình thức, làm không bởi tình yêu thương, không có lòng thương xót như Chúa đã thương xót. Ông đi nói tiên tri kêu gọi họ ăn năn, nhưng trong lòng ông lại không vui khi họ ăn năn, không vui khi Chúa đổi ý không hủy diệt họ.

Ông đã vừa nếm trải được sự nhân từ thương xót của Chúa giải cứu ông, ông cũng đã vừa trải qua kinh nghiệm xương máu về hậu quả tội lỗi, hình phạt khi không vâng phục ý Chúa do chính ông gây ra. Bản thân ông nhận biết rõ Chúa là Đấng nhân từ thương xót, yêu thương và công chính, vậy mà khi Chúa không làm theo ý ông thì ông giận, trách móc Chúa, thậm chí tìm cầu chết hơn là sống.

Chúa là Đấng vô cùng yêu thương, đầy dẫy ân huệ, thương xót, chậm giận. Ngài chưa đánh diệt dân thành Ni-ni-ve, cũng như Ngài đã chưa đánh phạt trên sự sống của ông ngay, Ngài vẫn thương cho ông thêm cơ hội.

Qua hình ảnh Chúa dùng dây dưa che nắng cho ông, rồi Chúa lại dùng con sâu cắn đứt dây dưa cho héo, là bài học để ông nhận ra sự nhân từ thương xót, ý Chúa là tốt lành như thế nào, để ông hạ mình đầu phục, biết ơn để thêm yêu mến, kính phục tình yêu Ngài. Rất tiếc là ông còn tiếc rẻ nhánh dây dưa tạm che nắng đầu cho ông. Ông cứ chọn để thân xác và linh hồn mình ở lại trong sự khốn khổ, chọn theo ý mình hơn ý Chúa, mà ông chưa cảm nhận được tình yêu, sự nhân từ thương xót Chúa dành cho ông và dân thành Ni-ni-ve lớn biết nhường nào.

Dây dưa là vật ông không khó nhọc mà có, khi héo ông còn tiếc, huống chi thành Ni-ni-ve với bao con người, cả nhiều súc vật mà Ngài là Đấng tạo dựng nên. Nhìn dân thành rơi vào đau khổ, muôn vật cũng bị vạ theo, Ngài không thương xót sao được.

Chúa không chấp nhận tội lỗi, nhưng Ngài thương yêu tội nhân. Không riêng gì những linh hồn tại thành Ni-ni-ve xưa kia, Chúa vẫn còn thương xót trên mỗi chúng ta, khi ngày nay chúng ta dại dột, lầm lỡ, thậm chí cố ý phạm tội. Tuy sự thương xót của Chúa là vô cùng lớn, nhưng Ngài muốn thương xót ai thì thương xót, tuỳ ý riêng của Ngài trên mỗi người. Mỗi lần chúng ta phạm tội, đau khổ trong hậu quả, Ngài rất đau xót muốn ôm chúng ta vào lòng, cứu chúng ta ra, có điều chúng ta có bằng lòng muốn để Ngài cứu giúp hay không. Ngài luôn biết trước tấm lòng mỗi người. Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ lạm dụng sự thương xót của Ngài mà cố ý phạm tội thêm lần nào nữa, để Ngài buồn lòng.

Bài học:

Qua sự nhân từ thương xót của Chúa dành cho thành Ni-ni-ve, qua sự Chúa dùng Tiên Tri Giô-na kêu gọi họ ăn năn, giúp chúng ta thêm yêu kính và biết ơn Ngài. Nếu chẳng bởi ơn thương xót và lòng nhân từ của Ngài, thì chính mỗi chúng ta đã chết trong tội lỗi mình.

Cũng qua cách Chúa đối xử với thành Ni-ni-ve, chúng ta thấy rõ một tình yêu bao dung, dịu dàng, đồng cảm của Chúa với sự đau khổ của dân thành. Tình Ngài vẫn vậy, vẫn luôn bao la, thương cảm, sẵn lòng cứu giúp những ai có tấm lòng nương cậy, nhờ Ngài cứu giúp. Bản tánh Ngài là tình yêu, Ngài luôn yêu chúng ta bằng lòng nhân từ, thương cảm. Có điều mỗi chúng ta có yêu Ngài, có đáp lại tình yêu Ngài như Ngài đã yêu chúng ta.

Giô-na đã không cảm nhận được tình yêu Chúa, ông không thương xót được dân thành Ni-ni-ve như Chúa đã thương xót. Dù vậy, Chúa vẫn thương xót và ban thêm cơ hội cho Giô-na. Cũng như dân thành Ni-ni-ve, không đáng để Chúa thương xót, nhưng Ngài vẫn thương xót. Và ngày nay, với mỗi chúng ta, Ngài vẫn vậy.

“Ấy là nhờ những sự nhân từ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà chúng ta chưa bị diệt. Vì những sự thương cảm của Ngài chẳng dứt; chúng tươi mới mỗi buổi sáng. Sự thành tín Ngài là lớn lắm.” (Ca Thương 3:22-23).

A-men!

Trong ân điển Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Lan

 

Để lại một bình luận