Chủ đề: Tình Yêu của Na-ô-mi và Ru-tơ Đối Cùng Nhau.
Ru-tơ 1: 8-18
8 Nhưng Na-ô-mi nói với hai dâu mình rằng: Mỗi con hãy trở về nhà mẹ mình đi. Cầu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lấy ơn đãi hai con như hai con đã đãi các người đã chết của chúng ta, và đã đãi chính mình ta!
9 Nguyện Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban cho hai con được bình an ở nơi nhà chồng mới! Rồi người ôm hôn hai nàng, còn hai nàng cất tiếng lên khóc,
10 và nói rằng: Chúng tôi sẽ đi với mẹ đến quê hương của mẹ.
11 Na-ô-mi đáp: Hỡi con gái ta, hãy trở về, đi với mẹ làm gì? Mẹ còn những con trai trong lòng để làm chồng chúng con sao?
12 Hỡi hai con gái ta, hãy trở về đi đi; mẹ già quá mà lấy chồng nữa. Lại dầu bây giờ mẹ nói chiều nay ta sẽ có chồng, dẫu ta sinh đẻ con trai đi nữa,
13 chúng con lại muốn đợi cho đến chúng nó khôn lớn, và không lấy chồng khác hay sao? Không, hỡi chúng con, nỗi sầu thảm của mẹ cay đắng muôn phần hơn của chúng con, vì tay của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã giơ ra hại mẹ.
14 Hai nàng lại cất tiếng lên khóc. Kế đó, Ọt-ba hôn và từ biệt mẹ chồng mình; còn Ru-tơ không chịu phân rẽ người.
15 Na-ô-mi nói với Ru-tơ rằng: Này, chị con đã trở về quê hương và thần của nó; con hãy trở về theo nó đi.
16 Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài con phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, con sẽ đi đến đó; mẹ ở nơi nào, con sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của con; Thiên Chúa của mẹ, tức là Thiên Chúa của con;
17 mẹ qua đời nơi nào, con muốn cũng qua đời và được chôn nơi đó. Nếu như có sự chi khác hơn sự chết phân cách con khỏi mẹ, nguyện Đấng Tự Hữu Hằng Hữu giáng họa cho con!
18 Na-ô-mi thấy nàng quyết định theo mình, nên không nói nữa.
Tham khảo sách Ru-tơ 1: 1-18
1/ Bài Suy Ngẫm Của Trần Thị Tâm
Ru-tơ 1:1-18 cho chúng ta biết được hoàn cảnh của gia đình Na-ô-mi sống trong thời kỳ hỗn độn của thời Các Quan Xét. Ở Bết-lê-hem xứ Giu-đa, quê hương bà, có một nạn đói, bà đã cùng chồng và hai con trai đến tạm trú trong xứ Mô-áp. Như vậy có thể hiểu là do sự loạn lạc trong thời Các Quan Xét dẫn đến đói kém, nên việc làm ăn kiếm sống qua ngày đã rất khó khăn với gia đình bà, bà đã phải di chuyển chỗ ở. Chỗ ở mới này lại là vùng đất của dân ngoại nên gia đình bà chỉ có ý định tạm trú một thời gian ngắn để chờ cho nạn đói qua đi.
Bà Na-ô-mi là một người kính sợ Chúa và trông cậy Chúa, nhưng cuộc đời của bà nhìn bằng con mắt xác thịt thì thật là bất hạnh và nhiều cay đắng.
Chồng bà qua đời tại Mô-áp và bà trở thành góa phụ nuôi hai con trai. Hai con trai bà cũng kết hôn với hai người con gái ngoại bang tại xứ Mô-áp, một người tên là Ru-tơ và một người tên là Ọt-ba. Hai con trai sau đó cũng lần lượt qua đời lúc tuổi còn trẻ. Bà chưa có cháu ẵm bồng.
Tại đây câu chuyện không cho chúng ta biết chồng và hai con trai bà chết vì nguyên do gì và cũng không biết rõ là tại sao hai người con trai bà lại lấy hai người con gái ngoại bang ở thời kỳ đói kém đấy.
Nhưng điều chúng ta biết là cuộc sống thật khó khăn với bà. Khó khăn nối tiếp khó khăn và sự đau đớn này nối tiếp sự đau đớn khác. Bà đã mất đi người thân và là người trụ cột trong gia đình, rồi mất đi hai con trai. Bà đã mất hết chỗ dựa và chỉ còn lại hai nàng dâu không máu mủ ruột thịt, nhưng đặc biệt là bà có sự trông cậy nơi Chúa.
Khi nghe tin Ngài đoái thương dân Ngài và ban lương thực cho dân của bà thì bà đã cùng hai dâu mình vội vàng trở về xứ Giu đa. Có thể do bà vội vàng nên lúc đó chưa có sự suy nghĩ thấu đáo, nhưng rồi bà nghĩ lại nên đã nói với hai dâu mình rằng: Mỗi con hãy trở về nhà mẹ mình đi. Cầu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lấy ơn đãi hai con như hai con đã đãi các người đã chết của chúng ta, và đã đãi chính mình ta!
Tại đây cho chúng ta biết, hai con dâu bà là người biết điều, hiếu thảo, vâng lời, đối xử với cả gia đình chồng rất tốt, bà không có điều gì để chê trách, nhưng bà nói với các con hãy trở về nhà mình đi. Và rồi bà chúc phước cho hai con và cùng ôm nhau khóc.
Có thể Na-ô-mi chợt nhận ra rằng mình đã già, không thể lấy chồng được nữa, cũng không thể sinh con trai cho các dâu mình, mà có lấy được chồng thì cũng không phải một sớm một chiều mà có ngay được, vì tay của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã giơ ra hại mẹ, nên bà để cho các con dâu mình đi, để họ tìm một cuộc sống mới và hy vọng tốt hơn.
Từ đây ta thấy được tình yêu của mẹ chồng thật là một tình yêu của những người yêu Chúa, kính sợ Chúa. Chỉ khi yêu Chúa thì tình yêu đó mới lan tỏa cho người khác được và là tấm gương cho các con dâu.
“Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là tình yêu.” (I Giăng 4:8).
“Chúng tôi đã biết và tin tình yêu của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời là tình yêu, ai ở trong tình yêu, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy.” (I Giăng 4:16).
Và tình yêu là không tìm kiếm chính mình, tư lợi cho mình. Bà đã nghĩ lợi ích của người khác trước lợi ích của bản thân mình, “không làm điều trái phép; không tìm kiếm chính mình; không dễ nóng giận; không suy nghĩ sự dữ;” (I Cô-rinh-tô 13:5).
Tình yêu của bà đã lan tỏa sang cả hai dâu mình, nó thật ngọt ngào và đầy lòng vị tha, thông cảm, chia sẻ. Có thể bà cũng không hiểu được chương trình của Chúa trên bà nhưng chính bà là người có thể đã làm thay đổi hai con dâu người ngoại của bà, dân tộc của họ là dân thờ lạy hình tượng, không đi theo đường lối của Chúa nhưng chính bà đã là người làm chứng cho họ qua cách sống và ứng xử trong gia đình mình và rồi họ đã biết đến Chúa, đặc biệt là Ru-tơ, dâu thứ hai của bà.
Ru-tơ 1:15-17
15 Thế rồi Ọt-ba từ biệt mẹ chồng trở về xứ mình còn Ru-tơ thì không chịu rời mẹ.
16 Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài con phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, con sẽ đi đến đó; mẹ ở nơi nào, con sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của con; Thiên Chúa của mẹ, tức là Thiên Chúa của con;
17 mẹ qua đời nơi nào, con muốn cũng qua đời và được chôn nơi đó. Nếu như có sự chi khác hơn sự chết phân cách con khỏi mẹ, nguyện Đấng Tự Hữu Hằng Hữu giáng họa cho con!
Tình yêu của Ru-tơ với mẹ chồng thật mạnh mẽ, quả quyết, cô không tìm kiếm tư lợi cho riêng mình nữa mà một mực theo mẹ và theo Chúa của mẹ. Ru-tơ đã tỏ lòng trung thành với mẹ chồng một cách hiếm thấy, một tình yêu vị tha và đầy sự hy sinh khi biết phải từ bỏ nhiều thứ để đổi lấy việc đi theo mẹ chồng về xứ quê người là nơi quê hương của mẹ. Bản thân Ru-tơ hiện tại cũng là một goá phụ như mẹ chồng, có thể cô đã có sự đồng cảm, cảm thông với mẹ chồng trong quá trình sống cùng mẹ nhưng để làm được điều đó thì thật là hiếm.
Hơn nữa, qua cách cô đối cùng mẹ chồng, chúng ta thấy được sự dũng cảm khi bước đi theo Chúa của Ru-tơ. Cô xác quyết Thiên Chúa của mẹ, tức là Thiên Chúa của con; và cô quyết tâm theo đường lối Chúa và học theo cách của mẹ chồng mình.
Bài học rút ra là:
Nếp sống hằng ngày của con dân Chúa cũng là một sự rao giảng Tin Lành cho người khác. Nên con dân Chúa phải học tập và để ý cách ăn ở của mình mỗi ngày.
Sự lựa chọn của mỗi người, dù có ý thức hay không có ý thức thì đều cho ra một kết quả nhất định. Vì vậy khi đã chọn và quyết định đi theo Chúa thì chúng ta không ngại khổ ngại khó, Chúa sẽ ban phước cho những ai trung tín cho đến cuối cùng.
Phải luôn trông cậy và hướng về Chúa và vâng theo lời Chúa. Phải yêu anh chị em cùng Cha của mình như điều răn của Thiên Chúa.
“Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào, thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy.” (Giăng 13:34).
Chúa để cho chúng ta được tự do lựa chọn nhưng chúng ta sẽ phải lựa chọn con đường tốt nhất cho chúng ta và phải theo tiêu chuẩn của Chúa.
“Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha! Bất cứ những điều gì chân thật, những điều gì đáng tôn, những điều gì công bình, những điều gì thánh sạch, những điều gì đáng yêu chuộng, những điều gì có tiếng tốt, nếu là trọn lành và nếu là đáng khen thì các anh chị em phải nghĩ đến những điều ấy.” (Phi-líp 4:8).
Trong danh Đức Chúa Jesus Christ
Trần Thị Tâm
2/ Bài Suy Ngẫm Của Nguyễn Thị Thùy Linh
Kính thưa Hội Thánh và anh chị em,
Tôi xin chia sẻ sự suy ngẫm của tôi về chủ đề tuần này: Tình yêu của Na-ô-mi và Ru-tơ đối cùng nhau.
Thánh Kinh cho chúng ta biết, một cơn đói kém xảy ra trong xứ. Chồng là Ê-li-mê-léc, vợ tên là Na-ô-mi, hai con trai tên là Mạc-lôn và Ki-li-ôn, lánh qua xứ Mô-áp và ở tại đó. Hai con trai kết hôn với người ngoại. Ê-li-mê-léc qua đời và lần lượt hai người con trai cũng qua đời, bỏ lại bà Na-ô-mi và hai nàng dâu.
Bà Na-ô-mi đã bảo hai con dâu hãy trở về xứ của mình, vì bà không còn con trai để cưới hai người dâu này nữa. Họ khóc không chịu đi, nhưng cuối cùng thì một người cũng phân rẽ và trở về xứ mình, Ru-tơ thì nhất quyết không chịu phân rẽ mẹ chồng.
Câu chuyện thật cảm động về tình yêu của mẹ chồng và nàng dâu. Chắc hẳn bà Na-ô-mi là một người mẹ chồng tốt nên hai nàng dâu mới yêu quý bà như vậy, đặc biệt là nàng Ru-tơ.
Câu chuyện này tuy ngắn nhưng có rất nhiều bài học cần phải suy ngẫm.
Về bà Na-ô-mi, bà đã không vì lợi ích riêng mình mà bằng lòng cho hai nàng dâu theo bà trở về, mặc dù thời điểm đó bà chỉ còn lại có một mình, không chồng không con.
Bà Na-ô-mi đã nghĩ đến lợi ích của người khác hơn là chính mình, qua đó chúng ta cũng hiểu được phần nào hai nàng dâu quý mến bà như vậy.
Về nàng Ru-tơ, nàng đã không phân rẽ mẹ chồng, mà nhất quyết đi theo, nàng sẵn sàng từ bỏ đi lợi ích của mình để theo mẹ chồng, dù biết rằng bà không còn con trai nữa.
Bài học suy ngẫm trong câu chuyện này chính là cách sống và đức tính của một người. Về cách sống, luôn nghĩ cho người khác và lợi ích của người khác. Về đức tính, luôn trung thành, hiếu thảo, vâng phục đối với bậc cha mẹ và đối với nhau.
Nàng Ru-tơ là một mẫu người nữ mà những người nữ cần phải noi gương và học hỏi. Nhờ vào sự hiếu thảo, trung thành, vâng phục mà nàng được Chúa ban phước.
Nàng đã không nghĩ đến danh lợi hay suốt ngày chau chuốt cho nhan sắc, đã không tự ý làm việc gì theo ý mình mà luôn nghe theo lời dạy bảo của mẹ chồng. Sự hiếu thảo của nàng cũng được bù đắp.
Khi sống cùng nhau, ai nấy đều yêu thương, vâng phục nhau, nghĩ cho lợi ích của nhau thì đời sống thật là phước hạnh, vui thỏa, đó mới là tình yêu thật. Chúa dạy con dân Chúa phải yêu kẻ lân cận như mình và yêu anh chị em hơn chính mình.
Chúa dạy con dân Chúa hãy kính sợ Chúa mà vâng phục lẫn nhau. Chúa dạy con dân Chúa đừng chăm về những sự của riêng mình, nhưng cũng chăm về những sự của người khác.
Chúa dạy:
“Hãy ở với nhau cách nhân từ, dịu dàng, thương xót. Hãy tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho các anh chị em trong Đấng Christ vậy.” (Ê-phê-sô 4:32).
Chúa dạy người nữ:
“Duyên là giả dối, sắc lại hư không; nhưng người nữ nào kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ được tôn vinh.” (Châm Ngôn 31:30).
I Ti-mô-thê 2:9-11
9 Cũng vậy, những người đàn bà sửa soạn chính mình trong áo quần cách nề nếp, với nết na và tiết độ, không dùng những kiểu tóc bới, vàng, châu ngọc, và áo quần quý giá,
10 nhưng với những việc lành, là những điều hợp với những phụ nữ tuyên xưng lòng tin kính.
11 Người vợ hãy học tập trong sự yên tĩnh, trong sự vâng phục mọi bề.
Qua tình yêu của Na-ô-mi và Ru-tơ đối cùng nhau. Không nhắc gì đến Thiên Chúa, nhưng được đưa vào Thánh Kinh để ngày nay họ là những bài học, những tấm gương cho những người sau. Và khi yêu thương nhau, họ nguyện ở cùng, nguyện trở nên như một, nguyện thuộc về nhau. Như lời của nàng Ru-tơ:
“Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài con phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, con sẽ đi đến đó; mẹ ở nơi nào, con sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của con; Thiên Chúa của mẹ, tức là Thiên Chúa của con;” (Ru-tơ 1:16).
Nguyện rằng, cũng qua bài học này mà thêm lên tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa của mình; một lòng vâng phục, trung tín, không bao giờ chọn phân rẽ Ngài, để rồi đến một ngày, Chúa ở đâu thì chúng ta cũng được ở đó. A-men!
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Nguyễn Thị Thùy Linh
3/ Bài Suy Ngẫm Của Jenny Nguyễn
Bối cảnh:
⁃ Na-ô-mi cùng chồng từ Giu-đa qua xứ Mô-áp để sinh sống (bởi một cơn đói kém xảy ra trong xứ Giu-đa). Bà có hai người con trai, hai người này cưới vợ là người Mô-áp. Một thời gian thì chồng và hai con trai bà Na-ô-mi qua đời, chỉ còn bà và hai con dâu người Mô-áp tên là Ọt-ba và Ru-tơ. Sau khi nghe tin xứ Giu-đa đã qua cơn đói kém, Na-ô-mi muốn trở về cố hương, và khuyên hai con dâu trở về xứ Mô-áp. Ban đầu cả hai người con dâu đều muốn đi cùng bà Na-ô-mi về xứ Giu-đa, sau một hồi thì Ọt-ba đã về lại Mô-áp, còn Ru-tơ cũng xưng nhận Thiên Chúa là Chúa của mình và nài xin Na-ô-mi được đi cùng bà về lại Giu-đa.
Suy ngẫm:
⁃ Na-ô-mi đã sống như thế nào để hai con dâu dân ngoại đều yêu thương bà? Tôi nghĩ bà là một người mẹ chồng tốt và yêu thương hai con dâu của mình, lúc về lại xứ Giu-đa, bà đã lo nghĩ cho cuộc sống sau này của hai người con dâu, không có chồng chăm lo cuộc sống, nên bà muốn để cho hai người con dâu về xứ Mô-áp và tái hôn. Bà đã mất chồng nên bà hiểu được và cảm thông với hai con dâu. Ngay cả Ọt-ba ban đầu cũng không muốn lìa bà, nhưng nghĩ đến tương lai khó nhọc thì đã rời đi. Tôi nghĩ không phải Ọt-ba không yêu thương bà mà rời bà đi, mà tình yêu thương ấy không lớn hơn yêu chính mình, Ọt-ba rời đi là vì thế. Ru-tơ lại chọn ở bên chăm sóc cho bà như con gái ruột thịt.
⁃ Tôi nghĩ bà Na-ô-mi là người yêu kính Thiên Chúa, dù phải đi kiều ngụ trong xứ Mô-áp cùng chồng và hai con trai, nhưng bà vẫn giữ được nếp sống tin kính Chúa và yêu thương người, bà đối xử các con dâu như con gái ruột, vậy nên tình yêu thương của bà cũng được đền đáp bằng tình yêu thương của các con dâu dành cho bà như vậy.
⁃ Qua nếp sống mỗi ngày của bà đã bày tỏ cho các con dâu nhận biết về Thiên Chúa là Chúa của bà, và lúc phải lựa chọn về lại Mô-áp hay đi cùng bà đến Giu-đa thì lúc ấy Ru-tơ đã xưng nhận Thiên Chúa là Chúa của mình. Khi nghe Ru-tơ xưng nhận Thiên Chúa thì bà Na-ô-mi mới để nàng đi cùng bà đến Giu-đa.
⁃ Hành động cương quyết muốn đi cùng Na-ô-mi của Ru-tơ chính là hình ảnh phản chiếu lại tình yêu của Na-ô-mi dành cho Ru-tơ trong suốt bao nhiêu năm Ru-tơ là con dâu của Na-ô-mi. Chúng ta không chỉ chú tâm đến tình yêu thương của Ru-tơ dành cho Na-ô-mi, nhưng tôi nghĩ Na-ô-mi cũng yêu thương Ru-tơ bằng một tình yêu như thế.
⁃ Nhưng nếu là tình yêu thương giữa mẹ chồng và con dâu thì tôi nghĩ Ọt-ba cũng có tình yêu dành cho Na-ô-mi như thế. Ọt-ba cũng rất thương Na-ô-mi, cũng muốn đi cùng bà về xứ Giu-đa, chỉ là khi nghe Na-ô-mi giải thích về tương lai sau này, Ọt-ba có sự lo lắng và thấy lời khuyên hợp lẽ, nên đã chọn quay về lại Mô-áp.
⁃ Cùng là dân ngoại Mô-áp nhưng sự lựa chọn của hai nàng dâu lại khác nhau. Vậy thì tình yêu thương mà Ru-tơ dành cho Na-ô-mi ngoài sự yêu kính dành cho mẹ chồng, thì còn điều gì khác chăng, đến nỗi Ru-tơ nói ngoài cái chết thì không có gì phân rẽ được với Na-ô-mi? Và Ru-tơ còn xưng nhận Thiên Chúa là Chúa của bà, dù nàng là dân Mô-áp?
Tôi nghĩ bà Na-ô-mi khi sống cùng Ru-tơ cũng đã dạy dỗ Ru-tơ học biết về Thiên Chúa, về các điều răn của Thiên Chúa, trong đó có điều răn “hiếu kính cha của ngươi và mẹ của ngươi”. Ru-tơ biết Na-ô-mi không còn ai ở bên chăm sóc ngoài nàng, và trong lòng nàng cũng nhận biết và yêu kính Thiên Chúa, nhưng có lẽ Ru-tơ chưa xưng nhận Thiên Chúa nên bà Na-ô-mi mới khuyên các nàng trở về Mô-áp. Thời khắc Ru-tơ xưng nhận Thiên Chúa và quyết đi cùng Na-ô-mi là thời khắc tình yêu thương Ru-tơ dành cho Na-ô-mi, tình thân của con dâu dành cho mẹ chồng trong tình yêu thương giữa con cái Thiên Chúa dành cho nhau.
Bài học:
⁃ Tình yêu thương giữa người và người là một điều tự nhiên cơ bản mà Chúa đặt để trong lòng con người. Nhưng tình yêu này dễ bị lay chuyển, ta có thể thấy điển hình qua tình thương của Ọt-ba dành cho Na-ô-mi.
⁃ Nhưng tình yêu thương xuất phát từ sự kính sợ Thiên Chúa là tình yêu thương vững vàng và biết hy sinh cho nhau.
“Ta là gốc nho, các ngươi là những nhánh nho. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong người ấy thì người ấy sinh ra lắm trái; vì ngoài Ta, các ngươi chẳng có thể làm được điều gì.” (Giăng 15:5).
⁃ Vì Thiên Chúa là nguồn của tình yêu, Ngài chính là tình yêu, bất cứ người nào ở trong tình yêu là Ngài thì người đấy sẽ luôn được đầy trọn tình yêu thương. Một người có được và đầy tình yêu thương từ Thiên Chúa thì đời sống mới trổ ra bông trái của tâm thần là tình yêu cho người lân cận (Ga-la-ti 5:22-23), và tình yêu đấy cũng không khô cạn bởi tác động của ngoại cảnh. Một người yêu kính Thiên Chúa thì cũng sẽ biết yêu anh chị em cùng Cha một cách tự nhiên không gượng ép, không sợ hãi, cũng không trục lợi nhau.
“Chúng ta biết rằng, mình đã vượt khỏi sự chết vào trong sự sống, vì chúng ta yêu các anh chị em cùng Cha của mình. Còn ai chẳng yêu các anh chị em cùng Cha của mình thì ở lại trong sự chết.” (I Giăng 3:14).
⁃ Cảm tạ Thiên Chúa nhân từ và chậm giận, Ngài đã cứu chúng con khỏi sự chết và ban cho chúng con tình yêu đời đời, để chúng con cũng yêu người lân cận như chính Ngài đã yêu chúng con. Nguyện kính xin Chúa ban cho chúng con năng lực và tấm lòng biết sống yêu thương và thánh khiết cho đến ngày Đức Chúa Jesus Christ hiện ra. A-men!
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Jenny Nguyễn.
4/ Bài Suy Ngẫm Của Mai Hoàng Nam
Trong đời các quan xét, một cơn đói kém xảy đến trong xứ, người chồng tên là Ê-li-mê-léc, người vợ tên là Na-ô-mi, cùng hai con trai là Mạc-lôn và Ki-li-ôn, là dân Ê-phơ-rát về Bết-lê-hem trong xứ Giu-đa, rồi đến xứ Mô-áp và ở tại đó.
Chồng bà Na-ô-mi qua đời, để lại hai người con trai. Về sau hai người con trai cưới vợ trong người nữ Mô-áp, người này tên là Ọt-ba, người kia tên là Ru-tơ; họ cùng nhau ở tại đó độ mười năm. Kế đó thì Mạc-lôn và Ki-li-ôn cũng qua đời, để bà Na-ô-mi ở lại, không chồng không con.
Bấy giờ, bà Na-ô-mi có nghe nói rằng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã đoái xem dân sự Ngài và ban lương thực cho thì bà Na-ô-mi cùng hai dâu mình từ xứ Mô-áp trở về xứ Giu-đa.
Nhưng bà Na-ô-mi muốn cho hai dâu mình trở về nhà mẹ mình và cầu ơn phước cho hai dâu mình. Trong lúc bà Na-ô-mi sầu thảm và cay đắng thì hai dâu cất tiếng lên khóc. Kế đó nàng Ọt-ba hôn và từ biệt mẹ mình, còn nàng Ru-tơ không chịu phân rẽ người.
Ru-tơ 1:15-18
15 Na-ô-mi nói với Ru-tơ rằng: Này, chị con đã trở về quê hương và thần của nó; con hãy trở về theo nó đi.
16 Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài con phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, con sẽ đi đến đó; mẹ ở nơi nào, con sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của con; Thiên Chúa của mẹ, tức là Thiên Chúa của con;
17 mẹ qua đời nơi nào, con muốn cũng qua đời và được chôn nơi đó. Nếu như có sự chi khác hơn sự chết phân cách con khỏi mẹ, nguyện Đấng Tự Hữu Hằng Hữu giáng họa cho con!
18 Na-ô-mi thấy nàng quyết định theo mình, nên không nói nữa.
Khi đọc bốn câu Thánh Kinh trên, tôi thấy tình yêu của nàng Ru-tơ đối với bà Na-ô-mi là mẹ chồng mình và tình yêu của bà đối với con dâu thật là cảm động. Sự nàng Ru-tơ ở lại để chung sống và chăm sóc bà Na-ô-mi trong lúc tuổi đã cao, đang khi chồng và con của bà đã mất, là niềm an ủi lớn cho bà.
Qua câu chuyện ở chủ đề này, cho chúng ta thấy tình yêu của Na-ô-mi và Ru-tơ đối cùng nhau. Mặc dù chồng không còn nữa nhưng nàng Ru-tơ vẫn quyết định ở lại để tỏ lòng hiếu thảo đối với bà Na-ô-mi, sau này Ru-tơ nhận được phước lành bội phần hơn.
Bài học áp dụng trên đường theo Chúa là: Chúng ta cần phải làm gương tốt, an ủi, khích lệ, chăm sóc và yêu thương lẫn nhau mà Chúa đã giao cho chúng ta. Mặc dù trong Hội Thánh không phải là anh chị em ruột của nhau, nhưng là các chi thể một thân, như trong Giăng 13:34 có chép:
“Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, ấy là: Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào thì các ngươi hãy yêu lẫn nhau thế ấy” (Giăng 13:34).
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Mai Hoàng Nam