Chủ đề: Tấm Lòng Ăn Năn của Vua Đa-vít
Câu gốc:
“Của lễ đẹp lòng Thiên Chúa, ấy là thần trí tan nát. Thiên Chúa ôi! Lòng tan nát, vỡ vụn Ngài sẽ không khinh dể đâu.” (Thi Thiên 51:17).
Thánh Kinh Tham Khảo: Thi Thiên 51, II Sa-mu-ên chương 11, 12.
1/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Trinh
Anh chị em kính mến,
Chúng ta đều biết, một người đến với Chúa thì phải có tấm lòng, người ở lại trong sự hiện diện của Chúa cũng là bởi tấm lòng. Nếu không có tấm lòng với Chúa thì chúng ta chẳng thể nào ở cho đẹp lòng Ngài.
Ngoài câu gốc trên đây thì nhiều chỗ khác trong Thánh Kinh cũng đề cao tấm lòng của một người, như trong Mác 12:30, tiêu chuẩn điều răn của Chúa là chúng ta phải yêu Đức Chúa Trời với hết thảy tấm lòng của chúng ta, hoặc trong Châm Ngôn 4:23 dạy dỗ chúng ta phải hết sức cẩn thận canh giữ tấm lòng, vì những sự tuôn trào của sự sống ra từ tấm lòng mình. Còn một điều quan trọng nữa là Thánh Kinh Cựu Ước ghi lại việc Chúa muốn bộ đồ lòng của các con sinh được dâng lên làm của lễ toàn thiêu cho Chúa.
Trong bài “Chúa Phán Với Người Quan Tâm” ông Tozer cũng viết một câu rất chí lý:
“Cái gì được thực hiện mà không có tấm lòng là cái được thực hiện trong bóng tối, bất luận việc đó có vẻ phù hợp với Thánh Kinh như thế nào đi nữa”
Vậy, chúng ta càng khẳng định được rằng, là con cái Chúa thì trong mọi việc mình làm đều cần đặt để tấm lòng vào trong đó. Nếu không, việc làm đó sẽ trở nên vô nghĩa, không có giá trị và không được chấp nhận.
Sự ăn năn tội cũng vậy. Cũng cùng những lời ăn năn như vậy, nhưng người ăn năn đó có thật lòng hay không thì Chúa biết rất rõ, và lời ăn năn đó có được Chúa chấp nhận hay không là tùy vào tấm lòng của người đó.
Qua câu chuyện của Vua Đa-vít phạm tội ngoại tình với vợ người khác và giết chồng để đoạt vợ, chúng ta tưởng chừng như ông sẽ không được tha thứ. Bởi vì đọc lại toàn bộ quá trình ông phạm tội, có lẽ chúng ta cũng có phần bức xúc.
1/ Đa-vít đã tự cho phép mình được nghỉ ngơi, trong khi ông cần phải làm việc.
Thánh Kinh ghi rất rõ ở câu đầu chương 11 sách II Sa-mu-ên là: “Qua năm mới, khi các vua thường ra chinh chiến,” thế mà ngay cuối câu này lại chép: “Nhưng Vua Đa-vít ở lại Giê-ru-sa-lem.” Rồi sao nữa? – “Một buổi chiều kia, Đa-vít trỗi dậy khỏi giường mình, đi dạo chơi trên nóc đền vua, thấy một người nữ đang tắm;” Rồi từ đó, vua Đa-vít bắt đầu sự phạm tội của mình.
Sự kiện phạm tội này của vua đúng như lời của người xưa nói là “nhàn cư vi bất thiện” mà ngày nay thường dùng câu là “rảnh rỗi sinh nông nỗi”. Có lẽ vua Đa-vít lúc này đã vững chắc hơn trên địa vị là vua của cả I-sơ-ra-ên, nên ông tự cho phép mình được nghỉ ngợi một chút, thiếu cảnh giác một chút, lơ là một chút rồi cuối cùng sau này ngai vị của ông bị ảnh hưởng, con cháu của ông cũng hứng chịu nhiều sự đau khổ, chết chóc mà không phải là vì giặc ngoại xâm hay vì nội loạn, mà lại vì chính sự phạm tội của ông với Thiên Chúa của mình. Một nếp sống buông thả thật là nguy hiểm, để lại gương xấu và hậu quả cho nhiều thế hệ.
Qua đây, chúng ta rút ra được một điều mà thiết nghĩ khi Đa-vít ăn năn thì ông cũng nhìn ra được, đó là: cần luôn luôn ở trong tinh thần cảnh giác, đặc biệt là với chính những ham muốn của xác thịt mình: muốn được thoải mái, dễ chịu… phải cảnh giác với điều này, nếu không rất dễ chúng ta cũng sẽ vì cái “muốn” đó mà dần dẫn đến sự phạm tội với Chúa.
2/ Đa-vít ngang nhiên phạm tội một cách khó hiểu.
Đọc sự phạm tội của vua Đa-vít mà thấy giống như sự phạm tội của một người chưa từng biết Chúa vậy: Thấy Bát-sê-ba đẹp, dù biết là bà đã có chồng là U-ri rồi mà vẫn sai người đem bà vào cung để ăn nằm với bà. Khi bà có thai thì cố tình gọi U-ri đang đánh trận về để muốn U-ri ngủ với Bát-sê-ba, hòng lấp liếm đi tội tà dâm của mình. U-ri lòng đầy chính trực nên không muốn ngủ cùng vợ mình trong khi anh em mình vẫn đang ngoài tiền tuyến, thế là Đa-vít lại chuốc say U-ri, dụ cho U-ri về ngủ với vợ nhưng U-ri vẫn không chịu. Cuối cùng Đa-vít ra lệnh cho Giô-áp là tướng của mình sắp xếp U-ri vào chỗ hiểm trong thế trận, để cho U-ri chết một cách “hợp pháp” – chết vì chiến trận. Chưa hết, sau khi U-ri chết thì Đa-vít không hề xem đó là tội lỗi của mình, không hề hối hận, nói những lời nghe rất “hợp lý”: “gươm, khi giết kẻ này, khi giết kẻ khác.” – những lời này cho thấy Đa-vít không hề có chút gì hối tiếc cho tội lỗi của mình. Rồi vẫn tiếp tục cưới Bát-sê-ba về làm vợ mình. Cho đến khi tiên tri Na-than được Chúa sai đến để rao báo về sự phạm tội và hình phạt của Chúa dành cho ông và dòng dõi ông. Lúc này ông mới tỉnh ngộ.
Đa-vít lúc này nào giống Đa-vít một mình chăn chiên, phải chiến đấu với gấu và sư tử để bảo vệ bầy chiên của mình. Hay là Đa-vít tay không gươm mà giết được tên khổng lồ Gô-li-át chỉ với cái trành ném đá. Rồi ông trốn chạy vua Sau-lơ ở khắp nơi, ông chiến đấu với nhiều nước thù địch để giữ và mở rộng lãnh thổ… Những lúc đó ông kinh nghiệm Chúa đi cùng ông, chúng ta cũng thấy rõ qua sự ghi lại của Thánh Kinh. Nhưng đến đoạn ông phạm tội này thì không thấy Chúa của ông đâu hết. Có lẽ lúc ông phạm tội, Chúa vẫn có sự nhắc nhở rồi cáo trách trong lòng ông, nhưng ông đã gạt bỏ qua một bên để đi đến cùng với sự phạm tội của mình.
Qua nhiều đoạn Thi Thiên mà Đa-vít viết trước khi ông phạm tội, chúng ta thấy Đa-vít thật sự yêu Chúa hết lòng, ông với Chúa thân tình thậm chí có thể so sách như là đôi bạn hữu tâm giao vậy. Thế mà ông lại ngang nhiên làm sai nghịch lời Chúa, khiến Chúa phải buồn lòng. Giả sử, nếu Chúa không sai tiên tri Na-than đến thì không biết ông có biết tự mình đau khổ rồi ăn năn không, hay ông lại lấp liếm để rồi tiếp tục làm gãy đổ thêm mối tương giao thân tình giữa ông với Chúa? Chúng ta không biết được, nhưng có lẽ Chúa biết hết mọi sự, vì Ngài quá yêu Đa-vít nên đã sai tiên tri Na-than đến.
Qua đây chúng ta cũng rút ra bài học cho mình là: Thật ra mình có đang ổn với Chúa không thì ngoài Chúa ra, mình là người rõ nhất. Nên làm sao thì làm, đừng để cho sự ham muốn của mình thắng hơn để rồi mình chìm ngập trong tội lỗi, không còn đủ tỉnh táo để nhận thức được hành vi của chính mình, rồi cuối cùng chính mình phá vỡ đi mối tương giao giữa mình với Chúa.
Dù có những điều liên quan đến sự phạm tội của Đa-vít được ghi lại khiến chúng ta có thể khó hiểu, có thể cảm thấy bức xúc, nhưng cùng là con người, chúng ta cũng phần nào cảm thông được với Đa-vít.
Khi Thánh Kinh đã được ghi chép lại cách rõ ràng, chúng ta dễ dàng nhận thấy được đầu đuôi câu chuyện, nên có khi chúng ta hay nói: “Đáng lẽ ra, giá như, hoặc nếu như là tôi thì…” Nhưng thực chất, chỉ người đứng trong câu chuyện đó, trong hoàn cảnh đó thì mới biết rõ được, hiểu rõ được sự cám dỗ nó lớn đến mức nào, đức tin của mình yếu đuối ra sao. Cảm tạ Chúa, qua Thi Thiên 51, chúng ta thật sự thấy được tấm lòng ăn năn của vua Đa-vít.
Qua sự ăn năn của ông, có 3 điều dễ nhận ra ở tấm lòng của ông.
1/ Đa-vít ăn năn và cầu xin sự tha thứ của Chúa là bởi vì ông đặt đức tin vào lòng thương xót của Chúa. Có nghĩa là Chúa có tha thứ cho ông hay không là bởi lòng thương xót rất lớn của Chúa chứ không phải bởi bất cứ phẩm chất nào đang có nơi ông.
Qua điều này chúng ta cũng cần học hỏi và ghi nhớ bài học này: Mỗi khi chúng ta nhận biết mình đã phạm tội, hãy nhớ đặt đức tin vào lòng thương xót rất lớn của Chúa mà đến gần xin Chúa tha thứ. Bởi trước Chúa chúng ta chẳng có gì đáng kể là xứng đáng, là tốt đẹp khi chúng ta đã phạm tội. Nhưng Chúa là Đấng tạo ra chúng ta, Ngài biết mọi sự và đầy lòng thương xót với những ai biết thật tâm quay về bên Ngài.
2/ Đa-vít ăn năn thì ông nói là ông đã phạm tội nghịch lại với Chúa. Trong toàn lời ăn năn của ông, chỉ có một lần duy nhất ông nhắc đến nhân vật thứ ba, đó là mẹ của ông. Ông nhắc đến là để bày tỏ rằng, bản chất tội lỗi trong ông đã có từ khi được hoài thai trong lòng mẹ, ông không thể tự làm cho mình sạch được, ông xin Chúa giúp mình để mình được sạch tội. Chứ ông không hề đổ lỗi cho điều gì cả.
Chúng ta cũng nên học điều này, ăn năn thật thì sẽ không đổ lỗi, tại cái này, vì cái kia, bởi người này, do người kia… Cần nhìn thẳng vào vấn đề là: mình phạm tội là do bản tính mình thích tội, mình đã không thắng được sự ham muốn của chính xác thịt mình. Nhận ra mình yếu đuối thì xin Chúa giúp để mình được mạnh mẽ, được sạch tội mà làm lại. Đó là điều căn bản trong khi đến với Chúa, xưng tội để được Chúa tha thứ.
3/ Đa-vít nhận biết điều gì là điều Chúa muốn nơi ông, và ông chỉ tập trung vào điều đó. Đó là: sự chân thật ở các nơi bên trong và thần trí tan nát.
Thật ra chúng ta trước Chúa luôn trần trụi, không có gì có thể giấu được Chúa cả. Nhưng điều Ngài muốn là cá nhân mình thật sự tự nguyện đến để mở lòng mình ra nói với Chúa, không giấu giếm điều gì cả. Để từ đó mình nhận được ơn tha thứ từ nơi Chúa mà biết chân thành, thật thà với Chúa và với mọi người xung quanh.
Về cụm từ “thần trí tan nát”.
Qua sự tham khảo bài giảng của bác Tim về câu Thánh Kinh này, thì được biết rằng: “Thần trí là sự hiểu biết của tâm thần về thế giới thuộc linh.”
Vậy thần trí tan nát thì có thể diễn giải ra là sự hiểu biết của tâm thần bị tan nát, bị phá hủy, bị vô giá trị.
Suy ngẫm nhiều về điều này, chúng ta có thể nhận ra như thế này: Khi một người biết ăn năn thật thì tâm thần người đó sẽ nhận biết mà đau đớn cách sâu sắc về tội lỗi mình đã phạm. Đồng thời cùng lúc đó, người đó cũng nhận ra sự hiểu biết của họ đã bị vô giá trị, nó không có chút tác dụng gì khi họ chọn phạm tội và nó hoàn toàn không thể cứu được họ. Càng hiểu biết nhiều mà phạm tội thì sự đau đớn trong tâm thần sẽ càng nhiều. Người đó bị rúng động trong tâm thần mình và nhận biết là mình bất lực, chỉ còn cách kêu xin sự thương xót của Chúa cứu giúp mình. Đó là thần trí tan nát thật sự.
Chúng ta ngày nay cũng vậy, nếu thấy mình chưa xứng đáng, vẫn còn phạm tội thì điều duy nhất cần làm là biết đau buồn, chạy đến bày tỏ thật tất cả lòng mình với Chúa để xin Chúa tha thứ, và quan trọng hơn hết là từ đó cần phải thay đổi.
Qua bài học về tấm lòng ăn năn của Đa-vít, chúng ta thấy Đa-vít phạm tội rất nặng nề, nhưng ông đã được Chúa tha thứ, bởi vì ông có tấm lòng đau thương, thống hối mà quay về với Chúa. Qua đó thấy rõ được, Chúa là Đấng rất giàu lòng thương xót.
Tuy nhiên, nhìn vào những hậu quả tội lỗi mà ông và các thế hệ của ông phải gánh chịu, đặc biệt là đọc đến các chương sau là từ chương 13 đến 19 của sách II Sa-mu-ên, chúng ta thấy từng lời từng lời tiên tri về án phạt của Chúa trên tội lỗi của Đa-vít được ứng nghiệm, không sai một chút nào, thì chúng ta càng thấy Chúa nghiêm minh, công chính tuyệt đối. Chúa tha thì Ngài tha thứ hoàn toàn, nhưng phạt Ngài vẫn sẽ phạt cho tương xứng với sự công bình của Ngài.
Bài giảng gần đây người chăn của chúng ta cũng có nhắc nhở rằng: Giây phút một người chọn phạm tội thì mọi công lao trước đó sẽ bị xóa sạch, sự cứu rỗi của họ bị cất đi. Khi họ quay về ăn năn là lúc họ bắt đầu lại từ đầu với hai bàn tay trắng. Đó là bài học đắt giá cho chúng ta đáng phải suy ngẫm, tình thức, cảnh giác cho mọi việc làm của mình sao cho đẹp lòng Chúa.
Ngày của Chúa trở lại thật rất gần, đã là Hội Thánh thì cần luôn luôn có tấm lòng biết ăn năn khi thấy mình có tội, để chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đi cùng với Chúa. Dưới đây xin trích một đoạn trong bài giảng của người chăn để khích lệ mỗi chúng ta luôn dạn dĩ đến gần Ngai Thương Xót của Chúa mà ăn năn nếu lỡ phạm tội:
“Trong khi bạn xem phim hay đọc truyện, bạn thấy kẻ ác cứ được thịnh vượng, người lành cứ bị hãm hại mà không biết, còn cám ơn kẻ ác, thì bạn thấy bực tức và nổi giận trong lòng, ước gì bạn có thể can thiệp và dạy cho kẻ ác một bài học thích đáng. Khi ấy, lòng bạn hoàn toàn tức giận mà không có chút gì thương xót. Đức Chúa Trời thì khác, Ngài luôn chờ đón mỗi người ăn năn tội và tiếp nhận sự tha thứ của Ngài, dù là những người phạm tội kinh khủng nhất, và nhiều nhất, vì Ngài thật sự yêu nhân loại. Đức Chúa Trời phán:
“Đấng cao cả, ở nơi đời đời vô cùng, danh Ngài là Thánh, có phán như vầy: Ta ngự trong nơi cao và thánh, với người có tâm thần ăn năn đau đớn và khiêm nhường, để làm tươi tỉnh tâm thần của người khiêm nhường, và làm tươi tỉnh lòng người ăn năn đau đớn. Ta chẳng muốn cãi lẽ đời đời, cũng chẳng tức giận mãi mãi; vì tâm thần sẽ mòn mỏi trước mặt Ta, và các linh hồn mà Ta đã dựng nên cũng vậy.” (Ê-sai 57:15-16).
Ngay cả khi chúng ta vì mặc cảm phạm tội, không dám đến để ăn năn, xưng tội với Ngài, thì Đức Chúa Trời vẫn mời gọi chúng ta:
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Bây giờ, hãy đến và chúng ta hãy biện luận cùng nhau! Dù những tội của các ngươi như chỉ đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như tuyết; dù chúng đỏ màu đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như len.” (Ê-sai 1:18).
…
Thần trí tan nát vỡ vụn, công nhận mình là tội nhân, ăn năn tội, và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là điều mà Thiên Chúa mong đợi nơi mỗi con người.”
(Hết trích)
Cảm tạ ơn Chúa vì sự thương xót rất lớn của Ngài.
Nguyện mọi vinh quang, quyền phép, tôn quý đều quy thuộc về Thiên Chúa đời đời.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Trinh
2/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Thùy Linh
Kính thưa Hội Thánh. Thưa anh chị em.
Tôi xin được chia sẻ sự suy ngẫm của tôi về chủ đề của thanh niên tuần này.
Chủ đề: Tấm Lòng Ăn Năn của Vua Đa-vít
Sự phạm tội của vua Đa-vít chắc hẳn trong chúng ta ai cũng đã từng đọc qua, thậm chí là đã đọc qua nhiều lần. Đây là một sự phạm tội nghiêm trọng: Giết người, cướp vợ.
Tuy Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã tha thứ sự phạm tội của ông, nhưng hình phạt về mặt thuộc thể ông vẫn phải chịu gánh lấy, đó là hậu quả của sự phạm tội.
Điều chúng ta suy ngẫm ngày hôm nay đó là tấm lòng ăn năn của vua Đa-vít.
Ăn năn là sự đau buồn, hối tiếc, tan nát cõi lòng về sự phạm tội của mình.
Ăn năn có hai hình thức: Bằng lý trí và bằng thần trí.
Ăn ăn bằng lý trí là sự chưa thật lòng đau buồn, hối tiếc về sự phạm tội của mình, chỉ ăn năn trên môi miệng, người đó không nhìn ra gốc rễ sự phạm tội của mình, mà ăn năn vì người khác chỉ ra.
Ăn năn bằng thần trí là một sự rúng động trong linh hồn, cõi lòng tan vỡ, đau đớn vì mình đã phạm tội, nhận biết được vấn đề phạm tội của mình là từ đâu, họ tự mình tra xét, đối diện lòng mình trước Chúa, thì họ thấy run sợ.
Tấm lòng ăn năn của vua Đa-vít là một tấm lòng ăn năn bằng thần trí. Điều đó thể hiện qua lời cầu nguyện trong
Thi Thiên 51:2-6, 10, 11
2 Xin rửa tôi thật sạch khỏi sự gian ác của tôi, và thanh tẩy tôi khỏi tội lỗi của tôi.
3 Vì tôi nhận biết các sự vi phạm của tôi. Tội lỗi của tôi hằng ở trước tôi.
4 Tôi đã phạm tội nghịch lại Ngài, chỉ riêng Ngài, và làm điều ác trước mắt Ngài. Vì thế, Ngài là công chính khi Ngài phán, và là thanh sạch khi Ngài phán xét.
5 Kìa, tôi đã được sinh ra trong sự gian ác. Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.
6 Này, Ngài muốn sự chân thật ở các nơi bên trong. Trong {nơi} bí mật {của lòng tôi} Ngài sẽ khiến tôi biết sự khôn sáng.
10 Thiên Chúa ôi! Xin sáng tạo trong tôi một lòng trong sạch, và làm mới lại trong tôi một thần trí ngay thẳng.
11 Xin chớ ném tôi xa khỏi sự hiện diện của Ngài, cũng đừng cất khỏi tôi thánh linh của Ngài.
Vua Đa-vít đau đớn về sự phạm tội của mình thể hiện qua lời cầu nguyện của ông, vừa đau đớn, vừa run sợ vừa sợ bị xa cách mặt Chúa. Ông ghét con người tội lỗi của mình mà cầu xin Chúa sáng tạo trong ông một lòng trong sạch, và làm mới lại trong ông một thần trí ngay thẳng. Những lời cầu nguyện của ông không có sự biện minh, bao biện, đổ lỗi mà ông chỉ nhìn thấy con người ông thật là xấu xa và đầy gian ác.
Tấm lòng ăn năn của Đa-vít đã được Đấng Tự Hữu Hằng Hữu tiếp nhận, tha thứ và phục hồi ông trở lại, Chúa ban cho ông lại đứa con khác và Chúa cũng yêu đứa con đó.
Suy ngẫm về điều này tôi thấy Thiên Chúa thật nghiêm khắc nhưng Ngài cũng quá đỗi nhân từ. Còn vấn đề chúng ta nhận được điều gì là nằm ở chúng ta, chúng ta muốn nhận sự nghiêm khắc hay nhận lấy sự nhân từ của Chúa.
Ngày nay trong chúng ta còn phạm tội cách nghiêm trọng hơn vua Đa-vít. Vì chúng ta đã được học biết Lẽ Thật, có Đức Thánh Linh ngự trị, dẫn dắt, dạy dỗ, cáo trách chúng ta. Vậy thì đáng lẽ ra chúng ta phải chết trong sự phạm tội của mình, hoàn toàn xứng đáng. Nhưng Đức Chúa Jesus đã gánh thay hết những sự phạm tội đó của chúng ta trên thập tự giá, ban cho chúng ta có cơ hội làm lại và sửa sai. Vậy thì thật là ngu dại cho chúng ta khi chúng ta còn chưa chịu tan nát cõi lòng, ăn năn bằng thần trí để được Thiên Chúa sáng tạo lại một lòng trong sạch và làm mới lại trong chúng ta một thần trí ngay thẳng. Để được Chúa phục hồi và ban phước cho chúng ta.
Ăn năn bằng lý trí thì với sự thương xót lớn của Chúa Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta, nhưng chúng ta không được phước. Mà về sau chúng ta lại rất dễ phạm tội, bởi vì sâu thẳm trong linh hồn của chúng ta vẫn còn sự kiêu ngạo kín giấu. Chúng ta chưa thật sự nhìn thấy bản chất xấu xa của mình. Chưa thật sự nhận biết rằng mình là một kẻ chẳng ra chi hết, không là gì trước Chúa hết. Và cũng chưa thật sự hối tiếc cho sự phạm tội của mình, nên về sau đời sống của chúng ta không được đổi mới, không có năng lực và động lực để chiến thắng cám dỗ. Không nhận được ơn phước Chúa ban.
Một trong những lời cầu nguyện của vua Đa-vít mà tôi ưa thích trong Thi Thiên 51 đó là câu thứ 11:
“Xin chớ ném tôi xa khỏi sự hiện diện của Ngài, cũng đừng cất khỏi tôi thánh linh của Ngài.”
Thật vậy, chỉ khi một người ăn năn bằng thần trí mới có thể cầu xin Chúa điều này. Họ biết họ đã phạm tội, họ sợ bị xa cách Chúa, họ sợ Chúa sẽ cất đi thánh linh năng lực của Ngài thì họ sẽ sống ra sao những ngày tháng còn lại khi không có Chúa và không còn năng lực của Ngài. Họ sẽ chết trong sự nô lệ của tội lỗi và Ma Qủy tha hồ cắn xé họ. Lời cầu nguyện này cũng nói lên một người có tấm lòng yêu kính Chúa, vì họ lỡ phạm tội, vì khờ dại, vì yếu lòng, vì thiếu hiểu biết. Nay họ thật ghét tội và sợ Chúa sẽ quay lưng, bỏ mặc mình.
Tôi nghĩ, một người muốn thật lòng ăn năn tội xuất phát từ hai nguyên nhân:
- Một là người đó sợ bị hư mất đời đời.
- Hai là người đó yêu Chúa, muốn được ở trong tình yêu, ân điển của Ngài.
Họ yêu Chúa nên sợ xa Chúa, sợ mất Chúa, sợ Chúa buồn lòng dẫn đến lòng họ tan nát. Tôi tin rằng với tình yêu, sự bao dung, lòng thương xót của Chúa khi Chúa nhìn thấy tấm lòng của người đó chẳng những Ngài rộng lòng tha thứ mà còn vui lòng phục hồi, ban phước lại cho người đó.
Một đứa con phạm lỗi với ba mẹ, làm cho ba mẹ nó buồn lòng, nó nhìn thấy ba mẹ như thế nó đau lòng lắm, nó thấy mình thật tệ, nó hối hận vì mình đã gây nên tội khiến ba mẹ nó đau lòng, nó thật không muốn tái phạm một lần nào nữa hết. Vì nó yêu ba mẹ nó, nó cũng không muốn ba mẹ nó không còn yêu nó nữa. Chính vì tình yêu của nó đối với ba mẹ và nó biết ba mẹ yêu nó, đó là động lực cho nó quyết tâm từ bỏ tội và sống tốt để ba mẹ nó vui lòng. Cũng thể hiện lên lòng biết ơn, hiếu thảo. Và ngược lại về phía ba mẹ, khi nhận thấy tấm lòng của đứa con mình như vậy thì sẽ vui lòng tha thứ và càng yêu nó hơn.
Nói tóm lại, tấm lòng ăn năn của vua Đa-vít là một bài học, một sự suy ngẫm cần phải học và suy ngẫm mãi cho tới ngày Chúa đến. Bởi lẽ ngày nào chúng ta còn sống động ở thế gian này, là chúng ta còn lâm vấp, còn phạm lỗi, phạm tội, cho dù đó là một phút lầm lỡ, một sự thiếu hiểu biết. Vì tất cả sự phạm lỗi, phạm tội đều để lại hậu quả của nó. Đừng nghĩ tội lớn, nghiêm trọng thì mới cần thần trí tan nát, mà ngay cả một cái lỗi nhỏ cũng cần phải có thần trí tan nát. Vì như vậy giúp chúng ta ngày một trở nên thánh khiết trọn vẹn.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thùy Linh
3/ Bài Suy Ngẫm của Jenny Nguyễn
Bối cảnh:
⁃ Vua Đa-vít sau khi phạm tội tà dâm cùng vợ U-ri là Bát-sê-ba thì tìm cách che giấu tội lỗi bằng việc giết U-ri. Khi biết Bát-sê-ba mang thai, ông đã tìm cách cho U-ri về nhà cùng vợ nhưng U-ri là một người có trách nhiệm, sẵn lòng gác canh thay vì về nhà cùng vợ, nên Đa-vít đã bày mưu để U-ri ra chỗ nguy hiểm trong trận chiến để U-ri phải chết cách danh chính ngôn thuận, để rồi Đa-vít hợp thức hoá lấy bà Bát-sê-ba.
⁃ Sau đó thì Đức Chúa Trời qua tiên tri Na-than có phán với Đa-vít về điều ông làm là phạm tội, không đẹp lòng Chúa. Ông Đa-vít đã nhận biết tội lỗi và có tấm lòng ăn năn thật sự. Ông đã chấp nhận hậu quả của sự phạm tội của ông, từ việc đứa con với Bát-sê-ba phải chết, đến việc của Am-môn và Ta-ma và cả việc Áp-sa-lôm đuổi giết và cướp ngôi vua của Đa-vít và làm nhục các cung phi của ông.
Suy ngẫm:
⁃ Ban đầu, Đa-vít chưa có ý định giết U-ri, ông chỉ muốn xoá dấu vết của việc ông phạm tà dâm với Bát-sê-ba bằng việc gài thế cho U-ri về nhà cùng vợ. Sự việc này không thành thì ông mới tìm cách giết U-ri cách kín nhiệm.
⁃ Đức Chúa Trời qua tiên tri Na-than nhắc lại các ơn phước mà Chúa đã ban cho Đa-vít, ngay cả nếu các ơn phước ấy còn chưa đủ thì Chúa cũng sẽ ban cho ông nhiều hơn trong ý muốn của Chúa. Vậy mà ông Đa-vít đã theo ý muốn riêng của mình mà chiếm đoạt ơn phước của người khác.
⁃ Tôi nghĩ không phải đợi đến khi tiên tri Na-than trách Đa-vít thì ông mới nhận ra mình phạm tội với Chúa, mà ông đã biết mình phạm tội nhưng tự lừa dối mình, vì trong luật pháp Môi-se có chép về sự phạm tội tà dâm cùng vợ người khác, và chắc ông biết rõ điều đó. Có lẽ lúc này Đa-vít đã là vua của I-sơ-ra-ên mà không còn là một thanh niên vô danh, nên ông nghĩ ông có quyền ngang nhiên qua mặt luật pháp của Chúa chăng? Tôi không chắc, nhưng điều đó cho chúng ta hiểu rằng bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời theo Chúa, chúng ta nếu thiếu cảnh giác thì cũng sẽ dễ dàng phạm tội với Chúa. Một điều nữa là, khi Đa-vít gửi thư cho Giô-áp để đưa U-ri vào chỗ nguy hiểm trong trận chiến thì Giô-áp chắc rằng cũng biết được ý định muốn giết U-ri của Đa-vít nữa. Vậy nên Đa-vít đã làm một cớ vấp phạm cho dân Y-sơ-ra-ên và cả dân thù nghịch Chúa để họ nói phạm đến Ngài, vì dân chúng đều biết Đa-vít được ơn trước mặt Chúa là thể nào.
⁃ Ngay sau khi tiên tri Na-than trách ông thì ông thừa nhận ngay sự phạm tội của mình. II Sa-mu-ên 12:13 có nói Thiên Chúa xoá tội cho ông, ông không phải chết, điều này cho thấy ông liền kíp ăn năn thì Chúa thương xót mới xoá tội cho ông. Dĩ nhiên hậu quả phạm tội thì ông phải gánh chịu, ông đã chấp nhận mà không than trách, qua việc khi đứa con do Bát-sê-ba sinh đã chết thì ông không có sự than trách Chúa, cả việc Áp-sa-lôm đuổi giết và chiếm ngôi; và việc Si-mê-i rủa sả ông thì ông cũng không báo thù và nhận biết đó là trong ý muốn của Thiên Chúa.
⁃ Thi Thiên 51 là bài thánh vịnh mà Đa-vít làm để bày tỏ sự ăn năn thống hối về tội lỗi mình đã phạm với Chúa. Ông nhận biết mình phạm tội và đang cách xa sự hiện diện của Chúa, ông cầu xin sự thương xót và nhân từ rất lớn của Chúa, tẩy sạch tội của ông, thì khi đó ông mới nhận được sự vui vẻ về sự cứu rỗi của Ngài.
⁃ Ông hiểu rõ về của lễ chuộc tội dâng cho Chúa là sự bày tỏ tấm lòng ăn năn của người phạm tội, không phải là hình thức bên ngoài mà tấm lòng lại có ý muốn tiếp tục phạm tội, thì của lễ ấy Chúa không nhậm, và tội lỗi cũng không được tha, bằng chẳng vậy thì ông đã dâng của lễ liền ngay (câu 16).
⁃ Thần trí là sự cảm xúc, suy luận và quyết định dựa trên những nhận thức của thân thể thiêng liêng là tâm thần. Một “thần trí tan nát” là một tâm thần đau thương, hối tiếc sâu sắc và vỡ tan về sự phạm tội của mình, và tấm lòng ăn năn là gớm ghiếc tội, không muốn phạm lại tội lỗi đó nữa.
⁃ Ông Đa-vít đã nhận biết tội mình (câu 3), đau đớn vì tội đã phạm như xương cốt bị bẻ gãy (câu 8), xưng tội mình ra với Chúa và muốn lìa xa khỏi tội lỗi.
“Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian ác tôi; tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi phạm tôi cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; còn Chúa tha tội ác của tôi.” (Thi Thiên 32:5).
Ông đến với Chúa với một thần trí tan nát trong sự ăn năn, cầu xin Chúa nhận thần trí tan nát đó như là một của lễ, và tha thứ tẩy sạch tội lỗi của ông. Thật sự một người phạm tội thì họ không còn một điều gì giá trị hơn sự ăn năn và thần trí tan nát để đến với Chúa. Và Chúa đã nhận của lễ chuộc tội của ông là tấm lòng ăn năn đó, và kể ông là người có tấm lòng trọn lành với Thiên Chúa.
“Vì Đa-vít làm điều thiện trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và ngoài việc U-ri, người Hê-tít, trọn đời người không lìa bỏ điều gì của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã truyền cho.” (I Các Vua 15:5).
Bài học:
⁃ Chúa luôn có đầy dư sự thương xót cho những ai biết ăn năn và lìa bỏ tội lỗi.
“Kẻ ác hãy từ bỏ đường lối của nó! Kẻ không công chính hãy từ bỏ những ý tưởng của nó! Nó hãy trở lại với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, thì Ngài sẽ thương xót nó! Nó hãy trở lại với Thiên Chúa của chúng ta, vì Ngài tha thứ cách dư dật!” (Ê-sai 55:7).
⁃ Lời Chúa có chép:
Thi Thiên 103:8-13
8 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có lòng thương xót, đầy ơn, chậm nóng giận, và đầy từ ái.
9 Ngài không quở trách luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời.
10 Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi.
11 Vì các tầng trời cao trên đất bao nhiêu, thì sự nhân từ Ngài càng lớn cho kẻ nào kính sợ Ngài bấy nhiêu.
12 Ngài đã đem những sự vi phạm của chúng tôi xa khỏi chúng tôi như phương đông xa cách phương tây.
13 Như một người cha thương xót con cái của mình, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thương xót những ai kính sợ Ngài.
⁃ Việc còn lại là do chúng ta lựa chọn, có lựa chọn ăn năn với thần trí tan nát và tấm lòng đầu phục khi phạm tội với Chúa hay không. Mối quan hệ giữa mình với Chúa chỉ có Chúa và chính người đó hiểu rõ nhất. Chúng ta cần nhận biết sự yếu đuối của chúng ta để cầu xin Chúa ban năng lực để vượt qua những cám dỗ, để không phạm tội mà vụt mất sự cứu rỗi Chúa đã ban cho chúng ta.
⁃ Cảm tạ Chúa vì sự thương xót và nhân từ của Chúa còn ở trên chúng con. Nguyện xin Chúa ban cho chúng con năng lực để làm theo các điều răn của Ngài. Amen.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Jenny Nguyễn
4/ Bài Suy Ngẫm của Trần Thị Tâm.
Kính thưa Hội Thánh!
Thi Thiên 51 là sách viết về một tấm lòng vỡ vụn, tan nát, ăn năn thống hối của Vua Da-vít sau khi nhận biết được mình phạm tội trọng (II Sa-mu-ên 11 và 12) và muốn được Chúa thương xót và tha thứ cho mình.
Sau khi đọc và suy ngẫm các sách Thi Thiên 51 và II Sa-mu-ên 11, 12. Tôi rút ra bài học cho chủ đề tuần này như sau:
1/ Chúng ta là những con người xác thịt, đôi lúc vẫn mắc phải những lỗi lầm trên bước đường theo Chúa dù là những người được Chúa chọn đảm nhận những chức vụ, mục vụ, công việc quan trọng trong Hội Thánh. Nhưng điều quan trọng là, chúng ta có sẵn lòng để Chúa làm chủ cuộc đời mình, có muốn ăn năn thống hối, tan vỡ cõi lòng của mình để đến với Chúa và xin Chúa tha thứ, phục hồi với Chúa hay không mà thôi.
2/ Da-vít đã phạm các tội trọng như sau: Tội tà dâm, tội giết người, tội trộm cắp.
3/ Khi chúng ta phạm tội thì tội lỗi làm ảnh hưởng đến cả con người mình. Ăn ngủ nghỉ, suy nghĩ tâm trí của mình đều cảm thấy không ngon giấc, cáo trách, dằn vặt cho đến khi chúng ta cầu xin Chúa tha thứ từ tận đáy lòng mình, tan nát vỡ vụn.
4/ Chúa là Đấng đầy lòng thương xót, nhân từ, chậm giận. Luôn sẵn lòng tha thứ cho những ai thật lòng ăn năn tội của mình. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Bây giờ, hãy đến và chúng ta hãy biện luận cùng nhau! Dù những tội của các ngươi như chỉ đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như tuyết; dù chúng đỏ màu đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như len.” (Ê sai 1:18).
5/ Ngài là Đấng toàn tri, Ngài biết hết mọi chuyện xảy ra và Ngài cũng biết ai thật lòng ăn năn hay không, ai chưa thật lòng ăn năn tội của mình và Chúa không chịu khinh dễ đâu.
6/ Việc phạm tội của Da-vít là một việc làm xấu hổ, nên ông đã cố tình che giấu tội lỗi của mình. Một người dân bình thường cũng rất xấu hổ, huống gì ông lại là một vị vua quyền cao chức trọng. Nhưng Chúa thương xót ông, đã sai tiên tri Na-than đến chỉ ra tội của Đa-vít một cách khôn ngoan, đầy khéo léo thông qua câu chuyện người nhà giàu, nhà nghèo. Câu chuyện như sau:
Chuyện kể về hai người, người giàu có chiên bò rất nhiều còn người nghèo có một con chiên cái nhỏ. Một hôm người giàu có khách đến chơi; người giàu tiếc không muốn đụng đến chiên bò của mình để đãi khách nên đã bắt con chiên duy nhất của người nghèo và dọn cho người khách đã đến thăm mình. Nghe đến đây thì Đa-vít nổi giận cùng người ấy lắm, và nói với Na-than rằng: Ta chỉ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Hằng Sống mà thề, người đã phạm điều ấy thật đáng chết! Hắn phải thường bốn lần giá chiên con, vì đã làm như vậy, và vì không có lòng thương xót.
Bấy giờ, Na-than nói với Đa-vít rằng: Vua là người đó!
Hẳn khi nghe câu chuyện Đa-vít đã rất chú ý và lắng nghe câu chuyện này và đồng cảm với hoàn cảnh của người nghèo. Nên đã thốt lên rằng người nhà giàu thật đáng chết vì không có lòng thương xót. Sau đó Na-than nói rằng: “Vua là người đó” và chỉ ra rõ tội lỗi của ông một cách thẳng thắn.
7/ Chúa rất đau lòng, buồn rầu khi con cái mình phạm tội, không nghe lời, khinh bỉ điều răn và luật pháp Ngài. Nhưng Ngài vẫn cho chúng ta cơ hội để ăn năn, cáo trách, nhắc nhở, dùng những người kế cạnh mình, anh chị em mình, người chăn, trưởng lão…để chỉ cho chúng ta biết tội lỗi của mình mà ăn năn.
“Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.” (I Giăng 1:9).
8/ Hậu quả của tội lỗi ông gây ra là vô cùng lớn, ảnh hưởng đến cả chính mình và người thân của mình.
II Sa-mu-ên 12:7-12
7 Bấy giờ, Na-than nói với Đa-vít rằng: Vua là người đó! Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của I-sơ-ra-ên có phán như vầy: Ta đã xức dầu lập ngươi làm vua I-sơ-ra-ên, Ta đã giải cứu ngươi khỏi tay Sau-lơ.
8 Ta cũng ban cho ngươi nhà của chủ ngươi, trao vào lòng ngươi các vợ của chủ ngươi, lập ngươi làm vua của nhà I-sơ-ra-ên và Giu-đa, và nếu điều đó không đủ, ắt Ta sẽ thêm cho ơn khác nữa.
9 Cớ sao ngươi đã khinh bỉ Lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, mà làm điều không đẹp lòng Ngài? Ngươi đã dùng gươm giết U-ri, người Hê-tít, lấy vợ nó làm vợ ngươi, còn nó thì ngươi đã giết bởi gươm của dân Am-môn.
10 Nên bây giờ, gươm chẳng hề thôi hủy hoại nhà ngươi, bởi vì ngươi đã khinh Ta, cướp vợ U-ri, người Hê-tít, để nàng làm vợ ngươi.
11 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như vầy: Ta sẽ khiến từ nhà ngươi nổi lên những tai họa giáng trên ngươi; Ta sẽ bắt các vợ ngươi tại trước mắt ngươi trao cho một người lân cận ngươi, nó sẽ làm nhục chúng nó tại nơi bạch nhật.
12 Vì ngươi đã làm sự kia cách kín nhiệm, nhưng Ta sẽ làm việc này trước mặt cả I-sơ-ra-ên và tại nơi bạch nhật.
- Gây ra cái chết của chồng Bát-sê-ba là U-ri.
- Rồi đến cái chết của đứa con của Bát-sê-ba.
- Ta-ma con gái của Đa-vít bị chính anh ruột mình là Am-môn hãm hiếp.
- Sau đó, Am-môn bị chính anh ruột mình là Áp-sa-lôm giết chết.
- Rồi đến Áp-sa-lôm bị Giô-áp giết.
9/ Những niềm vui trong tội lỗi sẽ qua đi rất nhanh, nhưng người phạm tội sẽ phải trả giá bằng sự ân hận, dằn vặt cả đời mình.
10/ Của lễ đẹp lòng Chúa là thần trí tan nát.
“Của lễ đẹp lòng Thiên Chúa, ấy là thần trí tan nát. Thiên Chúa ôi! Lòng tan nát, vỡ vụn Ngài sẽ không khinh dể đâu.” (Thi Thiên 51:17).
Trong danh Đức Chúa Jesus Christ.
Trần Thị Tâm
5/ Bài Suy Ngẫm của Mai Hoàng Nam
Ông Đa-vít là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử, ông cũng là vị vua thứ hai của dân I-sơ-ra-ên. Trọn đời sống ông Đa-vít tin kính và thời phượng duy một Thiên Chúa.
Một buổi chiều kia, ông Đa-vít ra khỏi giường mình và đi dạo trên nóc đền vua thì ông thấy một người nữ đang tắm, lúc đó ông đã có lòng muốn đến với người nữ tên là Bát-sê-ba, con gái của Ê-li-am, vợ của U-ri, người Hê-tít vì người nữ ấy rất là lịch sự.
Lúc bấy giờ ông Đa-vít đã để cho lòng ham muốn xác thịt nổi dậy để phạm tội tà dâm với bà Bát-sê-ba và ao ước chiếm đoạt luôn nàng và đồng thời lập mưu để hại ông U-ri là chồng bà Bát-sê-ba.
Trước khi ra chiến trận, ông Đa-vít có viết một cái thư cho Giô-áp và gửi nơi tay U-ri:
“Người viết như vầy: Hãy đặt U-ri tại đầu hàng, nơi hiểm nguy hơn hết của chiến trận, rồi hãy rút ra xa người, để người bị đánh và chết đi.” ( II Sa-mu-ên 11:15).
Trong sự chinh chiến đó, có mấy người trong nhóm tôi tớ ông Đa-vít ngã chết và ông U-ri cũng chết:
“Người trong thành kéo ra đánh Giô-áp, có mấy người trong nhóm tôi tớ Đa-vít ngã chết. U-ri, người Hê-tít, cũng chết.” (II Sa-mu-ên 11:17).
Sau khi bà Bát-sê-ba hay tin chồng mình là ông U-ri đã chết trong trận chiến đó thì bà than khóc và ông Đa-vít cũng chuẩn bị mời bà vào cung:
“Khi vợ U-ri hay rằng chồng mình đã qua đời, thì than khóc U-ri. Khi đã mãn tang, Đa-vít sai mời nàng vào cung; nàng trở nên vợ người, sinh cho người một con trai. Nhưng điều Đa-vít đã làm đó không đẹp lòng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (II Sa-mu-ên 11:26-27).
Lúc bấy giờ Chúa sai ông Na-than đến với ông Đa-vít và đưa ra một câu chuyện, sau khi ông Đa-vít nghe xong câu chuyện đó thì ông nổi giận đối với người giàu trong câu chuyện đó, lúc đó ông Na-than cho biết rằng người trong câu chuyện đó chính là Đa-vít.
Trong lúc đó, Chúa dùng ông Na-than để quở trách và cho thấy ông Đa-vít đã phạm tội cùng Chúa. Sau khi nghe xong và nhận ra mình đã phạm tội cùng Chúa thì vua ăn năn xin Chúa thương xót tha tội cho ông như bài cầu nguyện trong Thi Thiên 51.
Mặc dù ông Đa-vít được Chúa tha tội nhưng hậu quả của sự phạm tội đó vẫn còn và đứa con sinh ra cho ông do sự phạm tội đó phải chết, dù lúc đó ông có kiêng ăn và khóc vì đứa con mình.
Sau sự việc qua rồi, bà Bát-sê-ba sinh cho ông Đa-vít một con trai đặt tên là Sa-lô-môn, Chúa yêu mến Sa-lô-môn.
Qua câu chuyện của ông Đa-vít với chủ đề “tấm lòng ăn năn của vua Đa-vít” và chúng ta áp dụng bài học vào đời sống theo Chúa là chúng ta tránh phạm tội như ông, chúng ta không lập mưu hại người khác vì sự ích lợi riêng của bản thân trong đời sống hằng ngày mà phạm tội cùng Chúa và làm gương xấu cho người khác, qua đó chúng ta không làm sáng danh Chúa.
Chúng ta phải theo gương ông Đa-vít là khi phạm tội phải lập tức ăn năn, vì để lâu không ăn năn sẽ làm cho chúng ta cứng lòng. Khi bất cứ anh chị em nào trong Chúa chỉ cho chúng ta biết mình đã sai sót, phạm tội thì chúng ta phải suy xét lại bản thân và kịp thời ăn năn với Chúa. Ông Đa-vít không đưa ra lý do để bao biện cho sự phạm tội của mình như: tại vì người nữ đó lịch sự, tại vì người nữ đó…
Trong đời sống theo Chúa chúng ta phải có tấm lòng như ông Đa-vít để chúng ta không bị cách xa Chúa, chúng ta phải sốt sắng đọc và suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày như Giô-suê 1:8 có chép:
“Cuốn Sách Luật Pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.”
Nguyện Thiên Chúa quan phòng, ban ơn, gìn giữ và dẫn dắt mỗi người trên bước đường theo Chúa cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ đến. A-men!
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Mai Hoàng Nam