Chủ đề: Phải Chăng Sự Vâng Lời Làm Mất Đi Sự Tự Do Lựa Chọn?
Câu gốc:
“Vững tin nơi sự hay vâng lời của anh, tôi viết cho anh, biết rằng anh sẽ làm quá điều tôi nói.” (Phi-lê-môn 21).
Thánh Kinh Tham Khảo:
Sách Phi-lê-môn
1 Phao-lô, một người tù của Đức Chúa Jesus Christ, và Ti-mô-thê, một anh em cùng Cha của chúng ta, gửi cho Phi-lê-môn, là người yêu dấu và cùng làm việc với chúng tôi;2 cùng gửi cho Áp-bi yêu dấu của chúng ta, và cho A-chíp, là bạn cùng đánh trận của chúng ta, và cho Hội Thánh trong nhà anh.3 Nguyện ân điển đến với anh chị em cùng sự bình an từ Thiên Phụ chúng ta và từ Đức Chúa Jesus Christ!
4 Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời của tôi, hằng ghi nhớ anh trong những lần cầu nguyện của tôi,
5 vì nghe nói về tình yêu và đức tin mà anh có đối với Đức Chúa Jesus và đối với mọi thánh đồ.
6 Nguyện sự thông công của đức tin anh đem lại hiệu nghiệm trong sự tri thức mỗi một sự tốt lành, là những sự ở trong các anh chị em, trong Đấng Christ Jesus.
7 Vì chúng tôi có niềm vui lớn và sự an ủi trong tình yêu của anh. Bởi vì lòng của những thánh đồ được vui thỏa nhờ anh, hỡi người anh em cùng Cha!
8 Vậy nên, dầu trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,
9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.
10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.
11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.
13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.
15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.
17 Vậy, nếu anh xem tôi là người đồng công, thì hãy nhận lấy người như chính mình tôi vậy.
18 Nếu như người có lỗi đối với anh hoặc mắc nợ anh điều gì, thì hãy cứ kể cho tôi.
19 Tôi, Phao-lô, chính tay tôi viết điều này: Tôi sẽ trả cho anh! Mà tôi không nói với anh về sự chính mình anh mắc nợ tôi.
20 Phải, hỡi người anh em cùng Cha! Xin cho tôi có được sự vui vẻ này bởi anh, trong Chúa! Xin hãy làm cho tôi được thỏa lòng trong Chúa.
21 Vững tin nơi sự hay vâng lời của anh, tôi viết cho anh, biết rằng anh sẽ làm quá điều tôi nói.
22 Nhân tiện, xin cũng hãy chuẩn bị một nhà trọ cho tôi; vì tôi tin rằng, qua lời cầu nguyện của các anh chị em mà tôi sẽ được ban cho các anh chị em.
23 Ê-pháp-ra, là bạn cùng bị tù trong Đấng Christ Jesus với tôi, có lời thăm anh;
24 Mác, A-ri-tạc, Đê-ma, và Lu-ca là những bạn đồng công với tôi cũng vậy.
25 Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta ở với tâm thần các anh chị em! A-men!
1/ Bài Suy Ngẫm của Jenny Nguyễn
Bối cảnh:
Thư Phi-lê-môn là bức thư mà Phao-lô viết cho Phi-lê-môn về sự việc người nô lệ Ô-nê-sim đã bỏ trốn khỏi gia đình Phi-lê-môn. Nay Ô-nê-sim đã tin nhận Tin Lành của Đấng Christ Jesus, và Phao-lô bày tỏ lòng mong muốn Phi-lê-môn nhận lại Ô-nê-sim không chỉ như là người nô lệ trong gia đình, nhưng còn là người anh em cùng Cha, là một thành viên của Hội Thánh địa phương để cùng nhau làm ích lợi cho sự gây dựng Hội Thánh địa phương.
Suy ngẫm:
• Về thư Phao-lô viết cho Phi-lê-môn thì tôi có những chia sẻ cùng các anh chị em như sau:
– Trước hết là về Phao-lô, ông đã tôn trọng ý kiến và chờ đợi sự chấp thuận của Phi-lê-môn trong sự việc liên quan đến Phi-lê-môn. Phao-lô nói ông có quyền trong đức tin mà yêu cầu Phi-lê-môn vâng lời mà nhận lại Ô-nê-sim, nhưng ông đã không dùng quyền ấy mà ông muốn nài xin trong tình yêu thương, để được Phi-lê-môn chấp thuận cách thoả lòng mà không phải sự ép buộc: “Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.” (câu 14)
– Về phía Phi-lê-môn, Phao-lô đề cập về ông trước đó là ở câu 5: “vì nghe nói về tình yêu và đức tin mà anh có đối với Đức Chúa Jesus và đối với mọi thánh đồ.” Sau đến là trong câu 21: “Vững tin nơi sự hay vâng lời của anh, tôi viết cho anh, biết rằng anh sẽ làm quá điều tôi nói.” Chúng ta cũng không biết hồi đáp của Phi-lê-môn sau bức thư này là như thế nào, tuy vậy theo ý kiến cá nhân và thử đặt mình vào vị trí của Phi-lê-môn, tôi có lòng tin như Phao-lô, là biết Phi-lê-môn sẽ làm quá, làm tốt hơn điều Phao-lô trông đợi. Nếu là như vậy, thì chắc rằng Phi-lê-môn nhận lại Ô-nê-sim không phải vì Phi-lê-môn bị áp lực mà đáp lại sự trông đợi và nài xin của Phao-lô đâu, mà là vì chính tình yêu thương đối với anh em cùng Cha, ông thoả lòng và vui vẻ nhận lại Ô-nê-sim, chính ông lựa chọn vâng phục điều mà ông biết sẽ đem lại ích lợi và gây dựng cho Hội Thánh địa phương.
• Tuần trước chúng ta đã học về sự vâng lời của ông Nô-ê, cũng học hiểu về ông đã làm theo mọi điều Thiên Chúa phán dạy là thế nào. Trong tuần này, tôi muốn cùng các anh chị em thảo luận và chia sẻ với nhau về sự “hay vâng lời” của một người có làm mất đi sự tự do chọn lựa của người đó hay không?
Trong câu 21 thì Phao-lô đề cập đến Phi-lê-môn là một người “hay vâng lời” và có tấm lòng làm tốt hơn điều Phao-lô giao phó, mong muốn, yêu cầu. Khi đọc đến câu Thánh Kinh này, tôi suy nghĩ, ông Phi-lê-môn có quyền tự do lựa chọn theo ý muốn mình hay không, khi mà phải “hay vâng lời” như thế? Trong sự việc này, ông không nhận lại Ô-nê-sim có được không? Nói rộng ra, một người “hay vâng lời” người có thẩm quyền trên mình trong đức tin vào Chúa thì người này liệu có còn quyền tự do lựa chọn hay không?
• Trước hết, chúng ta cần phân biệt giữa ý chí tự do lựa chọn và quyền tự mình đánh giá và phân định điều gì là thiện, điều gì là ác.
Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng và Ngài là sự thiện(Thi Thiên 118:1,9), nghịch lại với Ngài chính là sự ác. Vậy thì chính Ngài là Đấng quyết định điều gì là thiện, điều gì là ác, và Ngài đã bày tỏ trong Thánh Kinh, không phải loài người chúng ta quyết định. Như Chúa Jesus đã nói: “Chỉ có một Đấng Lành mà thôi” khi được chàng trai trẻ hỏi về việc lành cần làm là gì để được sự sống vĩnh cửu (Ma-thi-ơ 19:17). Một khi chúng ta làm điều gì với quyền tự mình đánh giá phân định đó là điều thiện mà không phải là sự phân định thiện ác theo Lời Chúa, chính là chúng ta sử dụng ý chí tự do để làm điều ác, mà như cách chúng ta thường nói là làm theo ý riêng mình tự cho là phải.
Vậy thì không phải Chúa cất đi quyền tự do lựa chọn của loài người và ép buộc loài người vâng theo ý Ngài, nhưng Ngài đặt trước chúng ta điều thiện dẫn đến sự sống, Ngài cho chúng ta lựa chọn có đi theo con đường sự sống đó hay không. Nếu chúng ta lựa chọn không đi trong con đường ấy, chính là đã lựa chọn làm điều ác, và con đường này dẫn đến sự chết:
“Ngày nay, ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả. Vậy, hãy chọn sự sống, để cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống. Hãy yêu Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài, và gắn bó với Ngài; vì Ngài là sự sống ngươi và làm cho ngươi được sống lâu, để ngươi ở trên đất mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã thề ban cho các tổ phụ ngươi, là Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 30:19,20).
• Thật vậy, chỉ có hai con đường mà không còn con đường thứ ba nào khác. Rõ ràng rằng, Ngài cho chúng ta có quyền lựa chọn làm theo ý muốn Ngài hoặc làm theo ý muốn riêng mình tự cho là đúng:
“Hãy bước đi theo những đường lối lòng của lòng ngươi và theo sự thấy của mắt ngươi” (Truyền Đạo 11:9b).
Nhưng theo sau các việc làm đó là kết quả hoặc hậu quả tương xứng:
“Nhưng hãy biết rằng, vì hết thảy những việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đem ngươi vào trong sự phán xét” (Truyền Đạo 11:9c).
• Vậy thì chúng ta xem xét đối với một việc chúng ta cho là không vi phạm các điều răn nhưng cũng không đem lại ích lợi và gây dựng cho Hội Thánh thì chúng ta làm sao? Như câu hỏi phía trên tôi có nói: Phi-lê-môn không nhận lại Ô-nê-sim thì có được không? Nếu các anh chị em là Phi-lê-môn và các anh chị em không nhận lại Ô-nê-sim thì có gì sai không? Vậy thì xin các anh chị em cùng suy ngẫm Lời Chúa phán:
“Mỗi người chớ chăm về những sự của riêng mình, nhưng mỗi người cũng chăm về những sự của những người khác nữa” (Phi-líp 2:4).
Và điều răn của Đức Chúa Jesus mà chúng ta vẫn ôn lại mỗi Sa-bát:
“Các ngươi hãy yêu lẫn nhau, như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thể ấy” (Giăng 13:34).
Việc nhận lại Ô-nê-sim như Phao-lô nói là đem lại ích lợi cho Phi-lê-môn trong việc gây dựng Hội Thánh và rao giảng Tin Lành (câu 13), vậy thì nếu Phi-lê-môn không nhận Ô-nê-sim thì ông đã lựa chọn làm một việc thiếu đi tình yêu thương và cũng đã bất tuân sự khuyên dạy của người có thẩm quyền trong đức tin của mình, và cũng không thể nói đây là một việc đẹp lòng Chúa được.
• Sự chết thay của Đấng Christ Jesus đã chuộc mua chúng ta từ nô lệ của tội lỗi để được vào trong sự tự do vinh quang của con cái của Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:21), tức là được tự do hầu việc Chúa trong sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, để vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài (Phi-líp 2:13), là lấy lòng vui mừng làm theo ý muốn Chúa (Thi Thiên 40:8) để không phải chịu ơn Đức Chúa Trời cách vô ích (II Cô-rinh-tô 6:1). Vậy thì, một việc làm chiều theo ý muốn sở thích cá nhân hoặc chỉ vì quyền lợi của mình nhưng không đem lại ích lợi cho Hội Thánh, không gây dựng cho anh em cùng Cha cũng là việc làm lạm dụng quyền tự do Chúa ban mà làm việc vô ích.
• Hoặc khi chúng ta thiếu hiểu biết và thiếu sự khôn ngoan trong Lời Chúa nhưng cũng không muốn vâng theo sự khuyên dạy trong Lời Chúa của người chăn và các trưởng lão, là những người “thức canh về linh hồn của các anh chị em” (Hê-bơ-rơ 13:17), chính là chúng ta “chỉ lấy nghe làm đủ mà tự lừa dối mình” (Gia-cơ 1:22). Chúng ta cầu xin Chúa ban cho sự khôn ngoan, nhưng khi Chúa ban sự khôn ngoan qua môi miệng của người chăn, qua các trưởng lão, hay qua các anh chị em cùng Cha, chúng ta lại khước từ sự khôn ngoan ấy. Chúng ta biết: “Sự dạy dỗ của người khôn ngoan vốn là một nguồn sự sống, đặng khiến người ta tránh khỏi bẫy sự chết” (Châm Ngôn 13:14), nhưng chính chúng ta lại khước từ sự phước hạnh mà Chúa sắm sẵn cho chúng ta:
“Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ được dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì lại cất luôn điều họ đã có nữa” (Ma-thi-ơ 13:12).
Bài học:
• Mỗi chúng ta trước kia đều là Ô-nê-sim, vì tội lỗi mà xa cách mặt chủ là Đức Chúa Trời, nay nhờ sự thương xót của Chúa và Đấng Trung Bảo là Đức Chúa Jesus Christ mà chúng ta được quay trở về nhà Cha. Chúng ta đã làm gì để góp phần vào sự gây dựng Hội Thánh, làm ích cho nhà Chúa, “nhưng bây giờ sẽ ích lắm” như Phao-lô nói về Ô-nê-sim.
• Mỗi chúng ta cũng rất có thể là Phi-lê-môn trong sự tha thứ và làm hoà lại cùng anh em cùng Cha có lỗi với chúng ta. Chúng ta có lấy lòng yêu thương tha thứ trọn vẹn những sự lỗi lầm của anh em khi người ăn năn và xin được tha thứ không? Hay vì sự mắc lỗi của anh em mà chúng ta tha thứ như một sự ban ơn trong sự kiêu ngạo thiếu đi tình yêu thương?
• Chúng ta có hiểu được sự vâng phục người chăn và người có thẩm quyền trên chúng ta chính là đang lựa chọn nghe và làm theo mọi điều Chúa phán dạy qua họ không. Nếu chúng ta còn suy nghĩ, mất đi sự lựa chọn khi vâng lời, thì chính là đang muốn lạm dụng tự do làm mọi điều ưa muốn theo mắt mình cho là phải, chọn sự làm theo ý riêng mà không có sự khôn ngoan và sức lực thánh Chúa ban để làm việc.
Nguyện kính xin Chúa ban cho chúng ta có tấm lòng biết làm ích lợi cho công việc nhà Chúa, cũng như có tấm lòng vâng phục sự dạy bảo trong Lời Chúa của người chăn, để mỗi chúng ta là người gây dựng và làm ích lợi cho Hội Thánh trong những ngày cuối cùng còn lại này. Amen!
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Jenny Nguyễn.
2/ Bài Suy Ngẫm của Trần Thị Tâm
Kính thưa Hội Thánh!
Sách Phi-lê-môn là một trong những sách ngắn nhất trong Thánh Kinh nhưng lại chứa đựng nhiều bài học quý giá. Học về cách giao tiếp của thời xưa, học về tình yêu thương, sự tôn trọng anh chị em, và cách giải quyết vấn đề về giữa mối quan hệ giữa các anh chị em trong Chúa.
Dựa vào sách thì chúng ta biết rằng, giao tiếp giữa các anh chị em thời xưa là bằng cách viết thư cho nhau. Và sách Phi-lê-môn là một bức thư được Phao-lô viết để gửi cho Phi-lê-môn nhờ Phi-lê-môn tiếp nhận lại Ô-nê-sim (Ô-nê-sim là nô lệ/người làm công cho Phi-lê-môn). Nhưng sách không nói rõ là Ô-nê-sim vì sao lại bỏ trốn khỏi nhà chủ mình và tìm đến Phao-lô và tin nhận Tin Lành từ Phao-lô, tiếp nhận Tin Lành từ đây. Lúc đó Phao-lô đang ở trong tù nhưng tôi có thể hiểu rằng, mọi việc đều dưới sự cho phép của Chúa và làm ích cho từng người được gọi:
Rô-ma 8:28 cho chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.
Sau khi Ô-nê-sim tiếp nhận Tin Lành thì Phao- lô đã khuyên Ô-nê-sim về lại nhà chủ mình. Về thuộc thể thì là quan hệ chủ tớ, nhưng trong đức tin vào Đấng Christ thì họ là anh em cùng Cha của nhau. Phao lô đã nhờ Phi-lê-môn tiếp nhận lại Ô-nê-sim để cùng hỗ trợ nhau trong việc rao giảng Tin Lành:
Phi-lê-môn 1:10-13
10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.
11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.
13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
Nhưng Phao-lô không lấy quyền trưởng lão để ép buộc Phi-lê-môn mà ông rất tôn trọng ý kiến của Phi-lê-môn:
“Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.” (Phi-lê-môn 1:14).
Chúng ta không biết sau khi nhận được thư thì Phi-lê-môn có tiếp nhận lại Ô-nê-sim hay không, nhưng theo tôi nghĩ Phi-lê-môn vì tình yêu anh chị em trong Chúa, vì sự vâng lời người có thẩm quyền trong đức tin và vì tấm lòng của Phao-lô gửi đến qua thư cho ông thì tôi tin là ông sẽ tiếp nhận lại Ô-nê-sim và cặp đôi chủ tớ này sẽ hoàn thành tốt hơn điều Phao-lô mong đợi. Tất nhiên sự tự do lựa chọn của Phi-lê-môn thì có thể tiếp nhận lại hoặc không. Sự vâng lời cũng không hề làm mất đi sự tự do lựa chọn của Phi-lê-môn.
Bài học rút ra cho chủ đề “vâng lời” và “sự tự do lựa chọn” tuần này là:
– Nếu sự gì không sai Lời Chúa thì chúng ta có thể lựa chọn đồng ý vâng lời hoặc không vâng lời theo sự hướng dẫn hoặc góp ý của anh chị em.
– Chúng ta nên học hỏi Lời Chúa, tương giao với Chúa mỗi ngày để chúng ta nhận biết được ý muốn Chúa trên đời sống của chúng ta qua việc vâng lời hay không vâng lời.
– Tự do lựa chọn là của mỗi người và khi lựa chọn một việc gì đó thì đều cho ra một kết quả nhất định. Vì vậy chúng ta phải cân nhắc lựa chọn để cho ra kết quả tốt nhất và đặc biệt là tốt nhất cho thuộc linh của mình và cho nhà Chúa.
– Rao giảng tin lành và làm hòa thuận giữa các anh chị em cũng là vâng lời Chúa, đẹp lòng Chúa.
Trong danh Đức Chúa Jesus Christ
Trần Thị Tâm
3/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Thùy Linh
Phải Chăng Sự Vâng Lời Làm Mất Đi Sự Tự Do Lựa Chọn?
Đây là chủ đề của thanh niên tuần này và cũng là thuộc dạng một câu hỏi.
Tự do là sự thể hiện ý chí, lời nói, quyết định theo ý muốn của mình mà không bị ép buộc, không gò bó, bị hạn chế hay cấm đoán. Tự do là hoàn toàn được thể hiện khả năng của mình mà không sợ bị cấm đoán hay hình phạt. Có thể tự do ngôn luận, tự do đấu tranh, tự do lựa chọn điều mình muốn và mình thích.
Thưa anh chị em!
Câu trả lời của tôi là không. Bởi các lẽ sau đây:
Có hai sự vâng lời, vâng lời theo tiêu chuẩn của Chúa còn gọi là sự vâng lời trong Chúa và vâng lời theo tiêu chuẩn của loài người, hay nói cách khác là sự vâng lời của người ngoại.
Sự vâng lời trong Chúa là sự tự nguyện, vui lòng chấp nhận làm theo những lời khuyên bảo, dạy dỗ, nhắc nhỡ. Sự vâng lời trong Chúa đều dựa theo tiêu chuẩn của Thánh Kinh là Lời Chúa. Đó là: Kính sợ Thiên Chúa, và tin vào Lời Chúa.
“Hãy kính sợ Thiên Chúa mà vâng phục nhau.” ( Ê-phê-sô 5:21).
“Nếu các ngươi sẵn lòng vâng lời, sẽ ăn được sản vật tốt nhất của đất.” (Ê-sai 1:19).
Một người có tấm lòng thật kính sợ Thiên Chúa thì họ sẽ vâng phục nhau. Điều đó xảy ra một cách tự nhiên và trở nên như bản tính của họ, bởi người đó đã được dựng nên mới, được tái sinh thành người mới, người đó sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa và vâng giữ mọi lời phán dạy của Thiên Chúa. Người đó sẵn sàng và vui lòng vâng lời cho dù trước mắt không hiểu rõ nhưng vẫn vâng lời, vì người đó tin rằng Thiên Chúa ban điều tốt nhất cho họ, tin rằng người chăn, Hội Thánh yêu thương họ, những sự khuyên bảo, dạy dỗ, cáo trách, nhắc nhở đều đem lại lợi ích cho họ. Vậy nên họ vâng lời.
Sự vâng lời trong Chúa không làm mất đi sự tự do, bởi vì thực tế họ vẫn có quyền tự do lựa chọn, làm theo hoặc không làm theo. Nhưng họ dùng sự tự do đó để chọn vâng lời mà không phải vì sự ép buộc, gò bó hay cấm đoán nào cả.
Sự vâng lời trong Chúa sẽ có lúc đi ngược lại với ước muốn, suy nghĩ và kế hoạch của mình, nhưng họ tin chắc rằng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Ngài biết trước hết mọi sự, họ tin rằng người chăn và Hội Thánh được Chúa ban cho sự khôn sáng, được sự dẫn dắt đến từ Đức Thánh Linh nên họ chọn vâng lời trong vui thỏa. Vậy thì điều đó không khiến họ phải bị mất sự tự do. Mà là họ đã tự do chọn theo đức tin của mình.
Thực tế trong Thánh Kinh có rất nhiều tấm gương về sự vâng lời đến ngạc nhiên, như câu chuyện Áp-ra-ham vâng lời Thiên Chúa dâng I-sác làm của lễ thiêu. Áp-ra-ham vâng lời Chúa ra đi mà không biết mình đi đâu, Nô-ê vâng lời Chúa đóng tàu. Có phải chăng những người này không còn sự tự do lựa chọn nữa khi họ phải vâng lời Thiên Chúa? Không, họ đang sử dụng quyền tự do của mình, và kết quả của sự lựa chọn đó thật là mỹ mãn.
Thiên Chúa đặt ra hai tiêu chuẩn và ban cho loài người sự tự do lựa chọn, thậm chí Ngài còn không muốn chúng ta tin Ngài, theo Ngài như một con rô-bốt, mà Ngài muốn chúng ta tin và theo bằng tấm lòng và sự tự nguyện. Ngài đưa ra hai con đường để cho loài người lựa chọn, nẽo dẫn đến sự sống đời đời và nẽo dẫn đến sự chết đời đời đời. Thậm chí Chúa còn báo trước nẽo dẫn đến sự sống đời đời là khó khăn trắc trở, đường hẹp ít người vào. Vậy thì quá rõ ràng người lựa chọn không hề mất sự tự do. Cũng giống như một người lái xe đến ngã ba đường, có tấm bản chỉ đường và cho biết rẽ phải thì đi qua cây cầu và đến nơi đẹp đẽ, rẽ trái thì vào đường cụt và vực sâu. Không ai ép người lái xe đó phải đi đường nào, mà họ tự do lựa chọn. Và đương nhiên người lái xe đó tin vào cái bản chỉ đường đó thì mới đi. Cũng vậy, trong Chúa, tin vào Chúa thì mới chọn vâng lời Ngài.
Bấy nhiêu đó đã đủ cho chúng ta thấy sự vâng lời trong Chúa nhìn qua tưởng chừng như bị mất sự tự do, nhưng không phải vậy, và đó là một sự mầu nhiệm. Người ngoài Chúa sẽ không hiểu được điều này. Bởi người ngoài Chúa họ đôi khi vâng nhưng không phục, họ vâng lời vì bị ép buộc, cưỡng chế hay cấm đoán nhưng lòng họ thì tức tối và bực dọc, họ làm trong sự mệt mỏi, chán nản hoặc là họ không còn cách nào khác để chọn lựa. Đó là “Mất Đi Sự Tự Do Lựa Chọn.”
Liên kết đến bức thư Phao-lô gửi cho Phi-lê-môn về việc tiếp nhận lại Ô-nê-sim, chúng ta chỉ có thể đọc được bức thư này từ phía của Phao-lô, trong sách này cũng không có ghi lại hồi đáp của Phi-lê-môn là sẽ nhận hay không nhận Ô-nê-sim theo như lời nài xin của Phao-lô.
Nhưng dựa theo câu Phao-lô viết: “Vững tin nơi sự hay vâng lời của anh, tôi viết cho anh, biết rằng anh sẽ làm quá điều tôi nói.” Thì có thể Phi-lê-môn sẽ tiếp nhận lại Ô-nê-sim vì sự “hay vâng lời” của Phi-lê-môn. Sự hay vâng lời này là sự tự nguyện và vui thỏa, nên Phao-lô tin tưởng và gửi gắm Ô-nê-sim cho Phi-lê-môn. Phi-lê-môn hoàn toàn có thể lựa chọn không tiếp nhận lại Ô-nê-sim, nhưng tôi tin Phi-lê-môn sẽ tiếp nhận theo như lời nài xin của Phao-lô không phải vì Phi-lê-môn đã không còn tự do lựa chọn hay là vì cả nể Phao-lô, mà là sự “hay vâng lời của ông” vì sự kính sợ Chúa của ông và lòng yêu thương anh em cùng Cha. Điều đó sẽ khiến Phi-lê-môn hoàn toàn tha thứ hết những lỗi lầm của Ô-nê-sim mà vui mừng tiếp nhận lại Ô-nê-sim.
Kết luận: Sự vâng lời trong Chúa không làm mất đi sự tự do lựa chọn. Mà là sự tự do lựa chọn đúng đắn và khôn ngoan nhất.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Nguyễn Thị Thùy Linh
4/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Trinh
Anh chị em thân mến,
Thư Phi-lê-môn là một bức thư nói về việc cá nhân mà không phải là vấn đề phạm tội hay vấn đề của Hội Thánh.
Thư này do Phao-lô viết gửi cho Phi-lê-môn, một người con trong đức tin của Phao-lô, để mong Phi-lê-môn tiếp nhận lại Ô-nê-sim là người nô lệ của Phi-lê-môn đã trốn đi. Ô-nê-sim trốn từ thành Cô-lô-se chạy đến La-mã, bằng một cách nào đó Ô-nê-sim tại La-mã đã nghe biết được Tin Lành qua Phao-lô và tin nhận Tin Lành, và hiện nay trở thành người anh em cùng đức tin với Phi-lê-môn.
Qua bức thư mà Phao-lô viết, chúng ta biết được tình yêu thương và đức tin của Phi-lê-môn đối cùng anh chị em trong Hội Thánh. Đặc biệt qua câu 21 này chúng ta biết Phi-lê-môn còn là một người hay vâng lời. Dù trong thư cũng như trong toàn Thánh Kinh thì không có chi tiết nào cho chúng ta biết rằng: “Phi-lê-môn có vâng lời mà tiếp nhận lại Ô-nê-sim hay không?” Nhưng có thể Phi-lê-môn sẽ vâng lời.
Với chủ đề của tuần này: “Phải Chăng Sự Vâng Lời Làm Mất Đi Sự Tự Do Lựa Chọn?” gợi ra cho chúng ta suy nghĩ: Phải chăng đối với những người thường “hay vâng lời” thì họ bị mất đi sự tự do lựa chọn?
Chúng ta biết được rằng, Chúa ban cho loài người quyền tự do lựa chọn trong mọi việc. Chính Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng mà Ngài còn không dùng quyền năng của Ngài để ép buộc loài người phải đầu phục Ngài, nên chắc chắn quyền tự do lựa chọn của mỗi cá nhân sẽ không bao giờ bị mất đi. Vấn đề còn lại là, một sự lựa chọn của một người đã được làm ra trong sự vui lòng, tình nguyện hay vì ép buộc, vì áp lực?
Đối với những người “hay vâng lời” các bậc có quyền mà Chúa đã đặt để lên trên mình, thì chắc chắc những người như vậy luôn có sự hiểu biết thánh ý Chúa, biết phân định điều gì đúng điều gì sai để trong mọi sự vâng lời đều không gây ra tội lỗi. Tuy nhiên, rất nhiều việc không phải là tội lỗi, nó chỉ là một sự lựa chọn của cá nhân mà chọn thế nào cũng là không phạm tội. Như việc của Phi-lê-môn có chọn tiếp nhận lại Ô-nê-sim hay không đều không vi phạm điều nào trong Mười Điều Răn Của Đức Chúa Trời. Qua lời Phao-lô nói ở câu 14 thì đây là việc lành mà ông mong muốn Phi-lê-môn bởi lòng thành mà làm ra cho ông. Vậy, tại sao Phi-lê-môn phải vâng lời Phao-lô trong việc này?
Đọc lại toàn bộ bức thư này kèm với lời chú giải của người chăn, chúng ta thấy được tình yêu của Phao-lô dành cho Ô-nê-sim là rất lớn. Ông nói về Ô-nê-sim với câu: “Người như lòng dạ tôi vậy”, mà câu này qua sự chú giải của người chăn thì đây là một thành ngữ, có nghĩa là: Xin hãy đối xử với người ấy như là với chính tôi! Và ý nghĩa sâu xa là: Tất cả những gì tốt lành của tôi, xin hãy kể cho người ấy, và tất cả những gì xấu xa của người ấy, xin hãy kể cho tôi!”
Rồi xuống câu 17-18 Phao-lô còn nói với Phi-lê-môn rằng:
“Vậy, nếu anh xem tôi là người đồng công, thì hãy nhận lấy người như chính mình tôi vậy. Nếu như người có lỗi đối với anh hoặc mắc nợ anh điều gì, thì hãy cứ kể cho tôi.”
Còn tình yêu nào lớn hơn sự này? Tình yêu mà qua những lời này thì chúng ta nhận thấy Phao-lô có thể sẵn sàng hi sinh chính mạng sống mình vì Ô-nê-sim, đây là tình yêu đạt đến mức độ cao nhất như lời Đức Chúa Jesus từng nói:
“Chẳng ai có tình yêu nào lớn hơn điều này, ấy là một người phó sự sống của mình cho các bạn hữu của mình.” (Giăng 15:13).
Qua sự bày tỏ về tình yêu của mình đối với Ô-nê-sim như vậy, Phao-lô mong muốn Phi-lê-môn trong mối thông công cùng một Đức Thánh Linh mà hiểu rõ, Ô-nê-sim nay đã được trở nên một con người mới, một con người mà chính Phao-lô đã sẵn sàng hi sinh vì người đó. Vậy thì Phi-lê-môn có thật quý mến Phao-lô như thế nào thì cũng hãy quý mến Ô-nê-sim như vậy.
Còn đối với Phi-lê-môn, dù biết ông là người “hay vâng lời” nhưng Phao-lô vẫn luôn dành sự tôn trọng và yêu thương đối với Phi-lê-môn qua sự ông nài xin Phi-lê-môn, thay vì truyền dạy để buộc Phi-lê-môn phải làm theo điều mà ông biết là tốt lành, mặc dù Phao-lô có quyền làm như thế.
Thật như lời người chăn giải thích: Phao-lô đứng ở vị trí là người trung gian, ông đứng ra xin lỗi và chịu nhận mọi trách nhiệm đền bù về những lỗi lầm mà Ô-nê-sim đã gây ra cho Phi-lê-môn. Hình ảnh này giúp chúng ta nhớ đến Đấng Trung Bảo giữa chúng ta và Đức Chúa Trời đó chính là Đức Chúa Jesus Christ, qua Ngài mà nay chúng ta được phục hòa lại với Đức Chúa Trời và phục hòa với nhau trong mối quan hệ giữa người với người đúng nghĩa mà Chúa muốn.
Ngày nay mọi việc của con dân Chúa đều được làm ra trong danh Chúa, làm là làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người. Vậy thì, khi chúng ta lựa chọn vâng lời trong một sự tự do lựa chọn mà không liên quan đến tội lỗi nào đó, thì chúng ta nên tự đặt những câu hỏi này:
Có phải chúng ta chọn vâng lời là vì chúng ta yêu Chúa, yêu anh chị em cùng Cha của mình?
Điều gì khiến chúng ta không vâng lời, là vì Chúa, vì Hội Thánh hay là vì chính chúng ta mà chúng ta lại không vâng lời như vậy?
Còn việc cảm xúc xác thịt hay sở thích cá nhân của mỗi người khiến cho người đó gặp trở ngại trong sự vâng lời, có nghĩa là lý trí người đó muốn vâng lời nhưng cảm xúc thì lại không vui, không hoàn toàn thỏa lòng, thì đó thật sự là vấn đề cá nhân của một người với Chúa. Như chính Chúa không bao giờ ép buộc chúng ta, hay Phao-lô trong thư này cũng thật không có ý ép buộc Phi-lê-môn, nhưng nếu chọn vâng lời thì chúng ta đã chọn lựa được điều tốt hơn là không vâng lời. Hay kể cả việc liên quan đến tội lỗi cũng vậy, vâng phục Chúa thì được cứu rỗi, được sự sống đời đời; không vâng phục thì bị hư mất và nhận lấy sự chết đời đời. Mỗi sự lựa chọn đều sẽ có kết quả hoặc hậu quả mà mỗi cá nhân phải tự mình gánh lấy, không ai chịu thay ai được.
Vậy thì tại sao chúng ta biết run sợ để làm ra những quyết định mang đến ích lợi cho chính cá nhân mình, mà mình lại không thể vì yêu mà làm ra những quyết định mang đến ích lợi cho Chúa, cho anh chị em cùng Cha? Cầu xin Thiên Chúa của tình yêu thương luôn ngự trị nơi tấm lòng của con dân Ngài, để tình yêu của Ngài luôn đầy trọn, tràn ra từ tấm lòng của những ai thật sự hiểu biết, gần gũi và yêu kính Ngài trong mối tương giao mật thiết giữa cá nhân người đó với Ngài.
Vậy, quyền tự do lựa chọn không bị mất đi với những người “hay vâng lời”, nhưng người “hay vâng lời” luôn cần cầu nguyện để xin cho mọi sự vâng lời của mình đều là bởi lòng thành chứ không phải vì ép buộc. Đó là tấm lòng thật sự vui mừng, thỏa nguyện trong sự vâng lời của mình. Có như vậy thì sự vâng lời đó mới được Chúa ghi nhận.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Nguyễn Thị Trinh