Đức Tin của Người Đàn Bà Ở Su-nem

969 lượt xem

Chủ đề: Đức Tin của Người Đàn Bà Ở Su-nem

Câu gốc:
“Vậy, hãy chạy đi đón nàng, và hỏi nàng rằng: Mọi sự đều bình an chăng? Chồng và con ngươi bình an chăng? Nàng đáp: Bình an.” (II Các Vua 4:26).

Thánh Kinh tham khảo: II Các Vua 4:8-37

1/ Bài Suy Ngẫm của Đồng Thị Nghĩa

Kính chào các anh chị em Thanh Niên!

Thực ra sau khi đọc câu gốc và đoạn Thánh Kinh của tuần này nhiều lần, tôi vẫn nghĩ rằng: Sở dĩ người đàn bà Su-nem trả lời Tiên Tri Ê-li-sê rằng “Bình an” là vì đối với một người tin kính Chúa như bà, thì dù hoàn cảnh có xảy ra chuyện gì thì đối với bà đó vẫn là sự bình an, và lòng bà dù đau đớn về sự con bị chết nhưng bên cạnh đó bà vẫn có sự bình an. Nhưng qua sự giải thích của chú Tim mà Việt Thành đã đăng trên nhóm Thanh Niên, qua sự giải thích thêm của Việt Thành, rồi tôi đọc và suy nghĩ lại, tôi mới hiểu rằng khi bà trả lời “Bình an” là bà đang nói về hoàn cảnh của chồng và con bà. Mặc dù con bà đã chết nhưng bà tin rằng Chúa sẽ khiến nó sống lại, nên đối với bà thì đứa trẻ vẫn bình an.

Tôi thấy thật khó để hiểu được vì sao bà lại có một đức tin mạnh mẽ đến như vậy. Đến nỗi tin chắc rằng con mình sẽ được Chúa khiến cho sống lại. Khi đọc những câu chuyện về những tấm gương đức tin, tôi nghĩ chúng ta cũng thường mong ước mình cũng có được đức tin mạnh mẽ như thế. Nhưng thực sự đó sẽ chỉ là mong ước viển vông nếu chúng ta không làm gì cả mà chỉ ngồi đó ước. Bởi vì đức tin không phải là một thứ tự nhiên ở đâu vô tình rớt vào lòng chúng ta hoặc ai đó. Lời Chúa có chép trong Rô-ma 1:17:

“…sự công chính của Thiên Chúa được bày tỏ từ đức tin đến đức tin, như có chép rằng: Người công chính sẽ sống bởi đức tin.”

Như vậy, đức tin sẽ dẫn tới đức tin. Khởi đầu đức tin của chúng ta là ăn năn tội và tin vào sự chết chuộc tội của Chúa Jesus. Khi đã bắt đầu có đức tin, chúng ta cần phải xây dựng nó bằng cách học biết điều gì trong Lời của Chúa thì chúng ta phải tin và sống theo điều ấy rồi đức tin của chúng ta mới được thêm lên. Cứ như vậy, hiểu biết Lời Chúa tới đâu thì tin cậy và làm theo tới đó thì Chúa mới ban thêm đức tin cho chúng ta.

Lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 12:8-9 có chép:

“Thực tế, người thì được ban cho bởi Đấng Thần Linh lời nói của sự khôn sáng; nhưng người khác được ban cho lời nói của sự hiểu biết bởi cùng Đấng Thần Linh. Người khác được ban cho đức tin bởi cùng Đấng Thần Linh…”

Như vậy, đức tin là một trong những ân tứ Chúa ban, không phải chúng ta muốn là có. Nhưng sự ban cho ấy dựa trên sự tin cậy và vâng lời của chúng ta đối với Ngài. Vậy để có đức tin lớn, chúng ta cần phải duy trì việc tin cậy và sống theo Lời Chúa mỗi ngày.

Ví dụ: Lời Chúa dạy trong Ma-thi-ơ 6:31-32:

“Vậy, các ngươi chớ lo lắng, nói: Chúng ta sẽ ăn gì? Hoặc chúng ta sẽ uống gì? Hoặc chúng ta sẽ mặc gì? Vì các dân ngoại tìm kiếm tất cả những sự đó. Vì Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời, đã biết rằng, các ngươi cần hết thảy những sự đó.”

Thế thì dù khi chúng ta rơi vào hoàn cảnh hết tiền mà không biết ngày mai mình sẽ phải chi tiêu bằng cái gì thì chúng ta cũng chỉ cần làm theo Lời Ngài là “không lo lắng”, với đức tin rằng Ngài biết hết những nhu cầu của mình và sẽ chăm sóc mình, tin rằng “mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời”.

Nhìn vào đời sống của người đàn bà Su-nem, chúng ta càng thấy rõ, đức tin của bà không phải tự nhiên mà có, nhưng nó xuất phát từ nếp sống của bà, bà rõ ràng đang sống một nếp sống đẹp lòng Chúa, sống theo điều răn luật pháp của Ngài. Tôi xin nêu lên vài điểm chính:

1/ Hiếu khách, sẵn sàng đón tiếp khách lạ.

Tôi nghĩ lần đầu mà bà giữ Tiên Tri Ê-li-sê ở lại dùng bữa thì lúc ấy bà chưa nhận biết ông là người thánh của Chúa, bà đón tiếp ông như những người khách lạ qua đường cần nơi trú chân nghỉ ngơi dùng bữa. Có thể bà gặp ông ở ngoài và mời về hoặc có thể khi ông Ê-li-sê đi đến thành Su-nem, được nghe người khác chỉ dẫn rằng gia đình bà có lòng rộng rãi tiếp đón khách lạ nên ông ghé tới và được bà giữ lại.

2/ Kính trọng người của Chúa.

Sau một số lần Tiên Tri Ê-li-sê ghé thăm ở lại nhà bà thì bà đã nhận biết ông là người thánh của Chúa. Như bà có nói với chồng rằng: “Tôi biết rằng người thường đến nhà chúng ta đây, là một người thánh của Thiên Chúa.”

Khi nhận biết được ông là người thánh của Chúa thì bà đã xây riêng một căn phòng và sắp đặt những thứ cần dùng cho ông.

3/ Tôn trọng chồng.

Bà hỏi xin ý kiến của chồng trước khi làm việc (xây phòng cho người của Chúa), ngay kể cả việc cắt cử một tôi tớ đi theo mình khi có việc.

4/ Giàu có nhưng không xa hoa lãng phí.

Mặc dù tôn trọng người của Chúa và làm riêng một phòng để ông có nơi nghỉ ngơi riêng tư, nhưng tôi thấy bà chỉ sắp đặt trong phòng những vật dụng cần thiết và đủ dùng là: một giường, một bàn, một ghế và một đèn. Thực ra lâu lâu ông Ê-li-sê mới ghé lại và chắc chỉ ở lại một ngày, hai ngày nên vậy là đủ.

5/ Làm việc xuất phát từ tấm lòng yêu thương và kính trọng người của Chúa, kính sợ Chúa, không đòi hỏi phải thu lại được điều gì.

Khi bà làm một phòng cho người của Chúa nghỉ thì bà chỉ làm vì quan tâm tôn trọng người của Chúa, không phải làm để rồi yêu cầu ông Ê-li-sê hãy đáp ứng cho bà điều gì. Do đó khi ông Ê-li-sê hỏi xem bà muốn ông làm điều gì để đền đáp lại tấm lòng của bà thì bà không có yêu cầu gì cả.

Cảm tạ Chúa về tấm gương đức tin, tấm gương sống theo luật pháp của Chúa của người đàn bà Su-nem. Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta có Lời của Ngài, là một tiêu chuẩn thánh để chúng ta vâng theo! Nguyện mỗi ngày còn lại trên đất chúng ta cứ sống vâng theo những sự dạy dỗ của Chúa để ngày càng được thêm lên đức tin, nhờ đó mà càng được kinh nghiệm những phép lạ của Chúa làm ra trên đời sống của mình!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Đồng Thị Nghĩa

2/ Bài Suy Ngẫm của Huỳnh Thị Anh

Một người cảm thấy bình an là khi nào?

Một người thật sự bình an khi người đó hoàn toàn tin vào lời của Chúa.

Ở đây, người phụ nữ Su-nem được kể là người phụ nữ giàu. Nàng giúp đỡ và tiếp đón người của Thiên Chúa. Nàng xây một căn phòng trên cao và đặt trong đó những sự cần dùng bên trong căn phòng để khi người của Thiên Chúa đi ngang ghé vào nghỉ ngơi.

Nàng không ham mến quyền thế, nàng từ chối lời đề nghị giúp đỡ có thể đem đến cho nàng một địa vị nào đó từ nhà vua hoặc với quan tổng binh, nàng muốn sống giữa dân sự.

Dường như nàng đã an phận về việc mình không có con trai khi chồng nàng đã già. Khi nghe người của Thiên Chúa nói:

“Năm tới trong lúc này, ngươi sẽ ẵm một đứa con trai. Nàng thưa rằng: Hỡi Chúa tôi, là người của Đức Chúa Trời! Xin chớ nói dối cùng tớ gái của chúa.” (II Các Vua 4:16).

Nàng không dám tin vào điều mình đã nghe.

Thật vậy, trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, có những việc xảy đến cho chúng ta một cách bất ngờ. Chúng ta không dám tin vào điều đó nhưng đó là sự thật. Vì với loài người thì không thể. Nhưng với một Thiên Chúa Toàn Năng thì có thể. Vì không có việc gì Đức Chúa Trời không làm được.

“Lời phán của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Vì những ý tưởng của Ta chẳng phải những ý tưởng của các ngươi, những đường lối của các ngươi chẳng phải những đường lối của Ta.” ( Ê-sai 55:8).

Nàng đã được Đức Chúa Trời ban cho một đứa con trai y như lời tiên tri Ê-li-sê đã nói.

Nàng có lẽ rất vui mừng và hạnh phúc chào đón đứa con trai này. Nhưng khi đứa trẻ lớn lên, một ngày kia đứa con trai yêu dấu của nàng chết trên đầu gối của nàng.

Thật cay đắng đúng không ạ? Thật sự rất cay đắng, chẳng thà Chúa đừng cho nàng một đứa con trai thì nàng không phải cay đắng như thế này đâu. Nàng đã hỏi tiên tri Ê-li-sê theo kiểu nàng bắt đền ông và nàng quyết không rời khỏi ông cho đến khi con trai nàng được sống lại.

“Người đàn bà ấy nói rằng: Tôi có cầu chúa một đứa con trai sao? Tôi chẳng có nói với chúa rằng: Xin chớ dối tôi, sao? Người mẹ của đứa trẻ nói rằng: Tôi chỉ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Hằng Sống, và chỉ mạng sống của ông mà thề, tôi chẳng hề lìa khỏi ông! Ê-li-sê trỗi dậy, và đi theo người.” (II Các Vua 4:28, 30).

Cay đắng là vậy, nhưng nàng đã để trong lòng, nàng không để cảm xúc làm chủ mình. Nàng bình tĩnh đặt đứa con trai đã chết nằm trên giường trong phòng của tiên tri Ê-li-sê, mọi việc như không có gì, nàng đã giữ sự bình an cho chồng, con và những người xung quanh. Nàng đi tìm người của Đức Chúa Trời, khi được hỏi:

“Mọi sự đều bình an chăng? Chồng và con ngươi bình an chăng? Nàng đáp: Bình an.” (II Các Vua 4:26b).

Nàng tin Đức Chúa Trời có quyền ban cho và cũng có quyền cất đi. Đức Chúa Trời có quyền làm cho chết và cũng có quyền làm cho sống lại.

Tôi thấy được một lẽ thật như thế này:

Khi chúng ta trông mong một điều gì đó nhưng không được. Thường thì mình sẽ an phận với sự không được đó. Rồi một hôm có ai đó đem đến cho mình hy vọng, cho mình có được điều mình ao ước. Đang có được điều mình ao ước đó thì người đó lại lấy đi. Mình sẽ cảm thấy hụt hẫng, thất vọng, chán nãn, mất niềm tin.

Vì vậy Chúa muốn chúng ta:

“Hãy ngưng trông cậy nơi loài người, là loài có hơi thở trong lỗ mũi; vì nó có gì đáng kể?” (Ê-sai 2:22).

Nhưng hãy trông cậy nơi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu:

“Hỡi các người trông cậy nơi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, hãy vững lòng bền chí” (Thi Thiên 31:24).

Vậy nên, khi chúng ta phó thác mọi sự cho Chúa, chúng ta luôn tin chắc rằng: Tất cả mọi việc xảy ra đều theo ý muốn tốt lành của Chúa. Chúng ta tin rằng Chúa muốn thử thách chúng ta, xem chúng ta có thật đã yêu Chúa trên hết mọi sự chưa? Chúng ta có sẵn sàng bỏ đi những thứ mà chúng ta yêu quý không?

Khi chúng ta yêu Chúa trên hết mọi sự, chúng ta sẽ làm chủ được cảm xúc, dễ dàng buông bỏ những thứ không thuộc về mình. Lúc bấy giờ, Chúa sẽ ban cho chúng ta điều tốt hơn điều mà chúng ta ao ước. Ở đây Đức Chúa Trời đã thử thách đức tin của người đàn bà Su-nem. Và nàng đã chiến thắng thử thách, vượt qua chính mình, hành xử một cách bình tĩnh và khôn sáng, đem lại sự bình an cho chồng và những người xung quanh.

Kết quả là bà được lại con trai của mình như lòng bà mong muốn.

Tôi học được ở bà tấm lòng yêu kính Chúa trên hết mọi sự, học được sự nhẫn nại và chờ đợi, học được ở bà đức tin đơn sơ, mạnh mẽ, học được ở bà tấm lòng hiếu khách, tận tâm với anh chị em cùng đức tin của mình, sẵn sàng giúp đỡ, chu cấp mọi sự cần dùng cho tôi tớ Chúa. Vì Chúa dạy:

Ban cho có phước hơn nhận lãnh.

Trước đây, khi còn sống trong dư dật về vật chất tôi chưa hiểu đúng ý nghĩa của câu này. Cảm tạ Chúa, sau khi trải nghiệm cuộc sống đủ ăn, đủ mặc tôi càng hiểu ra: Trong hoàn cảnh như thế này mà mình cũng còn có cái để cho đi thì mình có phước quá rồi. Mặc dù cái mình có để cho đi không đáng gì, nhưng chỉ cần mình vẫn còn có cái để cho thì tôi thấy mình thật phước hạnh.

Sức khỏe cũng vậy, chúng ta không thể cho ai đó sức khỏe được, đúng không ạ? Nhưng khi xung quanh mình ai cũng bệnh, mình vẫn khỏe, mình có thể chăm sóc được cho người khác. Vậy là mình có phước hơn rồi. Mình không cho ai sức khỏe cũng như mình không thể gánh chịu nổi đau trên thân thể xác thịt của người khác. Nhưng mình có thể cho người khác thời gian của mình, công sức của mình bằng cách mình hết lòng chăm sóc anh chị em mình, làm giúp anh chị em mình những gì anh chị em mình không thể làm được trong lúc này. Và đó là những việc lành mà Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta làm theo. Tôi lại thấy Chúa ban thêm một ơn phước nữa.

“Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Bởi đức tin, tôi đã bước đi theo Chúa, cũng bởi đức tin tôi được vui thỏa trong ơn phước của Ngài. Bởi đức tin mọi buồn đau trong tôi đều tan biến, bởi đức tin phước hạnh đã theo tôi.

Tôi xin kết thúc bài chia sẻ của mình với câu Thánh Kinh:

“Này, linh hồn của kẻ tự cao không có sự ngay thẳng. Nhưng người công chính thì sống bởi đức tin của mình.” (Ha-ba-cúc 2:4).

Nguyện xin Đức Chúa Trời Bình An ở cùng hết thảy anh chị em chúng ta. Nguyện xin mỗi người chúng ta cứ đứng vững trong ơn yêu thương của Ngài. Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Huynh Christian Anh

3/ Bài Suy Ngẫm của Annie Lê

Bối cảnh:

  • Thánh Kinh không cho biết tên riêng của bà là gì và gọi bà là người đàn bà ở xứ Su-nem. Khi bà nhận biết tiên tri Ê-li-sê là người của Đức Chúa Trời thì bà đã có một lòng đón tiếp tiên tri Ê-li-sê, bà có ý định và bàn với chồng xây một chỗ ở dành riêng cho ông tiên tri ở nhà bà.
  • Thiên Chúa đoái thương hoàn cảnh chồng bà đã già mà hai người không có con trai, và Ngài sau đó ban cho bà một đứa con trai, là điều bà ao ước bấy lâu. Khi đứa trẻ lớn lên thì nó bị đau và chết. Người đàn bà này chạy đi tìm tiên tri Ê-li-sê với một đức tin rằng Đức Chúa Trời thành tín, đã hứa ban cho bà đứa con thì sẽ chẳng dối bà. Nhờ vậy, đứa con của bà đã được sống lại qua tiên tri Ê-li-sê.

Suy ngẫm:

  • Khi người tôi tớ của tiên tri Ê-li-sê ra đón bà lúc bà đi tìm ông Ê-li-sê thì đã hỏi: “Mọi sự đều bình an chăng? Chồng và con ngươi bình an chăng? Nàng đáp: Bình an.”
  • Người đàn bà Su-nêm làm tôi kinh ngạc vì đứa con yêu dấu của bà mới mất mà bà có thể nói “mọi sự đều bình an” sao? Bà đang trả lời về sự bình an nào? Điều gì đã giúp bà bình an trong những hoàn cảnh khó khăn như là con trai chết?
  • Chúng ta thấy ban đầu người đàn bà này mới gặp ông Ê-li-sê thì bà đã nhận biết ông là người thánh của Chúa và sau đó bà đã rất có tấm lòng hiếu khách. Vì điều này mà tiên tri Ê-li-sê muốn đền đáp lại cho bà qua việc sẽ nói giùm với vua và quan tổng binh. Nhưng đó không phải điều bà cần, vì điều bà làm xuất phát từ tấm lòng của bà mà thôi. Nhưng rồi bà lại nhận được điều lòng bà mong muốn hơn hết, đó là khi tiên tri Ê-li-sê nói với bà rằng: bà sẽ có con trai trong năm đến. Bà đã có lòng tin cậy vào điều ông nói và bà đã nhận được điều lòng bà mong muốn là đứa con trai.
  • Qua đây ta thấy bà là người có sự yêu kính và đức tin vào Chúa, bà đón tiếp người của Chúa không phải vì để nhận lại được lợi ích riêng mình. Cũng như bà có lòng tin cậy Chúa qua lời của tiên tri Ê-li-sê.
  • Bà nhận biết đứa con trai đến từ sự ban cho của Chúa. Chúa đã thành tín và ban cho bà có con trai. Và khi Chúa cất đứa con đi thì bà nhận biết Chúa vẫn thành tín và Ngài có lý do để việc này xảy đến. Bà đã không vội báo tin cho chồng về cái chết của đứa con, mà bà đã đi tìm gặp ông Ê-li-sê để nài ông đến gặp đứa con để cứu nó, vì bà tin rằng Chúa đã ban cho bà có con thì Ngài sẽ thành tín với điều đó. Dù về tình cảm thì lòng bà cũng rất đau buồn và thương nhớ đứa con trai khi nó chết. Sự cay đắng trong lòng bà là điều tự nhiên của một người khi mất đi người thân.
  • Vậy thì bà trả lời: “Mọi sự đều bình an” như là một sự tin cậy rằng dù hoàn cảnh xảy đến với bà ra sao thì cũng luôn nằm trong sự cho phép của Chúa. Tôi nghĩ sự việc này xảy đến như là một thử thách với bà, qua đó thể hiện trọn vẹn đức tin của bà vào Chúa, giúp cho bà vững vàng và bình an trước nghịch cảnh bên ngoài.

Bài học:

Trong Thánh Kinh có rất nhiều lời hứa từ Chúa. Như là:

  • Chúa hứa sẽ ban sự sống đời đời cho những ai tiếp nhận Ngài.

“Vì Ðức Chúa Trời đã yêu thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nơi Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 3:16)..

  • Chúa hứa sẽ mang mọi gánh nặng cho những người tin Ngài

“Hãy đến với Ta! Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng! Ta sẽ cho các ngươi sự yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:28).

  • Chúa hứa sẽ thành tín tha tội cho những ai thật lòng ăn năn tội.

“Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.” (I Giăng 1:9).

  • Chúa hứa sẽ không để sự thử thách không vượt quá sự chịu đựng.

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

  • Chúa có nhiều lời hứa cho con dân của Ngài nhưng mỗi chúng ta có đủ đức tin và sự tin cậy vào Chúa để những lời hứa của Ngài được hiện thực trong đời sống của chúng ta hay không. Nguyện kính xin Chúa ban cho chúng con có sự bình an đời đời của Ngài, để chúng con luôn tin cậy vào mỗi sự việc Ngài cho phép xảy đến trên chúng con với lòng biết ơn và trông cậy. Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Annie Lê

4/ Bài Suy Ngẫm của Lâm Việt Thành

Trong câu chuyện này, chúng ta thấy một người kính sợ Đức Chúa Trời thì họ sẽ họ đối xử với tôi tớ của Ngài như thế nào. Chúng ta thấy bà đã rất chu đáo, rất có tấm lòng. Chính tấm lòng đó của bà đã được đền đáp bằng đứa con mà có lẽ bà đã mong ước bao năm nhưng đã dần tuyệt vọng khi chồng mình đã già. Việc bà chưa có con có lẽ cũng là một thử thách đối với bà.

Khi có được điều đó thì biến cố lại xảy đến, điều được ban cho bà đó bỗng nhiên bị mất đi nhưng bởi đức tin bà đã không hoảng loạn, không một lời trách móc, than phiền hay rủa sả, bà đã bình tĩnh đi tìm Ê-li-sê. Bà đã chọn đi tìm tiên tri Ê-li-sê cũng như khi bà cầu xin ông đi cùng bà về. Chúng ta thấy được người có đức tin, có sự bình an thì hành động khôn sáng trong những lúc nghịch cảnh, hoạn nạn.

Trong câu chuyện này có nói về một gia đình mà gia đình này người nữ lại được làm nổi bật hơn người nam. Bà là người chủ động đề nghị chồng mình về các việc. Và câu chuyện này nói về đức tin của bà hơn chồng của bà.

Khi nhận được chủ đề của tuần này thì tôi cũng ngồi điểm lại các chủ đề mà chúng ta đã học thì tôi thấy các nhân vật chúng ta chọn học thì dường như là chúng ta chọn câu chuyện về người nữ nhiều hơn: Ru-tơ, Na-ô-mi, An-ne, Ma-ri, Ma-thê, bà tiên tri An-ne, Người Đàn Bà Ca-na-an, Ngụ Ngôn cũng là về Mười Người Nữ Đồng Trinh rồi bây giờ là Người Đàn Bà Su-nem. Họ là người nữ có đức tin, tài đức và tốt đẹp trong Chúa.

Khi nghĩ đến như vậy rồi nghĩ về sự người nữ là người phạm tội đầu tiên. Rồi lại nghĩ đến các người nữ tuyệt vời này và cả những người nữ thời kỳ Hội Thánh thì tôi cảm tạ ơn Chúa thật nhiều, tôi thấy sự thương xót của Chúa rất lớn. Cảm giác như là một người phạm tội nhưng đã được Chúa phục hồi vậy. Chỉ cần chúng ta thật lòng ăn năn, thật lòng tin cậy Chúa.

Người đàn bà ở Su-nem là tấm gương về lòng sốt sắng phục vụ người hầu việc Chúa, kính trọng con dân Chúa, cũng là tấm gương lớn về đức tin. Khi có đức tin chúng ta sẽ hành động bởi sự dẫn dắt của Chúa và được xem là sống đẹp ý Chúa.

Chúng ta cũng thấy được Chúa rất công bình, Ngài báo trả cho mỗi người tùy theo việc họ làm. Ngài không tây vị ai.

Nguyện xin Chúa giúp cho chúng ta ghi nhớ và học theo những tấm gương tốt của người đàn bà Su-nem này. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Lâm Việt Thành

Để lại một bình luận