Chúa Jesus Chữa Lành Người Bệnh tại Ao Bê-tết-đa

513 lượt xem

Chủ đề: Chúa Jesus Chữa Lành Người Bệnh tại Ao Bê-tết-đa.

Link tải mp3: Bấm vào đây

Câu gốc:

Giăng 5:6-9
6 Đức Chúa Jesus thấy người ấy nằm, biết rằng, người ấy có bệnh đã lâu ngày. Ngài phán với người: Ngươi có muốn được lành chăng?
7 Người bệnh đáp lời Ngài: Lạy Chúa! Tôi chẳng có ai để quăng tôi xuống ao, trong khi nước bị khuấy động. Trong lúc tôi đến thì người khác đã xuống trước tôi rồi.
8 Đức Chúa Jesus phán với người: Hãy đứng dậy! Hãy vác giường của ngươi và đi!
9 Tức thì người ấy được lành, vác giường của mình và đi. Bấy giờ là ngày Sa-bát.

Thánh Kinh tham khảo: Giăng 5:1-9

1/ Bài Suy Ngẫm của Đồng Thị Nghĩa

Kính chào anh chị em trong Ban Thanh Niên cùng cô chú anh chị em trong Hội Thánh!

Cảm tạ Chúa cho tôi hôm nay được cùng học và chia sẻ bài học của mình với anh chị em.

Nguyện Chúa ban ơn càng thêm cho mỗi buổi học của chúng ta. Nguyện Lời Chúa thánh hóa và thêm sức, thêm đức tin cho chúng ta càng hơn, để chúng ta vững vàng trên con đường theo Chúa.

Tôi xin chia sẻ bài học của tôi về chủ đề tuần này:

Điều tôi ấn tượng nhiều ở đoạn Thánh Kinh tuần này là sự kiên nhẫn chờ đợi trong hy vọng của những người bên bờ ao Bê-tết-đa. Dù họ không biết khi nào thiên sứ sẽ giáng xuống, không biết nhiều người đang ở đó như vậy thì họ có thể xuống ao trước được không. Cơ hội rất hiếm hoi. Nhưng họ vẫn ở đó để chờ và hy vọng. 

Đối với họ, sự chờ đợi và hy vọng là có, nhưng thật không biết chắc họ có cơ hội được chữa lành không. Nhưng cảm tạ Chúa vì ngày nay chúng ta chờ đợi và hy vọng Chúa, dù không biết khi nào Ngài đến nhưng chúng ta biết chắc chúng ta sẽ được lên với Ngài nếu chúng ta vâng giữ Lời Ngài. Nguyện chúng ta cứ vâng Lời Chúa để nắm chắc kết quả phước hạnh cho mình.

Suy ngẫm về sự kiện thiên sứ giáng xuống ao và một người đầu tiên xuống ao được chữa lành. Tôi nghĩ đến sự tỉnh thức. Có lẽ trong những người đã được chữa lành không phải ai cũng là người ở gần ao hơn những người khác, nhưng chắc chắn họ có sự tỉnh thức.

Nếu một người không có được vị trí thuận lợi, không ở gần ao bằng người khác nhưng họ luôn tập trung, mắt thì luôn nhìn vào mặt nước ao còn tai thì lắng nghe, để khi nước chuyển động thì họ lập tức nhận ra ngay và hành động tức thời thì họ vẫn có thể có nhiều cơ hội hơn những người ở vị trí thuận lợi hơn. 

Có lẽ khi nước khuấy động sẽ phát ra âm thanh, nhưng không lớn. Người nào chờ đợi lâu mà mỏi mệt, ngủ quên hoặc mải nói chuyện, hay để tâm trí mải mê theo một sự vật hoặc một suy nghĩ nào đó, thì có thể sẽ không nghe được tiếng nước động, hoặc không nghe được ngay khi nó mới động. Như vậy hẳn họ chỉ có sự giật mình khi nghe tiếng ồn ào của mọi người xô xuống ao, cùng với tiếng kêu tiếc nuối của những người chậm chân. Và có tiếng reo vui của người được chữa lành, nếu tiếng đó không bị tiếng của đám đông át đi.

Tôi nghĩ mọi người bên bờ ao Bê-tết-đa luôn thường trực trong cảm giác mong ngóng, chờ đợi. Chắc chắn họ cũng phải ăn, uống, phải đi vệ sinh. Nhưng kể cả khi làm những điều đó họ cũng chờ đợi. Nếu phải đi vệ sinh thì khi ra, khi vào cũng vẫn chú ý về phía ao và họ cũng cố gắng nhanh chóng về lại chỗ mình.

Ngày nay con dân Chúa vẫn luôn có những nhu cầu tự nhiên trong đời sống cần giải quyết. Nhưng dù làm bất cứ điều gì: ăn, uống, làm việc, vui chơi… thì cũng cần phải luôn tỉnh thức, hướng lòng về sự đến của Chúa, luôn giữ cho mình làm mọi việc ấy theo cách đẹp lòng Chúa, sẵn sàng để Chúa cất lên bất kỳ lúc nào. Nếu có nan đề về thuộc linh thì cần nhanh chóng giải quyết dứt khoát.

Nếu không tỉnh thức thì khi chúng ta giật mình nhận ra Hội Thánh đã được cất lên, còn mình đã bị bỏ lại thì thật là xót xa vô cùng. Chúng ta chỉ còn ở lại với những tiếng kêu than rên siết của chính mình và người khác trong Kỳ Tận Thế; hoặc trong âm phủ, nếu chúng ta qua đời ngay lúc mình không tỉnh thức. Nguyện Chúa thương xót giúp sức và nguyện chúng ta hết sức tỉnh thức, giữ lấy mình để chúng ta không rơi vào hoàn cảnh đó.

Không biết một năm thiên sứ giáng xuống được mấy lần hay chỉ một lần hay là ít hơn nữa. Nhưng mỗi lần chỉ một người trong rất nhiều người được chữa lành. Có lẽ chúng ta đều cảm thấy như vậy thật ít quá. Tôi nghĩ đến việc số người được Chúa cất lên là rất ít so với số người đang ở trong thế gian tại thời điểm Chúa đến. Mong rằng chính mình tôi và các cô chú anh chị em sẽ ở trong số đó. 

Tôi biết rằng có nhiều điều mình sống khác biệt giữa thế gian này và không tránh khỏi bị người này, kẻ khác gièm chê. Nhưng điều khích lệ lòng tôi là mình không theo số đông và kết quả mình nhận được cũng không theo số đông. Và kết quả ấy là phước hạnh tuyệt vời.

Tôi nghĩ sự kiện lâu lâu thiên sứ giáng xuống ao và mỗi lần giúp một người được chữa lành, có lẽ là vì Chúa muốn dân I-sơ-ra-ên hiểu rằng sự thương xót của Chúa vẫn không dứt trên dân này. Có lẽ Ngài muốn khích lệ những người I-sơ-ra-ên tin kính Chúa. Và Ngài cũng muốn những người I-sơ-ra-ên chưa tin kính Chúa biết tìm kiếm Ngài.

Dù xét về số lượng, chúng ta thấy một người được chữa lành thật ít. Nhưng niềm vui của một người ấy chúng ta không hiểu được lớn thế nào. Quyền năng của Chúa đã thay đổi cuộc đời người ấy. Câm thành nói được, què thành đi được…

Tôi được khích lệ thêm trong việc tích cực dự phần trong các công việc của Hội Thánh và việc nói về Chúa cho người khác. Vì dù qua đó, chỉ một người được chữa lành thuộc linh thì điều ấy cũng rất quý và niềm vui của người ấy là quá lớn. Tôi được khích lệ rằng không nên nhìn vào số lượng ít mà nản lòng.

Tôi nghĩ đến sự khích lệ của Chúa qua những điều rất bé nhỏ trong cuộc sống của mình. Một sự ban ơn của Chúa cho mình nấu được một món ngon, sửa được một vật gì, hoặc Chúa ban cho mua được thứ rất phù hợp với nhu cầu… Tất cả những điều ấy nhìn thì rất nhỏ bé nhưng đem lại niềm vui lớn cho tôi. Tôi thấy mình cần biết ơn Chúa nhiều hơn, vì qua những điều bé nhỏ trong đời sống, Chúa đang muốn nói với tôi rằng Chúa yêu thương và quan tâm đến tôi.

Đọc Lời Chúa trong câu 6 Đức Chúa Jesus thấy người ấy nằm, biết rằng, người ấy có bệnh đã lâu ngày.” Tôi cảm nhận rằng khi Chúa nhìn ông thì Chúa nhìn hết lại những ngày tháng đã qua của ông, Chúa cảm nhận và thấu hiểu những sự khổ sở vì bệnh tật, cùng mỗi tâm tư nguyện vọng của ông những ngày đã qua, và lúc đó trong lòng Ngài tràn đầy sự thương xót ông. Ngài cũng biết ông có đức tin. Vì vậy Ngài đã đến hỏi ông, để ông có cơ hội bày tỏ niềm khao khát của mình với Ngài.

Nan đề của người bệnh mà chúng ta học tuần này thật lớn và cũng đã thật lâu, chính người ấy không giải quyết được và cũng không có ai giúp đỡ được, nhưng khi Chúa đến thì nan đề ấy ngay lập tức được giải quyết.

Tôi học được rằng, Chúa luôn đồng cảm và thấu hiểu từng hoàn cảnh, từng nỗi lòng của tôi. Tôi cần dâng trình mọi vấn đề của mình lên Chúa để được Ngài giúp đỡ. Và anh chị em trong Chúa có tình yêu của Chúa, vì vậy tôi không nên ngại, nếu có gì thì cũng mạnh dạn chia sẻ tâm tình với anh chị em mình để được nâng đỡ và khuyên nhủ. Không có nan đề nào là quá lớn với Chúa.

Tôi cũng học được rằng mình cần phải quan tâm giúp đỡ cho những nhu cầu, nan đề của mỗi anh chị em mình. Có thể làm gì thì làm, nếu không thì ít nhất là cầu thay cho anh chị em đó.

Tôi hiểu rằng người bệnh bên bờ ao Bê-tết-đa vốn có đức tin nơi Đức Chúa Trời, nhưng đã trải qua nhiều năm tháng, Chúa không dùng cách vùa giúp ông, khiến ông có thể xuống ao trước nhất để được chữa lành; mà Ngài chữa lành qua việc Chúa Jesus đến bên và chữa lành cho ông.

Qua câu trả lời của người ấy, tôi hiểu rằng người ấy cũng chỉ nghĩ đến việc được chữa lành phải qua việc xuống ao trước nhất. Tôi học được rằng Chúa là Đấng Toàn Năng, Ngài có rất nhiều cách để hành động, vì vậy trong mọi hoàn cảnh tôi chỉ cần tin cậy Chúa và chờ đợi Ngài. Mỗi ngày, đặt mình trước Chúa và trông đợi sự chăn dắt của Chúa đối với mình, như tác giả Thi Thiên đã viết:

“Buổi sáng Ngài sẽ nghe tiếng tôi! Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ôi! Buổi sáng tôi sẽ đặt mình trước Ngài và trông đợi.” (Thi Thiên 5:3). 

Cảm tạ Chúa về những sự ban ơn và dạy dỗ của Ngài trên tôi và các anh chị em! Nguyện Chúa giúp tôi làm được những điều tôi đã học được.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Đồng Thị Nghĩa
14/04/2023

2/ Bài Suy Ngẫm của Lâm Việt Thành

1/ Một đám đông ngồi chờ ao nước động. Cảnh này thật ảm đạm và đau buồn. Chúng ta có thể thấy nhu cầu của người bệnh là cần sự chữa lành, đi tìm sự chữa lành. Ở đây tôi suy ngẫm đến sự những người có bệnh về thuộc thể thì thường có nhu cầu được chữa lành nhiều hơn và có thể dễ nhận biết, nhưng bệnh thuộc linh thì khó nhận biết cũng như thấy nhu cầu được chữa lành ít. Nhưng ai có tấm lòng thì sẽ thấy được.

Điều đầu tiên chúng ta phải nhận ra mình. Sau mới biết là mình bất lực, không thể thay đổi. Mình mới nhờ cậy Chúa.

2/ Những người này trông chờ vào sự khuấy động của nước, cầu mong sự chữa lành thuộc thể mà còn kiên trì như vậy. Chúng ta là con dân Chúa, Chúa là Đấng Hằng Sống, Đấng Hay Thương Xót, Đấng Biết Lắng Nghe và cũng là Đấng Chữa Lành. Chúng ta hãy sốt sắng đến nhờ cậy, chờ đợi Ngài thay vì trông chờ vào những điều gì khác.

3/ Giữa những người bệnh tật như vậy, không ai có thể cứu được người bị bại này. Chỉ có Đấng Chữa Lành đến mới có thể cứu vớt. Tôi suy ngẫm đến chúng ta chọn môi trường sống. Chúng ta nên chọn và tìm đến với anh chị em mình, là những người có Chúa. Để khi có gì trắc trở thì có anh chị em giúp đỡ.

Đôi khi ở môi trường như vậy còn bị ảnh hưởng xấu. Bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu, bị xuống tinh thần, bị mất đức tin.

4/ Suy ngẫm về sự Chúa không chữa lành những người kia. Có thể Ngài không chữa lành những người kia vì họ không có tấm lòng, có thể Ngài chọn chữa cho ông vì ông có gì đó đặc biệt, cũng có thể là chưa đến thời điểm.

Chúng ta biết rằng, Ngài không để mình phải chờ lâu, có thể Ngài nghe lời kêu cầu là Ngài nhậm ngay nhưng đến thời điểm tốt nhất thì Ngài mới làm thành.

Suy ngẫm về người bị bại này, nếu trước đó ông được lành bằng cách nào đó thì sao ông kinh nghiệm được phép lạ của Chúa, sao ông có thể được biết Chúa, cũng có thể là ông sẽ quay trở lại phạm tội.

Đôi khi mình cầu xin Chúa điều gì thì Ngài nghe và nhậm rồi. Đến thời điểm tốt nhất Chúa sẽ ban cho mình. Trong thời gian chờ, mình xin Chúa ban ơn để mình bền lòng chờ.

Chúng ta không biết, trong những người đó, có bao nhiêu người không được chữa lành vẫn sẽ tin cậy Ngài? Ngày nay trong Hội Thánh, Chúa chữa lành người này, không chữa lành người kia, nếu mình là người chưa được chữa lành, vậy thì lòng mình lúc đó thế nào? Mình cần luôn tin cậy vào Chúa dù thế nào, biết rằng mọi sự Chúa ban cho mình là tốt nhất. Nếu mình không phạm tội.

5/ Người này đã vâng theo Lời Chúa. Có lẽ đó là lí do mà Chúa chữa lành cho anh ta. Mình cần xem lại đời sống mình, dọn mình thánh sạch, sẵn lòng vâng lời. Để được Chúa chọn trong số nhiều người.

6/ Một người bệnh bại như vậy, trong nhiều năm nằm một chỗ, dường như trong chương trình của Chúa Ngài đã định sẵn và cứu giúp ông như vậy. Ông vẫn có thức ăn trong nhiều năm, vẫn có thể sống được. Chúng ta thấy sự chăm sóc của Chúa đối với một người như vậy thì Ngài nay chúng ta là con dân Chúa thì Ngài còn chăm lo cho chúng ta như thế nào. Thế nên chúng ta nhớ Lời Chúa đừng lo tìm kiếm nhiều về những sự đó.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Lâm Việt Thành

3/ Bài Suy Ngẫm của Nhung Naomi

Em mến chào các anh chị em trong Hội Thánh!

“Cảm tạ Chúa đã ban cho con lời của Ngài để con được suy ngẫm và chia sẻ cùng Hội Thánh. Nguyện bài chia sẻ của con gây ích lợi và nâng thêm đức tin cho Hội Thánh.”

Em xin chia sẻ sự suy ngẫm của mình.

Khi suy ngẫm đến đoạn người đó bệnh đã 38 năm, đặt mình là người đó em thấy sự bất lực đến cùng cực, buồn, đau khổ. Biết bao nhiêu người qua lại ở đó, đâu ai có đủ sự thương xót để cứu người đó. Dù có ai đó muốn cứu cũng không có năng lực. Với mắt nhìn xác thịt của người ngoại, một người bị bệnh lâu năm như vậy, người bệnh đó được xem như là đã chết hết một nửa rồi, nhưng chỉ Chúa đến tìm và chữa lành cho người đó. Chúa làm phép lạ là vì Ngài yêu thương, Ngài thương xót người đó.

Suy ngẫm lại thì em cũng từng là một người có bệnh, cũng từng sống trong sự chờ mong, tìm kiếm sự bình an mà ngay lúc đó cũng không biết tìm ở nơi nào, ai sẽ ban sự bình an khoẻ mạnh cả thuộc thể lẫn thuộc linh cho em. Và rồi đến một ngày Chúa cũng đến và chữa lành cho em, để giờ đây không những em hết bệnh mà còn khoẻ mạnh và vui hưởng bình an trong ơn quan phòng của Chúa, vui hưởng phước hạnh bên anh chị và hai con của mình.

Khi suy ngẫm đến người đó bị bại 38 năm, em thấy là một thời gian rất dài nhưng người bại vẫn mong muốn được sống và người đó khi gặp Chúa thì đã có mong muốn được chữa lành rất lớn. Em liên tưởng đến thời đó đói khổ, mưa nắng lại nằm ở mái hiên mà người đó vẫn chờ đợi mong chờ phép lạ để được chữa lành.

Bài học em học được ngày nay: Em được Chúa ban ơn, được anh chị em giúp đỡ sống trong một hoàn cảnh tốt, không phải chịu cảnh mưa nắng như người bại đó thì em phải biết sống xứng đáng. Em cũng học được người bại đó cách kiên trì chờ đợi, nhẫn nại. Mọi nan đề kiên trì cầu nguyện dâng trình lên với Chúa và hiện tại với em là cách kiên trì dạy dỗ các con.

Ngài phán với người: “Ngươi có muốn được lành chăng?”. Theo em suy ngẫm đó là sự Chúa cho mỗi người được sự tự do lựa chọn. Ngày nay Chúa cũng ban cho mỗi chúng ta sự tự do lựa chọn. Chúng ta là những người được tin nhận Tin Lành, được Chúa cứu chữa bệnh thuộc linh cho mình, chúng ta được Chúa ban cho lời hứa được sống trong vương quốc đời đời và cai trị vương quốc cùng Ngài, chúng ta đang được nếm trải ân điển ơn phước mà Chúa ban trong đời sống. Vậy thì, chúng ta sẽ chọn tin kính Chúa, chọn một đời sống đi ngược lại với thế gian, hay sẽ vì sự ích kỉ của bản thân mình, chọn xa cách Chúa, lựa chọn thờ thần tôi, lựa chọn sự tự do cho riêng mình, tìm niềm vui ngắn ngủi trở về sống giống người có bệnh.

Em từng tâm sự với anh chị trong Hội Thánh, anh chị là tấm gương sáng, chịu bỏ tất cả để bước đi trên con đường tin kính Chúa, mỗi người là một câu chuyện dài, khi nghe anh chị kể và chính bản thân em đã trải qua em mới hiểu ai cũng từng có sự bất lực, yếu đuối của riêng mình.

Người bệnh nói: “Lạy Chúa! Tôi chẳng có ai để quăng tôi xuống ao, trong khi nước bị khuấy động.” Em suy ngẫm rằng, trước khi gặp Chúa người bệnh này cần sự giúp đỡ của người bên cạnh để  xuống ao và mong muốn được khỏi bệnh.

Bài học em học được ngày nay trong cuộc sống giữa vòng anh chị em, em nhận thấy em không cô đơn bất lực như người bệnh đó mà khi có nan đề em sẽ cầu nguyện với Chúa và sẽ xin sự góp ý của người được Chúa đặt để chăm sóc em, những góp ý đó em tin là điều tốt nhất dành cho em.

Em thấy rằng Đức Chúa Jesus mang Tin Lành của mình đến cho con người. Ngài chẳng lấy quyền phép của mình để bắt con người phục dưới Ngài, mà Ngài dùng chính tình yêu và hành động cụ thể là chữa lành bệnh cho người bại để bày tỏ cho người đó biết.

Em học được khi sống cùng anh chị em mình những ngày bình thường, đã và đang yêu thương nhau, thì lúc đau ốm bệnh tật là lúc cần thể hiện tình thương sự quan tâm chăm sóc bằng cách hết lòng nhất, để rồi những lúc yếu đuối mệt mỏi đó luôn có tình yêu Chúa bao phủ, và cũng nâng thêm đức tin cho mỗi người. Giống như Chúa đã quan tâm yêu thương người tàn tật này.

Cảm tạ Chúa đã ban ơn cho con có sự hiểu và bài học về lời của Ngài. Nguyện xin Ngài ban ơn cho con làm được những điều mà con học được.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nhung Naomi

4/ Bài Suy Ngẫm của Amoa

Kính thưa Hội Thánh,

Loài người sống giữa những tội lỗi thì việc bệnh tật ắt sẽ có. Bệnh nhẹ thì cần những phương thuốc, còn những loại bệnh nặng thì con người chỉ có thể mong chờ phép lạ. Đọc qua đoạn Thánh Kinh này thì việc thỉnh thoảng có thiên sứ giáng xuống và chữa lành bệnh tật là việc có thật. Tôi nghĩ rằng việc Chúa cho thiên xứ giáng xuống và chữa lành bệnh tật  để cho người I-sơ-ra-ên thấy thành Giê-ru-sa-lem là thành thánh, có sự hiện diện của Ngài trong đền thờ, và việc thiên sứ thỉnh thoảng giáng xuống để chứng tỏ:

– Tình yêu Thiên Chúa giúp cho những người đang gặp nan đề trong bệnh tật được kinh nghiệm sự chữa lành bằng phép lạ, cho họ được giải quyết được những bệnh tật.

– Việc thiên sứ giáng xuống gần cửa Chiên gần đền thờ cũng nhằm tôn cao sự vinh hiển của Chúa tại đền thờ cũng như cả thành Giê-ru-sa-lem.

Chúng ta thấy cách mà Chúa để cho họ được lành bệnh đó là tự bản thân họ phải nhanh, phải là người chiến thắng thì mới được lành bệnh, phải chờ đợi luôn trong tư thế sẵn sàng để nhảy, nếu không thể tự xuống được thì phải nhờ người khác giúp. Như nhân vật được nói ở đây thì bị bệnh rất nặng đến nỗi bị bại liệt, không tự đứng dậy đi lại, cần phải nhờ người khác quăng xuống, thật sự không có khả năng để lành bệnh.

Chúng ta không biết ông được bao nhiêu tuổi nhưng ông đã mắc bệnh 38 năm. Ông đã khốn đốn vật vả với bệnh tật. Ông khao khát được chữa lành như cách Chúa đã đặt để tại ao, dù ông biết bản thân mình không có khả năng để nhảy xuống trước hết, nhưng ông không bỏ cuộc mà vẫn luôn ngày đêm chờ đợi, mong sao bản thân mình được lành lại. Thật buồn cho ông khi mà có nước khuấy động thì ông vẫn nằm nhìn cảnh người khác nhảy xuống và được lành.

Vào một ngày lễ của dân Do-thái, Đức Chúa Jesus đi vào cửa Chiên, Ngài không đi thẳng vào đền thờ ở nơi sang trọng, đông đúc, vui vẻ, nhưng Ngài lại đến một nơi bệnh tật trước, Chúa chắc biết ở đây có những con người đang gặp những nan đề lớn mà chỉ có Ngài mới giúp được. Theo như cách trước mà Chúa đặt để thì phải là người khỏe, nhanh hơn hết thì mới được lành. Suy nghĩ đến đây thì tôi liên tưởng đến thời Cựu Ước, người ta phải dùng đến sức mình, để gìn giữ điều răn luật pháp của Thiên Chúa, có những con người họ mạnh mẽ trong đức tin làm được, cũng có những người không thể làm được vì đức tin yếu đuối mà không thắng được tội lỗi.

Khi Chúa đến thì Chúa chỉ đến với người bất lực nhất, không có chút sức lực nào để được lành. Thật vậy chúng ta là những con người yếu đuối, đáng lẽ ra phải chết trong tội lỗi, nhưng Ngài đã đến để chữa lành giúp chúng ta thoát khỏi sự chết.

Trong đời sống chúng ta đôi khi có những nan đề nào mà chúng ta bất lực, không thể dùng sức mình làm gì được thì Ngài sẽ dùng quyền năng Ngài giúp cho chúng  ta, nếu điều đó ích lợi cho chúng ta. Nhưng cũng có những nan đề mà chúng ta sẽ cảm thấy rất khó, nhưng Ngài biết chúng ta sẽ vượt qua được, ngài sẽ để chúng ta tự vượt qua như là sự rèn luyện cho chúng ta vậy.

Vì sao Chúa chỉ chữa lành cho một người? Còn những những người khác nữa? Có thể Chúa thấy không cần thiết, lần này họ không kịp nhảy thì sẽ có lần khác, họ có cơ hội và khả năng nhiều hơn người bệnh 38 năm này.

Chúng ta thấy Chúa chữa lành người này không phải vì ông đến xin Chúa, không phải người bệnh phải có đức tin, mà là vì sự thương xót của Chúa. Chúa đã từng làm phép lạ và giảng dạy trong Giê-ru-sa-lem, nhưng mà sao những con người này không đến xin Chúa, người bệnh tật thì ít qua lại, chắc chỉ chăm chăm ở gần ao để chờ nước khuấy động, nên họ không biết Chúa, không có đức tin nơi Chúa.

Chúa cũng không hề chủ động đến chữa lành người khác với mục đích để họ tin Ngài. Nếu Ngài làm sự đó cho hết thảy những người này thì có rất nhiều người tin Chúa, mà còn đồn danh Ngài ra thì càng nhiều người bệnh đến tìm Ngài, thành ra là họ chỉ đến với Ngài để được chữa lành, Ngài không muốn họ tin Ngài theo cách đó. Lần này thì Chúa làm vì sự thương xót, vì Chúa nhìn thấy mọi tấm lòng cũng như hoàn cảnh. Ai tin Ngài thì đến xin Ngài thì Ngài chữa lành. Vậy nên chúng ta yêu kính Chúa vì sự hy sinh chuộc tội Ngài dành cho chúng ta, chứ không phải chúng ta tin Chúa để được cứu giúp, hay để thỏa mãn một mục đích riêng nào đó.

Bản thân tôi khi chưa hiểu biết lời Chúa, với sự giảng dạy của những giáo sư giả, tôi cứ nghĩ là tin Chúa phải có sự chữa lành, phải có những phép lạ lớn lao như Chúa đã từng làm vậy. Tôi cũng luôn cầu xin Chúa ban cho mình quyền năng để mình thực thi những phép lạ, tôi đã coi ước muốn của mình lớn hơn ý Chúa… Nhưng cảm tạ Chúa đã không cho tôi lún sâu vào tà giáo.

Cảm tạ Chúa giúp tôi hiểu phép lạ của Chúa là để tỏ sự vinh hiển của Chúa, để người chưa biết Chúa tin Ngài. Nhưng ngày nay thì Hội Thánh đều tin biết Chúa, nên phép lạ đối với Chúa thì không cần thiết. Nhưng Chúa sẽ làm phép lạ khi Ngài cần và vì lợi ích của Ngài. Đối với Chúa thì tin Ngài bằng phép lạ không quý giá bằng đức tin đơn sơ nghe mà tin, yêu mến ngài vì ngài ban cho no đủ không quý giá bằng việc yêu mến, tin cậy Chúa dù thiếu thốn đủ thứ. Như lời Chúa phán:

“Phước cho những ai chưa thấy mà đã tin!” (Giăng 20:29b).

Ngài nay, chúng ta giống như một người bệnh 38 năm không năng lực để thoát khỏi tội lỗi nhưng đã được chữa lành bằng sự hy sinh chuộc tội của Ngài trên thập tự giá. Chúng ta không có làm gì để được chữa lành mà chỉ đáp ứng câu hỏi của ngài là: “Ngươi có muốn được lành chăng?” như ngài phán với người bệnh.

Lạy Chúa con muốn được chữa lành, con muốn được Ngài chữa lành những vết thương trong tâm linh con, con muốn được sạch hết những sự ô nhơ, con muốn được lành mạnh, không phải làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Con cảm tạ ơn Ngài đã cứu con thoát khỏi sự chết. Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Amoa

5/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Lan

Tôi xin tóm tắt lại bối cảnh câu chuyện.

1/ Câu chuyện xảy ra tại một lễ hội của dân Do-thái, khi Đức Chúa Jesus đi lên thành Giê-ru-sa-lem. Hôm đó cũng nhằm đúng vào ngày Sa-bát.

2/ Trong Giê-ru-sa-lem, gần cửa Chiên, có một cái ao, ao này có tên là Bê-tết-đa, đặc điểm của cái áo này có năm mái hiên.

Tôi hiểu những mái hiên này dùng để che cho đám đông những người bệnh đến đây, có rất nhiều người bệnh với đủ thứ bệnh khác nhau, như: đau ốm, mù loà, tàn tật, bại liệt… la liệt quanh đó, chờ sự khuấy động của nước, xuống trước nhất để được chữa lành.

Nơi đó, có một người bệnh khá là đặc biệt, đã được Chúa Jesus hỏi đến và chữa lành cho, đây là người bệnh trong câu chuyện mà hôm nay chúng ta cùng nhau học trong chủ đề này.

Sau đây là những chi tiết về người này:

Thánh Kinh không có nói người này mắc bệnh gì, chỉ biết là bệnh đã lâu, 38 năm. Qua cuộc hỏi đáp giữa Chúa Jesus và người bệnh, chúng ta biết được đây là một người bệnh suốt ngày chỉ nằm một chỗ tại giường, không tự ngồi dậy để ra khỏi giường được.

Vì theo như lời người này kể thì: “Tôi chẳng có ai để quăng tôi xuống ao, trong khi nước bị khuấy động. Trong lúc tôi đến thì người khác đã xuống trước tôi rồi.” Có lẽ hoàn cảnh của người này không có người thân nào để có thể nhờ vả kịp lúc.

Trong cách nhìn của loài người, thì quả thật éo le, đường cùng, không lối thoát, chưa thể nghĩ ra cách nào sáng sủa. Chúa Jesus đã tìm đến và chữa lành cho.

1/ Chúa là Đấng thương xót, Ngài nhìn ra và tìm đến với những người yếu hèn, cảnh đời bất hạnh, biết kêu cầu Ngài. Như Ma-thi-ơ 5:3 chép:

“Phước cho những ai khó nghèo, vì Vương Quốc Trời là của họ!” (Ma-thi-ơ 5:3).

2/ Người này dường như không còn một phương cách, sức lực nào, không thể dựa vào sức mình hay người thân, chỉ còn hy vọng nơi Chúa. Và người này đã đặt hoàn toàn đức tin nơi Chúa. Và đã gặp được Chúa. Được Chúa chữa lành qua phép lạ.

Nguồn lực hay sức người là vô nghĩa trước quyền năng của Chúa. Thậm chí cản trở đến với Chúa. Có tấm lòng thì Chúa sẽ mở đường.

3/ Số đông người không được Chúa chữa lành, có thể chỉ tìm kiếm Chúa để được chữa lành thuộc thể như 5000 người theo Chúa để tìm kiếm thức ăn bị Chúa bỏ. Hoặc cũng có thể chỉ đến đó nhưng khi đối diện với nước động thì không dám nhảy xuống. Vì không phải ai cũng đủ can đảm, đức tin để xuống. Cũng có khi Chúa thử thách xem tấm lòng những người này, khi Chúa không chữa lành có còn yêu Chúa nữa không.

4/ Hình ảnh nước động, được thiên sứ khuấy động, gợi cho tôi liên tưởng đến sự Chúa khuấy động, giục lòng những người này chủ động đến với Chúa, hơn là thụ động ngồi chờ nước động. Trong mọi nghịch cảnh khốn cùng nhất, biết tìm đến với Chúa, được Chúa thương xót. Điều Chúa mong đợi nhất khi đến với Ngài là sự tìm kiếm được chữa lành thuộc linh. Không chỉ tìm để giải quyết nan đề thuộc thể. Chúa có những phương cách khác cho những tấm lòng tìm kiếm, không nhất thiết chỉ có mỗi cách phải là người đầu tiên xuống ao sau khi nước động như vậy.

5/ Tôi hiểu Chúa đã dùng phép lạ để chữa lành, nhằm kêu gọi, giục lòng những người này tìm kiếm Ngài, cả giục lòng mỗi chúng ta ngày hôm nay.

Ngay sau khi được lành, người này đã đứng dậy, bước đi theo Chúa, vâng phục, làm theo ý Chúa, qua hành động vác giường mình và đi.

Kính thưa Hội Thánh,

Tuần qua, tôi có đi đến một phòng khám của viện, khi chờ xếp sổ, tôi có dịp quan sát cảnh người bệnh rất đông với nhiều bệnh khác nhau, trong đầu tôi có liên hệ đến câu chuyện này.

Trong thực tế, không chỉ bệnh tật, có nhiều người rơi vào cảnh còn khốn cùng hơn thế.

Có bao nhiêu người biết bám víu vào Chúa như người bệnh này. Dù chẳng còn gì, chẳng thể làm được gì, nhưng vẫn không chịu buông bỏ những gì mình có, không biết rằng sức người thật nhỏ bé và luôn thất bại. Trong cuộc đời theo Chúa, cũng có những lúc chúng ta cũng như vậy.

Dùng sức mình có như sức khỏe, tiền tài, địa vị, học thức sẽ luôn thất bại, chừng nào tất cả những cái đó đưa về số 0, nương tựa hoàn toàn sức Chúa, mọi đau khổ, nan đề, nghịch cảnh, sự bất an và sự chết mới được giải thoát.

Tôi xin kết luật bài suy ngẫm mình với một ý trong Rô-ma 4:18a, mà Hội Thánh vừa mới suy ngẫm mấy tuần qua, đó là hãy “cứ tin vào sự trông cậy khi chẳng còn lẽ trông cậy.” (Rô-ma 4:18a).

Bài chia sẻ tôi viết có sự tham khảo bài giảng của người chăn.

Cảm tạ Chúa! Tôi xin hết ạ.

Trong ân điển Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Lan
12/04/2023