Của Lễ Chúa Muốn Dân I-sơ-ra-ên Dâng

218 lượt xem

Câu gốc:

“Ta sẽ đem vật gì chầu trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và quỳ lạy trước mặt Thiên Chúa rất cao? Ta sẽ đến trước mặt Ngài với những của lễ thiêu và với những bò con giáp niên sao? Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có thích những hàng ngàn chiên đực hay là hàng chục ngàn sông dầu sao? Chẳng lẽ ta dâng con đầu lòng của ta vì sự phạm pháp ta, và trái của thân thể ta vì tội lỗi linh hồn ta sao?” (Mi-chê 6:6-7).

Thánh Kinh tham khảo: Mi-chê 6

Phần Chia Sẻ Của Thanh Niên

Anh chị em thân mến!

Cảm tạ Chúa lại ban cho chúng ta một ngày Sa-bát mới nữa để chúng ta cùng nhau nhóm lại học Lời Chúa cùng nhau. Giờ này em xin chia sẻ bài học của mình. 

Trong thời cựu ước luật pháp về của lễ dâng lên cho Chúa thì có ghi rất rõ. Của tế lễ dâng cho Chúa phải không tì vít, không sứt sẹo, và nhất là bộ lòng của mỗi con sinh phải rửa sạch và dâng lên cho Chúa, bánh dâng lên cho Chúa là bánh không men, tất cả của lễ dâng lên cho Chúa em thấy đều là những của lễ có thức hương thơm.

Trong Thánh Kinh thì có ghi lại những trường hợp dâng của lễ lên cho Chúa cũng có những người vì dâng của lễ theo ý riêng mà bị Chúa sửa phạt hoặc bị cất mạng sống như A-đáp và A-bi-hu bị lửa của Chúa thiêu vì làm theo ý riêng mà dâng thứ lửa lạ lên cho Chúa. Ca-in dâng của lễ thổ sản là của lễ theo ý riêng lên cho Chúa, và kết của của ông cũng không tốt. Hay là hai con của Hê-li vì lòng tham mà lấy những của tốt cho mình mà không vâng theo mạng lệnh của Chúa cắt xén của dâng tế lễ, mà bị Chúa sửa phạt cả nhà. Hay trong Thánh Kinh cũng có những  những tấm gương sáng như bà Ma-ri. Trong Thánh Kinh không ghi lại bà đã trọn lòng với Chúa hay bà đã tốt như thế nào nhưng Thánh Kinh có chép rõ bà đã vâng phục Chúa vâng phục chồng mình như thế nào bằng hành động ra sao, ấy chẳng phải vì ngay từ đầu bà đã có tấm lòng là của lễ vâng phục Chúa, yêu kính Chúa vì vậy mà em hiểu bà đã được làm mẹ của Chúa Jesus. Hay như Phao-lô mặc dù trước đó ông đã tàn hại bắt bớ Hội Thánh của Chúa, nhưng sau khi ông được Chúa Jesus kêu gọi vào chức vụ thì ông đã được Chúa thay đổi. Ông từ một người có học thức sâu rộng, một người có địa vị trong xã hội thời ấy, thay đổi thành một người đi hết nơi này đến nơi khác rao giảng Tin Lành của Chúa. Ông làm nghề vá lều trại, một nghề được cho là thấp kém trong xã hội. Ông chịu khổ, chịu nhục, chịu tù, chịu lạnh, chịu loã lồ. Vậy thì chẳng phải ông đã dâng cả tấm lòng, cả cuộc đời mình lên cho Chúa sao?

Mỗi người chúng ta đến với Chúa, đều là những người có chung một điểm xuất phát đó là chúng ta từng là những người làm con cái của ma quỷ là nô lệ của tội lỗi. Chúng ta từng là những kẻ chống nghịch Chúa, mỗi chúng ta sau khi đến với Chúa có phải chúng ta đã trao cho Chúa hết những đau buồn, thù ghét, bất công, tham lam, lo lắng của đời này. Trao cho Chúa hết những tội trọng, những sự từ con người cũ, những sự mà quyền lực của tội lỗi làm ra, để nhận lãnh từ Chúa sự bình an, phước hạnh chân thật, nhận một cuộc đời không theo như người thế gian đi tìm, nhận sự sống đời đời ở trong Chúa hay không? Hay mỗi chúng ta vẫn còn giữ lại những thứ ấy, vẫn còn ham mến nó mà không thể từ bỏ được?

Ngày nay mỗi ngày mình có dâng bản thân, dâng ngày mới, xin Chúa dẫn dắt dạy dỗ mình không? Để được Chúa làm chủ mình, thì chúng ta cần phải dâng mình lên cho Chúa để Chúa dẫn dắt mình đi chứ mình không thể dùng sức riêng làm theo ý riêng mà lại muốn Chúa phải theo ý mình được. Em vẫn tập cho mình, mọi sự từ những việc nhỏ nhất cần cầu hỏi ý Chúa, nói chuyện với Chúa. Những khi tương giao như vậy thì em thấy lòng mình thật vui mừng, bình an và trong những việc đó em thường thấy bớt mệt mỏi. 

Nhìn lại mình, nhìn lại từng ơn phước Chúa ban cho mình, rồi để đối đáp cùng Chúa thì em thấy mình chẳng xứng đáng gì để đối đáp với Chúa. Chúa mang em ra khỏi thế gian đầy dẫy những sự bất công ngoài kia. Chúa ban cho em một cuộc sống đủ ăn đủ mặc, được ở bên cạnh hai đứa con, rồi Chúa lại ban cho chúng sự ngoan ngoãn, khôn sáng, rồi từng hồi từng lúc Chúa bảo vệ em, bảo vệ hai cháu nhỏ, mà sự bảo vệ ấy thật là một phép lạ.

Anh chị em thân mến, em học được rằng của lễ Chúa muốn mình dâng lên không phải là bất cứ thứ vật chất gì trong con mắt của loài người, mà của lễ Chúa muốn nhận là tấm lòng, tấm lòng hướng về Chúa, tấm lòng vâng phục Chúa, tấm lòng sống hạ mình vâng phục luật pháp của Chúa. 

Cảm tạ Chúa đã ban cho con những sự hiểu bài học trên đây.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ

Nhungnaomi.

__________________________________

Các anh chị em trong Ban Thanh Niên thân mến! 

Chủ để chúng ta học trong tuần này là: Của Lễ Chúa Muốn Dân I-sơ-ra-ên Dâng

Câu gốc: 

“Ta sẽ đem vật gì chầu trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và quỳ lạy trước mặt Thiên Chúa rất cao? Ta sẽ đến trước mặt Ngài với những của lễ thiêu và với những bò con giáp niên sao? Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có thích những hàng ngàn chiên đực hay là hàng chục ngàn sông dầu sao? Chẳng lẽ ta dâng con đầu lòng của ta vì sự phạm pháp ta, và trái của thân thể ta vì tội lỗi linh hồn ta sao?” (Mi-chê 6:6-7).

Thánh Kinh tham khảo: Mi-chê 6

Tôi xin chia sẻ sự hiểu của mình giới hạn trong nội dung Của Lễ Đức Chúa Trời Muốn Dân I-sơ-ra-ên Dâng.

Tiên Tri Mi-chê là một tiên tri thích dùng câu hỏi dưới dạng câu hỏi tu từ để nhấn mạnh nội dung, ý nghĩa mà ông muốn truyền đạt. Ở đây, tiên tri Mi-chê đã dùng câu hỏi tu từ để nhấn mạnh và làm nổi bật nội dung, ý nghĩa mà Đức Chúa Trời muốn ông truyền đạt cho dân I-sơ-ra-ên. 

“Ta sẽ đem vật gì chầu trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và quỳ lạy trước mặt Thiên Chúa rất cao? Ta sẽ đến trước mặt Ngài với những của lễ thiêu và với những bò con giáp niên sao? Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có thích những hàng ngàn chiên đực hay là hàng chục ngàn sông dầu sao? Chẳng lẽ ta dâng con đầu lòng của ta vì sự phạm pháp ta, và trái của thân thể ta vì tội lỗi linh hồn ta sao?” (Mi-chê 6:6-7).

Qua một loạt các câu hỏi mà Tiên Tri Mi-chê đưa ra, chúng ta hiểu rằng Đức Chúa Trời là Thiên Chúa rất cao, mọi thứ chúng ta nhìn thấy hay không nhìn thấy đều do Ngài tạo ra. Và của lễ mà Đức Chúa Trời muốn dân I-sơ-ra-ên dâng cho Ngài không phải là những của lễ thiêu hay những bò con giáp niên. Cũng chẳng phải là những hàng ngàn chiên đực hay là hàng chục ngàn sông dầu. Hoặc là dâng con đầu lòng và trái của thân thể bằng sự phạm pháp và tội lỗi của dân I-sơ-ra-ên. 

Điều mà Đức Chúa Trời muốn ở dân I-sơ-ra-ên chính là làm sự công chính, yêu sự từ ái, và bước đi cách khiêm nhường với Ngài. Đó chính là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.

“Hỡi người! Ngài đã tỏ cho người điều gì là thiện. Vậy, điều gì mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu tìm kiếm nơi ngươi? Chẳng phải là làm sự công chính, yêu sự từ ái, bước đi cách khiêm nhường với Thiên Chúa của ngươi sao?” (Mi-chê 6:8).

Mi-chê đã tiếp tục dùng câu hỏi tu từ để nhấn mạnh và làm nổi bật ý muốn của Đức Chúa Trời với dân Ngài. Đức Chúa Trời muốn dân của Ngài thể hiện tình yêu và lòng tôn kính đối với Ngài qua những việc làm cụ thể. Làm sự công chính, tức là làm theo điều răn và luật pháp của Thiên Chúa.

Rô-ma 7:12 đã khẳng định: 

“Vậy, luật pháp là thánh, điều răn là thánh, công chính và tốt lành.” 

Yêu sự từ ái là yêu thương, nhân từ, khoang dung, tha thứ, đối xử với nhau cách chân thành. 

Ê-phê-sô 4:32 chép:

 “Hãy ở với nhau cách nhân từ, dịu dàng, thương xót. Hãy tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho các anh chị em trong Đấng Christ vậy.”

Sau cùng là bước đi cách khiêm nhường, tức là sống một lối sống khiêm nhường, hạ mình, vâng phục Thiên Chúa.

Điều Đức Chúa Trời muốn ở dân I-sơ-ra-ên cũng chính là điều Ngài muốn ở mỗi chúng ta. Vì chúng ta cũng là dân I-sơ-ra-ên thuộc linh. Chúng ta đã thuộc về Ngài qua Đấng Christ Jesus.

Chúng ta cũng đã từng là những con người xấu xa, gian ác, từng làm nô lệ cho tội lỗi. Bởi ơn thương xót của Đức Chúa Trời mà chúng ta được giải phóng ra khỏi sự làm nô lệ cho tội lỗi, được làm cho sạch tội, được Đức Chúa Trời xưng công chính qua sự chết của Đấng Christ Jesus. Vậy thì chúng ta cũng cần lắm tự nhắc nhớ chính mình để sống sao cho xứng đáng với tình yêu, ân điển mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Một lối sống thật thà, tin kính và vâng phục Thiên Chúa được thể hiện qua tấm lòng yêu thương anh chị em cùng Cha, vâng phục người chăn, vâng phục trưởng lão, khiêm nhường, hạ mình, vâng phục lẫn nhau, hết lòng trong những việc lành cũng chính là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa mà con dân Chúa chúng ta phải hướng đến.

Cầu xin Chúa giúp cho mỗi một anh chị em chúng ta sống đúng như những gì mình học được từ nơi Chúa. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Anh

__________________________________

Kính chào Hội Thánh và các anh chị em trong Ban Thanh Niên. Cảm tạ ơn Chúa cho Ban Thanh Niên lại được cùng nhau học hỏi Lời của Chúa. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều ích lợi cho mình qua mỗi buổi nhóm lại với nhau. Tôi xin chia sẻ một số điều tôi học được qua chủ đề và đoạn Thánh Kinh tham khảo của tuần này.

Trước hết tôi xin tóm tắt lại một số ý chính qua đoạn Thánh Kinh tham khảo.

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu kêu gọi các núi, các nền của đất hãy lắng nghe lời Ngài đối nại với dân I-sơ-ra-ên. Ngài kêu gọi dân I-sơ-ra-ên hãy đối nại với Ngài xem từ xưa tới nay Ngài có điều gì đối xử tệ với họ, làm khổ họ không. Rồi Ngài nhắc lại những việc Ngài đã làm cho họ, đó là:

  • Cứu họ thoát khỏi sự nô lệ bởi dân Ê-díp-tô.
  • Dùng Môi-se, A-rôn và Mi-ri-am để dẫn dắt họ đi theo ý muốn của Ngài.
  • Khi kẻ thù nghịch nhiều lần muốn rủa sả dân I-sơ-ra-ên thì Ngài khiến cho chúng không làm được điều chúng muốn, ngược lại còn phải chúc phước cho họ.
  • Khiến cho nước rẽ ra để cho dân sự có thể đi qua sông Giô-đanh, vào miền Đất Hứa.

Ngài đã bày tỏ sự công chính của Ngài, nghĩa là tình yêu của Ngài đối với họ qua việc giải cứu, ban ơn cho họ, Ngài cũng đã bày tỏ quyền năng cao cả vĩ đại của Ngài ra để họ thấy và yên tâm tin cậy Ngài. Về phần Ngài, là Cha của họ, Thiên Chúa của họ thì đã làm tròn trách nhiệm của mình. Còn về phần họ, họ đáp lại Ngài như thế nào? Có phải Chúa cần chiên, cần dầu của họ không? Có thể nào Chúa vui khi họ dâng của lễ cho Chúa khi họ đang sống trong tội không?

Chúa phán cho họ biết rằng bởi sự hung ác của họ thì Chúa sẽ đánh phạt họ, họ sẽ không được hưởng thành quả của những gì họ đã lao nhọc làm ra. Họ sẽ bị chê cười và chịu sự sỉ nhục.

Kính thưa anh chị em, cảm xúc của tôi khi đọc đoạn Thánh Kinh tham khảo là buồn. Tôi thấy thật bất công cho Chúa, vì các núi và cả các nền của đất từ xưa tới nay đều chứng kiến và thấy rõ, Chúa thì cứ luôn yêu thương và ban ơn cho dân I-sơ-ra-ên, nhưng dân ấy thì cứ đi phản nghịch Chúa hết lần này đến lần khác. Họ có một Thiên Chúa đầy tình yêu thương và quyền năng vô đối nhưng họ không trung tín thờ phượng Ngài, sống theo luật pháp tốt lành Ngài đã ban, mà lại đi thờ thần tượng và đua chen để giành lợi cho mình và làm ra những sự hung ác và gớm ghiếc.

Qua điều này, tôi nghĩ mỗi chúng ta cũng hãy dặn lòng mình đừng như dân I-sơ-ra-ên. Trên bước đường theo Chúa, ai cũng có những khó khăn thử thách riêng của mình. Người thì đau yếu bệnh tật. Người thì thiếu thốn về vật chất. Người thì bị bắt bớ bách hại về đức tin. Người thì bị ma quỷ tấn công vào tâm trí rất nhiều. Dẫu vậy, đó là cơ hội để Chúa cho chúng ta được chịu khổ vì Ngài và để rèn luyện đức tin cho chúng ta. Tôi nghĩ trên chặng đường chúng ta theo Chúa, khi chúng ta gặp khó khăn hoạn nạn, chắc rằng ma quỷ sẽ thường thủ thỉ vào tai chúng ta rằng: “Hãy bỏ Chúa đi! Việc gì phải chịu khổ thế, ngày xưa chưa đi theo Chúa có phải thế đâu!” Và nó cũng vẽ ra những viễn cảnh thoải mái dễ chịu khi bỏ Chúa. Nếu chúng ta còn kính sợ Chúa mà gạt phắt đi cái tư tưởng đó thì đó là điều phước hạnh cho chúng ta. Nhưng giả sử trong giây phút ấy, chúng ta thật sự nhen nhóm ý định bỏ Chúa, thì bài học ở đây là chúng ta hãy bình tâm mà suy xét. Suy xét xem từ trước tới giờ Chúa đã làm khổ, làm hại gì chúng ta không? Hãy nhớ lại những bài học mà chúng ta đã học trong Lời của Ngài. Hãy nhớ lại những ơn phước chúng ta từng làm chứng về tình yêu của Ngài với Hội Thánh. Hãy đối nại cùng Chúa xem chúng ta có thể đưa ra được lý do hợp lý để bỏ Chúa không?

Tôi biết chắc rằng không có lý do nào là hợp lý để bỏ Chúa. Việc chúng ta bỏ Chúa chẳng qua chỉ vì chúng ta đã không biết quản trị bản thân, khiến nó yêu thích những sự hư không thuộc về thế gian này. Chỉ vì chúng ta còn kiêu ngạo, đặt lý luận của mình lên trên sự dạy dỗ của Lời Chúa, không chịu vâng phục mà làm theo Lời Ngài.

Qua câu gốc của chủ đề tuần này, tôi hiểu rằng mặc dù trong Thánh Kinh Cựu Ước, Thiên Chúa dạy dân I-sơ-ra-ên dâng chiên, dâng dầu, dâng con đầu lòng cho Ngài. Nhưng không phải vì Ngài cần những thứ đó mà là cần tấm lòng của họ. Ngài muốn họ dâng lên Ngài để thể hiện tấm lòng tôn kính và vâng phục Chúa của họ. Vậy thì chắc chắn Chúa sẽ không thể vui khi họ dâng của lễ cho Ngài mà không bằng tấm lòng tôn kính Ngài, mà đời sống mỗi ngày không vâng phục theo luật pháp của Ngài. 

Qua điều này tôi học được rằng, Chúa có rất nhiều điều dạy dỗ, hướng dẫn chúng ta làm. Như là tiếp trợ các anh chị em gặp khó khăn, chia sẻ vật chất với người giảng dạy Lời Chúa cho mình, vâng phục người có quyền trên mình, nhóm lại vào ngày Sa-bát, thông công với anh chị em, hát và ngâm nga những bài thi thiên và thánh ca cho Ngài, v.v.. Chúng ta nên làm hết thảy những điều ấy. Nhưng chúng ta phải làm bởi sự tôn kính Chúa và yêu thương người lân cận. Tiếp trợ anh chị em bởi vì muốn chia sẻ sự khó khăn với họ chứ không phải vì làm để cho người khác khỏi chê cười mình. Vâng phục người có quyền trên mình bởi sự vui lòng vì đó là điều đẹp lòng Chúa chứ không phải vì bị bắt buộc phải làm. Nhóm hiệp vào ngày Sa-bát vì quý trọng những thì giờ được thờ phượng Chúa và muốn học hỏi Lời của Chúa để nhận được những sự phước hạnh cho mình, chứ không phải bị bắt buộc phải ngồi, phải nghe. Thông công với anh chị em để đem lại sự vui thỏa phước hạnh cho mình và cho nhau chứ không phải làm cho có thủ tục, đến cho có mặt. Hát và ngâm nga những bài thánh ca và Thi Thiên cho Chúa để tôn vinh Ngài chứ không phải để cho người khác tôn cao mình.

Nguyện kính xin Chúa giúp cho mỗi chúng ta khi làm bất kỳ điều gì cũng vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm, làm với tấm lòng khiêm nhường chứ không vì cạnh tranh hay hư vinh, như trong Lời Chúa có chép:

“Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

“Chớ làm điều gì vì cạnh tranh hoặc vì hư vinh, nhưng mỗi người hãy khiêm nhường, tôn trọng người khác hơn chính mình.” (Phi-líp 2:3).

Chúa đã bày tỏ sự công chính của Ngài đối với chúng ta qua việc Ngài đã cứu chuộc chúng ta khỏi sự hư mất đời đời, khỏi hình phạt đau đớn nơi hỏa ngục. Ngài đã ban ơn cho chúng ta mỗi ngày. Ngài cũng ban cho chúng ta những phương tiện như máy tính, điện thoại, các trang mạng. Vậy chúng ta có dùng những thứ Ngài ban để rao giảng Tin Lành của Chúa, để bày tỏ sự công chính của Chúa ra không? Hay chúng ta dùng những thứ đó để say mê kiếm lợi cho mình, để đăng tải những quảng cáo cho việc làm ăn buôn bán của chúng ta? Ngài đã bày tỏ sự công chính của Ngài. Còn chúng ta có bày tỏ sự công chính mà Ngài đã ban cho chúng ta, cho những người lân cận của chúng ta không? 

Qua đoạn Thánh Kinh của tuần này, nói về việc dân I-sơ-ra-ên sẽ gieo mà không được gặt, sẽ ép ô-li-ve mà không được xức dầu, sẽ đạp nho nhưng không được uống rượu. Tôi nghĩ nếu chúng ta tận dụng những gì Chúa ban cho mình để lo làm giàu, lo tìm kiếm những sự hư vinh cho mình, thì vào một ngày rất gần đây những thứ ấy sẽ qua đi, sẽ tan biến hết không còn lại gì cho chúng ta. Nhưng nếu chúng ta biết tận dụng chúng để hầu việc Chúa thì chúng ta sẽ còn lại những phần thưởng phước hạnh đời đời. Nguyện xin Chúa giúp cho chúng ta luôn biết làm việc gì cũng bởi tấm lòng mà làm. Luôn biết nhớ lại những điều công chính mà Chúa đã làm ra với mình, để rồi mình cũng hết lòng sống một đời công chính, đáp lại tình yêu thương của Ngài.

Cảm tạ Chúa! Nguyện xin những điều tôi học được cũng ích lợi cho các anh chị em!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Đồng Thị Nghĩa