Chủ đề: Gióp Trung Tín với Chúa Trong Sự Thử Thách.
Câu gốc:
Gióp 1:20-22
20 Gióp đã trỗi dậy và xé áo của mình, cạo đầu mình, rồi sấp mình trên đất mà thờ lạy,
21 và nói: Tôi đã trần truồng ra khỏi lòng mẹ của tôi, thì tôi cũng sẽ trần truồng mà quay về. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã ban cho và Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cất đi! Đáng tôn vinh danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu!
22 Trong mọi sự ấy, Gióp không phạm tội, và chẳng làm ra sự phạm thượng đến Thiên Chúa.
Thánh Kinh tham khảo: Gióp 1, 2.
1/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Trinh
Anh chị em thân mến,
Để nói về cuộc đời một người chịu cơn thử thách mà nhìn vào tưởng chừng như rất bất công và vô lý thì phải kể đến cuộc đời ông Gióp. Thánh Kinh chép về việc làm của ông được Chúa kể là người “vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa, và lánh khỏi điều ác”. Chẳng những vậy, chúng ta nhìn vào việc ông hết sức cẩn trọng, sợ trong lòng của các con mình từ chối Thiên Chúa mà phạm tội với Ngài nên ông hằng luôn giúp các con mình dọn mình thánh sạch và dâng tế lễ cho Chúa, để nhỡ có phạm tội gì thì cũng được Ngài tha thứ. Qua bài học về sự trung tín của Gióp, tôi có những điều suy ngẫm sau xin chia sẻ cùng anh chị em.
1/ Sự thử thách đức tin là điều hiển nhiên, luôn có đối với con dân Chúa.
Gióp là người công chính trọn vẹn như vậy đó mà Sa-tan vẫn có cớ, tìm cơ hội để thử thách Gióp thì huống gì là chúng ta.
“Hãy tỉnh thức và cảnh giác! Kẻ thù nghịch các anh chị em là Ma Quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh các anh chị em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.” (I Phi-e-rơ 5:8).
2/ Sự thử thách giúp phơi bày tấm lòng của loài người
Chúa luôn biết rõ lòng của chúng ta, Ngài biết sự thử thách nào là vừa đủ để dạy dỗ chúng ta, nhưng các thiên sứ, ma quỷ và loài người thì không biết, đôi khi chính chúng ta cũng không biết. Bởi vậy nên sự thử thách thật sự là cần thiết cho mỗi chúng ta. Để chúng ta có cơ hội được nhìn lại chính mình, nhìn lại đức tin của mình nơi Thiên Chúa.
“Trong sự đó, các anh chị em vui mừng, dù hiện nay, nếu cần thì các anh chị em phải chịu nhiều sự thử thách khác nhau, khiến cho phải buồn bã ít lâu; để cho sự thử thách đức tin của các anh chị em quý hơn vàng hay hư nát, dù đã bị thử lửa, sinh ra sự khen ngợi, tôn trọng, và vinh quang cho các anh chị em trong sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ.” (I Phi-e-rơ 1:6-7).
3/ Sự thử thách là cơ hội để Chúa ban phước lại cho người nào vượt qua được.
Giống như ông Gióp, khi ông đã vượt qua được thử thách thì Chúa ban phước lại gấp đôi cho ông.
Chúng ta ngày nay có thể sẽ không thấy được cái phước mà Chúa ban lại cho chúng ta về vật chất, nhưng trong phần tâm linh, chúng ta suy nghiệm về chính mình sau mỗi cơn thử thách, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, tâm linh mình được trở nên tươi mới, vui mừng, phước hạnh sau mỗi cơn sóng gió, thử thách qua đi. Đó là lúc chúng ta nhận ra, Chúa luôn ở bên mình. Với tôi, đó là ơn phước lớn mà cuộc đời mỗi người luôn cần biết quý trọng, biết ơn Chúa.
4/ Sự thử thách giúp con dân Chúa có cơ hội được gần gũi Chúa hơn và hiểu Chúa hơn.
Có một điều hiển nhiên mà chúng ta dành một ít thời gian suy ngẫm sẽ nhận ra ngay là: Con người chúng ta thường cần Chúa lúc mình gặp nguy nan hơn là lúc mình bình an trong cuộc đời. Còn một điều nữa, đa số con người chúng ta thường chỉ chạy đến, tìm kiếm ý Chúa khi chúng ta thật sự đã hết cách rồi.
Dù là vậy, nhưng bởi sự thương xót, Chúa vẫn lắng nghe, giải cứu chúng ta và qua đó mà Ngài bày tỏ chính Ngài cho chúng ta, để chúng ta hiểu Ngài hơn, gần gũi Ngài hơn.
Kết luận: Chúng ta có toàn bộ sách Gióp để có một cái nhìn tổng quan mà dễ dàng hiểu ra được ý muốn của Chúa cho cuộc đời một người. Nhưng thực tế, khi Gióp ở trong sự thử thách thì chính ông không thể nào hiểu được tại sao những điều đó lại xảy đến với mình.
Chúng ta ngày nay cũng vậy, có những điều không như ý muốn có thể mang lại những sự đau buồn lớn cho chúng ta, khi ở trong điều đó, đa phần mình đều chưa hiểu hết được ý muốn của Thiên Chúa tại sao lại cho phép những sự như vậy xảy đến với mình. Nhưng, như tấm gương của Gióp, ông vẫn giữ lòng trung tín của ông với Chúa và quyết không phạm tội. Chính ông là người nói lên câu nói: “Mặc dù xảy đến cho tôi điều gì, dẫu Chúa có giết tôi, tôi vẫn sẽ tin cậy Ngài.”
Ông kính sợ Chúa, hết lòng sống một cuộc đời trọn vẹn không phải vì ông được Chúa ban phước, được Chúa gìn giữ thì ông mới như vậy. Mà bởi vì lòng ông thật sự nhận biết Chúa, nhận biết Ngài là Đấng luôn luôn tốt lành, Ngài xứng đáng được kính sợ và tôn thờ bởi vì chính bản tính thiện hảo, tốt lành của Ngài chứ không phải vì bất kỳ lý do gì khác.
Trên bước đường theo Chúa, nhiều lần tôi có ý nghĩ: “Tại sao mình lại tin cậy Chúa? Nếu mọi thứ mình đang có sẽ mất đi, giống như Gióp vậy, thì mình con tin cậy Chúa không? Còn muốn kiên trì, trung tín sống một đời sống trọn vẹn, tốt đẹp thánh khiết không?” Thì dường như sẽ rất nhanh tôi nhận ra rằng, nếu mình không trung tín sống trọn vẹn dù trong cơn thử thách đớn đau thì tâm linh mình càng đau đớn khi sống đời sống tội lỗi. Nguyện lời của Phi-e-rơ sau đây là lời nói mang đến sự khích lệ đến nơi sâu thẳm của tấm lòng mỗi anh chị em khi đối diện với sự thử thách trong đời:
“Vậy, Đức Chúa Jesus phán với nhóm mười hai sứ đồ rằng: Các ngươi cũng muốn lui đi chăng? Thì Si-môn Phi-e-rơ đáp lời Ngài: Lạy Chúa! Chúng tôi sẽ theo ai? Ngài có những lời của sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 6:67-68).
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn biết vui mừng để đón nhận mọi sự thử thách, nguyện đức tin của chúng ta sẽ không bị lui đi nhưng càng trở nên vững mạnh, tinh tuyền như vàng được thử lửa vậy.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Trinh