Câu gốc:
“Từ xưa, chẳng bao giờ nghe rằng, có ai mở mắt của người bị mù từ khi được sinh ra. Nếu người này chẳng thuộc về Thiên Chúa, thì không làm gì được hết.” (Giăng 9:32-33)
Thánh Kinh tham khảo: Giăng 9
______________________________________________
Phần Chia Sẻ Của Thanh Niên
Thánh Kinh trong sách Tin Lành Giăng chương 9 có ghi lại câu chuyện Chúa Jesus chữa lành cho người bị mù từ lúc mới sanh ra. Theo cách nhìn của người đời, người có cuộc sống bất hạnh là do bậc tổ phụ ăn ở xấu xa nên con cháu mới như vậy. Các môn đồ của Chúa có cùng suy nghĩ tương tự như vậy. Nhưng sự thật là việc người bị mù từ nhỏ là để cho những việc của Đức Chúa Trời có thể được tỏ ra.
So với những người bình thường, người mù kia thiệt thòi rất lớn vì không thể thấy Chúa, mà cũng khó đi tìm Chúa với đôi mắt bị đui mù như vậy. Trong bao nhiêu người sáng mắt kia Ngài không tìm đến với họ, nhưng Ngài đến với người mù. Và tôi thấy đây là một điều khích lệ hết thảy những ai thấy mình yếu kém hơn so với người khác. Và không gì có thể ngăn cách lòng của một người đối với Đức Chúa Trời, dù đôi mắt bị đuôi, dù đôi chân tàn phế, dù học thức ít ỏi điều không phải là sự ngăn trở một người đến với Chúa, điều ngăn trở duy nhất chính là tấm lòng của một người đối với Chúa.
Giây phút gặp gỡ giữa Chúa Jesus và người mù thật đặc biệt. Chúa không nói gì với ông cho đến khi Chúa bảo ông đi rửa mắt ở ao Si-lô-ê, còn người mù kia Thánh Kinh ghi lại là: “Vậy, người đã đi, rửa, và trở nên thấy được.” Tôi thấy người mù không nói lời nào, hay một lời thắc mắc nào mà vâng lời đi ngay. Cuộc gặp gỡ đó dường như Chúa và người mù đó đã quen nhau, và người mù đó như là một môn đồ của Chúa vậy, vì Chúa phán thế nào ông làm như vậy. Trong cuộc đời này, dù có lúc chúng ta chưa mở lời với Chúa, bởi sự thương xót của Ngài mà Ngài làm thành ước muốn trước khi chúng ta cầu xin từ Ngài.
Tôi thấy, một điểm hay của người mù đó là, do bị mù, nên khả năng thính giác của ông sẽ tốt hơn người bình thường, vì không nhìn thấy nên ông phải hết sức tập trung để lắng nghe, có lẽ chính vì lẽ đó mà tập cho ông thói quen ít nói mà làm nhiều chăng. Thiết nghĩ trong cuộc đời này chúng ta nghe nhiều hơn nói thì sẽ tốt hơn biết bao. Và người ta luôn tôn trọng những người ít nói nhưng làm nhiều.
Sau khi người mù được sáng mắt, có người thì không tin, có người thì nghi ngờ, có người thì tin đó là người mù. Có thể chắc chắn một điều là khuôn mặt với đôi mắt được chữa lành, và cả sự chữa lành thuộc linh, khuôn mặt của người mù sẽ rất khác. Chính vì lẽ đó sẽ khiến những người hàng xóm, người những người đã từng biết đến người mù nghi ngờ thậm chí là không tin đó là người mù. Chúng ta biết người này mù ít nhất 20, như cha mẹ ông nói ông đã đủ tuổi (Giăng 9:23), khi được sáng mắt thì nó là một món quà vô cùng to lớn, những niềm vui không thể giấu trên khuôn mặt của người mù được sáng mắt. Và giá trị của sự mở mắt thuộc linh thì có giá trị hơn rất nhiều lần so với đôi mắt thuộc thể. Quả thật, nếu chúng ta ý thức, hiểu và tiếp nhận như vậy thì niềm vui của chúng ta đây cũng không thể nào giấu trên khuôn mặt của chúng ta. Có thể người mù chưa nói gì, nhưng sự thay đổi bên trong kể cả bên ngoài khiến người ta thắc mắc mắc, nghi ngờ, không tin. Đó là một lời chứng vô cùng sống động và mong rằng mỗi chúng ta đây ai nấy cũng luôn cho thấy sự khác biệt trên khuôn mặt của mình khi tiếp nhận Tin Lành.
Ở người mù, tôi cảm thấy ông không sợ những người Pha-ri-si. Ông nói chuyện một cách bình thường, trái ngược với ông, chúng ta có thể thấy được sự sợ hãi của cha mẹ của ông, mặc dù biết con mình được Chúa Jesus chữa lành nhưng không dám nói vì sợ những người Pha-ri-si dứt thông công. Có lẽ do mù từ lúc mới sinh, cuộc sống ông dường như bị cô lập nên không bị ảnh hưởng của lề thói xã hội lúc bấy giờ. Với lại bản thân người mù cũng chẳng liên quan gì đến việc dứt thông công hay không vì ông bị mù không được vào nhà hội, nay ông được chữa lành là bởi từ Chúa, chứ không phải Chúa trên môi miệng của những người Pha-ri-si, có lẽ chính vì lẽ đó mà giúp ông nói chuyện bình thường, không chút e dè với những người Pha-ri-si.
Chúng ta có thể thấy, một phép lạ hiển nhiên của Chúa nhưng không thấy ai dám công nhận, nhưng chỉ có duy nhất người mù được chữa lành lớn tiếng công khai trước người Pha-ri-si. Ông bênh vực Chúa khi bị những người Pha-ri-si cho rằng Chúa phạm tội. Trước những người Pha-ri-si là những người mang danh là biệt riêng cho Chúa, thông thạo Thánh Kinh, nhưng người mù đã nói những lời đầy sự khôn sáng, đơn giản, dễ hiểu và tác động mạnh đến người nghe. Ông nói rằng:
“Tôi chẳng biết người ấy có phải là một tội nhân hay không. Tôi chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ tôi thấy được.” (Giăng 9:25)
Trước sức ép của những người Pha-ri-si muốn người mù được sáng mắt chối bỏ quyền năng của Chúa, thì tôi thấy ông càng nói thì những người Pha-ri-si càng cứng họng, đến nỗi họ phải đuổi ông ra ngoài.
Ông nói rằng:
Giăng 9:31-33
31 Và chúng ta biết rằng, Đức Chúa Trời chẳng nghe những tội nhân. Nhưng nếu ai kính sợ Đức Chúa Trời và làm theo ý muốn Ngài, {thì} Ngài nghe.
32 Từ xưa, chẳng bao giờ nghe rằng, có ai mở mắt của người bị mù từ khi được sinh ra.
33 Nếu người này chẳng thuộc về Thiên Chúa, thì không làm gì được hết.
Chắc hẳn dù bị mù nhưng tôi tin rằng ông vẫn nghe biết đến quyền lực của giới Pha-ri-si. Nhưng người được sáng mắt cứ nói những điều cần phải nói. Lời chứng về Chúa của người mù thật được soi sáng từ Đấng Thần Linh, không những thế lời chứng ấy còn là lời tuyên chiến nghịch lại mọi lý lẽ của những người Pha-ri-si, khiến họ mất mặt, cứng họng. Tôi thấy người mù được sáng mắt này thật tuyệt vời, vừa được Chúa chữa lành thuộc thể cả thuộc linh thôi, nhưng lời nói của ông như người đi theo Chúa lâu vậy. Như đề cập ở trên, môi trường và hoàn cảnh sống của ông khiến ông không sợ những người Pha-ri-si, còn một điều nữa khiến ông có thể vượt trên tất cả đó là niềm vui được chữa lành thuộc thể và thuộc linh.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta biết rằng, khi tiếp nhận Chúa là phải nói về Chúa và là phải nói về Chúa như người bị mù mà được sáng được sáng mắt kia, dẫu cho có bị bắt bớ, bỏ tù. Tôi thấy chúng ta cần dẹp qua mọi nỗi sợ hãi, hãy chỉ để lại Lời Chúa ngập tràn trong lòng, để niềm vui dâng trào trong lòng. Chỉ có làm như vậy mới khiến chúng ta không chùn bước với bất cứ điều gì.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con tấm lòng làm chứng về Chúa như người mù được sáng mắt kia. Con cảm tạ Ngài! A-men!
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Lê Minh Dương
______________________________________________
Tôi xin mến chào các anh chị em trong Ban Thanh Niên.
Tối nay tôi xin chia sẻ Lời Chúa với chủ đề: “Lời Chứng Của Người Mù Được Chữa Lành”.
Câu gốc:
“Từ xưa, chẳng bao giờ nghe rằng, có ai mở mắt của người bị mù từ khi được sinh ra. Nếu người này chẳng thuộc về Thiên Chúa, thì không làm gì được hết.” (Giăng 9:32-33)
Thánh Kinh tham khảo: Giăng đoạn 9.
Câu gốc ngày hôm nay là câu nói cuối cùng của người mù đã được Chúa chữa lành trước khi bị những người Pha-ri-si đuổi ra ngoài. Lời chứng của anh đã khẳng định đức tin mạnh mẽ của anh vào sự toàn năng của Thiên Chúa, làm sáng danh Chúa, tôn vinh sự toàn năng của Ngài.
Khi suy ngẫm về hoàn cảnh của người mù này tôi thấy anh thật đáng thương. Anh bị mù từ nhỏ và phải ra đường ngồi xin ăn. Tuy anh bị mù nhưng qua hành động và lời nói của anh tôi thấy anh là một người khiêm nhường, hạ mình, có sự hiểu biết Lời Chúa, có sự hiểu biết về đời này và có sự khôn sáng trong việc đối đáp với người Pha-ri-si.
Tôi thấy ở anh sự hạ mình, khiêm nhường khi nhận lấy sự chỉ dẫn từ nơi Chúa khi anh ta chưa biết Chúa là ai, nhưng anh đã vâng lời Chúa khi Chúa lấy bùn xức mắt ông và phán với ông hãy ra ao Si-lô-ê để rửa. Ông vâng lời Chúa và kết quả là ông được chữa lành. Nếu một người kiêu ngạo và cố chấp tôi nghĩ họ sẽ không vâng lời Chúa để ra ao Si-lô-ê để rửa vì cho rằng làm sao cách đó có thể chữa lành đôi mắt của mình được.
Tuy là một người mù nhưng tôi thấy ông là người có sự hiểu biết Lời Chúa qua câu nói của ông với người Pha-ri-si ở câu 31.
“Và chúng ta biết rằng, Đức Chúa Trời chẳng nghe những tội nhân. Nhưng nếu ai kính sợ Đức Chúa Trời và làm theo ý muốn Ngài, {thì} Ngài nghe.”
Không những hiểu biết Lời Chúa tôi thấy anh ta cũng có sự hiểu biết về đời này qua câu nói của ông: “Từ xưa, chẳng bao giờ nghe rằng, có ai mở mắt của người bị mù từ khi được sinh ra.” Ông phải có sự hiểu biết thì ông mới có thể nói rằng: ” Từ xưa, chẳng bao giờ nghe rằng…”
Tôi cũng thấy ở anh ta có sự khôn sáng khi anh đối đáp với người Pha-ri-si khi họ cố chấp cho mình là đúng qua hai câu 24 và 25.
24 Vậy, họ đã gọi người đã mù một lần nữa, và nói với người: Hãy dâng sự vinh quang lên Đức Chúa Trời! Chúng ta biết rằng, người ấy là một tội nhân.
25 Người đã trả lời, nói {rằng}: Tôi chẳng biết người ấy có phải là một tội nhân hay không. Tôi chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ tôi thấy được.
Cuối cùng, tôi thấy ông nhận được một điều tuyệt vời là ông nhận được sự cứu rỗi khi ông tin Chúa và thờ phượng Ngài, ông đã thoát khỏi cảnh mù thuộc linh lẫn thuộc thể.
Qua câu chuyện của người mù này tôi rút ra được những bài học sau:
- Chúng ta không để hoàn cảnh khó khăn khiến chúng ta thiếu đi sự hiểu biết Lời Chúa và những sự hiểu biết khác giúp ích cho chúng ta trong cuộc sống.
- Luôn hạ mình, khiêm nhường trong mọi hoàn cảnh thì được Chúa ban ơn, có sự khôn sáng đến từ nơi Chúa.
- Chúng ta cũng là những người mù thuộc linh khi chưa biết Chúa. Khi tin nhận Chúa thì chúng ta được mở mắt thuộc linh thì chúng ta cũng làm chứng lại và tôn vinh Chúa về những quyền năng, phép lạ của Ngài trên đời sống của chúng ta để người khác cũng có cơ hội biết Chúa và tin nhận Ngài.
Cảm tạ Chúa, tôi xin kết thúc bài chia sẻ của mình, cám ơn các anh chị em đã lắng nghe sự chia sẻ của tôi. Nguyện bài chia sẻ của tôi đem lại sự ích lợi, gây dựng đức tin cho các anh chị em. A-men!
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Trần Hữu Tường
__________________________________
Kính thưa Hội Thánh!
Đoạn Thánh Kinh này không có giới thiệu được nhiều về người mù, chỉ biết anh ta mù từ lúc sinh ra và thường hay ngồi ăn xin. Tôi nghĩ anh ta tuy mù nhưng lại có khả năng nhận thức lại đúng đắn hơn những người nhìn thấy, khi ta sống trong những hoàn cảnh đầy dẫy những tội lỗi thì việc có mắt thấy đôi khi lại làm ta không còn định hướng được việc đúng sai, có quá nhiều điều sai hằng ngày vẫn thấy, ta quá quen nên không còn nghĩ nó là sai, mắt thấy, tai nghe quá nhiều lại trở nên mơ hồ, đôi khi chúng ta sáng mắt về thuộc thể lại làm ta bị mù về thuộc linh. Điều này cũng tương tự như khi tôi đang sống trong giáo hội vậy, lúc mới thiếu niên khi đọc đến ngày Sa-bát thì tôi cũng thấy ngày Sa-bát là ngày thứ Bảy cách rõ ràng, nhưng vì mắt tôi thấy người ta nghĩ ngày chủ nhật, người ta cũng dạy là ngày Sa-bát đã chuyển sang chủ nhật vì họ cho rằng đó là ngày Chúa phục sinh. Hay có lúc tôi đọc thấy Thánh kinh nói thế này mà sao cuộc sống của người tin Chúa lại thế kia… Giả sử lúc đó mắt tôi không nhìn xung quanh, không phải đi nhà thờ nghe những lời sai trái, nếu như lúc đó chỉ có một mình với Lời Chúa thì sự hiểu đúng và tiếp nhận cách đơn sơ và dễ dàng hơn cho tôi.
Anh chàng mù này tuy anh không được nghe nhiều về Lời Chúa nhưng anh lại có một tấm lòng sáng suốt, và đôi tai rất thính để nghe những việc xung quanh mình, anh biết là có một người tên là Jêsus đang đến, đang giảng, nhưng không hề thấy người này kêu cầu Chúa giải quyết cho nan đề của mình, có lẽ người này vẫn đang chăm chú nghe Chúa nói mà không thấy nan đề của mình là cần thiết hơn. Nói xong Ngài liền nhổ xuống đất làm ra bùn với nước miếng, và xức bùn trên mắt của anh. Rồi Ngài bảo anh đi rửa, anh vâng lời Chúa và trở nên thấy được.
Chúa phán người này không bị mù vì cớ tội lỗi như câu 3.
“Đức Chúa Jesus đáp: Chẳng phải người này đã phạm tội cũng chẳng phải cha mẹ của người; nhưng để cho những việc của Đức Chúa Trời có thể được tỏ ra trong người.”
Qua đó người mù này được chúa chọn cho công việc của ngài, để danh Ngài được vinh hiển, vì phép lạ mở mắt người mù từ trong bụng mẹ chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Và điều quan trọng hơn trong công việc của Ngài là câu 39.
“Đức Chúa Jesus đã phán: Trong sự phán xét, Ta đã vào trong thế gian này để những ai chẳng thấy thì thấy; còn những ai thấy thì trở nên mù.”
Người Pha-ra-si tự cho mình hiểu biết Lời Chúa, nhưng lại làm sai Lời Chúa, vì kiêu ngạo không chịu học biết từ Ngài và cũng chẳng tin Ngài thì điều đó như là sự mù cho họ. Người mù này không chỉ thấy về phần xác mà phần tâm linh thì cũng thấy, là nhận biết Ngài và thờ phượng Ngài. Lúc Chúa chưa xác nhận mình là con Đức Chúa Trời, thì người ấy đã tin rằng Ngài đến từ Thiên Chúa điều đó được thể hiện qua lời làm chứng của anh.
32 Từ xưa, chẳng bao giờ nghe rằng, có ai mở mắt của người bị mù từ khi được sinh ra.
33 Nếu người này chẳng thuộc về Thiên Chúa, thì không làm gì được hết.
Qua câu đối đáp của anh với những người Pha-ra-si không có chút sợ hãi, và cũng không dao động hù theo lời dối trá của họ, lời nói anh chắc chắn, cũng cho thấy bao lâu nay anh tuy mù nhưng thuộc linh của anh vẫn thấy được, hiểu được về sự công chính của Ngài. Chúng ta cứ nghĩ người mù thì ít nghe, không thấy được thì có lẽ thiếu hiểu biết, nhút nhát, thiếu quyết đoán, thiếu tự tin, nhưng anh lại không như vậy. Anh thật khôn sáng mà tôi nghĩ từ lúc sinh ra đến lúc anh thấy được chỉ có thể diễn tả là bởi phép lạ, để danh Ngài được vinh hiển. Sự vinh hiển càng hơn bởi lời chứng của anh, công việc Ngài được tỏ ra trong người.
Những người không bị mù thuộc linh, biết trông chờ Chúa thì Chúa chủ động tìm đến chữa lành mà Thánh kinh ghi chép chỉ có vài trường hợp, qua đó thì cũng an ủi chúng ta, nếu lòng chúng ta hướng thiện chờ mong Chúa thì chắc chắn Chúa không bỏ chúng ta ra ngoài ,dù có những nan đề thử thách nếu không phải ý Chúa, không cần thiết cho ta, thì Ngài cũng đến và giải cứu chúng ta.
Lạy Cha! Con tin chúng con được thấy là một phép lạ từ Chúa vì giữa hàng trăm đến hàng tỉ người xưng là cơ đốc nhân nhưng vẫn còn mù lòa . Con cám ơn Chúa đã đến và giúp chúng con được thấy Ngài. Xin giúp chúng con được sống động trong Lời Ngài, thấy Ngài càng rõ ràng hơn, xin thêm sức để chúng con được mạnh dạn làm chứng về Ngài ,về những lời dạy dỗ của Ngài. Con cảm tạ ơn Cha. Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen!
Ân điển trong Đức Chúa Jêsus Christ.
Amoa