Lời Khuyên của Phi-e-rơ về Sự Sẵn Sàng cho Ngày Chúa Đến

242 lượt xem

Chủ đề: Lời Khuyên của Phi-e-rơ về Sự Sẵn Sàng cho Ngày Chúa Đến.

Câu gốc:

I Phi-e-rơ 4:7-11
7 Sự cuối cùng của muôn vật đã gần. Vậy, các anh chị em hãy có tâm trí sáng suốt mà cầu nguyện.
8 Trên hết mọi sự, hãy có tình yêu nóng cháy trong vòng các anh chị em; vì tình yêu che đậy vô số tội lỗi.
9 Hãy tiếp đãi lẫn nhau, chớ có than phiền.
10 Theo như mỗi người đã nhận được ân tứ, hãy phục vụ lẫn nhau như những người quản lý tốt ân điển đa diện của Thiên Chúa.
11 Nếu có ai nói thì hãy nói như nói Lời của Thiên Chúa. Nếu có ai phục vụ thì hãy làm như nhờ sức mạnh mà Đức Chúa Trời ban, để Đức Chúa Trời, là Đấng được sự vinh quang và quyền phép cho tới đời đời, được vinh hiển trong mọi sự qua Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

1/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Thùy Linh

Anh chị em thân mến!

Trong lời khuyên trên đây của Phi-e-rơ tôi thấy có những điều ông khuyên như sau.

1/ Hãy có tâm trí sáng suốt mà cầu nguyện.

2/ Tình yêu thương nóng cháy trong vòng các anh chị em.

3/ Hãy tiếp đãi lẫn nhau.

4/ Hãy phục vụ lẫn nhau như những người quản lý tốt ân điển đa diện của Thiên Chúa.

5/ Hãy nói như nói Lời của Thiên Chúa.

6/ Hãy phục vụ như nhờ sức mạnh mà Đức Chúa Trời ban.

Thưa anh chị em.

Những lời khuyên của Phi-e-rơ trên đây tôi nhận thấy ông khuyên con dân Chúa có hai phương diện, đó là với Chúa và với nhau.

Đối với Chúa thì hãy có tâm trí sáng suốt cầu nguyện, những điều còn lại là lời khuyên của con dân Chúa đối với nhau.

Một người có tấm lòng yêu kính Chúa thật rất quan trọng, nhưng có tấm lòng giữa vòng con dân Chúa với nhau cũng không kém phần quan trọng như vậy. Vì Lời Chúa có chép:

“Nếu có ai nói rằng: Tôi yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh chị em cùng Cha của mình, thì ấy là kẻ nói dối. Vì ai chẳng yêu anh chị em cùng Cha mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được.” (I Giăng 4:20).

Cho nên trong sáu điều mà tôi liệt kê trên đây là hết năm điều Phi-e-rơ khuyên về cách ăn ở giữa vòng con dân Chúa với nhau.

1/ Mở đầu cho sự khuyên răn Phi-e-rơ dùng câu: Sự cuối cùng của muôn vật đã gần.

Phi-e-rơ muốn nhấn mạnh cho những người ông khuyên rằng, sự cuối cùng của muôn vật đã gần. Có nghĩa là không còn lâu nữa, không còn thời gian nữa, vậy anh chị em hãy sẵn sàng đi, hãy làm những sự này đi. Hãy lấy tâm trí sáng suốt mà cầu nguyện tôi hiểu rằng, đó là cầu nguyện bằng thần trí được soi dẫn từ Đấng Thần Linh.

Khi chúng ta cầu nguyện bằng thần trí là chúng ta cầu nguyện theo ý muốn của Đức Chúa Trời, cầu nguyện xin Chúa tha thứ và ban ân điển cho thêm nhiều người trên đất được nghe biết đến Tin Lành, cầu nguyện cho dân tộc mình, cầu nguyện cho Hội Thánh, cho anh chị em cùng Cha, và cho chính bản thân mình. Cầu nguyện với sự hướng đến sự sống đời đời và vương Quốc của Đức Chúa Trời. Hơn là xin Chúa về vật chất đời này.

2/ Tình yêu thương nóng cháy trong vòng các anh chị em.

Tình yêu thương là gì chắc hẳn anh chị em đã hiểu, nhưng Phi-e-rơ khuyên tình yêu thương nóng cháy trong các anh chị em, vì tình yêu che đậy vô số tội lỗi.

Tình yêu thương nóng cháy là tình yêu biết hy sinh cho nhau, nghĩ về lợi ích của anh chị em cùng Cha hơn là lợi ích của riêng mình. Sẵn sàng cứu giúp, chia sẻ khi có điều kiện và khi anh chị em cùng Cha có cần. Bên cạnh đó cũng phải sẵn sàng mạnh dạn chỉ ra những sai phạm, những tội lỗi mà chúng ta nhìn thấy ở anh chị em mình. Tất cả những việc đó thực hiện một cách mạnh mẽ, sốt sắng.

Trong giáo hội họ thường dùng câu này để che đậy, giảm nhẹ sự phạm tội của con dân Chúa mà bỏ qua, không nói đến, nhắc đến tội lỗi của người kia.

Tôi xin được trích lời dạy dỗ của người chăn như sau:

“Vì yêu thương, không muốn cho người anh chị em của mình tiếp tục phạm tội mà chúng ta phải lên tiếng ngay lập tức. Vì công chính mà chúng ta không thể nào im lặng khi nhìn thấy một con dân Chúa phạm tội, dẫn đến sự giày đạp máu thánh của Đấng Christ. Vì thánh khiết mà chúng ta không để cho mình phạm tội hèn nhát, không dám hy sinh nói lên lẽ thật để cứu người anh chị em của mình ra khỏi sự phạm tội.

Chính nhờ chúng ta yêu thương, sẵn sàng chịu thiệt hại để nói lên lẽ phải mà chúng ta cứu được người anh chị em của mình ra khỏi sự sai trái tội lỗi, khiến cho sự phạm tội của người ấy chấm dứt ngay. Đó là ý nghĩa của câu: “vì tình yêu che đậy vô số tội lỗi.” Chứ không phải vì yêu mà tư vị, bênh vực trái lẽ những kẻ có tội, tìm cách làm nhẹ đi hoặc dấu đi sự phạm tội của họ. Tội lỗi phải được xưng nhận đầy đủ và thật lòng, để được Đức Chúa Trời tha thứ và Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội.

Bổn phận của chúng ta là yêu thương; và yêu thương là chịu đựng, tha thứ lẫn nhau, nhưng phải nói lên sự sai trái, tội lỗi của các anh chị em mình. Đức Thánh Linh sẽ dùng lời nói chân thật của chúng ta làm chứng cớ buộc tội người không chịu ăn năn.”

Link: https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-phi-e-ro-47-11/

Tôi suy ngẫm, tình yêu che đậy vô số tội lỗi. Cũng là một hình thức vì tình yêu mà chịu đựng lẫn nhau, nhất là trong môi trường sống tập thể, người thì có tính này, sở thích kia, người thì có tính khác, sở thích khác nhưng nếu bản tính đó, sở thích đó của họ không sai nghịch Lời Chúa, không gây vấp phạm cho người khác, nhưng nó không hợp với mình thì vì tình yêu chúng ta có thể chịu đựng anh chị em của mình.

Ví dụ như hai gia đình sống gần nhau. Người thì có thói quen ăn to nói lớn, bộc trực, còn người thì có tính nhẹ nhàng hơn, khéo léo hơn. Đương nhiên với sở thích và bản tính khác nhau thì sẽ có sự người kia sẽ làm cho người này hơi khó chịu một chút về bản tính của người kia, nhưng nếu họ yêu nhau đủ thì có thể chịu đựng được lẫn nhau, mà không còn chứ chăm chăm vào những khuyết điểm của người khác mà gây nên sự phiền lòng cho mình. Và sự chịu đựng anh chị em của chúng ta sẽ khỏa lấp được những khuyết điểm của anh chị em mình.

Lời khuyên tiếp theo

9 Hãy tiếp đãi lẫn nhau, chớ có than phiền.
10 Theo như mỗi người đã nhận được ân tứ, hãy phục vụ lẫn nhau như những người quản lý tốt ân điển đa diện của Thiên Chúa.

Nếu ai trong chúng ta ghi nhớ câu Thánh Kinh này:

“Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người.” (Cô-lô-se 3:23).

Thì chúng ta sẽ đối xử với người khác không bao giờ có sự than phiền, bực mình hay cảm thấy mình thiệt thòi mất quyền lợi. Nếu chúng ta ghi nhớ câu này thì từng lời nói, từng hành động đều sẽ cẩn thận, hết lòng, nhiệt tình mà làm cho anh chị em của mình. Nếu chúng ta nhớ câu này chúng ta sẽ vui mừng mà làm, làm trong sự tự nguyện, thỏa lòng và trong sự tôn trọng. Bởi vì chúng ta làm là làm cho Chúa.

Tôi nhớ câu nói của người chăn như thế này: “Chúng ta đối xử với anh chị em của mình như thế nào thì chính là chúng ta đối xử với Chúa như vậy.”

“…hãy phục vụ lẫn nhau như những người quản lý tốt ân điển đa diện của Thiên Chúa.” Tôi hiểu rằng phục vụ lẫn nhau như người quản lý tốt đa diện có nghĩa là tùy vào những ân tứ, những ta-lâng mà Chúa ban cho mỗi người mà làm thật tốt việc đó trong việc phục vụ cho anh chị em của mình bằng nhiều phương diện khác nhau.

Ví dụ người được ơn trong sự nấu ăn, thì phục vụ tốt trong việc nấu nướng, tiếp đãi anh chị em cách hết lòng và vui vẻ.

Người thì có ơn trong việc sửa dựng, việc lái xe, việc chăm sóc, thậm chí trong việc hiểu biết Lời Chúa để gây dựng thuộc linh cho anh chị em cùng Cha của mình.

Nói tóm lại là tận dụng mọi ân tứ Chúa ban cho mình để phục vụ anh chị em mình một cách hết lòng với tình yêu, trong sự hạ mình, khiêm nhường xem người khác là tôn trọng hơn mình, luôn làm việc với tinh thần phục vụ. Nếu ai cũng mang cùng một tâm tình như vậy thì cuộc sống sẽ luôn vui thỏa và chan hòa với nhau, luôn có sự hiệp một.

Đức Chúa Jesus đã làm gương cho chúng ta về điều này:

“Cũng vậy, Con Người đã đến, không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và phó mạng sống của mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (Ma-thi-ơ 20:28).

“Nếu có ai nói thì hãy nói như nói Lời của Thiên Chúa.” Nói như nói Lời của Thiên Chúa là mọi lời nói của mình đều phải có sự gây dựng, có ân hậu, có yêu thương và tôn trọng người khác.

Nói như nói Lời của Thiên Chúa là mạnh mẽ, nghiêm khắc khi quở trách, nhắc nhở người khác khi họ phạm lỗi, phạm tội.

Nói như nói Lời của Thiên Chúa là nói đúng và đủ. Thẳng thắn, không dài dòng, bao biện. Có sự khôn sáng trong Lời nói bằng cách là chỉ nói những điều cần nói, những gì không cần thiết nói thì im lặng.

Chúng ta đọc Thánh Kinh thấy gương của Chúa Jesus. Ngài chỉ cần nói đúng và đủ. Thậm chí Ngài không trả lời những người hỏi với ý bắt bẻ, gài bẫy Ngài, mà Ngài hỏi lại để tự họ trả lời.

“Người có tri thức kiềm giữ những lời nói của mình là một người hiểu biết, có tinh thần cao quý.” (Châm Ngôn 17:27).

“Chớ có lời hư xấu nào ra từ miệng anh em, nhưng là lời lành có ích cho sự gây dựng và mang ơn đến cho những người nghe.” (Ê-phê-sô 4:29).

Cuối cùng là: Nếu có ai phục vụ thì hãy làm như nhờ sức mạnh mà Đức Chúa Trời ban, Phi-e-rơ nhắc nhở con dân Chúa đừng làm bằng sức riêng của mình mà hãy làm bằng sức Chúa, hãy làm như là sự ban ơn của Chúa chứ không phải vì mình tài giỏi hay mạnh sức.

Tất cả chúng ta làm đều được ban ơn, thêm sức đến từ Chúa, nếu nhớ như vậy thì chúng ta tránh được tội kiêu ngạo.

Thiên Chúa sẽ rất vui lòng khi thấy con dân Chúa ai nấy hết lòng sống cho nhau, yêu thương nhau, vì nhau, bằng tiêu chuẩn của Chúa đó là Công Chính, Thánh Khiết và Yêu Thương. Có như vậy thì chúng ta mới là con của Chúa được thừa hưởng bản tính của Chúa.

Để làm được như vậy chúng ta cần phải ra sức cầu nguyện xin Chúa thêm ơn, ban năng lực cho chúng ta, chúng ta phải thật sự chết đi con người cũ là người tội lỗi, tham lam, tư lợi và ích kỷ. Nhưng sống lại con người mới trong Đấng Christ. Đó là những điều chúng ta bây giờ cần phải thực hiện bởi sự cuối cùng của muôn vật đã gần, sự sẵn sàng cho ngày chúa đến. Để ngày gặp Chúa chúng ta được Chúa ban thưởng cho chúng ta, Ngài vui lòng về chúng ta là một quản gia trung thành, một đầy tớ ngay lành, trung tín.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thùy Linh

2/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Trinh

Anh chị em thân mến,

Chủ đề tuần này là một chủ đề rất thực tế và cần thiết cho mỗi con dân Chúa, mỗi chúng ta đều cần để tâm suy ngẫm, học hỏi và áp dụng để chính mình được sẵn sàng cho ngày Chúa trở lại.

Cũng trong Sách Phi-e-rơ nhưng là trong II Phi-e-rơ 3:10-14, tức chương cuối cùng của thư thứ 2 Phi-e-rơ có chép:

II Phi-e-rơ 3:10-14
10 Nhưng, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm. Trong ngày ấy, các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tan, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.
11 Vì mọi vật này đều phải tiêu tan thì các anh chị em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào,
12 trong khi trông mong cho ngày của Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các tầng trời sẽ bị đốt mà tiêu tan, các thể chất sẽ bị cháy mà tan chảy!
13 Tuy nhiên, theo lời hứa của Chúa, chúng ta trông mong các tầng trời mới và đất mới, là nơi sự công chính cư ngụ.
14 Vậy nên, hỡi những người yêu dấu! Vì các anh chị em trông đợi những sự đó, thì phải sốt sắng để Ngài thấy các anh chị em được bình an, không tì, không vết.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là: “Vì mọi vật này đều phải tiêu tan thì các anh chị em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào, vậy nên, hỡi những người yêu dấu! Vì các anh chị em trông đợi những sự đó, thì phải sốt sắng để Ngài thấy các anh chị em được bình an, không tì, không vết.”

Và hôm nay chúng ta học để biết chúng ta cần chuẩn bị gì để sẵn sàng cho ngày Chúa chúng ta trở lại. Sự chuẩn bị chúng ta học ngày hôm nay trước hết là chuẩn bị trong phần thuộc linh, phần con người bên trong của mình, từ con người thuộc linh được sẵn sàng đó mà sẽ sinh ra bông trái cho con nguời thuộc thể bên ngoài giữa vòng anh chị em và những người thế gian. Theo Lời Chúa cũng là câu gốc tuần này chúng ta học, I Phi-e-rơ 4:7-11, tôi xin nên lên bảy việc làm chúng ta cần chuẩn bị.

1/ Cần có tâm trí sáng suốt để cầu nguyện.

2/ Cần có tình yêu thương nóng cháy trong vòng anh chị em trong Hội Thánh.

3/ Cần tiếp đãi lẫn nhau trong Hội Thánh.

4/ Cần phục vụ lẫn nhau theo ân tứ Chúa ban cho mỗi người.

5/ Cần nói trong trong sự dẫn dắt bởi Lời của Thiên Chúa.

6/ Cần phục vụ nhau trong sức mạnh của Chúa ban.

7/ Cần làm vinh hiển danh Chúa trong mọi sự.

  • Về ý thứ nhất: Cần có tâm trí sáng suốt để cầu nguyện.

Theo sự suy ngẫm thì tôi nhận thấy có hai điều kiện cần thiết để chúng ta có tâm trí sáng suốt để cầu nguyện:

Điều kiện thứ nhất: Khi chúng ta giữ mình khỏi sự cố ý phạm tội thì lòng của mình được bình an, lúc đó tâm trí mình mới có đủ sự sáng suốt để cầu nguyện.

Như tác giả của Thi Thiên 66:18 có viết:

“Nếu trong lòng tôi, tôi hướng về tội ác, Chúa sẽ chẳng nghe tôi.”

Khi một người đã tin nhận Chúa rồi cố ý phạm tội thì lòng người đó sẽ rối bời, không thể đến với Chúa được. Dẫu người đó có cố gắng đến cầu nguyện thì tự lòng người đó cũng sẽ thấy sự gượng gạo và nhận biết Chúa không đẹp lòng, không lắng nghe lời cầu nguyện đó, cho đến khi người đó thật lòng tan vỡ cõi lòng mà ăn năn sự cố ý phạm tội của mình.

Điều kiện thứ hai: Chúng ta cầu nguyện trong sự soi dẫn của Thánh Kinh và của Đức Thánh Linh trong lòng mình.

Có nhiều khía cạnh để có thể bàn bạc đến trong sự cầu nguyện, nhưng ý tôi muốn nhấn mạnh ở đây là khi chúng ta cầu nguyện trong sự dẫn dắt của Thánh Kinh và của Đức Thánh Linh thì đó thật mới là cầu nguyện trong một tâm trí sáng suốt. Cầu nguyện trong sự dẫn dắt của Thánh Kinh là cầu nguyện những điều phải lẽ, phù hợp với Thánh Kinh. Còn cầu nguyện trong sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh là ngoài những nguyên tắc chung về những điều đúng đắn theo Thánh Kinh thì trong từng trường hợp cụ thể về việc cầu xin cho một nan đề nào đó, tôi kinh nghiệm được Đức Thánh Linh sẽ dẫn dắt để mình có lời cầu nguyện sáng suốt.

  • Về ý thứ hai: Cần có tình yêu thương nóng cháy trong vòng anh chị em trong Hội Thánh.

Tôi rất ấn tượng và đề lòng suy ngẫm về cụm từ tình yêu thương nóng cháy. Điều này nhắc nhở em về một tình yêu sống động, luôn bày tỏ kịp lúc và chan chứa sự ấp áp trong tình yêu đó.

Tôi suy ngẫm và thấy điều này thật rất cần thiết. Khi Chúa kêu gọi mỗi cá nhân chúng ta đến với sự cứu rỗi của Ngài thì là lời kêu gọi cho cá nhân, nhưng khi một cá nhân tiếp nhận sự cứu rỗi của Chúa là lúc cá nhân đó được ghép vào Hội Thánh, thành một chi thể trong thân thể của Đấng Christ. Chi thể đó hoạt động là hoạt động trong sự hiệp một của thân thể và hoạt động vì sự hiệp một của thân thể. Mà sợi dây để ràng buộc sự hiệp một đó là sợi dây yêu thương.

“Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành.” (Cô-lô-se 3:14)

“Hỡi các con yêu dấu, chúng ta hãy yêu lẫn nhau; vì tình yêu thuộc về Đức Chúa Trời. Người nào yêu, thì được sinh bởi Đức Chúa Trời và biết Đức Chúa Trời.” (I Giăng 4:7).

Lòng yêu thương lẫn nhau tha thiết giữa vòng anh chị em trong Hội Thánh là cần thiết và là dấu hiệu của người thuộc về Đức Chúa Trời.

  • Về ý thứ ba: Cần tiếp đãi lẫn nhau trong Hội Thánh.

Sự tiếp đãi lẫn nhau này tôi nghĩ không chỉ đơn giản là tiếp đãi nhau về một bữa ăn hoặc là tiếp đãi khách đến thăm nhà, mà còn là tiếp đãi nhau trong sự sẵn sàng mở lòng ra với nhau để lắng nghe lẫn nhau, khuyên bảo lẫn nhau và cầu thay cho nhau.

Ngày của Chúa càng gần thì tôi thấy sự tấn công của ma quỷ càng mãnh liệt, chúng ta không thể đơn độc chiến đấu mà chiến thắng được. Mà cuộc chiến của mỗi Cơ Đốc Nhân thực chất là cuộc chiến trong tâm trí trước, khi tâm trí mình bị thua rồi thì mình mới đi ra và phạm tội. Nên khi chúng ta chiến thắng được trong tâm trí mình thì mình sẽ chiến thắng trong đời sống mỗi ngày của mình. Mà ngoài sự dựa vào Thánh Kinh và Đức Thánh Linh thì sự thông công, tỉa sửa và cầu thay cho nhau cũng thật cần thiết.

  • Về ý thứ tư: Cần phục vụ lẫn nhau theo ân tứ Chúa ban cho mỗi người.

Ý ở đây là chúng ta cần làm mọi sự cho nhau bởi khả năng mà Chúa ban cho mình, bởi ơn Chúa ban cho mình.

Ví dụ, người thì có khả năng đánh đàn, người thì có khả năng giảng luận, người thì có khả năng nấu ăn ngon… hoặc các ân tứ thuộc linh khác như nói tiên tri, các sự hiện thấy mầu nhiệm… thì mỗi người cần dùng những điều được ban cho đó mà phục vụ lẫn nhau trong Chúa, bằng cả tấm lòng mình chứ không phải vì trách nhiệm hay làm để tỏ ra mình tài giỏi.

  • Về ý thứ năm: Cần nói trong trong sự dẫn dắt bởi Lời của Thiên Chúa.

Sự nói là một điều rất đáng để suy ngẫm. Trong Hội Thánh, sống với nhau mà không nói gì cũng không được, nhưng nói nhiều rồi dẫn đến nói những sự như là chuyện tầm phào, nói xấu người khác thì lại là sự phạm tội. Nhưng ở đây Lời Chúa khuyên chúng ta là “nói như nói Lời của Thiên Chúa” có nghĩa là mỗi lời chúng ta mở miệng nói ra là chúng ta cần nói trong sự ý thức là mình đang đại diện để nói lời của Thiên Chúa. Khi chúng ta có ý thức như vậy thì từ trong ý thức đó mà chúng ta biết cẩn trong, suy nghĩ kĩ hơn khi nói và nói trong sự đối chiếu, soi dẫn bởi Lời Chúa mà chọn lọc biết nên nói những điều gì và không nên nói những điều gì.

  • Về ý thứ sáu: Cần phục vụ nhau trong sức mạnh của Chúa ban.

Chúng ta không thể nào làm tốt được bằng sức của mình được, vì sức lực của chúng ta có giới hạn. Chẳng những thế, nếu chúng ta có thể cậy vào sức mình để làm tốt việc gì đó thì sẽ dễ sinh ra sự kiêu ngạo.

Tôi thấy có những trường hợp làm quá nhiều rồi phạm tội khi có những sự khó chịu, nổi nóng với người khác. Tôi học được sự phục vụ trong sức lực Chúa ban là chúng ta nên cân nhắc, xem xét xem sức mình có thể làm những gì, làm được tới đâu mà nhận việc. Không nên ôm quá nhiều việc rồi dễ dẫn đến sự quá sức và không kết quả tốt đẹp.

  • Về ý thứ bảy: Cần làm vinh hiển danh Chúa trong mọi sự.

Đây là ý cuối cùng cũng là ý quan trọng để kết lại cho lời khuyên của Phi-e-rơ về sự chuẩn bị cho ngày của Chúa. Thật vậy, Chúa của chúng ta luôn xứng đáng để được vinh hiển, nên chúng ta làm gì cũng cần ghi nhớ việc mình là con của Đấng vinh hiển thì mọi việc mình làm đều cần mang sự vinh hiển về cho Chúa.

Cảm tạ ơn Chúa, ngày của Chúa càng gần thì chúng ta càng cẩn trọng, giữ mình. Nguyện xin Lời Chúa ở đây mang đến sự tỉnh thức và sự hiểu biết để chúng ta luôn có một đời sống sẵn sàng cho ngày Chúa trở lại. Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Trinh