Lòng Can Đảm của Bà Ê-xơ-tê

308 lượt xem

Chủ đề: Lòng Can Đảm của Bà Ê-xơ-tê

Câu gốc:

“Hãy đi nhóm hiệp các người Giu-đa ở tại Su-sơ, rồi hãy vì tôi mà kiêng ăn trong ba ngày và đêm, chớ ăn hay uống gì hết; tôi và các nàng hầu của tôi cũng sẽ kiêng ăn nữa; như vậy, tôi sẽ vào cùng vua, là việc trái luật pháp; nếu tôi phải chết thì tôi chết.” (Ê-xơ-tê 4:16).

Thánh Kinh tham khảo: Ê-xơ-tê 4,5,7,8

1/ Bài Suy Ngẫm của Trần Thị Tâm

Kính thưa Hội Thánh,

Sách Ê-xơ-tê là sách mà tôi thấy thật thú vị, tôi thấy nó hay. Hay bởi vì tôi thấy câu chuyện được sắp xếp tưởng chừng là do ý chí lựa chọn của mỗi người nhưng thực tế là có sự sắp đặt, dẫn dắt của Chúa và mục đích tốt đẹp của Ngài trên mỗi người.

Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.(Rô-ma 8:28).

Sách xoay quanh một số nhân vật, và các câu chuyện nằm rải rác ở nhiều chương. Để hiểu được chương này thì cần đọc thêm chương trước đó hoặc các chương sau nó. Nhưng chủ đề tuần này của chúng ta là lòng can đảm của Ê-xơ-tê. Nên tôi xin chia sẻ sự hiểu biết của mình theo chủ đề tuần này.

Câu chuyện xảy bắt nguồn từ sự không quỳ lạy Ha-man của Mạc-đô-chê. Nên dẫn đến việc Ha-man lên kế hoạch bằng mọi cách để giết được Mạc-đô-chê vì sự không thích của mình. Hẳn là Ha-man trước đó có thể cũng đã nghĩ nhiều cách để giết Mạc-đô-chê nhưng vì đã không tìm được lý do nào để giết, nên giờ ông nghĩ ra cách là tuyệt diệt dân Giu-đa thì chắc chắn Mạc-đô-chê sẽ chết, vì Mạc-đô-chê là người Giu-đa. Thậm chí ông còn đồng ý chi tiền cho việc giết người hàng loạt này. Nhưng chắc ông không ngờ rằng hoàng hậu Ê-xơ-tê cũng là người Giu-đa.

Khi nghe chiếu chỉ nhà vua lệnh giết hết những người dân Giu-đa thì Mạc-đô-chê đã rất buồn, người dân Giu-đa cũng như vậy: “xé áo mình, mặc một cái bao và phủ tro, rồi đi ra giữa thành, lấy tiếng lớn kêu khóc cách cay đắng,” họ mặc vải xô và phủ tro trên đầu để bày tỏ sự đau lòng của mình. Khi hay tin như vậy thì Ê-xơ-tê đã tìm cách liên lạc với Mạc-đô-chê và được Mạc-đô-chê khuyên Ê-xơ-tê hãy đến xin vua thương xót dân tộc mình.

Dù theo Ê-xơ-tê 4:11 thì chúng ta biết lúc đầu bà không thực sự từ chối gặp vua, nhưng xét theo luật thì có thể mất mạng nếu tự ý vào gặp vua mà không có lệnh mời, trừ khi vua đưa vương rượng vàng ra và tha cho người đó. Suốt 30 ngày qua bà cũng không được vua mời vào. Như vậy bà đã có sự chần chừ và đặt sự an toàn của mình lên trước người dân Giu đa. Nhưng sau đó Mạc-đô-chê trả lời hoàng hậu Ê-xơ-tê: “Chớ thầm tưởng rằng ở trong cung vua, người sẽ được thoát khỏi phải hơn mọi người Giu-đa khác vì nếu ngươi làm thinh trong lúc này, dân Giu-đa hẳn sẽ được tiếp trợ và giải cứu bởi cách khác, còn ngươi và nhà cha ngươi đều sẽ bị hư mất; nhưng nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc này mà ngươi được vị hoàng hậu sao?”

Như vậy bà cũng như người khác, dù bà không vào gặp vua thì bà cũng chết, bà cũng không thoát khỏi cái chết nếu cuộc tàn sát xảy ra. Chúa sẽ có một chương trình khác cho dân tộc Ngài dù bằng cách này hay cách khác. Nhưng Mạc-đô-chê tin rằng Ê-xơ-tê là người mà Chúa dùng để làm điều đó.

Câu nói của Mạc-đô-chê thật sự là một tác động rất lớn, đây là một sự thật, một sự khích lệ và giúp cho Ê-xơ-tê có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ Chúa giao vì dân tộc mình và vì chương trình của Ngài dành cho bà. Sau đó bà với thân phận là một người phụ nữ, đã có một quyết định vô cùng can đảm. Quyết định này có thể khép bà vào án tử hình nếu không được vua đưa cây trượng vàng ra và bà đã mạnh mẽ nói: “nếu tôi phải chết thì tôi chết.”

Ở đây bà đã thể hiện được lòng can đảm của mình, lời nói thể hiện sự cứng rắn và quyết tâm. Và sau đó bà đã gửi lời nhờ Mạc-đô-chê: “Hãy đi nhóm hiệp các người Giu-đa ở tại Su-sơ, rồi hãy vì tôi mà kiêng ăn trong ba ngày và đêm, chớ ăn hay uống gì hết; tôi và các nàng hầu của tôi cũng sẽ kiêng ăn nữa”. Bà biết rằng sau ba ngày đêm nữa bà sẽ phải thực thi một nhiệm vụ liên quan đến sự sống còn của dân tộc mình. Thế nên, hơn bao giờ hết bà cần những lời cầu nguyện từ mọi người cho sứ mệnh cao cả phía trước.

Đối với mỗi người, thay vì sợ hãi và chối từ nhiệm vụ Chúa giao cho chúng ta thì chúng ta cứ dâng trình lên Chúa. Nếu cần sự trợ giúp thì chúng ta cũng hãy kêu gọi mọi người cùng cầu nguyện, có thể cùng kiêng ăn nếu cần, cùng giúp sức cho công việc đang đảm nhiệm. Anh chị em mình luôn sẵn sàng giúp đỡ khi mình cần.

Cũng hay luôn đặt để đức tin nơi Chúa, khi biết đó là chương trình của Chúa và là chương trình ích lợi anh chị em mình thì mình cứ hết lòng mà làm.

Trong danh Đức Chúa Jesus Christ.
Trần Thị Tâm

2/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Thùy Linh

Kính thưa anh chị em,

Tôi xin chia sẻ sự suy ngẫm của tôi về chủ đề của thanh niên tuần này: Lòng Can Đảm của Bà Ê-xơ-tê.

Về bối cảnh trong câu chuyện của bà Ê-xơ-tê thì đã được các chị em sơ lược qua, tôi xin được chia sẻ sự hiểu của chủ đề và học được điều gì qua câu chuyện này.

Tôi suy ngẫm về hai từ “can đảm”: Can đảm là sự dũng cảm, mạnh mẽ, không sợ nguy hiểm, khó khăn, không chùn bước.

Và tôi suy ngẫm từ đâu mà một người có được sự can đảm. Điều gì khiến cho một người có sự can đảm.

Tôi thấy một người có tính can đảm thường thành công trong cuộc sống. Họ chịu khó, chịu khổ, mạnh mẽ vượt qua những có khăn, lòng can đảm giúp người ta không ngại những nguy hiểm, kể cả hy sinh tính mạng của mình cho người khác. Một tấm gương mà ngày hôm nay chúng ta học đó là lòng can đảm của bà hoàng hậu Ê-xơ-tê.

Có thể nói lòng can đảm của bà Ê-xơ-tê xuất phát từ tình yêu và đức tin nơi Thiên Chúa. Tuy trong sách này không có nhắc gì đến Thiên Chúa, nhưng hành động bà Ê-xơ-tê truyền cho Mạc-đô-chê bảo dân Giu-đa hãy kiêng ăn ba ngày ba đêm và bà cũng kiêng ăn, sự kiêng ăn này tôi hiểu rằng để kêu cầu Thiên Chúa giúp đỡ.

Đặt mình vào vị trí của bà Ê-xơ-tê lúc này chắc hẳn cảm xúc ai cũng sẽ thấy lo lắng và sợ hãi, bởi vì đã hiểu rất rõ luật của vua, khi vua không cho mời mà tự ý vào gặp vua thì chỉ có án chết, chỉ có khi nào vua giơ quyền trượng ra thì mới sống. Nhưng điều này không có gì chắc chắn khi đã ba mươi ngày rồi bà không được vua gọi. Chúng ta cũng có thể hiểu được và cảm thông cho bà. Nhưng điều đáng chú ý là sau khi Mạc-đô-chê nói những lời đó thì bà quyết định sẽ đi gặp vua cho dù phải chết.

Tôi liên tưởng đến cuộc đời đi theo Chúa của chúng ta, có đôi lúc cũng phải đối diện với khó khăn, nguy hiểm, là con người xác thịt yếu đuối, chắc hẳn không ai tránh khỏi những lúc lo lắng, sợ hãi hay ngại ngùng bước tiếp. Nhưng quan trọng là khi được Chúa nhắc nhở, dạy dỗ, thêm sức thì lại can đảm bước tiếp, không ngại khó. Đây không phải là điều có thể bôn ba mà được, nhưng phải bởi sự ban ơn của Chúa và bởi tấm lòng của một người phải đủ yêu thương thì mới có thể can đảm hy sinh chính mình cho người khác.

Tấm gương tiêu biểu nhất đó chính là Đức Chúa Jesus đã phó thân mình cứu chuộc nhân loại, mặc dù trước đó Ngài đã sợ hãi và ba lần cầu nguyện nếu được xin Cha cất chén này khỏi Ngài. Nhưng bởi sự vâng phục, tình yêu, đức tin nên Đức Chúa Jesus đã can đảm bước tiếp, nhờ đó mà ngày hôm nay chúng ta được tha thứ, được cứu chuộc khỏi sự chết.

Và như vậy, trước khi gặp vua bà Ê-xơ-tê cũng sợ hãi chứ, cũng lo lắng chứ, nên bà đã kiêng ăn và cả dân Giu-đa cùng kiêng ăn, sau đó bà đã can đảm bước tiếp nhờ vậy mà dân Giu-đa đã không bị tiêu diệt.

Có khi tôi đọc được những bài báo về những thanh niên, những em bé liều thân mình để cứu người khác, rồi chính người đó đã chết. Tôi thấy giữa thế gian băng hoại ngày càng gia tăng này mà đâu đó vẫn còn những người can đảm và có tình yêu thương đủ để hy sinh cho người khác, kể cả đánh đổi mạng sống của mình. Tôi nghĩ rằng tình yêu đó vẫn còn sót lại trong mỗi con người bản tính yêu thương mà  Đức Chúa Trời đã ban cho loài người hình ảnh giống như Ngài từ buổi đầu sáng thế.

Tôi tự hỏi vậy là con dân Chúa thì sao, xưng mình là con cái của Đức Chúa Trời thì sao? Khi mình đã được tha thứ, được phục hòa, được dựng nên mới. Vậy tôi đã đủ yêu thương để có thể hy sinh cho người khác, đặc biệt là anh chị em cùng Cha với mình không. Tôi đã có lòng can đảm chưa?

Tôi thấy vẫn chưa. Bài học yêu người khác hơn yêu chính mình phải học nữa học mãi cho đến ngày về với Chúa. Và càng khó hơn nữa khi mình vẫn còn yêu mình hơn, xem mình là tôn trọng hơn người khác.

Tôi nghĩ hoàng hậu Ê-xơ-tê có được sự can đảm đó là nhờ vào đức tin nơi Thiên Chúa và lòng yêu thương dân tộc của bà. Chính vì vậy mà bà đã được Thiên Chúa ban cho bà được ơn trước vua, không những không chết mà còn cứu được dân mình khỏi cái chết.

Ngày hôm nay chúng ta có thể yêu thương anh chị em của mình, san sẻ từng miếng ăn, tiện nghi, quần áo… nhưng liệu đã đủ hy sinh mạng sống cho anh chị em của mình không? Tôi nghĩ chắc là sẽ khó, nhưng nếu thật chúng ta có tấm lòng, đức tin nơi Chúa, cầu xin Chúa ban cho mình một tấm lòng can đảm, thì tôi tin Chúa sẽ cho, vì Chúa muốn nhìn ở tấm lòng.

“Chẳng ai có tình yêu nào lớn hơn điều này, ấy là một người phó sự sống của mình cho các bạn hữu của mình.” (Giăng 15:13).

Tôi thường cầu nguyện với Chúa rằng, tôi rất yếu đuối và rất sợ khi phải đối diện với những thử thách như bị cầm tù, đánh đập, hay có liên quan đến mạng sống của mình vì danh Chúa. Đọc những câu chuyện anh hùng đức tin chịu khổ vì danh Chúa mà lòng tôi vừa sợ vừa đau xót, vừa ngưỡng mộ, họ thật tuyệt, thật can đảm, thật xứng đáng là một người lính của Đấng Christ. Thật tôi không có đủ can đảm để đối diện, nhưng nếu Chúa cho phép điều đó xảy ra thì xin Chúa hãy ban cho tôi lòng can đảm và mạnh mẽ, vì tôi thật yếu đuối lắm. Xin Chúa ban cho tôi có tình yêu và đức tin đủ để tôi có thể can đảm đối diện trước những sự khốn khó ấy, hay cả việc hy sinh mạng sống của mình cho Chúa và cho anh chị em.

Chúa dạy cho tôi bài học yêu thương người khác hơn chính mình qua bài học này. Nguyện kính xin Chúa thương giúp mỗi chúng ta có thể làm được.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thùy Linh