Chủ đề: Nếp Sống Ngay Thẳng Theo Lẽ Thật của Phao-lô
Câu gốc: Ga-la-ti 2:14
“Nhưng khi tôi thấy họ không đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành, tôi đã nói với Phi-e-rơ trước mọi người: Nếu anh là người Do-thái, mà sống theo cách của người ngoại, không theo cách của người Do-thái, thì làm sao anh khiến các dân ngoại trở thành người Do-thái?”
Thánh Kinh Tham Khảo: Ga-la-ti 2:11-14
1/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Thùy Linh
Kính thưa Hội Thánh
Anh chị em thân mến.
Cảm tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta thêm một buổi học Lời Chúa nữa trong phòng học của thanh niên ngày hôm nay. Tôi xin được chia sẻ sự suy ngẫm của tôi về chủ đề tuần này: Nếp Sống Ngay Thẳng Theo Lẽ Thật của Phao-lô.
Chủ đề ngày hôm nay chúng ta học về sự việc Phao-lô quở trách Phi-e-rơ phạm tội giả hình làm gương xấu cho Ba-na-na, khiến Ba-na-ba cũng học theo về việc đang ăn với người ngoại thì tự rút lui khi khi mấy người Do-thái từ Gia-cơ gửi đến. Làm như là mình không hề ăn chung với người ngoại.
Hành động này của Phi-e-rơ khiến cho Phao-lô phải thẳng thắn quở trách trước mặt những người có ở đó.
Về sự việc này tôi suy ngẫm các điều như sau;
1/ Tầm quan trọng của sự làm gương.
Về việc làm gương không nhất thiết phải là những người đứng đầu, lãnh đạo thì mới có bổn phận phải làm gương mà tất cả ai xưng mình là con dân Chúa thì đều phải làm gương. Nếp sống làm gương, cách hành xử, lời nói người khác nhìn vào và học hỏi, đặc biệt là các bậc mà Chúa đặt để chăm sóc, dạy dỗ, hướng dẫn. Sự làm gương ảnh hưởng trực tiếp đến người xung quanh, làm gương tốt khiến cho người khác học theo điều tốt, làm gương xấu sẽ làm cho người kia học theo điều xấu, mà người gây ra điều đó phải nhận lãnh trách nhiệm.
Điều này thể hiện qua câu nói của Phao-lô
“Nếu anh là người Do-thái, mà sống theo cách của người ngoại, không theo cách của người Do-thái, thì làm sao anh khiến các dân ngoại trở thành người Do-thái?”
Điều này giống như việc chúng ta sống giữa vòng dân ngoại không tin Chúa, nhưng nếp sống của chúng ta không chiếu ra vinh quang của Chúa, không để người khác nhìn thấy Chúa qua mình, thì làm sao mình giảng Tin Lành đến cho người khác, vì đời sống của chúng ta đôi khi còn tệ hơn cả người ngoại.
Trong sự việc này Phi-e-rơ đã làm gương xấu khiến cho Ba-na-ba thấy và làm theo, cho chúng ta thấy tác hại của sự làm gương xấu có thể một mình mình bị sai phạm và dẫn đến người khác cũng vấp phạm theo.
2/ Bổn phận của con dân Chúa.
Trong sự việc này Phao-lô đã thể hiện đúng bổn phận của mình, thẳng thắn quở trách khi thấy sự sai phạm xảy ra không đúng theo Lẽ Thật không đúng theo Lời Chúa.
Con dân Chúa có bổn phận lên tiếng bên vực lẽ phải, chỉ ra cho người sai phạm nhận thấy sự sai trái của mình. Nếp sống thẳng thắn trong Chúa là không im lặng khi nhìn thấy có sự sai trái, lẽ thật bị bẻ cong không đúng Lời Chúa. Lên tiếng khi nhìn thấy anh chị em sai phạm. Nhưng thẳng thắn không có nghĩa là muốn nói gì thì nói hoặc chỉ nói theo suy nghĩ của mình mà không chắc chắn được người kia có thật sai phạm hay không.
Mặc khác khi chúng ta nhìn thấy sự sai trái của anh em mình thì thẳng thắn chỉ ra sự phạm tội đó, thẳng thắn không có nghĩa là phải đứng lên quát lớn, la hét chỉ ra sự phạm tội, mà chúng ta nói rõ cho người đó biết tội mà người đó đang phạm trong sự cứng rắn và trên tinh thần yêu thương.
Trong trường hợp của Phao-lô có phải ông đang giận Phi-e-rơ không. Tôi tưởng tượng ra bối cảnh lúc đó Phao-lô có giận và quở trách Phi-e-rơ cách nghiêm nghị. Tôi nghĩ đây là một sự giận đúng và công chính. Giận khi thấy anh chị em mình phạm tội. Nhưng không phải vì vậy mà Phao-lô lớn tiếng hay quát tháo ông Phi-e-rơ, mà nói bằng giọng nghiêm nghị, tỏ thái độ không vui lòng.
Sự việc ông Phao-lô quở trách Phi-e-rơ trước mặt mọi người như vậy hoàn toàn đúng, không mang tính hạ thấp hay bêu rếu Phi-e-rơ mà trong bối cảnh đó Phao-lô cần phải làm như vậy để làm gương cho kẻ khác, và sự giả hình của Phi-e-rơ là diễn ra trước tất cả mọi người trong đó có Ba-na-ba nên khiến cho Ba-na-ba cũng làm theo.
Tôi học được sự con dân Chúa phải thẳng thắn với nhau trong mọi sự, nếu tôi thấy anh chị em mình sai trái mà tôi không lên tiếng, góp ý hay chỉ ra sự sai trái thì tôi không thật sự yêu thương người đó như Chúa yêu.
“Một lời quở trách tỏ tường hơn là yêu thương giấu kín.” (Châm Ngôn 27:5).
Tôi cũng ao ước rằng khi tôi phạm lỗi, phạm tội cũng được nhận được sự góp ý để tôi được tỉa sửa mỗi ngày. Để được giống Chúa càng hơn.
Tôi suy nghĩ rằng, khi chúng ta yêu thương anh chị em của mình bằng sự giúp nhau được trọn vẹn hơn trong Chúa thì chúng ta đang giúp nhau có được vị trí cao hơn trên thiên đàng. Tôi tin điều đó Chúa vui và đẹp lòng.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thùy Linh
2/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Trinh
Anh chị em thân mến,
Mỗi chúng ta theo Chúa đều có sự riêng tư giữa mình với Chúa và cũng có những việc của con dân Chúa với nhau và với Chúa. Có những điều chúng ta có thể chia sẻ ra cũng có những điều chúng ta chọn không chia sẻ ra. Tuy nhiên, dù chia sẻ ra hay không chia sẻ ra những điều trong lòng mình thì điều quan trọng mà mỗi chúng ta cần gìn giữ đó là sự hiệp một khắng khít trong Hội Thánh. Vì Chúa ví mỗi chúng ta trong Hội Thánh là một chi thể trong cùng một thân, vậy thì có lẽ nào chúng ta lại không có sự hiệp một trong cùng một thân của Đấng Christ sao?
Để có thể có sự hiệp một đó thì bản thân tôi suy ngẫm và đã học hỏi, kinh nghiệm được bài học về nếp sống ngay thẳng theo Lẽ Thật nên tôi cũng muốn được học hỏi, thảo luận cùng anh chị em. Bởi vậy mà tôi mới đưa ra chủ đề này.
Bản thân từ “ngay thẳng” thì đã có nghĩa là chân thật và theo đúng lẽ phải, không gian dối, không thiên vị rồi. Còn thêm vào là “ngay thẳng theo Lẽ Thật” thì chúng ta lại càng hiểu rõ hơn là: Lời Chúa dạy thế nào thì chúng ta ngay thẳng sống theo như vậy.
Anh chị em có thể tham khảo thêm bài giảng của người chăn chú giải phân đoạn Thánh Kinh trên tại link sau:
https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ga-la-ti-2_11-14/
Tôi xin ngắn gọn tóm tắt lại câu chuyện phạm tội của Phi-e-rơ bị Phao-lô quở trách sau khi tham khảo bài giảng của người chăn như sau:
Khi Phi-e-rơ đến thăm Hội Thánh giữa vòng dân ngoại tại An-ti-ốt, ông cùng ngồi ăn chung thông công với mọi người. Thế nhưng, khi một số người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem, do Gia-cơ gửi đi, đến thăm Hội Thánh tại An-ti-ốt thì Phi-e-rơ đã tự ý rút lui, không ngồi ăn với các tín đồ gốc dân ngoại như trước nữa. Lý do là Phi-e-rơ sợ những người Do-thái ấy bắt bẻ ông về việc ông ngồi ăn chung với những người không chịu cắt bì. Vì theo truyền thống thì dân Do-thái xem các dân ngoại là ô uế nên không ngồi ăn chung bàn với họ. Nhưng đó là truyền thống xưa cũ, mà khi Đức Chúa Jesus đến, chuộc tội cho toàn thế gian thì mọi truyền thống cũ đó không còn nữa, hết thảy ai tin nhận Đức Chúa Jesus Christ đều được tinh sạch bởi huyết chuộc tội của Ngài. Phi-e-rơ biết rất rõ điều đó nhưng vẫn vì sợ những người gốc Do-thái mà rút lui, không ăn chung bàn với những con dân Chúa gốc dân ngoại tại An-ti-ốt. Điều đó cũng làm cho những tín đồ gốc Do-thái tại An-ti-ốt cũng bắt chước theo Phi-e-rơ. Thậm chí, Ba-na-ba cũng bắt chước Phi-e-rơ.
Khi Phao-lô thấy Phi-e-rơ hành xử như vậy thì Phao-lô đã quở trách Phi-e-ra ngay trước tất cả mọi người rằng:
“Nếu anh là người Do-thái, mà sống theo cách của người ngoại, không theo cách của người Do-thái, thì làm sao anh khiến các dân ngoại trở thành người Do-thái?” (Ga-la-ti 2:14).
Cách hành xử của Phi-e-rơ như vậy đã phạm các tội là: tư vị, giả hình, hèn nhát, làm gương xấu, xúc phạm và bất công đối với con dân Chúa gốc dân ngoại tại An-ti-ốt.
Đối chiếu Lời Chúa với sự suy ngẫm tôi rút ra được một số khía cạnh sau:
1/ Sự phân biệt đối xử với anh chị em trong Hội Thánh
Tôi thấy đôi khi một cách vô thức tôi đã bị rơi vào tư tưởng, hoặc hành động phân biệt trong cách đối xử với anh chị em trong Hội Thánh, đó là xem những con chiên là yếu thế hơn, nên lời nói của họ sẽ bị “nhẹ” hơn trong lòng của mình. Mặt khác lại xem các trưởng lão có phần xa cách hơn, dè chừng hơn, xét nét với họ hơn mà lại quên rằng, cả 2 đều là chi thể của cùng một thân, mỗi người đều có nhiệm vụ, chức năng khác nhau để làm nên thân thể hiệp nhất.
Trong câu Thánh Kinh sau: Ga-la-ti 3:28
28 Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus.
Nếu chúng ta có thể thay thế thành như thế này:
28 Chẳng có trưởng lão, người chăn hoặc con chiên, chẳng có giàu hoặc không có nghèo, chẳng có lớn tuổi hoặc trẻ tuổi; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus
Thì chúng ta sẽ dễ hình dung ra hơn trong bài học áp dụng vào trong Hội Thánh ngày này. Nếu chúng ta có sự khác nhau trong cách cư xử với anh chị em trong Hội Thánh, hoặc là xem nhẹ lời nói của ai hơn hoặc là biệt đãi ai hơn thì đó đã là điều không đẹp lòng Chúa.
2/ Sự mặc định người chăn và trưởng lão luôn luôn đúng mà không dám nêu lên thắc mắc hoặc góp ý, sửa sai.
Vì sự mặc định là người chăn và trưởng lão luôn luôn đúng mà chúng ta quên rằng hết thảy chúng ta đều là con người, đều có những yếu đuối và bất toàn. Chúa cho phép những thiếu sót xảy ra để qua đó Chúa rèn tập mỗi chúng ta, và cũng qua đó là cơ hội để chúng ta biết rằng mình cần có sự xít lại gần nhau để nâng đỡ, dẫn dắt lẫn nhau trên con đường theo Chúa. Nếu chúng ta thấy gì đó chưa hiểu, thắc mắc thì kịp thời hỏi lại để được rõ, nếu mình sai thì qua sự hỏi lại sẽ được thông suốt, mình sửa lại những suy nghĩ sai trái của mình, nếu mình đúng thì kịp thời góp ý cho anh chị em, kể cả là người chăn hay trưởng lão.
Đương nhiên, người chăn và các trưởng lão sẽ luôn được Chúa ban ơn, sự khôn sáng để dẫn dắt dân sự, nhưng không có nghĩa là họ luôn luôn đúng và không bao giờ sai lầm. Đặc biệt là những lỗi nhỏ, những cách hành xử khiến mình thắc mắc mình cần mạnh dạn đến để đặt vấn đề, hỏi lại người đó với lòng khiêm nhường, xem người khác là tôn trọng hơn mình để muốn học hỏi, hiểu rõ vấn đề, điều đó chẳng tốt đẹp hơn sao? Nếu chúng ta theo Chúa, sống cùng anh chị em mà chúng ta không thể nói thật, nói thẳng cùng nhau mọi lấn cấn trong lòng thì làm sao chúng ta có thể hiệp một cùng nhau trong cùng một thân thể được.
Có một anh chị em đã nói với tôi điều này: “Sống ở thế gian tôi đã chán ngán sự bằng mặt không bằng lòng, vào trong Chúa tôi rất thích vì anh chị em sẽ không sống như cách thế gian sống.”
Vậy thì ngày nay, có ai trong chúng ta vẫn sống trong tinh thần cũ của thế gian là bằng mặt không bằng lòng không? Chúng ta đã luôn sống nếp sống ngay thẳng theo Lẽ Thật chưa? Hay chúng ta vẫn nói là: “Tôi không có gì là bằng mặt không bằng lòng,” nhưng lòng anh chị em thì còn đâu đó một chút buồn lòng, một chút lấn cấn khó hiểu với một anh chị em nào đó mà cứ giữ trong lòng không nói ra. Để rồi chúng ta không đến nỗi là giận ghét nhau, vẫn sẵn sàng yêu thương, tiếp trợ, đùm bọc lẫn nhau về thuộc thể nhưng mà để từ lòng đến lòng tâm tình với nhau mọi vui buồn thì khó đạt được đến điều đó.
3/ Tác hại của sự không ngay thẳng với nhau trong Hội Thánh
Nếu chúng ta không ngay thẳng với nhau thì chắc chắn nhân đó mà ma quỷ sẽ tìm cơ hội để gieo rắc những ý nghĩ, tư tưởng, những điều không hay gây sự chia rẽ giữa vòng con dân Chúa. Hơn thế nữa, ma quỷ còn có thể dùng những điều đó mà chia tách một người hoặc một nhóm người ra khỏi bầy để dễ dàng tiêu diệt đi đức tin của người đó mà người đó không hề hay biết. Vì ma quỷ vốn rất tinh ranh, Chúa nói nó rình mò xung quanh chúng ta như sư tử rống mà Lời Chúa đã cảnh báo:
“Hãy tỉnh thức và cảnh giác! Kẻ thù nghịch các anh chị em là Ma Quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh các anh chị em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.” (I Phi-e-rơ 5:8).
4/ Tính ngại va chạm cần được áp dụng đúng
Bản thân tôi và cũng có thể có nhiều con dân Chúa cũng thường có tính cách này, đó là chúng ta không thích nhiều chuyện, ngại va chạm và dễ bỏ qua, cũng không thích phân trần, giải thích hay hơn thua điều gì đó với ai cả. Tôi nghĩ, ai theo Chúa cũng muốn được êm đềm với Chúa, nếu như rơi vào trường hợp như Phao-lô thì rất dễ mình sẽ im lặng mà không dám lên tiếng quở trách, phản dối tận mặt những điều tội lỗi giữa mọi người, rất dễ mình sẽ chọn chiều theo sự phạm tội như Phi-e-rơ, một người sứ đồ có thể xem là lừng danh, là anh cả trong chức vụ của Phao-lô mà cũng bị lâm vấp, phạm tội như vậy thì mỗi chúng ta không đáng suy ngẫm để cẩn thận hơn sao? Có lẽ Phi-e-rơ lúc đó cũng nghĩ chắc điều này là nhỏ nhặt, không sao đâu, không phải là to tát gì, không phải là tội lỗi… Nhưng đâu biết rằng, dưới ánh sáng của Lời Chúa thì hành động đó của Phi-e-rơ đã đồng thời phạm một lúc rất nhiều tội.
Bởi vậy, là con dân Chúa chúng ta đừng để tính ngại va chạm khiến mình sống không ngay thẳng như điều mình đã nhận biết, cũng đừng để tính ngại va chạm dẫn chúng ta đến sự chiều theo bản tính của xác thịt mà phạm tội.
5/ Sự nêu lên thắc mắc
Còn một vấn đề nữa là, ngày nay chúng ta cũng có thể cậy sức Chúa mà sống như Phao-lô là thấy điều tội lỗi thì lên tiếng quở trách. Nhưng có một vấn đề tôi thấy luôn tồn tại giữa Hội Thánh là có nhiều vấn đề mình chỉ cảm thấy lấn cấn trong lòng thôi, có nghĩa là mình cảm nhận thì thấy không ổn nhưng cũng không phân định được đúng sai trong sự việc đó. Hoặc là mình có sự thắc mắc về một vài sự việc nào đó trong Hội Thánh, mình không biết thực hư nó thế nào mà mình cứ giữ trong lòng, không hỏi, không nói ra để được giải đáp.
Nhưng,
Thứ nhất, chúng ta là con dân Chúa thì mình không được sống theo kiểu người ngoại, giữ trong lòng rồi lâu ngày sẽ sinh ra thành kiến. Mình có thể nói là nhỏ, là không đáng để bụng, nhưng tôi kinh nghiệm chỉ một vài sự không hiểu, một vài sự thắc mắc không nói ra để được giải đáp thôi, vài cái nhỏ nhỏ vậy thôi mà lâu dần sẽ trở thành nguyên cớ để mình có thành kiến với một người hay một sự việc gì đó.
Thứ hai mục đích của sự mình lên tiếng thắc mắc, đề cập đến một vấn đề là vì mình quan tâm, muốn hiểu được rõ ràng về anh chị em của mình, để cảm thông và nâng đỡ nhau, để qua đó mà mình lại càng khắng khít với nhau hơn. Mục đích này là tốt đẹp và quan trọng hơn tất cả những điều còn lại. Chứ không phải là mình thày lay việc người khác hoặc là hơn thua, phân trần để giành phần thắng về cho mình.
6/ Những khó khăn khi chúng ta luôn sống ngay thẳng theo Lẽ Thật
Đó là mình dễ làm mất lòng người khác. Nhưng chúng ta sống là để đẹp lòng Chúa hơn đẹp lòng loài người. Đối với anh chị em chân thật, chắc chắn họ sẽ hiểu một điều rằng, im lặng cho qua luôn là điều dễ làm hơn là lên tiếng để tìm được đường đi đúng. Nhưng chúng ta đã chọn sự lên tiếng thì chúng ta đã chọn đi theo con đường Chúa muốn để gìn giữ sự yêu thương, hiệp một trong Hội Thánh. Không để cho ma quỷ có cơ hội thừa dịp len lỏi vào mà đánh phá hội thánh.
7/ Áp dụng nếp sống ngay thẳng vào đời sống
Đối với những gì mình lấn cấn, khó hiểu, thắc mắc thì cần cầu nguyện Chúa và nói với người trong cuộc ngay, hỏi để được giải đáp.
Đối với những gì mình thấy rõ ràng là tội thì cần xin Chúa thêm sức để dám mạnh mẽ lên tiếng quở trách.
Ngoài ra, chúng ta cần chuyên tâm tra cứu Thánh Kinh, học biết thêm về Lẽ Thật của Lời Chúa, như vậy chúng ta mới đủ sự thông sáng và nhạy bén trong mọi hoàn cảnh mà phân định được mọi việc đúng sai theo tiêu chuẩn của Lời Chúa, để sống ngay thẳng như Chúa muốn được.
Vậy thì, để khắc phục được những khuyết điểm, những thiếu sót trong Hội Thánh thì tôi xin trích dẫn một điều mà bác Tim khuyên tôi ngắn gọn như thế này: “..để xóa tan những điều còn chưa tốt trong Hội Thánh thì vẫn là: nói ngay, nói thẳng, và nói thật những gì sai sót, lầm lỗi trong Hội Thánh với lòng yêu thương, mềm mại.”
Nguyện bài học ngày hôm nay mang đến sự ích lợi cho anh chi em.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Trinh
3/ Bài Suy Ngẫm của Jenny Nguyễn
Bối cảnh:
Phân đoạn Thánh Kinh Ga-la-ti 2:11-14 này ghi lại sự kiện Phao-lô quở trách Phi-e-rơ về việc Phi-e-rơ phạm tội. Sự kiện ấy như sau: khi có mặt các tín đồ gốc Do-thái từ Giê-ru-sa-lem đến thăm Hội Thánh tại An-ti-ốt, thì Phi-e-rơ đã không ngồi ăn thông công với các tín đồ gốc dân ngoại vì ông ngại và sợ những tín đồ gốc Do-thái sẽ đánh giá và bắt bẻ ông. Vì theo truyền thống và thói quen từ lâu thì người Do-thái không ăn chung với người ngoại vì cho rằng họ là ô uế do không chịu cắt bì. Sự việc này cũng khiến cho các tín đồ gốc Do-thái ở An-ti-ốt bắt chước theo Phi-e-rơ, ngay cả Sứ Đồ Ba-na-ba cũng đã bị xui khiến và làm theo cách hành xử của Phi-e-rơ.
Suy ngẫm:
Lẽ Thật của Tin Lành mà Phao-lô đề cập đến trong câu 14 là: tất cả các dân tộc đều phạm tội và nhờ ân điển của Đức Chúa Jesus qua sự chết thay cho hậu quả tội lỗi mà được cứu chuộc và được thánh hoá, không phân biệt dân tộc Do-thái hay dân tộc khác, và không nhờ có hay không có sự cắt bì của thân thể xác thịt, như có chép:
“…vì chúng ta đã tỏ ra rằng người Do-thái và người Hy-lạp hết thảy đều phục dưới quyền tội lỗi…” (Rô-ma 3:9).
“Vì tôi không hổ thẹn về Tin Lành của Đấng Christ, là năng lực của Thiên Chúa để cứu mọi kẻ tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp;” (Rô-ma 1:16).
“Vì bất cứ ai trong các anh chị em chịu báp-tem vào trong Đấng Christ, thì mặc lấy Đấng Christ. Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus.” (Ga-la-ti 3:27,28).
Cách hành xử phân biệt của Phi-e-rơ đối với các anh em gốc dân ngoại ở An-ti-ốt là cách hành xử sai với lẽ thật Lời Chúa mà Phi-e-rơ đã được Chúa dạy dỗ trước đó, như có chép:
“Đức Chúa Trời là Đấng biết lòng người, đã làm chứng cho người ngoại, mà ban Đức Thánh Linh cho họ cũng như cho chúng ta. Ngài chẳng phân biệt chúng ta với người ngoại đâu, vì đã lấy đức tin khiến cho lòng họ tinh sạch.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:8,9).
Ông Phi-e-rơ khi hành xử như vậy là đã phạm tội tây vị, xem trọng người này hơn người khác, xem trọng chi thể này hơn chi thể khác trong cùng thân thể Đấng Christ. Ông có sự ảnh hưởng trong Hội Thánh vì là một sứ đồ, một người chăn, một trưởng lão nên sự phạm tội của ông đã làm gương xấu cho những anh em khác khiến họ cũng phạm cùng một tội như ông. Ông phạm tội trong sự hiểu biết, và Phao-lô gọi sự phạm tội trong sự hiểu biết của Phi-e-rơ là sự giả hình.
Cùng sự việc của Phi-e-rơ nhưng Phao-lô đã lựa chọn quở trách thay vì im lặng hoặc bị xui khiến làm theo như Ba-na-ba và các tín đồ gốc Do-thái ở An-ti-ốt đã làm.
Phao-lô đã không ngần ngại quở trách Phi-e-rơ trước mặt mọi người, tôi hiểu Phao-lô làm như vậy vì các nguyên do:
⁃ Phao-lô làm gương về sự công chính trước tội lỗi dù người phạm tội có giữ chức vụ gì trong Hội Thánh đi nữa, cũng là để Phi-e-rơ kịp thời ăn năn.
⁃ Ngăn chặn sự lây lan của tội lỗi, nếu không hậu quả của cách hành xử sai trật này không những xảy đến trong Hội Thánh tại An-ti-ốt mà còn có thể xảy đến trong các Hội Thánh dân ngoại khác.
⁃ Khẳng định lại lẽ thật của Tin Lành và cho các tín đồ gốc Do-thái có sự hiểu biết đúng đắn với Lời Chúa để không tiếp diễn những sự kỳ thị với tín đồ gốc dân ngoại theo truyền thống trước kia. Cũng như cho các tín đồ gốc dân ngoại cũng có sự hiểu biết chắc chắn và mạnh dạn bày tỏ lẽ thật nếu như có sự việc tương tự diễn ra với họ.
Phao-lô đã mạnh mẽ, lấy lòng yêu thương mà chỉ ra tội của Phi-e-rơ. Có thể Phao-lô hiểu và cảm thông cho sự yếu đuối của Phi-e-rơ nhưng Phao-lô không bỏ qua tội và cũng không chỉ tội theo cách lòng vòng để tránh mất lòng Phi-e-rơ. Thánh Kinh chép:
“Một lời quở trách tỏ tường hơn yêu thương giấu kín.” (Châm ngôn 27:5).
Phao-lô đã không viện cớ tình yêu thương mà dung túng cho tội của Phi-e-rơ hoặc chỉ quở trách Phi-e-rơ chỉ nơi riêng tư, vì sự phạm tội này ở giữa Hội Thánh nên Phao-lô đã quở trách Phi-e-rơ trước Hội Thánh.
Tình yêu thương chân thật của Phao-lô thể hiện ở chỗ ông kịp thời quở trách, sửa trị người có tội ngay khi ông biết sự việc, để người anh em mình biết tội rồi ăn năn. Nếp sống ngay thẳng của Phao-lô thể hiện ở chỗ ông không nói tránh, nói đường vòng để giảm bớt tính nghiêm trọng của sự việc. Phao-lô xem xét đánh giá sự việc dựa trên Lời Chúa và sống như sự giảng dạy của ông, ông không vì cả nể Phi-e-rơ hay vì tình cảm cá nhân với Phi-e-rơ mà lựa chọn im lặng bỏ qua sự việc.
Chúng ta cũng cần phân biệt giữa sự phạm tội khi sự việc xảy ra ở trước Hội Thánh và gây hậu quả cho nhiều anh chị em khác như trong phân đoạn Thánh Kinh này, và sự phạm tội phạm lỗi của người anh em với riêng một mình chúng ta, và sự vô ý làm buồn lòng chúng ta của một người anh chị em mình.
Đối với trường hợp sự việc xảy ra chỉ giữa hai người thì chúng ta phải nói riêng tư với người anh em mình trước hết, như lời Chúa dạy:
“Nếu anh chị em cùng Cha của ngươi phạm tội nghịch lại ngươi, thì hãy đi, nói cho người biết lỗi, chỉ giữa ngươi với người” (Ma-thi-ơ 18:15).
Tuyệt nhiên khi chưa giải quyết với người anh chị em ấy, mà chúng ta đã cáo buộc người anh chị em giữa Hội Thánh, là chúng ta đã phạm tội.
Đối với trường hợp chỉ là một sự vô ý làm buồn lòng chúng ta của một người anh chị em, điều này không phải phạm tội hoặc lỗi, chúng ta có thể chọn chia sẻ hoặc không chia sẻ cảm xúc của chúng ta trước sự việc ấy cho người anh chị em đó. Nhưng là không để cảm xúc buồn giận đó trở thành định kiến, giận ghét người anh chị em mình.
Chúng ta nên cầu nguyện xin Chúa cho cảm xúc buồn giận ra khỏi chúng ta, không để qua ngày hôm sau, để lòng tha thứ cho anh em mình cách hoàn toàn, vì “Sự buồn rầu ở nơi lòng người làm cho nao sờn; nhưng một lời lành khiến lòng vui vẻ” (Châm ngôn 12:25), và “Hãy ở với nhau cách nhân từ, dịu dàng thương xót. Hãy tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho các anh chị em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32). Được như vậy thì chúng ta mới có thể giữ gìn các mối quan hệ với anh chị em cùng Cha được hiệp một trong Hội Thánh.
Bài học:
⁃ Phân đoạn Thánh Kinh này dạy dỗ cho chúng ta dạn dĩ học theo nếp sống thẳng thắn, nghiêm khắc chỉ ra tội theo Lời Chúa của anh chị em mình trong tình yêu thương như Phao-lô đối với Phi-e-rơ.
⁃ Sự tây vị và sự giả hình là các tội mà chúng ta thường mắc phải trong cách hành xử với các anh chị em trong Hội Thánh. Ngoài việc tránh cách hành xử của Phi-e-rơ trong sự việc này thì chúng ta cũng cần tránh cách hành xử như Ba-na-ba và các tín đồ gốc Do-thái ở An-ti-ốt, vì họ đã không xem xét lời khuyên, lời dạy bảo hay cách hành xử của người anh chị em của mình có đúng lẽ thật Lời Chúa hay không, không những không chỉ ra tội mà còn làm sai theo.
Nguyện kính xin Chúa ban cho chúng ta có sự khôn ngoan trong lời nói và cách hành xử giữa các anh chị em với nhau, để không có các sự hiểu lầm, sự buồn giận, các định kiến cá nhân, những thói quen sai trật, hay những nỗi sợ vô cớ giữa vòng anh chị em dẫn đến sự phạm tội, để “Hết thảy hãy nói như nhau; không có những sự phân rẽ trong các anh chị em; nhưng hãy hiệp nhau trong cùng một tâm trí và trong cùng một sự phán đoán” (I Cô-rinh-tô 1:10), và “để các anh chị em cùng một tâm trí, một miệng mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta” (Rô-ma 15:6). Amen!
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Jenny Nguyễn