Những Bài Học Xung Quanh Câu Chuyện Người Cha và Đứa Con Bị Phong Điên

186 lượt xem

Chủ đề: Những Bài Học Xung Quanh Câu Chuyện Người Cha và Đứa Con Bị Phong Điên

Câu gốc:

“Đức Chúa Jesus đáp rằng: Sao ngươi nói: Nếu thầy làm được? Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả.” (Mác 9:23).

Thánh Kinh tham khảo: Mác 9:14-29; Ma-thi-ơ 17:14-21 và Lu-ca 9:37-42

1/ Bài Suy Ngẫm của Đồng Thị Nghĩa

Kính chào các anh chị em Thanh Niên!

Tôi xin chia sẻ một số sự hiểu và bài học của tôi qua câu chuyện người cha và đứa con bị quỷ ám:

1/ Qua câu mà người cha đã nói: “Lạy thầy, tôi đã đem con trai tôi tới cho thầy”“tôi đã xin môn đồ thầy đuổi quỷ ấy, nhưng đuổi không được” (Mác 9:17-18).

Tôi hiểu rằng người cha đem con tới là để tới với Chúa. Có lẽ ông đã được nghe biết hoặc chứng kiến những phép lạ mà Chúa đã làm ra cho người khác nên ông tin Ngài, muốn đem con tới cho Ngài chữa lành. Nhưng khi tới thì không gặp Chúa nên ông đã nhờ môn đồ của Chúa giúp, nhưng môn đồ đuổi quỷ ấy không được.

Qua câu nói khác của người cha: “Nếu thầy làm được việc gì, xin thương xót chúng tôi và giúp cho” (Mác 9:22), tôi hiểu rằng người cha cũng không tin chắc Chúa có thể chữa lành cho con trai của ông hay không.

Tôi nghĩ rất có thể ban đầu người cha đem con đến với Chúa với đức tin mạnh mẽ rằng Chúa sẽ giúp được con trai ông, nhưng rồi khi môn đồ của Chúa đuổi quỷ không được thì đã khiến đức tin của ông giảm sút đi, dù không phải là sự hoàn toàn mất đức tin nhưng cũng có bị ảnh hưởng. Điều này khiến tôi liên tưởng đến việc khi chúng ta đã tin Chúa, rao giảng về quyền năng của Chúa, nhưng thực tế đời sống của chúng ta lại không thể hiện được quyền năng ấy thì sẽ khiến cho người khác mất đức tin vào Chúa. Chúng ta nói rằng Chúa có năng lực biến đổi đời sống của bất kỳ ai trở nên tốt đẹp, giúp chúng ta đắc thắng tội lỗi, giúp chúng ta bình an trong mọi hoàn cảnh. Nhưng ngay đời sống của chúng ta lại vẫn còn chứa chấp tội lỗi, vẫn lo lắng bất an khi đối diện với khó khăn thì rất có thể chúng ta sẽ khiến cho những người đã có đức tin nơi Chúa bị giảm sút hoặc mất đức tin. Vì vậy chúng ta phải hết sức nương cậy vào Chúa để sống một đời sống bày tỏ rõ quyền năng của Chúa, điều đó không chỉ ích lợi cho bản thân chúng ta mà còn là cho cả Hội Thánh, và đó cũng là nghĩa vụ của mỗi chúng ta.

2/ Chúng ta tin Chúa thì phải nhìn vào Chúa để sống, chúng ta cũng nên nhìn vào những điểm tốt của anh chị em mình để học hỏi, nhưng đừng nhìn vào những sự vấp phạm của họ mà để mình bị ảnh hưởng và trở nên mất lòng tin vào Chúa. Con người có thể có những thiếu sót, yếu đuối; nhưng Chúa thì luôn yêu thương chúng ta, luôn mãi là Đấng Toàn Năng.

3/ Mặc dù Chúa Jesus là Thiên Chúa nhập thế làm người nhưng Ngài không dùng sức của Thiên Chúa để chống lại cám dỗ và tôi hiểu rằng Ngài cũng không tự ý dùng sức mạnh của Thiên Chúa để chữa lành tật bệnh cho mọi người. Năng lực Ngài có được xuất phát từ đức tin và sự vâng phục của một con người vào Đức Chúa Trời. Bởi đức tin, sự vâng phục đó mà Ngài được Đức Chúa Trời ban cho năng lực qua Đức Thánh Linh. Trong đời sống của mỗi chúng ta, có thể chúng ta vẫn có những “Gô-li-át” mà mình cảm thấy không thể vượt qua được, khiến cho chúng ta vẫn thường bị vấp phạm và thấy khó khăn để sống được đẹp lòng Chúa. Nhưng qua tấm gương của Chúa Jesus thì chúng ta được nhắc nhở rằng chỉ cần chúng ta cũng hết lòng tin cậy và vâng phục Đức Chúa Trời như Chúa Jesus đã làm, thì không những chúng ta có thể sống một đời sống trọn vẹn mà còn có năng lực làm ra những phép lạ như Chúa đã từng làm.

4/ Khi đọc chi tiết “Đứa trẻ vừa thấy Đức Chúa Jesus, tức thì ngã xuống đất, rồi lăn lóc sôi bọt miếng ra” (Mác 9:20). Tôi cũng không hiểu rõ vì sao ma quỷ lại làm thế. Liệu có phải do lúc người cha đem đứa trẻ đến với môn đồ thì ma quỷ đã hành hại đứa trẻ một cách dữ tợn và khiến cho môn đồ vì thế mà sợ và không đủ đức tin để đuổi quỷ; do đó bây giờ khi đứa trẻ được đem đến với Chúa thì ma quỷ lại tiếp tục dùng chiêu thức đó để hù dọa Chúa hay không? Nếu đúng như vậy thì bài học tiếp theo ở đây là chỉ cần học theo Chúa Jesus mà tin cậy Đức Chúa Trời và vâng phục Ngài, tương giao mật thiết với Ngài thì không có điều gì có thể khiến chúng ta sợ hãi.

5/ Qua câu nói của Chúa: “Nếu không cầu nguyện, thì chẳng ai đuổi thứ quỷ ấy ra được” (Mác 9:29). Chúng ta thấy sự cầu nguyện là rất quan trọng.

Trong Ma-thi-ơ 26:41a có chép lại lời Chúa Jesus phán với các môn đồ như sau:

“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các ngươi không rơi vào sự cám dỗ!”

Như vậy, sức mạnh của sự cầu nguyện là rất lớn. Nếu như trong đêm Chúa bị nộp mà các môn đồ tỉnh thức và hết sức cầu nguyện như lời Chúa nói thì họ đã không chối Chúa.

Có thể môn đồ đã từng nhiều lần đuổi quỷ thành công nên giờ họ cứ đuổi quỷ như họ từng làm mà không có sự cầu nguyện hoặc có sự cầu nguyện không nhiều, trong khi họ lại thiếu đức tin nên không đuổi được quỷ. Còn về chúng ta, có thể có những việc chúng ta đã quen làm và thường làm tốt nên nhiều khi cũng chủ quan không có sự cầu nguyện trước khi làm, khiến cho có nhiều lúc chúng ta làm không được tốt. Bài học là chúng ta nên thường xuyên cầu nguyện hơn, kể cả cho những việc mình vẫn thường làm tốt, chính qua sự cầu nguyện đó cũng giúp chúng ta càng ý thức rõ hơn rằng mỗi một việc mình có thể làm được đều là bởi sự ban ơn của Chúa.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Đồng Thị Nghĩa