Sự Nghi Ngờ của Giăng Báp-tít về Đức Chúa Jesus

310 lượt xem

Chủ đề: Sự Nghi Ngờ của Giăng Báp-tít về Đức Chúa Jesus.

Câu gốc:

“Thầy có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi Đấng khác chăng?” (Ma-thi-ơ 11:3).

Thánh Kinh tham khảo: Ma-thi-ơ 11:1-11

1/  Bài Suy Ngẫm của Đồng Thị Nghĩa

Kính chào các anh chị em!

Tôi xin chia sẻ một số điều tôi học được qua chủ đề của Ban Thanh Niên tuần này:

Khi đọc về sự việc sau khi Giăng nghe về các công việc của Đấng Christ thì sai môn đồ của mình đến hỏi Chúa xem Ngài có phải là Đấng phải đến hay không, tôi thấy như là một nghịch lý vậy. Vì tôi nghĩ, đáng lẽ ra, một người chưa được biết về Đấng Christ, đến khi được nghe về các công việc Ngài làm thì chắc họ sẽ rất vui mừng mà tin Ngài. Còn với một người đã biết đến Đấng Christ và tin nhận Ngài thì khi được nghe về những việc Ngài làm ra, thì họ sẽ lại càng nức lòng vui mừng, vì thấy được quyền năng phép lạ của Chúa đang bày tỏ ra, thấy được tình yêu của Chúa đang thể hiện rõ, họ sẽ được khích lệ càng hơn và thêm lên đức tin. Thế mà, ông Giăng, một người tin Chúa, nhưng hơn cả những người tin Chúa khác, ông là một tiên tri của Chúa, một người ở trong chức vụ đi trước dọn đường cho Chúa, một người giới thiệu về Chúa cho mọi người; đã không hề có được niềm vui mừng, sự khích lệ và thêm lên đức tin trong Chúa khi được biết về những việc làm của Ngài, ngược lại, còn nghi ngờ Chúa. Đây là một sự phũ phàng, nhưng là một thực tế. Tuy vậy, đây không phải là một sự phũ phàng duy nhất của những người tin Chúa. Trong vòng những người tin Chúa, chắc ít nhiều chúng ta cũng đã thấy được sự thật phũ phàng này, khi có những người tin Chúa lâu năm, chứng kiến biết bao nhiêu việc làm của Chúa ở trong Hội Thánh, nhưng họ nhìn vào lại không được vui mừng, không thêm lên đức tin. Bởi vì cùng là nhìn và nghe thấy những việc làm của Chúa như người khác nhưng họ không nhìn thấy được tình yêu, sự công chính và thánh khiết của Chúa qua mỗi một sự việc. Vì vậy ngày qua ngày, họ không những không yêu Chúa hơn mà còn lui đi trong đức tin. Nguyện rằng chúng ta luôn hết lòng tin cậy Chúa, tìm kiếm Chúa; vì nếu không thì rồi chúng ta cũng sẽ là một trong số họ.

Nghe, nhìn một cách rõ ràng vào những việc làm của Chúa, mà lại không nhận biết đó là việc làm của Chúa, trong khi biết bao nhiêu người khác nhận biết, thì lý do chính là người nhìn không có sự khôn sáng. Vì sao một người được Thánh Kinh gọi là đầy dẫy thánh linh từ khi còn trong lòng mẹ như ông Giăng mà lúc này lại không có sự khôn sáng để nhận biết Chúa qua việc làm của Ngài? Theo suy ngẫm của tôi thì hoàn cảnh ngục tù đã khiến ông trở nên như vậy, vì trước khi bị nhốt vào ngục thì ông vẫn ngay thẳng, mạnh mẽ lên án những việc ác, sai trái của vua Hê-rốt (Lu-ca 3:19). Có lẽ khi ông ở trong ngục thì ông rất mong Chúa đến cứu mình ra. Nhưng Chúa cứ đi lại, làm ra bao nhiêu việc ở ngoài, giúp đỡ bao nhiêu người, vậy mà ông Giăng là người trước giờ đã hết lòng đi rao giảng về Chúa, giới thiệu về Ngài cho mọi người thì dường như Ngài đã bỏ mặc ông ở trong ngục.

Có thể trong chúng ta, có lúc sẽ nghĩ rằng mình đã làm nhiều việc trong nhà Chúa, hoặc là mình đã làm việc này việc kia tốt với anh chị em, nhưng đến lúc mình cần thì dường như Chúa và anh chị em đang bỏ mặc mình, và chúng ta buồn giận. Nếu chúng ta có suy nghĩ, hành động như vậy thì chúng ta đang kiêu ngạo vì đã tự ái không đúng, tự cho mình là quan trọng, người khác phải có trách nhiệm quan tâm đến mình. Như vậy thì chúng ta cũng đã không nhớ rằng mọi việc mình đã làm trong nhà Chúa, đã làm cho anh chị em là Chúa dùng mình để làm, mình chỉ là công cụ của Chúa nên mình không có quyền đòi hỏi người khác phải trả ơn cho mình. Việc chúng ta làm chỉ là việc đáng phải làm, như Lời Chúa có chép trong Lu-ca 17:10:

“Các ngươi cũng vậy, khi làm xong mọi việc đã truyền cho các ngươi thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô ích mà đã làm xong bổn phận chúng tôi phải làm.”

Dù có lúc chúng ta cảm thấy điều mình muốn không được đáp ứng, thì chúng ta cũng hãy tin rằng Chúa đang cho phép mọi sự xảy ra để đem đến điều ích lợi nhất cho bản thân chúng ta. Ngài chắc chắn không bao giờ bỏ mặc chúng ta, vì chính Ngài đã phán hứa: “Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28.20b).

Chúng ta thật không biết nếu như ông Giăng không nghi ngờ Chúa thì ông sẽ được vinh quang thế nào, có địa vị ra sao trong Vương Quốc Trời. Dù không biết nhưng chắc chắn địa vị của ông sẽ không hề nhỏ. Nghĩ đến việc ông Giăng là người được tôn trọng hơn hết trên đất này (tất nhiên không kể Chúa Jesus), nhưng lại trở thành một người nhỏ hèn nhất trong Vương Quốc Trời. Nghĩ đến việc ông Giăng đã là thầy mà trở nên nhỏ hèn nhất, trong khi môn đồ của ông là Anh-rê và có thể là Giăng nữa [1], khi đi theo Chúa và trở thành sứ đồ của Chúa thì có địa vị rất cao trọng trong Nước Trời mà tên của họ còn được viết trên nền của tường thành thánh Giê-ru-sa-lem, như đã chép trong Khải Huyền 21:14. Thì tôi thấy Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 19:30 thật là sống động:

“Nhưng có nhiều kẻ ở đầu sẽ nên rốt, và nhiều kẻ ở rốt sẽ nên đầu.”

Điều này nhắc nhở tôi phải thật cẩn thận trong đời sống của mình để không trật khỏi phần ân điển của Chúa. Qua sự việc của ông Giăng, tôi cũng càng hiểu thêm rằng, lời Chúa thật chính xác khi nói rằng: “Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu sự khôn sáng; bất cứ người nào làm như vậy thì có trí hiểu…” (Thi Thiên 111:10). Khi ông Giăng nghi ngờ Chúa thì ông cũng đã không kính sợ Chúa nên ông không có sự khôn sáng để nhìn ra Chúa nữa. Điều này giúp chúng ta thấy rõ ràng, sự khôn sáng chính là sự ban cho của Chúa, không phải tự chúng ta có thể có được. Vì vậy, nếu chúng ta có được sự khôn sáng trong sự hiểu biết Lời Chúa, khôn sáng để làm một việc gì có kết quả tốt, thì chúng ta cần ghi nhớ rằng đó là sự ban ơn của Chúa, chúng ta cần hết lòng cảm tạ Chúa đã ban cho mình được như vậy chứ không được lên mình kiêu ngạo cho rằng mình giỏi hơn người.

Tôi nghĩ về ông Phao-lô, dù khi ở trong ngục vẫn hát thánh ca tôn vinh Chúa, tôi nghĩ đến những con dân Chúa ở Trung Quốc, khi ở trong tù cũng vẫn hết lòng sốt sắng rao giảng Tin Lành, vẫn bình an vui mừng, rồi nghĩ về ông Giăng Báp-tít, khi ở trong ngục đã trở nên nghi ngờ Chúa. Tôi lại nhớ về Lời Chúa chép rằng:

“Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đấng Christ? Có phải sự hoạn nạn, hoặc sự khốn cùng, hoặc sự bách hại, hoặc sự đói khát, hoặc sự trần truồng, hoặc sự nguy hiểm, hoặc gươm giáo chăng?” (Rô-ma 8:35).

Và:

“Vì tôi tin chắc rằng: Chẳng phải sự chết, chẳng phải sự sống, chẳng phải các thiên sứ, chẳng phải các kẻ cầm quyền, chẳng phải các quyền lực, chẳng phải những sự bây giờ, chẳng phải những sự sẽ đến, chẳng phải bề cao, chẳng phải bề sâu, chẳng phải bất cứ một tạo vật nào có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta.” (Rô-ma 8:38-39).

Quả thật, nếu chúng ta hết lòng tin kính Chúa thì không cảnh ngộ nào, không sự việc gì, không ai có thể khiến chúng ta xa cách Chúa và tình yêu của Ngài. Vấn đề quan trọng không phải ở hoàn cảnh bên ngoài mà ở tấm lòng của chúng ta. Ông Giăng Báp-tít đã để cho hoàn cảnh ngục tù tác động xấu đến ông. Nguyện rằng mỗi chúng ta sẽ không như vậy. Nguyện trong bất cứ hoàn cảnh nào Chúa cho phép xảy ra trên đời sống của chúng ta thì chúng ta vẫn cứ cảm tạ Chúa, tôn vinh danh của Ngài!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Đồng Thị Nghĩa