Thái Độ Tốt của Người Tin Chúa

362 lượt xem

Chủ đề: Thái Độ Tốt của Người Tin Chúa.

Câu gốc:

“Ai là người khôn sáng trong các anh chị em? Người ấy hãy tỏ ra thái độ tốt trong các việc làm của mình với sự nhu mì và khôn sáng” (Gia-cơ 3:13).

Thánh Kinh Tham Khảo:

Gia-cơ 3:13-18
13 Ai là người khôn sáng trong các anh chị em? Người ấy hãy tỏ ra thái độ tốt trong các việc làm của mình với sự nhu mì và khôn sáng.
14 Nhưng nếu các anh chị em có sự cay đắng, ganh tị, và sự cạnh tranh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và chớ nói dối nghịch lại lẽ thật.
15 Sự khôn sáng đó không phải từ trên mà xuống đâu; nhưng nó thuộc về đất, về cảm xúc của xác thịt, và về ma quỷ.
16 Vì ở đâu có sự ganh tị và cạnh tranh thì ở đó có sự rối loạn và đủ mọi việc ác.
17 Nhưng thực tế, sự khôn sáng từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, dịu dàng, dễ vâng phục, đầy dẫy lòng thương xót và các bông trái lành, không có sự hai lòng và không giả hình.
18 Và bông trái của sự công chính thì được gieo trong sự hòa thuận, cho những ai làm ra sự hòa thuận.

1/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Thùy Linh

Anh chị em thân mến,

Tôi xin được chia sẻ sự suy ngẫm của tôi về chủ đề của thanh niên tuần này: Thái độ tốt của người tin Chúa.

“Ai là người khôn sáng trong các anh chị em? Người ấy hãy tỏ ra thái độ tốt trong các việc làm của mình với sự nhu mì và khôn sáng” (Gia-cơ 3:13).

Thái độ là cách để lộ ý nghĩ và tình cảm trước một sự việc, trong một hoàn cảnh, bằng nét mặt, cử chỉ, lời nói, hành động. Bài học hôm nay chúng ta học về thái độ tốt của người tin Chúa. Nếu có thái độ tốt thì cũng sẽ có thái độ xấu. Vậy thái độ tốt là những biểu hiện như thế nào và thái độ xấu thì biểu hiện như thế nào?

Trong bài chú giải Gia-cơ 13:13-18 của người chăn có giải thích như sau:

“Thái độ tốt là cẩn thận, quan tâm, biết ơn, tôn trọng người khác, và hết lòng mà làm… Thái độ xấu là cẩu thả, không chú ý đến việc đang làm, không tỏ lòng biết ơn người khác, xem thường người khác, làm với tính cách chiếu lệ…” [1]

Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta thường thấy thái độ xấu nhiều hơn là thái độ tốt, bởi vì bản chất của loài người là tội lỗi. Luôn nghĩ cho mình hơn người khác, không hết lòng trong công việc, tư kỷ, tham lam, xem mình là hơn người khác. Cho dù người đó có tự mình tu luyện lâu năm nhưng bản chất của tội lỗi vẫn còn đó và bị nô lệ cho tội lỗi, loài người biết như vậy là sai, không muốn làm như vậy. Loài người biết làm chiếu lệ là sai, biết xem thường người khác là sai, vô ơn là sai… nhưng vì ích lợi, vì danh tiếng, vì nhiều lý do mà vẫn phải làm. Không có năng lực để chống trả.

Vậy thái độ tốt chỉ có thể có ở người thật lòng tin nhận Chúa, ghét tội, thật lòng ăn năn và được Chúa tái sinh thành người mới. Người ấy được dựng nên mới, được ban cho năng lực của Chúa để có thể có được thái độ tốt. Và như vậy người đó là người khôn sáng mà Gia-cơ nói ở đây.

Tại sao gọi là khôn sáng? Theo tôi hiểu, bởi vì những thái độ tốt đó là sự đẹp ý Chúa, được Chúa ban phước và còn lại đến đời đời. Người tỏ ra thái độ tốt đó là người khôn sáng, biết chọn, làm và hướng đến sự còn đến đời đời.

Có hai loại khôn sáng, khôn sáng trong Chúa và khôn sáng theo thế gian.

Sự khôn sáng được ban cho từ Thiên Chúa, nhưng tội lỗi làm cho băng hoại nên loài người dùng sự khôn sáng đó mà làm ra tội, bất chấp luật pháp, đạo đức.

Trong Chúa, sự khôn sáng được ban cho từ Thiên Chúa mà không cần phải tích lũy kinh nghiệm hay học hỏi, người thật lòng tin Chúa được tái sinh sẽ thể hiện thái độ tốt ra bên ngoài và nó trở nên như bản tính của người đó. Khi đối diện với những tình huống thực tế, người khôn sáng sẽ thể hiện thái độ tốt theo tiêu chuẩn của Chúa và theo Lời Chúa dạy. Như là:

Khi có sự hiểu lầm thì người khôn sáng sẽ có thái độ là nhẹ nhàng giải thích, phục hòa, làm sáng tỏ sự hiểu lầm.

Khi được giao cho công việc thì hết lòng mà làm cách cẩn thận, siêng năng.

Khi có ai lỡ làm buồn lòng mình thì vẫn tha thứ, yêu thương, quan tâm, giúp đỡ.

Thái độ tốt của một người làm việc gì, nói gì, nghĩ gì cũng trong sự nhu mì và khôn sáng.

“Hỡi các anh chị em cùng Cha, nếu có người bỗng nhiên phạm lỗi, các anh chị em là những người thuộc linh, hãy khôi phục người ấy trong thần trí của sự nhu mì. Hãy giữ chính mình các anh chị em, kẻo các anh chị em cũng bị cám dỗ.” (Ga-la-ti 6:1).

Đó là sự khôn sáng từ trên mà xuống như Thánh Kinh chép:

“Nhưng thực tế, sự khôn sáng từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, dịu dàng, dễ vâng phục, đầy dẫy lòng thương xót và các bông trái lành, không có sự hai lòng và không giả hình.” (Gia-cơ 3:17).

Sự khôn sáng từ trên mà xuống là sự khôn sáng đến từ Thiên Chúa, thế cho nên thái độ của người tỏ ra sự khôn sáng đó là những hành động suy nghĩ, việc làm điều ở trong tiêu chuẩn của Chúa, bông trái lành và theo như bản tính của Thiên Chúa.

Vậy nên khi chúng ta nhìn vào thái độ của một người chúng ta sẽ nhận biết được người đó có thật là con dân Chúa hay không, có được đổi mới hay không.

Và nếu là chính bản thân chúng ta thì cần phải cầu xin Chúa ban năng lực cho chúng ta để trong mọi cách ơn ở điều thể hiện ra thái độ tốt, làm sáng danh Chúa và được Chúa vui lòng.

Nếu trong chúng ta vẫn còn những sự nóng giận, cáu gắt, tự ái, lên mình kiêu ngạo, giận ghét, ganh tị… thì đó là một người thể hiện ra thái độ xấu, người đó vẫn chưa được tái sinh, đã làm ra thái độ xấu từ cảm xúc của xác thịt và về ma quỷ.

Lời Chúa dạy:

“Vậy các anh chị em là những người được chọn của Đức Chúa Trời, là những người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót! Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, nhu mì, nhẫn nại!” (Cô-lô-se 3:12).

Khi một người đã mặc lấy cho mình sự nhân từ, khiêm nhường, nhu mì thì họ sẽ luôn có những thái độ tốt khi đối diện với mọi cảnh ngộ, ngay cả sự cương quyết vâng giữ điều răn của Thiên Chúa thì người đó cũng thể hiện cách hiền hòa.

Nguyện kính xin Chúa thanh tẩy, thánh hóa chúng ta để mỗi chúng ta trở nên con người mới, khi người được dựng nên mới thì chúng ta sẽ có được những thái độ tốt, điều đó giúp cho chúng ta vừa làm sáng danh Chúa vừa làm Chúa vui lòng.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thùy Linh

Ghi chú:

https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-gia-co-313-18/

2/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Trinh

Anh chị em thân mến,

Tôi xin chia sẻ sự suy ngẫm của mình qua chủ đề tuần này.

Qua sự tìm hiểu tôi xin được giải thích một số từ trong câu gốc như sau:

“Thái độ” là sự thể hiện tấm lòng, suy nghĩ, cảm xúc của mình qua ánh mắt, lời nói, cử chỉ, hành động…

Tôi xin trích một đoạn trong bài giảng Chú Giải Gia-cơ 3:13-18 để chúng ta có thể hiểu hơn về chữ “thái độ” này:

“Chúng ta có thể làm một việc gì đó với thái độ tốt hoặc thái độ xấu. Thái độ tốt là cẩn thận, quan tâm, biết ơn, tôn trọng người khác, và hết lòng mà làm… Thái độ xấu là cẩu thả, không chú ý đến việc đang làm, không tỏ lòng biết ơn người khác, xem thường người khác, làm với tính cách chiếu lệ…

Nhìn vào thái độ làm việc của một người mà chúng ta biết người ấy có thật sự kính sợ Chúa, sống cho Chúa, hay không.”

(Link bài giảng tại đây: https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-gia-co-313-18/)

Người tin Chúa mà biết tận dụng hết năng lực và ân tứ Chúa ban cho để sống cho Chúa, sống theo Lời Ngài dạy thì sẽ được Chúa ban cho sự khôn sáng thật từ nơi Ngài. Sự khôn sáng thật là sự ban cho từ Thiên Chúa.

Thánh Kinh có chép một câu rất hay:

“Người khôn sáng có con mắt trong đầu mình, còn kẻ ngu muội bước đi trong tối tăm;” (Truyền Đạo 2:14a).

Qua câu Thánh Kinh này và sự suy ngẫm, tôi hiểu rằng, người khôn sáng biết đường mình đi, biết việc mình làm và mục đích mà mình đang hướng tới, đó là đi theo Chúa, làm cho Chúa và hướng về Chúa. Đó mới là người khôn sáng thật, đúng theo ý của Thiên Chúa.

“Nhu mì” là sự hiền hòa, mềm mỏng trong quan hệ đối xử. Nhu mì là một trong hai đức tính mà Đức Chúa Jesus muốn chúng ta học lấy từ nơi Ngài, như Thánh Kinh chép:

“Hãy đến với Ta! Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng! Ta sẽ cho các ngươi sự yên nghỉ. Hãy mang lấy ách của Ta trên các ngươi và học theo Ta, vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách của Ta là dễ chịu và gánh của Ta là nhẹ nhàng.” (Ma-thi-ơ 11:28-30).

Thái độ tốt trong khi làm việc của một người thuộc về Chúa sẽ thể hiện qua sự nhu mì và khôn sáng thật.

Câu gốc tuần này muốn dạy dỗ chúng ta hãy làm việc với thái độ tốt, trong sự nhu mì và khôn sáng thật.

Sau khi hiểu được ý nghĩa của câu gốc và điều Chúa muốn dạy dỗ con dân Chúa qua phân đoạn Thánh Kinh tham khảo, tôi suy ngẫm nhiều về thái độ tốt của một người con dân Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Có 2 điều tôi suy ngẫm được, xin chia sẻ:

1/ Thái độ tốt đối với anh chị em cùng đức tin

Khi suy ngẫm đến điều này thì tôi nhớ đến buổi nói chuyện thảo luận vào Sa-bát đầu tháng của Hội Thánh. Lần thảo luận mà người chăn có kể về chuyện bác đi đến những nơi Chúa kêu gọi để phát truyền đạo đơn, làm chứng về Chúa cho nhiều người Việt ở Mỹ. Dù lần đó bác kể ngắn gọn, nhưng tôi phần nào cảm nhận được sự nhọc nhằn, trăn trở của một người muốn mang Tin Lành Cứu Rỗi đến với người chưa biết Chúa.

Có một thời gian tôi cũng từng trò chuyện, làm chứng về Chúa cho những người bạn chưa biết Chúa. Tôi nhớ về cái cảm giác lúc làm chứng đó, lúc đó mình rất cẩn thận trong lời nói, cử chỉ, việc làm của mình. Vì mình ý thức được, mình là đại diện của Chúa đến với những linh hồn hư mất. Mọi lời nói, cử chỉ, hành động của mình là tiêu biểu cho Chúa, họ nhận biết Chúa của mình là tốt đẹp hay không tốt là qua đời sống của mình, qua cách ứng xử của mình. Bởi vậy, nên lúc mình làm chứng cho một người xa lạ, thì chúng ta luôn chú ý để luôn có thái độ tốt trong mọi lời nói, cử chỉ, hành động, như là lễ độ, hiền hòa, mềm mỏng, nhu mì trong lúc làm chứng hoặc khi sống bên cạnh họ.

Nhưng, tôi xét thấy chính bản thân mình không phải lúc nào cũng luôn cẩn thận để tỏ ra thái độ tốt khi trò chuyện, làm việc, chung sống của anh chị em cùng đức tin. Mà đối với anh chị em nào tin Chúa càng lâu thì thường dễ hời hợt, xuề xòa trong cách mình cư xử với họ.

Đây là một điều cần được cẩn thận suy xét để mỗi chúng ta quan tâm đến nếp sống của mình giữa con dân Chúa.

2/ Thái độ tốt đối với mọi người xung quanh trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Về khía cạnh này, tôi suy ngẫm về sự mình thường dễ cảm ơn, xin lỗi, cảm thông, nhu mì với người lạ. Nhưng với người càng quen thuộc như cha mẹ, anh chị em ruột, con cái, vợ hoặc chồng của mình thì thường mình sẽ rất ít khi để ý đến thái độ tốt của mình đối với họ trong cách nói năng, cư xử hay làm việc gì đó cho họ.

Càng thân thuộc thì mình càng dễ vấp phải lỗi là có thái độ xấu là cẩu thả, không chú ý đến việc đang làm, không tỏ lòng biết ơn người khác, xem thường người khác, làm với tính cách chiếu lệ… đối với những người thân thuộc trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Tóm lại, qua suy ngẫm bài học tuần này, bản thân tôi được sự nhắc nhở để tỉnh thức càng hơn trong sự tỏ ra thái độ tốt đối với mọi việc mình làm trong cuộc sống hằng ngày đối với anh chị em Hội Thánh cùng mọi người trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Trinh

3/ Bài Suy Ngẫm của Nguyễn Thị Tâm

Kính thưa Hội Thánh,

Chủ đề hôm nay của chúng ta là: Thái độ tốt của người tin Chúa.

Trong Gia-cơ 3:13-18 ý nói đến sự khôn ngoan thật trong Chúa. Gia cơ kêu gọi những ai là người có sự khôn ngoan thật, hãy tỏ sự khôn ngoan ấy ra trong mọi việc làm của mình, bằng cách thể hiện thái độ tốt khi hành động. (có tham khảo và trích dẫn trong bài giảng của người chăn)

Vậy thái độ là gì? Thái độ là một trạng thái cảm xúc, được thể hiện về mặt cử chỉ, lời nói, hành động, nét mặt thông qua sự hiểu hiểu, nhìn nhận thế giới xung quanh.

Thái độ có 2 loại là thái độ tích cực và thái độ tiêu cực hay có thể gọi là thái độ tốt và thái độ xấu.

Thái độ tốt đối với con dân Chúa là cẩn thật, quan tâm, biết ơn và hết lòng mà làm như làm cho Chúa… làm trong sự nhu mì khiêm nhường và không có sự cay đắng, ganh tị, cạnh tranh trong lòng mà trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, dịu dàng, dễ vâng phục, đầy dẫy lòng thương xót và các bông trái lành, là trái của Đức Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22-23). (có tham khảo của người chăn)

Ngươc lại, Thái độ xấu là: cẩu thả, làm không hết lòng, không chú ý việc đang làm, không biết ơn người khác, không tôn trọng người khác và làm theo cảm xúc của xác thịt…(có tham khảo và trích dẫn trong bài giảng của người chăn).

Khi tôi đưa ra chủ đề này tôi cũng chỉ muốn nhấn mạnh đến việc. Mình là con dân Chúa thì mình đã thể thiện thái độ tốt khi hành động chưa, mình đã thể hiện được sự nhu mì, khiêm nhường chưa? và mình cần sửa và áp dụng như nào cho đúng chừng mực mà con dân Chúa cần phải làm. Vì thái độ tốt thì làm sáng danh Chúa, còn thái độ xấu thì làm ảnh hưởng đến danh Chúa, xấu danh Chúa.

Ngày nay con dân Chúa sống trên thế gian này không tránh khỏi sự va chạm với người khác, cả người ngoại lẫn người trong Chúa. Nhiều người họ biết chúng ta là con dân Chúa, họ rất để ý bởi chúng ta là số nhỏ trong số đông những người theo Chúa. Họ thấy chúng ta không đi nhóm nhà thờ, không theo tổ chức Giáo Hội nào mà chỉ làm theo lẽ thật trong Thánh Kinh thì chúng ta lại càng cẩn thận với thái độ của mình trước mọi người. Mà để có được thái độ tốt thì chúng ta phải hiểu biết Lời Chúa, kính sợ Chúa thì chúng ta sẽ có sự khôn ngoan thật trong Chúa và chúng ta sẽ được Ngài ban ơn dẫn dắt để nhận biết ý muốn Chúa và thể hiện thái độ tốt qua hành động như thế nào?

Như bài học của chủ đề tuần trước. Ông Giô-sép là một ví dụ. Ở ông cho thấy có sự đơn sơ, kính sợ Chúa nên ông có sự khôn ngoan thật từ nơi Chúa và được Ngài ban ơn trên đời sống ông. Có nhiều phân đoạn nói về ông cho thấy ông có thái độ tốt với mọi người và có sự khôn ngoan thật từ nơi Chúa.

Nguyện Chúa luôn bao phủ ban ơn cho chúng ta luôn có sự khôn ngoan thật nơi Chúa và thể hiện được thái độ tốt với mọi người dù là giữa những người ngoại hay giữa vòng các con dân Chúa với nhau để làm sáng danh Chúa và khích lệ cho nhau trong thời kỳ sau cùng này. Chúng con cảm tạ ơn Ngài. Amen!

Trong ân điển Đức Chúa Jesus Christ.
Trần Thị Tâm

Để lại một bình luận