Thiên Chúa: 03_Ê-lô-him

5,515 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Không Cần Chứng Minh về Sự Thực Hữu của Thiên Chúa

Giả sử, chúng ta đang đi dạo trong một công viên, nhìn thấy một họa sĩ đang vẽ tranh. Chúng ta dừng lại, ngắm nhìn những nét vẽ sống động của họa sĩ. Giả sử, họa sĩ ngỏ ý trao tặng bức tranh cho chúng ta. Chúng ta vui mừng tiếp nhận bức tranh, cám ơn họa sĩ và xin được làm quen để học vẽ từ họa sĩ. Như vậy, chúng ta có đòi hỏi họa sĩ hay ai khác phải chứng minh rằng, họa sĩ có thật và là tác giả của bức tranh mà chúng ta đang cầm trên tay hay không? Tương tự như vậy, Thiên Chúa cũng không cần phải chứng minh với loài người sự thực hữu của Ngài.

Thánh Kinh mở đầu bằng câu:

“Vào lúc ban đầu của sự Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất…” (Sáng Thế Ký 1:1).

Thánh Kinh cũng khẳng định rằng:

“Cơn giận của Thiên Chúa từ trên trời tỏ ra nghịch lại mọi sự không tin kính và mọi sự không công chính của những người dùng sự không công chính mà đè nén lẽ thật. Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian là những vật thọ tạo được nhận biết, mà thấy rõ ràng cả năng lực và thần tính còn mãi của Ngài; cho nên, họ không thể chữa mình.(Rô-ma 1:18-20).

Thánh Kinh không chứng minh Thiên Chúa có thật, cũng không chứng minh Thiên Chúa sáng tạo nên muôn loài vạn vật. Thánh Kinh chỉ khẳng định, có một Thiên Chúa và Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên muôn loài vạn vật. Chính Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời, tức Đức Cha, đã tự bày tỏ năng lực và thần tính của Ngài cho nhân loại. Cái ý thức đạo đức mà chúng ta gọi là lương tâm trong chúng ta chính là thánh đức của Thiên Chúa đã được Ngài đặt để trong chúng ta. Cùng lúc, Ngài cũng ban cho chúng ta khái niệm về sự thực hữu của một Đấng Tạo Hóa, trên cả muôn loài, dựng nên muôn loài, bảo hộ và cai trị muôn loài. Thánh Kinh xác nhận sự kiện Thiên Chúa ban cho loài người khái niệm về sự thực hữu của Ngài, như sau:

“Hết thảy muôn vật được Ngài làm ra tốt lành trong thời của chúng. Ngài cũng đã đặt sự vĩnh hằng trong lòng họ, nếu không bởi đó, chẳng người nào tìm ra công việc mà Đức Chúa Trời làm ra từ ban đầu cho đến cuối cùng.(Truyền Đạo 3:11).

Sự vĩnh hằng trong lòng loài người tức là cái ý thức về Đấng Đời Đời, tức Đấng Tự Có và Có Mãi Mãi.

Trong câu chuyện giả sử mở đầu trên đây, người họa sĩ không cần chứng minh mình có thật và là tác giả của bức tranh đã trao tặng cho chúng ta. Ông ta chỉ cần nói: “Tôi là họa sĩ Nguyễn Văn A (giả sử “Nguyễn Văn A” là tên của họa sĩ), và tôi tặng bức tranh này của tôi cho bạn! Bây giờ, để tôi nói về tôi cho bạn biết.”

Thiên Chúa cũng không cần phải chứng minh với loài người sự thực hữu của Ngài, hoặc chứng minh Ngài đã tạo dựng nên muôn loài. Loài người đã ý thức về sự thực hữu của Thiên Chúa, đã nhìn thấy công trình tạo dựng của Ngài, đã nhận lấy muôn loài trên đất Ngài ban. Thiên Chúa chỉ cần bày tỏ cho họ biết về Ngài. Tất cả những sự bày tỏ đó, đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, nên một người càng đọc và suy ngẫm, cẩn thận làm theo, thì càng hiểu biết về Thiên Chúa càng hơn.

Nhìn Thấy Thiên Chúa

Có một số người ngạo mạn nói rằng: “Hãy chỉ cho tôi thấy Thiên Chúa thì tôi sẽ tin!” Những người nói như vậy thật là đáng thương, vì họ không nhận biết sự vô lý và thiếu hiểu biết của chính họ. Mặt trời là vật do Thiên Chúa dựng nên, mà họ còn không thể nào nhìn thẳng vào mặt trời trong vòng vài phút mà không bị hại mắt, thì làm sao họ có thể nhìn vào Đấng dựng nên mặt trời? Trong thực tế, một người vẫn có thể nhìn thấy Thiên Chúa bằng con mắt tâm linh và có thể nhìn thấy sự vinh quang của sự hiện diện của Ngài bằng con mắt xác thịt. Thánh Kinh ghi lại kinh nghiệm của ông Gióp, một người sống cách nay khoảng 4.000 năm, như sau:

“Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài: Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi.” (Gióp 42:5-6).

Và câu chuyện ông Môi-se, một người sống cách nay khoảng 3.500 năm, về việc ông xin được nhìn thấy sự vinh quang của Thiên Chúa, như sau:

Xuất Ê-díp-tô Ký 33:17-23

17 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se rằng: Ta sẽ làm điều ngươi cầu xin Ta, vì ngươi được ơn trước mặt Ta, và Ta biết ngươi bởi danh ngươi vậy.

18 Ông thưa: Tôi xin Ngài cho tôi xem sự vinh quang của Ngài!

19 Ngài phán: Ta sẽ làm cho mọi sự thiện của Ta đi ngang qua trước ngươi. Ta sẽ hô danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trước mặt ngươi, sẽ làm ơn cho ai Ta muốn làm ơn, và sẽ thương xót ai Ta muốn thương xót.

20 Ngài lại phán rằng: Ngươi sẽ chẳng thấy được mặt Ta, vì không ai thấy mặt Ta mà còn sống.

21 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lại phán: Đây có một chỗ gần Ta, ngươi hãy đứng trên vầng đá;

22 khi sự vinh quang Ta đi ngang qua, Ta sẽ để ngươi trong bộng đá, lấy tay Ta che ngươi, cho đến chừng nào Ta đi qua rồi.

23 Ta sẽ rút tay lại, và ngươi thấy phía sau Ta; nhưng thấy mặt Ta chẳng được.

Thánh Kinh cũng ghi lại hai điển hình về việc một người có thể nhìn thấy Thiên Chúa bằng con mắt tâm linh. Sự nhìn thấy đó, được gọi là khải tượng. Người thứ nhất là Tiên Tri Ê-sai và người thứ nhì là Sứ Đồ Giăng. Riêng Sứ Đồ Giăng, chẳng những ông nhìn thấy Thiên Chúa mà còn nhìn thấy các cảnh trạng trong thiên đàng, các biến cố trong Kỳ Tận Thế, các sự kiện trong Vương Quốc Ngàn Năm và Vương Quốc Đời đời… mà ông đã ghi chép chi tiết trong sách Khải Huyền. Dưới đây là kinh nghiệm của Tiên Tri Ê-sai:

Ê-sai 6:1-5

1 Về năm Vua Ô-xia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, vạt áo của Ngài đầy dẫy Đền Thờ.

2 Những sê-ra-phim đứng bên trên Ngài; mỗi sê-ra-phim có sáu cánh, hai cái che mặt, hai cái che chân và hai cái dùng để bay.

3 Các sê-ra-phim cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh quang Ngài!

4 Bởi tiếng kêu đó, các nền ngạch cửa rúng động, và đền đầy những khói.

5 Bấy giờ tôi nói: Khốn thay cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân!

Lời của Thiên Chúa trong thân vị Đức Con phán rằng:

“Phước cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ thấy Đức Chúa Trời!” (Ma-thi-ơ 5:8).

Lòng trong sạch là lòng chân thành ăn năn tội, chân thành tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, và chân thành vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Những ai có lòng trong sạch sẽ nhìn thấy Đức Chúa Trời bằng con mắt tâm linh, ngay khi còn sống trong thân thể xác thịt này, và sẽ mặt đối mặt với Ngài, nhìn thấy Ngài bằng con mắt xác thịt của một thân thể đã được phục sinh hoặc đã được biến hóa, trong vương quốc của Ngài.

Thánh Kinh gọi thẳng những kẻ chối bỏ sự thực hữu của Thiên Chúa là những kẻ ngu dại:

“Những kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: Chẳng có Thiên Chúa! Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghét; chẳng có ai làm điều lành.” (Thi Thiên 14:1).

“Những kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: Chẳng có Thiên Chúa! Chúng nó đều bại hoại, đã phạm tội ác gớm ghét; chẳng có ai làm điều lành.” (Thi Thiên 53:1).

Ê-lô-him: Thiên Chúa

Danh từ Thiên Chúa trong câu Thánh Kinh đầu tiên được trích dẫn trên đây và trong hàng trăm câu khác của Thánh Kinh phần Cựu Ước, được dịch từ danh từ “ê-lô-him” [1] tiếng Hê-bơ-rơ.

Từ ngữ ê-lô-him xuất hiện 617 lần trong Thánh Kinh nguyên ngữ Hê-bơ-rơ [2]. Ký hiệu H430 được dùng cho từ ngữ ê-lô-him trong bộ từ điển Hebrew English Strong, để giúp cho người tra cứu không quen thuộc ký tự Hê-bơ-rơ dễ dàng tìm chữ. Ký hiệu Strong đã trở thành ký hiệu tiêu chuẩn mà các bộ từ điển khác cũng sử dụng.

Ê-lô-him là một danh từ số nhiều, khi được dùng với nghĩa thông thường có nghĩa là “những thần linh”, để chỉ những thực thể thiêng liêng do Thiên Chúa dựng nên, như các thiên sứ, hoặc để gọi những thần linh trong tín ngưỡng của các tôn giáo. Những thần linh trong tín ngưỡng của các tôn giáo có thể là các giả thần, tức là không có thật, chỉ là những hình tượng do loài người làm ra, hoặc là những tà thần, tức là những thiên sứ phạm tội, chống nghịch Thiên Chúa, được người ta thờ lạy. Vì là một danh từ số nhiều nên động từ hoặc tính từ đi chung với ê-lô-him cũng phải là hình thức số nhiều.

Khi Thánh Kinh dùng ê-lô-him như là một danh từ riêng thì chỉ dùng để gọi Đấng Tạo Hóa cao siêu tuyệt đối, có một không hai, và động từ hoặc tính từ đi chung với nó đều phải mang hình thức số ít. Nói cách khác, Thánh Kinh dùng danh từ chung số nhiều ê-lô-him như là một danh từ riêng số ít để gọi Đấng Tạo Hóa.

Trong cách dùng chữ của tiếng Hê-bơ-rơ, một danh từ số nhiều được dùng làm danh từ chung để chỉ về số lượng nhưng cũng có thể được dùng làm danh từ riêng để chỉ về phẩm chất vượt trội. Dưới đây là cách dùng điển hình trong Thánh Kinh:

  • Từ ngữ số nhiều “bê-hê-mốt” khi dùng như một danh từ chung thì chỉ về số lượng: “nhiều con thú”; nhưng khi dùng như một danh từ riêng thì chỉ về “một con thú” dũng mãnh hơn các con thú khác:

Nhưng hãy hỏi những con thú (bê-hê-mốt), chúng nó sẽ dạy dỗ ngươi, hỏi những chim trời, thì chúng nó sẽ bảo cho ngươi…” (Gióp 12:7).

Này, con Bê-hê-mốt mà Ta đã dựng nên chung với ngươi; nó ăn cỏ như con bò” (Gióp 40:10). Trong câu này, danh từ “Bê-hê-mốt được dùng với động từ “ăn” số ít. Danh từ “Bê-hê-mốt trong câu này không chỉ về nhiều con thú mà là chỉ về một con thú dũng mãnh hơn các con thú khác. Có thể đây là một giống khủng long.

  • Từ ngữ số nhiều “ê-lô-him” khi dùng như một danh từ chung thì chỉ về số lượng: “có nhiều thần”; nhưng khi dùng như một danh từ riêng thì chỉ về một Thần uy quyền hơn các thần khác:

Trước mặt Ta, ngươi sẽ không có các thần (ê-lô-him) khác.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3).

“Vào lúc ban đầu của sự Thiên Chúa (Ê-lô-him) sáng tạo các tầng trời và đất…” (Sáng Thế Ký 1:1). Trong câu này, danh từ Ê-lô-him được dùng với động từ “sáng tạo” số ít. Vì thế, từ ngữ Ê-lô-him không có nghĩa là nhiều thần, mà chỉ có nghĩa là một Thần uy quyền hơn các thần khác, mà chúng tôi chọn dịch sang tiếng Việt là Thiên Chúa.

Các bản dịch Thánh Kinh Anh ngữ đã dịch ê-lô-him thành “God” khi danh từ này được dùng như là một danh từ riêng để gọi Đấng Tạo Hóa. Trong trường hợp ê-lô-him được dùng như là một danh từ chung số nhiều, thì các bản dịch Thánh Kinh Anh ngữ dịch là “gods” với ý nghĩa là “những thần linh” được Thiên Chúa tạo nên, bao gồm các thiên sứ, những tà thần, hoặc những giả thần trong các tôn giáo.

Các bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ của Công Giáo đã dịch ê-lô-him thành “Thiên Chúa” khi từ ngữ này được dùng như là một danh từ riêng để gọi Đấng Tạo Hóa. Riêng các bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ của Tin Lành thì dịch thành “Đức Chúa Trời” hoặc “Thượng Đế”.

1. Các bản dịch Tin Lành đã dịch Ê-lô-him thành “Đức Chúa Trời”:

  • Bản Dịch Truyền Thống, còn được gọi là Bản Dịch Phan Khôi hoặc Bản Dịch Cadman, là Bản Dịch Thánh Kinh Việt Ngữ đầu tiên (1926).

  • Bản Dịch Mới, do Hội Kinh Thánh Việt Nam thực hiện (2002).

  • Bản Dịch Thánh Kinh Tiêu Chuẩn, do Mục Sư Lý Công Thuận thực hiện (2005).

  • Bản Dịch 2011, do Mục Sư Đặng Ngọc Báo thực hiện.

2. Các bản dịch Tin Lành đã dịch Ê-lô-him thành “Thượng Đế”:

  • Bản Dịch Diễn Ý, do Mục Sư Lê Hoàng Phu và một số dịch giả thực hiện (1980).

  • Bản Phổ Thông, thuộc bản quyền của Trung Tâm Phiên Dịch Thánh Kinh Thế Giới (World Bible Translation Center – 2002).

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012 [3] đã dịch Ê-lô-him thành “Thiên Chúa” khi từ ngữ này được dùng như là một danh từ riêng để gọi Đấng Tạo Hóa mà không có mạo từ đi chung. Danh từ “Theos” trong Thánh Kinh Tân Ước tiếng Hy-lạp cũng được dịch thành “Thiên Chúa” khi không có mạo từ đi chung. Khi danh từ riêng Ê-lô-him hoặc Theos có mạo từ đi chung thì được dịch thành “Đức Chúa Trời”. Sự khác biệt về ý nghĩa của “Thiên Chúa” và “Đức Chúa Trời” được người dịch dựa vào quy luật và văn cảnh của nguyên ngữ Thánh Kinh mà quy định như sau:

  • Thiên Chúa là danh từ riêng để gọi chung ba thân vị của Đấng Tạo Hóa là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh.

  • Đức Chúa Trời là danh từ riêng để gọi Thiên Chúa trong thân vị Đức Cha.

Đây là một sự cải tiến trong phương cách chọn từ ngữ để dịch Thánh Kinh sang Việt ngữ, nhằm giúp cho việc phiên dịch được chính xác càng hơn. Cách dùng các danh từ Thiên Chúa và Đức Chúa Trời này cũng được dùng trong Thánh Kinh Việt ngữ Bản Dịch Ngôi Lời, là bản dịch đang được tiến hành [4].

Thiên Chúa Là Một Trong Ba Thân Vị

Trước hết chúng ta cần phân biệt giữa thực thểthân vị. Thực thể là một thể chất có thật trong khi thân vị là ý thức đạo đức, ý chí, cùng các chức năng nhận thức, phân tích, suy luận, và cảm giác của một thực thể. Không phải thực thể nào cũng có thân vị. Hạt bụi, hòn sỏi, cây cỏ, thú vật là các thực thể nhưng chúng không có thân vị. Thiên Chúa, các thiên sứ, và loài người là những thực thể có thân vị:

  • Chỉ có một thực thể Thiên Chúa, tự có và có mãi mãi. Thực thể Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị được gọi là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 28:19).

  • Có rất nhiều thực thể thiên sứ được Thiên Chúa sáng tạo, mỗi thực thể thiên sứ thể hiện trong một thân vị. Chúng ta không biết Thiên Chúa sáng tạo các thiên sứ như thế nào, từ bao giờ, và có bao nhiêu thiên sứ được sáng tạo, vì Thánh Kinh không giãi bày.

  • Chỉ có một thực thể loài người được Thiên Chúa sáng tạo. Sau khi sáng tạo loài người, Thiên Chúa phân loài người thành hai thân vị: người nam và người nữ. Hai thân vị nam và nữ của loài người kết hợp với nhau, sinh ra các thân vị nam và nữ mới. Các thân vị mới ấy lại kết hợp với nhau mà sinh ra các thân vị mới khác, gọi chung là dòng dõi loài người. Mỗi thân vị loài người được gọi là một người. Chỉ có một loài người nhưng loài người được thể hiện trong nhiều thân vị.

Thánh Kinh luôn khẳng định chỉ có một Thiên Chúa (Ê-lô-him) và chúng ta biết Thánh Kinh dùng danh xưng Thiên Chúa như là một danh từ riêng số ít để chỉ Đấng Tạo Hóa.

Tuy nhiên, Thiên Chúa không phải là một thân vị mà Thiên Chúa là một thực thể bao gồm ba thân vị. Chính Thiên Chúa dùng đại danh từ “Chúng Ta” để tự xưng.

Từ ngữ “một” trong tiếng Hê-bơ-rơ lẫn tiếng Hy-lạp, là hai thứ tiếng mà Thiên Chúa đã dùng để tự bày tỏ cho loài người về Ngài, mang hai nghĩa khác nhau:

  • Duy nhất về số lượng: một thực thể, một đơn vị (tiếng Anh: one). Thí dụ: một nguyên tử hy-đrô; một nguyên tử ô-xy.

  • Liên kết và thống nhất về phẩm chất: hiệp một (tiếng Anh: unity). Thí dụ: một phân tử nước (bao gồm hai nguyên tử hy-đrô và một nguyên tử ô-xy).

Trong nghĩa “duy nhất về số lượng” thường dùng, từ ngữ “một” cũng hàm ý liên kết và thống nhất. Thí dụ:

  • Một ngày là sự liên kết và thống nhất của “buổi tối và buổi sáng” (Sáng Thế Ký 1).

  • Một tuần là sự liên kết và thống nhất của bảy ngày.

  • Một người là sự liên kết và thống nhất của linh hồn, tâm thần, và xác thịt.

  • Một gia đình là sự liên kết và thống nhất của cha mẹ và con cái.

  • Một gia tộc là sự liên kết và thống nhất của nhiều gia đình.

  • V.v.

Mệnh đề: “Chỉ có một Thiên Chúa”, có nghĩa là: ngoài Thiên Chúa không có thực thể nào khác là Thiên Chúa. Nhưng thực thể Thiên Chúa là sự liên kết và thống nhất của ba thân vị: Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh. Ba thân vị nhưng chỉ có một thực thể Thiên Chúa.

Đức Cha là Thiên Chúa nhưng khác Đức Con và khác Đức Thánh Linh. Đức Con là Thiên Chúa nhưng khác Đức Cha và khác Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh là Thiên Chúa nhưng khác Đức Cha và khác Đức Con. Cả ba thân vị cùng có từ đời đời, cùng còn đến đời đời, cùng cao siêu tuyệt đối trong một thực thể.

Hình minh họa: Ba thân vị Thiên Chúa trong một thực thể
Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/File:Shield-Trinity-Scutum-Fidei-English.svg

Mệnh đề: “Một Thiên Chúa” hay “Thiên Chúa là một”, có nghĩa là: các thân vị của Thiên Chúa (tự xưng là “Chúng Ta”) hiệp một. Khi Đức Chúa Jesus Christ nói: “Ta và Cha, Chúng Ta là một!” (Giăng 10:30); rõ ràng, câu nói đó của Đức Chúa Jesus Christ không có nghĩa Ngài với Cha là một thân vị. Tự trong hai từ ngữ “cha” và “con” đã nói lên ý nghĩa, đó là hai thân vị khác nhau, thân vị này ra từ thân vị kia.

Các so sánh sau đây dù không trọn vẹn (không một so sánh nào là trọn vẹn) nhưng vẫn có thể giúp cho chúng ta nhận ra ý nghĩa của lẽ thật: “Chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa là một trong ba thân vị”:

1. Trên thế giới chỉ có một cơ quan Liên Hiệp Quốc; các quốc gia thành viên trong cơ quan Liên Hiệp Quốc là một trong mục đích duy trì hòa bình trên thế giới, phát triển tình hữu nghị của hàng trăm quốc gia khác nhau.

2. Chính quyền Hoa Kỳ thể hiện trong ba cơ quan: lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Cơ quan hành pháp được thiết lập bởi pháp chế và thẩm quyền của cơ quan lập pháp. Cơ quan tư pháp được thiết lập bởi pháp chế của cơ quan lập pháp và thẩm quyền của cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, cơ quan tư pháp lại kiểm soát cả hai cơ quan lập pháp và hành pháp.

  • Cơ quan lập pháp Hoa Kỳ là chính quyền Hoa Kỳ giữ nhiệm vụ làm ra luật pháp. Biểu quyết của lập pháp là biểu quyết của chính quyền Hoa Kỳ.

  • Cơ quan hành pháp Hoa Kỳ là chính quyền Hoa Kỳ giữ nhiệm vụ thi hành luật pháp. Hành động của hành pháp là hành động của chính quyền Hoa Kỳ.

  • Cơ quan tư pháp Hoa Kỳ là chính quyền Hoa Kỳ, giữ nhiệm vụ bảo vệ cách thức làm luật và thi hành luật. Phán quyết của tư pháp là phán quyết của chính quyền Hoa Kỳ.

Dù vậy, không phải có ba chính quyền Hoa Kỳ, mà chỉ có một chính quyền Hoa Kỳ.

Ngay trong 11 chương đầu của sách Sáng Thế Ký, Thánh Kinh Cựu Ước đã hé mở cho chúng ta biết, Thiên Chúa có nhiều thân vị, như lời phán của Ngài trong các câu sau đây:

Thiên Chúa lại phán: Chúng Ta hãy làm ra loài người theo hình Chúng Ta, như tượng Chúng Ta, để họ cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, khắp cả đất, và mỗi loài côn trùng bò trên mặt đất! [Thiên Chúa tự xưng Chúng Ta trong câu này và các câu: Sáng Thế Ký 3:22; 11:7. Chữ Chúng Ta được dùng ở đây là để chỉ về ba thân vị của Thiên Chúa, không phải chỉ về Thiên Chúa và các thiên sứ. Vì không chỗ nào khác trong Thánh Kinh nói rằng, Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình và tượng của thiên sứ. Và các thiên sứ thì có các hình dáng khác nhau.]” (Sáng Thế Ký 1:26).

Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Này, về sự biết điều thiện và điều ác, loài người đã trở nên như một trong Chúng Ta; vậy bây giờ, hãy coi chừng, kẻo nó giơ tay hái trái cây sự sống mà ăn, và được sống đời đời chăng. [Thiên Chúa tự xưng Chúng Ta trong câu này và các câu: Sáng Thế Ký 1:26; 11:7. Chữ Chúng Ta được dùng ở đây là để chỉ về ba thân vị của Thiên Chúa, không phải chỉ về Thiên Chúa và các thiên sứ. Vì không chỗ nào khác trong Thánh Kinh nói rằng, Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình và tượng của thiên sứ. Và các thiên sứ có các hình dáng khác nhau.]” (Sáng Thế Ký 3:22).

Nào! Chúng Ta hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của chúng nó, để chúng nó nghe không được lời nói của người này với người kia. [Thiên Chúa tự xưng Chúng Ta trong câu này và các câu: Sáng Thế Ký 1:26; 3:22. Chữ Chúng Ta được dùng ở đây là để chỉ về ba thân vị của Thiên Chúa, không phải chỉ về Thiên Chúa và các thiên sứ. Vì không chỗ nào khác trong Thánh Kinh nói rằng, Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình và tượng của thiên sứ. Và các thiên sứ có các hình dáng khác nhau.]” (Sáng Thế Ký 11:7).

Dù Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị nhưng không phải có ba Thiên Chúa. Danh từ Thiên Chúa phải được hiểu là danh từ dùng để gọi một thực thể duy nhất, tự có, và có mãi, gồm ba thân vị kết làm một với nhau. Mỗi thân vị cùng là bất tận, bất diệt, và bất biến; toàn năng, toàn tại, và toàn tri; toàn ái, toàn thiện, và toàn mỹ, gọi là thần tính, là tính chất riêng của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết các thần tính này trong các chương kế tiếp.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

17/07/2013

Ghi Chú

[1] Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ “אלהים” được chuyển ngữ quốc tế thành [‘ĕlôhı̂ym], phiên âm quốc tế /el-o-heem’/, phiên âm tiếng Việt /ê-lô-him/. Quý bạn đọc có thể nghe phát âm trên mạng tại đây: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H430

[2] Bản Văn Masoretic (Masoretic Text) là Thánh Kinh Cựu Ước trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ được dân I-sơ-ra-ên sao chép bằng tay, lưu truyền từ khi Môi-se bắt đầu công việc ghi chép Thánh Kinh (1446 TCN) cho đến nay. Phần Cựu Ước trong bản dịch Thánh Kinh Anh ngữ King James Version và một số các bản dịch cổ Anh ngữ đã được dịch từ Bản Văn Masoretic.

[3] https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/

[4] Bản thảo được phổ biến tại đây: http://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.