SỰ VÂNG LỜI TỐT HƠN CỦA TẾ LỄ (Phần cuối)

Ý NGHĨA LỜI CHÚA  (Phần cuối)

13 Sa-mu-ên đi đến với Sau-lơ; Sau-lơ nói với người rằng: Nguyện Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban phước cho ông! Tôi đã làm theo lệnh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. 

Tiên Tri Sa-mu-ên đi đến gặp Sau-lơ tại Ghinh-ganh chính là nơi Sau-lơ đã được Đức Chúa Trời xức dầu và ban cho ông quyền làm vua trên dân I-sơ-ra-ên là dân sự của Chúa. Và cũng vì tấm lòng của vua Sau-lơ đối với Chúa mà chính tại nơi đây Đức Chúa Trời cũng đã đổi ý và quyết định tước đi vương quyền mà Ngài đã ban cho ông, không cho ông làm vua trên dân I-sơ-ra-ên nữa. Qua lời chào của vua Sau-lơ chúng ta nhận thấy ông làm ra vẻ như không có việc gì xảy ra, ông xưng nhận kết quả việc làm của mình với Tiên Tri Sa-mu-ên theo cách như là ông đã hoàn thành rất tốt trách nhiệm được giao và đã thực thi y theo mạng lệnh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Chúng ta nhận thấy khi một người phạm tội mà không biết hạ mình ăn năn, không biết tìm kiếm, tin cậy và dâng vinh hiển về Thiên Chúa, thì người đó sẽ mất đi sự khôn ngoan, hiểu biết, sẽ bị che mờ con mắt thuộc linh đến nỗi họ không còn khả năng nhận biết được điều đúng, điều sai, không còn khả năng lắng nghe được tiếng cáo trách nhắc nhở của Đức Thánh Linh trong lòng mình.

14 Sa-mu-ên hỏi người rằng: Vậy thì tiếng chiên kêu vang đến tai ta, cùng tiếng bò rống ta nghe kia, là làm sao?

Tiên Tri Sa-mu-ên đã thẳng thắn hỏi ngay vào trọng tâm vấn đề. Nếu thật vua Sau-lơ đã vâng phục và làm y theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời tận diệt hết thảy súc vật của người A-ma-léc, thế thì những tiếng kêu vang của chiên và tiếng bò rống mà tiên tri Sa-mu-ên đang nghe kia có nghĩa là gì. Sự thật hiển nhiên đã tố cáo hành động bất tuân mạng lệnh Thiên Chúa của vua Sau-lơ. 

15 Sau-lơ đáp rằng: Dân sự có dẫn chúng nó từ nơi người A-ma-léc đến; vì dân sự đã tha những con tốt nhất về chiên và bò, để dâng nó làm của lễ cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ông; vật còn lại, chúng tôi đã diệt hết đi.

Một lần nữa, vua Sau-lơ không những không biết bảo vệ, chăm sóc, cai trị, điều hành, dẫn dắt dân sự của Chúa theo cách như đáng lẽ trong cương vị một vị vua ông phải làm. Trái lại ông còn dung túng, đồng tình với những hành động sai trái của dân sự và sau khi được chỉ ra tội lỗi của mình thì ông lại thản nhiên đổ thừa và đẩy toàn bộ trách nhiệm cho dân sự. Hành động và lời nói của vua Sau-lơ chứng tỏ ông là người không có khả năng điều khiển dẫn dắt và làm vua trên dân sự của Chúa và cũng không có dũng khí dám nhìn nhận những sai trái của mình. Khi không biết hạ mình nhận lỗi, không biết ăn năn hối lỗi thì tội lỗi sẽ không được tha, sai trái không thể sửa chữa.
Vì:

“Nếu như chúng ta nói mình không có tội, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công bình. Nếu chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho rằng Ngài nói dối, và Ngôi Lời của Ngài không ở trong chúng ta.”  (I Giăng 1:8-10).

Khi được tiên tri Sa-mu-ên chỉ ra vua Sau-lơ vẫn không nhìn nhận mình có tội, ông quanh co cãi bướng và đổ thừa cho dân sự, và một lần nữa ông tiếp tục dùng chính danh Chúa để bao biện cho sự bất tuân của mình. Điều nầy thể hiện càng rõ nét hơn tình trạng phạm tội của vua Sau-lơ và tấm lòng của ông đối với Chúa, đối với dân sự.

16 Sa-mu-ên nói với Sau-lơ rằng: Thôi! Ta sẽ tỏ cho ngươi điều Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán cho ta đêm nay. Sau-lơ đáp: Xin nói.

Chúa luôn bày tỏ cho người kính sợ Chúa biết chương trình, ý định và đường lối của Ngài:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Lẽ nào Ta giấu Áp-ra-ham điều gì Ta sẽ làm sao?” (Sáng Thế Ký 18:17).

Và Đức Chúa Jesus phán:

“Ta chẳng gọi các ngươi là những tôi tớ nữa, vì kẻ tôi tớ chẳng biết điều chủ mình làm. Nhưng Ta đã gọi các ngươi là các bạn hữu, vì mọi điều Ta đã nghe nơi Cha Ta, Ta đã tỏ cho các ngươi biết.”  (Giăng 15:15). 

Chúa cũng đã tỏ cho tiên tri Sa-mu-ên biết ý định của Ngài trên vua Sau-lơ. Là con dân của Chúa, nếu chúng ta luôn hướng về Chúa, có mối tương giao mật thiết với Chúa, thì Ngài cũng luôn bày tỏ những sự sâu nhiệm mà Ngài đã, đang và sẽ làm ra trên đời sống của chúng ta và của toàn thể nhân loại.

Ví dụ: Mỗi một chúng ta được Chúa bày tỏ rằng một ngày không còn xa, Cứu Chúa Jesus Christ yêu kính sẽ trở lại đón Hội Thánh lên hội họp cùng Ngài giữa chốn không trung, nên chúng ta luôn tỉnh thức dọn mình thánh sạch và lòng chúng ta bình an trước những thiên tai, dịch hoạ hay tiếng dồn về chiến tranh vì đã biết rằng những điều đó ắt phải xảy ra và Chúa sẽ giữ chúng ta ra khỏi mọi hoạn nạn.

Các con có nghe tiếng Chúa cáo trách nhắc nhở khi phạm tội không?
Nếu chúng ta chưa từng nghe tiếng Chúa nhắc nhở, cáo trách, chỉ dạy, chưa từng hiểu biết Chúa muốn chúng ta làm gì, sống ra sao, vượt qua những cám dỗ thử thách như thế nào khi đối diện với những khó khăn, bắt bớ và tội lỗi. Thì chúng ta cần phải xem lại mình vì lời Chúa có chép: “Chiên Ta nghe tiếng Ta.”

17 Sa-mu-ên nói rằng: Dầu ngươi là nhỏ trong mắt ngươi, nhưng ngươi chẳng trở nên bậc đứng đầu của các chi phái I-sơ-ra-ên sao? Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chẳng xức dầu cho ngươi làm vua của I-sơ-ra-ên sao?

Trong câu Thánh Kinh trên chúng ta cần chú ý chi tiết quan trọng: Người sức dầu cho Sau-lơ chính là tiên tri Sa-mu-ên, nhưng vì Sa-mu-ên thi hành mọi sự theo mạng lệnh của Chúa, nên thực tế Chúa chính là Đấng sức dầu và ban phước cho Sau-lơ làm vua. Vì vậy, nếu Sau-lơ xem thường, chống đối, không vâng phục Sa-mu-ên cũng chính là xem thường, chống nghịch Chúa. Giống như trường hợp dân A-ma-léc tấn công, đánh giết dân I-sơ-ra-ên là dân sự của Chúa, cũng có nghĩa là họ đang đánh phá chống nghịch Chúa, và như vậy họ cũng chính là kẻ thù của Chúa
Thêm một lần nữa Chúa đã nhắc cho vua Sau-lơ nhớ ông là ai, ngày nay Ngài đã ban cho ông địa vị cao trọng như thế nào? Thật không có ích gì nếu như vua Sau-lơ từng ý thức được rằng ông hèn mọn và không xứng đáng, nhưng khi được Chúa chọn và ban cho đầy dẫy ơn huệ thì ông lại không có tấm lòng biết ơn, kính sợ Chúa để sống một nếp sống tin kính, vâng phục và làm sáng danh Chúa.
Cũng một lẽ ấy, nếu chúng ta nhận biết rằng mình thật có phước khi được Chúa yêu thương tha thứ, kêu gọi, chọn lựa và ban cho chúng ta địa vị làm con cái vinh hiển của Ngài, nhưng chúng ta vẫn ham mến thế gian, vẫn ghì mài trong tội lỗi, thì sự nhận biết đó không có ý nghĩa và không giúp chúng ta vượt thắng sự chết để đến sự sống đời đời bên Chúa, không giúp chúng ta thoát khỏi cơn giận và sự đoán phạt Chúa dành cho những kẻ bội nghịch, chúng ta sẽ phải chịu hình phạt nặng hơn rất nhiều so với vua Sau-lơ ngày xưa vì ngày nay Chúa đã hy sinh chính Con Một của Ngài để cứu chuộc chúng ta. Và nếu chúng ta không vâng phục người chăn, hay các thẩm quyền Chúa đặt để trên mình khi sự dạy dỗ không nghịch lại ý Chúa, là chúng ta không vâng phục chính Chúa.

18 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã sai ngươi đi mà rằng: Hãy đi diệt hết những kẻ phạm tội kia, là dân A-ma-léc, và giao chiến cùng chúng nó cho đến chừng ngươi đã diệt chúng nó.

19 Sao ngươi không vâng theo lời phán của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu? Cớ sao ngươi xông vào chiến lợi phẩm, làm điều ác trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu?

Đức Chúa Trời dùng môi miệng của tiên tri Sa-mu-ên nhiều lần nhắc nhở và cảnh báo cho vua Sau-lơ hiểu rằng Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và Ngài đang tể trị trên muôn loài. Chính Ngài là Đấng xức dầu cho ông làm vua dân I-sơ-ra-ên. Chính Ngài đã phán truyền mệnh lệnh thật rõ ràng cho ông. Vậy, Cớ sao ông dám xem thường Chúa, sỉ nhục danh Chúa khi tự cho phép mình cùng dân sự xông vào của cướp, là những vật ô uế cần phải bị tận diệt theo sự phán xét công bình của Ngài. Cớ sao ông đã lấy điều ác để báo đáp lại tình yêu và lòng nhân từ thương xót mà Chúa đã nhiều lần ban cho ông? Sao lòng ông dám nghĩ đến việc trái nghịch mạng lệnh Chúa, dám dùng những vật ô uế Chúa phán phải tận diệt để làm của lễ dâng lên cho Ngài?
Chúa là thiện, thánh ý Ngài là tốt lành. Nên bất cứ ai, hay điều gì chống nghịch lại ý muốn Chúa là ác, là dữ. Không vâng phục Chúa, không làm theo lời Chúa là chống nghịch lại với sự tốt lành thiện hảo. Vậy nên, cho dù chúng ta hầu việc Chúa, trong danh Chúa nhưng không làm y theo những điều Chúa phán dạy là chúng ta đang làm điều ác trước mặt Chúa. Cho dù môi miệng chúng ta xưng nhận Chúa, nhưng lại không sống và làm theo ý Chúa, là chúng ta đang hầu việc cái bụng của mình.

20 Sau-lơ đáp cùng Sa-mu-ên rằng: Tôi thật có nghe theo lời phán của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Tôi đã đi làm xong việc mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sai tôi đi làm; tôi có đem A-ga, vua dân A-ma-léc về, và diệt hết dân A-ma-léc.

21 Nhưng dân sự có chọn trong chiến lợi phẩm, chiên và bò, là vật tốt nhất về của đáng tận diệt, để dâng cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ông tại Ghinh-ganh.

Chúng ta thấy vua Sau-lơ tiếp tục cứng lòng trong sự cố chấp và gian dối của mình. Khi bị tiên tri Sa-mu-ên chỉ tội tỏ tường. Ông không hề biết hạ mình ngay lập tức nhận lỗi vì những điều sai trái đã nhiều lần làm ra. Ông không biết nhận lấy trách nhiệm trên cương vị một người lãnh đạo, một người vua. Trái lại ông luôn tìm cách bao che, biện luận cho tất cả những hành vi của mình và đổ tội cho bất kỳ ai ngoài chính ông. Ông đổ tội cho dân sự và hết lần nầy đến lần khác ông còn đổ lỗi cho chính Đức Chúa Trời. Đây cũng là lần thứ hai vua Sau-lơ tiếp tục dùng danh Chúa ra để bao biện cho những hành vi phạm tội của mình.
Ngoài thái độ vô ơn, Vua Sau-lơ còn dám cao ngạo, bất trung, xem thường, phạm thượng Đức Chúa Trời đến nỗi ông xác nhận mình bằng lòng để cho dân sự chọn những vật phẩm là chiên và bò là những của đáng tận diệt để làm của lễ dâng lên cho Thiên Chúa. Trong câu nói: Nhưng dân sự có chọn trong chiến lợi phẩm, chiên và bò, là vật tốt nhất về của đáng tận diệt, để dâng cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ông tại Ghinh-ganh. Chúng ta nhận thấy vua Sau-lơ vừa phạm thượng vừa tỏ thái độ: Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu là Thiên Chúa, là của tiên tri Sa-mu-ên chứ không phải là Thiên Chúa của chính ông. Vua Sau-lơ đã không nói những súc vật này để dành làm của lễ dâng cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu “của chúng ta” mà là cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu “của ông”. Cách vua Sau-lơ dùng chữ ở đây không phải là sự tình cờ, lỡ miệng mà là ông muốn nhấn mạnh một cách đặc biệt vì vua Sau-lơ đã một lần nữa lập lại câu nói rằng:

“…thì tôi sẽ thờ lạy Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ông.” (I Sa-mu-ên 15:30)

Lời Chúa có chép rằng:

“Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra.” (Ma-thi-ơ 12:34b).

Chúng ta không biết từ lúc nào lòng vua Sau-lơ không coi Đức Chúa Trời là Thiên Chúa của chính ông. Nhưng qua câu nói trên chúng ta nhận biết vua Sau-lơ đã tự tách mình ra khỏi dân sự mà Chúa giao cho ông dẫn dắt, ông hoàn toàn không có trách nhiệm và không có tấm lòng yêu thương họ. Ông không kính sợ Chúa, không có lòng hướng lên Chúa và cũng đã không xem Chúa là Thiên Chúa của mình, nghĩa là ông đã tự tách mình ra khỏi tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa.

Chúa là Đấng biết rất rõ tư tưởng, ý định, tấm lòng và tất cả những việc làm của chúng ta, vì thế không ai có thể chữa mình nếu không biết ăn năn. Mỗi một chúng ta có xem Chúa là Thiên Chúa của mình hay không, hay chúng ta còn tệ hơn vua Sau-lơ ngày xưa? Vì ít ra vua Sau-lơ còn thẳng thắn nói ra những suy nghĩ thật trong ông. Chúng ta có đang phạm thêm tội bất kính vì gian dối và giả hình khi xưng nhận Chúa là Thiên Chúa của mình nhưng lại luôn sống như chính chúng ta là chủ?

22 Sa-mu-ên nói: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài sao? Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực;

23 sự bội nghịch cũng đáng tội bằng sự tà thuật; sự cố chấp giống như tội trọng cúng lạy hình tượng. Bởi ngươi đã từ bỏ lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, nên Ngài cũng từ bỏ ngươi không cho ngươi làm vua.

Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu muốn sự vâng lời chứ không phải của tế lễ. Vì một lẽ thật: Mọi vật dưới trời đều thuộc về Ngài, do tay Ngài dựng nên. Ngài há cần đến chúng sao? Điều mà Thiên Chúa muốn nhìn thấy ở đây chính là sự kính sợ, biết ơn và tấm lòng thuần phục đối với Ngài, mà Sau-lơ chính là người đang đại diện cho toàn thể dân tộc I-sơ-ra-ên trong lúc nầy. Chúng ta còn nhớ tiên tri Sa-mu-ên từng nói với vua Sau-lơ rằng:

“Ngươi thật có làm ngu dại, không vâng theo mệnh lệnh của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi đã truyền cho. Nếu như có vâng theo, thì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ắt đã lập nước ngươi vững đời đời nơi I-sơ-ra-ên; nhưng bây giờ, nước ngươi sẽ không bền lâu. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã chọn lấy cho mình một người theo lòng Ngài, đặt người ấy làm trưởng của dân sự Ngài, bởi vì ngươi không giữ theo mệnh lệnh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (I Sa-mu-ên 13:13-14).

Sự bất tuân, bội nghịch của vua Sau-lơ chính là tội thờ thần khác. Lời Chúa phán: “…sự bội nghịch cũng đáng tội bằng sự tà thuật; sự cố chấp giống như tội trọng cúng lạy hình tượng.” Cho thấy tính cách nghiêm trọng của sự bội nghịch, cố chấp vì nó nói lên lòng kiêu ngạo. Sự kiêu ngạo chính là nguồn gốc của mọi tội lỗi và là những điều Chúa gớm ghiếc nhất. Cũng bắt đầu từ sự kiêu ngạo nên loài người đã đi đến sự thờ lạy chính mình, thờ lạy hình tượng thay vì thờ lạy duy nhất một mình Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên mình. Cũng chính vì lòng kiêu ngạo mà tổ phụ loài người đã phải gánh lấy sự chết, đã bị khống chế bởi quyền lực của tội lỗi, di hại đến ngày nay là nhân loại ngày càng làm ra đủ mọi tội ác chống nghịch Đức Chúa Trời.

Bội nghịch có nghĩa là làm nghịch lại những lời phán dạy của Chúa, phạm tội đối với Chúa, phản bội lại tình yêu lòng nhân từ thương xót và sự trông đợi của Chúa. Cố chấp là hành vi xuất phát từ lòng kiêu ngạo luôn cho rằng mình đúng, không biết hạ mình lắng nghe, tiếp nhận, xưng tội, nhận lỗi và ăn năn. Nhưng lại khăng khăng cứng cỏi, cố chấp, ghì mài trong tội lỗi, trong sự luôn làm theo ý riêng mà không nhận biết lẽ thật. Qua phân đoạn Thánh Kinh trên Chúa phán tỏ tường cho chúng ta biết rằng khi chúng ta bội nghịch và cố chấp là chúng ta đang tôn thờ thần khác ngoài Chúa, là chúng ta đang thờ chính thần “tôi”, đang phục vụ cái bụng và lòng kiêu ngạo của chính mình.

“Bởi ngươi đã từ bỏ lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, nên Ngài cũng từ bỏ ngươi không cho ngươi làm vua.” (I Sa-mu-ên 15:23b).

Chúng ta hiểu rằng việc Sau-lơ được Chúa chọn và sức dầu cho làm vua và giờ đây ông bị bỏ bởi do chính thái độ và tấm lòng của ông đối với Đức Chúa Trời. Ông đã bỏ qua những lời nhắc nhở, cảnh báo của Đức Chúa Trời. Ông đã bỏ qua cơ hội và những ơn phước lớn lao Chúa dành cho ông. Không những vậy lòng ông còn chối bỏ Đức Chúa Trời nên giờ đây Chúa thật sự từ bỏ ông.

Câu hỏi đặt ra là: Đức Chúa Trời có biết trước Sau-lơ không vâng phục Ngài không? Vì sao Chúa vẫn dùng Sau-lơ là người đang còn phạm tội để hoàn thành ý muốn của Ngài trên dân A-ma-léc?

Câu trả lời: Không phải Đức Chúa Trời đổi ý hay đổi kế hoạch vì Ngài không biết trước được điều Sau-lơ sẽ làm. Ngài là Đấng biết trước mọi sự và biết rõ tấm lòng của Sau-lơ. Nhưng vì sự công bình, thánh khiết và yêu thương. Ngài vẫn chọn ông, nhắc nhở, cảnh báo và ban cơ hội để ông thể hiện tấm lòng ăn năn, trở về đầu phục Chúa. Chúa nhẫn nại ban cho vua Sau-lơ cơ hội  sửa chữa lỗi lầm. Nhưng trước tấm lòng cứng cỏi, bội nghịch và không kính sợ Chúa của Sau-lơ, giờ đây Chúa đã thật sự xoay mặt khỏi ông, đã cất ơn phước, quyền phép, sự vinh quang và ngôi nước trên dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Sau-lơ. Chúa không vui khi thấy Sau-lơ phạm tội. Ngài đau lòng và buồn rầu về điều đó. Ngài không vui khi phải trừng phạt tội lỗi và phải huỷ diệt kẻ ác. Thậm chí Ngài đã khóc khi dân Ngài phạm tội.

KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG LỜI CHÚA VÀO ĐỜI SỐNG.

Qua câu chuyện về vua Sau-lơ chúng ta rút ra được bài học qua 4 ý chính như sau:

1/ Người được Chúa chọn: Chúa đã chọn chúng ta và ban cho chúng ta quyền làm con, làm vua và làm thầy tế lễ của Ngài. Tuy nhiên cho dù là một người đã được Chúa chọn, ban ơn, ban năng lực và sai dùng cho công việc nhà Chúa, chúng ta vẫn có khả năng phạm tội. Nếu một khi chúng ta không còn biết đặt Chúa lên làm Chúa làm Chủ đời mình, không biết kính sợ và hết lòng vâng phục Chúa, sống theo ý Chúa nhưng lại sống theo ý riêng, phục vụ mục đích riêng, nghĩa là chúng ta đã tự tách mình ra khỏi tình yêu, nguồn ơn phước và sự sống của Chúa và ngay khi đó ma quỷ lập tức nhảy vào lòng, khống chế và làm cho chúng ta trở nghịch phạm tội đối với Chúa. Lời Chúa chép trong sách Rô-ma cho chúng ta biết như vậy:

“Các anh chị em chẳng biết rằng, nếu các anh chị em đã nộp mình làm nô lệ để vâng phục kẻ nào, thì là nô lệ của kẻ mình vâng phục, hoặc của tội lỗi đến sự chết, hoặc của sự vâng phục để được nên công bình hay sao?” (Rô-ma 6:16).

2/ Điều Chúa muốn ở chúng ta: Yêu kính Chúa trên hết mọi sự, vâng phục Chúa hết cả tấm lòng và tin cậy Chúa bằng cả linh hồn, để cùng Ngài vui hưởng và đồng trị thế giới vô cùng vĩ đại, huy hoàng, tráng lệ mà Ngài đã tạo dựng nên.

“Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu muốn nơi ngươi chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Thiên Chúa ngươi sao?” (Mi-chê 6:8).

Tất cả những gì Chúa muốn chúng ta làm đó là chọn lựa làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời để hưởng được sự phước hạnh đời đời bên Ngài. Nghĩa là chúng ta luôn hết lòng vâng theo điều răn, pháp luật của Ngài. Vì tất cả điều răn, pháp luật của Chúa là thiện, công bình và tốt lành.Vấn đề không phải ở chỗ chúng ta làm gì mà là những điều chúng ta làm có phát xuất từ sự vâng lời Đức Chúa Trời hay không.

3/ Thái độ, hành động, tấm lòng và sự đáp ứng của chúng ta trước những mệnh mệnh, điều răn pháp luật và lời kêu gọi của Chúa: Chúng ta không thể hầu việc Đức Chúa Trời theo cách riêng của mình giống như vua Sau-lơ trong câu chuyện trên. Chúng ta không thể nghĩ ra những cách mới mẻ và sáng tạo để thờ phượng Chúa nhưng không đúng theo ý Chúa. Chúng ta không thể bất tuân mạng lệnh, điều răn, pháp luật của Chúa mà lại nói rằng chúng ta đang hầu việc Chúa trong danh Ngài và vì sự vinh hiển của Ngài. Chúng ta không thể dâng của lễ lên cho Chúa theo cách mà chúng ta thích và tự cho là phải. Như câu chuyện dâng của lễ của Ca-in và A-bên. Vì Chúa phán rằng: “Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ”.

Trong câu chuyện trên, mặc dầu vua Sau-lơ đã nghe rõ ràng lệnh truyền từ Đức Chúa Trời nhưng ông không làm theo, hoặc nói chính xác hơn, ông chỉ làm theo ở mức độ mà ông và dân sự thích và lấy làm phải. Vì vậy, chắc chắn đây không phải là sự vâng lời. Vâng lời Đức Chúa Trời không có nghĩa là làm theo ý muốn Chúa một phần mà là phải làm y theo tất cả những gì Chúa phán một cách đầy đủ và chính xác. Không phải chúng ta hầu việc Chúa ra sao và bao nhiêu mà là chúng ta vâng phục Chúa như thế nào trong mọi sự.

” Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài sao? Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực; sự bội nghịch cũng đáng tội bằng sự tà thuật; sự cố chấp giống như tội trọng cúng lạy hình tượng.” (I Sa-mu-ên 15:22).

Chúa ban cho chúng ta quyền tự do để vâng phục hoặc bội nghịch không vâng lời Chúa. Chúa không ép buộc bất cứ ai làm theo ý muốn Ngài. Ngài muốn chúng ta thể hiện lòng biết ơn, tình yêu, sự kính sợ và tin cậy qua sự tự nguyện vâng phục Ngài. Tuy nhiên mỗi người phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về những gì mình đã làm, cho dù Đức Chúa Trời có dùng những sự sai trái của con người để hoàn thành mục đích của Ngài, thì con người cũng không thể biện hộ cho sự bất tuân và những sai phạm của mình.

Ngày nay nhiều con dân Chúa thường hay có nhận định lầm lẫn giữa sự Chúa cho phép xảy ra và ý muốn của Chúa. Nhiều người hay dùng câu nói: “mọi việc xảy ra bởi ý muốn của Đức Chúa Trời.” Không, Đức Chúa Trời không bao giờ muốn điều ác xảy ra vì Ngài là Thiện, sự nhân từ của Ngài còn đến đời đời. Nhưng Ngài cho phép mọi việc xảy ra theo ý chí tự do và sự lựa chọn của con người. Chúa có thể dùng điều bất khiết, sai phạm, yếu đuối của một người để làm thành ý định và chương trình của Ngài. Nhưng Ngài không bao giờ làm điều ác.

4/ Sự thưởng và phạt.

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu vốn chậm nóng giận và đầy ơn; hay xá điều gian ác và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt con cháu trải ba bốn đời.” (Dân Số Ký 14:18).

Phục Truyền Luật Lệ Ký 26:16-19

16 Ngày nay, Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi dặn bảo ngươi làm theo các luật lệ và mệnh lệnh này; vậy, phải hết lòng hết ý mà cẩn thận làm theo.

17 Ngày nay, ngươi hứa nhận Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm Thiên Chúa ngươi, đi theo đường lối Ngài, gìn giữ các luật lệ, điều răn và mệnh lệnh Ngài, cùng vâng theo tiếng phán của Ngài.

18 Ngày nay, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã hứa nhận ngươi làm một dân thuộc riêng về Ngài, y như Ngài đã phán với ngươi, và ngươi sẽ gìn giữ hết các điều răn Ngài,

19 để Ngài ban cho ngươi sự tôn vinh, danh tiếng, và sự tôn trọng trội hơn mọi dân mà Ngài đã tạo, và ngươi trở nên một dân thánh cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, y như Ngài đã phán vậy.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:15-20

15 Nhưng nếu ngươi không nghe theo tiếng phán của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, không cẩn thận làm theo các điều răn và luật pháp của Ngài mà ta truyền cho ngươi ngày nay, thì này là mọi sự rủa sả sẽ giáng xuống trên mình ngươi và theo kịp ngươi.

16 Ngươi sẽ bị rủa sả ở trong thành và ngoài đồng ruộng,

17 cái giỏ và thùng nhồi bột của ngươi cũng bị rủa sả,

18 hoa quả của thân thể ngươi, bông trái của đất ruộng ngươi, luôn với lứa đẻ của bò cái và chiên cái ngươi, đều sẽ bị rủa sả!

19 Ngươi sẽ bị rủa sả khi đi ra và lúc đi vào.

20 Vì cớ ngươi làm điều ác, và lìa bỏ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, nên trong mọi công việc ngươi bắt tay làm, Ngài sẽ khiến giáng cho ngươi sự rủa sả, khiếp sợ, và hăm dọa cho đến chừng nào ngươi bị hủy diệt và chết mất vội vàng.

Chúa đã bày tỏ cho chúng ta hai con đường đi đến sự sống và sự chết, con đường phước hạnh hoặc rủa sả thật rõ ràng, tường tận và chi tiết. Tất cả đều phụ thuộc vào chính tấm lòng của chúng ta đối với Ngài . Chúng ta có đặt điều gì hoặc đối tượng nào ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn Đức Chúa Trời không? Chúng ta có biết lắng nghe, tiếp nhận, xưng tội, ăn năn khi sai phạm hay vẫn kiêu ngạo, cố chấp làm theo ý riêng? Chúng ta có thật sự biết ơn, thờ phượng, vâng phục Chúa tuyệt đối hay chúng ta đang tôn thờ chính mình, đang tôn thờ một thần khác?

Câu hỏi thảo luận:

1. Thiên Chúa dùng phương cách nào để bày tỏ cho chúng ta biết về sự vinh quang của Ngài và chính Ngài là Thiên Chúa có toàn quyền tể trị trên đời sống của chúng ta? 

2. Vì sao Chúa phải bày tỏ về Ngài và nhắc cho chúng ta nhớ địa vị làm con cái vinh hiển, làm vua và làm thầy tế lễ của Ngài? 

3. Mệnh lệnh của Thiên Chúa đối với con dân Ngài ngày nay trong vai trò một vị vua và thầy tế lễ là gì? 

4. Ngày nay, Thiên Chúa muốn chúng ta chiến cự cùng ai và những thế lực nào, và tận diệt điều gì? 

5. Chúng ta có phải là người hết lòng vâng phục Chúa khi không yêu thương anh chị em, không vâng phục người chăn không? Hãy giải thích vì sao? 

6. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đẹp lòng với điều gì? 

7. Chúa phán tội bội nghịch và sự cố chấp được kể giống như tội gì?

Nguyện lời Chúa soi dẫn, giữ gìn và ban năng lực để hết thảy chúng ta luôn biết hướng lên Chúa, tôn vinh Chúa, đặt Chúa lên vị trí tối thượng trong tâm thần, linh hồn và cuộc sống của mình, để đời đời được có Chúa làm Thiên Chúa và mãi mãi ở trong bóng cánh toàn năng yêu thương của Ngài.

Nguyện kính dâng mọi vinh quang, vinh hiển, quyền phép, sự cao quý và hết thảy những lời chúc tôn duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đời đời cho đến vô cùng.

Trong ân điển Đức Chúa Jesus Christ! Amen!
GraceNguyen

15/10/2017