THỬ THÁCH HAY CÁM DỖ

Nguyễn Thị Thanh Thủy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.opendrive.com/files/MV84OTgyNDgyMF8xd0J3a19jNzAx/20150321_NTTT_ThuThachHayCamDo.pdf

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF

Bài Giảng

Kính chào Hội Thánh và mến chào các cháu thiếu nhi trong tình yêu của Đức Chúa Jesus Christ. Cảm tạ ơn Chúa đã ban ơn và gìn giữ chúng ta được bình an trong bóng toàn năng của Ngài.

Các cháu thân mến, thường thường các bác hoặc cô chú trong phòng này chia sẻ Lời Chúa thì có hay nhắc đến từ “thử thách và cám dỗ”. Hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của hai từ này. Trong cuộc đời đi theo Chúa nếu như chúng ta không phân biệt đâu là thử thách hoặc đâu là cám dỗ thì chúng ta dễ dàng than phiền, oán trách Chúa và điều đó khiến chúng ta bị mất rất nhiều ơn phước mà còn phạm tội với Chúa.

Các cháu nên phân biệt như thế này: Thử thách là đến từ nơi Chúa, còn cám dỗ thì đến từ ma quỷ.

Gia cơ 1:2-3

2Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn,
3vì biết rằng sự rèn luyện đức tin anh em sinh ra sự nhẫn nại.

Các cháu thân mến, người tin Chúa hoặc người không tin Chúa đều có những khó khăn, thử thách như nhau như thiên tai, bệnh tật, đói kém, dịch bệnh… Nhưng người tin Chúa còn đối diện với sự bị bắt bớ về đức tin khi tin nhận Ngài. Người không tin Chúa khi họ gặp khó khăn, thử thách đến như: Tai nạn xe cộ, mất mát tiền bạc hoặc là đau yếu, bệnh tật, thất nghiệp, v.v. thì họ nói rằng họ bị xui xẻo, không may mắn, họ than trời trách đất. Lúc chưa tin Chúa và sau khi tiếp nhận Chúa, chúng ta chưa đặt niềm tin hoàn toàn nơi Chúa thì chúng ta cũng hay than thở giống như họ, bởi vì bản tính xác thịt của con người cũ tội lỗi vẫn còn ở trong chúng ta. Nhưng nay chúng ta đã được Chúa thánh hóa trở nên con người mới và có Lời Chúa là chỗ dựa thì chúng ta không nên có thái độ và suy nghĩ như vậy nữa.

Khi mới vừa đọc câu Thánh Kinh trên chúng ta thắc mắc là tại sao Chúa dạy chúng ta gặp thử thách thì vui? Ví dụ như chúng ta bị bệnh nằm liệt giường không ăn uống được hoặc là người thân của chúng ta qua đời thì có gì mà vui? Nhưng ý của Chúa trong Gia cơ 1:2-3 không hàm ý như vậy, mà ở đây Chúa muốn dạy chúng ta một điều hết sức quan trọng “Hãy coi sự thử thách” như là “điều vui mừng trọn vẹn” có nghĩa nhìn vào sự thử thách đó như là điều đáng phải vui hơn là buồn. Vì kết quả của sự thử thách đó giúp cho đức tin chúng ta nơi Chúa ngày càng vững bền hơn. Thử thách là một sự rèn tập chứ không phải là điều đau khổ cho con dân chân thật của Chúa, biết rằng sự rèn luyện đức tin chúng ta sinh ra sự nhịn nhục.

Thánh Kinh ghi lại câu chuyện của ông Gióp và cho biết ông là một người trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh khỏi điều ác, trong thế gian không có người nào giống như ông nhưng ông lại gặp hết tai họa này đến tai họa khác. Trong một ngày nhà cửa, tài sản rồi con cái của ông bị mất trắng, bản thân ông thì bị ung độc hành hạ rất đau đớn đến nổi vợ ông cũng xa lánh còn xúi ông phỉ báng Đức Chúa Trời và chết đi. Bạn bè thay vì an ủi nhưng họ lại lên án và buộc tội ông. Thật sự trong thời đại của chúng ta đây không có ai mà trọn vẹn và ngay thẳng như ông Gióp. Ông đã nhịn nhục chịu đựng không một lời oán trách Chúa và ông là một tấm gương nhẫn nại mà Thánh Kinh bày tỏ như sau “Anh em biết rằng những kẻ nhẫn nại chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước. Anh em đã nghe nói về sự nhẫn nại của Gióp, và thấy cái kết cuộc mà Chúa ban cho người; vì Chúa đầy lòng thương xót và nhân từ” Gia cơ 5:11.

Cảm tạ ơn Chúa qua tấm gương của ông Gióp mà chúng con hiểu được rằng “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời”, các cháu luôn nhớ rằng mọi sự thử thách đến trong đời sống của chúng ta đều nằm trong bàn tay của Chúa và nằm trong chương trình kế hoạch của Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta, để khi chúng ta vượt qua hết những khó khăn thử thách đó thì chúng ta sẽ được Chúa ban thưởng. Việc có phần thưởng hay không hoặc có được nhiều hay ít thì còn tùy vào thái độ và cách cư xử của chúng ta như thế nào khi mà có thử thách đến.

Đó là thử thách còn cám dỗ thì sao?

Trong Gia cơ 1:14 Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xúi giục mình”. Chúng ta cũng biết rằng cám dỗ là đến từ ma quỷ, nó luôn xúi giục con dân Chúa phạm tội. Thường thường khi mà chúng ta bị cám dỗ là do chúng ta ưa thích những điều xác thịt ham muốn và chúng ta chiều theo sự ưa thích của xác thịt mà phạm tội.

Một người bị cám dỗ, trước hết là vì trong lòng người ấy có sự ham muốn không chính đáng, không đúng với Lời Chúa. Kế tiếp, ma quỷ biết vậy nên tạo ra cơ hội, phương tiện phạm tội để khiến người ấy phạm tội. Như vậy sự cám dỗ trước hết là đến từ trong chính lòng người, kế tiếp là ngoại cảnh do ma quỷ đem tới. Cũng giống như bà E-va thấy trái cấm đó bộ ăn ngon lại đẹp mắt và quý vì để mở trí khôn cho nên bà Ê-va đã không vâng Lời Chúa, mà chiều theo xác thịt ham muốn của mình, con rắn biết vậy nên đã tạo cơ hội, phương tiện thuận lợi để xúi giục bà Ê-va phạm tội. Là con dân của Chúa trong tâm thần của chúng ta thường có hai hướng suy nghĩ mà gọi cho dễ hiểu là bên thiện và bên ác.

  •  Bên thiện tượng trưng cho quyền lực và sức mạnh của Chúa, nếu làm theo Lời Chúa thì Lời Chúa sẽ thánh hóa chúng ta để chúng ta trở nên thánh khiết.
  • Bên ác là sức mạnh của bản ngã, con người cũ đầy tội lỗi, ma quỷ quyết tâm lôi kéo chúng ta trở lại những thói hư tật xấu, nếu như chúng ta chiều theo nó thì chúng ta sẽ bị hư mất, đời đời xa cách mặt Chúa. Là con dân Chúa chúng ta không thể tránh khỏi cám dỗ đến với chúng ta mỗi ngày cho nên Đức Chúa Jesus Christ dạy chúng ta cầu nguyện như thế này: “Xin Ngài dẫn chúng con không vào trong sự cám dỗ, nhưng Ngài cứu chúng con khỏi sự dữ! Vì vương quyền, năng lực, và vinh quang đều thuộc về Ngài cho đến đời đời. A-men” Ma-thi-ơ 6:13.

Cám dỗ đến với mỗi người đều khác nhau, có người vì đồng tiền cám dỗ, có người vì danh vọng, chức vụ cám dỗ v.v., cám dỗ nó muôn màu muôn vẻ. Nhưng chúng ta khác nhau ở chỗ là bị cám dỗ và sa ngã hay là thắng ma quỷ trong cám dỗ bằng sức của Chúa mà thôi.

Chúa biết được sức chúng ta yếu đuối dễ bị sa ngã, lòng chúng ta hay dao động cho nên mỗi ngày chúng ta cần cầu xin Chúa dẫn dắt và gìn giữ tâm trí và môi miệng chúng ta để chúng ta không phạm tội. Chúng ta biết không thể nào tránh khỏi cám dỗ bởi vì Sa-tan nó luôn giăng bẫy chúng ta mỗi ngày nên chúng ta cần cầu xin Chúa cứu giúp. Không phải chờ cho đến phạm tội hay chìm đắm trong tội rồi mới cầu nguyện mà chúng ta cần cầu nguyện mỗi ngày, để khỏi phải ăn năn hối hận về sau. Xin Chúa thương xót, cho chúng ta không bị cám dỗ quá sức mình và giải cứu chúng ta ra khỏi cám dỗ.

Chúng ta đừng tưởng rằng khi chúng ta tin Chúa là chúng ta được ngủ yên trên chiến thắng, tưởng rằng ma quỷ sẽ không còn làm gì được chúng ta, nghĩ như vậy là sai bởi vì trước đây chúng ta chưa tin Chúa thì chúng ta thuộc quyền cai trị của nó, bây giờ chúng ta tin Chúa thuộc quyền cai trị của Chúa cho nên nó rất ghét và lúc nào cũng tìm đủ mọi cách để lôi kéo chúng ta trở về với nó, thờ phượng nó và chúng ta bỏ Chúa.

Sa-tan không phải là một quái vật khiến chúng ta nhìn vào mà kinh khiếp, nó đến với chúng ta bằng cách rót vào lỗ tai chúng ta những lời ngon ngọt, lôi cuốn mắt chúng ta vào xem những hình ảnh ô uế, những phim ảnh không lành mạnh. Sau đó nó sẽ bày ra những cạm bẫy rất khôn khéo đến nỗi khi rơi vào và sa ngã, mà chúng ta vẫn có thể cho là hợp lý, nghĩ là không sao đâu, Chúa không biết đâu. Mục đích chính của nó muốn chúng ta sa ngã và không đứng lên được.

Các cháu nên nhớ rằng Chúa không bao giờ muốn chúng ta phạm tội, nhưng Chúa cho phép ma quỷ làm ra cám dỗ để thử đức tin của chúng ta, nhưng phạm tội hay không là do chúng ta quyết định. Sứ đồ Phao-lô dạy: “Bất cứ điều gì tựa như điều ác thì phải tránh đi.” Có nghĩa là, chúng ta phải biết nhận định trước về những gì chúng ta thấy, nghe gặp mỗi ngày, ngay cả tư tưởng của chúng ta nữa. Bất cứ điều gì dường như không tốt lành, thì nên tránh đi.

Đức Chúa Jesus cũng dạy các môn đồ rằng: “Hãy thức canh và cầu nguyện, để các ngươi khỏi sa vào chước cám dỗ”. Nghĩa là muốn tránh được cám dỗ, thì phải đề cao cảnh giác và cầu nguyện thường xuyên bởi vì: “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” I Phi-e-rơ 5:8.

Gia-cơ 4:7-10a

7 Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả ma quỷ, thì nó sẽ lánh xa anh em.
8 Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi;
9 hãy cảm biết sự khốn khổ mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn.
10 Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa.

Chỉ có thái độ này mới giúp ta nhận được sự giải cứu từ Chúa và sống đắc thắng. Cầu xin Chúa giúp chúng con không rơi vào cám dỗ, cứu chúng con ra khỏi điều ác để chúng con đắc thắng nhờ sức của Chúa ban cho. Amen!

Nguyễn Thị Thanh Thủy
21/03/2015