Các Nhà Thông Thái Đi Tìm Kiếm Hài Nhi Jesus

Nguyễn Văn Hào

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các mp3 bài giảng:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/bai-giang-danh-cho-thieu-nhi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://od.lk/f/MV8xMjUwMzMyNTlf

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://od.lk/fl/MV8xMDQ4Njg5Ml9qbWhPSA

“Có một con đường coi dường chính đáng cho loài người; Nhưng đến cuối cùng là những nẻo của sự chết.” (Châm Ngôn 14:12).

Bài Giảng

Chú Hào mến chào các cháu thiếu nhi trong tình yêu của Đấng Christ.
Cảm tạ Chúa đã ban thêm cho chúng ta thì giờ này để cùng nhau học hỏi Lời Ngài. Hôm nay, chúng ta sẽ học hỏi Lời Chúa với chủ đề “Các Nhà Thông Thái Đi Tìm Kiếm Hài Nhi Jesus”.

Các cháu thân mến, văn hóa người Việt Nam của chúng ta là khi người thân của mình, người nhà hoặc bạn bè, đồng nghiệp trong công ty,… vừa mới sinh con thì họ có thói quen đến thăm. Có thể họ sẽ đến thăm tại bệnh viện hoặc tại nhà; có người khi biết tin bạn mình, người thân mình mới vừa sinh thì đến thăm ngay, có người mãi đến sau khi sinh một tháng, hai tháng hoặc hơn thế nữa,… thì mới đến thăm. Đó là văn hóa thể hiện tình cảm của người Việt chúng ta và văn hóa này được thể hiện rõ ràng nhất tại các khu vực miền quê, các tỉnh lẻ.

Và, chúng ta cũng tin chắc là khi Chúa Jesus vừa mới chào đời thì cũng có nhiều người thuộc họ hàng hai bên, bạn bè của ông Giô-sép và bà Ma-ri đến thăm.
Buổi tối hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm việc các nhà thông thái đi tìm kiếm Chúa Jesus như thế nào nhé, chúng ta sẽ học hỏi Lời của Ngài thông qua phân đoạn Thánh Kinh Ma-thi-ơ 2:1-2.

Ma-thi-ơ 2:1-2

 1 Khi Đức Chúa Jesus đã được sinh ra tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đang thời vua Hê-rốt, thì có mấy nhà thông thái ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem,
2
 mà hỏi rằng: Vua dân Do-thái mới sinh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao của Ngài bên đông phương, nên đến để thờ phượng Ngài.

Lời Chúa trong câu thứ nhất cho chúng ta biết Đức Chúa Jesus được sinh ra tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê trong thời cai trị của hoàng đế Hê-rốt. Trong thời điểm đó, có mấy nhà thông thái ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem để tìm kiếm một vị vua vừa mới sinh ra để thờ phượng. Chúng ta dừng lại một chút để tìm hiểu về các nhà thông thái mà Thánh Kinh đã đề cập.

Nhà thông thái là ai?
Nhà thông thái hay còn gọi là ba vua và một số bản Thánh Kinh cũ dịch là các nhà bác sĩ. Như vậy, chúng ta cùng tìm hiểu các danh xưng này như thế nào.

  • Bác sĩ:
    Sĩ là người có học thức, bác ở đây là quảng đại, rộng lớn, biết nhiều. Bác sĩ: là người có học cao, hiểu rộng. Ngày nay, tại nước ta thì hai từ “bác sĩ” chỉ dành riêng cho những người làm công tác khám chữa bệnh, những người có học vị, kiến thức trong ngành y học. Nó hoàn toàn khác với danh xưng bác sĩ hay còn gọi là ba vua hoặc là các nhà thông thái mà chúng ta học hôm nay.
  • Nhà thông thái:
    Những người học cao hiểu rộng, họ học rất nhiều ngành khác nhau: chiêm tinh, bói toán, khoa học,… và thậm chí các nhà thông thái này cũng có khả năng làm ra những pháp thuật.

Như vậy, chúng ta sử dụng danh từ “thông thái” sẽ giúp chúng ta hiểu dễ dàng hơn và tránh bị nhầm lẫn với chức danh “bác sĩ” ngày nay làm việc tại ngành y khoa.

Họ đến từ đâu?
Chúng ta không biết rõ các nhà thông thái này đến từ quốc gia nào, chúng ta chỉ biết họ đến từ phương đông và phương đông ở đây là so với thành Giê-ru-sa-lem các cháu nhé. Bởi vì, lúc các nhà thông thái diện kiến vua Hê-rốt và hỏi rằng: Vua dân Do-thái mới sinh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao của Ngài bên đông phương, thì tại thời điểm đó họ đang ở thành Giê-ru-sa-lem, khi họ nói đã thấy ngôi sao của Ngài bên đông phương tức là họ đang đề cập đến việc họ thấy ngôi sao tại đất nước của mình và đất nước của họ so với thành Giê-ru-sa-lem là theo hướng đông.
Và, nếu là phương đông của Giê-ru-sa-lem thì chúng ta có thể đoán được đó là quốc gia I-ran ngày nay hay còn gọi là vương quốc Ba-Tư thời bấy giờ. Đây là một vương quốc nổi tiếng về việc nghiên cứu các pháp thuật hoặc học thuật.

Họ đi với số lượng bao nhiêu?
Thánh Kinh không đề cập một cách cụ thể số lượng các nhà thông thái đến Giê-ru-sa-lem tìm kiếm Chúa để thờ phượng. Nhưng chúng ta thường thấy ngày nay một số giáo hội mang danh Chúa, họ đề cập đến số lượng là ba nhà thông thái. Trong một số tranh ảnh và tượng đúc mà một số giáo hội đang sử dụng để mừng đại lễ giáng sinh họ có thể hiện ba ảnh, tượng của các nhà thông thái. Rất có thể họ căn cứ vào của lễ mà các nhà thông thái dâng lên Chúa Jesus: vàng, nhũ hương, một dược để khẳng định có ba nhà thông thái, nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Các cháu thử đặt câu hỏi như thế này nhé: thường thì những nhà thông thái họ làm việc cho ai? Ở đâu? Chúng ta đã biết rằng, các nhà thông thái là những người tài giỏi, học thức uyên thâm, hiểu sâu rộng nên họ thường được các vua chúa thời bấy giờ mời vào cung điện để giúp việc cho nhà vua. Thành thử ra, khi họ đi như vậy với tư cách là người đại diện cho một quốc gia thì chắc chắn họ sẽ mang theo rất là nhiều người, có thể là một phái đoàn tùy tùng đi theo để hỗ trợ. Do đó, chúng ta không thể nào khẳng định con số 3 nhà thông thái đến tìm kiếm và thờ phượng Chúa.

Tại sao các nhà thông thái đến Bết-lê-hem?
Như lúc đầu chú đã chia sẻ, các nhà thông thái là những nhà nghiên cứu khoa học, nghiên cứu về chiêm tinh,… và bởi vì họ phát hiện một ngôi sao lạ, họ muốn tìm hiểu và nhận biết được dấu hiệu của vì sao này nên họ đi tìm để rồi về giải thích sự việc cho các vua chúa của họ. Và, khi họ đi như vậy có nghĩa là họ đang đại diện một quốc gia đến để ra mắt sự ra đời của một vị vua của nước khác. Và câu hỏi đặt ra là tại sao họ phải đến để ra mắt một vị vua mới ra đời của quốc gia khác? Có thể, họ cho rằng một vị vua mới ra đời mà lại có dấu hiệu đặc biệt như vậy, cho nên ngoài yếu tố tò mò, muốn tìm hiểu sự thật của dấu hiệu vì sao, thì vua của xứ họ còn muốn kết bạn với vua của Do thái. Do đó, các nhà thông thái rất mong muốn lên đường đến tận nơi để được diện kiến và thờ phượng vua dân Do thái.

Và khi các nhà thông thái đến được nơi mà ngôi sao lạ chỉ đường là xứ Giu-đê, thì họ lại không biết con đường đi đến nơi mà Chúa Jesus sinh ra để diện kiến và thờ phượng Ngài. Chúng ta cũng không rõ lý do như thế nào nhưng rất có thể khi đến được xứ Giu-đê thì họ không còn thấy dấu của ngôi sao dẫn đường nữa, hoặc có thể khi đến nơi mà họ biết Chúa Jesus sinh ra nên bản thân họ không còn để ý, quan tâm đến đến ánh sao nữa. Và, họ chọn làm theo cách riêng của mình là đi đến cung điện của vua Hê-rốt để hỏi về vị vua dân Do thái mới sinh ra tại đâu.

Nếu xét theo quan điểm của thế gian thì cách hành động của các thầy thông giáo xem ra rất phù hợp, vì cho rằng đã đi đến nơi có thể tìm thấy vua dân Do thái rồi và công đoạn tiếp theo là đến gặp vua xứ Giu-đê là Hê-rốt hỏi cho nhanh để biết chính xác địa điểm của hài nhi Jesus. Tuy nhiên, trong cái nhìn đức tin của chúng ta đối với Chúa, chúng ta thấy rất có thể các nhà thông thái đã làm theo ý riêng mình và họ quên bẵng đi ánh sao kia vẫn đang chỉ lối cho họ đi, vì trong câu thứ 9: Kìa, ngôi sao mà họ đã thấy bên đông phương, đi trước họ cho đến chừng ngay trên chỗ con trẻ ở, mới dừng lại. Qua đó, cho chúng ta nhận biết được một điều: trong đời sống của chúng ta, lúc nào Chúa cũng hiện diện bên cạnh để nâng đỡ, ban ơn và giúp sức cho chúng ta; chúng ta bước đi trong sự bình an của cuộc đời là bởi tình yêu và sự quan phòng của Chúa. Nhưng lắm lúc, chúng ta đã quên Ngài, gạt Ngài qua một bên và chúng ta tự mình bước đi, tự mình làm theo ý riêng để rồi chúng ta lầm đường lạc lối và nguy hiểm nhất là chúng ta mất Ngài.

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta thì giờ vừa qua để tìm hiểu, học hỏi Lời của Chúa, bài học hôm nay cho chúng ta biết được điều gì:

  • Khi chúng ta biết được tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, chúng ta biết được Ngài là Đấng yêu thương và hết lòng ban ơn đến cho chúng ta trong đời sống thì chúng ta phải học hỏi nơi các nhà thông thái là biết tìm kiếm Chúa mỗi ngày, sẵn sàng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để đến được với Ngài, thờ phượng Ngài và dâng lên Ngài tấm lòng, tâm hồn của chúng ta.
  • Trong mọi cảnh ngộ của cuộc sống, mỗi bước đi của chúng ta luôn có Chúa ở cùng và Ngài biết mọi sự. Do đó, chúng ta phải tín thác và tin tưởng trọn vẹn nơi Chúa, đừng tìm kiếm và làm theo ý riêng của mình nhưng hãy tìm thánh ý của Chúa để chúng ta luôn làm đẹp lòng Ngài.

Nguyện Chúa ở cùng và ban ơn cho các cháu. Amen.

Nguyễn Văn Hào
19/12/2015