Các Nhà Thông Thái Đến Thờ Phượng Chúa Jesus

Nguyễn Văn Hào

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các mp3 bài giảng:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/bai-giang-danh-cho-thieu-nhi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://od.lk/f/MV8xMjUyMzg0OTBf

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://od.lk/fl/MV8xMDQ4Njg5Ml9qbWhPSA

“Phước cho người nào kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, đi trong đường lối Ngài! Vì ngươi sẽ hưởng công việc của tay mình, được phước và tốt lành.” (Thi Thiên 128:1-2).

Bài Giảng

Chú Hào mến chào các cháu thiếu nhi trong tình yêu của Đấng Christ.
Ngày Sa-bát tuần trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu Lời Chúa qua sự việc các nhà thông thái đi tìm kiếm hài nhi Jesus, họ đã tìm kiếm Chúa bằng cách nào và cuối cùng có gặp được hài nhi Jesus không thì trong buổi tối hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu Lời Chúa trong các câu Thánh Kinh còn lại của Ma-thi-ơ 2:3-12. Chủ đề chúng ta học đó là “Các Nhà Thông Thái Đến Thờ Phượng Chúa Jesus”. Và, chúng ta sẽ bắt đầu từ câu thứ 3 đến câu thứ 6 cháu nhé:

Ma-thi-ơ 2:3-6

 3 Khi Vua Hê-rốt nghe như vậy thì ông bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng như ông.
4
 Ông nhóm các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo trong dân lại mà tra hỏi họ: Đấng Christ được sinh tại đâu?
5
 Họ thưa với ông: Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê; vì có lời của đấng tiên tri chép như vầy,
6
 Hỡi Bết-lê-hem, đất Giu-đa! Thật ngươi chẳng kém gì các thành lớn của xứ Giu-đa đâu. Vì từ ngươi sẽ ra một thủ lĩnh, là Đấng sẽ chăn I-sơ-ra-ên, dân Ta. [Mi-chê 5:2].

Khi vua Hê-rốt nghe các nhà thông thái hỏi rằng “Vua dân Do thái mới sinh tại đâu?” thì ông vô cùng ngạc nhiên và bối rối. Có lẽ, vì chính bản thân ông không hề hay biết việc này xảy ra trong xứ mình, thêm nữa có thể ông tự nghĩ rằng: Ta chính là vua, vậy Vua dân Do thái là ai và đến từ đâu? Có phải là người sau này sẽ đứng lên và lật độ chính quyền và chiếm ngôi vua của ông không? Và, tại sao cả ông và dân trong thành Giê-ru-sa-lem đều không hay biết mà các nhà thông thái đến từ xứ khác lại có được thông tin này. Rất có thể, những điều đó đã làm cho ông cảm thấy bối rối, ngỡ ngàng.

Để giải quyết sự ngỡ ngàng, bối rối này, vua Hê-rốt liền triệu tập các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo trong dân để hỏi xem “Đấng Christ được sinh tại đâu?”. Và, cuối cùng thì ông cũng biết được Vua dân Do thái được sinh ra tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê.

 Ma-thi-ơ 2:7-8

7 Thế rồi, Hê-rốt mời các nhà thông thái cách kín đáo mà hỏi cặn kẽ về ngôi sao đã hiện ra khi nào.
8
 Và ông sai họ đến thành Bết-lê-hem, nói rằng: Hãy đi, hỏi thăm cho kỹ về con trẻ. Khi các ngươi tìm gặp rồi, hãy báo cho ta biết, để ta cũng đến mà thờ phượng Ngài.

Sau khi đã biết được thông tin Chúa Jesus sinh ra ở đâu, vua Hê-rốt bèn trao đổi kín với các nhà thông thái để tra hỏi một cách chi tiết, cụ thể về thời điểm xuất hiện ngôi sao như (ngày, tháng, năm) hoặc địa điểm mà có thể nhìn thấy ngôi sao. Cụm từ “cách kín đáo” cho chúng ta thấy ông rất nghiêm túc và lo ngại trước sự việc vua dân Do thái ra đời, đồng thời đang chuẩn bị cho mình một kế hoạch nào đó. Chúng ta hãy xem lại lời dặn dò của vua Hê-rốt đối với các nhà thông thái: Hãy đi, hỏi thăm cho kỹ về con trẻ. Khi các ngươi tìm gặp rồi, hãy báo cho ta biết, để ta cũng đến mà thờ phượng Ngài.

Nếu sự việc Chúa Jesus ra đời không quan trọng, không ảnh hưởng gì đối với vua Hê-rốt thì có thể ông chỉ dặn dò với các nhà thông thái là cho tôi gửi lời hỏi thăm sức khỏe hoặc lời chúc mừng đến gia đình và hài nhi, chứ không phải dùng từ “hỏi thăm cho kỹ” rồi “báo cho ta biết, để ta cũng đến mà thờ phượng Ngài”. Dễ gì một vị vua như Hê-rốt lại chấp nhận thông tin trong dân xuất hiện một vị vua khác hoặc là đến thăm và thờ phượng một vị vua khác trong xứ mình cai trị, trong khi đó ông chưa từng biết thông tin gì. Chúng ta thấy, đây rõ ràng là một âm mưu của Hê-rốt muốn được biết rõ cụ thể về hài nhi Jesus nhằm tiêu diệt mầm móng có thể đe dọa đến ngôi vị đầy quyền lực của ông, âm mưu này thể hiện rõ trong câu thứ 16. Tuy nhiên, các nhà thông thái họ không để ý hay biết đến âm mưu này của Hê-rốt cho đến khi được Chúa báo mộng là đừng đến gặp Hê-rốt nữa và hãy tìm đường khác mà về xứ mình.

Ma-thi-ơ 2:9-10

 9 Họ nghe vua phán xong thì lên đường. Kìa, ngôi sao mà họ đã thấy bên đông phương, đi trước họ cho đến chừng ngay trên chỗ con trẻ ở, mới dừng lại.
10
 Khi họ nhìn thấy ngôi sao, họ vui mừng với một niềm vui lớn.

Phân đoạn Thánh Kinh này cho chúng ta biết, hành trình đi tìm kiếm Chúa Jesus và thờ lạy Ngài của các nhà thông thái được hướng dẫn, chỉ lối bởi ngôi sao. Chính ánh sao mà họ đã thấy bên đông phương đã đưa họ đến ngay chỗ hài nhi Jesus ở, rồi mới dừng lại. Trong cuộc đời đi theo Chúa của chúng ta cũng thế, mỗi người chúng ta đều có sự dẫn dắt của Ngài và Chúa dẫn dắt chúng ta thông qua Lời của Chúa. Có thể nói, Lời của Chúa như ánh sao chỉ lối cho chúng ta bước đi trong đời sống mình, để chúng ta không bị lạc lối. Vì Lời Chúa đã thể hiện rõ những gì Chúa muốn chúng ta làm trong thế gian này để được cứu rỗi, để được hưởng ơn phước từ nơi Chúa không những ở đời này mà cả đời sau nữa. Vấn đề là đôi khi chúng ta lại dựa vào sức riêng, ý riêng, sự khôn ngoan của mình để hành động thay vì dựa vào Lời Chúa để thi hành, những lúc như vậy chúng ta dễ dàng đánh mất ngôi sao dẫn đường cho chúng ta, đánh mất Chúa. Hình ảnh các nhà thông thái đã minh chứng cho chúng ta về vấn đề này, khi họ bước đến thành Giê-ru-sa-lem đầy nguy nga, tráng lệ mà vua Hê-rốt đã xây dựng nên thì họ cho rằng Vua dân Do thái chắc chắn sinh ra tại đây. Do đó, họ liền đến cung điện diện kiến vua Hê-rốt và hỏi thăm đường đến nơi hài nhi Jesus sinh ra mà quên rằng họ có ngôi sao dẫn đường cho họ đi. Thành thử ra, chúng ta phải hết sức cẩn trọng trong đời sống thuộc linh của mình, chúng ta đã có Chúa, có Lời Ngài, có Đức Thánh Linh dẫn dắt; chúng ta phải cậy dựa và tin tưởng trọn vẹn nơi Chúa, để Chúa làm chủ cuộc đời mình. Có như vậy, chúng ta mới thấy được những ơn phước đến từ nơi Chúa trong đời sống chúng ta.

Khi họ vào trong nhà, họ nhìn thấy con trẻ cùng Ma-ri, mẹ Ngài, thì họ sấp mình xuống mà thờ phượng Ngài; rồi họ mở của báu ra; họ dâng lên Ngài những lễ vật là: vàng, nhũ hương, và một dược. (Ma-thi-ơ 2:11).

Các nhà thông thái khi đến thờ phượng Chúa thì họ đều chuẩn bị lễ vật dâng lên Ngài, bao gồm: vàng, nhũ hương, một dược. Đây là những vật phẩm rất quý, đáng giá vô cùng và chỉ có những bậc vua chúa, những bậc tôn quý thời bấy giờ mới xứng đáng nhận được những vật phẩm như vậy. Vàng là một trong những kim loại quý giá chỉ dành hiến dâng cho vua, nhũ hương là một loại nhựa thơm lấy ra từ một loại cây và nhũ hương ngày xưa được dùng để đốt hương thơm dâng lên đền thờ Đấng Tự Hữa Hằng Hữu; một dược cũng là một thứ hương thơm từ một loại cây và một dược có một đặc tính là rất đắng. Loại nhựa cây một dược này được các dân thời cổ sử dụng để pha cùng một số chất thuốc khác và tạo ra hương liệu ướp xác chết. Một dược nói đến sự khổ, sự chết của Chúa Jesus, đồng thời nói đến chức vụ tiên tri của Ngài. Tiên tri là nói Lời của Đức Chúa Trời, mà Chúa Jesus là Ngôi Lời, là Đấng bày tỏ Đức Chúa Trời cho nhân loại.

Vậy, sự dâng vàng của các nhà thông thái để xác chứng Chúa Jesus là vua, sự dâng nhũ hương để xác nhận Chúa Jesus là thầy tế lễ và dâng một dược là để xác định Chúa Jesus là tiên tri. Đây là ba chức vụ của Đấng Christ. Và chúng ta cũng phải học hỏi gương từ các nhà thông thái là khi đến với Chúa chúng ta cũng chuẩn bị lễ vật dâng Ngài, để bày bỏ tấm lòng thuần phục, hiến dâng và tôn kính Thiên Chúa. Lễ vật của chúng ta dâng lên Chúa có thể là: thân thể của chúng ta, tấm lòng hiến dâng và tôn kính của chúng ta, những điều quý giá nhất của chúng ta, lời cầu nguyện, sự hát tôn vinh Chúa, những việc lành,… tất cả những thứ này như một thức hương thơm mà chúng ta có thể dâng lên Chúa mỗi ngày.

Trong giấc chiêm bao, họ được thần khải rằng, không nên trở lại với Hê-rốt; nên họ đi đường khác mà về xứ mình. (Ma-thi-ơ 2:12).

Sau khi đến diện kiến và thờ lạy Chúa Jesus, các nhà thông thái được Chúa báo cho biết trong giấc chiêm bao là đừng trở lại với Hê-rốt, nên họ đi đường khác mà về xứ mình. Chúa biết được ý đồ xấu của Hê-rốt nên đã báo cho họ, cho dù các nhà thông thái không biết được tâm địa của Hê-rốt và có thể họ đã hứa sẽ quay trở về tâu báo lại sự việc cho vua Hê-rốt biết. Điều này cho chúng ta biết, trong đời sống của chúng ta, đôi khi chúng ta đã hứa với một ai đó sẽ làm giúp họ một việc gì nhưng trước đó chúng ta không hề biết được tâm địa xấu, hoặc việc cần nhờ của họ có ý xấu, chúng ta có thể khước từ lời hứa với họ một khi chúng ta phát hiện ra họ đang lừa dối mình, đang sử dụng mình như một phương tiện để làm điều xấu. Ví dụ: Vào một buổi sáng, có một người bạn thân trong lớp của các cháu đến nhờ các mang giúp một vật về nhà sau khi đã tan trường và các cháu vì nể bạn thân nên hứa sẽ mang về hộ cho bạn. Nhưng đến trưa, thông qua một người bạn khác các cháu được biết rằng vật mà bạn thân của cháu nhờ chính là đồ chơi mà bạn ấy đã lường gạt một bạn học sinh khác để lấy cắp. Và, bản thân bạn đó không dám mang về nhà nên nhờ các cháu mang về giúp. Và, khi các cháu biết được sự thật như vậy, các cháu có thể không cần giữ lời hứa với người bạn này và đến nói thẳng sự thật cho bạn đó nghe và từ chối giúp đỡ. Việc khước từ lời hứa của các cháu là không phạm tội.

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta thì giờ vừa qua để tìm hiểu, học hỏi Lời của Chúa, qua bài học hôm nay chúng ta hãy noi gương các nhà thông thái trong sự quyết tâm tìm kiếm Chúa trong cuộc sống của mình, sử dụng Lời Chúa như một ngôi sao sáng của Chúa dẫn đường, mở lối cho chúng ta để chúng ta bước đi. Đồng thời, phải biết dâng lên Chúa những điều quý giá nhất của bản thân, cuộc đời mình để Ngài làm chủ, Ngài ban ơn và gìn giữ chúng ta.
Nguyện Chúa luôn ở cùng với các cháu. Amen.

Nguyễn Văn Hào
26/12/2015