Sự Rao Giảng Của Giăng Báp-tít

Nguyễn Văn Hào

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các mp3 bài giảng:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/bai-giang-danh-cho-thieu-nhi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://od.lk/f/MV8xMjgwNTE1MDVf

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://od.lk/fl/MV8xMDQ4Njg5Ml9qbWhPSA

“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu sự tri thức; Còn kẻ ngu dại khinh bỉ sự khôn ngoan và lời khuyên dạy.” (Châm Ngôn:1-7)

Bài Giảng

Chú Hào mến chào các cháu thiếu nhi.
Cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được gặp nhau và cùng học Lời Chúa trong buổi tối Sa-bát hôm nay. Tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu về Giăng Báp-tít rồi và hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu xem nhiệm vụ của ông như thế nào, ông đã thực hiện sứ vụ của mình ra sao, thông qua bài học với chủ đề “Sự rao giảng của Giăng Báp-tít” được chép trong Ma-thi-ơ 3:5-12.
Và chúng ta bắt đầu học từ câu 5 và câu 6 các cháu nhé:

5 Bấy giờ, dân thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê và cả miền chung quanh sông Giô-đanh đều đến với ông.

6 Họ xưng những tội lỗi của họ và chịu báp-tem bởi ông trong sông Giô-đanh.

Khi Giăng Báp-tít khởi sự rao giảng để kêu gọi mọi người từ bỏ nếp sống tội lỗi của mình mà quay về tin nhận Chúa và thờ phượng Ngài thì đã có rất nhiều người đến với ông. Chính nhờ những lời giảng của ông đã động chạm đến tấm lòng họ, mở mang lòng trí của họ để họ quyết tâm từ bỏ và quay về với Thiên Chúa. Ở đây, Thánh Kinh ghi rất rõ là dân thành cả xứ Giu-đê và miền chung quanh sông Giô-đanh đều đến với ông, họ xưng tội và chịu báp-tem tức là nhúng mình hoàn toàn dưới nước để được thanh tẩy, để thể hiện sự thống hối ăn năn của họ với Chúa và mong được đón nhận sự tha thứ từ Đức Chúa Trời. Và, trong nhóm người ấy có cả người thuộc phái Pha-ri-si và người Sa-đu-sê:

7 Nhưng ông thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-si và phái Sa-đu-sê đến chịu phép báp-tem của ông, thì ông bảo họ rằng: Hỡi dòng dõi rắn lục kia, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận sẽ đến?

Pha-ri-si có nghĩa là biệt riêng, phái Pha-ri-si là nhóm những người tự biệt riêng cuộc đời mình dành cho Chúa để họ ghi chép Thánh Kinh; là những người vâng giữ luật pháp Môi-se và nắm giữ những chức vụ trong đền thờ, ghi chép Thánh Kinh, rao giảng Thánh Kinh và chức thầy tế lễ. Họ tin có Thiên Chúa, có linh hồn, có đời sau; họ tin vào điều thiện và ác, có thưởng phạt.

Phái Sa-đu-sê thì không tin là có linh hồn, không tin vào đời sau, họ chỉ tin có đời sống ở hiện tại và nếu như họ sống tốt thì sẽ được Chúa ban ơn ngay đời này, còn nếu không tốt thì sẽ bị Chúa giáng họa, rồi qua khỏi cuộc đời này là chấm hết. Họ không tin có sự sống lại, không tin có thiên sứ hay ma quỷ, họ chấp nhận có Đức Chúa Trời.
Cả hai phái này họ hay mâu thuẫn nhau bởi không cùng một đức tin. Và, tại sao khi thấy họ đến thì ông Giăng liền nói rằng: “Hỡi dòng dõi rắn lục kia, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận sẽ đến?”

Bởi vì, cả hai phái này cũng có những người tốt tức là những người thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng cũng có rất nhiều người xấu vì họ sống và thờ phượng Chúa bằng môi miệng, hình thức nhưng lòng họ thì xa Chúa lắm. Họ làm những việc gian ác, tội lỗi và họ sỉ nhục danh của Chúa bằng đời sống đầy ô uế của người mang danh con cái Chúa.
Nhưng cảm tạ Chúa vì nhiều người trong số họ đã đến chịu báp-tem của Giăng, họ ăn năn tội qua lời kêu gọi của Giăng, họ sẵn sàng chịu đắm mình xuống sông để thể hiện tấm lòng ăn năn về những tội lỗi của họ và để được Chúa tha tội.

Chúng ta thấy nhóm người Pha-ri-si và Sa-đu-sê là những người kiêu ngạo và ở một giai cấp cao trọng, được biệt riêng, được nhiều người khác tôn trọng nhưng lại đến và chấp nhận nghe một người quê mùa, không bằng cấp như Giăng và chịu báp-tem. Điều đó cho thấy, chúng ta không quan trọng hình thức bên ngoài của một con người nhưng chúng ta lưu tâm đến sứ điệp mà người đó mang đến cho chúng ta. Và, những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê nhận biết được điều đó. Ngày trước, khi chú Hào đã tin nhận Chúa theo Lẽ thật của Ngài, chú Hào trở về quê để làm chứng cho những người còn đang sinh hoạt trong giáo hội Công giáo thì họ bảo rằng “Mày là ai, có bằng cấp thần học không? Nếu có bằng cấp thần học thì nói tao mới tin.” Thật là nghiệt ngã, bởi vì họ chú trọng vẻ bề ngoài, bằng cấp của một con người mà họ không biết chú Hào đang nói Lời thật của Chúa, mà Lời đó được ghi rất rõ trong Thánh Kinh, nhưng họ đã không tin.
Cảm tạ Chúa đã uốn lòng, mở trí cho những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê khi họ từ bỏ và đến với Giăng.

8 Vậy, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn,

Đây là lời căn dặn, lời yêu cầu của Giăng dành cho họ, ông không lên án về đời sống tội lỗi của họ, ông chấp nhận họ đến với ông và chịu báp-tem để bày tỏ sự thống hối, ăn năn của mình.
“Hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn” có nghĩa là phải ăn năn thật lòng, ăn năn ở đây là ăn năn về nếp sống tội lỗi, nghĩa là không chỉ là cảm giác hổ thẹn, hối tiếc về nếp sống tội lỗi không mà thôi, mà còn thể hiện ý muốn, sự kiên quyết từ bỏ tội lỗi, dứt khoát tội lỗi và sẵn sàng sửa đổi để đẹp lòng Chúa.

9 và đừng nghĩ đến việc tự nói giữa các ngươi rằng: Chúng ta có Áp-ra-ham là tổ phụ chúng ta! Vì ta nói với các ngươi rằng, Đức Chúa Trời có thể khiến những đá này sinh ra con cái cho Áp-ra-ham được.

Ông Giăng được Đức Thánh Linh thần cảm để ông nói ra một lẽ thật, đó là: Chúa có thể khiến cho đá sinh ra người. Chúa có thể khiến đá sinh ra con cái của Áp-ra-ham được thì huống hồ chi Chúa có thể khiến cho những người vốn không phải con cháu Áp-ra-ham hay những người dân ngoại cũng có thể trở thành con cái của Áp-ra-ham khi chúng ta có đức tin nơi Ngài. Chứ không phải chỉ những người I-sơ-ra-ên được xem là con cái của Áp-ra-ham, là huyết thống của Áp-ra-ham.
Điều đó cho chúng ta biết, khi Chúa Jesus đến thì Ngài sẽ làm cho muôn dân trở nên con cái của Áp-ra-ham. Bởi vì duy nhất Áp-ra-ham là người được Đức Chúa Trời kết giao ước vì ông là người có đức tin trọn vẹn nơi Chúa; và những gì mà Chúa đã ước với Áp-ra-ham thì Ngài cũng ban cho tất cả những con cháu của Áp-ra-ham, những người cùng đức tin với ông. Như vậy, con cái của Áp-ra-ham không có nghĩa là từ huyết thống của Áp-ra-ham mà là những người có cùng đức tin vào Đức Chúa Trời như ông Áp-ra-ham vậy.

10 Bây giờ, cái búa cũng đã để kề rễ của những cây. Vậy, hễ cây nào không sinh trái tốt thì sẽ bị đốn xuống, và ném vào lửa.

11 Ta thật báp-tem các ngươi bằng nước vào trong sự ăn năn, nhưng Đấng đến sau ta mạnh hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài; Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng thánh linh và bằng lửa.

12 Tay Ngài cầm cây chĩa mà dê thật sạch sân lúa mình, và Ngài sẽ chứa lúa vào kho, còn rơm rạ thì đốt trong lửa chẳng hề tắt.

Vương quốc Đức Chúa Trời đã gần đến, thời kỳ phán xét chung đã gần kề, vậy những ai không thống hối ăn năn, không chịu từ bỏ con đường tội lỗi của mình sẽ bị lửa hỏa ngục thiêu đốt đời đời. Hãy ăn năn và trở về với Thiên Chúa đó chính là thông điệp của Giăng. Và, Giăng đến để dọn đường cho Chúa Jesus đến, ông làm báp-tem cho những người thật lòng ăn năn tội.

Tuy nhiên, chúng ta phải biết hình thức báp-tem của Giăng Báp-tít không có tác động làm sạch tội của người ăn năn tội, mà chỉ nói tấm lòng ăn năn để chuẩn bị đón nhận ân điển của Chúa, đón nhận sự tha thứ của Ngài, và sự tha thứ đó chỉ đến khi Chúa Jesus thi hành chức vụ của Ngài. Nên Giăng Báp-tít mới nói rằng: “Ta thật báp-tem các ngươi bằng nước vào trong sự ăn năn, nhưng Đấng đến sau ta mạnh hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài; Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng thánh linh và bằng lửa.”
Giăng Báp-tít chỉ làm báp-tem bằng nước, còn Chúa Jesus sẽ làm báp-tem bằng lửa và thánh linh tức là bằng quyền năng Đức Chúa Trời. Ở đây Giăng muốn nói đến việc con người khi xưa cần chuẩn bị tấm lòng ăn năn để một ngày kia Đức Chúa Jesus đến thì Ngài sẽ thánh hóa, biến đổi con người cũ của mình trở nên con người mới bằng chính quyền năng của Ngài.

Đức Chúa Jesus sẽ thánh hóa chúng ta bằng thánh linh của Đức Chúa Trời, nếu chúng ta thật lòng ăn năn tội và tin nhận Ngài, nhưng nếu chúng ta không ăn năn tội của mình thì Ngài cũng thánh hóa chúng ta bằng lửa đời đời của Ngài trong hỏa ngục, đó là lửa chẳng hề tắt, là kết quả xứng đáng cho những ai không tin nhận Ngài, sống đời sống đầy tội lỗi.
Báp tem bằng thánh linh nghĩa là nhúng chìm một người nào đó vào trong quyền năng của Chúa, còn nhúng chìm một người vào lửa có nghĩa là nhúng chìm vào sự thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Nên nhớ, thánh linh của Đức Chúa Trời là để thánh hóa chúng ta và lửa của Đức Chúa Trời cũng là để thánh hóa chúng ta. Thánh linh thánh hóa để chúng ta được sống trong ân điển của Chúa và ngược lại lửa thánh hóa để đoán phạt đời sống tội lỗi chúng ta đời đời trong hỏa ngục.

Và Giăng Báp-tít đã biết trước những điều như vậy và ông ra đi để rao giảng cho mọi người để kêu gọi họ từ bỏ đời sống tội lỗi và ăn năn, chịu báp-tem để đón nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, khi ông rao giảng như vậy cũng có nhiều người tin và làm theo, nhưng cũng có nhiều người không làm theo và thậm chí còn chê bai ông nữa. Và, những người tin ông sẽ được thánh hóa bằng thánh linh để được cứu và hưởng ân điển Chúa, còn những kẻ không tin kia sẽ được thánh hóa bằng lửa đời đời trong hỏa ngục.

Cảm tạ Đức Chúa Trời và nguyện Lời của Chúa luôn khắc sâu vào tâm thần, tâm trí của chúng ta để chúng ta cũng biết ra đi công bố Lẽ Thật cho những người xung quanh, chưa biết Chúa để họ cũng được cứu như chúng ta vậy. Amen.

Nguyễn Văn Hào
23/01/2016