Chúa Jesus Chịu Báp-tem

Nguyễn Văn Hào

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các mp3 bài giảng:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/bai-giang-danh-cho-thieu-nhi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://od.lk/f/MV8xMjk4NDg0NDFf

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://od.lk/fl/MV8xMDQ4Njg5Ml9qbWhPSA

Tôi sẽ tôn vinh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu y theo sự công bình Ngài, Và ca tụng danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Chí Cao.” (Thi Thiên 7:17).

Bài Giảng

Chú Hào mến chào các cháu thiếu nhi.
Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta thì giờ này để ngồi lại cùng nhau và học hỏi Lời Chúa. Tối nay, chúng ta sẽ cùng nghiên cứu Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 3:13-17 với chủ đề “Chúa Jesus Chịu Phép Báp-tem”.

Ma-thi-ơ 3:13-17

 13 Thế rồi Đức Chúa Jesus từ xứ Ga-li-lê đến với Giăng tại sông Giô-đanh, để chịu báp-tem bởi ông.

14 Tuy nhiên, Giăng từ chối Ngài, thưa rằng: Tôi cần phải chịu báp-tem bởi Ngài, sao Ngài lại đến với tôi?

15 Nhưng Đức Chúa Jesus đáp lời, phán với ông: Bây giờ cứ làm đi, vì như vậy mà chúng ta làm trọn mọi sự công bình. Ông chiều ý Ngài.

16 Chịu báp-tem xong, Đức Chúa Jesus liền ra khỏi nước. Kìa, các tầng trời mở ra trên Ngài, Ngài thấy Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài.

17 Kìa, có tiếng từ trời phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta! Trong Ngài, Ta thỏa lòng!

Trong bối cảnh Giăng Báp-tít đang làm báp-tem cho những người thật lòng ăn năn tội và đến với ông để được nghe giảng về Lời của Đức Chúa Trời, thì trong đoàn dân đông đó Chúa Jesus xuất hiện và Ngài cũng bước đến với Giăng để chịu báp-tem. Điều này, đã khiến Giăng bối rối, lúng túng và từ chối làm báp-tem cho Chúa Jesus, ông nói rằng: “Tôi cần phải chịu báp-tem bởi Ngài, sao Ngài lại đến với tôi?”

Chúng ta đã học trong các phân đoạn Thánh Kinh trước và biết được sứ vụ của Giăng là kêu gọi mọi người hãy ăn năn, từ bỏ tội lỗi để quay về với Chúa. Và, những ai quyết lòng ăn năn, từ bỏ con người cũ, lối sống cũ đầy ô uế thì phải chịu báp-tem bằng nước bởi Giăng để thể hiện lòng chân thành của mình đối với Chúa, để được Chúa thương xót và tha thứ. Như vậy, những người đến với ông đều là những người tội lỗi. Nhưng Chúa Jesus thì sao? Giăng hoàn toàn biết được rằng Chúa Jesus không có tội ngay cả trong tư tưởng của Ngài, mà không có tội thì sao phải ăn năn và chịu phép báp-tem của ông chứ. Chính vì biết được điều đó nên Giăng đã bối rối và từ chối làm báp-tem cho Chúa Jesus, ông còn nói rằng: “Tôi cần phải chịu báp-tem bởi Ngài, sao Ngài lại đến với tôi?”, điều này có nghĩa là bản thân ông Giăng ý thức rằng ông là người tội lỗi và bản thân ông phải ăn năn tội lỗi của mình và phải chịu báp-tem bởi chính Chúa Jesus. Ông ý thức mình là người có tội bởi bản thân ông cũng được sinh ra trong dòng dõi của loài người, nên bản thân ông cũng phạm tội tổ tông truyền từ ông A-đam và bà Ê-va hoặc những tội khác có thể đến trong tư tưởng, suy nghĩ của ông… Thế nhưng Chúa Jesus đáp rằng: Bây giờ cứ làm đi, vì như vậy mà chúng ta làm trọn mọi sự công bình.

Vì sao Chúa Jesus nói như vậy, là bởi Chúa đến thế gian làm người, để rao giảng Tin Lành, công bố lẽ thật nước Đức Chúa Trời và chết chuộc tội cho nhân loại, nên cho dù Chúa Jesus không hề phạm bất kỳ tội lỗi nào hết nhưng mà Chúa Jesus bằng lòng chịu chết vì tội lỗi chúng ta. Do đó, sự báp-tem của Chúa Jesus chính là sự dìm mình trong sự đoán phạt của Đức Chúa Cha. Như vậy, phép báp-tem của Giăng làm cho Chúa Jesus hoàn toàn khác với những người khác đến với ông, những người đến với ông để bày tỏ tấm lòng thống hối, nhìn nhận tội lỗi và ăn năn để đón nhận sự thương xót của Đức Chúa Trời; còn phép báp-tem ông làm cho Chúa Jesus có nghĩa là Chúa chấp nhận gánh thay hết tất cả các tội lỗi của cả nhân loại, Chúa mang các tội lỗi đó trên thân xác của Chúa, Chúa sẵn sàng chịu hình phạt từ Đức Chúa Cha giáng xuống trên thân thể của Ngài, và sự dìm mình xuống nước thể hiện sự chết của Chúa Jesus trong cơn đoán phạt của Đức Chúa Cha để Ngài cứu loài người yếu đuối và tội lỗi như chúng ta.

Đó là tình yêu thật cao vời biết bao mà Chúa đã dành cho chúng ta. Một câu hỏi đặt ra là tại sao Chúa không phán một câu là loài người nên sạch và được cứu vì Chúa là Đấng Toàn Năng, quyền phép vô cùng và cớ chi phải đưa con một Ngài là Chúa Jesus xuống thế gian làm người và chịu chết vì chúng ta như thế? Câu trả lời vì Chúa là Đấng Công Bình, Ngài yêu thương loài người tội lỗi thật nhưng Ngài cũng rất công bình, thưởng phạt công minh. Vì nếu Ngài không công bình thì ma quỷ có cớ kiện đến Ngài và cho rằng Ngài yêu quý loài người hơn thiên sứ phạm tội; thiên sứ phạm tội thì chịu hình phạt nặng và trở thành sa-tan, ma quỷ còn loài người phạm tội thì được tha thứ và không bị đoán phạt. Và, như vậy thì không có sự công bình.

Do đó, để cứu tội một người tội lỗi thì phải có người khác gánh thay, mà loài người là do Chúa tạo dựng có giới hạn, một người không thể cứu được nhiều người và bản thân con người với con người đều phạm tội như nhau thì không thể cứu được. Vì thế, chỉ có Chúa Jesus là Thiên Chúa vô hạn mới có thể gánh thay tội lỗi của cả nhân loại thông qua sự chết chuộc tội của Ngài trên thập giá. Cho nên, Chúa Jesus chịu làm báp-tem bởi Giăng Báp-tít chính là để tiêu biểu rằng tội lỗi phải được trừng phạt bởi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời và như vậy đó là làm cho trọn việc công bình.

 16 Chịu báp-tem xong, Đức Chúa Jesus liền ra khỏi nước. Kìa, các tầng trời mở ra trên Ngài, Ngài thấy Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài.

17 Kìa, có tiếng từ trời phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta! Trong Ngài, Ta thỏa lòng!

Phân đoạn Thánh Kinh này cho chúng ta thấy có Đức Chúa Cha, Đức Thánh Linh cùng xuất hiện khi Chúa Jesus làm xong phép báp-tem. Đây là sự kiện Đức Chúa Trời thể hiện trong Ba Thân Vị đó là: Đức Chúa Con (Chúa Jesus nhập thế làm người), Đức Thánh Linh ngự xuống như chim bồ câu và Đức Chúa Cha với tiếng phán “Đây là Con yêu dấu của Ta! Trong Ngài, Ta thỏa lòng!”.
Và điều này cũng được Chúa Jesus dạy cho chúng ta biết trong Ma-thi-ơ 28:19.

“Vậy, hãy đi khiến cho muôn dân trở nên môn đồ ta Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh”.

Thế mà hiện nay, có rất nhiều giáo sư giả, rất nhiều giáo hội mang danh Chúa nhưng không tin nhận tín lý một Thiên Chúa Ba Ngôi, ba thân vị. Họ cho rằng chỉ có một Thiên Chúa là Đức Chúa Cha mà thôi, không tin nhận Chúa Jesus là Thiên Chúa, Đức Thánh Linh là Thiên Chúa. Và, điều này hoàn toàn nghịch lại Thánh Kinh mà chúng ta đã học biết trong ngày hôm nay.

Cảm tạ Thiên Chúa của chúng ta, Ngài đã ban ơn và trao tặng cơ hội để cho chúng ta được học biết và tin nhận lẽ thật này. Nguyện Lời Ngài luôn ở cùng, nhắc nhở và thánh hóa đời sống để chúng ta được trưởng thành càng hơn trong đức tin theo đúng lẽ thật mà Chúa đã mạc khải trong Thánh Kinh.

Nguyễn Văn Hào
12/02/2016