Đức Chúa Jesus Christ Chịu Phép Báp-tem

Grace Nguyễn
Priscilla Trần

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các mp3 bài giảng:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/bai-giang-danh-cho-thieu-nhi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://od.lk/f/MV8xNDUxOTI2MTFf

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://od.lk/fl/MV8xMDQ4Njg5Ml9qbWhPSA

Đây là Con yêu dấu của Ta! Trong Ngài, Ta thỏa lòng!”
(Ma-thi-ơ 3:17b)

Bài giảng:

Các con yêu quý, có lẽ trong chúng ta ai cũng nhớ đến ngày sinh nhật của mình vì ngày đó chúng ta đã được sinh ra đời. Khi trở thành con dân của Chúa, chúng ta sẽ thật sự có thêm được một ngày “sinh nhật” phước hạnh, đúng nghĩa và đáng ghi nhớ vì chúng ta đã thật sự được tái sinh thành một con người mới trong Chúa, mà Lời Chúa gọi là chúng ta đã được sinh lại từ nơi cao, chúng ta sẽ tự hào vui mừng sống trong nếp sống và địa vị mới sao cho thế gian, ma quỷ, và thiên sứ biết chúng ta là con của Ngài, từ nay hoàn toàn đầu phục và thuộc về Chúa. Chúng ta sẽ sống một nếp sống thánh khiết trong ân điển của Chúa. Ngày “sinh nhật” thứ hai của con dân Chúa là ngày chúng ta chịu phép báp-tem vào trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus! Chính Đức Chúa Jesus Christ khi nhập thế làm người cũng đã chịu lễ báp-tem đấy các con à! Nhưng Đức Chúa Jesus Christ thánh khiết, Ngài vô tội mà tại sao phải chịu phép báp-tem? Để trả lời được câu hỏi đó chúng ta hãy cùng nhau đi vào bài học hôm nay các con nhé! “Câu chuyện về Đức Chúa Jesus Christ chịu phép báp-tem trên sông Giô-đanh.”

PHẦN I: CÂU CHUYỆN ĐỨC CHÚA JESUS CHRIST CHỊU PHÉP BÁP-TEM TRÊN SÔNG GIÔ-ĐANH (MA-THI-Ơ 3:13-17, MÁC 1:9-11, LU-CA 3:21, 22).

13 Thế rồi Đức Chúa Jesus từ xứ Ga-li-lê đến với Giăng tại sông Giô-đanh, để chịu báp-tem bởi ông. 

14 Tuy nhiên, Giăng từ chối Ngài, thưa rằng: Tôi cần phải chịu báp-tem bởi Ngài, sao Ngài lại đến với tôi? 

15 Nhưng Đức Chúa Jesus đáp lời, phán với ông: Bây giờ cứ làm đi, vì như vậy mà chúng ta làm trọn mọi sự công bình. Ông chiều ý Ngài. 

16 Chịu báp-tem xong, Đức Chúa Jesus liền ra khỏi nước. Kìa, các tầng trời mở ra trên Ngài, Ngài thấy Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài. 

17 Kìa, có tiếng từ trời phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta! Trong Ngài, Ta thỏa lòng!

PHẦN II: CHÚ THÍCH

  1. Chúa Jesus đến với Giăng để chịu phép báp-tem

    a) Phép báp-tem: Báp-tem là nghi thức nhúng mình hoàn toàn vào nước mang ý nghĩa người chịu Báp-tem công nhận mình là một người có tội, đồng ý dìm mình xuống dòng nước, tượng trưng cho sự tẩy rửa tội lỗi, biểu hiện tấm lòng ăn năn thống hối, đồng ý chết con người tội lỗi cũ dưới dòng nước lụt đoán phạt của Đức Chúa Trời giống như khi Ngài đoán phạt thế gian tội lỗi xưa kia, chỉ chừa lại có 8 người công bình trước mặt Chúa là gia đình ông Nô-ê. Phép báp-tem mà Giăng đã làm là dành cho những người biết ăn năn tội để được tha tội, để dọn cho Chúa một dân sẵn lòng. Phép báp-tem ngày nay ngoài việc ăn năn tội lỗi, kết quả xứng đáng với sự ăn năn, con dân Chúa còn phải tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ để được tha tội và được tái sinh trong Chúa. [1]

    b) Ý nghĩa phép báp-tem mà Giăng làm: Giăng được đầy dẫy thánh linh từ trong lòng mẹ. Ông được Chúa xưng công bình, được Chúa kêu gọi nên đồ dùng Ngài, nhưng tự Giăng cũng ý thức được trong ông có tội do tổ phụ loài người đã phạm và trong ông có khuynh hướng phạm tội. Chính vì thế, ông thấy mình không xứng xỏ dây giày Ngài và cũng không xứng làm báp-tem cho Chúa. Ý nghĩa phép báp-tem Giăng làm là kêu gọi mọi người ăn năn, dọn lòng đến với Chúa để được tha tội.

    c) Ý nghĩa phép báp-tem mà Chúa chịu: Giăng kêu gọi mọi người ăn năn để được tha tội. Vậy vì sao Chúa không có tội lại phải chịu phép báp-tem của Giăng?

    Chúa Jesus là Đấng toàn năng và thánh khiết, Ngài hoàn toàn không có tội, nhưng Chúa đến với Giăng để chịu phép báp-tem thể hiện sự Chúa đã tự hạ mình xuống thấp nhất như một người tội lỗi.

    Chúa Jesus bằng lòng gánh hết mọi tội lỗi của chúng ta trên thân thể thánh khiết của Ngài và Ngài sẽ gánh chịu mọi hình phạt của Đức Chúa Cha trên tội lỗi giống như một người có tội, Ngài chết vì chúng ta để chuộc tội cho chúng ta, để cứu chuộc chúng ta và mang chúng ta đến với Đức Chúa Trời, mang chúng ta từ nơi tối tăm của sự chết đến nơi sự sống, đến với ánh sáng lạ lùng của Ngài.

    Những điều trên là bóng của việc con dân Chúa ngày nay bằng lòng đóng đinh con người xưa cũ và tin nhận sự chết chuộc tội cho nhân loại của Đức Chúa Jesus Christ, hết lòng sống lại một con người mới trong Đấng Christ để qua Đấng Christ không còn bị án phạt đời đời về những tội lỗi xưa cũ của mình nữa.

Đấng Christ cũng vì những tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến với Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng tâm thần thì sống.” (I Phi-e-rơ 3: 18-21).

Ai tin và chịu báp-tem, sẽ được cứu rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị định tội.” (Mác 16:1).

và từ Đức Chúa Jesus Christ, Chứng Nhân Thành Tín, sinh đầu từ trong những kẻ chết, Đấng cầm quyền của các vua trên đất, Đấng yêu thương chúng ta đã rửa sạch những tội lỗi của chúng ta trong máu Ngài.” (Khải Huyền 1:5-6). 

“Nhưng Đức Chúa Jesus đáp lời, phán với ông: Bây giờ cứ làm đi, vì như vậy mà chúng ta làm trọn mọi sự công bình. Ông chiều ý Ngài” (Ma-thi-ơ 3:15). Thiên Chúa là Đấng Công Bình nên mọi ý muốn của Ngài đều là công bình. Khi chúng ta làm y theo ý muốn của Đức Chúa Trời chính là chúng ta làm trọn việc công bình và qua đó chúng ta cũng được xưng là công bình trước mặt Chúa.

Chúa Jesus Christ đã làm gương và dạy cho chúng ta biết phải hoàn toàn vâng phục và làm y theo mọi mệnh lệnh của Đức Chúa Trời trên bước đường chúng ta đi theo Chúa. Vì tình yêu Chúa đã chịu chết để gánh thay mọi tội lỗi của thế gian, Ngài làm một con người yếu đuối bình thường như chúng ta để trả nợ án phạt cho tội lỗi của chúng ta, Ngài là Thiên Chúa để có thể chết thay cho toàn thể nhân loại để làm trọn sự công bình, thánh khiết, yêu thương của Đức Chúa Trời.

Vậy công bình là sống và làm mọi việc theo ý muốn của Đức Chúa Trời.

  • Các tầng trời mở ra: Có 3 tầng trời. Tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển của địa cầu, tầng trời thứ nhì là không gian trong vũ trụ. Tầng trời thứ ba là thiên đàng. Ban đầu Thiên Chúa dựng nên tầng trời thứ ba và tầng trời thứ nhì.

Ngày thứ nhì của tuần lễ sáng tạo, Ngài mới dựng nên tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển bao chung quanh địa cầu. Cách gọi: tầng trời thứ nhất, tầng trời thứ nhì, và tầng trời thứ ba là để nhấn mạnh đến độ xa của mỗi tầng trời đối với mặt đất. [2] Các tầng trời và không gian trong vũ trụ mênh mông thể hiện sự vĩ đại, bao la không cùng và quyền năng vô hạn của Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo. Nhóm từ các tầng trời mở ra gợi mở trong tâm thần chúng ta một cảm xúc choáng ngợp, vui thoả và mong đợi mãnh liệt giây phút Đấng yêu thương chúng ta trở lại, và chúng ta sẽ mừng vui nhảy nhót vì sự vinh quang và phần thưởng của Chúa sẽ chói rạng trên mỗi một chúng ta.

“Khi ấy, những người công bình sẽ chói rạng như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai, hãy nghe!” (Ma-thi-ơ 13:43).

  • Đấng Thần Linh: là Ngôi Ba Thiên Chúa. Khi Ngôi Ba Thiên Chúa hành động trong con dân Chúa như an ủi, cáo trách, dạy dỗ. . . thì gọi là Đức Thánh Linh. Sau khi chịu báp-tem xong, Đức Chúa Jesus liền ra khỏi nước. Kìa, các tầng trời mở ra trên Ngài, Ngài thấy Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài. Kìa, có tiếng từ trời phán rằng:– Đây là Con yêu dấu của Ta! Trong Ngài, Ta thỏa lòng!” (Ma-thi-ơ 3:16-17). Qua phân đoạn Thánh Kinh trên Thiên Chúa bày tỏ cho chúng ta biết rất rõ ràng rằng: Thiên Chúa có Ba Ngôi là: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, Đấng Thần Linh hay là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh.

Trong thời gian Đức Chúa Jesus Christ đang thi hành chức vụ trên đất thì Đức Thánh Linh không ngự trong thân thể của Ngài giống như con dân Chúa ngày nay. Mặc dù Đức Chúa Jesus Christ trong thân thể xác thịt yếu đuối giống như chúng ta, có nghĩa là Ngài cũng cần cha mẹ nuôi nấng, cũng bị lạnh, bị đói, bị mệt mỏi và bị đau đớn khi bị đánh đập nhưng Đức Chúa Jesus Christ vẫn sống một đời sống thánh khiết, trọn vẹn, không phạm tội.

Ngài không làm ra tội, trong miệng Ngài không tìm thấy sự gian trá. Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề hăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình. Chính mình Ngài đã gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, để cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình. Bởi những lằn roi của Ngài mà các anh chị em đã được lành bệnh. (Ê-sai 53:4-6).

Chúa đã làm gương cho hết thảy chúng ta noi theo và dạy cho con dân Chúa ngày nay biết sống một đời sống thánh sạch, trọn vẹn không tỳ không vít không chỗ trách được trong chính con người xác thịt yếu đuối, nhưng được ban năng lực từ nơi Thiên Chúa. “Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự” (Phi-líp 4:13). 

Sau khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành chức vụ về thiên đàng, Hội Thánh được thành lập trong ngày Lễ Ngũ Tuần thì lúc đó Đức Chúa Trời mới ban Đức Thánh Linh xuống cho con dân Chúa trong thời kỳ Hội Thánh. Vậy mỗi một con dân Chúa ngày nay trong thời kỳ Hội Thánh có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của mình, do vậy chúng ta cần phải học theo Chúa, làm theo Chúa trong mọi sự để có một đời sống thánh khiết giống như Chúa yêu kính của chúng ta. Con dân Chúa phải biết giữ gìn cho thân thể của mình thánh khiết từ thuộc thể đến thuộc linh để luôn được Đức Thánh Linh ngự vào, vì chính Ngài là Thần Lẽ Thật, Ngài sẽ cáo trách, nhắc nhở, dạy dỗ, sửa trị và dẫn dắt chúng ta trong mọi sự, cũng như ban năng lực cho chúng ta để chúng ta có thể đắc thắng tội lỗi và có được một đời sống thánh khiết theo như ý muốn của Đức Chúa Trời. 

Vì ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô để làm Thiên Chúa của các ngươi, các ngươi phải nên thánh, vì ta là thánh.” ; “Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Chúa.” (Lê-vi Ký 11- 45).

Sau khi chịu Lễ Báp-tem, Đức Chúa Jesus ra khỏi nước mang ý nghĩa sự sống lại vinh quang của Đức Chúa Jesus Christ để ban cho con dân Chúa sự sống và sự sống lại trong Chúa. Lời Chúa đã chép trong sách Rô-ma 6: 23. “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta.

  • Con: Trong Thánh Kinh từ Con được viết hoa luôn luôn được dùng để chỉ về Đức Chúa Jesus Christ, là Con Một rất yêu dấu của Đức Chúa Trời.

PHẦN III: CÂU HỎI

  1. Đức Chúa Jesus từ đâu đi đến với Giăng? Và đến với Giăng để làm gì?

  2. Ban đầu, Giăng có đồng ý làm báp-tem cho Chúa hay không? Vì sao?

  3. Đức Chúa Jesus đã phán với ông điều gi?

  4. Phép báp-tem có ý nghĩa gì? Và dành cho ai?

  5. Đức Chúa Jesus Christ không có tội, vậy tại sao Ngài phải chịu phép báp-tem?

  6. Sau khi Đức Chúa Jesus Christ chịu phép báp-tem điều đặc biệt gì xảy ra?

  7. Trong thời gian Đức Chúa Jesus Christ thi hành chức vụ trên đất thì Đức Thánh Linh có ngự trong thân thể xác thịt của Ngài hay không? Vì sao?

PHẦN IV: TÓM TẮT CÂU CHUYỆN

  1. Đức Chúa Jesus Christ từ thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê đến với Giăng ở sông Giô-đanh để chịu phép báp-tem.

  2. Giăng từ chối vì nghĩ rằng chính ông mới là người chịu phép báp-tem bởi Chúa.

  3. Đức Chúa Jesus Christ muốn chịu phép Báp-tem vì Ngài muốn làm trọn mọi sự công bình theo ý muốn của Đức Chúa Trời.

  4. Tại một thời điểm Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh cùng xuất hiện. Đức Chúa Jesus chịu phép Báp-tem xong, vừa ra khỏi mặt nước thì các tầng trời mở ra trên Ngài. Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài. Và có tiếng Đức Chúa Trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta! Trong Ngài, Ta thỏa lòng!”

PHẦN V: ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG

Ngày nay, những con dân Chúa trong Hội Thánh phải luôn ghi nhớ về ơn hạ mình hy sinh của Đức Chúa Jesus Christ vì tội lỗi chúng ta. Chúng ta phải hết lòng trung tín học theo Chúa, vâng giữ và sống thánh khiết theo Lời Chúa, để khi thời điểm đến, Đức Chúa Jesus Christ sẽ quay trở lại và các tầng trời cũng sẽ mở ra, chúng ta được Đấng Thần Linh biến hóa thân thể xác thịt của chúng ta thành thân thể mới, chúng ta sẽ được Chúa cất lên gặp Chúa ở giữa chốn không trung, Đức Chúa Trời sẽ đón chúng ta vào thiên đàng và chúng ta cũng sẽ được Ngài gọi chúng ta là con yêu dấu của Ngài nếu mỗi một chúng ta luôn có nếp sống đẹp lòng Ngài trong những ngày Chúa cho chúng ta còn lại trên đất nầy.

Grace Nguyễn
Priscilla Trần
10/09/2016


[1]: Xem thêm bài chia sẻ của Người Chăn Huynh Timothy Christian tại đây: http://timhieuthanhkinh.net/hoi-thanh-15-le-bap-tem/

[2]: Xem thêm bài chia sẻ của Người Chăn Huynh Timothy Christian tại đây: http://timhieuthanhkinh.net/chu-giai-sang-the-ky-900101_sang-the-ky-11/