Đức Chúa Jesus Chịu Ma Quỷ Cám Dỗ (Phần 1/2)

Grace Nguyễn
Priscilla Trần

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các mp3 bài giảng:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/bai-giang-danh-cho-thieu-nhi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://od.lk/f/MV8xNDU0NTU4NDhf

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://od.lk/fl/MV8xMDQ4Njg5Ml9qbWhPSA

Các anh chị em chẳng biết rằng, nếu các anh chị em đã nộp mình
làm nô lệ để vâng phục kẻ nào, thì là nô lệ của kẻ mình vâng phục,
hoặc của tội lỗi đến sự chết, hoặc của sự vâng phục
để được nên công bình hay sao?”

(Rô-ma 6: 16)

Bài Giảng:

Các con yêu mến, trong mỗi chúng ta ai cũng phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Khi chưa tin Chúa khó khăn đã có, nhưng khi tin Chúa khó khăn sẽ nhiều hơn, những cám dỗ và thử thách vẫn đến mỗi ngày trên đời sống của một con dân Chúa. Một mặt ma quỷ luôn rình mò xung quanh chúng ta, tìm cách cám dỗ quyến dụ chúng ta làm ra những việc trái với ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời, mặt khác ma quỷ lại luôn ngày đêm kiện cáo chúng ta khi chúng ta thiếu hiểu biết hoặc do yếu đuối chiều theo ý muốn xác thịt nghe lời xúi giục của ma quỷ mà phạm tội với Chúa. Chúng ta sẽ đối diện với những điều đó như thế nào? Đức Chúa Jesus Christ xưa kia nhập thế làm người cũng đã từng chịu cám dỗ lớn từ ma quỷ và Ngài đã chiến thắng? Ngài đã làm gì để chiến thắng ma quỷ? Chúng ta cùng nhau học tập và quyết tâm noi theo tấm gương của Ngài qua câu chuyện “Đức Chúa Jesus Christ chịu cám dỗ” các con nhé!

PHẦN I: CÂU CHUYỆN ĐỨC CHÚA JESUS CHRIST CHỊU MA QUỶ CÁM DỖ (MA-THI-Ơ 4:1-11, MÁC 1:12,13, LU-CA 4:1-13).

1 Bấy giờ, Đấng Thần Linh đưa Đức Chúa Jesus vào trong đồng vắng, để chịu Ma Quỷ cám dỗ. 

2 Sau khi Ngài đã kiêng ăn bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, thì Ngài đói. 

3 Kẻ cám dỗ đến với Ngài, nói: Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, thì hãy truyền cho những hòn đá này trở thành bánh. 

4 Nhưng Ngài đã phán, đã trả lời: Đã được chép {rằng}, loài người sẽ sống chẳng phải chỉ nhờ bánh nhưng nhờ mỗi một lời phán ra từ miệng của Thiên Chúa. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:3] 

5 Kế đó, Ma Quỷ đem Ngài vào trong thành thánh, đặt Ngài trên đỉnh của đền thờ, 

6 và nói với Ngài: Nếu ngươi là Con của Đức Chúa Trời thì hãy gieo mình xuống; vì có chép rằng, Ngài sẽ truyền cho các thiên sứ chung quanh ngươi, họ sẽ nâng ngươi trong tay, kẻo chân ngươi vấp nhằm đá chăng. [Thi Thiên 91:11-12] 

7 Đức Chúa Jesus phán với nó: Cũng có lời đã chép, ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:16] 

8 Ma Quỷ lại đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước trong thế gian, cùng sự vinh quang của chúng, 

9 và nói với Ngài: Ta sẽ ban cho ngươi hết thảy mọi sự này, nếu ngươi sấp mình xuống mà thờ phượng ta. 

10 Đức Chúa Jesus liền phán với nó: Hỡi Sa-tan, hãy lui ra! Vì đã được chép {rằng}: Ngươi sẽ thờ phượng Chúa {là} Đức Chúa Trời của ngươi và ngươi sẽ chỉ phụng sự Ngài {mà thôi}. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:13] 

11 Rồi thì Ma Quỷ lìa khỏi Ngài. Kìa, có các thiên sứ đến mà phục vụ Ngài.

PHẦN II: Ý NGHĨA LỜI CHÚA

1 Bấy giờ, Đấng Thần Linh đưa Đức Chúa Jesus vào trong đồng vắng, để chịu Ma Quỷ cám dỗ. 

2 Sau khi Ngài đã kiêng ăn bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, thì Ngài đói. 

  • Bấy giờ: là lúc ngay sau khi Đức Chúa Jesus Christ chịu phép báp-tem.
  • Ma Quỷ: danh từ chỉ về những thiên sứ đã chống nghịch Đức Chúa Trời.
  • Cám dỗ: có 3 ý nghĩa. Một là, thử thách tìm ra phẩm chất của một vật như người ta dùng lửa thử vàng. Hai là, dùng lửa thử luyện để vật đó được tinh tuyền hơn, tốt hơn. Ba là, làm cho, lôi kéo, quyến rũ để cho xa rời lẽ thật. Chúng ta biết Đức Chúa Jesus trọn vẹn, Ngài không phạm tội vậy nên trong câu chuyện Thánh Kinh chúng ta phải hiểu theo ý nghĩa thứ ba chứ không phải ý nghĩa thứ 1 hay ý nghĩa thứ 2. Sự cám dỗ thường xuất hiện theo sau những suy nghĩ, những nhu cầu, hay những ước muốn của chúng ta.

Ví dụ: Khi chúng ta đi ngang đường nhìn thấy trái cây trong vườn nhà ai đó đang chín rất ngon trên cành, chúng ta chợt thấy thèm muốn được ăn những trái đó, sự thèm được ăn trái ngon thì không có gì là tội, nếu chúng ta xin phép và được chủ vườn cho hái hoặc chúng ta nói cha mẹ mua cho chúng ta, nhưng nếu trong lúc đó tâm trí chúng ta chợt nẩy sinh ý định trèo vào vườn để hái trộm vì nghĩ rằng chắc sẽ không ai thấy hoặc ai đó nói với chúng ta rằng hãy ăn trộm đi không sao đâu thì đó chính là lúc chúng ta đang bị cám dỗ bởi sự yếu đuối của xác thịt hoặc ma quỷ đang xui khiến chúng ta làm ra những việc sai trái, và khi chúng ta quyết định thực hiện hành động sai trái, không chính đáng là ăn trộm để thỏa mãn sự thèm ăn của chúng ta là chúng ta đã phạm tội vì đã chiều theo sự tham muốn của xác thịt hoặc nghe theo lời ma quỷ xúi giục làm những việc trái nghịch với ý muốn của Chúa.

Ý nghĩa lời của Chúa:

  • Qua hai câu Thánh Kinh mà chúng ta vừa học cho chúng ta hiểu rằng Đức Chúa Jesus đã chịu thử thách, cám dỗ trong thân thể giới hạn của con người yếu đuối giống như chúng ta. Trong lúc này đây Đức Chúa Jesus hạ mình trải nghiệm mọi sự trong vị trí của một con người hoàn toàn bằng xác thịt.
  • Ngài đã chịu sự cám dỗ rất lớn mà một con người trong chúng ta không ai có thể chịu đựng và vượt qua được nếu không có năng lực và sự ban ơn từ Thiên Chúa. Đức Chúa Jesus đã vì chúng ta mà hy sinh địa vị cao quý và quyền phép của chính mình Ngài. Ngài hoàn toàn vâng phục và làm theo mọi ý muốn của Đức Chúa Trời để làm trọn mọi việc công bình vì tình yêu, sự công bình thánh khiết của Đức Chúa Trời và để làm thành chương trình ý định của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại.

3 Kẻ cám dỗ đến với Ngài, nói: Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, thì hãy truyền cho những hòn đá này trở thành bánh. 

4 Nhưng Ngài đã phán, đã trả lời: Đã được chép {rằng}, loài người sẽ sống chẳng phải chỉ nhờ bánh nhưng nhờ mỗi một lời phán ra từ miệng của Thiên Chúa. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:3] 

  • Kẻ cám dỗ: trong phân đoạn Thánh Kinh trên chỉ về Sa-tan là kẻ cầm đầu những thiên sứ chống nghịch Đức Chúa Trời.
  • Những hòn đá: theo phong tục người Trung Đông thời bấy giờ thực phẩm chính là ăn bánh mì chứ không phải ăn cơm giống như chúng ta ngày nay, và những hòn đá nơi Đức Chúa Jesus chịu cám dỗ có hình dáng rất giống với những ổ bánh mì.
  • Hoàn cảnh Chúa chịu cám dỗ: Chúa vừa chịu phép báp-tem xong, Chúa đang ở trong đồng vắng, Chúa đang đói và mệt vì mới kiêng ăn 40 ngày, 40 đêm.

Ý nghĩa lời của Chúa:

  • Ma Quỷ cố ý hạ thấp Chúa vì ma quỷ không tin Chúa là Con Một của Đức Chúa Trời, và tìm cách thử Chúa khi nói: “Nếu ngươi là Con của Đức Chúa Trời, thì hãy truyền cho những hòn đá này trở thành bánh.” Mục đích của Ma Quỷ là cám dỗ thử thách Chúa và nếu Chúa Jesus thật là Con Một của Đức Chúa Trời thì tìm cách phá hủy chương trình của Đức Chúa Trời.
  • Trong đời sống hằng ngày, chắc chúng ta chưa ai từng trải qua sự thôi thúc phải có thức ăn mãnh liệt vì bị đói lâu ngày, có khi chúng ta sẵn sàng bỏ qua một bữa ăn vì mải lo tập trung làm một công việc gì đó mà không thấy đói, hoặc là vẫn cảm thấy đói nhưng chúng ta có thể gác lại việc ăn uống cho đến khi đã hoàn thành xong công việc, nhưng trong lúc nầy Đức Chúa Jesus chịu cám dỗ trong hoàn cảnh bị đói sau 40 ngày, 40 đêm không ăn và Ngài đang rất cần ăn, Ngài đang trong tình trạng thôi thúc mãnh liệt là được đáp ứng cho nhu cầu sự sống còn chính đáng của thuộc thể. Chính trong thời điểm thân thể Đức Chúa Jesus đang kiệt sức vì đói, Ngài đang trong tình trạng yếu đuối nhất thì ma quỷ đã độc ác lợi dụng tình huống nầy để xúi giục Chúa làm theo ý của ma quỷ và thử xem có phải thật Chúa chính là Con của Đức Chúa Trời không.
  • Ma Quỷ đã tinh ranh dùng chính Lời của Chúa để quyến dụ Đức Chúa Jesus phạm tội. Nhưng Chúa Jesus đã ngay lập tức dùng Lời của Đức Chúa Trời để chống cự lại với sự cám dỗ của ma quỷ, Ngài đã không dùng quyền phép để đáp ứng nhu cầu chính đáng cho chính Ngài. Đức Chúa Jesus đã dạy chúng ta qua hành động của Ngài rằng sự sống của chúng ta không chỉ riêng về thể xác đời này mà còn là sự sống thuộc linh đời đời nhờ vào mọi lời phán dạy của Thiên Chúa. Lời Chúa là sông nước hằng sống ban cho chúng ta sự sống và nuôi dưỡng chúng ta từ thuộc thể đến thuộc linh, và điều quan trọng hơn hết là chúng ta có biết hoàn toàn vâng lời Đức Chúa Trời hay không vì chúng ta không phải chỉ sống một đời sống ngắn ngủi chóng qua trong đời nầy mà còn là sự sống đời đời bên Thiên Chúa.
  • Câu hỏi đặt ra là: Vậy, khi Đức Chúa Jesus đang đói Ngài có đủ quyền phép và năng lực để có thể biến đá thành bánh ăn cho hết đói không? Tại sao lại phạm tội với Đức Chúa Trời khi Đức Chúa Jesus cần bánh để ăn?
    Câu trả lời là: Có, Đức Chúa Jesus có đủ quyền phép để biến đá thành bánh ăn, nhưng Ngài đã không dùng quyền phép của mình để làm điều đó vì Ngài công bình và Ngài chịu mọi thử thách như một con người hoàn toàn để chứng minh và dạy cho chúng ta biết rằng Ngài có thể sống một đời sống trong xác thịt yếu đuối giống như chúng ta mà không phạm tội. Và phạm tội là khi làm bất cứ sự chi trái nghịch với ý muốn của Đức Chúa Trời và làm theo lời xúi giục của ma quỷ.
  • Vậy ngày nay, nếu vì những nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, áo mặc thì chúng ta có thể phạm tội để đáp ứng những nhu cầu ấy vì sự sống của chúng ta không?Câu trả lời chắc chắn là không. Vì sao vậy? Vì nếu chúng ta làm bất cứ hành động nào trái nghịch với thánh ý của Đức Chúa Trời là phạm tội, khi chúng ta làm bất cứ sự chi theo sự cám dỗ của ma quỷ là chúng ta đã bị ma quỷ bắt phục, cho dù vì bất cứ lý do gì xem dường như chánh đáng, lời Chúa đã phán trong sách Rô-ma 6:16 “Các anh chị em chẳng biết rằng, nếu các anh chị em đã nộp mình làm nô lệ để vâng phục kẻ nào, thì là nô lệ của kẻ mình vâng phục, hoặc của tội lỗi đến sự chết, hoặc của sự vâng phục để được nên công bình hay sao?“. Lời Chúa cũng có chép trong sách Châm Ngôn 16:25 rằng: “Có một con đường coi dường chính đáng cho loài người; Nhưng cuối cùng là những nẻo của sự chết.” Khi chúng ta làm theo lời ai thì chúng ta thể hiện sự vâng phục người đó. Vậy vấn đề không phải ở chỗ chúng ta làm gì, hay mục đích là gì mà là việc chúng ta làm có xuất phát từ sự vâng lời Đức Chúa Trời hay không? Hay chúng ta đang làm theo ý riêng của mình hoặc là chúng ta đang làm theo sự cám dỗ của ma quỷ.
    Chúa Jesus có quyền biến đá thành bánh để ăn, giống như Ngài đã hoá 5 cái bánh và 2 con cá thành thức ăn đủ cho năm ngàn người ăn mà còn dư 12 giỏ đầy. Nhưng nếu Đức Chúa Jesus nghe theo lời ma quỷ biến đá thành bánh để ăn trong lúc bị ma quỷ xúi giục là Đức Chúa Jesus phạm tội với Đức Chúa Trời vì đã làm theo lời ma quỷ.
  • Bất cứ khi nào chúng ta làm sự chi theo sự xúi giục của ma quỷ hoặc theo ý riêng của chúng ta là phạm tội, cho dù để đáp ứng nhu cầu chính đáng và thiết thực nhất cho sự sống của chúng ta.
  • Chúng ta học biết rằng trong suốt Thánh Kinh kể về thời gian Đức Chúa Jesus đi lại trên đất, Ngài gần như không dùng quyền phép để đáp ứng nhu cầu chính đáng về thuộc thể cho chính mình Ngài mà Ngài chỉ sử dụng quyền phép khi cần thiết để chữa lành, ban phước cho người khác hoặc để làm tỏ rạng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

5 Kế đó, Ma Quỷ đem Ngài vào trong thành thánh, đặt Ngài trên đỉnh của đền thờ, 

6 và nói với Ngài: Nếu ngươi là Con của Đức Chúa Trời thì hãy gieo mình xuống; vì có chép rằng, Ngài sẽ truyền cho các thiên sứ chung quanh ngươi, họ sẽ nâng ngươi trong tay, kẻo chân ngươi vấp nhằm đá chăng. [Thi Thiên 91:11-12] 

7 Đức Chúa Jesus phán với nó: Cũng có lời đã chép, ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:16] 

  • Đền thờ: Đền thờ Giê-ru-sa-lem được xây dựng bởi vua Sa-lô-môn
  • Thành thánh: ý nói về đền thờ Giê-ru-sa-lem.
  • Nóc đền thờ: trong cách xây dựng đền thờ của người Do-thái thời bấy giờ người ta có thể đi lại trên đó, chứ không phải kiểu nhà mái nghiêng như ở Việt Nam.

Ý nghĩa lời của Chúa

  • Ma Quỷ đã quỷ quyệt tìm mọi cách để thử cho biết Đức Chúa Jesus có phải chính là Con Một của Đức Chúa Trời hay không nhưng một lần nữa Đức Chúa Jesus đã dùng chính lời của Đức Chúa Trời để vạch trần âm mưu của Ma Quỷ.
  • Ma Quỷ lại dùng chính Lời của Đức Chúa Trời để tiếp tục tấn công, cám dỗ Đức Chúa Jesus, và lần nầy âm mưu của chúng còn thâm độc hơn lần trước vì Ma Quỷ đã mưu kế làm cho Đức Chúa Jesus phải chịu tổn hại đến mạng sống của chính Ngài để nếu Ngài không phải là Con Đức Chúa Trời, hoặc là Ngài sẽ phạm tội càng hơn nếu Ngài thật là Con của Đức Chúa Trời nhưng lại làm theo lời ma quỷ. Chúng ta nên ghi nhớ rằng trong lúc nầy Đức Chúa Jesus đang là người 100%. Và Đức Chúa Jesus lại cũng đã dùng Lời của Đức Chúa Trời để làm vũ khí chiến cự lại những âm mưu thâm độc của chúng.
  • Chúng ta học biết rằng Đức Chúa Trời thành tín và yêu thương, Chúa luôn gìn giữ con dân của Ngài đi qua mọi nghịch cảnh, nhưng chúng ta không bao giờ được phép thử Chúa bằng cách kiêu ngạo tự đặt mình vào những tình huống nguy hiểm để thử xem Chúa có giải cứu mình vì sự thành tín yêu thương của Ngài hay không hoặc là để chứng tỏ địa vị mình là con của Đức Chúa Trời nhằm đề cao địa vị và danh tiếng của mình trong đời nầy chứ không phải để tôn vinh quyền năng của Thiên Chúa. Đó chính là hành động thiếu khôn ngoan của những người đã không hiểu biết đúng về Lời Chúa và cũng không biết áp dụng đúng Lời Chúa vào trong cuộc sống trên bước đường đi theo Chúa.

8 Ma Quỷ lại đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước trong thế gian, cùng sự vinh quang của chúng, 

9 và nói với Ngài: Ta sẽ ban cho ngươi hết thảy mọi sự này, nếu ngươi sấp mình xuống mà thờ phượng ta. 

10 Đức Chúa Jesus liền phán với nó: Hỡi Sa-tan, hãy lui ra! Vì đã được chép {rằng}: Ngươi sẽ thờ phượng Chúa {là} Đức Chúa Trời của ngươi và ngươi sẽ chỉ phụng sự Ngài {mà thôi}. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:13] 

  • Sấp mình: người Do-thái có văn hóa sấp mình khi thờ lạy Đức Chúa Trời, tức là nằm dài úp mặt xuống đất thể hiện sự vâng phục hoàn toàn.
  • Phụng sự: mang ý nghĩa lấy việc phục vụ Đấng Thần Linh nào đó hay sự việc nào đó như một sự nghiệp bằng hết tất cả tấm lòng. Ví dụ khi chúng ta thờ phượng Chúa bằng hết cả linh hồn, tâm thần, thể xác thì những việc chúng ta hết lòng làm cho Chúa vì Chúa được gọi là phụng sự Chúa.
  • Hầu việc: hầu việc là làm một công việc gì đó hết trách nhiệm của mình, như một đầy tớ hầu việc chủ, làm tốt công việc để được trả lương cao nhưng có thể chưa dâng hết linh hồn, thể xác, tâm thần của mình vào trong công việc đó.

Ý nghĩa lời của Chúa:

  • Qua những lần Ma Quỷ liên tiếp tìm cách cám dỗ Đức Chúa Jesus làm theo ý chúng, từ nhẹ nhàng dụ dỗ Chúa phạm tội, đến khích bác làm cho Chúa sập bẫy để phạm tội và cuối cùng thì ma quỷ đưa ra những lợi ích to lớn của thế gian để dụ dỗ Chúa phạm tội. Ma quỷ rất tinh ranh, gian xảo, quỷ quyệt và vô cùng kiên nhẫn trong việc xui giục người khác phạm tội với Đức Chúa Trời. Ngày nay, chúng vẫn đang ngày đêm không mệt mỏi luôn ra sức rình mò tìm mọi cách quyến dụ chúng ta sa ngã mà phạm tội đối với Chúa của chúng ta, giống như ma quỷ đã ba lần liên tiếp tấn công Đức Chúa Jesus trong lúc nầy vậy. Ma quỷ tinh ranh luôn chực chờ để khi có cơ hội chúng sẵn sàng tấn công vào những điểm yếu đuối nhất của chúng ta, hoặc trong những lúc chúng ta lơ là thiếu cảnh giác nhất. Tuy nhiên Đức Chúa Jesus đã chiến thắng và Ngài đã lớn tiếng phán rằng: “Hỡi quỷ Sa-tan hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi và chỉ phụng sự Ngài mà thôi.” [Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:13]

    Vậy ngày nay khi con dân Chúa đối diện với những thử thách cám dỗ chúng ta phải làm sao?

    Câu trả lời cho chúng ta là: Nếu chúng ta thật là con cái của Đức Chúa Trời thì Ngài là Đấng toàn năng, yêu thương và là Đấng chăn giữ chúng ta, Ngài biết rõ mọi nhu cầu của chúng ta, Ngài luôn chăm lo cho chúng ta và Ngài luôn luôn có chương trình tốt nhất dành cho mỗi một chúng ta. Vấn đề là chúng ta có hoàn toàn tin cậy và ngưỡng trông, phó thác cuộc đời chúng ta lên cánh tay toàn năng yêu thương của Ngài hay không cho dù có những lúc chúng ta phải chịu đói, chịu rét, chịu thiếu thốn bệnh tật. Mặc dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta có biết hết lòng tin vào tình yêu và sự thành tín của Chúa để làm vinh hiển danh Ngài hay không?! Vì Chúa đã dạy chúng ta rằng: “Nhưng trước hết, các ngươi hãy tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 6:33).

  • Học hỏi Lời Chúa trong Thánh Kinh và hết lòng làm y theo Lời Chúa dạy chính là tìm kiếm Vương Quốc Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài. Vì như vậy chúng ta sẽ có Lời Chúa làm gươm chống cự lại mọi sự cám dỗ của ma quỷ giống như Đức Chúa Jesus đã dùng chính Lời của Đức Chúa Trời để chiến cự với ma quỷ vậy.

  • Đức Chúa Jesus đã làm gương và dạy cho chúng ta noi theo, học theo và làm theo Ngài trên bước đường chúng ta theo Chúa để chúng ta luôn vì Ngài, thuộc về Ngài và ở trong Ngài. Vì người nào vâng phục ai hay sự chi thì là nô lệ của người đó hoặc sự đó. Chúng ta: một là vâng phục tội lỗi, trở thành nô lệ của tội lỗi, hoặc hai là, vâng phục Đức Chúa Trời và sự dạy dỗ của Ngài, để trở thành công cụ của sự công bình trong tay Ngài.

Grace Nguyễn
Priscilla Trần
24/09/2016