Chiên Con Của Đức Chúa Trời

Grace Nguyễn
Priscilla Trần

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các mp3 bài giảng:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/bai-giang-danh-cho-thieu-nhi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://od.lk/f/MV8xNDY5Mjg1MDVf

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://od.lk/fl/MV8xMDQ4Njg5Ml9qbWhPSA

Phải biết rằng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Thiên Chúa.
Chính Ngài đã dựng nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài;
Chúng tôi là dân sự Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài.

(Thi Thiên 100: 3)

Bài giảng:

Các con thương mến!

Cảm tạ Đức Chúa Trời là Cha của chúng con, đã ban cho chúng con quyền được làm con cái vinh hiển của Ngài, đã cho chúng con được cùng nhau nhóm hiệp thờ phượng Cha, đã ban cho chúng con lời của Ngài để soi dẫn chúng con về với nước Cha đời đời. Lời của Cha đã bày tỏ cho chúng con biết được tình yêu nhiệm mầu Ngài đã dành cho chúng con qua cuộc đời của Đức Chúa Jesus Christ-Đấng yêu thương chúng con đã rửa sạch chúng con trong máu của Ngài.

Các con thương mến!

Để được cùng nhau đắm chìm trong tình yêu ngọt ngào, mầu nhiệm, vô đối của Cha Trời Kính yêu. Hôm nay chúng ta cùng nhau tiếp tục tìm hiểu về cuộc đời của Đức Chúa Jesus Christ yêu kính của chúng ta qua câu chuyện “Chiên Con của Đức Chúa Trời – Đấng cất tội lỗi của thế gian” các con nhé.

PHẦN I: CÂU CHUYỆN CHIÊN CON CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI – ĐẤNG CẤT TỘI LỖI CỦA THẾ GIAN (GIĂNG 1: 29-34).

29 Ngày hôm sau, Giăng nhìn thấy Đức Chúa Jesus đang đến với mình thì ông nói {rằng}: Hãy nhìn! Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi tội lỗi của thế gian. 

30 Đây là về Đấng mà ta đã nói, sau ta, {có} một người đến, {là} Đấng đã trở thành trước ta, vì Ngài hằng có trước ta. 

31 Ta vốn chẳng biết Ngài nhưng để Ngài được tỏ ra cho dân I-sơ-ra-ên, bởi đó ta đã đến, làm báp-tem trong nước. 

32 Giăng lại làm chứng, nói rằng: Ta đã thấy Đấng Thần Linh từ trời giáng xuống, như chim bồ câu, đậu trên Ngài. 

33 Ta vốn chẳng biết Ngài nhưng Đấng đã sai ta làm báp-tem bằng nước, chính Đấng ấy, phán với ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Đấng Thần Linh ngự xuống, đậu trên Ngài, ấy là Đấng làm báp-tem bằng thánh linh. 

34 Ta đã thấy và làm chứng rằng: Đây là Con của Đức Chúa Trời.

PHẦN II: Ý NGHĨA LỜI CHÚA.

29 Ngày hôm sau, Giăng nhìn thấy Đức Chúa Jesus đang đến với mình thì ông nói {rằng}: Hãy nhìn! Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi tội lỗi của thế gian. 

30 Đây là về Đấng mà ta đã nói, sau ta, {có} một người đến, {là} Đấng đã trở thành trước ta, vì Ngài hằng có trước ta. 

Ngày hôm sau: Ý nói về ngày thứ hai sau khi Giăng cùng đoàn dân đông và các môn đồ của ông đang ở bên kia sông Giô-đanh thuộc thành Bê-tha-ni nơi Giăng làm Báp-tem bằng nước thì có mấy thầy tế lễ, mấy người Lê-vi đều là người Pha-ri-si đến chất vấn ông là ai cớ sao ông làm phép Báp-tem. Chúng ta cũng có thể hiểu rằng ngày thứ nhất là ngày Giăng Báp-tít giới thiệu Đức Chúa Jesus cùng đoàn dân bên sông Giô-danh khi Ngài đến chịu phép Báp-tem bởi Giăng để làm cho trọn mọi việc công bình theo thánh ý Đức Chúa Trời và ngày thứ nhì là ngày mà Giăng chính thức công khai giới thiệu và làm chứng tái khẳng định Đức Chúa Jesus chính là Chiên Con của Đức Chúa Trời và cũng là lần thứ hai ông thấy Đức Chúa Jesus đi đến với ông sau khi Đức Chúa Jesus kiêng ăn 40 ngày-40 đêm và chịu sự cám dỗ trong đồng vắng, chuẩn bị cho việc Đức Chúa Jesus sẽ chính thức thi hành chức vụ của Ngài trên đất.
Chiên con:
Theo nghĩa đen: là một con chiên còn non chưa trưởng thành, thường dưới ba tuổi, người Việt Nam chúng ta còn gọi là con cừu hoặc con trừu mà người nuôi thường hớt lông khi đến kỳ để dùng làm áo lông, làm chăn ấm . . .
Theo nghĩa bóng: từ chiên được Thánh Kinh dùng để chỉ con dân Chúa, những người tin theo Chúa được xem như những con chiên trong đồng cỏ của Đức Chúa Trời. Ê-sai 5:17 và Thi-Thiên 100:3 cũng có chép rằng:

Phải biết rằng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Thiên Chúa. Chính Ngài đã dựng nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài; Chúng tôi là dân sự Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài.

Ngoài ra, chiên con là danh từ dùng để chỉ những tín đồ còn non trẻ trong đức tin, những người mới trở về với Chúa cần được chăm sóc đặc biệt về thuộc linh.
Chiên cũng được dùng để chỉ về môn đồ của Chúa được sai đi vào giữa thế gian trong sách Lu-ca 10:3 chép rằng:

Hãy đi; này, ta sai các ngươi đi, khác nào như chiên con ở giữa bầy muông sói.”

Điều đặc biệt từ chiên con còn là biểu tượng cho sự tinh sạch của Đức Chúa Jesus Christ. “Chiên con không tì không vít không chỗ trách được” được Thánh Kinh dùng để diễn tả về Đức Chúa Jesus Christ trong sách I Phi-e-rơ 1:19 như sau: “Nhưng bởi máu cao quý của Đấng Christ, dường như máu của chiên con không lỗi, không vết.

Chiên con không tì không vít còn được dùng làm lễ vật hoặc của lễ chuộc tội cho dân sự. Chúng ta còn nhớ A-bên đã dùng chiên đầu lòng trong bầy mình làm lễ vật dâng cho Đức Chúa Trời. (Sáng ThếKý 4:4.)

Và trong câu chuyện Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho Áp-ra-ham một con chiên để thay cho con của mình là Y-sác làm của lễ thiêu. (Sáng ThếKý 22).
Điều quan trọng đặc biệt hơn hết danh từ chiên con là hình ảnh tiêu biểu cho Đức Chúa Jesus nhập thế làm người, làm “Sinh Tế của Lễ Vượt Qua” để chuộc tội cho toàn thể nhân loại, là hình của việc máu chiên con phải đổ ra trong lễ vượt qua đầu tiên Đức Chúa Trời thiết lập với dân Y-sơ-ra-ên, trong ngày Môi-se dẫn dân sự ra khỏi xứ Ê-díp-tô được chép trong sách Xuất Ê-díp-tô ký 12.

Chiên con của Đức Chúa Trời: là danh xưng Đức Chúa Trời thần cảm cho Giăng Báp-tít gọi Đức Chúa Jesus trước khi Ngài thi hành chức vụ: “Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.” Chúng ta có thể hiểu danh hiệu của Đức Chúa Jesus là Chiên Con của Đức Chúa Trời mang ý nghĩa Ngài thuộc về Đức Chúa Trời, đến từ Đức Chúa Trời và là của tế lễ chuộc tội được ban cho từ trời.

Thời Cựu Ước, khi một người phạm tội thì người ấy phải dâng một con sinh, có thể là con chiên con, không tì vết, người ấy đặt tay lên đầu con chiên với ý nghĩa tượng trưng là người ấy truyền tội lỗi của mình qua con chiên đó, rồi thầy lế lễ giết con chiên làm của lễ thiêu để chuộc tội. Mỗi chiên con chỉ chuộc tội cho một người và một lần mà thôi, nhưng Chúa Jesus Christ là Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng vô tội, là Con Đức Chúa Trời, vì thế sự chết của Ngài trên cây thập tự có quyền năng để cất tội lỗi của toàn thể nhân loại. Ngài đã bị phản bội, bị bỏ rơi, bị chối bỏ, bị vu khống, bị sỉ nhục, bị đánh đập, và bị đóng đinh trên cây thập tự như một người tội lỗi, bị kể vào hàng kẻ dữ. Tình yêu của Ngài đối với nhân loại quá lớn lao vì từ thiên đàng vinh quang, Ngài đã xuống thế làm người để gánh thay mọi điều tội lỗi gian ác mà loài người làm ra để chết thay và cứu chuộc họ.

Ê-sai 53:4-10

4 Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Thiên Chúa đánh và đập, và làm cho khốn khổ.

5 Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bệnh.

6 Chúng ta đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.

7 Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng.

8 Bởi sự ức hiếp, và xử đoán, nên người đã bị cất lấy; trong những kẻ cùng thời với người có ai suy xét rằng người đã bị dứt khỏi đất người sống, là vì cớ tội lỗi dân ta đáng chịu đánh phạt?

9 Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng hề làm điều hung ác và chẳng có sự dối trá trong miệng.

10 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lấy làm vừa ý mà làm tổn thương người, và khiến gặp sự đau ốm. Sau khi đã dâng mạng sống người làm tế chuộc tội, người sẽ thấy dòng dõi mình; những ngày người sẽ thêm dài ra, và ý chỉ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nhờ tay người được thịnh vượng.

Khi Giăng nói: “Đây là Đấng mà ta đã nói, sau ta, có một người sẽ đến, là Đấng trở thành trước ta, vì Ngài có trước ta.” Đây là lẽ thật vì Ngài là Thiên Chúa, Ngài đã có từ trước cõi vô cùng và hằng còn đời đời. Ngài đến trên đất làm người xác thịt sau Giăng bởi vì Giăng đã được Đức Chúa Trời sai đến thế gian để dọn đường cho Chúa, để làm vinh hiển và tỏ ra sự cao trọng của Ngài cho muôn dân, cho những ai có tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời và tìm kiếm Ngài. Đó là ý định tốt lành của Đức Chúa Trời và làm ứng nghiệm lời Ngài đã phán truyền cho tổ phụ họ qua các đấng tiên tri.

“Ta vốn chẳng biết Ngài nhưng để Ngài được tỏ ra cho dân I-sơ-ra-ên, bởi đó ta đã đến, làm báp-tem trong nước.” (Giăng 1:31).

Giăng Báp-tít đã được đến thế gian theo ý muốn của Đức Chúa Trời để làm vinh hiển Đức Chúa Trời, để dọn đường và bày tỏ làm chứng về Đấng quyền năng sẽ đến thế gian, Đấng sẽ đến sau ông nhưng lại có trước ông từ cõi vô cùng, Đấng đem ánh sáng vinh quang của tình yêu soi vào nơi tấm lòng tối tăm của những con người thế gian tội lỗi, đang lầm đường lạc lối trong u mê, ngày từng ngày bị đùa đi đến chỗ chết, xa cách sự vinh quang của Đức Chúa Trời vì những tội lỗi của mình. Một lần nữa Thánh Kinh lại dạy cho chúng ta sự khiêm nhường hạ mình của Giăng Báp-tít. Ông đã vâng phục Thiên Chúa đến làm Báp-tem bằng nước cốt để dẫn dắt và hướng sự chú ý của dân Y-sơ-ra-ên thời bấy giờ vào Đức Chúa Jesus Christ, làm cho tỏ rạng chức vụ cao cả và danh vinh quang của Đức Chúa Jesus Christ trong chương trình đời đời của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại qua dân I-sơ-ra-ên, chứ không phải vì được đầy dẫy thánh linh mà kêu gọi mọi người đến với ông để tạo uy tín và danh tiếng cho riêng mình. Ông chỉ là người đến để dọn sẵn, ban bằng tấm lòng cứng cỏi của dân I-sơ-ra-ên, làm phép báp-tem bằng nước là hình thức tẩy rửa bên ngoài cho những người có tấm lòng ăn năn để chuẩn bị cho họ thực sự đến với sự cứu chuộc bởi Đức Chúa Jesus Christ.

“Giăng lại làm chứng, nói rằng: Ta đã thấy Đấng Thần Linh từ trời giáng xuống, như chim bồ câu, đậu trên Ngài. Ta vốn chẳng biết Ngài nhưng Đấng đã sai ta làm báp-tem bằng nước, chính Đấng ấy, phán với ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Đấng Thần Linh ngự xuống, đậu trên Ngài, ấy là Đấng làm báp-tem bằng thánh linh. Ta đã thấy và làm chứng rằng: Đây là Con của Đức Chúa Trời.” (Giăng 1:32-34).

Vào thời điểm vô cùng quan trọng nầy đây sau khi Đức Chúa Jesus vừa trải qua sự cám dỗ thử thách và Ngài đã chứng tỏ Ngài chính là “Chiên Con của Đức Chúa Trời” hoàn toàn thánh khiết không tì không vít, xứng đáng để sẵn sàng cho việc khởi đầu chức vụ làm “Đấng cất đi tội lỗi của thế gian!” trong danh hiệu “Sinh Tế của Lễ Vượt Qua” cho Đức Chúa Trời trong xác thịt loài người đã được nói đến trong sách I Cô-rinh-tô 5:7b “Vì Đấng Christ là con sinh Lễ Vượt Qua của chúng ta.”

Giăng lại một lần nữa lớn tiếng khẳng định và làm chứng về Ngài trước đoàn dân đông cùng các môn đồ của Giăng bên bờ sông Giô-đanh, để dọn đường cho Đức Chúa Jesus chuẩn bị thu nhận môn đồ và thi hành chức vụ của Ngài vào những ngày tiếp theo. Khi Giăng nói ta vốn chẳng biết Ngài, ý nói không phải ông không biết Ngài về thuộc thể vì chúng ta đã cùng nhau học biết rằng bà Ê-li-sa-bét, mẹ của Giăng là chị họ của bà Ma-ri, và Giăng Báp-tít biết rõ Đức Chúa Jesus Christ chính là người anh em họ của ông. Nhưng ở đây ý Giăng muốn diễn đạt rằng chính Đấng sai ông đã ban cho ông dấu chứng nhận biết Đức Chúa Jesus Christ để ông làm chứng cho dân Y-sơ-ra-ên cùng toàn thể nhân loại biết rằng Ngài chính là Con Đức Chúa Trời – là Đấng sẽ làm phép Báp-tem cho họ bằng thánh linh.

Đức Chúa Jesus Christ trở nên xác thịt vừa là để giãi bày cho loài người mọi sự thuộc về Thiên Chúa, Ngài đã phải chết đi con người xác thịt của mình để hoàn thành sự chuộc tội cho toàn thể nhân loại. Vì thế, Ngài mang danh hiệu: “Chiên Con của Đức Chúa Trời”, “Sinh Tế của Lễ Vượt Qua.” Và cũng làm ứng nghiệm Lời Chúa đã tiên tri trong sách Ê-sai 29: 18- 19 rằng:

Trong ngày đó, kẻ điếc sẽ nghe những lời trong sách, con mắt của kẻ đui sẽ xem thấy từ sự tối tăm mù mịt. Những người nhu mì cũng sẽ được thêm sự vui vẻ trong Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, những kẻ nghèo khổ trong loài người sẽ bởi Đấng Thánh của I-sơ-ra-ên mà mừng rỡ.”

Này, Chúa Tự Hữu Hằng Hữu sẽ lấy quyền năng mà đến; Ngài dùng cánh tay mình mà cai trị. Này, sự ban thưởng Ngài ở nơi Ngài, sự báo trả Ngài ở trước mặt Ngài. Ngài sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên; thu các con chiên con vào cánh tay mình và ẵm vào lòng; từ từ dắt các chiên cái đang cho bú.” (Ê-sai 40:10-11).

Qua ý nghĩa lời Chúa trong các danh xưng Thiên Chúa dành để gọi Đức Chúa Jesus Christ: “Đấng cất tội lỗi thế gian.” “Chiên Con của Đức Chúa Trời.” “Sinh Tế của Lễ Vượt Qua.”, và qua bước đường gian khó Chúa đã đi qua, Ngài đã từ nơi cao hạ mình xuống như một người thấp nhất, chấp nhận chịu phép Báp-tem như một người tội lỗi, chịu thử thách cám dỗ như một người bình thường yếu đuối trong xác thịt, trong lúc nầy đây Ngài còn để cho Giăng giới thiệu và làm chứng về mình trước những con người thế gian tội lỗi, để chuẩn bị làm của lễ chuộc tội cho họ.

Đấng toàn năng, Đấng sống đời đời ban sự sống và sự sống lại, bằng lòng chấp nhận chết bằng một cái chết vô cùng đau đớn khổ nhục nhất cho những kẻ chưa từng biết Ngài, đang chống nghịch Ngài và sẽ chối bỏ Ngài. Chúng ta cảm biết được tình yêu thương bao la, sự hy sinh vô bờ vô bến trong chương trình khôn ngoan vô đối không thể suy lường của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

  • Đức Chúa Jesus Christ mang danh hiệu “Chiên Con của Đức Chúa Trời” vừa là người, vừa là Thiên Chúa, nên mạng sống của Ngài là vô hạn. Nhờ đó chỉ một minh Ngài có thể chết thay cho toàn thể loài người chúng ta.
  • Đức Chúa Jesus Christ được gọi là “Chiên Con của Đức Chúa Trời” vì chính Đức Chúa Trời đã sắm sẵn và ban cho nhân loại để làm sinh tế chuộc tội.
  • Đức Chúa Jesus Christ được gọi là “Đấng cất đi tội lỗi của thế gian” vì sự chết của Ngài có giá trị chuộc tội cho toàn thể loài người trong thế gian.

Ngày nay, tất cả những ai biết hết lòng ăn năn thống hối về những lỗi lầm của mình, tin nhận vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, một lòng tin cậy và thờ phượng Thiên Chúa đều nhận được sự tha tội và làm cho sạch tội qua cái chết của Đức Chúa Jesus Christ “Sinh Tế của Lễ Vượt Qua.”
Ngày xưa dân Y-sơ-ra-ên thể hiện đức tin và lòng vâng phục của họ đối với Đức Chúa Trời qua việc dâng sinh tế là một con chiên con không tì không vít làm của lễ chuộc tội để được Đức Chúa Trời tha tội. Sinh tế làm của lễ chuộc tội ấy là hình bóng về sự chính Đức Chúa Jesus Christ dâng thân thể Ngài làm sinh tế chuộc tội, một lần đủ cả, cho toàn thể nhân loại ngày nay.

PHẦN III: TÓM TẮT CÂU CHUYỆN

  1. Giăng giới thiệu và làm chứng về Đức Chúa Jesus, Đấng đến để bày tỏ về Đức Chúa Trời và cất tội lỗi của thế gian, ban cho nhân loại một con đường sống.
  2. Giăng khẳng định mình chỉ là công cụ trong tay của Thiên Chúa nên ông đã đến làm phép Báp-tem bằng nước để dọn đường cho Chúa và làm chứng về Đức Chúa Jesus Christ mục đích là để Ngài được tỏ ra cùng dân I-sơ-ra-ên.
  3. Giăng lại làm chứng và khẳng định rằng Đấng sai ông đến đã ban dấu hiệu Đức Thánh Linh ngự xuống trên vai Ngài, chính Đấng ấy là Con của Đức Chúa Trời sẽ làm phép Báp-tem bằng thánh linh cho những ai ăn năn và tin nhận Ngài.

PHẦN IV: CÂU HỎI

  1. Giăng đã nói với ai và nói điều gì khi thấy Đức Chúa Jesus đi đến với ông ?
  2. Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất đi tội lỗi của thế gian chỉ về ai và mang ý nghĩa gì?
  3. Để Đức Chúa Jesus được tỏ ra cho dân I-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời đã sai ai đến làm phép Báp-tem bằng nước và làm chứng về Ngài cho họ?
  4. Đức Chúa Trời ban cho Giăng dấu hiệu gì để nhận biết Con Đức Chúa Trời?
  5. Khi học biết Đức Chúa Jesus hy sinh làm Chiên Con của Đức Chúa Trời để làm của lễ chuộc tội cho mình các con quyết định từ nay sẽ sống như thế nào?
  6. Khi các con phạm tội có nghĩa là các con đang làm gì đối với Đức Chúa Jesus, Đấng đã hy sinh để cứu chuộc chính các con?
  7. Vậy chúng ta phải làm gì khi đã lỡ phạm tội đối với Chúa?

PHẦN V: ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG

  • Ngày nay là con dân của Chúa, chúng ta đã được cứu thoát ra khỏi sự chết đời đời, đã được rửa sạch và tái sinh trong Đấng Christ Jesus, chúng ta đang hưởng ân điển lớn lao lạ lùng của Thiên Chúa. Hằng ngày Chúa cho chúng ta cảm biết được sự hiện hữu của Chúa bên cạnh chúng ta, bồng ẵm chúng ta khi chúng ta gặp những cảnh ngộ gian khó. Chúng ta càng cảm nhận sâu sắc hơn niềm phước hạnh lớn lao vô cùng khi chúng ta được làm con cái của Chúa, được làm chi thể của nhau và của chính Chúa.
    Chúng ta làm sao có thể suy nghiệm được bề cao, bề sâu, hay bề rộng của tình Chúa?
    Đấng vì yêu chúng ta mà da thịt Ngài phải rách nát tan vỡ bởi những gian ác của chúng ta. Máu Ngài phải tuôn đổ vì những mũi đinh đóng giáo đâm cho chúng ta ngày nay được bước đi bình an trong bóng đổ dài của Ngài treo trên cây thập tự năm xưa.
  • Là con dân của Chúa mỗi khi chúng ta nghiêng ngã lâm vấp phạm tội là chúng ta đã nhẫn tâm giày đạp những sự hy sinh của Chúa, là chúng ta đóng đinh Chúa yêu kính của chúng ta trên thập tự giá một lần nữa làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường. Tim chúng ta tan vỡ thấm thía niềm đau khi chúng ta trong vô ý, trong thờ ơ thiếu hiểu biết mà lâm vấp tội lỗi, nước mắt chúng ta nghẹn ngào mặn đắng như những giọt máu đào Ngài đang tuôn đổ một lần nữa, rồi lại một lần nữa, vì chính chúng ta, những con cái của Ngài, những chiên trong đồng cỏ của Ngài. Hãy ghi nhớ rằng mỗi khi chúng ta phạm tội dù là vô tình hay cố ý là chúng ta đã tiếp tay cho quỷ dữ nhạo báng giày đạp tình yêu trong trái tim của Chúa. Vậy chúng ta: “Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, để cho các anh chị em trở nên bột nhồi mới không men, như các anh chị em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men độc ác, xấu xa, nhưng dùng bánh không men của sự tinh sạch và của lẽ thật.” (I Cô-rinh-tô 5:7-8).
  • Nguyện kính xin Lời Chúa luôn ghi khắc trong tâm thần, ghi dấu trên trán giữa hai con mắt của chúng ta như một dấu ấn nhắc nhớ chúng ta về một Thiên Chúa yêu thương chúng ta không bờ không bến, để chúng ta luôn biết sống xứng đáng với sự hy sinh cao đẹp của Ngài, xứng đáng là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, là chiên trong đồng cỏ Ngài, là môn đồ của Đấng Chăn Chiên hiền lành, làm đẹp lòng Ngài, không phạm tội đối với Ngài. Và chúng ta cũng hãy luôn ghi nhớ rằng Ngài là Đấng công bình thánh khiết, chẳng kể kẻ có tội là vô tội, Chúa chẳng chịu khinh dễ đâu vì hễ ai gieo giống chi sẽ gặt giống nấy, để chúng ta luôn tỉnh thức gìn giữ lòng và ý không xê lệch khỏi đường công bình của Chúa để chúng ta không bị xét đoán làm một với người thế gian.

Grace Nguyễn
Priscilla Trần
08/10/2016