SỰ VÂNG LỜI TỐT HƠN CỦA TẾ LỄ (Phần 1)

SỰ VÂNG LỜI TỐT HƠN CỦA TẾ LỄ

Lời Đức Chúa Jesus Christ phán:

“Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài.” (Giăng 15:10).

Là con dân Chúa, điều kiện để được mãi mãi ở trong tình yêu của Chúa, thuộc về Chúa – Đấng chúng ta tôn thờ. Đó chính là sự tin cậy và vâng lời. Một người thật sự tin nhận và thờ phượng Thiên Chúa phải là một người tin vào quyền năng, tình yêu, sự công bình thánh khiết của Chúa và tin vào sự cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho mình.

Trong ngôn ngữ Thánh Kinh: TIN có nghĩa là nghelàm theo.

Thuở xưa, chính vì không có tấm lòng tin cậy và vâng lời Thiên Chúa một cách tuyệt đối nên tổ phụ loài người đã bị sa ngã, đã đánh mất địa vị cao trọng được làm con cái vinh hiển của Đức Chúa Trời, được gần gũi tương giao mật thiết với Ngài, đánh mất quyền quản trị trên muôn loài vạn vật, đánh mất sự sống của chính mình. Từ đó loài người bị khống chế bởi quyền lực của tội lỗi và sự chết, trở thành nô lệ cho Sa-tan là kẻ cầm đầu những thiên sứ chống nghịch Thiên Chúa.

Vì tội lỗi đã làm cho loài người bị phân rẽ ra khỏi Thiên Chúa, xa cách sự vinh quang, sức mạnh và quyền phép của Ngài.

Thiên Chúa là sự sống và tình yêu. vậy, khi chúng ta luôn biết tin cậy và hết lòng vâng phục Chúa, sống theo thánh ý Chúa, chính là chìa khoá, là năng lực, là quyền phép của sự sáng và sự sống, là vũ khí Chúa ban để chúng ta chiến cự và chiến thắng quyền lực của tội lỗi, quyền lực của sự chết.

Để giúp chúng ta luôn biết nắm giữ và sử dụng chiếc chìa khoá ơn phước đặc biệt Chúa đã ban cho mỗi một con dân Chúa. Cô xin mời chúng ta cùng nhau học lời Chúa với chủ đề: “SỰ VÂNG LỜI TỐT HƠN CỦA TẾ LỄ.”

Xin mời các con cùng học lời Chúa trong Thánh Kinh về vị vua đầu tiên của dân tộc I-sơ-ra-ên để hiểu rõ hơn như thế nào là sự tin cậy và vâng lời, hầu cho chúng ta luôn biết sống theo lời Chúa trong từng nếp nghĩ, cách làm, trong từng lời nói, cử chỉ, hành động của mình sao cho danh Chúa luôn được tôn cao các con nhé!

Phần một câu chuyện được chép trong sách:

I Sa-mu-ên 13:8-13

8 Sau-lơ đợi bảy ngày, là kỳ của Sa-mu-ên đã định; nhưng vì Sa-mu-ên không đến Ghinh-ganh, dân sự tan đi.

9 Bấy giờ, Sau-lơ nói: Hãy đem đến cho ta của lễ thiêu và của lễ thù ân; rồi người dâng của lễ thiêu.

10 Khi người dâng xong, kìa Sa-mu-ên đến. Sau-lơ đi ra đón để chào người.

11 Nhưng Sa-mu-ên hỏi: Ngươi đã làm gì? Sau-lơ đáp rằng: Khi tôi thấy dân sự tan đi, ông không đến theo ngày đã định, và dân Phi-li-tin đã hiệp lại tại Mích-ma,

12 thì tôi nói rằng: Dân Phi-li-tin chắc sẽ hãm đánh tôi tại Ghinh-ganh, và tôi chưa cầu khẩn Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Vì vậy, tôi miễn cưỡng dâng của lễ thiêu.

13 Sa-mu-ên nói với Sau-lơ rằng: Ngươi thật có làm ngu dại, không vâng theo mệnh lệnh của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi đã truyền cho. Nếu như có vâng theo, thì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ắt đã lập nước ngươi vững đời đời nơi I-sơ-ra-ên;

“Sau-lơ” là tên của vị vua đầu tiên Đức Chúa Trời chọn cho dân tộc Y-sơ-ra-ên khi họ đòi có một người vua cho giống các dân tộc khác để đoán xét, cai trị, và dẫn dắt họ. Chúng tôi muốn như các dân tộc khác; vua chúng tôi sẽ phán xét chúng tôi, đi trước đầu chúng tôi, mà đánh giặc cho chúng tôi.” (I Sa-mu-ên 8:19).

“Kỳ đã định”  chỉ về một giai đoạn, một khoảng thời gian đã định trước. Ví dụ: Theo lời Chúa dạy cứ sau bảy ngày tính từ ngày thứ nhất trong tuần lễ thì sẽ đến ngày Sabat thứ Bảy hàng tuần, là kỳ đã định, chúng ta lại gặp nhau trong phòng nhóm nầy để cùng thờ phượng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu.

“Dân sự” được nói đến ở đây là dân tộc I-sơ-ra-ên, họ chính là dân sự của Chúa vì trong tất cả các sắc dân Ngài đã chọn ra dân tộc I-sơ-ra-ên làm tuyển dân riêng của Ngài, và dân sự ở đây cũng hàm ý là những người dân I-sơ-ra-ên đang được Chúa đặt dưới quyền cai trị của vua Sau-lơ trong thời điểm bấy giờ.

“Của lễ thiêu” theo tiếng Hê-bơ-rơ, thì của lễ thiêu có nghĩa là khói hương xông lên. Các vật dâng lên đều phải thiêu hết trên bàn thờ.

“Vậy, ngươi phải nói cùng dân I-sơ-ra-ên rằng: Nầy là của lễ dùng lửa đốt mà các ngươi sẽ dâng cho Đức Giê-hô-va: Mỗi ngày, hai con chiên con đực giáp năm, không tì vít, làm của lễ thiêu hằng hiến.” (Dân SốKý 8:3).

Của lễ thiêu, (1) làm hình bóng về Đấng Christ tự dâng mình không tì vết cho Đức Chúa Trời cách vui lòng để làm theo ý muốn Cha Ngài là làm của lễ chuộc tội cho toàn thể nhân loại. Và lửa thiêu sinh tế tiêu biểu cho sự hủy diệt tội nhân.

“Của lễ thù ân” từ ngữ “thù ân” được dịch từ chữ “shelem” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh (phiên âm Việt ngữ: “sê-lem”). Trong tiếng Hê-bơ-rơ thì “shelem” có nghĩa là:

  1. Lễ vật hòa bình được dâng lên Thiên Chúa để bày tỏ tình bạn hoặc sự liên minh giữa hai người.
  2. Lễ vật tạ ơn Thiên Chúa do những người đã được phục hòa với Thiên Chúa, tức là đã được Ngài tha tội, và được ở trong giao ước của Ngài.

Trong tiếng Hán Việt, “thù ân” có nghĩa là đền ơn hoặc trả ơn. Thời Cựu Ước, của lễ thù ân là của lễ do con dân Thiên Chúa tự nguyện dâng lên Ngài để:

  1. Tỏ lòng biết ơn những gì Thiên Chúa đã làm cho mình: sự tha tội và sự kết giao ước.
  2. Tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa đã ban cho mình các sản vật: sự quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc sống.

“Tan đi” là tản ra, tan ra, bỏ đi, rời đi.

“Miễn cưỡng”  là thái độ thực hiện một hành động nào đó một cách chiếu lệ, làm cho có, làm cho xong, do mình không muốn, không thật tâm, không sẵn lòng làm.

TÓM TẮT Ý CHÍNH PHÂN ĐOẠN THÁNH KINH:

1. Sau-lơ đợi bảy ngày, là kỳ của Sa-mu-ên đã định:

Số bảy trong Thánh Kinh thể hiện sự trọn vẹn về thuộc linh. Qua tiên tri Sa-mu-ên Chúa đã định kỳ hạn bảy ngày là thời gian thử thách trọn vẹn sự tin cậy, vâng lời và lòng nhẫn nại kiên trì của vua Sau-lơ đối với Chúa. Nhưng tiếc thay vua Sau-lơ đã không vượt qua được thử thách Chúa đặt ra cho ông. Tiên tri Sa-mu-ên không đến trễ mà là đến đúng kỳ như đã hẹn. Mặc dù vua Sau-lơ có chờ đợi tiên tri Sa-mu-ên bảy ngày nhưng đến những giây phút ngắn ngủi cuối cùng ông đã bỏ cuộc, ông đã thất bại. Thái độ nôn nóng, thiếu kiên trì của vua Sau-lơ thể hiện tấm lòng ông không hoàn toàn biết trông cậy, phó thác và kính sợ Chúa.

2. Từ sự thất bại trong thử thách đầu tiên, vua Sau-lơ phạm tiếp lỗi lầm thứ hai còn nghiêm trọng hơn lỗi lầm lần thứ nhất đó là: Sau-lơ sai dân sự đem của lễ thiêu và của lễ thù ân, rồi ông tự đứng ra thay quyền tiên tri Sa-mu-ên dâng của lễ lên Thiên Chúa, là công việc mà cho dù ở địa vị một vị vua ông cũng không được phép làm trong thời bấy giờ. Những hành động của vua Sau-lơ xuất phát từ sự bất tuân luật pháp và mạng lệnh của Thiên Chúa, ông đã xem thường những thẩm quyền và trật tự mà Đức Chúa Trời đã đặt để trên ông, đồng nghĩa là ông đã xem thường Thiên Chúa.

3. Khi vua Sau-lơ thấy tiên tri Sa-mu-ên đến đúng như đã hẹn. Do lòng kiêu ngạo, vua Sau-lơ  đã không hạ mình ăn năn, xưng tội, xin Chúa tha thứ, nhận lỗi và xin lỗi tiên tri Sa-mu-ên, trái lại ông đã biện hộ cho hành động sai trái về sự thiếu kiên nhẫn và tội lạm quyền của mình bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho dân sự. . . Thậm chí ông còn lấy danh Chúa để bao biện cho sự phạm tội của mình với lý do ông chưa cầu khẩn Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Từ tội lỗi ban đầu là: không biết vâng lời, không tuân phục theo điều răn luật lệ của Chúa, không kính sợ Chúa, không biết ăn năn đã khiến Sau-lơ mau chóng lún sâu vào những tội lỗi nghiêm trọng càng hơn. Ông đã phạm thượng đến Đức Chúa Trời khi nói rằng: Vì lý do muốn cầu khẩn Chúa nên ông đã miễn cưỡng dâng của lễ thiêu lên cho Thiên Chúa. Chỉ vì tìm cách chống chế cho điều sai trái của mình, vua Sau-lơ lại tiếp tục phạm thêm tội đổ thừa cho chính Chúa, ông đã làm ra như là vì sự kính sợ Chúa nên ông phải cầu khẩn Chúa. Nhưng sự thật là vua Sau-lơ sợ mất uy tín trước dân sự, sợ mất lòng dân sự khi thấy họ tản ra và có ý muốn bỏ đi khi không thấy tiên tri Sa-mu-ên đến sau bảy ngày chờ đợi, ông sợ dân sự không hiệp lòng cùng ông để chiến đấu với dân Phi-li-tin. Vì chỉ nghĩ đến mình, sợ mất vị thế của một vị vua trước dân sự, nên ông đã quên rằng chính Đức Chúa Trời đã chọn và sức dầu cho ông để làm vua dân Y-sơ-ra-ên, thì chính Ngài sẽ là Đấng ban phước và làm cho quân thù vỡ chạy như trận chiến cùng dân Am-môn mà ông vừa kinh nghiệm trước đó không lâu.

Vua Sau-lơ đã không thật sự hướng tâm thần mình lên Chúa, không thật sự có Chúa ở trong lòng, dẫn đến việc ông không tin cậy, phó thác và kính sợ Đức Chúa Trời. Trong lời nói: Vì vậy, tôi đã miễn cưỡng dâng của lễ thiêu.” xác nhận rằng ông không thật lòng thành tâm kính dâng của lễ lên Thiên Chúa. Điều nầy thể hiện sự kiêu ngạo, vì cái tôi của mình, vua Sau-lơ đã không còn nhận biết những bước trượt dài trong sự phạm tội và phạm thượng danh Chúa càng hơn trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động và việc làm của mình.

4. Hậu quả là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đã không còn ban phước và lập Sau-lơ làm vua vững bền đời đời nơi Y-sơ-ra-ên theo như ý định ban đầu của Ngài.

PHÂN TÍCH CÁC Ý CHÍNH

Các con thương mến!

Khi dân tộc I-sơ-ra-ên xin Chúa ban cho họ một người vua, thì Sau-lơ chính là người được ơn. Chúa đã chọn và đặt ông vào một địa vị rất cao trọng, đó là làm vị vua đầu tiên của dân tộc I-sơ-ra-ên cũng là dân sự của Chúa. Trong khi Sau-lơ xuất thân là một người Bên-gia-min, là một chi phái nhỏ hơn hết trong I-sơ-ra-ên; và nhà ông lại hèn mọn hơn hết các nhà của chi phái Bên-gia-min.” I Sa-mu-ên 9:21 cho chúng ta biết như vậy.

Vì vậy, hơn ai hết vua Sau-lơ cần phải là một người biết thể hiện tấm lòng biết ơn và kính sợ Chúa, biết vâng phục Chúa một cách tuyệt đối để làm gương và dẫn dắt dân sự đi trong thánh ý Chúa. Đó là một phẩm chất cần thiết quan trọng mà Chúa muốn thấy và đòi hỏi nơi ông.

Thiên Chúa là Đấng yêu thương, giàu ơn nhưng Ngài cũng rất công bình, thánh khiết. Chúa luôn nghiêm khắc, chuẩn mực, rõ ràng trong chương trình, đường lối, và ý định của Ngài. Ngài đã cất nhắc ông từ một người thấp hèn hơn hết lên đến địa vị cao trọng nhất. Chúa ban cho nhiều thì Ngài cũng sẽ đòi lại nhiều, nghĩa là Ngài có quyền đòi hỏi Sau-lơ phải khác hơn hết mọi người, phải trổi hơn mọi người trong sự vâng phục và kính sợ Ngài, biết ơn và tríu mến Ngài.

Chúa sai tiên tri Sa-mu-ên sức dầu cho Sau-lơ để ban cho ông quyền làm vua cai trị dân sự, là những việc thuộc về thuộc thể.

Còn chức vụ của các thầy tế lễ và tiên tri là những người được Chúa chọn để dâng của tế lễ, cầu thay và phán truyền Lời Chúa cho dân sự, là những công việc thuộc về thuộc linh.

Sa-mu-ên hẹn bảy ngày ông sẽ đến dâng của lễ cho Thiên Chúa để cầu phước cho Sau-lơ cùng dân sự trước khi họ ra trận. Nhưng khi chưa thấy tiên tri Sa-mu-ên đến, Sau-lơ đã tự giành quyền làm công việc thuộc linh mà Đức Chúa Trời đã định sẵn và biệt riêng cho các thầy tế lễ và tiên tri.

Tiên tri Sa-mu-ên không đến muộn, mà đến đúng vào ngày thứ bảy như ông đã hẹn. Nhưng sự thiếu đức tin và lòng kiên nhẫn của Sau-lơ cùng dân sự đã khiến cho họ không vượt qua được sự thử thách Chúa cho phép xảy ra để kiểm tra họ, họ đã thất bại.

Vua Sau-lơ và dân sự đã không thật sự nhận thấy và nhìn biết Đức Chúa Trời mới chính là Đấng chủ tể đang cai quản, ban ơn, tể trị, và dẫn dắt họ. Trong lòng họ đã không thật có Chúa và biết kính sợ Chúa, họ đã không vâng phục theo sự trật tự và các thẩm quyền mà Chúa đã đặt để trên đời sống của họ. Tấm lòng của Sau-lơ đặt nơi sự vinh hiển mình, ông chỉ biết lo sợ cho uy tín của mình trước mặt dân sự, lo sợ thất bại trước sự tấn công của kẻ thù, ông chỉ nghĩ về sự vinh quang của mình, thay vì nghĩ về sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Vì sự tự phụ và lòng kiêu ngạo, muốn nâng cao chính mình trong tư cách là vua dân I-sơ-ra-ên, là địa vị mà chính Đức Chúa Trời đã sức dầu và ban cho ông. Vua Sau-lơ đã thể hiện lòng vô ơn, trong hành động không có lòng tin cậy, vâng lời, ngưỡng trông và dâng vinh hiển lên cho Thiên Chúa.

Sự không vâng lời là khi đã biết Lời Chúa, đã biết trật tự, điều răn, luật pháp của Ngài, mà vẫn coi thường và tự làm theo ý mình lấy làm phải. Lời Chúa có phán: “Nếu các ngươi chẳng nghe, và không để lòng dâng sự vinh quang cho danh Ta. Thì, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán: Ta sẽ giáng sự rủa sả trên các ngươi, và sẽ rủa sả những phước lành của các ngươi; và Ta đã rủa sả rồi, vì các ngươi không để điều đó vào lòng.” (Ma-la-chi 2:2).

BÀI HỌC RÚT RA QUA PHÂN ĐOẠN THÁNH KINH:

Qua bài học, chúng ta hãy cùng tra xét lại mình trước Chúa vì chính mỗi một chúng ta cũng đã được Chúa mang từ nơi tối tăm đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài. Chúa đã nhấc chúng ta lên vị trí cao trọng hơn cả vua Sau-lơ ngày xưa. Vì ngày nay, chúng ta đang ở trong địa vị của một nhà vua, một thầy tế lễ, một tiên tri của Đức Chúa Trời về thuộc thể lẫn thuộc linh.

  • Chúng ta đang tập quản trị những thói hư, tật xấu, những ham muốn theo tính xác thịt như sự tranh cạnh, ganh ghét, đố kị, tham lam, dối trá, kiêu ngạo, vu khống, lên mình nóng giận, vấp phạm trong từng suy nghĩ, lời nói, việc làm . . . trong tư cách một vị vua đang cai quản thần dân của mình, nghĩa là chúng ta đang tập cai trị những thói hư tật xấu trong con người xác thịt xưa cũ của mình, để ngày sau xứng đáng cùng Đức Chúa Jesus Christ đồng trị trong Vương Quốc Trời.
  • Chúng ta đang mỗi ngày đến với Chúa để tra xét, ăn năn, xưng nhận và cầu nguyện cho những vấp phạm chính mình, dâng lời cầu thay cho anh chị em trong Hội Thánh, và cầu thay cho mọi người trong tư cách một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời.
  • Chúng ta đang sống để chiếu sáng tình yêu và sự cứu rỗi của Chúa trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm như một nhân chứng của Chúa để rao truyền, kêu gọi những người xung quanh ăn năn, tin nhận Chúa. Để nói về sự tha tội và sự Chúa sẽ đoán phạt thế gian tội lỗi . . Như một tiên tri của Ngài.

Vậy, chúng ta có đang phạm tội giống như vua Sau-lơ đã phạm không? Chúng ta có đã và đang xem thường Lời Chúa, mạng lệnh của Chúa, xem thường các thẩm quyền cai trị, trật tự mà Chúa đang đặt để trên chúng ta không?

Chúng ta có biết kính trọng người chăn, các bậc trưởng lão, các bậc lãnh đạo chính quyền, cha mẹ, thầy cô, anh chị em không? Thí dụ: Khi chúng ta cãi lời cha mẹ, thầy cô. Thiếu tôn trọng lễ độ trong từng lời ăn tiếng nói đối với người lớn tuổi, có thái độ xem thường người khác hoặc lớn tiếng gây gỗ, tranh cạnh với anh em, bạn bè,  . . . Đó cũng chính là lúc chúng ta đang phạm tội xem thường lời Chúa phán dạy chúng ta về lòng nhu mì, khiêm nhường, yêu thương, tôn trọng người khác hơn chính mình, nghĩa là chúng ta đang phạm tội xem thường trật tự, quyền hạn Chúa đặt để trên chúng ta.

Khi chúng ta dựa vào lời Chúa, điều răn pháp luật của Chúa, danh của Chúa để làm một điều gì đó tưởng như là một việc lành và phải lẽ, đẹp lòng Đức Chúa Trời, như là rao truyền lời Chúa, hát Thánh Ca, dâng của lễ cho Ngài. Nhưng lại làm theo ý riêng, với mục đích phục vụ cho uy tín, quyền lợi và danh tiếng của mình, như chính vua Sau-lơ ngày xưa đã dành quyền của tiên tri Sa-mu-ên dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời vì lo sợ mình bị mất uy tín trước dân sự, lo bị ảnh hưởng đến sự vinh quang của mình mà quên đi những điều răn pháp luật mạng lệnh của Chúa, quên tìm kiếm và dâng sự vinh quang cao trọng lên cho Chúa, là chúng ta đang làm một việc cực ác và phạm tội.

Nếu chúng ta không nhận ra lỗi lầm, không ngay lập tức hạ mình ăn năn để được Chúa tha thứ, thay đổi, thánh hoá thì chúng ta sẽ phạm tội ngày càng hơn, và sẽ bị Chúa làm cho cứng lòng. Ngài sẽ xoá tên chúng ta ra khỏi sách sự sống, nghĩa là Chúa sẽ cất ra khỏi chúng ta ngôi nước đời đời trong Vương Quốc Trời mà Chúa đã định sẵn cho chúng ta ngày sau, giống như Ngài đã cất ngôi nước Y-sơ-ra-ên ra khỏi vua Sau-lơ thuở xưa vậy.

CÂU HỎI THẢO LUẬN:

  1. Có phải sự nôn nóng, thiếu kiên nhẫn chỉ là một thiếu sót nhỏ không ảnh hưởng gì đối với những người tin Chúa không? Ví dụ: Khi chuông báo hết giờ học chỉ vì nôn nóng muốn chạy nhanh ra khỏi lớp vì biết cha mẹ đang chờ đón mình, nên mình có quyền chen lấn xô đẩy các bạn khác không? Hoặc vì nôn nóng sợ trễ giờ, nên chúng ta có quyền lái xe vượt đèn đỏ, hay do thiếu kiên nhẫn chúng ta có thể chen ngang ở những nơi cần xếp hàng theo thứ tự. ..?
  2. Các con học được điều gì qua sự việc vua Sau-lơ và dân sự không kiên nhẫn chờ đợi tiên tri Sa-mu-ên đến như đã hẹn trong câu chuyện?
  3. Thử thách đầu tiên Chúa đặt ra cho vua Sau-lơ là gì? Và ông có vượt qua được thử thách Chúa đặt ra cho ông không?
  4. Vua Sau-lơ có biết mình đã làm sai và phạm tội với Chúa khi tự cho mình có quyền dâng của lễ lên Chúa thay quyền tiên tri Sa-mu-ên không?
  5. Khi các con không vâng phục các thẩm quyền Chúa đặt để trên mình như : không vâng lời anh chị, cha mẹ, thầy cô, các bậc trưởng lão, đặc biệt là người chăn. (Nếu như những điều các bậc trên trước dạy dỗ không nghịch lại những điều răn pháp luật của Chúa) Như vậy các con có phạm tội giống như câu chuyện về vua Sau-lơ mà Chúa phán dạy ở đây không?
  6. Các con sẽ làm gì ngay sau giờ học nầy nếu nhận biết mình đã từng phạm tội không vâng lời? (khi chúng ta không tôn trọng những thẩm quyền Chúa đặt để trên chúng ta, không vâng  lời, không làm theo những điều răn dạy của Chúa đồng nghĩa chúng ta không vâng phục chính Chúa và kính sợ Chúa)
  7. Chúng ta thể hiện tấm lòng kính sợ, biết ơn Chúa bằng cách nào?
  8. Vua Sau-lơ có ngay lập tức ăn năn tội lỗi khi nhận biết mình phạm tội đối với Chúa không? Và ông đã đổ lỗi cho ai?
  9. Vì sao vua Sau-lơ đã phạm tội càng hơn?
  10. Vua Sau-lơ và dân sự có hết lòng tin cậy nơi quyền năng và sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời không? Vì sao họ không nhận biết Thiên Chúa mới chính là vị Vua Thiên Thượng đang cai quản đời sống của họ?
  11. Câu nói nào của Vua Sau-lơ thể hiện sự phạm thượng Thiên Chúa và không có lòng thành tâm kính sợ Chúa khi dâng của lễ thiêu và của lễ thù ân lên cho Đức Chúa Trời ?
  12. Chúa có vui lòng khi con dân Chúa thể hiện lòng yêu kính Chúa, thờ phượng Chúa, dâng lời cầu nguyện lên cho Chúa một cách miễn cưỡng, chiếu lệ chỉ vì sợ bị phạt, chỉ vì muốn được vào thiên đàng không? Khi con dân Chúa làm như vậy họ phạm vào tội gì?
  13. Các con hãy đưa ra một câu Thánh Kinh Chúa phán dạy về sự kiêu ngạo mà các con biết.
  14. Là con dân Chúa nếu chúng ta không hết lòng tin cậy và vâng lời Chúa thì hậu quả sẽ ra sao?
  15. Qua bài học nầy, những phẩm chất quan trọng Chúa muốn có ở mỗi một con dân Chúa là gì?
  16. Trong ngôn ngữ Thánh Kinh: TIN có nghĩa là gì?
  17. Trong câu gốc hôm nay Đức Chúa Jesus Christ phán dạy chúng ta phải làm gì để được ở trong sự yêu thương của Ngài? Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài.” (Giăng 15:10).

KẾT LUẬN.

Là con dân Chúa, chúng ta phải luôn ghi nhớ ba phẩm chất quan trọng Chúa muốn có ở mỗi một chúng ta là: SỰ TIN CẬY, VÂNG LỜI VÀ SỰ BỀN ĐỖ TRONG ĐỨC TIN. Để có được ba phẩm chất ấy chúng ta cần phải sống theo bảy tiêu chuẩn sau:

  1. Hết lòng yêu kính Chúa trên mọi sự, để từ đó luôn biết vâng phục, giữ gìn những mạng lệnh, điều răn, pháp luật của Chúa một cách tuyệt đối.
  2. Luôn biết tôn trọng và vâng phục những thẩm quyền Chúa đặt để trên mình.
  3. Hạ mình ăn năn ngay lập tức khi phạm lỗi, phạm tội.
  4. Không chối tội, không đỗ lỗi cho người khác. Đặc biệt là không bao giờ được dùng danh Chúa, lời Chúa để bao biện cho những mục đích hay những hành động sai trái của mình.
  5. Không hướng về mình, vì mình, vì những sự vinh hiển của thế gian.
  6. Luôn hướng về Chúa, về sự vinh hiển của Chúa, để sao cho trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm của mình luôn vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm.
  7. Luôn luôn tỉnh thức trong sự khiêm nhường, nhẫn nại, trung tín và bền đỗ trong đức tin.

Bài học Chúa phán dạy và nhắc nhở mỗi một chúng ta ngày nay là lòng kính sợ, vâng phục Chúa một cách trọn vẹn trong sự trung kiên, không bỏ cuộc, không thối lui cho đến cuối cùng trên bước đường theo Chúa., “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như một số người tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng khoan nhẫn đối với chúng ta, không muốn cho một người nào chết mất, nhưng muốn cho mọi người đều ăn năn” (Phi-e-rơ 3:9). [Khoan nhẫn = khoan dung và nhẫn nại; tha thứ và bền lòng chịu đựng.]

Chúng ta có luôn kiên trì trung tín và thành tâm trong sự tin cậy, vâng lời và bền đỗ trong đức tin, để chờ đợi ngày Cứu Chúa Jesus Christ yêu kính của chúng ta trở lại đón chúng ta về Vương Quốc Trời không? Hay chúng ta sẽ ngã lòng, mỏi mệt, bỏ cuộc, thối lui vào những giây phút ngắn ngủi cuối cùng, sau những tháng năm dài bước đi theo Chúa?

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn luôn để Chúa giúp sức cho chúng ta luôn đứng vững trong Chúa các con nhé.

Nguyện kính xin Ba Ngôi Thiên Chúa giúp chúng ta luôn biết hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn tin cậy, vâng lời Chúa một cách tuyệt đối trong sự trung kiên, bền đổ không đổi dời. Amen!

GraceNguyen, 16-07-17