KÍNH SỢ CHÚA

KÍNH SỢ CHÚA

“Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Vì Ngài đã lập đất trên các biển, và đặt nó vững trên các dòng nước lớn.” (Thi Thiên 24:1-2).

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Các ngươi chẳng kính sợ ta, chẳng run rẩy trước mặt ta sao? Ta là Đấng đã lấy cát làm bờ cõi biển, bởi một mệnh lệnh đời đời, không vuợt qua được. Sóng biển dầu động, cũng không thắng được; biển dầu gầm rống, cũng không qua khỏi nó.”  (Giê-rê-mi 5:22).

“Vậy, hỡi I-sơ-ra-ên, bây giờ Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi muốn nơi ngươi điều gì? Ngài muốn ngươi kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa ngươi, đi theo mọi đường lối của Ngài, hết lòng hết ý yêu kính và phụng sự Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, giữ các điều răn và luật lệ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, mà ta truyền cho ngươi ngày nay, để ngươi được phước.”  (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:12-13).

“Khắp thiên hạ hãy kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; Các dân thế gian hãy khiếp sợ Ngài.” (Thi Thiên 3:8).

“Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn của Ngài! Vì ấy là trọn phận sự của loài người.” (Truyền Đạo 12:13).

Các con thương mến,

Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và tể trị trên muôn loài. Ngài ban sự sống, duy trì, và phát triển chúng bởi quyền năng sáng tạo, sự khôn ngoan vô đối, và bởi bản chất công bình, thánh khiết, yêu thương của Ngài. Là con dân Chúa, biết ơn trước tình yêu bao la vô bờ bến của Thiên Chúa, kính sợ trước quyền năng uy nghi tuyệt đối của Ngài là điều kiện vô cùng quan trọng và cần thiết giúp chúng ta có được sự khôn ngoan, tri thức để nhận biết và đến gần với sự vinh quang đời đời, với sức mạnh vĩ đại của Đấng Toàn Năng yêu thương chúng ta.

Hôm nay, cô xin mời các con cùng cô tìm hiểu như thế nào là sự kính sợ Chúa theo như lời Ngài phán dạy trong Thánh Kinh, và những phước hạnh kèm theo Chúa ban cho những người thật sự có tấm lòng kính sợ Ngài.

Trước khi bước vào bài học chúng ta cùng tìm hiểu sự khác nhau giữa hai từ kính sợ và sợ hãi các con nhé.

Theo tự điển tiếng Việt: 

Sợ hãi: Là cảm giác bất an, lo lắng, khiếp đảm về một cái gì đó khiến người ta không giữ được bình tĩnh và luôn tìm cách lánh xa hoặc tránh đối diện với nó. Sợ hay sợ hãi là cảm xúc tiêu cực xuất hiện từ việc nhận thức các mối đe dọa. Là một cơ chế cơ bản xảy ra khi nội tiết tố cơ thể phản ứng với những kích thích có tính cụ thể, chẳng hạn như khi bị đau hoặc bị nguy hiểm đe dọa. Đây là tính từ chỉ trạng thái tiêu cực. Có thể hiểu sự sợ hay sợ hãi là bản năng tự vệ Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta có những phản ứng thích hợp khi nhận ra các mối nguy hiểm đe dọa. 

Sự sợ hãi trước bất cứ một người, một môi trường, một vật gì sẽ dẫn đến việc khiến cho chúng ta quyết định tìm cách cố gắng chạy thoát, tránh xa người đó, môi trường đó, và vật đó.

Ví dụ: Chúng ta sợ những tên cướp hung bạo nên chúng ta tránh xa chúng bằng cách không đi đường vắng một mình khi trời tối, không đi qua những đoạn đường mà bọn cướp thường xuyên xuất hiện hoành hành tấn công mọi người.

Về thuộc linh: Ví dụ như chúng ta gớm ghét tội lỗi và sợ hãi quyền lực của nó vì biết rằng khi bị nó bắt phục chắc chắn sẽ dẫn đến sự chết đời đời, nên chúng ta kiên quyết tránh xa mọi phương tiện, điều kiện và môi trường cám dỗ khiến chúng ta phạm tội.

Kính sợ: Là lòng tôn kính, ngưỡng mộ, kính trọngbiết ơn và sợ làm buồn lòng người mình tôn kính. Sự kính sợ mang đến cảm xúc và hành động tích cực khác với những cảm xúc tiêu cực của sự sợ hãi.

Chúng ta kính sợ Chúa vì lòng tôn kính sâu sắc trước một Thiên Chúa quyền năng, tôn nghiêm, uy nghi, cao cả trên các tầng trời, là Đấng tạo dựng và tể trị trên muôn loài.

Chúng ta ngưỡng mộ kính yêu trước sự khôn ngoan, công chính, thánh khiết Chúa đã thể hiện và bày tỏ trong muôn loài vạn vật khi sáng tạo chúng.

Chúng ta biết ơn về tình yêu bao la vô hạn Chúa đã ban cho chúng ta từ thuộc thể đến thuộc linh, do đó chúng ta sợ làm buồn lòng Thiên Chúa kính yêu của chúng ta. Chúng ta sợ làm Chúa đau thêm khi nghĩ đến những nỗi đau mà Chúa đã và đang gánh chịu khi chúng ta phạm tội. 

Chúng ta sợ sống không xứng đáng trước sự hy sinh cao cả tuyệt đối vô bờ vô bến của Chúa, sợ bị phân rẽ xa cách khỏi Chúa vì những lầm lỡ và tội ác của mình, cũng như chúng ta sợ sự đoán phạt của Chúa trên tội lỗi bởi bản tính công bình thánh khiết của Ngài.

Sự kính sợ được Chúa phán dạy trong Thánh Kinh mà chúng ta đang tìm hiểu ở đây là nhân tố khiến chúng ta khao khát, ước muốn, tìm cầu và bằng tất cả năng lực sống sao cho đẹp lòng Chúa vì yêu kính và biết ơn Ngài. Chúng ta khao khát được đến gần Chúa, được có Chúa, được chiêm ngưỡng sự vinh quang vĩ đại khôn cùng của Ngài, được Ngài luôn đi bên cạnh, luôn hiện diện trong đời sống chúng ta.

“Phước cho nước nào có Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm Thiên Chúa, dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp của Ngài.”  (Thi Thiên 33:12).

“Kìa, mắt của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở trên những người kính sợ Ngài, ở trên những người trông cậy sự từ ái của Ngài, Để cứu linh hồn họ khỏi sự chết, Và bảo tồn mạng sống họ trong cơn đói kém.” (Thi Thiên 33:18-19).

Các con thương mến,

Thuở xưa, vì không có lòng tôn quý và kính sợ Chúa một cách đúng mực mà tổ phụ loài người đã dễ dàng sa vào chước cám dỗ của Ma Quỷ, dễ dàng nghe, tin và làm theo những lời xui giục của Ma Quỷ thay vì hết lòng tin cậy, tôn kính, vâng phục một mình Thiên Chúa.

Ngày nay nếu con dân Chúa không có lòng tôn kính Chúa đúng mực, không biết kính sợ Chúa cũng sẽ dễ dàng quay về nếp sống cũ, dễ dàng phạm phải những tội lỗi tội y như tổ phụ chúng ta đã từng lầm lỡ thuở nào. Vì càng gần những ngày sau rốt chừng nào thì Ma Quỷ càng ra sức lộng hành, quyến rũ, cám dỗ và đánh phá vào con cái loài người là loài thọ tạo duy nhất được Thiên Chúa dựng nên theo hình và ảnh của Ngài nhiều chừng ấy, đặc biệt là đánh phá Hội Thánh và con dân Chúa để làm đau lòng Chúa, hòng ngăn trở chương trình đoán phạt của Ngài trên chúng.

Bác Tim là người chăn yêu kính của chúng ta đã nhiều lần dùng Lời Chúa để chỉ dạy cho chúng ta nhận thấy ngày nay trong vòng con cái Chúa có rất nhiều người phạm tội đối với Chúa, vì họ không biết kính sợ Chúa một cách đúng mực. Họ đến với Chúa và chỉ xem Chúa như một vị thần ban phước và ban cho họ những điều họ cầu xin, là Đấng chết thay cho họ để nhờ đó họ được tự do sống trong tội và tiếp tục thản nhiên vi phạm những điều răn, pháp luật của Ngài. Họ cầu nguyện và ra mắt Chúa như chính họ là chủ và yêu cầu Thiên Chúa phải làm thành những điều mà họ dâng trình hoặc họ dùng danh Chúa để mưu cầu lợi ích riêng cho mình. Họ từ bỏ Lời của Ngài, Lẽ Thật của Ngài và lìa bỏ Ngài để chạy theo những điều truyền khẩu của thế gian đầy hư không, dối giả.

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như vầy: Tổ phụ các ngươi có thấy điều không công bình gì trong ta, mà đã xa ta, bước theo sự hư không, và trở nên người vô ích?… Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì cớ đó ta sẽ còn tranh cạnh cùng các ngươi, cho đến con cháu của con cháu các ngươi nữa…Tội ác ngươi sự sửa phạt ngươi, sự bội nghịch ngươi sẽ trách ngươi, nên ngươi hãy biết và thấy rằng lìa bỏ Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, và chẳng có lòng kính sợ ta, ấy là một sự xấu xa cay đắng, Chúa, là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán vậy.” (Giê-rê-mi 2:5; 9; 19). 

Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì Ta cũng bỏ ngươi, để ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Thiên Chúa mình, thì Ta cũng sẽ quên con cái ngươi.”  (Ô-sê 4:6).

Chúa phán người chẳng có lòng kính sợ Chúa là một sự xấu xa cay đắng. 

Xấu xa vì đã bội nghịch, đã vô ơn đối với Đấng tạo dựng nên mình và ban mọi nhu cầu cho sự sống mình, để phục dưới quyền lực tội lỗi và làm ra những sự ác. 

Cay đắng là nổi đau buồn, xót xa, đắng cay, hối tiếc, dằn vặt, ăn năn khi phải bị xa cách sự vinh quang của Thiên Chúa, xa cách tình yêu và ơn phước của Ngài và là nổi buồn đau mà Chúa phải chịu khi phải đoán phạt, trên những con người là loài thọ tạo mà Chúa đã vô cùng yêu thương, chính bởi tấm lòng và những tội lỗi của họ đối với Chúa, bởi sự công bình, thánh khiết, yêu thương của Ngài.

Các con thương mến,

Những người trong thế gian không biết Chúa, không biết kính sợ và tôn thờ Thiên Chúa cũng vậy. Cuộc đời của họ giống như một con thuyền không có bánh lái, mất định hướng vì không có khả năng kiếm soát điều khiển từ tâm thần, linh hồn cho đến cảm xúc. Chính vì vậy mà họ dễ dàng trôi lạc, chìu theo tư dục xác thịt và những lời xúi giục của ma quỷ, làm hại chính mình và gây ra tội ác trên người khác. Vì những người không biết kính sợ Chúa chỉ chăm tìm kiếm những điều thuộc về bề ngoài không có giá trị thực theo thế gian, và chỉ chăm lợi ích cho bản thân mình, cho gia đình mình. Người không biết kính sợ Chúa sẽ không có được sự khôn ngoan tri thức ban cho từ Thiên Chúa nên họ không có khả năng nhận biết đúng sai, thiện ác và không có năng lực làm lành theo tiêu chuẩn công bình, thánh khiết và yêu thương của Chúa.

Lời Chúa phán về họ được chép trong Thánh Kinh như sau:

Những kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: Chẳng có Thiên Chúa! Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghét; Chẳng có ai làm điều lành.” (Thi Thiên 14:1).

bởi sự ngu dại ở trong họ. Vì sự cứng lòng của họ, nên trí khôn tối tăm, bị xa cách sự sống của Đức Chúa Trời.”  (Ê-phê-sô 4:18).

Các con thương mến,

Là con dân Chúa chúng ta hãy biết kính sợ Chúa, hãy nhìn vào những tấm gương bội nghịch Chúa, bị Chúa sửa phạt xưa và nay, để luôn biết tự tra xét và giữ mình như lời sứ đồ Phao- lô răn dạy chúng ta: 

“Vậy nên, hỡi những người yêu dấu của tôi! Như các anh chị em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, nhưng bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, lấy lòng sợ sệt và run rẩy mà làm nên sự cứu chuộc của mình.” (Phi-líp 2:12).

Và vua Đa-vít cũng khuyên rằng:

” Hãy hầu việc Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cách kính sợ, và mừng rỡ cách run rẩy.” (Thi Thiên 2:11).

Vì cho dù là con dân Chúa nhưng nếu chúng ta không có lòng kính sợ Chúa đúng mực, chúng ta sẽ dễ dàng bị ma quỷ dẫn dụ sa vào việc phạm tội suy nghĩ, nói và làm những điều không thánh sạch, không đúng thánh ý Chúa, không làm tôn vinh danh Chúa, vi phạm những điều răn pháp luật của Chúa hoặc có thái độ bất kính đối với Chúa mà không biết.

Cô xin được phép lấy một ví dụ gần gũi và dễ hiểu nhất trong gia đình Hội Thánh chúng ta mà chính bản thân cô cũng đã từng lâm vấp. 

Ví dụ như: Khi tham gia các buổi nhóm thờ phượng Chúa trên mạng như hiện nay, nếu không có lòng kính sợ Chúa đúng mực, chúng ta sẽ không thật sự ý thức và nhớ rằng mình đang ra mắt thờ phượng một Đấng Thiên Chúa Uy Nghiêm, Cao Cả, Vĩ Đại, không ý thức Đấng đáng kính sợ đang hiện diện giữa chúng ta. Nên chúng ta không ăn mặc nghiêm trang sạch sẽ, không ngồi ngay ngắn, tôn nghiêm và giữ im lặng tập trung lắng nghe lời Chúa phán dạy qua người chăn, hoặc không hiệp lòng cùng người chia sẻ, người tôn vinh, làm chứng những ơn phước Chúa ban. . .

Thật mâu thuẫn và khó hiểu khi chúng ta ra mắt và thờ phượng Thiên Chúa nhưng không ý thức rằng chính Thiên Chúa đang hiện diện, nhìn ngắm và quan sát chúng ta phải không? Lời Chúa phán:

“Vì nơi nào có hai hay ba người nhóm hiệp trong danh Ta, thì Ta ở giữa họ tại đó.”  (Ma-thi-ơ 18:20). 

Nhưng sự thật đáng buồn là mỗi một chúng ta đã từng phạm phải những hành động: lời nói, việc làm và thái độ thiếu lòng tôn kính Thiên Chúa một cách đúng mực như vậy.

Hãy đến ăn năn xưng tội với Chúa nếu mình thật có phạm phải những hành vi, cử chỉ, việc làm thiếu sự tôn kính Chúa và nguyện kính xin Chúa giúp chúng ta luôn biết kính sợ Chúa đúng mực, để chúng ta không còn vấp phạm trong từng lời nói, suy nghĩ, việc làm không đẹp lòng Chúa nữa các con nhé!

Vì dù cho chúng ta có xưng nhận Thiên Chúa là Đức Chúa Trời mình nhưng nếu không có lòng kính sợ Chúa đúng mực, không biết tôn vinh Ngài, không sống và làm theo lời Ngài thì quả thật chúng ta không có sự khôn ngoan tri thức thật, và chúng ta sẽ bị mất phước, sẽ bị Chúa kể là những kẻ làm ác. Lời Chúa phán:

“Thật dân ta là ngu muội, chúng nó chẳng nhìn biết ta. Ấy là những con cái khờ dại, không có trí khôn, khéo làm điều ác, mà không biết làm điều thiện.” (Giê-rê-mi 4:22).

Sự gian ác các ngươi đã làm cho những sự ấy xa các ngươi; tội lỗi các ngươi ngăn trở các ngươi được phước.” (Giê-rê-mi 5:22).

“Ồ! Ước gì dân nầy thường có một lòng kính sợ Ta, luôn giữ theo các điều răn Ta như thế, để chúng nó và con cháu chúng nó được phước đời đời.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:29).

Nhưng thật cảm tạ ơn Chúa là Đấng công bình, thánh khiết và yêu thương. Ngài đã lấy lòng nhân từ, thương xót lớn để yêu thương và tuôn đổ phước hạnh một cách tràn đầy dư dật trên dân sự Ngài, trên tấm lòng của những ai biết kính sợ Ngài.

Lời Chúa phán:

“Nhưng về phần các ngươi là kẻ kính sợ danh ta, thì mặt trời công bình sẽ mọc lên cho, trong cánh nó có sự chữa bệnh; các ngươi sẽ đi ra và nhảy nhót như bò con của chuồng. Các ngươi sẽ giày đạp những kẻ ác, vì trong ngày ta làm, chúng nó sẽ như là tro dưới bàn chân các ngươi, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán vậy.” (Ma-la-chi 4:2-3).

Nhưng sự nhân từ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hằng có đời đời. Cho những người kính sợ Ngài, Và sự công bình Ngài dành cho chắt chít của họ. Tức là cho người nào giữ giao ước Ngài, Và nhớ lại các giới luật Ngài để làm theo.” (Thi Thiên 103:17-18).

Chúng nó sẽ làm dân ta, và ta sẽ làm Thiên Chúa chúng nó. Ta sẽ ban cho chúng nó một lòng một đường lối như nhau, để cho kính sợ ta đời đời, để chúng nó và con cháu nối sau đều được phước. Ta sẽ lập giao ước đời đời với chúng nó rằng: ta sẽ không xoay khỏi chúng nó để làm phước cho; và ta sẽ đặt sự kính sợ ta vào lòng, để chúng nó không còn lìa khỏi ta.” (Giê-rê-mi 32:38-40).

Các con thương mến,

Trong bài học hôm nay cô xin trích lượt mười phước hạnh thiêng liêng nền tảng mà Thiên Chúa yêu thương dành cho những người biết kính sợ Chúa như sau:

SỰ PHƯỚC HẠNH CHÚA BAN CHO NGƯỜI KÍNH SỢ NGÀI.

1 – Nguồn sự sống

2 – Sự đoái xem, thương xót, tha thứ 

3 – Sự cứu rỗi 

4 – Nơi nương cậy, ẩn núp, giải cứu và an nghỉ

5 – Sự khôn ngoan, tri thức.

6 – Sự xây bỏ điều ác

7 – Sự yêu thương thành thực và năng lực làm lành

8 – Sự nên thánh

9 – Sự đẹp lòng Đức Chúa Trời

10 – Trọn đạo và phận sự làm người.

Sau đây là một số câu Thánh Kinh nói lên những phước hạnh nêu trên Chúa ban cho người kính sợ Chúa : 

“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu vốn một nguồn sự sống, Để khiến người ta tránh khỏi bẫy sự chết.” (Châm Ngôn 14:27).

“Bởi sự khiêm nhường và sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà được sự giàu có, sự tôn trọng, và sự sống.” (Châm Ngôn 22:4).

“Vì các tầng trời cao trên đất bao nhiêu, Thì sự nhân từ Ngài càng lớn cho kẻ nào kính sợ Ngài bấy nhiêu.Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thương xót kẻ kính sợ Ngài, Khác nào cha thương xót con cái mình vậy.” (Thi Thiên 103:11-12).

“Sự thương xót của Ngài ở trên những người kính sợ Ngài từ dòng dõi này sang dòng dõi khác.” (Lu-ca 1:50).

“Sự cứu rỗi của Ngài thật ở gần những kẻ kính sợ Ngài, để cho sự vinh quang được ở trong xứ chúng ta.” (Thi Thiên 85:9).

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở gần mọi người cầu khẩn Ngài. Tức ở gần mọi người có lòng thành thực cầu khẩn Ngài.Ngài làm thỏa nguyện mọi người kính sợ Ngài; Cũng nghe tiếng kêu cầu của họ, và giải cứu cho.” (Thi Thiên 145:18-19).

“Trong sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có nơi nương cậy vững chắc; Và con cái Ngài sẽ được một nơi ẩn núp.” (Châm Ngôn 14:26).

“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu sự khôn ngoan; bất cứ người nào làm như vậy thì có trí hiểu. Sự tôn vinh Ngài còn đến đời đời.” (Thi Thiên 111:10).

“Ai là người kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu? Ngài sẽ chỉ dạy cho người ấy con đường mình phải chọn. Linh hồn người sẽ được ở nơi bình an. Và con cháu người sẽ được đất làm sản nghiệp. Sự kín nhiệm của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở cùng người kính sợ Ngài. Ngài sẽ tỏ cho người ấy biết giao ước của Ngài.” (Thi Thiên 25:12-14).

“Ngài sẽ ban phước cho những ai kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, cả nhỏ lẫn lớn.” (Thi Thiên 115:13).

“Bởi sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà người ta lìa bỏ điều ác.” (Châm Ngôn 16:6b).

“Chúng ta vẫn biết Đức Chúa Trời chẳng nhận lời kẻ có tội, mà nếu ai kính sợ Đức Chúa Trời, làm theo ý muốn Ngài, thì Ngài nhận lời.” (Giăng 9:31).

“Bấy giờ, những người kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nói với nhau, thì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lắng nghe; và một sách để ghi nhớ được chép trước Ngài cho những người kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và tưởng đến danh Ngài.Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán: Những người ấy sẽ thuộc về Ta trong ngày Ta làm nên cơ nghiệp của Ta; và Ta sẽ thương xót họ như một người thương xót con trai mình hầu việc mình.” (Ma-la-chi 3:16-17).

“Hãy kính sợ Thiên Chúa mà vâng phục nhau.” (Ê-phê-sô 5:21).

“Nếu các anh chị em kêu cầu Cha, là Đấng không tư vị, phán xét từng người theo việc họ làm, thì hãy ăn ở cách kính sợ trong thời kỳ kiều ngụ của các anh chị em. [Thời gian các anh chị em còn sống trên đất.]  (I Phi-e-rơ 1:17).

“Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng tây vị ai, nhưng trong các dân, bất cứ ai kính sợ Ngài và làm sự công bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34b; 35).

 

“Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn của Ngài! Vì ấy là trọn phận sự của loài người.” (Truyền Đạo 12:13).

Các con thương mến, 

Suốt trong Thánh Kinh từ sách Cựu Ước đến Tân Ước có hàng trăm lần Thiên Chúa bày tỏ cho con dân Ngài hiểu tầm quan trọng của sự kính sợ Ngài. Vì từ đó mà ra sự sống, sự che chở, sự tha tội và làm cho sạch tội, sự khôn ngoan tri thức, sự tránh xa các điều gian ác và là nguồn của mọi phước hạnh. Nhờ vào lòng biết kính sợ Chúa mà con dân Chúa biết yêu thương nhau bằng tình yêu chân thật, biết tỉnh thức trước mọi cám dỗ thử thách, biết tránh xa và chiến thắng mọi mưu kế của kẻ dữ, biết tự làm nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình để dọn mình thánh sạch sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa đến.

Nguyện ba từ KÍNH SỢ CHÚA luôn khắc ghi sâu đậm vào tâm linh mỗi một chúng ta, được chúng ta suy gẫm và cẩn thận thực hành như một kim chỉ nam trên bước đường theo Chúa. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, một lời Ngài phán thì muôn sự đều có. Ngài không cần chúng ta làm điều gì cho Ngài ngoài việc thể hiện lòng tôn kính, biết ơn và kính sợ Ngài. Vì SỰ KÍNH SỢ CHÚA sẽ như một chiếc chìa khoá mở cửa kho báu của mọi nguồn phước ơn thiêng liêng mà Thiên Chúa muốn tuôn đổ trên dân sự Ngài và là của lễ tôn vinh danh Ngài, đẹp lòng Ngài.

Cô xin phép được dùng chính lời Chúa để một lần nữa nhắc nhở và kết luận cho bài học hôm nay.

Thi Thiên 128:1-4

1 Phước cho người nào kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, đi trong đường lối Ngài! 

2 Vì ngươi sẽ hưởng công việc của tay mình, được phước và tốt lành.

3 Vợ ngươi ở trong nhà ngươi sẽ như cây nho thịnh vượng; Con cái ngươi ở chung quanh bàn ngươi khác nào những chồi ô-li-ve. 

4 Kìa, người nào kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Sẽ được phước là như vậy.”

“Hỡi những người yêu dấu của tôi! Chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần tâm thần, lại lấy sự kính sợ Thiên Chúa mà làm trọn việc nên thánh của chúng ta.” (II Cô-rinh-tô 7:1).

CÂU HỎI THẢO LUẬN:

Để cùng nhau một lần nữa đến với phước ơn của Chúa qua lời Ngài, chúng ta hãy cùng đến với các câu hỏi thảo luận các con nhé!

1/ Lời Chúa phán trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:12-13. Thiên Chúa muốn con dân Ngài phải làm gì?

2/ Ai là người phải biết kính sợ Thiên Chúa? Vì sao? 

3/ Những người trong thế gian không biết kính sợ Chúa, thờ phượng Chúa có lối sống ra sao?

4/ Các con hãy tìm trong bài học hôm nay một câu Thánh Kinh Chúa phán về những con dân Chúa nhưng lại không có lòng kính sợ Chúa.

5/ Các con hãy nêu lên những ơn phước tiêu biểu Chúa dành ban cho những người kính sợ Chúa. 

6/ Các con hãy kể một thí dụ mà mình từng phạm phải khi chưa biết kính sợ Chúa đúng mực. (Nếu có)

7/ Các con hãy nêu lên một cử chỉ, lời nói, hành động, việc làm mà vì lòng kính sợ Chúa đã giúp các con tránh được sự phạm tội đối với Chúa, và đã làm vinh hiển danh Ngài.

Nguyện mọi vinh hiển, vinh quang, quyền thế, sự cao trọng và hết thảy mọi lời chúc tôn duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu yêu kính, Đấng chúng con tôn thờ đời đời cho đến vô cùng.

“Hãy kính sợ Đức Chúa Trời, và tôn vinh Ngài, vì giờ phán xét của Ngài đã đến; hãy thờ phượng Đấng dựng nên trời, đất, biển và các suối nước.” (Khải Huyền 14:7b).

Sự cứu rỗi thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Nguyện phước Ngài giáng trên dân sự Ngài!” (Thi Thiên 3:8).

Trong ân điển yêu thương đời đời của Đấng Christ Jesus! Amen!
GraceNguyen

26/12/2017