Giữ Lòng Trung Tín Đối Với Thiên Chúa

   Giữ Lòng Trung Tín Đối Với Thiên Chúa

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ báo trả cho mỗi người
tùy theo sự công bình và trung tín của người.”
(I Sa-mu-ên 26:23a)

Theo Thánh Kinh trung tín có nghĩa là: trung thành, thành tín, bền bỉ, thành thực, không thay đổi, đáng tin cậy, giữ lời hứa, trung thành với lời hứa, một lòng bền đỗ không thay đổi đức tin của mình đối với Thiên Chúa.

1/ Sự trung tín.

Trung tín là một đức hạnh cao đẹp, cần thiết không thể thiếu trong tấm lòng của mỗi một người thật lòng tin nhận Chúa. Thiên Chúa là Đấng thành tín nên là con cái của Chúa chúng ta cũng phải có đức tính giống như Ngài. Lời Chúa trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:9 có chép: “Vậy nên, phải nhận biết rằng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, là Đức Chúa Trời, là Thiên Chúa thành tín, giữ sự giao ước và từ ái đến ngàn đời cho những người yêu mến Ngài và vâng giữ các điều răn Ngài.”

Sự trung tín là đỉnh cao tuyệt mỹ thể hiện tình yêu sâu đậm không đổi dời, đức tin vững vàng không lay chuyển và niềm cậy trông hoàn toàn tuyệt đối của một người đối với Thiên Chúa của mình. Và sự trung tín là bằng chứng, là kết quả bông trái Thánh Linh chứng minh rằng người đó có Chúa, có lời của Chúa ở trong lòng, có đức tin vững chắc, có tình yêu thật, lòng biết ơn thật đối với ơn cứu rỗi, ơn tái sinh, ơn được dựng nên mới, được sống trong con người mới mà Ba Ngôi Thiên Chúa kính yêu đã làm ra cho mình, vì mình.

Trung tín chính là Đức tin được thể hiện bằng hành động cụ thể.

Người trung tín là người sẵn sàng chịu khổ vì danh Chúa, sẵn sàng buông bỏ mọi tiện nghi vật chất, tiền bạc, danh vọng theo thế gian đời nầy để đi trên con đường hẹp, cổng chật. Người trung tín là người không thay đổi tấm lòng yêu kính, biết ơn, tin cậy và vâng phục Chúa của mình vì bất cứ lý do nào. Càng trải qua khó khăn, hoạn nạn, bắt bớ nhiều chừng nào thì lòng họ càng trung kiên quyết tâm vượt qua mọi cám dỗ thử thách để giữ lòng trung tín đối với Chúa nhiều chừng ấy. Vì họ luôn có lòng tin cậy vào sự thành tín yêu thương của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu và một lòng quyết tâm nhắm đến đích cuối cùng của cuộc đua mà Chúa đã sắm sẵn cho riêng mình là được về nơi phước hạnh đời đời bên Chúa.

Như lời Chúa phán:

“Ngươi chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ. Nầy ma quỷ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, để cho các ngươi bị thử thách, các ngươi sẽ chịu hoạn nạn trong mười ngày. Ngươi hãy trung tín cho đến chết, thi Ta sẽ ban cho ngươi mão của sự sống.” (Khải Huyền 2:10).

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ báo trả cho mỗi người tùy theo sự công bình và trung tín của người.” (I Sa-mu-ên 26:23a).

2/ Làm thế nào để chúng ta giữ được lòng trung tín trong đức tin?

Cảm tạ ơn Chúa vì chúng ta có một Đức Chúa Trời toàn năng yêu thương chúng ta vô lượng vô biên, Ngài đã hy sinh chính Con Một rất yêu dấu của Ngài vì chúng ta thì không có điều gì mà Ngài không ban cho chúng ta. Nếu chúng ta biết hết lòng yêu kính và tin cậy nơi Ngài thì sự thành tín và lòng nhân từ thương xót của Ngài trên chúng ta còn đến đời đời. “Đức Chúa Jesus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê-bơ-rơ 13:8); Và chính Ngài là Đấng ban năng lực để giúp chúng ta bước đi theo Ngài một cách trọn lành và trung tín.

Lời Chúa phán: 

“Đàn bà có thể nào quên cho con mình bú, không thương xót con trai của lòng mình? Dù họ quên {con của mình} nhưng Ta sẽ chẳng quên ngươi.” (Ê-sai 49:15).

Để cùng nhau hiểu rõ hơn như thế nào là sự trung tín trong đức tin đối với Thiên Chúa. Hôm nay cô xin kể cho các con nghe tấm gương về một người có đức tin và sự trung tín trọn vẹn đối với Chúa.

Chuyện chép rằng:

“Tại trong xứ Út-xơ có một người tên là Gióp; người ấy vốn trọn vẹn và ngay thẳng; kính sợ Thiên Chúa, và lánh khỏi điều ác.”

Người sinh được bảy con trai và ba con gái; có bảy ngàn chiên, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái, và tôi tớ rất nhiều; người ấy lớn hơn hết trong cả dân Đông phương. Các con trai người hay đi dự tiệc, đãi thay phiên nhau trong nhà của mỗi người; và sai mời ba chị em gái mình ăn uống chung với mình.

Xảy khi các ngày yến tiệc xong rồi, Gióp sai người đi dọn các con cái mình cho thanh sạch, thức dậy sớm, dâng của lễ thiêu tùy số nó; vì người nói rằng: Dễ thường các con ta có phạm tội, và trong lòng từ chối Thiên Chúa chăng. Gióp hằng làm như vậy.

Một ngày kia những con trai của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và Sa-tan cũng đến giữa họ.

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán hỏi Sa-tan rằng: Ngươi ở đâu đến? Sa-tan thưa với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu rằng: Tôi trải qua đây đó trên đất và dạo chơi tại nơi nó.

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lại hỏi Sa-tan rằng: Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng; nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa, và lánh khỏi điều ác?

Sa-tan thưa với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu rằng: Gióp có thể nào kính sợ Thiên Chúa cách vô ích sao? Chúa chẳng dựng hàng rào bênh vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao? Chúa đã ban phước cho công việc của tay người và làm cho của cải người thêm nhiều trên đất. Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt.

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cho phép Sa-tan đem thử thách xảy đến với ông Gióp, trong một ngày ma quỷ làm sập nhà giết chết hết mười đứa con yêu quý của ông, đánh giết tôi trai, tớ gái, đàn gia súc gồm bò, chiên, lừa, lạc đà và cướp phá của cải. Trước những tai họa thình lình ập đến một cách khủng khiếp với mình như vậy.

Thánh Kinh chép rằng:“Gióp trỗi dậy, xé áo mình, và cạo đầu, rồi sấp mình xuống đất mà thờ lạy, và nói rằng: Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã ban cho, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lại cất đi; đáng tôn vinh danh Đấng Tữ Hữu Hằng Hữu! Trong mọi sự ấy, Gióp không phạm tội, và chẳng nói phạm thượng cùng Thiên Chúa.” (Gióp 1:21-22).

Trong cơn hoạn nạn khủng khiếp xảy đến với mình, Gióp vẫn trung tín và hết lòng kính sợ Chúa, biết ơn Chúa, tôn vinh danh Chúa vì ông biết rằng Ngài là Đấng có toàn quyền trên đời sống của ông và một lẽ thật là mọi điều ông có, ngay cả hơi thở sự sống của chính ông cũng là điều thuộc về Thiên Chúa.

Trái lại, người vợ của ông khi thấy cùng trong một ngày mà tất cả các con cái của mình bị chết, nhà cửa, tài sản bị mất hết, thì bà đã nhanh chóng đánh mất sự kính sợ và lòng trung tín đối với Thiên Chúa, bởi vì trong lòng bà, Thiên Chúa giống như một vị thần ban phước, khi không còn sự phước hạnh thì Thiên Chúa không còn có giá trị trong lòng bà nữa nên bà rất bực tức trước lòng trung tín hoàn toàn của chồng đối với Chúa, bà lằm bằm, đay nghiến, trách móc, và xúi giục chồng phạm tội.

Thánh Kinh chép:“Vợ người nói với người rằng: Ủa? Ông hãy còn bền đỗ trong sự hoàn toàn mình sao?..Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời và chết đi! Người đáp lại rằng: Ngươi nói như một người đàn bà ngu muội. Ủa sao! Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao? Trong mọi việc đó Gióp không phạm tội bởi môi miệng mình.” (Gióp 2:9-10).

Mặc dầu trải qua hoạn nạn đau thương tan tóc và chính thân thể của ông cũng bị bệnh tật hành hạ vô cùng đau đớn nhưng ông Gióp đã thể hiện một tấm lòng trung tín không đổi dời, một lẽ thật mà ngàn đời sau chúng ta vẫn còn phải noi theo qua câu nói: “Mặc dầu xảy đến cho ta điều gì… Dẫu Chúa có giết ta, ta cũng còn nhờ cậy ơn Ngài.” (Gióp 13:13b;15a).

Ông đã kính sợ và tôn thờ Chúa bởi Ngài là Thiên Chúa của ông, chứ không chỉ bởi tại vì những gì Ngài ban cho hoặc không ban cho ông. Trước tấm lòng trung tín, bền đỗ và hết lòng yêu kính Chúa của ông Gióp:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lại phán hỏi Sa-tan rằng: Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ ta chăng? Trên đất chẳng có ai giống như người, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa, và lánh khỏi đều ác; lại người bền đỗ trong sự hoàn toàn mình, mặc dầu ngươi có giục ta phá hủy người vô cớ.” (Gióp 2:3).

Và sau khi Gióp vượt qua được sự thử thách cám dỗ rồi,

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đem người ra khỏi cảnh khốn người, và ban lại cho Gióp bằng gấp hai các tài sản mà người đã có khi trước…Như vậy, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban phước cho buổi già của Gióp nhiều hơn lúc đang thì: người được mười bốn ngàn chiên, sáu ngàn lạc đà, một ngàn đôi bò, và một ngàn lừa cái. Người cũng có bảy con trai và ba con gái. Sau việc ấy, Gióp còn sống một trăm bốn mươi năm; người thấy các con trai, cháu, chít mình đến đời thứ tư. Rồi Gióp qua đời tuổi cao tác lớn.” (Gióp 42: 10b; 12; 13; 16; 17).

Các con thương mến,

Đời sống của ông Gióp đã cho chúng ta một tấm gương sống động về sự ngay thẳng trung tín trọn vẹn trong đức tin, kính sợ Đức Chúa Trời và hết lòng tin cậy vào quyền năng tể trị của Ngài. 

Là con dân của Chúa, sự sống, sự chết, sự vui mừng, bình an, phước hạnh hay sự nghèo khó, bệnh tật, ốm đau của chúng ta đều thuộc về ý muốn tốt lành của Thiên Chúa, thuộc về quyền năng tể trị của Ngài. Vậy nên, chúng ta phải học tập và noi theo tấm gương của ông Gióp trong sự yêu kính, tin cậy, phó dâng và ngưỡng trông hoàn toàn nơi Ngài. “Chúng ta biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo ý muốn Ngài đã định.”   

Vì “Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào quá sức loài người đến cho chúng ta. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài không bao giờ để cho chúng ta chịu cám dỗ hoặc thử thách quá sức của mình; nhưng trong sự cám dỗ hoặc thử thách, Ngài cũng mở đường cho ra khỏi, để cho chúng có thể chịu được.” Sách Rô-ma 8:28 và I Cô-rinh-tô 10:13 dạy cho chúng ta biết như vậy.

Sự trung tín, thể hiện đức tin và tấm lòng tin cậy vững chắc vào Đấng Thiên Chúa toàn năng uy nghi cao cả, tin vào lời hằng sống của Ngài, vào tình yêu, lòng nhân từ, thương xót, sự quan phòng, chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn và quyền năng tể trị của Ngài trên đời sống của chúng ta. Chính lòng trung tín trong sự kính sợ Thiên Chúa đã làm nên những tấm gương anh hùng đức tin trong lịch sử loài người như tổ phụ Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham, Giô-sép, Môi-se, Đa-vít, Gióp ..

3/ Những Điều Làm Nghẹt Ngòi Lòng Trung Tín

Trong bước đường theo Chúa nhiều lần chúng ta chứng kiến bởi sự yếu đuối của tâm thần và thể xác trước áp lực của bệnh tật, mất mát, đau buồn, khó khăn, hoạn nạn, bắt bớ, mà một số anh chị em trong Chúa của chúng ta đã trở nên thiếu lòng tin cậy vào Chúa, nghi ngờ Lời Chúa, đánh mất đức tin vào sự quan phòng, chăm sóc và tể trị của Chúa trên đời sống mình.

Ngoài việc một số người không thật lòng yêu kính Chúa, đặt Chúa làm điều quan trọng trên hết mọi sự. Nguyên nhân lớn góp phần làm cho một người thất bại trước những cám dỗ, thử thách, lui đi trong đức tin và không giữ được lòng trung tín đối với Thiên Chúa là vì người đó thiếu lời của Chúa, nên không thể trang bị cho mình những vũ khí để chống trả lại sự tấn công của các thế lực đen tối đang ngày đêm đánh phá hòng cướp linh hồn loài người chúng ta ra khỏi vòng tay yêu thương và sự quan phòng của Chúa.

Lời Chúa là suối nguồn của sự sống, là ánh sáng, là ngọn đèn soi bước, dẫn dắt, giữ gìn, bảo vệ chúng ta đi trên con đường ngay lành trung tín, là áo giáp, là cái khiên, cái thuẫn, là điểm tựa nâng đỡ, chở che, thánh hóa, nuôi dưỡng tâm linh chúng ta. Không có lời Chúa thì không ai trong chúng ta có đủ năng lực để có thể đứng vững trong đức tin và giữ lòng trung tín đối với Chúa cho đến cuối cùng. Người không có lời Chúa khi hoạn nạn, thử thách bất ngờ ập đến sẽ hoang mang, lo sợ, sẽ dễ dàng lâm vấp, phạm tội trên môi miệng, sẽ nhanh chóng đánh mất sự trung tín và lòng tin cậy đối với Thiên Chúa như người vợ của ông Gióp vậy.

Kết lại: Sự yêu mến thế gian cùng những điều thuộc về nó như sự tham mê của mắt, sự ham muốn của lòng, sự kiêu ngạo của đời và sự thiếu hiểu biết lời Chúa làm cho người ta đánh mất lòng yêu kính Chúa lúc ban đầu nên dễ dàng thất bại, đầu hàng, quay lưng bỏ cuộc. 

Các con hãy ghi nhớ một điều quan trọng rằng: Người không trung tín đối với Chúa là người chối Chúa, là người không thật sự tin nhận và yêu kính Chúa trên hết mọi sự, không yêu kính Chúa vì chính mình Chúa là Thiên Chúa – Đấng đáng được tôn vinh, thờ phượng đời đời. Mà chỉ là người tìm kiếm những quyền lợi, danh vọng, tiếng tăm cho riêng mình bằng danh của Chúa, bằng lòng nhân từ, thương xót của Chúa, bằng huyết thánh cao quý Con Một của Ngài trên thập tự giá… Nên hậu quả cuối cùng của người bất trung đối với Chúa, là sẽ bị định phần đồng với những kẻ làm gian ác, những kẻ giả hình trong ngày phán xét của Chúa như lời Chúa đã phán trong sách Ma-thi-ơ 7:23 và 24:47-51.

4/ Bí quyết giữ lòng trung tín đối với Chúa.

Kết luận quan trọng trong bài học hôm nay là điều gì giúp chúng ta giữ được lòng trung tín đối với Chúa?

Trong ngôn ngữ tiếng anh từ trung tín được viết là faithful bắt nguồn từ chữ faith có nghĩa là một niềm tin, một sự tin tưởng, một sự tin cậy, một lời hứa, một sự cam kết, một sự trung thành, một đức tin dứt khoát, trọn vẹn vững chắc. Và trong tự điển Hán Việt thì từ trung tín nghĩa là trung thành, một lòng một dạ, bền bỉ không bỏ cuộc.. và là từ ghép của hai từ trung và tín.

“Trung” có nghĩa là:  ở giữa, ở trong, ngay (không vẹo, không thiên lệch)..

 “Tín” nghĩa là : tin tưởng, tín nhiệm, tin cậy, tin theo không nghi ngờ, tín ngưỡng, lòng tin, đức tin…

Thật vậy, chỉ khi nào chúng ta có một đức tin vững chắc, không nghi ngờ, không dời đổi, không lay chuyển vào tình yêu và quyền năng tể trị của Thiên Chúa tối cao vĩ đại trên đời sống của mình thì khi đó chúng ta mới có thể bền đỗ và trung tín trọn vẹn trong đức tin đối với Ngài.

Trên bước đường theo Chúa có những lúc Chúa cho phép khó khăn, hoạn nạn, bắt bớ, bệnh tật, cám dỗ, thử thách đến với chúng ta. Nếu là con dân chân thật của Chúa và có lời Chúa ở trong lòng, thì chúng ta sẽ nhận biết thánh ý Chúa trong từng sự việc xảy ra tất cả không ngoài mục đích rèn tập, thử luyện, thánh hóa và trang bị cho chúng ta những trải nghiệm cần thiết để Chúa ban phước càng hơn và dùng chúng ta như một công cụ công bình trong tay Ngài.

Có những lúc tưởng chừng như quanh mình chúng ta chẳng còn ai, chẳng có ai, không bạn bè, không anh chị em, không người thân và dường như Chúa cũng không đi bên cạnh hay nghe lời kêu cầu của chúng ta, như Môi-se bốn mươi năm trong đồng vắng trước khi Chúa dùng ông để dẫn dắt dân tộc ông đi vào vùng đất hứa, như Giô-sép bị các anh âm mưu giết hại, bị bán đi làm nô lệ, bị xa cách quê hương người thân và nhà cha mình hơn mười hai năm, bị bỏ tù vì những tội mà mình không phạm… cho đến khi Chúa đặt ông làm người cai trị trên cả xứ Ê-díp-tô và dùng ông để làm ích cho nhà cha mình và cho chương trình đời đời của Ngài trên dân tộc I-sơ-ra-ên và cho cả nhân loại…. Chúng ta hãy sống trong đức tin và noi theo tấm gương trung tín của Áp-ra-ham, Gia-cốp, Giô-sép, Môi-se, Đa-vít, Gióp…vì Lẽ Thật là Thiên Chúa luôn ở cùng và dõi theo mỗi bước chúng ta đi và Ngài là Đấng hay thưởng cho những ai trung tín hết lòng tin cậy Ngài.

Chúng ta chỉ biết mình có thật sự yêu kính Chúa trên hết mọi sự, có ngã tay chèo hay không khi đối diện bão táp phong ba sóng to gió lớn chứ không phải khi biển yên gió lặng. Vì vậy, Chỉ những người trung tín cho đến cuối cùng mới xứng đáng nhận được phần thưởng cao quý là mão triều thiên của sự sống đời đời. Vì như lời Chúa có chép: “Đường hẹp, cổng chật ít người vào” Và “Vì nhiều người được gọi nhưng ít người được chọn.” Ma-thi-ơ 7:13-14 và 22:14. Thật ra khi được Chúa gọi tức là đã được Chúa chọn rồi. Nhưng bản thân chúng ta có chọn Chúa trên hết mọi sự hay không để có thể bước đi theo Chúa cho đến cuối cùng trong sự thành tâm và trung tín. Đó là quyền tự do và tấm lòng của mỗi một chúng ta đối với Thiên Chúa.

Vậy, lòng yêu kính và sự tin cậy vào Chúa một cách trọn vẹn chính là chìa khóa giúp chúng ta giữ lòng trung tín tuyệt đối đối với Thiên Chúa. Bởi lòng tôn kính trọn vẹn cùng sự tin cậy hoàn toàn khiến cho chúng ta biết hết lòng tìm kiếm Chúa, khao khát Chúa, tìm kiếm thánh ý Chúa qua lời Ngài, để lời hằng sống của Ngài ban cho chúng ta sự bình an, vững vàng, và giữ cho chúng ta không mệt mỏi, ngã lòng, lâm vấp mà lui đi trong đức tin trước muôn vàn khó khăn, cám dỗ, thử thách, trở ngại do các thế lực đen tối và cuộc sống đem đến.

Các con thương mến,

Qua tấm gương đức tin sáng ngời của ông Gióp mà chúng ta vừa được cùng nhau học hỏi hôm nay, chúng ta hãy yêu thương, nhắc nhở, nâng đỡ, khích lệ và giúp nhau thể hiện nếp sống đẹp lòng Chúa bằng việc:

-Trung tín trong sự nhóm lại thờ phượng Chúa vào mỗi ngày Sa-bát thứ Bảy.

-Trung tín trong sự đọc, học, ghi nhớ và suy gẫm lời Chúa mỗi ngày.

-Trung tín trong sự cầu nguyện để luôn có mối tương giao mật thiết với Chúa.

-Trung tín làm chứng về Chúa cho mọi người.

Vì Lời Chúa có phán: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc lớn.” (Lu-ca 16:10).

Nguyện kính xin Chúa giúp chúng ta biết yêu kính Chúa trên hết mọi sự, và biết hoàn toàn tin cậy vào tình yêu nhiệm màu của Chúa, để linh hồn chúng ta luôn trung tín ca vang khúc tình ca tôn vinh danh Thiên Chúa giống như vua Đa-vít xưa.

“Ở trên các tầng trời, con có ai ngoài Chúa? Còn ở dưới đất, ngoài Ngài con chẳng ước ao chi.” (Thi Thiên 73:25).

Nguyện vinh quang, vinh hiển, quyền phép, sự cao quý và hết thảy mọi lời chúc tôn duy thuộc về Ba Ngôi Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu kính yêu đời đời cho đến vô cùng.

Nguyện kính xin Lời Chúa thánh hóa, giữ gìn, ban năng lực và giúp chúng con trung tín trọn vẹn trong đức tin đối với Chúa như tấm gương của ông Gióp qua bài học hôm nay, để ngày sau mỗi một chúng con đều được nghe tiếng Chúa yêu thương phán với mình rằng: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi.” (Ma-thi-ơ 25:21).

Trong ân điển yêu thương đời đời của Đấng Christ Jesus! A-men!
GraceNguyen

09/06/2018