Câu Gốc Mỗi Tuần ( Ngày 16/02/2019)

Đức Chúa Jesus Christ Làm Phép Lạ Đầu Tiên ở Thành Ca-na     

Câu Gốc: “Đức Chúa Trời của tôi sẽ làm cho đầy mọi nhu cầu của các anh chị em y theo sự giàu có của Ngài trong sự vinh quang, trong Đấng Christ Jesus.” (Phi-líp 4:19).

Các con thương mến,

Lời Chúa trong sách Ê-phê-sô 3:19b-20a chép rằng:“… tình yêu của Đấng Christ vượt hơn sự trí thức, để cho các anh chị em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời. 20 Đấng có thể làm trội hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng…”

Hôm nay cô xin mời các con, chúng ta cậy nhờ ơn Chúa dẫn dắt để cùng nhau tìm hiểu, học hỏi về quyền năng, phép lạ Đức Chúa Jesus Christ làm ra khi Ngài thi hành chức vụ trên đất để bày tỏ sự vinh quang của Thiên Chúa và giải bày về tình yêu bao la sâu rộng của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta qua sự kiện Đức Chúa Jesus làm phép lạ đầu tiên tại thành Ca-na, là một trong những phép lạ vượt quá sự cầu xin và suy tưởng của loài người chúng ta như lời Chúa đã phán trong câu Thánh Kinh trên qua câu chuyện ĐỨC CHÚA JESUS CHRIST LÀM PHÉP LẠ ĐẦU TIÊN Ở THÀNH CA-NA. Đã được Chúa thần cảm cho sứ đồ Giăng ghi lại như sau: Giăng 2:1-11

1 Cách ba ngày sau, có đám cưới tại thành Ca-na, thuộc xứ Ga-li-lê, và mẹ Đức Chúa Jesus có tại đó.

2 Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài cũng được mời dự đám cưới.

3 Vừa khi thiếu rượu, mẹ Đức Chúa Jesus nói với Ngài rằng: Họ không có rượu nữa.

4 Đức Chúa Jesus phán với bà: Hỡi bà, có liên quan gì đến Ta và đến bà? Giờ Ta chưa đến.

5 Mẹ Ngài nói với những người hầu bàn rằng: Ngài bảo bất cứ điều gì, hãy cứ vâng theo.

6 Tại đó, có sáu cái lu chứa nước bằng đá, được dùng cho sự thanh tẩy của người Do-thái, mỗi cái chứa hai ba giạ nước. [Một giạ bằng 40 lít].

7 Đức Chúa Jesus bảo họ rằng: Hãy đổ nước đầy tới miệng những cái lu nầy, thì họ đổ đầy tới miệng.

8 Ngài phán với họ: Bây giờ, hãy múc ra và đem cho người coi tiệc, thì họ đem đi.

9 Lúc người coi tiệc nếm thử thì nước đã biến thành rượu, và người không biết từ đâu (còn những kẻ hầu bàn có múc nước thì biết rõ), nên gọi chàng rể,

10 mà nói rằng: Mọi người đều đãi rượu ngon trước, sau khi người ta uống nhiều rồi thì là thứ dở hơn. Còn ngươi, ngươi lại giữ rượu ngon đến bây giờ.

11 Ấy là sự khởi đầu các phép lạ mà Đức Chúa Jesus đã làm tại Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, và bày tỏ sự vinh quang của mình. Các môn đồ của Ngài bèn tin Ngài.

Các con thương mến,

  • Tiệc cưới là một sự kiện quan trọng, là một lễ hội của tình yêu, khởi đầu giao ước của sự kết hợp làm một giữa hai người yêu thương nhau, sau tiệc cưới họ sẽ về chung một nhà, hai người sẽ trở nên một thịt, cam kết thủy chung cùng chia sẻ ngọt bùi cay đắng, cùng dìu dắt nương tựa giúp đỡ nhau đi qua những sóng gió của cuộc đời.
  • Tiệc cưới là dấu mốc cô dâu chú rể từ bỏ nếp sống cũ để khởi đầu một cuộc sống mới cùng nhau.
  • Không khí của tiệc cưới là không khí của sự hạnh phúc, bình an và hy vọng.
  • Khách dự tiệc là những người thâm tình, những người chúng ta thương mến và lựa chọn mời họ đến cùng chia sẻ niềm vui, cùng chung hưởng sự kiện hạnh phúc với chúng ta.
  • Rượu thể hiện cho sự thỏa vui. Như Lời Chúa có chép: “…Rượu khiến cho đời vui; có tiền bạc thì ứng cho mọi sự.”  (Truyền Đạo 10:19b).
  • Và về ý nghĩa thuộc linh: Thánh Kinh nhiều lần dùng ẩn dụ về tiệc cưới để diễn tả tình yêu bao la sâu nhiệm của Chúa dành cho chúng ta và tình yêu của chúng ta đối với Ngài, diễn tả niềm vui mừng, hạnh phúc, phước hạnh vô lượng vô biên của sự kết hợp giữa Đức Chúa Jesus Christ với chúng ta là Hội Thánh của Ngài trong tiệc cưới Chiên Con sẽ diễn ra nơi thiên đàng là một sự kiện phước hạnh mà mỗi một chúng ta đang ngày ngày khoắc khoải đợi chờ và dọn mình như một người vợ đã hứa hôn chuẩn bị sẵn sàng và đang mong ngóng ngày chàng rể đến đón dâu. Như có chép: 

“Chúng ta hãy hớn hở, vui mừng, và dâng sự tôn kính lên Ngài! Vì lễ cưới của Chiên Con đã đến, và vợ của Ngài đã tự mình sẵn sàng. Nàng đã được ban cho để khoác lên trang phục mịn, sạch, và trắng. Trang phục mịn là những việc làm công bình của các thánh đồ.” (Khải Huyền 19:7-8).

Nào giờ mời các con cùng cô tìm hiểu từng ý nghĩa lời Chúa phán dạy chúng ta trong câu chuyện Đức Chúa Jesus thi hành phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới ở thành Ca-na được chép trong sách Giăng 2:1-11.

1 Cách ba ngày sau, có đám cưới tại thành Ca-na, thuộc xứ Ga-li-lê, và mẹ Đức Chúa Jesus có tại đó. 

2 Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài cũng được mời dự đám cưới.

“Cách ba ngày sauNghĩa là ngày thứ ba kể từ khi Na-tha-na-ên được gặp Đức Chúa Jesus qua lời làm chứng của Phi-líp rằng: Chúng ta đã gặp Ngài là Đức Chúa Jesus ở Na-xa-rét- Đấng mà Môi-se có chép trong luật pháp và các đấng tiên tri có nói đến, và khi Na-tha-na-ên nghe Đức Chúa Jesus phán bảo về mình là một người I-sơ-ra-ên thật, trong người không có  điều dối trá chi hết và Ngài đã thấy ông dưới gốc cây vả trước khi ông đi đến với Chúa , thì ông tin Chúa là Con của Đức Chúa Trời là Vua dân I-sơ-ra-ên, và Na-tha-na-ên đã trở thành môn đồ của Ngài. Vì Đức Chúa Jesus muốn đi qua xứ Ga-li-lê nên Ngài cùng Na-tha-na-ên và các môn đồ đầu tiên đi từ thành Bê-ta-ni, bên kia sông Giô-đanh hướng lên vùng đồi núi phía bắc của Na-xa-rét là nơi Đức Chúa Jesus lớn lên, trên đường đi Đức Chúa Jesus cùng các môn đồ đến một thành gọi là Ca-na là một thành cách Na-xa-rét chừng 7 km về hướng Bắc. Tại đây có một đám cưới, lời Thánh Kinh cho chúng ta hiểu rằng có thể đây là đám cưới của một người quen hoặc họ hàng thân thuộc trong vòng bà con của bà Ma-ri vì vậy bà Ma-ri có mặt tại đó và Đức Chúa Jesus cùng các môn đồ của Ngài cũng được mời dự tiệc cưới. Chúng ta nhận thấy gia đình cô dâu chú rể là những người hiếu khách và có tấm lòng rộng rãi, có lẽ gia đình họ không có dự trù trước nhưng họ vẫn vui vẻ mời Đức Chúa Jesus cùng các môn đồ đi cùng Ngài dự tiệc chung vui với gia đình họ trong ngày hạnh phúc. 

Khi suy gẫm đến điều nầy chúng ta nhận thấy rằng mặc dù chúng ta là con dân của Chúa, Ngài là Chúa là chủ cuộc đời của chúng ta, nhưng có nhiều lúc chúng ta quên mời Chúa hiện diện cùng chúng ta trong những giây phút trọng đại vui mừng hạnh phúc, chúng ta dễ dàng không nhớ đến Chúa khi bị lôi cuốn vào những niềm vui riêng. Trái lại, chúng ta thường chạy đến kêu cầu Chúa mỗi khi gặp đau buồn, thất vọng, hoạn nạn, khó khăn. Nguyện qua sự suy gẫm hôm nay xin Chúa giúp chúng ta luôn biết yêu Chúa, nhớ đến Chúa trong từng phút giây đời sống của mình, xin giúp chúng ta nhớ mời Chúa hiện diện bên cạnh cuộc đời chúng ta, mời Chúa ngự vào ngai lòng của chúng ta luôn luôn đặc biệt là những khi chúng ta được Cha ban cho sự bình an, niềm vui thỏa và sự hạnh phúc, để ơn càng thêm ơn, phước hạnh càng thêm tràn đầy phước hạnh.

3 Vừa khi thiếu rượu, mẹ Đức Chúa Jesus nói với Ngài rằng: Họ không có rượu nữa.

Vì đám cưới là một cái mốc quan trọng trong cuộc đời, ai ai cũng mong muốn nó diễn ra thật tốt đẹp, thật hoàn hảo làm vui lòng hai họ và quan khách, nên chúng ta thường sắp xếp và chuẩn bị mọi việc thật chu đáo và theo phong tục của người Do-Thái xưa ở các vùng trung đông cũng vậy, thường thì trong đám cưới gia đình của cô dâu chú rể chuẩn bị thật đầy đủ đồ ăn, thức uống cho khách được mời đến dự tiệc.Vì nếu để xảy ra tình trạng thiếu đồ ăn, thức uống trong buổi tiệc cưới thì đó là một nan đề lớn có thể gây hiểu lầm thiếu tôn trọng khách, có thể bị dèm chê và thậm chí bị kiện ra pháp luật, sẽ có những lời đàm tiếu làm ảnh hưởng đến uy tín của gia đình cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ. Trong tiệc cưới nầy nan đề khó xử đó đã xảy ra, rất có thể nguyên nhân do khách đến dự cưới nhiều hơn sự dự tính ban đầu của gia đình, như lúc đầu câu chuyện chúng ta thấy họ đã vui vẻ mời Đức Chúa Jesus cùng hết thảy các môn đồ đi cùng Ngài. Và bà Ma-ri đã chú ý nên nhận ra nan đề khó khăn mà gia đình cô dâu chú rể đang lâm vào khi tiệc chưa tàn mà rượu thì đã hết giữa chừng. Tuy bà Ma-ri không phải là chủ tiệc nhưng vì tình thương và là người có tấm lòng và có trách nhiệm, bà tìm cách chia sẻ gánh nặng với họ nên bà đã đem nan đề đến nói với Đức Chúa Jesus. 

Chúng ta cùng xem tiếp câu 4-5: 

4 Đức Chúa Jesus phán với bà: Hỡi bà, có liên quan gì đến Ta và đến bà? Giờ Ta chưa đến. 

5 Mẹ Ngài nói với những người hầu bàn rằng: Ngài bảo bất cứ điều gì, hãy cứ vâng theo.

Các con thương mến,

Vì sách Giăng là sách Tin Lành nói về Thần tính của Đức Chúa Jesus Christ. Nên trong câu phán của Đức Chúa Jesus với bà Ma-ri: “Hỡi bà, có liên quan gì đến Ta và đến bà? Giờ Ta chưa đến.” Là lời phán của một Thiên Chúa, của Đấng Tạo Hóa nói với một loài thọ tạo và đây cũng không phải là lời bất kính với mẹ mà theo phong tục Do-thái danh từ “Hỡi bà!” là một danh xưng kính trọng dùng để gọi, nói hay thưa chuyện với những người phụ nữ lớn tuổi. Vì vậy khi Đức Chúa Jesus phán với bà Ma-ri rằng:Hỡi bà, có liên quan gì đến Ta và đến bà? Giờ Ta chưa đến.” Qua câu phán, Chúa khẳng định thần tính của Ngài và Ngài làm sáng tỏ một sự thật là: khi Ngài bắt đầu lìa gia đình để công khai thi hành chức vụ theo thánh ý của Đức Chúa Trời là Cha Ngài thì người mẹ phần xác không giữ vai trò gì, cũng không có quyền gì trên các mục vụ của Ngài. Khi nghe lời Đức Chúa Jesus phán thì bà Ma-ri hiểu. Có lẽ lời phán ấy nhắc cho bà nhớ lại lúc thiên sứ Gáp-ri-ên báo tin, lời các mục đồng, lời của các nhà thông thái từ đông phương, và lời Đức Chúa Jesus nói trong đền thờ lúc Ngài 12 tuổi. (Thánh Kinh cho biết rằng bà đã suy gẫm và ghi nhớ trong lòng tất cả các sự kiện ấy) Bà Ma-ri đã hiểu cho nên mới dặn những kẻ hầu bàn rằng: “…Ngài bảo bất cứ điều gì, hãy cứ vâng theo.”  Điều nầy chứng tỏ vào lúc nầy đây bà Ma-ri đã nhận biết Đức Chúa Jesus thực sự là ai và bà có đức tin vào Đức Chúa Jesus, bà tin Ngài là người duy nhất có thể giải quyết được nan đề.

Thánh Kinh cho chúng ta thấy bà Ma-ri là một người phụ nữ có tấm lòng kính sợ Thiên Chúa, vâng phục Chúa và rất nhu mì, chúng ta còn nhớ khi còn là một người nữ đồng trinh chưa từng nhận biết một người nam nào và đã hứa gả cho ông Giô-sép. Nhưng khi Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến báo tin cho biết bà sẽ chịu thai và sinh ra một con trai đặt tên là Jesus. Mặc dù bối rối và lo sợ những chuyện không hay sẽ xảy đến cho mình khi trở thành một người phụ nữ mang thai trước khi được cưới gả chính thức trong một xã hội có một phong tục và luật lệ vô cùng nghiêm khắc của dân Do-thái xưa, nhưng bà vẫn thưa rằng:“Tôi đây là tôi tớ Chúa, xin sự xảy ra cho tôi như lời người truyền.” (Lu-ca 1:38). Và giờ đây sau khi nghe những lời phán của Đức Chúa Jesus thì bà nhớ lại và nhận ra lẽ thật, bà liền hạ mình và phán dặn những người hầu hãy làm y theo bất cứ điều gì Đức Chúa Jesus phán bảo.

Nhóm từ “Giờ Ta chưa đến” nói về thời kỳ, thời gian, thời điểm. Gồm có hai khái niệm về thời gian như sau:

Về thời gian của con người.

Thứ nhất đối với con mắt xác thịt loài người thì chúng ta không thể nào nhìn thấy và biết trước được tương lai.

Thứ hai là do thời gian của chúng ta rất ngắn và có giới hạn, nên chúng ta thường có khuynh hướng nôn nóng muốn được giải quyết mọi việc ngay lập tức trước mắt:  Khi gặp nan đề khó khăn chúng ta cầu nguyện và mong Chúa trả lời để nan đề được giải quyết ngay và khi chưa thấy chuyện gì xảy ra chúng ta phân vân, lo lắng, nghi ngờ không biết Chúa có nghe và nhậm lời cầu nguyện của chúng ta không? Và chúng ta có khuyết điểm rất lớn là sau đó thường hay lật đật tìm cách giải quyết nan đề theo ý riêng của mình. Như câu chuyện thuở xưa khi Chúa hứa ban cho Áp-ra-ham dòng dõi đông như sao trên trời, như cát bờ biển, mà chờ đã lâu không thấy Chúa ban con cho ông như lời Chúa hứa, nên Áp-ra-ham và bà Sa-ra đã giải quyết nan đề theo cách riêng của mình là để ông Áp-ra-ham có con cùng nàng hầu A-ga.

Nhưng Thánh Kinh cho chúng ta biết nếu chúng ta cầu nguyện đúng và phải lẽ mà vẫn chưa có chuyện gì xảy ra, nghĩa là Chúa đang trả lời với chúng ta rằng “Giờ Ta chưa đến”. Bài học đối với chúng ta là chúng ta cần phải kiên trì, nhẫn nại, bền lòng chờ đợi “Giờ của Chúa” trong niềm hy vọng và đặt đức tin trọn vẹn nơi Ngài.

“Giờ Ta” mà đức Chúa Jesus phán ở đây là thời gian của Thiên Chúa, là thời gian theo chương trình, ý định và kế hoạch của Ngài vào thời điểm mà Ngài biết sẽ tốt nhất cho chương trình kế hoạch đó. “Hết thảy {muôn vật} được {Ngài} làm ra tốt lành trong thời của chúng.”  Truyền Đạo 3:11 cho chúng ta biết như vậy.

6 Tại đó, có sáu cái lu chứa nước bằng đá, được dùng cho sự thanh tẩy của người Do-thái, mỗi cái chứa hai ba giạ nước. [Một giạ bằng 40 lít]. 

7 Đức Chúa Jesus bảo họ rằng: Hãy đổ nước đầy tới miệng những cái lu nầy, thì họ đổ đầy tới miệng. 

8 Ngài phán với họ: Bây giờ, hãy múc ra và đem cho người coi tiệc, thì họ đem đi.

Đức Chúa Jesus phán và họ làm y theo lời Ngài. “Ngài phán bảo họ hãy đổ nước đầy tới miệng những cái lu nầy, thì họ đổ đầy tới miệng. Ngài phán với họ hãy múc ra và đem cho người coi tiệc, thì họ đem đi.”

Sự kiện xảy ra được tóm gọn trong hai câu Thánh Kinh tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu phân tích theo tình hình thực tế lúc bấy giờ, thì để vâng phục và làm theo lời Chúa, những người hầu bàn phải có tấm lòng khiêm nhu, tôn kính và tin cậy hoàn toàn nơi Ngài. Bởi vì xét theo sự logic của lý trí thì những người hầu bàn tiệc nầy phải vâng lời và làm theo một sự sai bảo thật khó khăn và tưởng chừng như rất vô lý.

Thứ nhất: Lu đá đựng nước là dùng để rửa sạch. Người do thái có phong tục truyền thống trước khi bước vào nhà gia chủ họ phải rửa mặt và tay chân. Điều đó ngoài việc làm sạch bụi đường còn mang ý nghĩa rằng họ đã rửa sạch những điều gian ác, những tà ý, và bước vào nhà với một tấm lòng trong sạch. Vào thời điểm hết rượu, các lu đá chứa nước để rửa sạch không còn cần dùng đến nữa, vì khách khứa đã đến đông đủ và đã vào tiệc. Thế nhưng Đức Chúa Jesus lại phán bảo họ phải đổ đầy nước vào 6 cái lu đá đó trong lúc đang xảy ra việc bối rối vì thiếu rượu, nếu theo logic của lí trí thì đây là một việc làm không phù hợp trong lúc nầy.

Thứ hai: Muốn đổ đầy tới miệng 6 lu bằng đá, mỗi lu chứa khoảng 120 lít nước họ phải tốn rất nhiều công sức và thời gian vì ở các vùng sa mạc trung đông thường thì các giếng nước rất sâu, mà họ cũng không biết múc nước đổ đầy các lu đá vào lúc nầy để làm gì.

Thứ ba: Đức Chúa Jesus chỉ là khách mời dự cưới, và những người hầu bàn chỉ nằm dưới quyền sai bảo của những người coi tiệc. Công việc của họ là bưng bê phục vụ và hầu bàn tiệc chứ không phải đi múc nước, họ có quyền từ chối không làm theo lời phán bảo của Đức Chúa Jesus bởi vì Ngài không phải là gia chủ, chỉ chủ mới là người có quyền ra lệnh cho họ chứ không phải Đức Chúa Jesus là một trong những khách mời. Thế nhưng họ đã bỏ qua hết mọi nguyên tắc thường tình để làm y theo mọi lời phán bảo Đức Chúa Jesus.

Thứ tư: Đã thế, sau khi đổ đầy nước trong các lu đá, Đức Chúa Jesus còn bảo họ phải múc đem ra cho người coi tiệc uống, nhìn bằng sự tỉnh táo của lý trí đây là điều hết sức khó khăn vì đang lúc tiệc cưới thiếu rượu nhưng họ lại đem nước dùng để rửa chân ra cho người coi tiệc là người quản lý của họ uống. Họ có thể sẽ bị trách phạt và mất việc bởi hành động khinh thường nầy. Thế nhưng họ vẫn vâng phục và làm y theo lời phán của Đức Chúa Jesus. Để có được hành động đó phải có một đức tin lớn lao vào Ngài, họ mới có thể gan dạ bỏ qua hết mọi sự suy nghĩ khôn ngoan theo thói thường.

9 Lúc người coi tiệc nếm thử thì nước đã biến thành rượu, và người không biết từ đâu, nên gọi chàng rể, 

10 mà nói rằng: Mọi người đều đãi rượu ngon trước, sau khi người ta uống nhiều rồi thì là thứ dở hơn. Còn ngươi, ngươi lại giữ rượu ngon đến bây giờ.

Quản tiệc là một nghề trong đám cưới, vì thế người coi tiệc rất am hiểu về chất lượng của các loại rượu, khi nếm rượu ông đã rất ngạc nhiên. Rượu mà Đức Chúa Jesus làm ra từ nước lã có chất lượng tuyệt vời, giống như một thứ rượu quý lâu năm và rất ngon, nên ông ngạc nhiên gọi chú rể mà nói rằng: Mọi người đều đãi rượu ngon trước, sau khi người ta uống nhiều rồi thì là thứ dở hơn. Còn ngươi, ngươi lại giữ rượu ngon đến bây giờ. (Vì ông không biết rượu đó từ đâu, chỉ những người hầu bàn có múc nước thì biết thôi).

Cảm tạ ơn Chúa! Gia đình cô dâu chú rể thật phước hạnh khi có Đức Chúa Jesus hiện diện trong buổi tiệc cưới của mình. Họ đã mời Ngài tham dự ngày vui của mình và Ngài đã làm cho niềm hạnh phúc của họ càng thêm viên mãn trong ơn lớn lao lạ lùng của Ngài. Ngài đã giúp giải quyết nan đề khó khăn, giúp cất đi gánh nặng mà họ không lường trước được là sẽ gặp phải trong ngày vui của mình. Ngài không chỉ cung ứng thỏa mãn nhu cầu của họ thôi mà Ngài còn ban ơn dư dật vượt quá những nhu cầu và sự suy tưởng của họ. Ngài đã ban cho họ một loại rượu ngon nhất chứa đầy trong 6 cái lu bằng đá tương đương 720 lít. Các con hãy hình dung nhé 720 lít rượu ngon là một món quà cưới khổng lồ đủ để đãi khách một cách dư dật và thậm chí có thể dùng để trang trải chi phí cho đám cưới. Giả sử họ đã không mời Chúa dự ngày cưới của mình hoặc giả như những người hầu bàn không vâng lời làm theo sự phán bảo của Chúa là múc nước đổ đầy tới miệng các lu chứa, hoặc họ chỉ đổ đầy một nửa, hay là họ chỉ đổ đầy một lu thôi thì phước hạnh của họ đã không có hoặc nếu có cũng ít và nhỏ tương ứng với việc làm một cách không hết lòng vâng phục Chúa của họ phải không? Chúng ta hãy cùng rút ra bài học nầy cho chính mình trên bước đường theo Chúa nhé! Càng hết lòng vâng phục và làm y theo lời Chúa phán dạy bao nhiêu thì tình yêu và phước hạnh của Chúa càng tuôn đổ tràn đầy dư dật trên đời sống của chúng ta bấy nhiêu.

Quyền năng của Chúa và ý nghĩa của phép lạ hóa nước thành rượu ngon trong tiệc cưới tại miền Ca-na là một dấu chỉ bày tỏ một lẽ thật về sự kết hợp giữa việc làm của chúng ta và của Thiên Chúa. Chúng ta có thể chọn vâng phục và làm theo lời Chúa đổ nước đầy tới miệng các lu chứa của mình, qua đó Chúa thi hành phép lạ và tuôn đổ ơn phước của Ngài trên đời sống của chúng ta. Con người có thể đổ nước đầy các lu chứa, nhưng chỉ có Chúa mới biến nước thành rượu! Con người chỉ có thể làm những việc tầm thường và thông thường, nhưng Thiên Chúa là Đấng sáng tạo, là Đấng ban sự nhiệm mầu khiến cho nước dùng để rửa chân trở nên có hương vị, có mùi thơm và có hương say nồng nàn như một loại rượu quý đã để dành lâu năm.

Như có chép:

“Khắp thiên hạ hãy kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; Các dân thế gian hãy khiếp sợ Ngài. Vì Ngài phán, thì việc liền có; Ngài bảo, thì vật đứng vững bền.” (Thi Thiên 33:8-9).

Các tầng trời được làm nên bởi lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Cả thiên binh bởi hơi thở của miệng Ngài mà có.” (Thi Thiên 33:6).

Sự vâng phục và làm y theo lời Chúa sinh ra phép lạ, càng vâng phục Chúa một cách hoàn toàn bao nhiêu thì phép lạ càng lớn lao bấy nhiêu. Sự tôn kính, tin cậy, vâng phục Chúa là điều có cần để chính chúng ta và những người xung quanh chúng ta hưởng được phước hạnh dư dật từ sự yêu thương quan phòng của Chúa.

11 Ấy là sự khởi đầu các phép lạ mà Đức Chúa Jesus đã làm tại Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, và bày tỏ sự vinh quang của mình. Các môn đồ của Ngài bèn tin Ngài.

Phép lạ thứ nhất Đức Chúa Jesus làm ra ở thành Ca-na biến nước thành rượu ngon có ý nghĩa quan trọng bởi nó ấn chứng cho chúng ta nhận biết quyền năng của Chúa và bày tỏ sự vinh quang của các công việc Ngài. Thánh Kinh chép: “Đức Chúa Jesus đã làm phép lạ tại Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, và bày tỏ sự vinh quang của mình. Các môn đồ của Ngài bèn tin Ngài.”Ngài làm phép lạ để chúng ta nhận biết Ngài và tin Ngài. Ngài muốn chúng ta nhận biết Ngài, tin Ngài và hết lòng tin cậy vào Ngài để chúng ta đến bên chân Ngài, để chúng ta biết nương náu mình trong bóng cánh toàn năng yêu thương của Ngài, và để:Đức Chúa Trời… sẽ làm cho đầy mọi nhu cầu, mọi thiếu hụt của chúng ta từ vật chất cho đến sâu thẩm tâm linh của chúng ta … y theo sự giàu có của Ngài trong sự vinh quang, trong Đấng Christ Jesus.”  Như ý nghĩa Lời Chúa phán trong câu gốc mà các con vừa học thuộc và suy gẫm hôm nay (Phi-líp 4:19).

Các con thương mến,

Đức Chúa Jesus đến để cứu chuộc và biến đổi đời sống của chúng ta từ một cuộc đời lầm lạc, tăm tối, vô vị nhạt nhẽo, không mục đích, không tương lai đến một đời sống đầy hương vị, đầy niềm vui thỏa trong sự bình an, phước hạnh với một tương lai sáng láng nơi cõi vinh quang đời đời. Trước khi gặp Đức Chúa Jesus đời sống chúng ta vô vọng và giống như nước lã dùng để rửa chân. Từ khi có Chúa – Ngài đã biến nó thành rượu ngon. Như Lời Ngài phán: “… Ta đã đến, để họ được sự sống và được sự sống dư dật.” (Giăng 10:10b).

Qua 11 dòng Thánh Kinh ngắn gọn ghi lại sự kiện Đức Chúa Jesus làm phép lạ hóa nước thành rượu ngon tại tiệc cưới ở Ca-na, chúng ta hiểu được bốn ý nghĩa sâu xa lời Chúa phán dạy như sau:

Ý nghĩa Lời Chúa:

– Chúa là Đấng chu cấp, tiếp trợ và luôn đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết cho chúng ta khi có cần.

– Chúa là nguồn phước hạnh vô biên cho những ai có Ngài hiện diện trong đời sống của mình. 

– Chúa ấn chứng sự kết hợp giữa việc làm của Thiên Chúa với con người. Ngài có thể làm phép lạ nhưng Ngài muốn chúng ta cùng đồng công với Ngài để thể hiện tấm lòng tin cậy và hoàn toàn vâng phục Ngài, để từ đó nguồn phước hạnh của Ngài tuôn đổ dư dật trên đời sống của chúng ta.

– Chúa ban phép lạ bày tỏ sự vinh quang của Đức Chúa Trời và của Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa trong thân vị Con Người mục đích giúp chúng ta nhận biết Ngài, tin nhận Ngài và tin cậy Ngài.

Sau đây là bài học chúng ta rút ra được từ bốn ý nghĩa sâu xa qua lời Chúa phán dạy trong câu chuyện Chúa hóa nước thành rượu ngon và từ tấm gương của bà Ma-ri để áp dụng vào cuộc sống trên bước đường theo Chúa:

Áp dụng vào cuộc sống:

1/ Chúng ta hãy: Mời Chúa làm Chúa, làm Chủ cuộc đời mình và mời Chúa luôn ngự trên ngai lòng của chúng ta trong từng phút giây hơi thở đời mình, đặc biệt càng hơn trong những lúc Chúa ban cho chúng ta niềm vui, sự bình an và hạnh phúc, để ơn càng thêm ơn, phước hạnh càng thêm tràn đầy phước hạnh.

2/ Chúng ta hãy: Trước nhất lập tức chạy đến với Chúa, dâng trình những nan đề gặp phải lên Chúa chứ không phải với ai khác.

3/ Chúng ta hãy: Luôn luôn đặt đức tin nơi Chúa, tin cậy Chúa, vâng phục Chúa và hết lòng làm y theo mọi điều Ngài phán dạy trong sự hạ mình khiêm nhu một cách hoàn toàn.

4/ Chúng ta hãy: Biết quan tâm đến nan đề của người khác, hãy có tinh thần trách nhiệm, có tấm lòng muốn chia sẻ gánh nặng và luôn tìm cách giải quyết những nan đề của họ như của chính mình.

Nguyện kính xin Chúa giúp mỗi một các con luôn hết lòng kính sợ Chúa, tin cậy Chúa, biết ơn Chúa và yêu mến Chúa, yêu mến Lời Hằng Sống của Chúa, biết áp dụng những bài học rút ra cho mình trong Lời Chúa dạy để qua các con phước hạnh chảy tràn đến cho những người xung quanh, để đời sống của các con trở nên như những chứng nhân về tình yêu ân điển đời đời của Thiên Chúa giúp cho nhiều người biết đến Chúa, tin nhận Chúa và thờ phượng Chúa.

Nguyện mọi vinh quang, vinh hiển, quyền phép, sự cao quý và hết thảy mọi lời suy tôn duy thuộc về Thiên Chúa kính yêu của chúng con đời đời cho đến vô cùng!

Chúng con xin cảm tạ ơn Cha và xin thành kính dâng lên Cha Chí Ái những lời nguyện cầu với lòng biết ơn trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. Amen!

 GraceNguyen 16/02/2019