Câu Gốc Mỗi Tuần (10/08/2019)

 

Sự Cám Dỗ

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thương mến,

Câu gốc tuần này trong:

“Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi bị dẫn dụ sai lạc bởi sự tham muốn của chính mình.” (Gia-cơ 1:14).

Chúng ta sẽ cùng nhau lần lượt học về sự cám dỗ mà mỗi một chúng ta cần phải nhận biết và áp dụng vào đời sống. 

1. Cám dỗ là gì? 

Cám dỗ là sự khơi gợi lòng ham muốn, dẫn dụ khiến cho con người sa ngã vào những sự phạm tội, xấu xa, vi phạm điều răn luật pháp của Thiên Chúa. Hình thức của sự cám dỗ là cám dỗ về tình cảm, tình dục, cám dỗ về tiền tài, danh vọng, vật chất những thú vui tội lỗi, đồi trụy, hút chích ma túy, ăn chơi, thác loạn…

Môi trường cám dỗ là những tụ điểm trai gái gặp nhau, những hình ảnh khiêu dâm qua mạng xã hội, phim ảnh. Những cuộc làm ăn lớn, nhiều tiền bạc, hay những chức vụ trong xã hội, cám dỗ đến với chúng ta cả khi trong giấc ngủ, vào trong những giấc mơ…Cám dỗ thường xuyên tác động và những điểm yếu của chúng ta, điểm yếu là những điều mà mình không thể chống cự lại được, không thể chiến thắng được nó mà chiều theo sự thúc giục, ham thích của chính mình.

Nguy hiểm, tác hại của sự cám dỗ là đưa dắt chúng ta vào những tệ nạn xã hội, tội lỗi, mất hết nhân tính (tính người), bất hiếu, giết người, tình dục xấu xa và vi phạm hết những điều răn luật pháp của Thiên Chúa. Nếu chúng ta vi phạm luật của thế gian thì chúng ta sẽ bị luật thế gian xét xử, nếu chúng ta vi phạm luật của Chúa thì chúng ta bị hư mất linh hồn đời đời nơi hỏa ngục. Ma quỷ cám dỗ chúng ta mục đích làm cho chúng ta phạm tội, vì khi phạm tội chúng ta không còn được sự bảo vệ của Chúa nữa, lúc đó chúng sẽ tha hồ tấn công, làm khổ chúng ta. Mong muốn được trở nên giàu có là một trong những cám dỗ mà con người rất thường hay gặp đó là ham muốn sự giàu có. 

Còn những kẻ muốn được giàu có, thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, {rơi vào} nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, {là} những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất.” (I Ti-mô-thê 6:9).

Các con thương mến,

Ma quỷ là kẻ chống nghịch Thiên Chúa, luôn tìm cách, ngày đêm làm cho con người phạm tội, chống nghịch Chúa để chúng ta bị hư mất, xa cách mặt Chúa, làm đau lòng Thiên Chúa. Chúng có rất nhiều hình thức, nhiều cách để cám dỗ chúng ta, chúng biết điểm yếu của mỗi người và cám dỗ ngay điểm yếu đó. Như chúng biết bạn nào thích chơi Game chúng sẽ đưa những chương trình game mới vào điện thoại máy tính, trên mạng để bạn đó thấy, chúng biết bạn nào thích nói tầm phào, đùa cợt, nói bậy…thì chúng sẽ dùng những đứa bạn không tin Chúa, hay nói tầm phào, giỡn cợt đến với các con hoặc những group mà các con đang tham gia với bạn trong lớp. Bạn nào thích nói dối thì nó sẽ đưa những tình huống trong cuộc sống khiến chúng ta phải nói dối, như muốn đi chơi với bạn, muốn mua sắm đồ chơi, không muốn bị ba mẹ la mắng…

Có những cám dỗ rất tinh vi mà nếu các con không tỉnh thức sẽ rất dễ dàng lâm vấp, ví dụ như đang trong giờ nhóm, bạn bè, gọi điện, nhắn tin đến hỏi chuyện các con và những điều khác làm cho các con xao lãng việc nhóm hiệp, hoặc các con lo làm việc khác mà bỏ buổi nhóm. 

Cám dỗ luôn rình rập chúng ta khi thức lẫn khi ngủ. Nên Chúa dạy chúng ta như sau:

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo các ngươi rơi vào sự cám dỗ! Tâm thần thật muốn lắm nhưng xác thịt thì yếu đuối.” (Mác 14: 38).

Và có đôi khi chính chúng ta là người cám dỗ người khác phạm tội, như các con khoe khoang tiền bạc, đồ quý giá, làm cho người khác nhìn thấy nổi lòng tham. Hoặc những bạn nữ ăn mặc hở hang không kín đáo cũng gây nên sự tham muốn bất chính của người khác phái. Là Con dân Chúa chúng ta phải hết sức cẩn thận không gây cám dỗ, vấp phạm cho người khác. 

Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi bị dẫn dụ sai lạc bởi sự tham muốn của chính mình.Nghĩa là chúng ta bị cám dỗ, bị dẫn dụ sai lạc là do chính sự tham muốn bất chính của mỗi chúng ta, vì chúng ta còn ham thích tội, chưa gớm ghét tội, nên chúng ta dễ dàng sa và những cám dỗ. Thánh Kinh cho chúng ta biết.

Kế đó, sự tham muốn thành hình và kết quả tội lỗi. Khi tội lỗi đã trọn thì sinh ra sự chết.” (Gia-cơ 1: 15).

Nghĩa là khi sự ham muốn bất chính của chúng ta đã thành hình, chúng ta đã chiều theo sự cám dỗ mà phạm tội, kết quả tội, khi chúng ta chọn phạm tội thì điều đó là tội lỗi thì tội lỗi sinh ra sự chết. 

Như ai vẫn còn ham thích tham lam thì dễ dàng rơi vào việc ăn cắp, cướp của, lén lúc lấy đồ vật của người khác, hoặc tham muốn tiền bạc mà làm đủ mọi cách bất chấp luật pháp, tính người để có được nhiều tiền. 

Như ai còn ham muốn thế gian, những đua đòi theo bạn bè, chưng diện theo phong trào, ca sỉ, diễn viên thì cám dỗ sẽ dẫn người đó vào sự chăm chút lo cho ngoại hình, ăn mặt, làm đẹp.

Như ai ham muốn sự tà dâm thì cám dỗ sẽ đưa đến những trang mạng khiêu gợi, khiêu dâm, những bộ phim nhạy cảm…Tất cả điều đó chúng ta sẽ dễ dàng sập bẫy do chúng ta còn yêu thích nó, ham muốn nó. Nhưng Thánh Kinh nói gì? 

Phước cho người kiên trì trong sự cám dỗ; vì lúc đã được chấp thuận rồi, thì người ấy sẽ nhận mão của sự sống mà Chúa đã hứa cho những ai yêu Ngài.” (Gia-cơ 1:12).

Trong cuộc sống của chúng ta phải chiến tranh không ngừng nghỉ với ma quỷ và những bẫy rập của chúng. bằng cách chúng ta phải có sự tỉnh thức, tương giao mật thiết với Thiên Chúa, kêu cầu Chúa giải cứu mỗi khi cám dỗ đến và nhân danh Chúa để xua đuổi nó đi. và điều quan trọng là chúng ta không tự đặt mình vào môi trường cám dỗ, nếu chúng ta tự đặt mình vào đó thì chúng ta dễ dàng sập bẫy mà Chúa cũng không thể cứu chúng ta. Vì chúng ta đã chọn đặt mình vào sự cám dỗ đó. 

2. Cách đối diện và chiến thắng sự cám dỗ.

Có ba bước:

  •  Bước thứ nhất: Kêu cầu Chúa xin Chúa cứu mình ra khỏi sự cám dỗ đó, nêu tên đích danh sự cám dỗ đó. Tà dâm, tham lam, nói dối, kiêu ngạo…
  • Bước thứ hai: Nhân danh Chúa xua đuổi sự cám dỗ đó nêu đúng tên của sự cám dỗ đang đến với mình, Tà dâm, nói dối, kiêu ngạo…Chúng ta nói như sau: 

“Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, ta truyền cho sự cám dỗ tà dâm, nói dối, kiêu ngạo, hãy lui ra khỏi ta, A-men!” A-men! có nghĩa là xin được như vậy.

  • Bước thứ ba: Chúng ta phải lập tức rời khỏi môi trường cám dỗ đó, không tự đặt mình vào môi trường bị cám dỗ. 

Vì trong sự ấy, chính mình Ngài khốn khổ {khi} bị cám dỗ hoặc bị thử thách, nên Ngài có thể cứu giúp những ai bị cám dỗ hoặc bị thử thách.” (Hê-bơ-rơ 2:18).

Cảm tạ Chúa chúng ta là con cái của Chúa, Chúa ban cho chúng ta Lẽ Thật, Lời Hằng Sống của Chúa và Đức Thánh Linh ngày đêm cáo trách chúng ta khi chúng ta làm sai, phạm tội với Chúa, để chúng ta kịp thời ăn năn sửa sai. Cảm tạ Chúa vì chúng ta được Chúa ban cho danh của Ngài để chúng ta xua đuổi những cám dỗ đến với chúng ta, phần quang trọng không kém nữa là mỗi tấm lòng của chúng ta, có thật sự gớm ghiếc tội, ghét tội, muốn tránh xa tội hay không.  Cầu xin Đức Thánh Linh soi sáng cho các con, ban năng lực cho các con để các con chiến thắng được những cám dỗ xung quanh các con. Xin Chúa giúp các con luôn tỉnh thức trước những cám dỗ mà mạnh mẽ cậy ơn Chúa mà chiến thắng mọi cám dỗ xảy đến. A-men!

Câu hỏi 
1/ Cám dỗ là sự khơi gợi lòng ham muốn, dẫn dụ khiến cho con người sa ngã vào những sự phạm tội, xấu xa, vi phạm điều răn luật pháp của Thiên Chúa.
a/ Đúng.
b/ Sai.

2/ Môi trường của sự cám dỗ là:
a/ Ở nhà, ở trường.
b/ Ở khắp mọi nơi.
c/ Khi thức lẫn khi ngủ.
d/ Tất cả điều đúng.

3/ Điểm yếu của bạn là gì?

4.1/ Cám dỗ có nguy hiểm không?
a/ Có.
b/ Không.

4.2/ Vì sao cám dỗ nguy hiểm ?

5/ Để chiến thắng sự cám dỗ chúng ta phải làm như thế nào?

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thùy Linh