Câu Gốc Mỗi Tuần (24/08/2019)

Con Dân Chúa và Hai Nếp Sống

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thương mến,

 “Ai đi theo sự ngay thẳng kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; Còn ai ăn ở điều sai trái khinh bỉ Ngài.” (Châm Ngôn 14:2).

Hôm nay cô mời các con lắng nghe câu chuyện ngụ ngôn dưới đây nhé. 

Câu chuyện ngụ ngôn có tựa đề: Vị Vua Tốt Bụng. 

Ở một đất nước nọ có một vị vua nổi tiếng là khôn ngoan, tài giỏi, nhân ái. Đất nước mà ông cai trị thật phồn thịnh và người dân có đời sống sung túc, an vui. Người dân và các quan hạn lúc bấy giờ rất tôn kính vị vua này. Tuy nhiên cũng có một số quan không mấy gì tôn kính vua. Họ chỉ tung hô ngoài môi miệng nhưng bên trong họ lại không vâng phục nhà vua. 

Một hôm nhà vua triệu các quan vào trong cung để bàn luận và đưa ra những kế hoạch cho đất nước. Sau khi các vị quan của các tỉnh thành đã ổn định chỗ ngồi thì nhà vua cất tiếng phán bảo;

Trong năm nay đất nước có phần suy yếu do mùa màng thất bát, người dân lao khổ, thiếu thốn. Nên ta sẽ giảm thuế và trích một phần lương thực trong triều đình mà phân phát cho dân nghèo đói, dân giàu thì nước mới mạnh được. Các ngươi cũng hãy góp sức cùng ta mà từng địa phương, lẫn các tỉnh ra sức giúp đỡ cho người dân nghèo qua cơn khốn khó này. 

Sau khi vua vừa dứt lời, những cặp mắt láo liên của các vị quan nhìn nhau. Không ai có ý kiến gì cả. Người thì mừng rỡ gật gù thán phục, người thì lặng im tỏ vẻ không được hài lòng, nhưng vì lệnh vua thì phải thi hành. Tất cả điều cùng nhận một lệnh chiếu chỉ.

Khi chiếu chỉ nhà vua ban ra. Những vị quan, ngay thẳng, tôn kính vua họ làm đúng y theo những gì mà nhà vua đã ra lệnh, thậm chí họ còn trích của cải của mình để chung tay cứu giúp cho dân nghèo. Dân chúng vui mừng hết lời khen ngợi vua với lòng biết ơn. Cũng có những vị quan họ vẫn nhận chiếu lệnh nhưng lại làm khác đi. Họ chẳng những không giúp dân mà còn lén lúc cất dấu lương thực của triều đình mà thu gom vào nhà họ. Họ ngang nhiên làm nghịch lại ý vua, không chấp hành, xem thường mệnh lệnh của vua.

Ngày kia khi vua giả dạng thường dân đi trực tiếp xem đời sống của dân chúng có khá hơn không sau lần ra chiếu chỉ. Những khu làng được cứu giúp thì họ có cuộc sống tốt hơn, họ có sức khỏe cày cấy ruộng đồng, con cái khôn lớn, khỏe mạnh. Vua lấy làm rất hài lòng và ra lệnh thăng chức, ban thưởng cho các vị quan đã làm tốt nhiệm vụ. 

Đi một đổi qua làng bên cạnh vua cảm thấy mệt và ngồi nghỉ ngơi dưới một tán cây to, vua bắt đầu quan sát ngôi làng này, và lấy làm đắn đo suy nghĩ, bởi vì cuộc sống của người dân hoàn toàn khác với làng bên kia. Họ nghèo đói, gầy còm, ốm đau, ngoài đồng thì lưa thưa những ruộng lúa thất mùa. Vua lấy làm nóng lòng và gọi một người dân lại hỏi chuyện thì biết rằng do mùa màng thất bát, hạn hán kéo dài, người dân đói khổ, không đủ ăn, không được tiếp trợ. Vua nổi giận lên đường ngay về cung và truyền lệnh bắt hết tất cả những quan tham ô, không vâng phục ý chỉ của nhà vua, dám xem thường mệnh lệnh của vua mà ngang nhiên chống lại, ăn ở bất nghĩa, không có tình người. Nhà vua cho bỏ tù và xử tử hết những quan tham ô, bất trung đó, tịch thu hết tài sản của họ mà phân phát cho dân nghèo và đưa các vị quan khác về thay thế cai quản. 

Ít lâu sau vua lại gỉa dạng dân thường đi khảo sát lại lần nữa, xem đời sống người dân có tiến triển hay không. Lần này vua lấy làm vui và vừa lòng khi nhìn những cánh đồng xanh ngát, trẻ con nô đùa quanh những khu làng nhỏ, người dân cặm cụi bên những thửa ruộng, luống rau, có người thì câu cá, có người gánh nước bên sông, xa xa những cánh đồng bọn trẻ chăn trâu thổi sáo nô đùa. Mùi rạ mới làm vua thấy thật thoải mái và thích thú quên hết những mệt mỏi trong cung. Tối hôm ấy, vua được người dân mời dùng bữa tối với những món ăn đơn sơ đạm bạc, mà sao vua vẫn thấy ngon miệng  và đặc biệt vô cùng. 

Các con thương mến, câu chuyện của chúng ta đến đây là hết rồi, 

Ngụ có nghĩa là: gửi gắm. Ngôn có nghĩa là: lời nói. Chuyện ngụ ngôn là chuyện gửi vào trong lời nói một lẽ thật về đạo đức hoặc đức tin, để dạy dỗ người nghe. Câu chuyện hôm nay cô kể cho các con nghe về một vị vua tốt bụng và có hai loại người cùng làm việc với vua, một là những vị quan luôn vâng lời và tôn kính nhà vua, kết quả làm việc của họ đạt kết quả cao và được vua hài lòng,  và những vị quan bất trung, không vâng phục vua, xem thường mệnh lệnh của nhà vua. Kết cục họ phải nhận lấy hình phạt cho chính mình. 

Câu chuyện có liên quan đến bài học của chúng ta ngày hôm nay, giúp cho các con dễ hình dung và dễ hiểu hơn. Về hành động, của hai con người kính sợ vua và không kính sợ nhà vua qua việc làm, cách ăn ở của họ. 

Câu “Ai đi theo sự ngay thẳng kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” có nghĩa là những ai có lòng kính sợ, tôn kính Thiên Chúa thì luôn đi trong sự ngay thẳng, làm đúng theo những gì Thiên Chúa phán bảo, trung thành, hết lòng mà làm mà không dám làm sai điều răn luật pháp của Thiên Chúa. Ngay thẳng có nghĩa là chân thật và ngay thẳng, không gian dối, không tư vị. 

Trong Thánh Kinh cựu ước ghi lại cho chúng ta những tấm gương của những vị vua một lòng kính sợ Chúa, làm theo mệnh lệnh của Thiên Chúa như vua Giô-si-a, vua Đa-vít, vua Ê-xê-chia, A-sa…Được chép lại trong hai sách I Các Vua và II Các Vua, có thời gian các con nên đọc hai sách này để biết thêm và học hỏi thêm về những tấm gương của các vị vua thời cựu ước. 

Tiếp theo câu: “Còn ai ăn ở điều sai trái khinh bỉ Ngài.” Nghĩa là đời sống không phân phục của chúng ta, cách ăn ở nếp sống của chúng ta không như những gì Chúa truyền dạy, chúng ta ngang nhiên làm nghịch lại ý muốn của Thiên Chúa, ăn ở điều sai trái là nếp sống của chúng ta không đúng với tiêu chuẩn điều răn của Thiên Chúa. Khinh bỉ là Hành động đó là sự xem thường Chúa. làm xấu danh Chúa. Trong hai sách Các Vua I, II cũng có ghi lại những gương xấu của những vị vua chống nghịch Thiên Chúa và không vâng lời Chúa, xem thường những lời cảnh cáo của Chúa, kết quả là họ nhận lấy những hậu quả đáng kinh khiếp cho sự bội nghịch của mình. 

Các con thử tưởng tượng ba mẹ các con nói rằng con không được đi chơi với bạn đó nữa, vì bạn đó là người xấu. Nhưng các con vẫn ngày ngày đi học rồi chơi cùng, đi cùng, tham gia những trò chơi không lành mạnh. Mặc dù cha mẹ nhiều lần nhắc nhở, thậm chí đánh đòn các con mà các con vẫn không thay đổi thì hành động đó có phải là các con đã khinh bỉ, xem thường ba mẹ mình hay không? 

Chúa dạy chúng ta không được nói dối, tham lam, tà dâm mà các con vẫn nói dối, vẫn tham lam, vẫn xem các sách báo khiêu gợi vậy có phải các con đã khinh bỉ, xem thường lời phán dạy của Chúa hay không? 

Chúa dạy chúng ta phải học và suy ngẫm Lời Chúa, ngày đêm cẩn thận làm theo mà các con có thời gian thì chơi game, đi chơi với bạn bè, xem tivi…Hành động đó có phải các con ngang nhiên làm nghịch lại lời phán dạy của Chúa hay không? 

Trong những buổi thờ phượng Chúa, có Chúa hiện hiện diện mà các con không tập trung, lo ra, làm việc khác, không có lòng sốt sắng tham gia trong những tiết mục cầu nguyện, hát tôn vinh, nhóm cho có lệ, cho xong thì các con suy nghĩ xem những hành động đó có là sự chúng ta đang khinh bỉ Thiên Chúa không?

Một người kính sợ Thiên Chúa sẽ luôn hết lòng, hết sức làm theo những lời phán dạy của Chúa, cho dù người đó còn thiếu hiểu biết, còn yếu đuối nhưng trong lòng họ vẫn luôn mong muốn, khao khát sống thánh khiết, đẹp lòng Chúa, làm theo Lời Chúa đó là một người ăn ở ngay thẳng, vì họ kính sợ Chúa, tôn kính Chúa, luôn muốn Chúa đẹp lòng. 

Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, ấy là ghét điều ác; Ta ghét sự kiêu ngạo, xấc xược, con đường ác, và miệng gian tà”. (Châm Ngôn 8:13).

Còn một người khinh bỉ Chúa thì hoàn toàn ngược lại. Khinh bỉ Thiên Chúa là chúng ta đã phạm tội trọng với Chúa. Sự khinh bỉ Thiên Chúa thể hiện qua nếp sống mỗi ngày của chúng ta, hành động, lời nói, suy nghĩ của chúng ta. để người khác nhìn vào có tôn vinh Chúa chúng ta hay không hay cười nhạo danh Chúa. 

Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu sự tri thức; Còn kẻ ngu dại khinh bỉ sự khôn sáng và lời khuyên dạy.” (Châm Ngôn 1:7).

Kẻ nào khinh lời dạy, ắt bị hư bại; Còn ai kính sợ mệnh lệnh, người ấy được ban thưởng.” ( Châm Ngôn 13:13).

Nhưng kẻ ác sẽ chẳng được phước; cũng sẽ không được sống lâu, vì đời nó giống như bóng qua; ấy tại nó không kính sợ trước mặt Thiên Chúa.” (Truyền Đạo 8:13).

Trong độ tuổi của các con cô tin rằng các con đã biết phân biệt điều nào là ngay thẳng, điều nào là sai trái, điều nào là tốt điều nào là xấu. 

Kết luận: Sự chúng ta kính sợ Thiên Chúa là thể hiện qua việc làm và nếp sống của chúng ta trong cuộc đời này. Chúng ta sẽ nhận được phước và thật nhiều lời hứa của Chúa cho những ai kính sợ Chúa. Còn những ai khinh bỉ Chúa, khinh lờn lời dạy dỗ, luật pháp của Thiên Chúa sẽ nhận lấy sự giận dữ và hình phạt từ nơi Chúa. 

Kìa, mắt của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở trên những người kính sợ Ngài, ở trên những người trông cậy sự từ ái của Ngài.” (Thi Thiên 33:18).

 Bài học ngày hôm nay lần nữa nhắc nhớ chúng ta phải hết sức cẩn thận trong nếp sống hằng ngày của mình, có đôi khi chúng ta không biết, thiếu hiểu biết mà vô tình phạm tội với Chúa, xem thường Chúa qua sự chúng ta không nghe và làm theo Lời Chúa phán dạy. Nếu trong thời gian qua các con đã có những việc làm nào không đẹp lòng Chúa, không ngay thẳng trước Chúa thì các con hãy ăn năn và xin Chúa ban năng lực giúp các con từ nay về sau được đổi mới và có mọt đời sống kính sợ Chúa. Vì ai xem thường Chúa, khinh bỉ Chúa thì sẽ nhận lãnh hậu quả đáng kinh khiếp cho mình. Đời này lẫn đời sau. Nguyện xin Đức Thánh Linh dẫn dắt và ban năng lực cho các con để các con chiến thắng mọi cám dỗ mà có đời sống đẹp lòng Chúa, xứng đáng là con trai, con gái ngoan của Thiên Chúa. A-men!

Câu hỏi:

1/ Nếp sống nào dưới đây là nếp sống ngay thẳng, nếp sống kính sợ Chúa?

a/ Làm theo những gì Chúa đã phán dạy.

b/ Luôn đối xử công bình không tư vị.

c/ Chỉ cần yêu anh chị em trong Chúa không cần yêu người ngoài.

2/ Nếp sống nào dưới đây là ăn ở điều sai trái?

a/ Chăm chỉ học Lời Chúa.

b/ Hiểu biết Lời Chúa nhưng không làm theo.

c/ Yêu Chúa và yêu người.

d/ Xem thường Chúa, không làm theo Lời Chúa. 

3/ ăn ở điều sai trái có phạm tội không? Vì sao? 

4/ Những điều gì còn sai trái trong nếp sống của bạn cần phải từ bỏ? hãy nêu một vài ví dụ cụ thể. 

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thùy Linh