Các em thiếu nhi thân mến,
Câu gốc hôm nay nhắc nhở chúng ta về đời sống riêng tư của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ.
“Xong rồi, Ngài lên núi để cầu nguyện riêng; đến tối, Ngài ở đó một mình.” (Ma-thi-ơ 14:23).
Trong suốt phân đoạn Thánh Kinh Ma-thi-ơ 14 và trước đó nữa, chúng ta nhìn thấy được Chúa Jesus đã luôn đi trong sự vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha khi làm ra những việc lạ lùng, phi thường trong sự chữa bệnh, đuổi quỷ, và sau này còn có cả sự gọi người chết sống lại nữa. Rất nhiều lúc Ngài phải đối diện với sự bách hại, khó khăn, làm khổ từ các thế lực thù nghịch Chúa.
Theo lẽ thường, chúng ta thường hay nghĩ rằng Chúa Jesus vốn dĩ là Thiên Chúa, tự bản thân Ngài luôn có năng quyền để thực thi được mọi việc Ngài muốn, nên có thể với Ngài không quá quan trọng việc phải cầu nguyện với Chúa Cha. Đúng là Ngài quyền năng thật vì Ngài là Thiên Chúa. Nhưng khi còn trong thân xác của loài người, Ngài làm đúng như những gì Ngài giảng dạy về sự cầu nguyện, rằng:
“Nhưng ngươi, khi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng của ngươi, đóng cửa của ngươi lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi, Đấng ở nơi kín nhiệm; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi cách công khai.” (Ma-thi-ơ 6:6).
Chúa Jesus không có phòng riêng để đóng cửa cầu nguyện nhưng xuyên suốt theo Lời Chúa, chúng ta nhìn thấy đời sống của Đức Chúa Jesus chính là đời sống của sự cầu nguyện luôn luôn, sự tương giao mật thiết cách riêng tư của Ngài với Đức Chúa Trời luôn được thiết lập vững chắc và đặt lên hàng đầu. Ngoài sự cầu nguyện với Đức Chúa Cha luôn luôn trong tâm thần ở mọi nơi thì khi nào có thể Ngài đều tìm kiếm một nơi vắng vẻ, riêng tư để một mình đến với Đức Chúa Trời như các chi tiết khác nhau trong bốn sách Tin Lành ghi lại:
“Sáng hôm sau trời còn mờ mờ, Ngài trỗi dậy, bước ra, đi vào nơi hoang vắng, và cầu nguyện tại đó.” (Mác 1:35).
“Trong lúc đó, Đức Chúa Jesus đi lên núi để cầu nguyện; và thức suốt đêm cầu nguyện Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 6:12).
Và trước giờ Ngài chịu thương khó để chuộc tội cho nhân loại thì Ngài lại càng đến gần với Đức Chúa Cha hơn:
“Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như những giọt máu lớn rơi xuống đất.” (Lu-ca 22:44).
Không chỉ riêng Đức Chúa Jesus mà tất cả thánh đồ thời cựu ước cũng luôn có đời sống cầu nguyện, như tác giả Thi Thiên là một điển hình:
“Còn tôi, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ơi, tôi kêu cầu cùng Ngài; vừa sáng lời cầu nguyện tôi sẽ thấu đến trước mặt Ngài.” (Thi Thiên 88:13).
“Nguyện lời cầu nguyện của tôi được thiết lập trước mặt Ngài {như} hương. Nguyện sự giơ tay của tôi {như} của lễ buổi chiều!” (Thi Thiên 141:2).
Còn chúng ta ngày hôm nay, có lẽ ai tin theo Chúa đều mong ước được kinh nghiệm những việc quyền năng, phép lạ từ Chúa, đặc biệt là luôn mong muốn được Chúa đáp lời những điều mình cầu xin. Bản thân sự đáp lời của Chúa đã là một phép lạ vì một Đức Chúa Trời mình không thấy được nhưng qua những sự đáp lời của Ngài mà chúng ta biết Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta, chăm sóc chúng ta, lắng nghe chúng ta.
Nhưng có một điều nghịch lý là chúng ta thường không ưu tiên cho sự cầu nguyện tương giao với Đức Chúa Cha trong chốn riêng tư của mình. Ngày nay, khi những sự giải trí càng ngày càng đa dạng, hấp dẫn, con người ta thường dễ buông lỏng bản thân, thả mình vào vô vàn những trò vui của thế gian qua mạng xã hội, quên đi sự tìm kiếm thánh ý Chúa, quên đi mối tương giao không thể thiếu giữa tạo vật và Đấng Tạo Hóa, bởi vậy mà thế gian mới đầy dẫy những sự gian ác, đau khổ, bất công chồng chất lên nhau.
Nếu chúng ta là những người trong Hội Thánh mà cũng lơ là như vậy, tự cho bản thân mình một chút thảnh thơi, dễ dàng thỏa hiệp với những thú vui tạm bợ thì sớm muộn chúng ta cũng nguội lạnh dần đi tình yêu với Chúa, đánh mất đức tin và bỏ cuộc. Dù lớn hay nhỏ, ở lứa tuổi hay cấp bậc nào, sự thiếu kỉ luật sẽ nhanh chóng dẫn chúng ta đến sự lui đi trong đức tin mình. Vậy, chúng ta hãy biết sắm sửa lại đời sống của chính mình, kỉ luật bản thân để làm như Lời Chúa Jesus khi xưa phán dặn rằng:
“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các ngươi không rơi vào sự cám dỗ! Tâm thần thật muốn lắm nhưng xác thịt thì yếu đuối.” (Ma-thi-ơ 26:41).
Chị xin dùng câu chuyện chị sưu tầm được sau đây để khích lệ chúng ta phải bền đỗ luôn trong sự cầu nguyện của mình.
“Trong một truyện tranh mô tả về một người gặp khó khăn, anh ta đã hướng lòng về Chúa trong sự cầu nguyện, anh hi vọng Chúa sẽ nhanh chóng đáp lời anh, thực hiện ước ao của anh.
Thế nhưng, qua một thời gian, hình như không có gì thay đổi, anh bắt đầu mất kiên nhẫn nhưng vẫn tiếp tục cầu nguyện, chỉ là lúc này, anh đặt rất nhiều câu hỏi trong khi cầu nguyện:
“Chúa ơi, Ngài có nghe thấy lời cầu nguyện của con không?
Chúa ơi, Ngài đang ở đâu?
Chúa ơi, tại sao những việc này lại xảy đến với con?
Chúa ơi, tại sao Ngài vẫn chưa đáp lời con kêu cầu?”
Rồi một khoảng thời gian nữa lại trôi qua, tình hình dường như vẫn không chuyển biến tốt hơn, anh không cầu nguyện nữa và chọn cách bỏ cuộc. Nhưng vào chính lúc đó, anh không biết rằng, ân điển và sự ban phước của Chúa đang đến gần với anh, sắp sửa giáng xuống trên anh nhưng anh đã bỏ cuộc, không cần đến nữa rồi.
Gần đây, trên mạng có một bài viết với tiêu đề là:
“Bạn có nguyện vì sự đáp lời của Chúa mà chờ đợi 10 năm không?”
Trong thuận cảnh, có thể kiên trì chờ đợi đã là một điều không dễ dàng, huống hồ là khi nghịch cảnh mà có thể kiên định trong đức tin, nhẫn nại cách ngoan cường, bền chí đợi chờ mà không bỏ cuộc là điều thật khó!
10 năm đây chẳng qua chỉ là một thời gian giả định mà thôi. Thật ra chúng ta không biết khi nào lời cầu nguyện của mình được Chúa nhậm.
Có những lúc, sự đáp lời của Chúa đến rất nhanh khiến lòng chúng ta cảm động và lập tức dâng lên Chúa lời tôn vinh, cảm tạ.
Nhưng cũng có những lúc, Chúa không nhanh chóng đáp lời cầu xin của chúng ta, bởi lẽ Chúa có ý định và thời điểm riêng của Ngài.
Nhưng nếu chúng ta giữ vững đức tin, nương dựa vào Chúa để chịu đựng và chờ đợi cho đến thời điểm của Chúa, chúng ta sẽ luôn thấy rằng ân điển Chúa ban cho luôn tốt lành hơn những gì chúng ta cầu xin và suy tưởng.
Nhưng nếu chúng ta chọn bỏ cuộc giữa chừng, chúng ta sẽ bỏ lỡ những phước lành mà Chúa muốn ban cho chúng ta.
Trong II Ti-mô-thê chương 4 câu 7, Phao-lô đã nói trước khi chết:
“Ta đã đánh một trận đánh tốt lành. Ta đã xong cuộc đua. Ta đã giữ đức tin.”
Thưa anh chị em, một ngày nào đó tất cả chúng ta sẽ được tận mắt nhìn thấy Chúa, nguyện ngày đó tất cả chúng ta sẽ bình thản đối diện với Chúa và thưa rằng: Lạy Chúa, con đã tận lực rồi, con đã không bỏ cuộc.”
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Nguyễn Thị Trinh.