Câu Gốc Mỗi Tuần (5/6/2021)

Các em thiếu nhi thân mến.

Hôm nay chúng ta cùng nhau đến với sự dạy dỗ qua câu gốc trong Ma-thi-ơ 15:27

“Người đàn bà lại thưa rằng: Lạy Chúa, thật như vậy, nhưng mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống.”

Có rất nhiều tấm gương tốt được ghi lại trong Thánh Kinh để qua đó chúng ta học được nếp sống như thế nào cho đẹp lòng Chúa. Người đàn bà Ca-na-an này cùng vậy.

Bà đến với Chúa bởi tình yêu rất lớn bà dành cho con gái của mình, vì con bà mắc quỷ ốm rất là khốn khổ. Khi bà tìm đến sự cứu giúp từ Chúa thì chắc chắn bà đã có tìm biết về Chúa và đã đặt đức tin nơi Chúa trước khi đến với Ngài. Cho đến khi bà tỏ ra những lời như câu gốc trên thì đức tin của bà trước đó đã được nhen nhóm, được lập nền tảng qua những điều bà nghe biết về Chúa. Vậy bà đã tin vào điều gì nơi Chúa?

Có hai điều cơn bản bà tin mà chúng ta có thể thấy rất rõ ở đây:

1/ Bà tin vào quyền năng của Chúa, rằng Chúa có thể chữa lành cho con bà.

2/ Bà tin vào lòng thương xót của Chúa, rằng dù địa vị bà là một người ngoại đi nữa thì điều đó cũng sẽ không phải là rào cản đối với lòng thương xót của Chúa dành cho bà.

Chúng ta chú ý và thử đặt bản thân mình vào vị trí của bà.

+ Lặn lội đường xa, tìm đến với Chúa, ôm trong lòng một đức tin đầy dẫy vào tình yêu thương, lòng thương xót của Chúa.

=> Khi các em đến tìm kiếm Chúa trong sự cầu nguyện thì các em có đức tin đầy dẫy vào tình yêu thương, vào lòng thương xót của Chúa dành cho các em không? Hay chỉ cầu nguyện theo hình thức, Chúa đáp lời hay không cũng không quan trọng?

Nên ghi nhớ, chúng ta không được phép, không có quyền ép Chúa phải đáp lời như điều mình xin, theo thời điểm mình muốn; bởi sự đáp lời là bởi thánh ý Chúa. Nhưng không phải vì vậy mà mình chỉ đến với Chúa cho có lệ. Chúng ta phải hiểu rằng Chúa luôn sẵn sàng ban cho và luôn muốn lập tức đáp lời mình, Chúa không chậm trễ về những gì Ngài đã hứa với mình trong Thánh Kinh về sự chữa lành, sự thêm sức, sự chu cấp… của Ngài. Nhưng trong sự biết trước của Chúa, Chúa biết điều gì và khi nào mới là tốt nhất cho chúng ta. Nên mình phải tin Chúa.

+ Khi gặp được Chúa thì bà chỉ như một con kiến nhỏ bé, bị lọt thỏm vào giữa đoàn dân đông, bà nhìn biết về Chúa nhưng chưa chắc là Chúa đã nhìn thấy bà, vì đoàn người quá đông. Tuy nhiên, điều đó không phải là rào cản để bà nhụt chí, thối lui. Bởi bà thật sự cần Chúa đến nỗi không có không được.

Chúa chắc chắn sẽ có nhiều lúc đẩy chúng ta vào những hoàn cảnh mà không có Chúa không được để chúng ta tự mình chạy đến tìm Chúa cứu giúp. Khi đến với Chúa, kêu cầu Chúa thì có nhiều lúc mình thấy mình nhỏ bé quá, có thể Chúa không nghe đâu như chính hoàn cảnh của người đàn bà này vậy. Nhưng lời Chúa nói gì: Đức Chúa Trời yêu cả thế gian (Giăng 3:16), không ngoại trừ một người nào cả, Chúa biết cá nhân từng linh hồn, Chúa quan tâm từng linh hồn qua sự chăm lo cho sự sống của chúng ta mỗi ngày. Nhưng điều Chúa cần nơi chúng ta là phải biết tự mình chạy đến với Chúa. Chúa yêu chúng ta, Chúa làm hết những gì mà một Đấng Toàn Năng có thể làm, nhưng nếu chúng ta không đáp lại bởi sự chạy đến với Chúa cách hết lòng thì chúng ta sẽ chẳng nhận được gì cả.

+ Khi bà lên tiếng kêu cầu sự thương xót của Chúa thì Ngài chẳng đáp một lời. Môn đồ nghe thấy thì xin Chúa truyền cho bà về, lúc này Chúa cũng không hề nói gì với bà mà Chúa chỉ nói với môn đồ là Chúa được sai đến là để cứu dân I-sơ-ra-ên trước chứ không phải là vì dân ngoại trước.

=> Nếu là chúng ta vào lúc này, chúng ta có tự ái không, có tủi thân không, có bắt đầu nghi ngờ bản thân mình không xứng đáng và nghi ngờ vào sự thương xót của Chúa không?

Nhưng đối với người đàn bà này thì không. Chúa không nói với bà, nhưng khi bà nghe Chúa nói với người khác như là đang từ chối giúp bà giải quyết nan đề thì bà không ngần ngại, không tự ái mà tự bày tỏ đức tin và sự hạ mình, khiêm nhường của mình. Bà đồng ý và khẳng định Lời Chúa nói là phải: “Không nên đem bánh của con cái mà cho chó con ăn”. Bà không hề có sự kiêu ngạo nơi lòng, đòi dành phần chung với những người mà Chúa gọi ở đây là “con cái nơi bàn của chủ”, nhưng bà tin chủ là người tốt, chủ sẽ không đuổi bà đi khi bà đang đói khát ân huệ của chủ. Bà nhận thức được địa vị Chúa ban cho bà và chực chờ những ân huệ rơi rớt từ nơi bàn của chủ xuống, với bà như thế là quá đủ. Đây đúng là một đức tin rất lớn vào sự thương xót của Chúa mà người đàn bà Ca-na-an đã thể hiện.

Sự hạ mình tuyệt đối, tin cách tuyệt đối của bà chẳng những không khiến bà bị xem thường mà còn khiến bà nên tôn trọng vì được Chúa khen là có đức tin lớn, dẫn đến phép lạ lớn Chúa đã làm ra cho bà là chữa lành cho con gái bà mặc dù Chúa không hề gặp mặt con của bà. Đức tin của bà khiến cho Chúa động lòng thương xót, khiến Chúa thay đổi ý định ban đầu mà cứu giúp bà là một người ngoại vào thời điểm này. Đây là kết quả tốt đẹp của đức tin. Tấm gương của bà được ghi lại trong Thánh Kinh và vẫn sống động qua hàng nghìn năm.

Và lời Chúa trong sách Giăng 6:37 như một lời khẳng định: Thật Chúa chẳng từ chối người nào tìm đến với Ngài.

“Những ai mà Cha ban cho Ta sẽ đến với Ta. Ai đến với Ta, Ta sẽ không đuổi ra ngoài.”

Tấm gương về sự hạ mình, khiêm nhường của bà đã kết quả cũng chính là sự khẳng định cho Lời Chúa trong Châm Ngôn 29:23

“Sự kiêu ngạo của một người sẽ làm hạ người ấy xuống; nhưng người có thần trí khiêm nhường sẽ được sự tôn trọng.”

+ Thêm một sự suy ngẫm đặc biệt nơi người đàn bà này nữa là: Bà đến với Chúa là vì tình yêu thương bà dành cho con của bà, con của bà bị bệnh nên bà tìm đến xin Chúa cứu giúp.

Điều này khiến cho chúng ta cũng suy ngẫm thêm về đời sống của mình. Tình yêu thương giữa người với người là một điều quan trọng, nó như là một sợi dây kéo chúng ta lại gần với nhau hơn và gần Chúa hơn. Nhiều lúc chúng ta không chủ động đến với Chúa cho nhu cầu của chính bản thân mình, nhưng khi chúng ta nhìn thấy sự bệnh tật, nghèo khó, đau khổ của người khác, điều đó chạm vào lòng chúng ta, khiến chúng ta đồng cảm và quyết dốc lòng chạy đến để cầu xin Chúa thay cho người đó. Đây là một điều hết sức đẹp lòng Chúa.

Cầu xin Chúa cũng đặt để nơi tấm lòng của mỗi chúng ta có được tình yêu thương anh chị em, yêu thương người lân cận mình như vậy để chúng ta ngày càng kinh nghiệm nhiều hơn về Chúa khi chúng ta được gần gũi bên Ngài.

  • Kết luận:

Theo Chúa là một hành trình dài, gian nan và rất nhiều lúc chúng ta dễ bỏ cuộc giữa chừng. Âm thanh của cuộc đời, của xã hội tân tiến ngày này đang lôi kéo tín đồ vào những sự của thế gian hơn là đến gần Chúa trong sự yên tĩnh, vào phòng riêng mà cầu nguyện. Đó là một mối nguy hiểm rất lớn cho linh hồn mình. Nếu chúng ta không thực sự nhận biết trong thần trí và đặt đức tin tuyệt đối vào lòng thương xót của Chúa, nếu chúng ta vẫn giữ sự kiêu ngạo khi tự cho rằng mình có thể giải quyết được cho nan đề của mình, và nếu chúng ta vẫn giữ tự ái khi thấy Chúa chưa đáp lời theo ý mình, theo thời điểm mình muốn thì chúng ta chẳng thể nào kinh nghiệm được sự bình an, vui thỏa, phước hạnh trong mối quan hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa toàn năng khi chúng ta cầu xin và Ngài đáp lời.

Chúng thật sự cần phải hiểu biết cách cá nhân về bản tính của Thiên Chúa.

Lời Chúa trong Thi Thiên 25:6 có chép

“Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, xin hãy nhớ lại sự thương xót và sự từ ái của Ngài. Vì hai điều ấy hằng có từ xưa.” (Thi Thiên 25:6).

Sự từ ái và sự thương xót của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là hằng có từ xa xưa.

Và chính Thiên Chúa cũng tự tỏ mình với Môi-se:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đi ngang qua mặt ông, hô rằng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Thiên Chúa từ ái, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ, và chân thật; ban ơn đến nhiều ngàn đời, tha thứ sự gian ác, sự phản nghịch, và tội lỗi; nhưng chẳng bỏ qua tội lỗi; và phạt tội của tổ phụ trên con và cháu đến đời thứ ba và đời thứ tư.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6-7)

Nguyện đời sống cá nhân của mỗi chúng ta là một môi trường để nuôi dưỡng đức tin của mỗi người, giúp chúng ta biết Chúa là Đấng như thế nào, và qua chúng ta là danh Chúa luôn được tôn vinh. Để chúng ta biết kính và biết sợ Ngài.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Nguyễn Thị Trinh.