Câu Gốc Mỗi Tuần (12/06/2021)

Lời Kêu Gọi Thứ Bảy

Hãy Trung Tín Cho Đến Chết (Phần 01)

 

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thương mến!

Chúng ta đã cùng nhau học qua 06 lời kêu gọi của Chúa, hôm nay chúng sẽ cùng nhau học về lời kêu gọi thứ 7 và cũng là lời kêu gọi cuối cùng của loạt bài Bảy Lời Kêu Gọi Của Chúa. 

Lời kêu gọi thứ 7 có chủ đề: Hãy Trung Tín Cho Đến Chết (Phần 01)

Câu gốc tuần này trong: 

“Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ! Kìa, Ma Quỷ sẽ ném một số các ngươi vào tù để các ngươi chịu thử thách, và các ngươi sẽ có mười ngày hoạn nạn. Hãy trung tín cho tới chết, và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống.” (Khải Huyền 2:10).

Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau học về trung tín là gì. 

Trong tiếng Hán Việt, hai từ ngữ “trung tín” và “thành tín” mang nghĩa gần giống nhau:

  • Trung tín: Ngay thẳng, đáng tin.
  • Thành tín: Chân thật, đáng tin.

Trong Thánh Kinh Việt Ngữ, chữ “thành tín” được dùng để nói về Thiên Chúa, còn chữ “trung tín” được dùng để nói về loài người. Thiên Chúa là Đấng chân thật và đáng cho chúng ta tin cậy, còn loài người chúng ta thì thường khi là không chân thật, không đáng tin, kể cả những người đã tin Chúa mà chưa chịu sống đời sống thánh khiết. Nhưng nếu chúng ta ngay thẳng nhìn nhận rằng mình là không chân thật, thì chúng ta đáng được tin. Bởi vì loài người của chúng ta vốn đã nhiệm tội, tội lỗi làm cho những đức tín tốt đẹp mà Thiên Chúa đã dựng nên loài người từ ban đầu bị băng hoại đi, nói cách khác là những bản tính yêu thương- thánh khiết- công bình mà loài người được hưởng từ nơi Chúa lúc ban đầu đã mất đi, chỉ còn sót lại chút ít trong tâm thần của mỗi người. Thánh Kinh cũng cho chúng ta biết lòng người thì rất là xấu xa. Cho nên nếu chúng ta nhìn nhận rằng mình xấu xa, không chân thật thì lúc đó chúng ta đáng tin bởi vì chúng ta đã nhìn thấy được bản chất thật của mình và nhìn nhận nó một cách chân thật. 

Ví dụ có 2 người cùng chơi chung với nhau. Anh A thì lúc nào cũng thấy mình là tốt đẹp, tài giỏi, lúc nào cũng tự nhận mình là người tốt, người đáng được tin cậy, hứa hẹn đủ điều. Còn anh B thì ngược lại, lúc nào cũng nhìn thấy cái nhược điểm của mình ( nhược điểm là điểm yếu của mình) không dám nhận mình là người tốt đẹp, thấy rằng mình không đáng tin. 

Vậy theo các con anh A và anh B anh nào đáng cho chúng ta tin cậy hơn. Đó chính là anh B.

Ngoài ra trung tín còn trung tín là người đáng tin cậy, vì người ấy hết lòng, hết sức để làm tròn mọi bổn phận, mọi nghĩa vụ, hoặc mọi lời hứa của mình, bài học chúng ta đã được bác Tim chia sẻ trong bài “Trung Tín và Bất Nghĩa”  

Trên bước đường theo Chúa, chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, bao gồm mọi hình thức cám dỗ và thử thách. Chúa đã cậy Ba-na-ba và Phao-lô báo trước cho những người đã tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là: Phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được Vương Quốc của Đức Chúa Trời:

 “Khi họ đã rao truyền Tin Lành trong thành đó và làm cho nhiều người trở nên môn đồ, thì họ trở về thành Lít-trơ, thành I-cô-ni, và thành An-ti-ốt, giục các môn đồ, vững lòng, khuyên phải bền vững trong đức tin, và bảo trước rằng phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được Vương Quốc của Đức Chúa Trời.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:21-22).

Trong thí dụ về người gieo giống (Ma-thi-ơ 13:1-23), hạt giống rơi trên bốn vùng đất khác nhau. Lối đi tiêu biểu cho tấm lòng chai cứng của người không được cứu. Các vùng đất có đá, có gai, và vùng đất tốt đều tiêu biểu cho những tấm lòng vui mừng tiếp nhận Tin Lành, và được cứu. Tuy nhiên, sẽ có người không thể chịu khổ vì danh Chúa, sẽ có người quá yêu thích thế gian hoặc lo lắng về nhu cầu vật chất, mà không trung tín với Chúa, đức tin chết đi, và họ bị mất sự cứu rỗi, vì trở lại sống trong tội lỗi. Nhiều người được gọi nhưng ít người được chọn là vậy! Cửa hẹp, đường chật ít người vào là vậy!

Thử thách là những gì Đức Chúa Trời cho phép xảy ra để rèn luyện chúng ta; và để chúng ta có cơ hội thể hiện đức tin của mình nơi Chúa, bày tỏ lòng trung tín của chúng ta đối với Ngài. Thử thách luôn luôn đến từ Chúa, như Chúa đã thử Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 22).

Cám dỗ là những gì mà loài người và ma quỷ làm ra để xúi giục chúng ta phạm tội. Cùng một sự kiện có thể vừa là cám dỗ, vừa là thử thách. 

Ví dụ như một hôm chúng ta đi học về, gần về đến nhà thì chúng ta nhìn thấy một cái con khủng long bằng nhựa nằm rơi trên đường, và đúng ngay con khủng long mà mình yêu thích. Tình huống này chúng ta phải làm gì? 

Sự kiện con khủng long bằng nhựa mà đúng kiểu mẫu mình thích, hoặc những bạn nữ thì con búp bê bằng nhựa nằm rơi trên đường đó là vừa cám dỗ vừa thử thách. 

Nó cám dỗ các con về sự ham thích đồ chơi, lại đúng món mà mình yêu thích. Nếu các con nhặt nó đem về chơi thì các con đã đem hình tượng mà Chúa gớm ghiếc vào nhà mình. 

Nó là thử thách là bởi vì xem xem chúng ta có thật sự kính sợ Chúa, nhận thấy nó là hình tượng chúng ta không nhặt đem về chơi vì biết đó là tượng, Chúa của chúng ta ghét hình tượng, mặc dù chúng ta thích nó đó nhưng chúng ta chọn không chơi những đồ đó và cứ thẳng đường đi về nhà. 

Đó là tình huống thực tế nhất để các con hiểu như thế nào là vừa là cám dỗ, vừa là thử thách. 

Tất cả những sự cám dỗ của loài người và ma quỷ, tức là những sự xúi giục chúng ta phạm tội, được Chúa cho phép xảy đến với chúng ta, thì đó cũng chính là sự thử thách đến từ Chúa. Trường hợp điển hình là Chúa cho phép ma quỷ cám dỗ Gióp. Tất cả những gì do ma quỷ làm ra cho Gióp vừa là sự cám dỗ đến từ ma quỷ, vừa là sự thử thách đến từ Chúa. Cám dỗ đến từ ma quỷ là làm cho ông Gióp nản lòng, mất đức tin nơi Chúa hoặc tệ hơn là trách móc Chúa, từ bỏ không còn hết lòng trông cậy Chúa nữa. Thử thách đến từ Chúa là xem ông Gióp có còn hết lòng kính sợ Chúa, nương cậy Chúa hay không. Kết quả ông Gióp đã đắc thắng cám dỗ và vượt qua được thử thách bằng một câu nói mà trong chúng ta đây rất quen thuộc.

 “ Dù Ngài sẽ giết ta, ta {vẫn} sẽ tin cậy Ngài!”. (Gióp 13:15a)

Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, có những lúc chúng ta bị đau ốm, bị bắt bớ, bị ghét bỏ vì chúng ta tin Chúa, chúng ta bị ghẻ lạnh vì chúng ta không thể hòa nhập được với người thế gian, những lúc đó là những lúc sự cám dỗ đến với chúng ta và cũng là thử thách với chúng ta xem chúng ta có hết lòng tin cậy nơi Chúa hay không, cho dù có xảy ra bất cứ điều gì, giống như câu nói của ông Gióp. “ Dù Ngài sẽ giết ta, ta {vẫn} sẽ tin cậy Ngài!”

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ