Các em thiếu nhi thân mến,
Câu gốc trong Lê-vi Ký chương 17 câu 11 là Lời Chúa dạy dỗ về việc không được ăn máu, và về việc nhờ có sự đổ máu thì tội lỗi mới được tha thứ.
Qua các sách trong Cựu Ước, chúng ta biết rằng các con sinh tế khi được chọn để dâng lên Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm của lễ chuộc tội thì thầy tế lễ bắt con sinh, giết con sinh, rưới máu trên bàn thờ, chứ không được ăn máu đó. Vì Lời Chúa nói rất rõ rằng “mạng sống của mọi xác thịt ở trong máu”. Có nghĩa là trong máu có sự sống, chính Chúa là Đấng ban cho sự sống, Chúa không cho phép chúng ta được ăn. Ngày nay trong thời Tân Ước, Đức Thánh Linh nhắc lại điều đó trong điều răn của Ngài:
“Hãy kiêng {ăn} của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngạt, và {tránh} sự tà dâm.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29).
Vậy như thế nào là ăn máu? Ví dụ như ăn các món ăn: tiết canh, tiết nóng, các loài thú vật chết ngộp (bởi vì chết ngộp là chúng chưa được cắt máu), trứng vịt lộn, gà lộn từ 15 ngày trở lên (vì lúc đó đã hình thành con). Vì thế chúng ta không ăn những món đó.
Một số các trường hợp không phải là ăn máu, như việc đi hiến máu, khi bị bệnh cần phải nhận truyền máu vào cơ thể, lỡ nuốt phải máu mũi khi bị chảy máu cam.
Chúng ta cần phân định giữa việc ăn uống máu mà Chúa cấm và việc tiếp nhận máu khi bị bệnh.
Trong thời Cựu Ước, Chúa đã chấp nhận việc máu của các loài thú được dâng lên rưới trên bàn thờ để làm lễ chuộc tội cho người phạm tội muốn ăn năn. Điều đó là dạy dỗ cho người phạm tội biết rằng phải có sự đổ máu thì tội lỗi mới được tha.
“Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật được tẩy sạch bởi máu. Nếu không có sự đổ máu thì không có sự tha thứ.” (Hê-bơ-rơ 9:22).
Thực tế mạng sống của loài thú thì không thể thay thế cho mạng sống của loài người. Sự đổ máu của con sinh không thể có năng lực rửa sạch bản tính tội, vì thế mới phải làm thường khi, rồi 1 năm phải có đại lễ chuộc tội 1 lần.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà người phạm tội không được tha tội. Mà họ vẫn được tha tội vì họ đã có lòng ăn năn, biết vâng theo luật pháp mà Chúa đặt ra. Nên họ được tha thứ tội. Ví dụ như: Bạn A mang quạt điện trong nhà ra chơi, là một món đồ mà mẹ cấm chơi. Rồi bạn A làm hỏng chiếc quạt. Khi làm hỏng bạn A không thể sửa được quạt, vì không biết sửa. Mẹ ra hình thức kỷ luật bạn đó là đi bộ mang quạt ra đầu đường nhờ chú thợ sửa cho, rồi mang quạt về. Bạn A vâng lời mẹ, biết sai, xin lỗi mẹ và làm đúng theo lời mẹ dặn. Bạn A được mẹ tha thứ cho vì đã biết sai và vâng lời chịu sự kỷ luật của mẹ. Vậy thì không phải chú thợ sửa quạt giúp cho bạn A được tha thứ, mà bởi lòng ăn năn biết sai và sự vâng phục làm theo của bạn A giúp cho bạn được tha thứ.
Sự giết các con sinh, rưới máu để làm lễ chuộc tội thời Cựu Ước là một hình bóng để biểu trưng cho sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Trong Lê-vi Ký chương 16 chúng ta đã học biết, Đức Chúa Jesus Christ là thầy tế lễ thượng phẩm đời đời, Ngài đã dâng chính mình làm của lễ chuộc tội cho toàn nhân loại, máu của Ngài đã đổ ra để tội lỗi của loài người được Đức Chúa Trời tha thứ.
Vậy thái độ của chúng ta cần phải như thế nào đối với dòng huyết báu của Đức Chúa Jesus đã đổ ra để chuộc tội cho chùng ta?
Chúng ta cần có lòng biết ơn Chúa, yêu kính Chúa mà sống sao cho đẹp lòng Ngài, tận dụng mọi thứ Chúa ban cho chúng ta trong cuộc đời này để hầu việc Chúa.
“máu của Đấng Christ, Đấng bởi thần quyền vĩnh hằng, dâng chính mình không tì vết lên Đức Chúa Trời, sẽ tẩy sạch lương tâm của các anh chị em khỏi những việc chết để phụng sự Thiên Chúa Hằng Sống, nhiều hơn biết bao?” (Hê-bơ-rơ 9:14).
Các em tuổi còn nhỏ thì có thể hầu việc Chúa như thế nào? Trước hết là chúng ta phải có nếp sống kính sợ Chúa, cẩn thận vâng giữ các điều răn của Chúa. Tiếp đến, chúng ta hầu việc Chúa qua việc mỗi ngày chuyên tâm đọc, suy ngẫm Lời Chúa để có thể hiểu biết Lời Chúa như việc học thuộc câu gốc, chép câu gốc, suy ngẫm làm bài chia sẻ. Việc làm đó giúp ích cho chính mình và các bạn thiếu nhi khác, thì đó cũng là hầu việc Chúa. Ngoan ngoãn, vâng lời bố mẹ, chăm chỉ làm việc nhà, học tập tốt làm sáng danh Chúa, làm vui lòng bố mẹ, đó cũng là hầu việc Chúa.
Chúng ta không được cố ý phạm tội, không được sống trong tội, bởi vì làm như vậy là giày đạp máu thánh của Chúa. Ví dụ về cố ý phạm tội là biết nói không đúng sự thật là phạm tội nói dối, nhưng khi người khác hỏi thì vẫn chọn nói dối. Ví dụ về việc sống trong tội là biết mình nói dối là phạm tội nhưng không ăn năn, hoặc ăn năn xin lỗi nhưng lại tiếp tục tái phạm nhiều lần. Lời Chúa trong Hê-bơ-rơ 10: 26-29 cảnh tỉnh chúng ta về hậu quả của việc cố ý phạm tội, sống trong tội như sau:
26 Vì {nếu} chúng ta cố ý phạm tội {sau khi} đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, {thì} không còn được chừa lại {cho chúng ta} sinh tế chuộc những tội lỗi.
27 Nhưng {chỉ có} một sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu nuốt những kẻ bội nghịch.
28 Ai đã chối bỏ luật pháp của Môi-se, {thì} chết không có sự thương xót, bởi hai hay ba nhân chứng.
29 Các anh chị em nghĩ xem, hình phạt sẽ nặng hơn biết bao để xứng với kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước bởi đó {kẻ ấy} được nên thánh {là} ô uế, và sỉ nhục Đấng Thần Linh của ân điển.
Nguyện rằng qua Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta luôn ghi nhớ điều răn dạy của Chúa để làm theo, ghi nhớ công ơn cứu chuộc lớn lao của Chúa mà sống xứng đáng với tình yêu và ân điển của Ngài. Amen!
Nguyễn Thị Thu Thủy