Câu Gốc Mỗi Tuần (21/8/2021)

Các em thiếu nhi thân mến,

Câu gốc tuần này chúng ta học là:

“Vậy, bất cứ ai tự mình khiêm nhường như đứa trẻ này, người ấy sẽ là lớn hơn hết trong Vương Quốc Trời” (Ma-thi-ơ 18:4).

Ở đây chúng ta không biết đứa trẻ Chúa kêu đến và đặt ở giữa các môn đồ này là bao nhiêu tuổi, nhưng chắc ở đây là đứa trẻ chưa đến lứa tuổi mà có thể phân biệt được điều thiện và điều ác. Nghĩa là chưa đến tuổi để mà có thể cố tình phạm tội.

Ngoài ta thì cụm từ “lớn hơn hết” được dùng ở đây không phải là lớn nhất mà là được kể là lớn trong Vương Quốc Trời.

Bản tính của một đứa trẻ nhỏ là khiêm nhường, đơn sơ và thuận phục.

Đặc biệt câu gốc hôm nay ở đây nhấn mạnh đến sự khiêm nhường. Đây là đề tài đã được học ở Ma-thi-ơ 11 lần trước. Nhưng lần này chị muốn cùng các em học thêm về một khía cạnh rất quan trọng của sự khiêm nhường đó là sự học tập để lắng nghe và vâng lời.

Lời Chúa nói với Chúng ta:

“Thần của Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngự trên ta; vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã xức dầu cho ta, để giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường.” (Ê-sai 61:1a).

“Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện. Vậy, điều gì mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu tìm kiếm nơi ngươi? Chẳng phải là làm sự công chính, yêu sự nhân từ, và bước đi cách khiêm nhường với Thiên Chúa của ngươi sao?” (Mi-chê 6:8).

Thật bản tính khiêm nhường rất là quan trọng, là điều Chúa vẫn tìm kiếm ở nơi con dân Chúa.

Vậy sự khiêm nhường là gì?

Khiêm nhường là không kiêu ngạo, không khoác lác, khoe khoang quá mức giá trị thật của mình, không đòi hỏi người khác phải tôn cao mình; nhưng không hề có nghĩa là chẳng dám công nhận giá trị thật của mình, chẳng nhận mình đúng, mình sống theo Thánh Kinh, khi mình thật sự nói và sống theo Lời Chúa. Khiêm nhường cũng không có nghĩa là không công nhận công lao của mình! Nếu chúng ta thật có công, thì chúng ta thẳng thắn nhận lời khen của mọi người và dâng sự vinh quang lên Chúa. (trích từ từ điển Thánh Kinh tại đây: https://thewordtoyou.net/dictionary/Khi%C3%AAm%20nh%C6%B0%E1%BB%9Dng)

Các em thân mến, bản tính khiêm nhường được Chúa đặt để ở lứa tuổi trẻ thơ mà nhiều bạn trong phòng nhóm của chúng ta đang còn ở trong lứa tuổi đó. Sự khiêm nhường là nhìn nhận đúng giá trị của mình để luôn biết hạ mình, lắng nghe sự dạy dỗ và sốt sắng trong sự vâng phục. Đây là đức tính tốt mà chính Chúa Jesus đề cập đến tại đây.

Và có một điều chắc chắn rằng không ai muốn dạy một đứa trẻ không chịu lắng nghe, đứa trẻ mà cái gì cũng nghĩ rằng mình biết rồi và không vâng phục. Bởi vậy, nên chúng ta cần có sự khiêm nhường, biết lắng nghe sự dạy dỗ và sẵn lòng vâng phục là vậy.

Tấm lòng của sự khiêm nhường luôn cần được rèn luyện mỗi ngày, chứ không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần trong đời. Các em càng lớn, càng có nhiều sự cám dỗ để tỏ ra kiêu ngạo, không khiêm nhường nữa. Vì càng lớn, các em càng có nhiều sự hiểu biết, mà sự hiểu biết rất dễ sinh ra lòng kiêu ngạo, rồi tự làm theo ý mình. Nên các em hãy cẩn thận. Khi các em còn nhỏ, được Chúa ban cho tấm lòng biết khiêm nhường từ bé như vậy thì mình càng cần phải gìn giữ tấm lòng khiêm nhường đó theo thời gian. Vì đó là một món quà quý báu mà Chúa ban cho các em khi còn nhỏ vậy.

Cuối cùng, Lời Chúa cũng nhắc nhở rằng:

“Cũng vậy, các bạn trẻ hãy vâng phục các trưởng lão. Mọi người hãy vâng phục lẫn nhau, mặc cho mình sự khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự những kẻ kiêu ngạo mà ban ơn cho những người khiêm nhường.” (I Phi-e-rơ 5:5).

Chúa nói gì: “Mặc cho mình sự khiêm nhường”.
Đó chính là hành động chủ động của mỗi người chúng ta, chọn sự tự làm mình nên khiêm nhường, khi thấy sự kiêu ngạo ở nơi lòng thì biết ăn năn, từ bỏ mà chọn lấy sự khiêm nhường, tôn cao danh Chúa và tôn trọng người khác hơn chính mình qua sự vâng phục, sống theo Lời Chúa.

Sự khiêm nhường được ích lợi đủ mọi bề:

Khi chúng ta trong sạch với tội lỗi mà biết mặc lấy sự khiêm nhường thì chúng ta càng nhận thấy mình nhỏ bé, cần hạ mình càng hơn để học hỏi cho càng thêm lên sự hiểu biết về Chúa, sống nếp sống đẹp lòng Chúa trong sự bình an, vui mừng và kết quả.

Khi chúng ta nhỡ phạm tội nhưng biết mặc lấy sự khiêm nhường thì chúng ta biết hạ mình, đau đớn về sự phạm tội của mình mà ăn năn và ý thức rằng, sức mình không thể làm được điều gì, không thể tự mình chiến thắng tội lỗi được nên càng biết nương dựa Chúa hơn để không phạm tội.

Sự khiêm nhường khiến các em luôn biết vâng phục trong Chúa và làm vui lòng ba mẹ mình. Về sau được xem là lớn trong vương quốc Trời.

Đây chính là giá trị của sự khiêm nhường trong Chúa mà chúng ta cần ghi nhớ để áp dụng vào đời sống. Nếu không có sự khiêm nhường thì chúng ta sẽ chẳng học biết được gì cả, chẳng thể lớn lên trong đời sống đức tin trong đời này và khó mà có thể vào được vương quốc Thiên Đàng. Dẫu có vào được thì cũng chỉ được xem là nhỏ trong Thiên Đàng mà thôi.

Nguyện Lời Chúa nhắc nhở chúng con mỗi ngày. Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ

Nguyễn Thị Trinh.